Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Bây giờ, văn chương thì để làm gì

Bây giờ, văn chương thì để làm gì?

“Bây giờ, văn chương thì để làm gì?”. Khoan trả lời, mà hãy “ngần ngừ” một chút trước câu hỏi “cắc cớ” này, có thể nhiều người sẽ thấy ở trong đó, ngoài sự hoài nghi, còn thoáng một nỗi bi quan cho vận mệnh của văn chương, cho lý do thực sự mà nhờ đó văn chương trụ lại được trong dòng đời sống ngày hôm nay. Nỗi bi quan ấy không ngẫu nhiên nảy sinh theo kiểu nảy sinh một ý thích bất chợt. Nó có nguyên cớ của nó. Sự thui chột thói quen đọc sách, trong đó có sách văn chương, ở một bộ phận lớn độc giả tiềm năng – cái mà giới truyền thông Việt Nam ngày nay thường gọi là “sự khủng hoảng của văn hóa đọc” – cần phải được cắt nghĩa vượt qua và nhiều hơn một tình trạng “suy bại tinh thần xã hội” hay “học phong đình đốn” dễ dãi nào đó. Theo hướng ấy, một cách rốt ráo, có lẽ nên đưa ra một câu hỏi khác, đầy tính thực dụng: Đọc tác phẩm văn chương để được cái gì?
Cách đây một thế kỷ, thậm chí chỉ nửa thế kỷ thôi, câu trả lời sẽ đến rất nhanh: Để được biết nhiều hơn về thế giới này. Người trả lời có thể diễn giải như sau: Chúa nặn ra con người với tư cách là một sinh vật bất toàn, một sinh vật bị đóng khung trong cái bi kịch của sự giằng xé giữa hữu hạn và vô hạn. Nó sống ở đây, bây giờ, nhưng lại luôn thường trực niềm ham muốn được trải nghiệm đời sống của mình ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có một cây cầu để đưa nó đi từ bờ hữu hạn sang tới miền vô hạn thôi, đó là văn chương. Đọc tác phẩm văn chương, con người được lên rừng, xuống biển, vào lòng đất, ra sa mạc, tới thảo nguyên, đang ở hiện tại bỗng trở về quá khứ rồi thoắt cái lại nhảy vọt đến tương lai. Trong những cuộc dịch chuyển tọa độ không gian/ thời gian ấy, tri giác địa – lịch sử của người đọc được mở rộng, mà kiến văn về địa – nhân học, về địa – văn hóa của anh ta cũng trở nên dầy dặn thêm. Bởi anh ta được tiếp xúc với các cộng đồng người cùng phong tục tập quán và các thiết chế văn hóa xã hội của họ, anh ta được sống với các cuộc đời cá thể cùng bao niềm vui nỗi buồn, bao éo le khuất khúc, bao bi kịch hài kịch và những tấn kịch nhân sinh chưa được gọi tên khác. Biết được nhiều hơn về thế giới này cũng có nghĩa là biết được nhiều hơn về chính mình, biết được những khả năng cùng những giới hạn, những sức níu và những sức vươn nằm trong bản thân mình, một hạt bụi người trong thế giới. Tất cả những điều đó, người đọc có được là nhờ tác phẩm văn chương. Nhưng, trớ trêu thay, trong điều kiện của đời sống xã hội ngày nay, sức mạnh ấy của văn chương chừng đã không còn nguyên vẹn như trước; hay nói cách khác, sau câu khẳng định đã xuất hiện một vài câu hỏi nghi ngờ: Duy nhất văn chương làm được điều đó chăng? Liệu có thể có những loại hình khác sẽ đảm nhận công việc với hiệu quả cao hơn, và bởi thế, chúng sẽ đẩy văn chương xuống “bàn hai”?
Có. Báo chí, truyền hình, điện ảnh, đặc biệt là mạng xã hội, đã và đang là những thế lực biến văn chương thành kẻ “ở chiếu dưới” trong việc giúp con người hiểu biết nhiều hơn về thế giới này. Chúng mang cái thế giới rộng lớn, đa chiều và dồn dập các sự kiện đến với con người nhanh hơn, cụ thể hơn, sống động hơn nhiều so với điều tác phẩm văn chương có thể đem lại. Chỉ cần một cái nhấp chuột hay một cái nhấn nút chuyển kênh, ngay lập tức ta đã có thể biết những chuyển động ở thì hiện tại (hoặc quá khứ rất gần) trong thế giới mà ta đang sống: bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, chiến tranh ở Iraq, căng thẳng chính trị ở bán đảo Triều Tiên, sụt hầm mỏ ở Chile, bão lụt ở Trung Quốc, nạn đói và dịch bệch ở Somali, biểu tình ở Hương Cảng v.v… Sự lệch pha về thời gian giữa “sự kiện đang diễn ra” và “sự kiện đang được chứng kiến” là rất không đáng kể, và đó là điều mà tác phẩm văn chương không có cách gì giải quyết được. Hoặc giả, một cách chậm rãi hơn, nếu ta muốn biết về phong tục tập quán, đời sống xã hội, các thiết chế và giá trị văn hóa của một cộng đồng người nào đó ở một vùng đất nào đó trên bề mặt quả địa cầu này, rõ ràng là những chương trình truyền hình thực tế hoặc những bộ phim tài liệu khoa học sẽ thỏa mãn nhu cầu ấy tốt hơn nhiều so với một tác phẩm văn chương (Cần phải mở ngoặc đơn để nói thêm một chút ở đây: Chẳng cần so với truyền hình và điện ảnh, trong trường hợp này, một tác phẩm văn chương tốt nhất cũng không thể hơn được một ghi chép dân tộc học vào loại “cẩn thận”. Tôi không tin khi đọc một tác phẩm văn chương nào đó về đời sống của người Mường, tôi sẽ biết về người Mường nhiều hơn khi tôi đọc cuốn Người Mường ở Hòa Bình của Trần Từ, tức nhà dân tộc học Từ Chi. Tương tự như vậy, là người M’nông Gar trong Chúng tôi ăn rừng của G.Condominas, thổ dân châu Mỹ trong Nhiệt đới buồn của C.Levi Strauss). Cách đây không lâu, khi nhìn vào những thành tựu của văn học, khi phải cắt nghĩa giá trị của một số tác phẩm, chúng ta thường nhấn mạnh đến khả năng thâm nhập hiện thực của tác giả, cái cách anh ta sống cùng hiện thực, khám phá nó, rút tỉa nó, để từ hiện thực ấy làm nên một hiện thực khác, chân thật hơn, sống động hơn trong cuốn sách của mình. Những tác phẩm viết về đời sống của người dân công giáo vùng duyên hải Bắc bộ của Nguyễn Khải vài chục năm trước là ví dụ khá tốt cho câu chuyện này. Thời đó, khi mới ra đời, các tác phẩm loại này của Nguyễn Khải được đón nhận rất nồng nhiệt, mà một trong những lý do chủ yếu là chúng đã mở ra trước mắt người đọc cả một mảng đời sống phức tạp, có phong vị rất riêng, mảng đời sống mà lúc ấy không phải ai cũng dễ dàng có điều kiện thâm nhập và trải nghiệm. Một tác giả ở tạp chí Văn nghệ quân đội, khi nói về người tiền bối của mình, đã có nhận xét khá tinh: Lúc đó, nhà văn không chỉ là nhà văn, mà nhà văn còn gánh luôn công việc của nhà báo, tác phẩm của nhà văn là thông điệp nghệ thuật, và tác phẩm ấy cũng kiêm luôn chức năng của thông tin báo chí. Vài chục năm trước là thế, còn hiện nay, khi báo chí đã phát triển mạnh đến vậy, lại được sự hỗ trợ tối đa của công nghệ hiện đại, điều hiển nhiên là nó sẽ vượt trên văn chương rất xa trong việc đem lại cho con người những hình ảnh nóng ấm, tươi rói và hết sức cụ thể về thế giới này.
Nhưng nói vậy không phải là nhà văn đã hết việc (cũng có nghĩa là hết lý do để tồn tại, điều này sẽ nói sau), nhưng một cái nhìn khác đi về chức năng của văn chương theo cách như vậy là cần thiết. Vài ba năm trở lại đây ở ta rộ lên những ý kiến xung quanh nội dung “văn học phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”. Đã có hẳn mấy cuộc hội thảo như “Văn học với đề tài nông nghiệp, nông thôn”, “Văn học với doanh nhân” v.v… Một mặt, có thể xem điều đó như một nỗ lực nhận diện, đánh giá văn chương đương đại. Nhưng mặt khác, dễ nhận thấy hơn, động thái ấy chính là lời thúc giục, là sự yêu cầu người sáng tác văn chương phải lao mình vào những “dòng chảy lớn” của đất nước hôm nay, phải viết về nó, phải biến văn học thành nơi in đậm hình ảnh của xã hội.
Có hai vấn đề cần phải/ đáng được bình luận ở yêu cầu này.
Thứ nhất, Phải chăng đang xuất hiện xu hướng coi văn chương như một sự “chứng kiến” đối với những sự kiện, những vấn đề xã hội mà nhà văn là người phải thể hiện sự có mặt của mình, bất kể anh có cảm thấy đủ điều kiện và thời gian lắng đọng để làm điều đó hay không. Nông nghiệp, nông thôn ư? Việt Nam ta chẳng phải là đất nước mà nông nghiệp chiếm một vị trí tối quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nông thôn phủ trên đa phần diện tích lãnh thổ và trong mỗi người dân – dù là thị dân nhiều đời – đều sống một “người nhà quê” đó sao? Vậy tại sao nhà văn không viết về đề tài đó, nhất là khi nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ dưới sự tác động tích cực của những chương trình hành động lớn? Doanh nhân ư? Đó chẳng phải “một anh hùng của thời đại chúng ta”, một mẫu người mới, mẫu người mang lại sự giàu có cho quốc gia, bởi thế rất đáng biểu dương sao? Vậy vì cớ gì nhà văn chưa hăm hở viết về mẫu người này như trước đây đã từng hăm hở viết về các nhân vật công – nông – binh? Yêu cầu được luận chứng rất hợp lý, chỉ có một chi tiết dường như chưa được tính đến (hoặc cố tình bị bỏ qua): với tư cách người sáng tạo tự do, nhà văn cần có đầy đủ điều kiện và cơ hội để tiếp cận với đề tài một cách đầy đủ và toàn diện, và thực ra thì anh ta cũng chẳng “dại gì” không viết nếu đó là một đề tài hấp dẫn và người viết tự thấy bản thân mình có đủ năng lực để giải quyết nó.
Thứ hai, đặt ra yêu cầu công việc cho văn chương trước “hiện thực đất nước hôm nay”, trước “sự kiện đang diễn ra” chính là yêu cầu nhà văn phải trở thành nhà báo, trong khi, như đã nói ở trên, phương tiện tác nghiệp báo chí của nhà văn cùn nhụt hơn rất nhiều so với phương tiện tác nghiệp báo chí của nhà báo “thứ thiệt” trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay.
Vậy nhà văn đành quay lưng ngoảnh mặt trước “hiện thực đất nước hôm nay” chăng? Tôi không mấy tin vào cái kịch bản buồn bã này. Dù thế nào đi chăng nữa, dù theo đường thẳng hay đường vòng, dù hữu ý hay vô ý, thế nào “hiện thực đất nước hôm nay” cũng in dấu vết và lưu vọng âm của nó trong sáng tác của các nhà văn đương đại. Ngay ở một cuốn tiểu thuyết tình rất “sến” như Phải lấy người như anh chẳng hạn, đọc kỹ, ta sẽ thấy có những vấn đề của cuộc sống đương đại, những vấn đề trong cách nghĩ và trong tình cảm của một bộ phận người trẻ tuổi hôm nay. Mặt khác, có thể tin rằng văn chương ngày nay, cũng như văn chương muôn đời trong mai sau, không bao giờ hết việc để làm nếu nó nhắm đúng miền xác định của mình, cái miền mà báo chí chỉ có thể khoan thủng ở vùng ven. Đó là thân phận Con Người. Con người như là nguyên nhân và kết quả của các thiết chế xã hội, là sự bất mãn khôn nguôi trước hiện thực, con người với những giới hạn không thể vượt qua, với sự giằng xé thường trực giữa các ham muốn, với những nỗi đau có thật, có lời và không lời. Hoặc, mượn cách nói của Albert Camus (với một chút thay đổi): Văn chương vẫn còn có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa thực sự nếu như nó bước thật chắc chân trên con đường độc đạo, giữa hai bờ vực: một bên là thứ văn chương của những tràng vỗ tay tán dương tuyên truyền, bên kia là thứ văn chương trưởng giả đầy những tình cảm xa hoa điêu trá.
9/8/2020
Hoài Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...