Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Chuyện về rồng Bassac

Chuyện về rồng Bassac

Tôi nhớ hồi nhỏ, nghe ông nội kể rằng, vùng châu thổ nằm cuối cùng của Tổ quốc được lấy tên theo chín dòng sông. Mỗi dòng sông được ví như một con rồng nên mới có tên Đồng bằng sông Cửu Long. Khi cấp sách đến trường, dần dần tôi mới biết được vị trí của chín cửa sông đổ ra biển. Tôi xin nhắc lại tên chín cửa sông mà cha ông ta từ xưa đã đặt tên. Ở sông Tiền đổ ra biển bằng sáu cửa, đó là: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai. Ba cửa còn lại là Định An, Trần Đề và Bassac thì đổ ra biển từ dòng sông Hậu.
Các nhà nghiên cứu khoa học địa lí tự nhiên đã ước tính lượng nước chảy của khắp lưu vực sông Cửu Long khoảng sáu nghìn mét khối một giây vào mùa nắng, khoảng một trăm hai mươi nghìn khối một giây vào mùa mưa. Đồng thời cũng ước tính mỗi năm lượng nước chứa khoảng bốn nghìn tỉ mét khối và khoảng một trăm triệu tấn vật liệu phù sa trải khắp vùng sông Cửu Long.
Với những con số như thế cho thấy chín con rồng cuộn mình dũng mãnh đến cỡ nào. Vậy mà những năm gần đây có người nói rằng, một trong chín con rồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã âm thầm “lặn” mất, đó là rồng Bassac. Vậy rồng Bassac lặn do đâu? Lặn từ bao giờ?
Nhà văn Diệp Bần Cò tên thật Đỗ Ngọc Diệp, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, Sóc Trăng.
Bassac thuộc hệ thống sông Mê-kông, một đại trường giang mênh mông, xuất phát từ vùng núi tuyết Tây Tạng. Dòng nước ấy vượt hành trình ngàn dặm quanh co qua sáu quốc gia, Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam để tìm về với biển. Khi đến Việt Nam, Mê-kông rẽ ra hai dòng, rồi tiếp tục tung hoành chia ra chín nhánh, cuồn cuộn, phun trào vòi nước ra biển Đông.
Bassac, một con rồng góp nên tên gọi của một đồng bằng phì nhiêu rộng lớn.Vậy mà tôi về lại Cù Lao Dung đứng bên dòng Bassac đã nhiều lần mà lần nào cũng ngỡ ngàng khó tả! Rồng Bassac ốm yếu, âm thầm trầm mình giữa một cù lao bé nhỏ. Tôi đi dọc triền sông mà ngỡ đi bên con rạch nhỏ. Nước lớn dòng chảy cứ lừ đừ lên nhẹ. Nước ròng thì cạn đến nỗi người ta xách rổ xuống giữa lòng sông để bắt cá, tép. Chỗ rộng nhất của dòng sông hiện nay chỉ còn khoảng năm mươi mét mà thôi.
Những năm gần đây, khi nghĩ về sông nước Cửu Long, lòng tôi bỗng bồi hồi về những con rồng ngày đêm cuộn mình nuôi biển cả. Hôm nay nếu ai có dịp về đứng bên dòng sông Bassac, chắc chắn như tôi, sẽ bồn chồn nghe con rồng này đang thì thào, thủ thỉ chuyện gì?
Nhớ cách đây vài năm, khi lần đầu tiên tôi về đứng bên dòng sông này, tôi gặp được ông Mười Đài (Phạm Văn Mười, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Cù Lao Dung). Ông nói đây là sông Ba Thắc. Sau đó ông giải thích thêm, sông Ba Thắc tức là sông Bassac xưa, do phương ngữ người dân đọc trại Bassac lâu ngày thành Ba Thắc. Sông Bassac có chiều dài khoảng ba mươi ki-lô-mét. Ông Mười Đài dẫn tôi đến cuối cùng của dòng sông và cho biết đây là Vàm Hồ. Vàm Hồ cũng chính là cửa Bassac xưa. Nghe ông Mười nói mà tôi nửa tin nửa ngờ và thầm nghĩ, dòng Bassac xưa mênh mông rộng lớn, còn dòng sông nhỏ hẹp, sát khô này liệu có phải không? Bassac xưa, đưa vòi rồng phun nước thẳng ra đại dương, sao hôm nay lại rẽ vòi ngang đổ ra biển chung với cửa Trần Đề. Cửa Bassac rộng lớn ngày nào, nay không bằng một phần một trăm cửa Trần Đề thế kia. Tôi thấy trước mắt như đang bị đánh tráo trong tưởng tượng của mình về Bassac bấy lâu.
Lòng tôi chưa thỏa đáng. Tôi muốn biết chính xác vị trí con rồng Bassac nằm ở đâu? Sau đó không lâu, tôi quyết trở lại tìm hiểu. May mắn lần này gặp được đoàn của đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Long. Bởi đi với đoàn còn có Thạc sĩ Lê Thanh Nghề, bộ môn Tài nguyên và Môi trường thiên nhiên trường Đại học Cần Thơ. Khi đứng tại cửa sông nhỏ (Vàm Hồ), dùng máy đo định vị với những con số như sau: về vĩ độ nằm ở 9 độ 32 phút 27,6 giây, còn về kinh độ nằm ở 106 độ, 12 phút, 59,4 giây. Rồi ông đem bản đồ xưa ra so sánh và khẳng định đây là vị trí của cửa Bassac xưa.
Một sự khẳng định bài bản bằng những yếu tố khoa học vừa được đưa ra. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa. Thế là một lần nữa tôi tìm ông Mười Đài để thọ giáo thêm về dòng sông Bassac. Theo lời ông kể, ông sinh ra và lớn lên bên dòng Bassac. Tuổi thơ mỗi ngày tắm giỡn trên sông này. Ông nhớ mình đã lội hụt chân sém chết mấy lần, bởi dòng Bassac ngày xưa sâu và rộng lắm, rộng khoảng một cây số chứ không ít. Dòng nước chảy rất mạnh, mùa nước đổ, xuồng đặt máy ko-le 4 chạy ngược nước là coi như “đứng hình” không đi nổi. Con rắn nếu lội qua sông có thể đứt đuôi như chơi vì sông này ngày xưa tôm cá rất nhiều. Ban đêm ra mé sông nhìn những ngọn đèn bão chấp chới, nhảy múa giữa dòng sông của những xuồng câu, ghe lưới tựa như dãy phố thiệt đã con mắt. “Nhưng bây giờ còn đâu nữa mà nhìn cháu ơi!”. Mỗi đoạn ông Mười kể sẽ có một câu kết ngậm ngùi như thế. Nghe ông kể đến đây tôi bỗng liên tưởng, vậy là ngày xưa nguồn tôm cá trên sông Bassac cũng đã dưỡng nuôi không ít người sống dọc con sông này. Ông Mười còn kể thêm, dòng sông Bassac cũng gắn với một giai đoạn lịch sử kháng chiến hào hùng của quân và dân Cù Lao Dung năm xưa. Đó là vào những năm cuối thập niên bốn mươi của thế kỉ hai mươi, khi quân Pháp mở cuộc càn quét rộng về vùng căn cứ Cù Lao Dung. Dòng sông này tàu cỡ lớn của chúng ngược xuôi đổ quân hoành hành dữ dội. Năm 1947 chúng đổ quân lên vàm Rạch Già bị quân du kích của ta phục kích đánh chúng một trận tan tác, bắn chết tám tên lính Pháp, thu một số vũ khí đáng kể và diềm tàu chúng dưới đáy sông. Sau chiến thắng giòn giã ấy, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã viết nên bài ca “Du kích Long Phú”(Cù Lao Dung trước đây thuộc huyện Long Phú) với ca từ và giai điệu hào hùng. Hiện nay bên mé sông Bassac, tại vàm Rạch Già sừng sững một tấm bia ghi lại chiến công oanh liệt năm xưa cùng bài ca với giai điệu hào hùng ấy. Trong bài hát có đoạn rất hay như thế này: “Ai vượt Cửu Long giang/ Vững chí lướt sóng ngàn/ Có đoàn quân du kích/ Đón đưa được an toàn/ Quân giặc tuy hung hăng/ Nhưng nào thắng anh hùng/ Vững chèo khi tách bến/ Giữa dòng sông Cửu long/… Ai về Cù Lao Dung/ Nhớ ghé viếng Rạch Già/ Nhớ về An Thạnh Nhứt/ Hỏi Tây chết mấy thằng/…” Thế mới thấy dòng sông Bassac cũng thấm đẫm máu xương của cha ông ta một thời kháng chiến. Dòng sông này cũng có công nhận chìm lũ giặc dã man. Nghĩ đến đây tôi nhớ tới câu nói của ai đó: “Ôi! Tổ quốc ta, dòng sông nào cũng mang nặng chiến công, quê hương nào cũng đông đầy chiến tích”. Ông Mười cũng nói thêm, gần đây thôi, vào thập niên cuối của thế kỉ hai mươi, những chiếc đò dọc trọng tải cả trăm tấn, từ Làng Cá, Đại An, Trà Vinh cũng chạy băng qua tuyến sông này rú máy ầm ĩ đêm ngày để rước khách đi Cần Thơ và ngược lại.
Qua lời của ông mười Đài kể thì rõ ràng Bassac thuở nào nhộn nhịp đò ghe, mênh mang mặt nước, dồi dào tôm cá,…Vậy nguyên nhân nào mà con rồng Bassac lại thay hình đổi dạng thế kia? Một câu hỏi đặt ra không những làm cho các nhà khoa học, báo, đài phải cất công tìm hiểu mà cả những người trọn cuộc đời gắn bó bên dòng sông này cũng phải loay hoay tìm lời giải đáp. Nhưng bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Và nguyên nhân cụ thể ra sao vẫn còn đang bàn luận chưa ngã ngũ. Riêng tôi nhận thấy, sông Bassac cạn dần là vì một số yếu tố: Thứ nhất là do yếu tố thiên nhiên. Đó là sự bồi lắng phù sa hình thành nên các cánh cồn mới. Cụ thể là những cánh cồn nổi ngang quốc lộ sáu mươi, ngang phà Đại Ngãi, cũng là ngang đầu dòng sông Bassac. Cho nên làm sông Hậu ở đoạn này đổi dòng chảy lệch qua phía tây nam. Từ đó dòng nước đổ về sông Bassac yếu dần. Việc dòng chảy lệch qua phía tây nam, theo các nhà khoa học nhận định là do trên sông Hậu hiện nay, nhiều nơi khai thác cát bừa bãi đã làm sông Hậu bồi lỡ bất thường, ảnh hưởng rất lớn nhiều nơi. Điển hình là sông Bassac hiện nay. Thứ hai là do yếu tố con người. Hai bên mé sông người dân mỗi ngày cứ trồng cây bần lấn dần ra, rồi sau đó bao bờ lấn sông để nuôi thủy sản,… Cứ thế lâu dần dòng Bassac càng ngày càng hẹp lại. Bên cạnh nhiều người lại giăng đăng, giăng dớn, cậm chà dưới vực sông để giữ cá tép,… làm cản dòng chảy của sông góp phần cho những hạt phù sa bồi lắng dần. Yếu tố thứ ba là do sự phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông đường bộ của Cù Lao Dung nên tuyến sông này xuồng ghe ngày càng ít hoạt động, không khuấy lên được những hạt bùn dưới lòng sông để dòng nước tống đi. Đó cũng là một phần làm cho sông Bassac cạn dần.
Hiện nay sông rạch ở Cù Lao Dung được cầu bê-tông nối liền qua từng xóm ấp. Ai đến cũng khen hệ thống giao thông đường bộ ở đây. Nhưng những ai đã từng biết đến con sông này nhiều năm về trước, khi trở lại đi trên chiếc cầu Cồn Tròn (tức cầu bắc ngang sông Bassac) nhìn xuống dòng sông đều thốt lên rằng: “Trời ơi, con sông này sao giờ cạn sát đến vậy!”.
Từ thực trạng của dòng Bassac ta có thể lắng nghe cả Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay tâm sự điều gì? Mê-kông hào phóng cho Cửu Long mỗi ngày đất lấn dần ra biển và ngọt hóa, phì nhiêu cho trên ba triệu héc-ta đất nông nghiệp của toàn vùng. Đây là dòng sữa ngọt ngào cũng là đặt ân bấy lâu nay của thiên nhiên dành cho Cửu Long. Nhưng thiên nhiên không phải lúc nào, nơi nào cũng hiền hòa, ban phát màu mỡ cho Cửu Long mà có lúc, có nơi thiên nhiên lại bày trò cảnh trạng bể dâu, biến đổi bất thường. Nếu ở nơi hạ nguồn sông Cửu Long, phù sa không ngừng bồi thêm bờ thêm bãi, tặng những bãi nghêu, bãi sò,… trù phú dồi dào, thì nơi đầu nguồn như Tân Châu, Hồng Ngự thiên nhiên lại lấy mất rất nhiều xóm làng, ruộng đất. Phải chăng đây là trò chơi ú tim của thiên nhiên, diệt sinh – sinh diệt, bồi lỡ – lỡ bồi. Đúng là “sinh sôi mấy chỗ, tan tành mấy nơi”. Và trò chơi ấy đã làm cho Chín nhánh sông Rồng thay đổi hình hài theo thời gian. Song, nếu trách thiên nhiên bày trò thì trước tiên hãy nhìn lại những tác động do chính bàn tay con người gây ra. Trên các sông Cửu Long hiện nay, việc khai thác cát bừa bãi đã làm dịch chuyển dòng chảy. Từ đó làm nhiều mé sông trở thành hàm ếch và dần sạt lỡ trầm trọng. Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa lớn hơn bởi các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào, Thái Lan,… làm dòng chảy của Mê – kông yếu dần, cạn dần. Theo thống kê gần đây trên một số tài liệu, sẽ có gần hai mươi đập thủy điện lớn nhỏ nằm trong kế hoạch dọc theo hệ thống sông Mê-Kông. Trong đó ở thượng nguồn Trung Quốc có tám đập, năm đập đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ở hạ lưu sông Mê-kông như các nước Lào, Thái Lan, Campuchia sẽ có mười hai đập trong dự án. Theo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) của Ủy Hội sông Mê-kông kết luận rằng, mười hai con đập sẽ biến hơn một nửa dòng chảy tự do ở hạ lưu sông Mê – Kông thành các hồ chứa tù đọng. Các con đập này sẽ ngăn chặn sự di cư của cá và thay đổi môi trường sống tự nhiên của chúng. Theo đó, các loài cá sông Mê – Kông sẽ bị suy giảm, ước tính từ hai mươi sáu phần trăm đến bốn mươi hai phần trăm, dẫn đến thiệt hại khoảng năm trăm triệu đô-la mỗi năm. Hơn một trăm loài thủy sinh sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính khoảng một trăm linh sáu nghìn người dân sẽ bị mất nhà cửa và an ninh lương thực của hơn hai triệu người sẽ bị đe dọa. Hàng triệu người khác sẽ phải hứng chịu các tác động lên nguồn lương thực, thu nhập và đời sống của mình. Còn tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) đánh giá: “Việc mười hai đập đã được xây dựng trên dòng chính sông Mê-Kông là đập dâng, dung tích từ hai trăm triệu đến hai tỉ mét khối nước một đập, sẽ tác động rất lớn đến an ninh lượng thực, an ninh nguồn nước và an ninh xã hội của hơn mười tám triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Từ những đánh giá trên cho thấy, việc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đập thủy điện sẽ là Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta. Những năm gần đây đã cho thấy rõ, ở đầu nguồn Sông Cửu Long mùa nước nổi không còn như xưa nữa, nguồn cá về ít dần. Ở hạ nguồn thì nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng. Rồi đây Đồng bằng sông Cửu Long còn là vựa lúa lớn nhất cả nước được nữa hay không? Cây trái, hoa màu còn dồi dào bốn mùa nữa hay không? Và sẽ còn đảm bảo nền an ninh lương thực quốc gia nữa hay không? Cuộc sống, tương lai của hơn mười tám triệu dân ở Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào? Đây là vấn đề mà chúng ta đã đoán trước và có lẽ còn hơn thế nữa. Đây cũng là câu hỏi dành cho các nhà khoa học, nhà quản lý, tới đây sẽ có sách lược như thế nào và sự kiên định đối với các quốc gia chung dòng Mê-kông ra làm sao? Có lẽ cần phải khẩn trương và quyết liệt hơn.
***
Hiện nay có không ít người thốt lên rằng, Cửu Long chỉ còn Thất Long. Tức là chỉ còn bảy con rồng. Một phát ngôn nghe chẳng hay ho gì. Nhưng suy cho cùng cũng có lí do của nó. Về phía sông Tiền không khó khăn gì để nhận ra, hiện nay chỉ còn năm cửa tự do đổ ra biển. Một cửa còn lại đó là Ba Lai, từ năm 2000 đã được chặn lại bởi hệ thống cống đập ngăn mặn và dự trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp cho các huyện thuộc tuyến sông Ba Lai của Bến Tre. Ba cửa phía sông Hậu thì chỉ còn cửa Định An và Trần Đề. Bassac thì có người lại cho rằng, con rồng ấy đã “lặn” mất rồi, cả tên gọi của nó cũng dần quên lãng theo thời gian. Kể cả người dân Cù Lao Dung sống bên dòng sông này cũng gọi tên theo từng đoạn sông. Cụ thể đoạn đầu được gọi là sông cồn Cát, vì đoạn sông này nằm cặp với cánh cồn Cát. Tương tự là đến sông cồn Chín Liên, cồn Chén, rồi sông cồn Tròn. Sông cồn Tròn là đoạn sông dài nhất và nằm cuối cùng trên dòng Bassac. Ở cuối dòng sông, nơi đổ ra biển cùng với cửa Trần Đề, hiện nay không còn nghe ai nhắc đến tiếng cửa Bassac nữa mà thay vào đó là cái tên gọi mới, Vàm Hồ. Vàm Hồ, một cái tên không ăn rập gì với từ Bassac. Tuổi trẻ ở đây không có chút ấn tượng gì về hai tiếng Bassac, một dòng sông gắn với tên gọi của một vùng đồng bằng rộng lớn. Điều này là vấn đề mà những người lớn tuổi hiểu biết sống bên dòng sông cần quan tâm, cần phải nhắc nhở cho con cháu thế hệ trẻ biết dòng sông lịch sử này, cũng như để cho “dân ta phải biết sử ta”. Tôi nghĩ đây là yếu tố giáo dục truyền miệng trực tiếp hết sức quan trọng của chúng ta trong vấn đề này. Thiết nghĩ nếu cần, những người quản lí văn hóa và du lịch ở địa phương nên đặt một tấm bia tại Vàm Hồ hiện nay nói về cửa Bassac xưa thì yếu tố nhắc nhớ cho mọi người sẽ hay hơn. Còn giáo dục trên ghế nhà trường thì sao? Tôi đã khảo sát một số Sách giáo khoa lịch sử – địa lí ở cả ba cấp học hiện nay thì phát hiện một số sách in lược đồ của Đồng bằng sông Cửu Long không đồng nhất nhau. Có sách thì in đầy đủ chín cửa sông. Nhưng có một số sách chỉ in bảy, tám cửa sông mà thôi. Khi tôi hỏi một số học sinh về tên gọi của chín cửa sông thì nhiều em kể lặp bặp không đầy đủ. Đã đến lúc ngành giáo dục cần phải rà soát lại và kịp thời điều chỉnh để học sinh nắm rõ hơn về địa hình vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.
* * *
Nếu ví sông Bassac là một con rồng thì tôi xin ví mỗi vườn cây, bãi mía, rẫy màu hai bên mé sông này là vảy rồng. Nếu mạch máu của con rồng lưu thông không tốt,…thì những chiếc vảy của nó liệu có bóng mượt hay không?
Chuyện dòng sông Bassac cạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp, ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Cù Lao Dung. Sông cạn đồng nghĩa với các con rạch, con xẻo trong hệ thống sông này cũng cạn theo. Bởi vậy, những vườn cây, bãi mía, rẫy khoai… bị nước tù đọng là điều không tránh khỏi. Những năm gần đây, câu chuyện tiêu mặn, rửa phèn cho đất nông nghiệp hai bên mé sông Bassac được nói đến nhiều. Rõ ràng tình trạng mía ở Cù Lao Dung những năm gần đây nhiễm phèn mặn bị cháy không ít. Những vườn cam, quýt cũng bị vàng lá, cằn cỏi rất nhiều, thiệt hại rất lớn đến thu nhập của người dân.
Có lẽ muốn phát triển kinh tế nông nghiệp của Cù Lao Dung được nhanh hơn, ngành nông nghiệp Sóc Trăng, đặc biệt là Cù Lao Dung nên khẩn trương nạo vét các con rạch, con xẻo, đặc biệt là sông Bassac để đất của người dân được khô ráo không còn tù đọng, ẩm thấp nhiễm phèn mặn như hiện nay.
Nếu được như vậy tôi tin tưởng rằng, một ngày không xa tôi trở lại Cù Lao Dung thấy được niềm vui rạng rỡ trên quê hương “nông thôn mới”, gặp được nhiều du khách háo hức về đây đi trên những chiếc xuồng chèo, bơi giữa dòng “máu” mạch nguồn thông thoáng của Bassac. Đi dọc triền sông để ngắm những chiếc “vảy rồng” mượt mà đầy sức sống.
8/4/2021
Diệp Bần Cò
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...