Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Vũ Bằng - Một cái tôi phức cảm trong ký

Vũ Bằng - Một cái tôi
phức cảm trong ký

Khi nhắc đến nhà văn Vũ Bằng, người ta hình dung đến một nhà văn đã dành tâm huyết cả đời thầm lặng sáng tác văn học nhưng cuộc đời lại chịu nhiều uẩn khúc, éo le. Các tác phẩm của ông dễ đi vào lòng người và tạo được những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Với nhiều trăn trở, say mê, tìm tòi và sáng tạo, coi sáng tác văn chương là cách để nối dài, mở rộng tầm kích đa chiều của cuộc sống ngắn ngủi và khép kín; Vũ Bằng đã tiếp cận, khai thác hiện thực muôn màu của đời sống bằng nhiều cách tân nghệ thuật khá ấn tượng khiến tác phẩm luôn cuốn hút người đọc, thật sự tạo ra những dấu ấn quan trọng và ý nghĩa đối với văn học Việt Nam.
Nhà văn Vũ Bằng
Đến với địa hạt kí của Vũ Bằng là đến với không gian buồn xa vắng với nỗinhớ quê hương trong trẻo mà thấm thía của người xa xứ. Trong các tác phẩm của VũBằng, dấu ấn Hà Nội, Bắc Việt được in đậm từ hệ thống nhân vật, không gian đến ngônngữ, giọng điệu giúp đạt hiệu quả cao về nội dung và hiệu quả nghệ thuật. Cái tôi VũBằng đã cho độc giả hình dung về một vùng đất thơ mộng, bình dị mà đong đầy kí ức tuổi thơ. Trong sự nghiệp văn học của Vũ Bằng, kí là mảng quan trọng và gặt hái được nhiều thành công. Những tác phẩm kí đã thể hiện tình yêu của Vũ Bằng với miền đất quê hương bằng những quan sát tỉ mỉ, tinh tế. Tất cả được dẫn dắt bởi nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn rất có duyên của nhà văn về thiên nhiên và con người. Việc nghiên cứu những sáng tác kí nói riêng và toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn Vũ Bằng nói chung góp phần giúp người đọc hiểu thêm về vị trí, vai trò và cái tôi Vũ Bằng trong sáng tác và tiến trình văn học Việt Nam.
1. Cái tôi chân thật đầy dũng cảm và tinh thần trách nhiệm trong hồi kí “Bốn mươi năm nói láo”
Trong tác phẩm hồi kí “Bốn mươi năm nói láo”, Vũ Bằng đã tự bạch về cuộc sống làm nghề nhà báo suốt mấy chục năm trời – cái nghề mang câu châm biếm của người đời “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Vũ Bằng cũng từng nhận định: “Người ta nói làm báo là nói láo ăn tiền, mặc họ; nhưng người làm báo chân chính không thế và không bao giờ quan niệm nghề nghiệp của mình như vậy. (…) báo chí là một bộ môn văn hoá phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ, cho một chế độ xã hội”; “(…) báo chí luôn luôn có tính năng tranh đấu và xây dựng” [2, tr.362].
Với quan điểm đúng đắn đó, Vũ Bằng đã nhập cuộc một cách say mê và dành tất cả cuộc đời, tâm huyết cho nghề báo: “Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ. Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo”[2, tr.389]. Tuy là thuật lại một nghề nói láo nhưng Vũ Bằng lại sử dụng cái tôi chân thật của mình để thuật lại chuyện làm nghề báo của mình, của anh em bạn bè đồng nghiệp với mối quan hệ với các nhà đầu tư tư sản.
Trong tập hồi kí này, Vũ Bằng viết tất cả sự thật của cuộc đời mắt thấy tai nghe, ông không hề giấu cả thời gian bản thân là kẻ nghiện ngập, chơi bời, rượu chè đến tan nát nhà cửa, gây phiền lòng đến người vợ thân yêu. Vũ Bằng lại rút ruột gan ra kể lại kinhnghiệm làm báo đủ thể loại của mình và kể rất cụ thể và sinh động về mỗi ngành chuyên môn của báo chí, từ Báo tếu sang Báo đấu tranh, đến Báo xây dựng rồi “Báo hại”. Cuộc đời bốn mươi năm làm báo của chính Vũ Bằng từ khi bén duyên với văn nghệ vào những năm thập niên 30, 40 đến khi nhận những chức vụ cao cấp tại các toà báo như vị trí chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư kí tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn, rồi quãng đời ông làm báo lưu động ở khu Ba.
Ông cũng chân thật khi lột trần những góc khuất tiêu cực trong nghề báo như chuyện “bôi trơn”, đút lót, làm tiền, tham nhũng, bóc tách từng thế lực “chống lưng” cho cơ quan ngôn luận phát ngôn, mục đích của từng bài báo chính trị,…Để chấp nhận cho cái tôi chân thật của mình lên tiếng trong một tác phẩm công khai, Vũ Bằng phải dũng cảm và trách nhiệm với nghề báo vô cùng. Vì nhiệt huyết, đam mê và trách nhiệm với nghề con chữ này, mà ông dùng mọi bút lực để vạch trần những thiển cận, tiêu cực của nghề, không phải để hả hê hay tự thấy bản thân ngạo nghễ, mà vì tương lai trong sạch, đanh thép của báo chí nước nhà. Vũ Bằng tự nhận thức được mình đang nắm trong tay “quyền lực thứ tư” của xã hội. Vì thế, ông ý thức được, dưới cương vị là một nhà báo phải chịu trách nhiệm cho từng lời viết ra, hiểu được những hệ luỵ và tiêu cực trong nghề để điều chỉnh.
Bằng cái tôi đầy dũng cảm của mình, tác giả hiểu rằng báo chí phải đại diện cho người dân thấp cổ bé họng, thay họ nói lên tiếng nói đấu tranh, đòi lại công bằng từ oan ức, bế tắc. Với hồi kí “Bốn mươi năm nói láo”, Vũ Bằng đã truyền cho những nhà báo tương lai tình yêu nghề báo và tinh thần trách nhiệm với ngòi bút của mình, truyền cho độc giả bốn phương tình cảm quý trọng nghề báo và coi nhà báo là người “cùng phe” – giúp họ giải toả oan khiên trong đời. Trong từng trang hồi kí, Vũ Bằng đã viết rất chân thật bằng tấm lòng đam mê con chữ, trách nhiệm với nghề và thẳng thắn bày tỏ những điều mình nghĩ, góp phần làm nên giá trị cho cuốn hồi kí mang hơi thở riêng Vũ Bằng.
2. Cái tôi đong đầy hoài niệm và nỗi nhớ trong bút kí “Thương nhớ mười hai”
Với bút kí “Thương nhớ mười hai”, tác giả Vũ Bằng gieo những con chữ đầu tiên khởi nguồn cho tác phẩm vào những ngày đầu tháng Giêng năm 1960. Trải qua gần mười hai năm dồn nén, ấp ủ nâng niu, năm 1971, Vũ Bằng hoàn thành “đứa con tinh thần” mà như nhà văn Triệu Xuân đã từng ca ngợi “là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương”.
Tác phẩm “Thương nhớ mười hai” gồm phần Tự ngôn và mười ba chương sách, trong đó, mười hai chương viết về những hoài niệm, nỗi nhớ sản vật, thiên nhiên, lễ tết, phong tục tập quán,…của từng tháng trong năm ở quê hương Bắc Việt, riêng chương cuối, tác giả Vũ Bằng viết về phong tục ngày Tết quen thuộc của quê hương.
Đi từ nỗi nhớ được dàn trải đậm đà và sự xót xa hoài niệm vùng đất Bắc Việt, tác giả Vũ Bằng giới thiệu về Hà Nội – tình yêu đối với Hà Nội bằng sự cảm nhận tinh tế trong mười hai tháng với mười hai cuộc đổi thay của tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ. Đối với Vũ Bằng “mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ riêng” và tác giả ghi lại không nhằm mục đích gì cao rộng, chẳng qua chỉ là đánh dấu những ấn tượng hiện ra trong trí óc. Đối tượng được nhà văn gợi nhớ nhiều nhất trong “Thương nhớ mười hai” là thiên nhiên, cảnh vật Bắc Việt. Hầu như chương nào của tác phẩm, Vũ Bằng cũng đều đi từ sự chuyển sắc của thiên nhiên, dựa vào mùi vị đất trời mà khởi phát cho nét vẽ Bắc Việt được rõ nét. Nhờ vào ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng mà khi đọc tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, những người Bắc Việt xa quê cũng nhớ lại rõ mồn một chi tiết từng khoảnh khắc giao mùa ở quê hương, như đã khắc chạm vào trong huyết mạch, chỉ cần lay động nhẹ bằng hình tượng và đánh thức dậy bởi văn phong đẹp như tranh của tác giả mà hoài niệm ùa về như thác lũ. Nó cũng khiến những người con mảnh đất khác, chỉ một lần đọc qua cũng rùng mình bởi cái rét nàng Bân hay cảm nhận được những cơn mưa rào thơ mộng.
Nỗi nhớ, hoài niệm trong hồi ức của tác giả không chỉ dành cho thiên nhiên, cảnh sắc Hà Nội mà còn dành cho người vợ đầu ấp tay gối. Ngay từ lời đề từ cho tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, tác giả đã thể hiện cái tôi ấp ủ nỗi nhớ thương dành cho quê hương và người vợ thân thuộc: “Bắt đầu viết cuốn sách này là nhớ. Viết đến câu cuối bài tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: NGUYỄN THỊ QUỲ.” [3;tr.5].
Tác phẩm kí này Vũ Bằng viết tặng cho người vợ tảo tần hôm sớm, lo toan, hi sinh cả đời vì tác giả, chịu bao lời khinh khi của miệng đời trong thời gian Vũ Bằng tham gia hoạt động mật. Bà là người phụ nữ đại diện cho con người xứ Bắc kiên cường, nhẫn nại và mang nét đẹp chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam bao đời. Bà Quỳ là người vợ mà Vũ Bằng tri ân, thương nhớ suốt đời, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào trong nhiều sáng tác của ông. Đối với Vũ Bằng, bà Quỳ không chỉ là người vợ mà còn là người mà ông biết ơn cả đời, người đã vực ông dậy trong những ngày mê đắm thuốc phiện, nhẫn nhịn chịu bao lời oán trách của xã hội vì ông mang tiếng là kẻ “dinh tê, di cư, phản bội”, bà vẫn luôn chờ đợi ông trở về cố hương để gia đình sum họp, êm ấm.
Vì vậy, trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, hầu như chương nào, tác giả cũng dành không gian riêng để tái hiện hoài niệm, hồi ức gắn liền với người vợ tận tụy của mình bằng những lời tâm tình tràn đầy yêu thương như đang thủ thỉ. Cái tôi hồi tưởng, nhung nhớ, hoài niệm của Vũ Bằng thể hiện đầu tiên qua việc miêu tả người vợ bằng những nét tả vô cùng chi tiết, sống động: Bà Quỳ là một người phụ nữ đẹp với “bóng lưng thon nhỏ”, “đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót”, “thơm ngát mùi hoa cau”, mang vẻ tươi sắc của xứ Bắc kiêu kì mà giản dị. Thông qua cách miêu tả của Vũ Bằng, người vợ ấy hiện ra lung linh, huyền ảo như được thiên nhiên tô màu “trong mắt vợ cũng như có trăng, có trăng ở cả toàn thân, mặc quần áo mà như là khỏa thân, chạm mạnh vào thì vỡ”, “đôi má vợ phơn phớt hồng như hoa đào, tấm áo nhung đen rưng rức làm nổi bật sắc da ở cổ tròn trịa hẳn lên, cặp môi có vẻ thắm thêm một chút,…, làn da ấm áp thơm thơm mùi hoa chanh” [3;tr.45].
Những hành động, lời nói chăm sóc thường nhật của người vợ cũng đều được Vũ Bằng tái hiện lại sinh động như một thước phim đen trắng cũ kĩ nhưng đủ khiến xung động thần kinh của người đọc rung lên vì cảm động, hòa chung cùng nỗi thương nhớ thiêng liêng của tác giả: “Và càng thương hơn nữa là khi thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhàu nếp lụa” [3;tr.44].
Vũ Bằng phải thương người vợ tần tảo, chăm chút cẩn thận cho chồng con đến tột cùng nên trong trang hồi kí của ông, nỗi hoài niệm, mong nhớ vẫn luôn tràn đầy. Trong kí ức hoài niệm đó, ông yêu mến, trân trọng bà Quỳ còn vì sự tinh tế, ý nhị, hiểu chồng của bà Quỳ “người vợ biết ý chồng, mua cá anh vũ nấu cháo ám thì người chồng thấy hợp giọng hơn nhiều lắm” [3;tr.45]. Có lẽ nhờ tài tháo vát, đảm đang của vợ mà những món ăn vợ làm, người chồng đều nhớ như in, cả mấy năm sau, hương vị vẫn còn như tê tê nơi đầu lưỡi. Từ đó, mà không tiếc chi những lời khen ngợi yêu thương không hề che giấu, ngượng nghịu “Nhớ quá chừng là nhớ, thương không biết ngần nào là thương. Thương nhất là người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức ấy, không bao giờ đợi cho chồng phải nói lên sự ước mơ” [3;tr.52], hay nhớ thương hoài niệm đến nỗi không cản được phải giãi bày chân thật “Em ơi, em ơi, nhắc lại như thế thì nhớ quá. Nhớ cũng đúng vào cữ tháng Ba như thế này, và một năm đã xa xôi, chúng ta cùng nhịn đói đi xem tung còn mà bụng thấy no, phải không Quỳ?” [3;tr.53].
Nỗi nhớ ùa về từ những kỉ niệm hai vợ chồng cùng đi trẩy hội chùa, xem hội tung còn hay về Vụ Bản thuê căn nhà rơm nghỉ mát… Câu hỏi tu từ “Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu?” như đang xé tâm hồn con người nhung nhớ và cái tôi hoài niệm của tác giả thành từng mảnh lụa nhỏ, rơi rớt khắp các ngày tháng kỉ niệm, mỗi mùa, từng tháng lại một kỉ niệm vợ chồng đầm ấm, ái ân khác nhau, nhưng lại đau xót xiết bao.
3. Cái tôi nồng nàn tình yêu quê hương trong bút kí “Miếng ngon Hà Nội” và “Miếng lạ miền Nam”
Hai tập bút kí “Miếng ngon Hà Nội” và “Miếng lạ miền Nam” của Vũ Bằng được xem là hai cuốn cẩm nang ẩm thực hai miền Nam, Bắc sống động và đồng thời thể hiện tính trào lộng, hóm hỉnh quen thuộc trong cách viết của Vũ Bằng. Trong bút kí “Miếng ngon Hà Nội”, Vũ Bằng kể về 15 món ngon nổi tiếng trong kho tàng ẩm thực độc đáo của xứ Bắc Việt. Đó là phở, là rươi là các thứ bánh và không thể thiếu được món “mộc tồn”. Mỗi món ăn đều được tác giả đặc tả chi tiết, sinh động từ việc liệt kê nguyên liệu, cách bài trí, cách ăn, cách thưởng thức của người dân ở vùng đất này.
Tính trào lộng được thể hiện ngay trong chính từng cách ăn có phần “khó tính” của người miền Bắc: “Nếu ta đã từng thấy có những người giàu có, nghiện thuốc phiện, chui vào những cầu gác bẩn thỉu, hôi hám để ăn thuốc mới thấy “đã thèm”. Thì ta lại cũng thấy biết bao nhiêu người sang trọng lần mò tới chỗ rất tồi tàn để ăn cho được một hai bát phở. Đó là do người ăn phở sành, hầu hết, chỉ chủ tâm đến cái điểm chính là phở mà thôi, chứ không quan tâm đến ngoại cảnh làm gì. Điều cần thiết là bánh phải mỏng và dẻo, thịt mềm, và nhất là nước dùng phải ngọt, ngọt kiểu chân thật, nghĩa là ngọt vì nhiều xương, tẩy vừa vặn không nồng, mà lại tra vừa mắm muối, không mặn quá mà không nhạt quá..” [4;tr.33].
Vũ Bằng lấy những hình tượng đối nghịch nhau giữa người giàu/kẻ nghiện thuốc cùng vào nơi “cầu gác bẩn thỉu, hôi hám” để ăn “phở” tạo nên sự so sánh thú vị. Nhiều người Hà Nội “nghiện” món phở cũng như kẻ nghiện thuốc. Tác giả hóm hỉnh đề cập đến cách sành ăn của người Bắc Việt, đề cao sự cầu kì, tỉ mỉ, tròn vị đến từ công cuộc thu hoạch, lựa chọn nguyên liệu, gia vị phải nêm đúng liều lượng đủ dùng, vừa ăn, lại phải gia giảm phụ gia sao cho mọi vị chua cay mặn ngọt đều phải hài hoà. Chính cách ăn cầu kì, đề cao cách làm truyền thống của người miền Bắc đã tạo nên sự trào lộng trong ngòi bút của Vũ Bằng. Tác giả nhận định “người xứ Bắc sành ăn và kén ăn ghê gớm, họ dễ nổi giận nếu như món ăn không hợp miệng” [4;tr.34]. Bởi vậy mà xoay quanh miếng ăn thôi cũng đủ thứ chuyện dở khóc dở cười, như chuyện “hàng phở đợi” nức danh Hà thành: “Anh ta cứ thản nhiên, thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng – ai đợi lâu, mặc; ai phát bẳn lên; mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc. Đi ôtô đến ăn cũng thế, mặc áo vải đến ăn cũng thế; các bà các cô đẹp đáo để, đến ăn cũng thế. Anh ta không đặc biệt riêng với ai – kể cũng dân chủ đấy! – nhưng có nhiều bà tức vì anh ta không nịnh đầm. Ghét quá. Thế thì thuê một cái nhà rộng, mượn thêm người làm có phải lợi không? Hay là điều đình với xưởng củi người ta để cho một gian, bày mấy cái bàn, cái ghế, có người trông nom, tính tiền cẩn thận có phải không mất mát không? Mặc cho ông cứ nói, anh phở Tráng không trả lời – nhất là không bao giờ cười. Trông mà lộn ruột, muốn tát cho một cái. Chết một nỗi ghét người thì thế, nhưng đến cái phở của anh ta muốn ghét, không tài nào ghét được.Có ai chen chúc vất vả, hò hét đứt hơi được một bát phở của anh, mà lại chưa ăn ngay, còn dừng lại một phút để ngắm nghía, phân tách bát phở đó ra thế nào không?”[4;tr.53].
Bút kí “Miếng ngon Hà Nội” thông qua cái tôi hóm hỉnh của Vũ  Bằng là món ăn dù bán trong góc tối, xó xỉnh nhưng không phải ai cũng ăn được. Những kẻ sành ăn muốn món ăn tròn vị thì dù tức tối vì chờ đợi, vì không được coi là thượng khách vẫn phải chấp nhận. Mười lăm thức ăn, đặc sản, thức quà của Bắc Việt được tác giả gợi lên thông qua đầy đủ các giác quan để cảm nhận trọn vẹn hương sắc, mùi vị của chúng. Là món bánh cuốn phải có nước mắm ngon “Ăn vào đến đâu, ấm ngay lòng đến đấy. Thú hơn một bực là mình được ngồi ngay đầu quán mà ăn, được chiếc nào, ăn chiếc đó, thiếu nước chấm thì gọi lấy thêm ngay. Ở nhà, mỗi lúc đâu đã có cái thú tự nhiên như vậy? Mình lại thấy bắt thương cho những ông khệnh khạng, ăn một miếng giữ gìn một miếng, chỉ sợ ngồi ở “đầu đường xó chợ” thì “nhĩ mục quan chiêm”; món bánh Xuân Cầu “ngấy ơi là ngấy” nhưng cứ mùng một Tết ăn vào lại ngon đáo để “Cầm lấy một miếng bánh mà thưởng thức! Lấy lưỡi đẩy một miếng lên khẩu cái, bạn sẽ thấy bánh reo lên nhè nhẹ, tan ra nhè nhẹ; dư vị của mật quyện lấy đầu lưỡi ta; cái béo, cái ngậy cùng với cái ngọt, cái bùi vuốt be hầu đầu ta và đem lại cho ta cảm giác đương nghe thấy trong lòng dạo lên một bản nhạc có tiếng đồng chen tiếng sắt.” [4;tr.24].
Đối với các món ăn đặc sản quê hương, nhà văn chú tâm miêu tả chi tiết hơn, như muốn tất cả tình yêu quê hương được ướp đậm vào những món ăn tinh tế. Văn chương của Vũ Bằng khi đặc tả những món ăn trở nên trôi chảy lạ thường, khiến độc giả cảm tưởng như đang được thưởng thức món ăn được bày ra trên trang giấy, nhận thấy vị tan trên đầu lưỡi, hương thơm dậy nơi sống mũi. Chính những món ăn đã đi vào tâm hồn, vương vấn bước chân của người con xa quê luôn muốn chạy ào về với quê mẹ đã khiến Vũ Bằng càng thương nhớ lại càng yêu thương. Từ đó, ta mới nhận thấy, thật sự, Vũ Bằng đã mang tâm hồn Bắc Việt vào đất Sài thành và bên trong con người với tình yêu thương đáng quý kia vẫn ngào ngạt màu sắc, hương vị Hà Nội, không phai tàn hay nhạt màu theo năm tháng.
Trải qua mấy mươi năm sống nơi Sài Gòn phồn hoa, tác giả vẫn không nguôi thương nhớ Hà Nội. Vì lẽ đó, mà những dấu ấn hoài niệm của tác giả vẫn in đậm trong tâm trí về con người và thức quà đặc trưng của vùng Bắc Việt thân thương. Thếnhưng, “nhập gia tuỳ tục”, tác giả vẫn trân trọng và yêu mến mảnh đất miền Nam hồn hậu, ân tình. Tác giả cũng yêu Sài Gòn và miền Nam mến thương như yêu Bắc Việt. Bởi mấy mươi năm xa đất kinh kì, tác giả mang theo nỗi thương nhớ dành cho cố hương vào lập nghiệp tại miền Nam, dù trong lòng vẫn đau đáu vì nỗi xa cách quê hương, gia đình, vợ con, nhưng thời gian cũng xoa dịu phần nào và chính mảnh đất miền Nam khoan dung đã che chở, bao bọc và khiến Vũ Bằng học cách hòa mình vào cuộc sống bận rộn ở Sài thành.
Cái tôi hóm hỉnh của tác giả thể hiện trong bút kí “Miếng lạ miền Nam” ở chỗ món nào tác giả cũng “khen” từ nguyên liệu dân dã độc lạ rùa, chuột đồng, rắn, ốc,…mà miền Nam mới có, gia vị nêm nếm lạ kì đến “khen” người nấu là người vợ, người mẹ, người cô, người em cũng như “hóa thành” thức ăn hảo hạng. Tác giả “giễu” người đô thành không biết ăn thịt chuột: “Ở Bắc Kỳ, tại các miền quê, có khối người ăn thịt chuột, nhưng anh chỉ nghe thôi mà thực mắt thì chưa thấy ai ăn bao giờ. Anh ta quan niệm rằng những người ăn uống như thế là ăn uống lem nhem, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn thịt chuột; phải chi có tiền để ăn thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt vịt thì chắc chắn không có ai nghĩ tới chuyện ăn thịt chuột bao giờ.” [5;tr.21], để rồi tác giả lật ngược lại ý nghĩ về thịt chuột vừa sợ, vừa ghê đó bằng việc ca ngợi thịt chuột còn được ưa chuộng và ca tụng hơn cả thịt gà, thịt vịt, thịt rừng, thịt chó.
Cái tôi hóm hỉnh của tác giả không chỉ đề cao thịt chuột mà còn đề cao “người chế biến” món ăn này: “Cô Năm đi chợ, anh thấy chính cô cũng ca ngợi thịt chuột và mua về mấy chục ăn chơi. Người cô đẹp, giọng cô hữu tình, mắt cô lại lẳng: thế là chết anh đàn ông, tự nhiên nhìn thấy cái gì của cô cũng đẹp, lời nói nào của cô cũng hữu lý có duyên và anh ta muốn ăn thử xem thịt chuột ra thế nào mà người đẹp ca ngợi hết lời như vậy. Cái máu mê của anh đàn ông đa tình đánh cho chết cũng không bao giờ thay đổi. Nhưng vốn đã biết tính đa nghi của vợ, anh vẫn làm bộ giẫy lên đây đẩy để cho chính vợ phải khuyên nhủ đừng làm buồn cô Năm, anh ta mới không chê ỏng chê eo. Ừ thì ăn, đã làm sao chưa? Anh ta nghé bên này, ngó bên kia, làm ra cái bộ ngạc nhiên hết sức, nhưng rút lại cũng cứ bám cô Năm đi hết các dẫy hàng ở chợ để xem cô lựa chuột” [5;tr.35]. Nhìn món ăn miền Nam không chỉ thấy ngon phần hình thức mà còn bổ âm dương, cường tráng sinh lực và quý tình người nấu. Tác giả “khen” món đuông cũng vậy: “miếng đầu kinh kinh, nhưng liều nhai thử xem sao; đến miếng thứ hai – ờ này, nó ngầy ngậy, beo béo nghe hay đáo để. Miếng thứ ba vừa nhai vừa nghĩ, thì thấy nó đặc biệt không thể ví được với bất cứ một thứ gì mình đã được ăn từ trước tới nay… Thế rồi thì đến miếng thứ năm, thứ sáu – phải nói thực là mình đã bị đuông cám dỗ. Rồi từ đó mình thành ra mê đuông – có khổ không?!” [5;tr.47].
Từ đó, nhà văn dùng cái tôi hóm hỉnh của mình để “khen” món lạ miền Nam mà ông từng được thưởng thức. Thông qua tác phẩm “Miếng lạ miền Nam”, ta nhận thấy ở cái tôi Vũ Bằng nồng nàn tình yêu quê hương đất nước. Ẩn chìm trong câu chữ đậm đà tình người và hóm hỉnh, tươi vui trong tâm tưởng, nhà văn đã tái hiện sống động, đầy màu sắc, âm thanh và hương vị những thức quà miền Nam hấp dẫn, đậm đà ân tình bằng lời văn mộc mạc, phong cách bình dân có khi bỗ bã của mình. Từng món ăn nơi quê hương thứ hai miền
Nam nồng hậu mang những nét đặc trưng riêng khiến cho cả những người con ở miền đất khác cũng như được trực tiếp nếm những món ăn dân dã, đầy hoài niệm và yêu thương theo cách đặc tả khéo léo của Vũ Bằng. Ký là một trong những thể loại văn học thành công bậc nhất của địa hạt văn chương Vũ Bằng, thể hiện lượng kiến thức, vốn sống đồ sộ, sự trải đời dạn dày kinh nghiệm của nhà văn. Trong các sáng tác ký của Vũ Bằng, tinh túy nhất, chắt lọc nhất là tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam được thể hiện bằng tất cả lòng thành kính, trân quý thông qua cái tôi đầy cá tính của tác giả.
Vũ Bằng đã dùng cái tôi chân thành, dũng cảm, đầy trách nhiệm trong “Bốn mươi năm nói láo” để phác họa lại diện mạo của nền báo chí Việt Nam, cũng như vạch trần những góc khuất tiêu cực của nghề báo nói riêng. Cái tôi hoài niệm, thương nhớ lại trải dài trong “Thương nhớ mười hai” với tâm tình về Bắc Việt và người vợ yêu dấu – được giãi bày trong sự tha thiết đến chới với, muốn nói thật nhanh, muốn nói ra bằng được những cảm xúc yêu thương, mong nhớ bấy lâu dồn ép. Và trong hai bút kí “Miếng ngon Hà Nội” và “Miếng lạ miền Nam”, tác giả lại phần nào thể hiện cái tôi hóm hỉnh, hài hước của mình trong việc thể hiện “nết ăn, nết ở” của con người hai miền Nam Bắc. Chính những nét riêng ấy đã góp phần làm nên chất văn độc đáo của Vũ Bằng. Cái tôi của tác giả dù ở màu sắc nào cũng đều đậm đà bản sắc dân tộc. Vũ Bằng – thực sự là con người của tình yêu và lẽ sống, là người con Việt Nam không bao giờ nguôi niềm khắc khoải cống hiến cho nền văn học dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Vũ Tuấn Anh, Bích Thu (chủ biên) (2006), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam,
Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2]. Vũ Bằng (2001), Bốn mươi năm nói láo, NXB Văn hóa thông tin.
[3]. Vũ Bằng (2021), Thương nhớ mừơi hai, NXB Văn hóa thông tin.
[4]. Vũ Bằng (2021), Miếng ngon Hà Nội, https://www.dtv-ebook.com/doconline.
[5]. Vũ Bằng (2017), Món lạ miền Nam, https://sachtruyen.net/xem-sach/mon-la-mien- nam.79dbd
[6]. Vũ Xuân Triệu (2009), “Nét đặc sắc trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng“, Tạp chí Non Nước, số 148, 7/2009, tr. 63 – 69. 
1/3/2022
Lê Y Pha
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...