Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Người đàn bà mang dấu chấm thiên di

Người đàn bà mang
dấu chấm thiên di

Đời Dạ Ngân, kể cả văn chương, cái gì cũng muộn. Nhưng trong những cái mất, cái thua thiệt của tiền vận lại có cái viên mãn của hậu vận. Người đàn bà bé nhỏ, ngồi trong góc quán cà phê, nói những câu chuyện đời mình bằng những tiếng nói dịu dàng. Nhưng không thỏa hiệp. Giống như nhân vật Tiệp của tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”, một đời không ngừng vượt những ngáng trở. Để được làm chính mình.
Nhà văn Dạ Ngân
Sông Hậu nuôi Dạ Ngân lớn lên và nuôi chị một chặng đường văn chương dài. Đời người đàn bà viết văn như gió trên dòng sông, hun hút thổi những đam mê mà đôi khi người ta cũng cần một nơi neo giữ lại.
Chị nặng tình với con sông Hậu bởi nó mang một phần máu thịt của chị. Ở cuối dòng sông ấy, chị vẫn còn hai đứa con đã trưởng thành và biết hiểu cho mẹ.
Thu Uyên, cô con gái chia sẻ với mẹ như một người bạn lớn trong đời sống, cả về văn chương, tiền bạc và chuyện hạnh phúc, tình yêu. Cho đến bây giờ, khi chị đã trở thành bà ngoại và mọi chuyện đã bình yên, Thu Uyên vẫn là người bạn tâm giao, nghe cạn mọi điều, lấp vào khoảng trống tâm hồn của mẹ những điều ấm áp.
Con trai, có hiếu theo kiểu khác, ngoan lành, chí thú, đang đi Cao học ở Australia. Chị đã có cả thảy 10 đầu sách, hai lần đò, những đứa con hiếu đễ và ba đứa con riêng của chồng cũng hiếu đễ nốt, được thế cũng có thể xem là may mắn lớn.
Bởi thế, dù giữa Hà Nội 15 năm, giọng Dạ Ngân, cả trong văn và trong đời, vẫn hồn hậu, chất phác, nghe như cất lên từ đồng bãi, từ phù sa của dòng sông. Dòng sông ấy cho chị cả một cách nhìn đời, không nghiệt ngã mà luôn “tự AQ” theo phép “thắng lợi tinh thần”, để khi rơi vào vực sâu nhất của bi kịch, người ta vẫn không gục ngã.
Cuộc đời chị, như một sự báo trước của số phận, là một cuộc đời không suôn sẻ. Người đàn bà mang cái bớt thiên di giữa gan bàn chân của mình. Cái bớt ấy mang đến cho Dạ Ngân một tính cách độc lập, mạnh mẽ và quyết liệt.
Chị cười nhẹ, nói cũng nhẹ, nhưng luôn dứt khoát và khẳng định với những lập luận chắc chắn. Chị bảo, nếu như thuận theo ý Tổ chức, nếu chị không quyết liệt con đường văn chương, có thể chị đã trở thành một quan chức, sự nghiệp sẽ hanh thông nhiều. Nhưng chị là một người viết.
Khi Sở Văn hóa Thông tin Cần Thơ muốn đưa chị đi Trường Chính trị quốc gia để thành cán bộ nguồn thì chị khóc, năn nỉ để được sang Hội Văn nghệ để ngồi viết văn. Khi chị quyết theo nghiệp văn chương (năm 1981 có truyện in ở Văn nghệ) cũng là lúc chị nhận ra chị và chồng là hai đường thẳng song song không có chỗ gặp.
Hoàn toàn không phải là chuyện mâu thuẫn mang tính nhật thường của một gia đình trẻ, mà là ở ý hướng trong cuộc sống không trùng nhau. Giờ Dạ Ngân đã nói về những năm tháng ấy thật nhẹ nhàng, bởi mọi chuyện đã ở một ngăn xa của ký ức.
Nhưng khi ấy, tôi đồ rằng, chị đã phải vật vã nhiều, nghĩ suy đến còm cõi, để đưa ra một quyết định mà sau này, như một cái án treo lơ lửng trong lương tâm khi nghĩ đến quyền lợi của những đứa con.
Chia tay nhau, chị mang con đến ở nhờ cơ quan Hội Văn nghệ, sống và viết. Trong mắt của một số người, chị giống như một “con chiên ghẻ” của Chúa, một công chức với 7 năm không được nâng một bậc lương nào.
Vậy mà chị vẫn cứng cỏi sống, vượt mọi dư luận, cả những ngáng trở để đến với sự chọn lựa của đời mình, văn chương và sự tri kỷ đôi lứa.
Nói về những năm tháng bị lên án mạnh mẽ trong một tỉnh nhỏ của người phụ nữ viết văn, tôi lại liên tưởng tới Nguyễn Ngọc Tư của năm 2006. Sự so sánh nào cũng khập khiễng.
Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư ở hai thế hệ khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau và dư luận phản ứng về những vấn đề cũng khác nhau. Nhưng họ đều là những người phụ nữ miền Tây viết văn bằng bản năng và trải nghiệm của chính mình.
Nguyễn Ngọc Tư khi bị rắc rối bởi sức nặng của những con chữ vẫn còn điểm tựa là gia đình và bạn bè văn chương, những người yêu mến chị tạo nên sức mạnh thông qua kênh Internet một cách nhanh chóng và không kém phần hiệu quả.
Còn hai chục năm trước, khi Dạ Ngân bị “ném đá” vì đã viết “Con chó và vụ ly hôn”, chắc chị cũng phải kiêu hãnh lắm mới tồn tại được. Những năm đầu của thập niên tám mươi ấy, “Con chó và vụ ly hôn” gây ồn ào cho người đọc ngang bằng với dư luận ồn ào về cuộc tình của chị, nghẹt thở chứ chẳng chơi.
Dạ Ngân hay nói về bản lĩnh và số phận, chị kết luận, tính cách chị là tính cách động, mọi thứ đều động và chị rút ra kết luận, mình phải lập nghiệp xa quê.
Người viết văn tỉnh lẻ có một cái hạnh phúc là được yên tĩnh, nếu họ đủ bản lĩnh thì họ sẽ là một con cá lớn trên dòng sông của mình. Nhưng đôi khi người ta sẽ hoảng, sẽ thấy ngợp và không biết mình ở đâu và mình là ai nữa.
Chị ra Hà Nội, 41 tuổi mới bắt đầu đi học đại học, bắt đầu một chặng trần ai khác.
Tôi cứ hình dung Dạ Ngân chính là nhân vật Tiệp trong tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” của chị. Tiệp là đại diện cho khao khát sống bản năng và thành thật của con người trước những biến động xã hội và cả những lề thói đôi khi hủ lậu và khắc nghiệt, biến con người hành xử với nhau một cách bạo tàn, giả dối.
Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết ấy không phải là một cuốn tự truyện và hình dung của tôi chỉ là mong ước của một người đọc. Dạ Ngân nói, chị không viết tự truyện mà đã tiểu thuyết hoá một mặt cắt của đời sống mà chính mình và nhiều người thân là nguyên mẫu.
Nói như nhà văn Trần Thiện Đạo, “Gia đình bé mọn” là lời tự thú chân thật. Người phụ nữ nhỏ bé ba mươi tám cân, sống trong một vùng đất nhỏ, vùng vẫy khỏi những ràng buộc để đi đến đích hành trình mà mình tìm kiếm.
Dạ Ngân nói, chị đặc biệt thích cuốn “Người tình” của Marguerite Duras, nhưng Marguerite Duras là một đẳng cấp nhà văn của một nền văn minh lớn.
Chị là người phụ nữ đi từng nấc một trong cuộc sống, bươn chải và tìm kiếm cho mình một cuộc sống vừa đủ để tồn tại.
Chiến tranh, thất học, mặt bằng tri thức chung quá thấp, mình tài thì cũng tài vừa chứ lấy đâu ra ánh sáng của Paris? Cuộc sống Hà Nội dữ dằn, luôn thách thức tính cách động đậy và trung thực đến mức chát chúa của chị.
Bốn năm học Trường Viết văn Nguyễn Du rồi những năm đầu làm việc ở một tờ báo luôn bị xem là “trung tâm của nhạy cảm và phức tạp”, chị phải gò mình để sống và viết cho báo khác bằng những bút danh khác để có tiền vào Nam ra Bắc, ngoài mươi truyện ngắn mà tự chị thấy chúng khó vượt “Con chó và vụ ly hôn”.
Mãi đến năm 2002 đến nay, Dạ Ngân bảo chị mới thu xếp ổn thỏa hơn với môi trường thủ đô nên viết được nhiều hơn.. “Miệt vườn xa lắm”, “Gia đình bé mọn”, hàng trăm tản văn và hàng ngàn kỳ thư Tư vấn gia đình với cái tên Dạ Hương đã dần thoát ra khỏi cái khuôn của Báo Nông nghiệp Việt Nam, cái chính vẫn là sự gánh vác thầm lặng nhưng hết sức gian nan của mảng văn xuôi Tuần báo Văn nghệ.
Chị khiến độc giả tìm thấy lại chị sau mấy tập truyện viết ở Cần Thơ, bền bỉ, chân thực, cuối cùng chị đã bật lên bằng ánh sáng mới của tình yêu và những va đập tất yếu của đất thủ đô.
Tất cả những điều đó làm nên một Dạ Ngân khác, neo đậu lại  với bạn đọc, bởi sự chân thực chứ không phải vì những kỹ thuật tiểu thuyết hay những ý tưởng đao to búa lớn nào.
Tôi đọc chị, nghe chị nói về công việc viết văn bằng lời lẽ khiêm nhường, bỗng nhận ra người đàn bà này rất biết mình biết người, vì vậy mà chị được tiếng là dễ sẻ chia với thành công của người khác.
Dạ Ngân nói, chị sắp chia tay Báo Văn nghệ, nơi chị đang làm Trưởng ban Văn xuôi. Chị về hưu, để viết văn.
Vậy là chị đã ở Hà Nội tròn 15 năm, đủ để viết một cuốn tiểu thuyết chắc sẽ có tên là “Sống ở Hà Nội”, chị cười, bảo chắc nó cũng sẽ ngổn ngang như Hà Nội vậy. Biết bao chi tiết của một thời.
Và cái cảm giác của người làm biên tập, là người gác đền trong một ngôi đền đã không còn thiêng như mình mong ước nữa. Mà lỗi lại không phải ở mình, mà ở những khâu nào đó khiến sự bộc trực, thẳng thắn của một người phụ nữ Nam Bộ cứ bị tà đi, như là mình đang đi lạc vậy.
Cũng hay, chị lại ngậm ngùi AQ, nhà văn mà không có cái gì để bức xúc thì lấy động lực đâu để viết văn đây? Chị muốn rời bỏ công việc công chức, để viết 3 cuốn tiểu thuyết mà chị đang ấp ủ.
Khi tôi viết những dòng này thì Dạ Ngân đã “bỏ trốn” khỏi Hà Nội. Chị đã đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng, trốn ông chồng hiếu động gấp trăm lần mình, trốn bếp núc, trốn những cuộc điện thoại và trốn cả những buổi họp hành, để một mình với một cuốn sổ và vài cây bút.
Chị đang viết cuốn tiểu thuyết về hậu chiến. Chị sẽ “mất tích” trong hai chục ngày và một đứa con tinh thần nữa chắc sẽ được sinh thành như cái cách mà chị đã sinh thành “Gia đình bé mọn”…
Rồi sang đầu năm 2008, chị cùng chồng sẽ “thiên di” vào Sài Gòn. Chị AQ: “Ở xa thì Hà Nội sẽ rõ hơn, chắc sẽ dễ viết về nó hơn”.
Chị bảo: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, miền Nam có lợi cho sức khỏe người già, nhà văn Nguyễn Quang Thân U70 rồi, và di chuyển để về gần với các con, xa nhau như thế đủ rồi.
Không đi không được, vì đó là số phận, bởi chị trót mang trên mình dấu chấm thiên di…
18/10/2019
Dương Bình Nguyên
Nguồn: ANTGCT 2007
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...