Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Có một Phú Nhuận trong thời thơ ấu của tôi

Có một Phú Nhuận trong
thời thơ ấu của tôi

Kỳ I
Ý định viết tản mạn về đề tài này đến với tôi từ lâu, bởi vì Phú Nhuận là nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Song viết được ít nhiều thì có tin tác phẩm dày cộm về Phú Nhuận của tác giả Phạm Công Luận được trình làng. Bèn gác bút bỏ đó. Song lại chạnh nghĩ, đây là mảnh đất thân thương của nhiều người dân Sài Gòn-Gia Định, ký ức nào cũng đáng quý, độ chênh thời gian của nhiều ký ức khác nhau cũng có thể cung cấp nhiều hình ảnh, nhiều góc nhìn khác nhau. Nên mạnh dạn nối tiếp những dòng viết dở. May ra những người cùng thế hệ 4X, 5X với tôi có dịp ôn lại một thời thơ ấu, mặt khác các bạn ở thế hệ sau còn biết đến một số địa danh quen thuộc ở thế hệ chúng tôi mà nay đã chìm vào quên lãng.
Tôi ra đời cách nay vừa đúng 80 năm, trong một ngôi nhà khiêm tốn nằm trên một khoảnh đất rộng bao la. Nhà nằm cách đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), Phú Nhuận khoảng 150 mét, nhưng do phía trước chỉ là một bãi cỏ rộng nên từ nhà vẫn có thể nhìn thấy khách bộ hành qua lại trên đường.
Năm 1944, cuộc thế chiến thứ hai vẫn chưa kết thúc, nhiều gia đình người Việt phải tạm rời xa nơi đang ở, hoặc để tránh đạn bom, hoặc tìm kế sinh nhai mới, hoặc cả hai. Lúc đó, ông bà Ngoại tôi có cho hai gia đình “Bắc kỳ cựu” tá túc trong nhà (Bắc kỳ cựu là cụm chữ nói vui để chỉ những người miền Bắc vào Nam vào những thập niên 1930-1940, trước cuộc di cư vĩ đại vào những năm 1954-1955). Một gia đình của ông Oánh và một gia đình của bà Tụng. Chưa từng quen biết nhau, thấy người khác cần giúp đỡ thì mình cứ ra tay, không tính toán, nghĩ ngợi gì. Người miền Nam xưa là thế.
Bà Tụng có hai người con trai, anh lớn tên Từ, anh nhỏ tên Ngữ. Năm đó, anh Ngữ khoảng 10 tuổi, đặc trách việc bồng ẳm tôi hàng ngày. Đó là khi lớn lên, nghe người lớn nói lại, chứ hồi đó, tuổi tính bằng tháng, có nhớ được gì!
Những năm 1944-1945, bầu trời Sài Gòn thường xuyên xuất hiện máy bay Đồng minh, có lẽ để oanh tạc các vị trí của quân đội Nhật. Mỗi lần như thế, còi hụ vang lên từng hồi, nhà nhà chui xuống những chiếc hầm tránh bom đào sẵn, dài chừng 3-4 mét, ngang độ 1-2 mét. Thời đó, ông bà Ngoại tôi và nhiều người dân Sài Gòn gọi hầm tránh bom là cái “trảng-sê”, âm từ tiếng Pháp “tranchée”.
Nghe kể rằng mỗi lần cả nhà xuống “trảng sê”, cậu bé chừng 1 tuổi là tôi không chịu nổi sự nóng bức, chật chội, cứ khóc ré lên từng chập. Bà Tụng không nhẫn nại nổi với loại tiếng ồn đó, đã tuyên bố một cách dứt khoát: “thằng bé khóc nhức đầu quá, tôi không chịu nổi, thôi tôi lên, có chết thà chết”. Rồi bà leo lên khỏi trảng-sê, ngồi hẳn trong nhà, may mà bà vẫn còn sống.
Chiến tranh kết thúc, gia đình ông Oánh, bà Tụng trở về nơi ở cũ. Gần 10 năm sau, có dịp vào Sài Gòn, bà ghé lại nhà thăm gia đình tôi, lúc đó thằng bé từng khóc ré đã hơn 10 tuổi rồi, song bà vẫn chưa quên kỷ niệm cũ.
Từ ngôi nhà này, bước chân của tôi in dấu trên những con đường Nguyễn Huệ, Chi Lăng, Thái Lập Thành, Võ Di Nguy... của Phú Nhuận trong một thời gian dài, cho đến ngày tôi tốt nghiệp Đại học, khi vừa hơn 20 tuổi!
* Về mặt lịch sử, Phú Nhuận là một trong những địa danh lâu đời nhất ở vùng đất Nam Kỳ. Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia Định Thành thông chí của Thượng thư Trịnh Hoài Đức, mùa Xuân năm 1808, vua Gia Long thực hiện cuộc cải tổ hành chánh vùng Gia Định cũ, đổi dinh thành trấn, thăng huyện thành phủ, thăng tổng thành huyện. Riêng Gia Định trấn đổi thành Gia Định Thành, dinh Phiên Trấn thành trấn Phiên An; Phú Nhuận khi ấy là một thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, trấn Phiên An.
Sang thời Pháp thuộc, năm 1862, một trung úy Pháp là Coffin soạn thảo dự án chỉnh trang thành phố Sài Gòn, chia ra hai khu hành chánh và dân cư rõ rệt, song địa giới của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ kéo dài đến vùng Tân Định ngày nay, phần bên ngoài, trong đó có vùng Phú Nhuận vẫn còn là những thôn xóm ít người cư ngụ.
Tháng 5.1944, chính quyền thực dân Pháp nâng cấp quận Tân Bình thành tỉnh Tân Bình, bao gồm quận Tân Bình cũ và nhiều vùng đất nằm trong các quận kế cận. Với sự cải tổ này, Phú Nhuận trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Tân Bình. Song tỉnh tân lập này không tồn tại lâu, đến tháng 8.1945, do những chuyển biến liên tục về chính trị và quân sự, nó không còn được nhắc tới, và đến chế độ Đệ nhất Cộng hòa, nó trở thành quận Tân Bình như cũ, Phú Nhuận lại trở về cương vị xã quận lỵ như trước.
*Vào thập niên 1950, dưới chế độ Đệ nhất Cộng hòa, thành phố Sài Gòn nằm lọt thỏm trong tỉnh Gia Định, phía Bắc có quận Gò Vấp (đúng phải là Vắp, tên của một loại cây), phía Đông Bắc có quận Thủ Đức, phía Tây Bắc có quận Tân Bình và quận Hóc Môn; phía Đông Nam giáp biển, có hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ (khu Rừng Sác). Xã Phú Nhuận là xã có ngân sách lớn nhất của quận Tân Bình, lại chỉ cách trung tâm thủ đô Sài Gòn độ 5 km.
 Có thể xem trung tâm điểm của vùng Phú Nhuận là Ngả tư Phú Nhuận, nơi giao nhau của 3 con đường: Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm), Chi Lăng (Phan Đăng Lưu) và Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ).
Nhìn vào bản đồ, sẽ thấy con đường Võ Di Nguy nằm trên trục Bắc-Nam; đường Chi Lăng – Võ Tánh trên trục Đông Tây của xã.
* Từ Ngả tư Phú Nhuận đi theo đường Võ Di Nguy về hướng chợ Phú Nhuận, ta sẽ gặp dãy nhà bên phải con đường có những hoạt động náo nhiệt
hơn dãy bên trái. Gần ngả tư có nhà bảo sanh Tuyết Nho, một cơ sở y tế tư nhân khá lâu đời, từng cho ra đời nhiều trẻ em sinh vào nửa sau thập niên 1940, đầu thập niên 1950. Vào khoảng thời gian này, cô mụ chủ nhà bảo sanh có mấy cô con gái xinh xắn, chiều chiều thướng dắt họ đi chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ sinh tại nhà ở những địa điểm xa 1-2 km.
Qua nhà bảo sanh Tuyết Nho, đi tới thêm một chút sẽ gặp tiệm bazar (tiệm bán tạp hóa) Hiệp Thành, nơi mà cậu học trò 13-14 tuổi vẫn thường ghé lại mua vài món đồ cần thiết cho việc học. Đi lên nữa sẽ gặp một “rạp hát cháy” theo cách gọi của người đương thời. Rạp hát này bị cháy toàn bộ bên trong, chỉ còn trơ cột đúc và chiếc mái bên ngoài. Song đó là nơi mà trong nhiều năm, những người mua gánh bán bưng, dân cơ nhỡ, mượn làm nơi nghỉ ngơi ban ngày và có khi ngủ cả ban đêm.
Mãi về sau, vào khoảng giữa thập niên 1960, rạp hát cháy mới được xây dựng lại. Nghe đâu người dựng lại rạp này là ông chủ của rạp xi-nê Văn Cầm, nằm bên trái đường Võ Di Nguy, khúc sắp đến chợ Phú Nhuận, và cũng vì thế, ông đặt cho rạp này tên Cẩm Vân, cách phát âm gần với tên Văn Cầm.
Nói tới những rạp hát nho nhỏ ở Phú Nhuận – và Sài Gòn nói chung - vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, không thể không nhắc tới cụm từ “xi-nê pẹc-ma-năng” (permanent) đồng hạng 5 đồng. Thời đó, ở những rạp Cẩm Vân, Văn Cầm (Phú Nhuận), Mô-đẹc (Moderne, Tân Định), Đakao, Vĩnh Lợi (Sài Gòn), Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu)..., chỉ cần mua một vé vào cửa giá đồng nhất 5 đồng, bạn có thể “ăn dầm nằm dề” trong rạp từ sáng tới tối, chỉ một phim chiếu đi chiếu lại cả ngày, ai vào lúc nào coi lúc ấy, không có xuất xiếc gì cả. Có những bạn học sinh vào xem rồi ngủ luôn trên ghế, đến khi rạp chiếu xong, chuẩn bị đóng cửa, có người tới lay dậy, ra về.
Gần rạp hát cháy thời đó có hai nhà may Đoàn Thành Lực và Nguyễn Thịnh. Nhà may trước “cổ kính” hơn, còn nhà may sau ra đời trễ hơn nên rộng rãi, cách bài trí cũng sáng sủa hơn rất nhiều. Qua khỏi hai nhà may này là đến Ngả ba Lò Đúc, nơi gặp nhau của hai con đường Võ Di Nguy và Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), nơi tập trung khá nhiều quán hàng ăn uống nhỏ, lộ thiên cũng như trong nhà.
Qua Lò Đúc, ta lại gặp một hiệu may nữa, có tên Phúc Xương, chủ nhân là một cụ “Bắc kỳ di cư” tự cắt may cho khách. Từ đây đi về hướng chợ Phú Nhuận chưa đầy 100 mét, ta sẽ gặp một tòa nhà hai tầng cao sừng sững trên một khu dân cư chỉ gồm hầu hết là nhà trệt mái ngói. Đó là Hội đồng xã Phú Nhuận.
Nhân hai chữ “hội đồng”, xin nói rõ hơn là dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (chính phủ Ngô Đình Diệm – 1954-1963), cấp xã chưa có cơ chế dân cử như ở thời Đệ nhị Cộng Hỏa (1967-1975), Hội đồng xã là cơ quan chánh quyền duy nhất đảm trách việc điều hành toàn bộ công việc trong xã.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, tại cấp xã, có sự phân chia hai cơ quan hành chánh và dân cử. Cơ quan hành chánh là Ủy ban Hành chánh xã trực thuộc chính quyền quận, nhân viên là viên chức hành chánh, ngoại trừ Chủ tịch UBHC xã là người đoạt số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, đương nhiên giữ trách vụ này. Cơ quan dân cử là Hội đồng nhân dân xã, với Chủ tịch là người có số phiếu cao thứ hai trong cuộc bầu cử.
23.1.2024
Kỳ II
Trong bài trước, người viết để sót một chi tiết khá quan trọng: vào thập niên 1950, ở dãy nhà bên phải đường Võ Di Nguy, giữa Ngả tư Phú Nhuận và Lò Đúc, khi chưa đến “rạp hát cháy” (sau là rạp chiếu bóng Cẩm Vân), có tiệm thuốc Bắc lớn của một Đông Y sĩ được mọi người gọi là thầy Ba, có khi là “thầy Ba rỗ”, vì mặt thầy hơi bị rỗ, để phân biệt với ông “thầy Ba móng”, có chiếc am ngay trong chợ Phú Nhuận được nhiều người đến đó cúng bái. Ông thầy Ba móng có bộ móng tay dài không thua gì móng tay của những ông thầy đồ thế kỷ XIX.
Hiệu thuốc của thấy Ba “rỗ” rất đắt khách, bệnh nhân đến nườm nượp. Thầy không mặc Âu phục, trên người thầy luôn là một bộ quần áo lụa bóng màu mỡ gà. Thầy đứng hay ngồi sau một dãy kệ dài, trước mặt có một chiếc gối nhỏ kích thước chừng 20cm x 10cm, chỉ vừa đủ để bệnh nhân tựa cổ tay lên cho thầy “xem mạch”. Thầy xem mạch bằng cách đặt 4 ngón tay, trừ ngón cái, lên cổ tay để ngữa của bệnh nhân, từ những nhịp đập ở đó, thấy biết bệnh nhân đang đau yếu bộ phận nào trên cơ thể.
Từng vị thuốc Bắc được chứa trong các hộc tủ đóng kín, mỗi khi bốc thuốc, thầy nhanh tay mở hộc này, đóng hộc kia, bốc ra từng nhúm dược thảo (đương quy, đỗ trọng, trần bì….) bỏ vào hai tờ giấy dày và vuông vức trải sẵn trên kệ. Khi đủ một toa thuốc, thầy khéo léo gói lại thành một gói thuốc gọn và đẹp, không quên kẹp theo hai quả táo Tàu hay vài viên xí muội, để giúp người bệnh loại bỏ bớt dư vị đắng khủng khiếp của thuốc Bắc sau khi uống xong (Bắc ở đây có nghĩa là Tàu, chứ không phải miền Bắc Việt Nam; thuốc Bắc là thuốc nhập từ Trung Quốc, phương Bắc của VN)
Thông thường một thang thuốc như vậy, thầy dặn “ba chén sắc còn tám phân” (tám phân có nghĩa là 8/10 của một chén). Về nhà, bệnh nhân đổ vào siêu thuốc 3 chén nước đầy, nấu sôi lên cho đến khi nào sắc lại còn 8 phân thì uống được. Cách thức sắc thuốc này buộc gia chủ phải nhiều lần rót thuốc ra, đổ thuốc vào, cho đến khi nào nó còn được đúng 8 phân. Thuốc cũng phải được sắc trong siêu làm bằng đất nung, không sử dụng ấm nhôm hay inox phổ biến hiện nay.
Trẻ ngày nay sướng hơn trẻ ngày xưa về cái vụ uống thuốc này nhiều lắm, vì chắc chẳng còn đứa nào phải uống thuốc Bắc nữa. Với trẻ ngày xưa, ở vào lớp tuổi 5-10 tuổi, cái chất nước đen, sánh đặc, đắng đến mức không thể nào đắng hơn, là một cơn ác mộng. Nhìn thấy chén nước thuốc đen ngòm, mùi bốc lên nghẹt mũi, chúng thường phản ứng dữ dội, đến nổi trong 10 trường hợp cho trẻ uống thuốc Bắc thì có đến 7-8 trường hợp người lớn phải dùng chiếc đũa bếp cáng giữa miệng nạn nhân cho hai hàm răng không nghiến chặt lại được, rồi cứ múc thuốc nước đổ vào miệng như người ta đổ vào một lỗ cống vậy. Kiều cho uống thuốc này rất nguy hiểm, vì đứa trẻ bị ngáng họng, không còn khả năng điều khiển cổ họng, thuốc nước có nguy cơ rơi tọt vào khí quản!
Về mảng uống thuốc Bắc này, tôi lại là đứa trẻ ngoan cường nhất, bình thản đón nhận chén thuốc mà không có một phản ứng tiêu cực nào. Chén thuốc vừa đưa lên miệng là tôi lấy 2 ngón tay bóp chặt hai lỗ mũi lại, nhắm mắt nốc cạn. Dù không có một cuộc thương lượng nào, song vì thương con, bao giờ khi tôi nốc cạn chén thuốc Bắc xong, má tôi cũng thưởng cho tôi 2 đồng, đủ để ăn tô mì gõ.
* Trở lại với Hội đồng xã Phú Nhuận nằm bên phải đường Võ Di Nguy, sau ngày 1.11.1963, cơ quan này có dịp tiếp một người đặc biệt, đó là phu nhân cựu Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Trần Trung Dung đến khai tử cho hai người cậu của bà là các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, bị người của Hội đồng Quân nhân Cách mạng (Đại úy Nhung) sát hại dã man. Tờ khai tử do xã Phú Nhuận lập ghi chức vụ của ông Diệm là “cựu Tuần vũ”, thay vì “cựu Tổng thống”.
Qua khỏi Hội đồng xã Phú Nhuận, trước khi đến chợ Phú Nhuận, khách bộ hành còn gặp một tiệm chụp hình kỳ cựu có tên Trần Cửu, là nơi mà năm lên 10 tuổi, tôi được má dẫn đến đó chụp ảnh hai mẹ con. Trên đường về, má cứ dặn đi dặn lại là về đừng kể cho ba nghe chuyện này, chắc sợ ba xót tiền. Giá một tấm ảnh “xít-nớp” (6x9) lúc đó là 10 đồng, bằng 3 tô hủ tíu.
Chợ Phú Nhuận là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất của vùng Sài Gòn - Gia Định. Mặt tiền chợ nhìn ra đường Võ Di Nguy, còn đuôi chợ ngó ra đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Nó thường nhắc tôi những ký ức nao lòng về Bà Ngoại tôi, người rất mực thương tôi. Già cả, không làm ra tiền, bà tằn tiện từng chút một, mỗi lần đi chợ Phú Nhuận, bà mua về những quả xoài thanh (nhiều nơi gọi là xoài thanh ca) có dấu đen trên mình, chứng tỏ bắt đầu bị thối nên người ta bán với giá rẻ. Bà về nhà gọt bỏ phần chớm thối trên quả xoài, xắt ra từng miếng nhỏ ăn với cơm. Đó là kiểu ẩm thực độc đáo của một người Sài Gòn-Gia Định.
Song nhớ nhất là những ngày bà dắt tôi ra chợ Phú Nhuận, cho ngồi vắt vẻo trên chiếc xe mì của chú chệt (cách gọi vui người Hoa lúc bấy giờ) ở đầu chợ, ăn món mì mà tôi rất khoái. Trong lúc chờ mì nấu xong, thực khách có cái thú ngồi ngắm nhìn những tranh vẽ sơn chung quanh xe mì, miêu tả những sự tích trong truyện cổ của Tàu (Tam Quốc chí, Đông Châu liệt quốc …) mà trong đầu óc một cậu bé 7-8 tuổi lúc bấy giờ chẳng có một ý niệm gì. Ấn tượng về những chiếc xe mì đó sâu đậm đến nổi ngày nay, thỉnh thoảng có dịp nhìn thấy chúng, hình ảnh Bà ngoại tôi lại hiện ra, lúc đầu rõ nét, sau cứ mờ dần, mờ dần, như nhìn qua một làn sương khói mỏng!
* Đó là những gì đáng để nhắc lại về sinh hoạt của dãy nhà nằm bên phải đường Võ Di Nguy. Quay trở lại Ngả tư Phú Nhuận, ta tiếp tục đi về hướng chợ qua những dãy nhà bên trái con đường này. Đầu tiên phải kể đến trường trung học tư thục Chu Mạnh Trinh, mà ngày khai giảng 1.7.1955, chỉ mới có 3 lớp: một lớp Đệ lục, một lớp Đệ thất và một lớp Nhất (sẽ kể thêm ở phần sau).
Mặt tiền trường Chu Mạnh Trinh lúc đó chỉ là một căn phố hẹp, bên ngoài dành làm văn phòng, các lớp học được bố trí trên lầu và ở một căn phòng phía sau, giáp với cư xá Chu Mạnh Trinh sau này. Sát cạnh và chung vách với trường là hiệu sách Quảng Thuận, một “hiệu sách gia đình” chỉ có người bán duy nhất là bà chủ, sách vở cũng không nhiều, song lại cực kỳ hấp dẫn đối với cậu học trò nghèo mê võ thuật như tôi. Kệ sách của hiệu Quảng Thuận có bộ 3 quyển “Nhu đạo thực hành” do võ sư nhu đạo (Judo) đệ tứ đẳng huyền đai (cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ) Phạm Lợi biên soạn. Túi học trò rỗng tuếch, thỉnh thoảng được cho dăm đồng, qua hiệu sách mua thếp giấy ca-rô, mượn cớ này mò đến mấy quyển Nhu đạo thực hành, cố nhồi nhét thật nhiều chữ nghĩa và hình ảnh trong đầu để về nhà tập luyện. Có khi không có tiền mua gì hết, song cũng lân la qua hiệu sách, giả bộ kiếm cuốn này cuốn nọ, rồi cuối cùng cũng sà vào bộ Nhu đạo thực hành, đọc lấy đọc để.
Cách hiệu sách Quảng Thuận mấy căn là cơ sở dạy đánh máy, kế toán của thầy Lê Bá Khanh, em thầy Lê Bá Kông, người nổi tiếng với các tập Ngữ vựng Anh văn dành cho học sinh học bộ L’Anglais vivant, từ lớp Đệ Thất trở đi. Đây là bộ sách học Anh văn đầu tiên của học sinh miền Nam thời Đệ nhất Công hòa. Nó gồm có 3 bậc: septième, sixième và cinquième, để học từ lớp Đệ thất đến lớp Đệ tứ. Mỗi bậc lại có hai loại ấn bản khác nhau: bìa màu xanh dương gọi là
septième (sixième, cinquième) bleu; bỉa màu nâu xám gọi là septième (sixième, cinquième) beige. Trong cùng một bậc, sách bìa màu beige có trình độ cao hơn sách màu bleu.
Qua khỏi cơ sở Lê Bá Khanh không xa, sẽ gặp một con hẽm nhỏ là nơi dành cho cư dân khu cư xá Chu Mạnh Trinh đi ra đường Võ Di Nguy. Gần con hẽm này là một ngôi chùa khá lâu đời: chùa Giác Tâm. Chúa nằm sâu trong một khu đất lớn, bên ngoài, người ta tranh thủ làm một vựa củi và chỗ bán lu hủ. Đi qua chùa Giác Tâm, sẽ gặp nhà sách Như Ý (?), một trong những nhà sách rộng lớn nhất của vùng Phú Nhuận. Tới nữa sẽ gặp hiệu giày Mạnh Cung, là nơi nhiều lần đón bước chân nhỏ bé của người viết bài này.
Bên trái đường Võ Di Nguy, không xa rạp Văn Cầm là lăng Quận công Võ Di Nguy, một dũng tướng của chúa Nguyễn Ánh đã tử trận trong trận thủy chiến có tính quyết định với nhà Tây Sơn tại vùng biển Thị Nại vào năm 1801. Vì chạy qua khu lăng mộ của vị Quận công này (nay nằm trên đường Cô Giang) mà suốt thời gian trước năm 1975, con đường mang tên Võ Di Nguy.
Cách đây 5-7 mươi năm, lăng nằm trong một con hẽm nhỏ, nơi thờ tự xen lẫn với nhà cửa đông đúc, không rõ bây giờ tình trạng của lăng ra sao?
Lăng Quận công Võ Di Nguy cạnh đường mang tên ông.
Một xe hủ tíu của người Hoa
Kỳ III
Từ ngả tư Phú Nhuận, con đường Võ Di Nguy chạy ngược về khu An Nhơn, Thông Tây Hội quận Gò Vấp, vào thập niên 1950, hầu hết nhà cửa hai bên đường là khu dân cư, rất ít hàng quán, cửa hiệu. Một trong những di tích lâu năm ở đây là chùa Kỳ viên tự, nằm cách mặt đường vài trăm mét.
Gần hẻm chùa Kỳ viên, có một ngôi nhà, tầm thường với hầu hết mọi người, nhưng thật quan trọng đối với tâm hồn của một cậu học trò mới lớn. Đó là ngôi nhà có tấm bảng nhỏ in hàng chữ màu xanh dương, mang tên “Nguyễn Minh Hiếu”, bên dưới là mấy dòng tiếng Tây tiếng u, đại ý cho biết người có tên trên là một kỹ sư hóa học. Trong ngôi nhà đó, có cô con gái ông kỹ sư, tên Nguyễn Thị Thoại Nữ, khoảng 13-14 tuổi, học chung trường trung học Chu Mạnh Trinh, thấp hơn mình một lớp. Ở tuổi mới lớn, cô có một vẻ đẹp sắc sảo và cuốn hút lạ thường, nhìn rồi cứ muốn nhìn mãi.
Ngả tư Phú Nhuận khoảng thập niên 1960.
Một buổi ra chơi, Thoại Nữ bỗng liếc mắt nhìn chàng trai lớp Đệ Tứ 14-15 tuổi, nhoẻn miệng cười, con mắt có đuôi. Lòng chàng trai đa cảm xao xuyến từ đó. Một buổi trưa tan học, cô gái lững thững đi về nhà trên đường Võ Di Nguy, chàng trai đạp xe đến gần, vận hết tám thành công lực, hơi thở dồn dập, lắp bắp một câu:
- Thoại Nữ ơi, tôi có chuyện này muốn nói với Thoại Nữ …
Cô gái vẫn nhìn thẳng phía trước mà đi, mặt không để lộ chút biểu cảm nào. Còn chàng trai thì quê quá, gò lưng, cúi đầu đạp xe chạy một mạch về nhà!
Vậy mà, từ đó, cứ chiều chiều, tắm rửa xong, chàng trai đi bộ một vòng từ nhà trên đường Thái Lập Thành, qua ngõ chùa Kỳ Viên, bọc ra đường Võ Di Nguy, đi qua ngôi nhà có bảng tên Nguyễn Minh Hiếu, nhìn vào, tìm một bóng hồng. Bóng hồng đâu không thấy, trong 10 lần thì hết hơn 9 lần chỉ thấy ông bố kỹ sư đang khoa chân múa tay cùng đám bạn bè!
Tâm trạng lúc bấy giờ thật thấm thía với những vần thơ của thi sĩ Đinh Hùng:
Khi mới lớn, tuổi mười lăm, mười bảy,
Làm học trò, mắt sáng với môi tươi,
Ta bước lên, chân vẫn dạo bên người,
Ngoài cặp sách, trần ai xem cũng nhẹ!
… Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay?
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ …
Mỗi buổi chiều như thế, đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, song chàng thiếu niên đa cảm vẫn không sờn lòng, vì biết rằng sẽ không thể chịu đựng được một cảm giác thiếu vắng, ray rứt nếu không làm như thế.
* Từ nhà người đẹp Thoại Nữ đi thêm quãng nữa sẽ đến một nơi mà nay chỉ còn trong ký ức những người trên 70 tuổi. Đó là nhà thuốc Nhành Mai, nổi tiếng với thuốc dưỡng thai bào chế bằng Đông dược. Những năm từ thập niên 1950 trở về trước, cụm từ “thuốc dưỡng thai Nhành Mai” được nhiều người biết đến qua những tấm bảng gỗ quảng bá tên thuốc gắn vào hông những chiếc xe thổ mộ chạy xuôi ngược khắp vùng.
Vào nửa sau thập niên 1950, nhà thuốc Nhành Mai không còn hoạt động nữa, thuốc dưỡng thai Nhành Mai cũng sớm trở thành một ký vãng trong tâm trí những người nay ở vào lớp tuổi thất thập, bát thập cổ lai hy. Khi đó, nơi nhà thuốc Nhành Mai tọa lạc bỗng trở thành trụ sở của Hội Thiên học, và qua các tài liệu do chính hội này phổ biến mà mình có dịp xem qua đôi lần thì hình như đây là một nhánh của Hội thánh Tin Lành.
Đối diện với nhà thuốc Nhành Mai lúc bấy giờ là ngôi trường tiểu học quen thuộc của lớp học trò sinh vào thập niên 1940. Trường có tên Minh Đức, vị hiệu trưởng cũng là người thầy duy nhất, là một người thấp đậm, lái chiếc mô tô bề thế hơn hầu hết các xe hai bánh lúc bấy giờ. Thầy thường lái mô tô đến trường tiểu học Chấn Hưng nằm trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) thăm và nói chuyện rôm rả với thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Vàng (sẽ kể sau) ở trường này.
Qua khỏi trụ sở Thông thiên học vài mươi mét, ta sẽ gặp ngả ba Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu, con đường sau nối liền với hai đường Võ Di Nguy và Nguyễn Huệ, qua ngả ba Nguyễn Đình Chiểu-Thái Lập Thành (xin xem bản đồ).
Ngay góc đường Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu, tồn tại không biết từ đời thuở nào một tiệm cà phê – hủ tíu của người Hoa có tên “tiệm thằng Thùng”. Vào nửa đầu thế XX, nhiều tiệm cà phê của người Hoa không có bảng hiệu, dân trong vùng có thói quen lấy tên người con trai nhỏ tuổi của ông chủ tiệm đặt cho tiệm.
Thời đó, có một thói quen không biết hình thành từ bao giờ, đó là khi một chú bé con đi vào tiệm cà phê với người lớn, không uống nổi ly cà phê sữa nóng, các ông bố thường đổ cà phê vào chiếc đĩa lót đế ly cho mau nguội, rồi cậu bé cứ thế mà khom người xuống uống. Tôi đã được nhiều phen uống kiểu cà phê này!
Cũng tại tiệm thằng Thùng, tôi được nghe giai thoại về những chiếc bánh bao rỗng ruột. Khách ngồi vào bàn, dù kêu món nào cũng được bày trước mặt những dĩa xíu mại và bánh bao như một sự kích thích, khêu gợi sự thèm ăn. Một số thực khách cỡ 15-17 tuổi vào tiệm kêu cà phê, nhân lúc tiệm đông đúc, ồn ào, bóc miếng giấy bên dưới cái bánh bao, móc ruột ăn sạch, rồi áp miếng giấy lại như cũ, cái bánh bao trở về nguyên trạng về mặt hình thể, song mất đi toàn bộ cái ruột! Không rõ lúc ấy, ở các tiệm cà phê khác, hiện tượng “bánh bao rỗng ruột” có nhiều như ở “tiệm thằng Thùng’ không?
Song nói đến con đường Nguyễn Đình Chiểu, Phú Nhuận, mà không nhắc tới cái chợ chồm hổm khởi đầu từ ngả ba Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu là một thiếu sót lớn. Ngôi chợ tồn tại từ thập niên 1950 hay trước đó nữa, án ngữ ngay trước cửa nhà của các cư dân sống dọc theo con đường này và chạy dài đến gần nửa con đường.
Bên phải con đường, khoảng giữa chợ, có ngôi nhà của một nhân vật khá nổi tiếng về sau, vào nửa sau thập niên 1950 đã mang cấp bậc Thiếu tá. Đó là ông Lê Quang Liêm, sau là Trung tá Tỉnh trưởng Khánh Hòa, và sau nữa là một trong những chức sắc cao cấp của giáo phái Hòa Hảo tại Long Xuyên.
Khi vừa đi hết khu Chợ nhỏ kéo dài, ta sẽ gặp một ngả ba, nơi đường Thái Lập Thành (sẽ kể sau) đâm ra đường Nguyễn Đình Chiểu.
Ngay ngả ba này có trụ sở của một công ty điện nước thời Pháp thuộc. Đến nửa đầu thập niên 1950, tấm bảng bằng kim loại sơn bóng loáng vắt ngang cánh cổng rộng lớn của đơn vị trên còn mang dòng chữ Pháp “Compagnie des Eaux et d’Electricité”, viết tắt là CEE.
Từ công ty CEE tiếp tục đi theo đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ gặp một khu vực rộng lớn mà người địa phương gọi là “chùa Cao Đài”. Trước năm 1956, đây là nơi đóng quân của một đơn vị quân đội Cao Đài khá đông đảo. Không biết họ hoạt động ra sao, chỉ nhớ là thỉnh thoảng họ tổ chức một đêm nhạc kịch có thu tiền vé, có lẽ để gây quỹ. Chính trong một đêm nhạc kịch của đơn vị Cao Đài này mà cậu bé 10 tuổi được xem nhạc cảnh “Lời người ra đi”, lấy từ nhạc phẩm cùng tên của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ấn tượng về nhạc phẩm nghe lần đầu trong buổi nhạc kịch này mạnh đến nổi, từ đó cứ nghe đến Lời Người Ra Đi là hình ảnh đêm diễn ấy hiện lên, rõ ràng như mới hôm nào!
Cuối đường Nguyễn Đình Chiểu, một dòng suối cạn và rất sâu buộc con đường phải chạy vòng vèo để có thể tiếp cận với con đường Nguyễn Huệ ở điểm dễ đi nhất. Như vậy ta có thể hình dung con đường Nguyễn Đình Chiểu tiếp giáp với 3 con đường chạy gần song song nhau là Võ Di Nguy, Thái Lập Thành và Nguyễn Huệ
Từ ngả ba Võ Di Nguy-Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục đi theo đường Võ Di Nguy, khách bộ hành sẽ gặp cổng xe lửa số 10 trước khi chuẩn bị đi vào khu vực của quận Gò Vấp.
Kỳ IV
Phần trên là vùng Phú Nhuận theo trục Bắc-Nam, trên con đường Võ Di Nguy chạy từ Cầu Kiệu, qua ngả tư Phú Nhuận đến địa giới quận Gò Vấp.
Trục Đông-Tây là con đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) chạy từ chợ Bà Chiểu lên Ngả tư Phú Nhuận, tiếp nối là đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ) chạy qua Lăng Cha cả, đến Ngả tư Bảy Hiền.
Thuở ấy, con đường Võ Tánh chỉ đến giao lộ Võ Tánh – Ngô Đình Khôi (sau là Công Lý, nay là Nguyễn Văn Trỗi), nơi có trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH, là thuộc xã Phú Nhuận; phần trên nữa, nơi có “lăng cha Cả” (mộ Giám mục Pigneau de Béhaine, tức Bá Đa Lộc, nay là giao lộ các đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Cộng Hòa..) thuộc về xã Tân Sơn Hòa, hình như có một phần khu ông Tạ của bạn Cù Mai Công.
Vào nửa sau thập niên 1940, đầu thập niên 1950, góc đường Võ Di Nguy -Võ Tánh, nơi về sau mọc lên bệnh viện Cơ đốc Phục lâm đồ sộ, còn là một miếng đất rộng, trên đó có ngôi nhà nhỏ của một ông làm nghề đóng móng ngựa. Thời đó, xe ngựa chở khách còn rất nhiều, ngựa chạy lâu thì mòn móng sắt, vì thế, nghề đóng móng ngựa khá thịnh hành.
Từ nhà ông đóng móng ngựa đi lên không bao xa, ta gặp cổng xe lửa số 9. Tới đây, cần mở một dấu ngoặc để nói rõ hơn về chi tiết này. Thời Đệ nhất và cả Đệ nhị Công hòa, xe lửa từ ga Sài Gòn chạy ra phía Bắc phải chạy ngang những con đường có nhiều xe cộ qua lại. Ở đoạn đường nào có xe lửa chạy qua, người ta dựng 2 thanh chắn dài, khi xe lửa gần đến thì hạ xuống, ngăn xe cộ trên đường lại, xe lửa chạy qua rồi, thanh chắn được dỡ lên. Mỗi nơi như thế được gọi là một “cổng xe lửa”. Từ ga Hòa Hưng đi qua những con đường thuộc thành phố Sài Gòn và Quận Tân Bình, người ta đánh số các cổng xe lửa theo thứ tự từ 1 đến 11. Như thế, cổng xe lửa trên đường Võ Tánh mang số 9, trên đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm) mang số 10, trên đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức) mang số 11. Khi xe lửa chạy ngang địa phận quận Gò Vấp, các cổng xe lửa không còn mang số nữa.
Trở lại đường Võ Tánh, khúc thuộc xã Phú Nhuận, cũng vào những năm cuối thập niên 1940, sát cạnh đường xe lửa có một ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm trong một khu đất rộng, trước nhà có treo tấm bảng “Nguyễn An Cư”, cậu bé 6-7 tuổi lúc ấy nào biết đó là nhà của ai, mãi rất lâu sau mới biết chủ nhân là một thầy thuốc có tiếng, chú của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sang thời Đệ nhất Cộng hòa, ngôi nhà mang tên Nguyễn An Cư không còn nữa, thay vào đó là trụ sở của Cảnh sát Cuộc quận Tân Bình.
Từ cổng xe lửa số 9 đi ngược lên giao lộ Võ Tánh – Ngô Đình Khôi, người ta còn nhìn thấy bên trái con đường một tòa nhà khang trang là nơi huấn luyện thể hình của lực sĩ Nguyễn Thành Nhơn, anh ruột lực sĩ Nguyễn Công Án, người đoạt giải nhất trong một cuộc thi thể hình tổ chức năm 1955 ở Luân Đôn (Anh quốc). Riêng ông Nguyễn Thành Nhơn, về sau có phụ trách chương trình “Con kiến càng”” trên đài phát thanh Sài Gòn, nhằm cổ xúy và hướng dẫn thanh thiếu niên các bài tập thể hình căn bản.
* Vào thập niên 1940, con đường Chi Lăng chạy một mạch từ Ngả tư Phú Nhuận đến chợ Bà Chiểu, qua nhiều địa danh đã trở thành kỷ niệm sâu đậm trong ký ức của những người tuổi trẻ thập niên 1940-1950. Hai hàng cây dầu, cây sao cao vút chia cách con đường tráng nhựa với hai con đường đất khá rộng ở hai bên, dành cho người đi bộ. Học trò đi học về trên con đường này thường lượm những trái cây dầu tung lên cao, chúng xoay tròn nhiều vòng trước khi rơi xuống đất, một hình ảnh đẹp nay khó tìm ra.
Đường Chi Lăng vào thời khoảng này còn ít xe cộ qua lại, xe cá nhân nhiều nhất là xe đạp xen lẩn một ít xe mobylette, lúc đầu là mobylette đen, rồi vàng, rồi xanh. Xe kéo không còn, mà xe xích lô đạp cũng ít thấy. Xe xích lô máy nhiều hơn, chủ yếu chở các bà tiểu thương ra chợ hay từ chợ về nhà, mang theo vài ba chiếc thúng mủng. Phương tiện “vận tải công cộng” thì xe ngựa đạt con số áp đảo. Về phương tiện này sẽ xin nói chi tiết hơn ở một bài sau.
Ngoài các phương tiện vận chuyển kể trên, ở Phú Nhuận thời đó còn có một phương tiện thật đặc biệt, đó là những chiếc xe chở công chức đi làm, cao, to, sơn màu ô-liu, thùng xe rất cao so với mặt đường, các bà, các cô phải bước xuống từng bậc một trên một chiếc thang sắt hàn chắc vào thùng xe.
Chỉ một hình ảnh nhỏ thoáng qua trên đường Chi Lăng vào một buổi chiều năm 1955 mà tôi nhớ mãi đến bây giờ. Lúc đó, quân đội quốc gia của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đang đánh nhau kịch liệt với quân đội Bình Xuyên, cả thành phố rơi vào sự bất an, đường phố vắng ngắt. Chiều hôm đó, tôi đi học về, lững thững trên đường Chi Lăng, bỗng nhìn thấy bên kia đường, cha tôi đang gò lưng đạp xe trở về nhà. Cha tôi mải miết đạp, không thấy tôi, còn tôi, khi nhìn thấy cha thì ông đã đi khá xa rồi. Chỉ một phút chốc thôi, vậy mà mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, tôi quặn lòng thương và nhớ cha tôi…
Ở tuổi 8-9, sáng nào tôi cũng ngồi vắt vẻo sau chiếc xe đạp của cha tôi; trên đường đi làm, ông chở tôi theo và bỏ tôi xuống trường tiểu học tư thục Chấn Hưng trên đường Chi Lăng. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh cha tôi mỗi lần đạp xe qua mặt một phụ nữ thì ngoái cổ lại nhìn, trăm lần như một. Lúc ấy đầu óc trẻ thơ có biết gì, chỉ biết lấy làm lạ về hành động của cha mình, mãi về sau mới biết lý do của sự “ngoái cổ” ấy. Những năm đó, cha tôi cũng chỉ mới 40-41 tuổi!
Con đường Chi Lăng cũng là chứng nhân chứng kiến vẻ mặt buồn dàu dàu của cậu học sinh 8-9 tuổi bước đi học trở lại sau khi những ngày Tết an vui, tràn đầy kỷ niệm vừa qua đi. Lúc ấy, xác pháo đỏ hồng tràn ngập hai bên con đường đất nhỏ, cậu bé vừa ôm cặp đi học, vừa tiếc nhớ những ngày vui đã qua, còn đến một quãng thời gian rất dài mới tìm thấy lại!
Năm 1957, gia đình tôi bán ngôi nhà trên đường Nguyễn Huệ, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời, dắt díu nhau về quê ngoại tôi thuộc ấp Thuận Kiều, xã Bà Điểm, quận Hốc Môn, sát cạnh xa lộ Đại Hàn ngày nay. Một buổi sáng sớm, trong lúc gia đình dọn đi, cậu bé 13 tuổi ôm chiếc cặp da đựng mấy bộ quần áo, một ít sách vở đến đường Thái Lập Thành, ở trong nhà mấy người cô ruột để tiếp tục đi học tại trường tư thục Chu Mạnh Trinh. Duyên nợ giữa cậu bé với con đường Chi Lăng và vùng Phú Nhuận vẫn tiếp tục dài dài.
Đó là những ngày tết, khi tôi đã ở tuổi 13-14, đã biết làm những bài thơ than mây khóc gió đầu đời. Ấn tượng mạnh nhất mà con đường Chi Lăng ghi đậm trong tâm trí tôi lúc bấy giờ là những đêm giao thừa. Thằng bé ham vui, muốn chứng kiến những đêm cuối năm tại Sài Gòn, nhưng vào phút giao niên, lại thấy nhớ gia đình, nhớ ông bà, cha mẹ, các em…
Những lúc sống trong một tâm trạng rối rắm như thế, vào cận giờ giao thừa, tôi thường đi bộ ra ngả ba “chùa Bà đầm” (nơi đường Thái Lập Thành đâm ra đường Chi Lăng), đứng nhìn thiên hạ chuẩn bị đón Xuân. Và hình ảnh nổi bật tôi nhìn thấy lúc bấy giờ là những chiếc xe xích lô máy, những chiếc xe gắn máy, và cả những chiếc xe đạp đưa người hành hương từ hướng Ngả tư Phú Nhuận về Lăng Ông Bà Chiểu. Thời đó, lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt nằm cạnh chợ Bà Chiểu nên cụm từ mà người dân sử dụng phổ biến là “Lăng Ông Bà Chiểu”.
Những năm 1950, người đi viếng Lăng Ông vào đêm giao thừa đông nghìn nghịt, đường Chi Lăng là một trong những ngả chính dẫn về lăng. Có những bà, những cô được chồng, được anh chở đi, ngồi trên xe tay cầm bó nhang đốt sẵn, những đốm lửa nhỏ vạch nhiều vệt sáng dài theo đường.
Thời đó, người dân Sài Gòn-Gia Định xem việc đi viếng Lăng Ông là việc làm thiêng liêng bậc nhất trong dịp tết. Còn nhớ khi gia đình chưa dọn về Bà Điểm, có lần tôi bị cha mẹ rầy một trận tơi bời vì cái tội nằng nặc đòi lên nhà bên nội để đốt pháo và chơi bầu cua khi chưa đi viếng Lăng Ông. Mắng xong, cha mẹ mới cho biết rằng, ngày tết, phải đi viếng Lăng Ông trước rồi sau đó, muốn làm gỉ thì làm.
Thời đó, tại Lăng Ông Bà Chiểu, tổ chức phụ trách cúng tế, duy tu, bảo dưỡng lăng có tên là “Thượng công quí tế hội”. Những ngày cận tết, người ta trưng bày ngay trước điện thờ một con cọp thật, tất nhiên là đã chết, song da còn nguyên vẹn, được dồn gòn (hay trấu?), nằm hiên ngang như một con cọp sống. Miệng con cọp há to, đêm giao thừa, bá tánh đến viếng lăng, nhét tiến giấy vào miệng cọp, sâu vào tận trong cổ, trong bụng. Có lần, tôi chứng kiến cảnh tiền đầy ứ trong miệng cọp, rơi vãi ra ngoài! Đó có lẽ là dịp quan trọng nhất trong năm, giúp Thượng công quí tế hội có kinh phí để thực hiện chức năng của mình.
Đêm giao thừa hàng năm, hái lộc tại Lăng Ông là việc làm phổ biến nhất nhất của thiện nam tín nữ Sài Gòn, Gia Định. Sau đêm giao thừa, cây ở vào khoảng ngang với đầu người trở xuống không còn một chiếc lá, may mà phần lớn chúng là những cây cao to nên hành vi hái trụi lá bên dưới không ảnh hưởng bao nhiêu đến đời sống của chúng.
16.2.2024
Đường Chi Lăng năm 1965 theo một bức ảnh của Jerry Cecil, trang thoixua.vn đăng lại. Hàng cây sao, dầu và hai con đường đất dành cho người đi bộ vẫn còn, song vào thập niên 1950, chưa có những dãy nhà liền kề nhau cạnh đường đi bộ, mà chỉ có những ngôi nhà biệt lập nằm sau những hàng rào cây xanh thấp hơn đầu người.
Ty Công chánh VNCH trước 1975 nằm ngay góc đường Chi Lăng - Hoàng Hoa Thám. Năm 1965, vẫn còn xe ngựa tại Phú Nhuận, Gia Định
Ảnh Jerry Cecil, trang thoisu.vn đăng lại
Kỳ V
(chuyện kể vào những năm 1950 trở về trước)
Bài kỳ 4 kể về con đường Chi Lăng với vài kỷ niệm nho nhỏ, giờ xin kể đến đường Chi Lăng về mặt địa lý, đi dần từ nơi xuất phát là Ngả tư Phú Nhuận chạy về hướng chợ Bà Chiểu.
Thập niên 1940, khu Ngả tư Phú Nhuận còn thưa thớt nhà cửa. Khoảnh đất rộng về sau là “khu cư xá Chu Mạnh Trinh” lúc ấy chỉ là một vùng đất trũng, bỏ trống, có một ngôi mả cổ rất to, thanh thiếu niên thường ra đó đá banh, người dân từ đường Chi Lăng đi đến đường Võ Di Nguy không phải bọc lên Ngả tư Phú Nhuận, mà thường đi tắt qua “sân banh” tự phát này.
Phải chờ đến sau cuộc di cư vĩ đại vào những năm 1954-1955, vùng Phú Nhuận mới đông dần lên, với sự xuất hiện của trường trung học Chu Mạnh Trinh ở gần Ngả tư Phú Nhuận, mà người viết bài này có vinh dự nhập học ngay vào ngày khai trương của trường 1.7.1955, và mài đũng quần ở đó suốt 4 năm.
Người làm chủ ngôi trường tư thục này là thầy Phan Đương, nghe đâu có một cơ sở làm nước mắm tại Phan Thiết. Thầy quen biết khá thân với hai người thầy họ Phan khác vốn là con trai nhà cách mạng Phan Thành Tài (thập niên 1900-1910) là Phan Ngô, Hiệu trưởng trường Tân Thanh ở Tân Định, và Phan Thuyết, Hiệu trưởng trường Đạt Đức ở trên đường Chi Lăng, đối diện với hồ tắm Chi Lăng. Có lẽ nhờ ở sự thân thiết giữa các thầy mà đội bóng bàn trường Chu Mạnh Trinh thường đến so vợt cùng đội bóng bàn trường Đạt Đức.
*Tôi khó quên hình ảnh ngày 1.7.1955, ngày khai trương trường trung học tư thục Chu Mạnh Trinh, bởi vì đó cũng là ngày đầu tiên trong cuộc đời một học sinh trung học như tôi. Trường lúc đó chỉ có 3 lớp: một lớp Đệ lục (nay là lớp 7), một lớp Đệ thất (trong số học sinh có tôi) và một lớp Nhất. Mặt tiền của trường chỉ là một căn nhà hẹp có lầu, ngó ra đường Võ Di Nguy. Trường thuê (hay mua?) thêm một căn nhà khác phía sau để làm phòng học, nối liền với căn nhà phía trước bằng một lối đi rộng đủ để đặt một cái bàn ping pong. Về sau, tôi chơi ping pong vào hạng kha khá là nhờ cái bàn này.
Căn nhà phía sau kể trên là căn đầu tiên của một dãy nhà ở kéo dài, chạy song song với đường Chi Lăng, về sau trở thành một thành phần của khu “cư xá Chu Mạnh Trinh”. Người ta mượn tên trường ở cạnh khu cư xá để dễ định vị chứ giữa trường Chu Mạnh Trịnh với khu cư xá đó không có mối quan hệ gì.
Vì khi khai trương, trường chỉ có mấy lớp nên nhân viên cũng rất hạn chế, chỉ có một vị Giám thị người miền Bắc, đầu hói, thấp đậm, một thầy thơ ký trẻ, người cũng thấp như ông Giám thị, tính hiền lành, chữ viết đẹp và chân phương. Tất cả hồ sơ, học bạ của trường vào thời kỳ này đều thể hiện bằng chữ viết của thầy. Thầy được ông Hiệu trưởng cho ở luôn tại trường cùng người vợ trẻ, cao to hơn thầy, gương mặt bặm trợn hơn và thường mặc những bộ y phục màu trắng toát, khá mỏng mảnh. Tất nhiên, đối với tuổi học trò 13-14 như chúng tôi, sự mỏng hay dày của những bộ trang phục đó không có một ý nghĩa nào.
Về ban giảng huấn của trường Chu Mạnh Trinh vào những năm đầu, khá lâu sau, mình mới biết rằng có nhiều người thuộc thành phần cựu kháng chiến. Các từ chiến sĩ, kháng chiến thời đó đối với tụi mình thiêng liêng, cao quý lắm, không như bây giờ, báo đăng tin nhan nhãn: “chiến sĩ A đánh dân, chiến sĩ B nhận tiền mãi lộ...”. Mỗi khi xem kết quả kỳ thi lục cá nguyệt (học kỳ) ghi trong sổ học bạ, mình lấy làm lạ, sao không thấy tên một số giáo sư dạy mình, như thầy Nguyễn Văn Đ, thầy P.C., mà thay vào đó, người dạy là Phan Đương (hiệu trưởng) hay một tên lạ hoắc, lạ huơ nào.
Sau này, lớn khôn hơn, mình đoán (và tin là mình đoán đúng) là các vị có dạy mà không có tên là vì họ không đáp ứng được điều kiện về văn bằng (đại khái dạy bậc trung học đệ nhất cấp tối thiểu phải có bằng THĐIC, dạy bậc THĐIIC phải tối thiểu có bằng Tú tài), song họ là những cựu kháng chiến, có kiến thức về môn dạy nên được thầy Phan Đương thông cảm, thu nhận cho dạy. Năm mình học Đệ tứ (1958-1959), người cựu kháng chiến Tạ Thanh Sơn, tác giả bản nhạc “Nam Bộ kháng chiến”, dạy môn Sử Địa, rất yêu thương lớp mình.
Giữa năm 1959, lớp mình quây quần trên sân trường nữ trung học Lê Văn Duyệt (Bà Chiểu) nghe đọc kết quả kỳ thi viết THĐIC, thầy Tạ Thanh Sơn, đứng gần đó tự bao giờ, theo dõi và nhìn đám học trò của mình bằng ánh mắt trìu mến. Mình không bao giờ quên ánh mắt này, và đến bây giờ, mỗi khi nghe bài hát của thầy “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”, mình ứa nước mắt. Thế hệ cha chú của mình yêu nước vô điều kiện, hi sinh cả một thời thanh xuân cốt để giành lại độc lập cho đất nước, có để tâm gì đến chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, CS đệ tứ hay đệ tam!
Năm 1958, lớp Đệ Tứ đàn anh, đàn chị của mình thi THĐIC, hình như thất bại vì số người đậu rất ít. Qua năm sau (1959), lớp mình thi, trong 27 thí sinh, có 7 người đậu. Vậy mà ngay sau khi nghe tin, ông Hiệu trưởng Phan Đương vui như mở cờ trong bụng. Ông chạy lên chạy xuống lầu, nói cười tíu tít, tự tay lấy phấn viết tên 7 tân khoa, để ngay trước cửa trường. Đủ biết ngày xưa thi cử khó khăn như thế nào, với một trường tư thục, tỉ lệ thi đậu chỉ 25% đủ khiến cho người hiệu trưởng cảm thấy sung sướng và hãnh diện!
Mình rời trường Chu Mạnh Trinh năm 1959 với mảnh bằng THĐIC trong tay, vui cái vui của một con nhà nghèo may mắn trong học tập. Song, bốn năm học ở trường cũng để lại cho mình một kỷ niệm buồn. Năm Đệ ngũ (1957-1958), lớp có một chị khá lớn tuổi, so với lớp tuổi phổ biến lúc ấy là 13-14 tuổi. Tạm gọi chị là X. Chị là con một vị Đại tá, nhà ở gần Ngả tư Phú Nhuận. Ở thời điểm đó, Đại tá là một cấp bậc rất cao, ông Dương Văn Minh vào năm 1956 còn ở cấp bậc này, chỉ sau chiến dịch Rừng Sác mới được thăng Thiếu tướng.
Bỗng một hôm, đám học trò trong lớp xì xào về chuyện chị “thân mật” hơn mọi người với thầy N.H., bút danh HN, dạy môn Sử Địa. Chuyện bé xé ra to, chuyện ít xít lên nhiều, song cũng vẫn còn trong giới hạn của một “tin đồn nhảm”.
Một buổi chiều tan học, bạn bè đi về hết, chỉ còn lại tôi và đứa bạn thân (Tô Minh Tâm, trước 1975 là giáo sư Triết trường trung học Cường Để, Qui Nhơn), tôi lại vừa nghĩ ra mấy câu thơ chọc phá. Hào hứng trước khả năng “tức cảnh sinh tình” của mình, với sự chứng kiến của Tâm, tôi viết lên bảng 6 câu thơ vừa nghĩ ra:
Trăm năm trong cõi người ta,
---(quên)
Chàng ơi, em quá yêu chàng,
Mà em chẳng sợ đàng tràng cách xa,
Chỉ sợ là sợ người ta,
Sợ là sợ cái lũ ma học trò!
Tác giả bài thơ chỉ nghĩ đơn giản là mình “thi hóa” một tin đồn cho vui, đâu biết rằng trò đùa đó đã dẫn đến một hậu quả thật đáng buồn.
Sáng hôm sau, bạn bè vào lớp, đọc mấy câu thơ trên bảng, chả cần tìm hiểu ai là tác giả, đã nổi lên những tràng cười nói rôm rả. Không khí náo nhiệt chưa từng có, trong khi đó, chị X như người mất hồn. Chị ôm mặt khóc nức nở, khóc đến sưng đỏ cả đôi mắt. Rồi chị ôm cặp ra về, vĩnh viễn không trở lại trường Chu Mạnh Trinh nữa. Cũng từ đó, thầy NH cũng không tới trường luôn, không biết đó là quyết định của riêng thầy hay của ông Hiệu trưởng Phan Đương. Cũng có thể cả hai.
Đến nay, sau 66-67 năm, mỗi lần nhớ lại bi kịch này, lòng mình vẫn ngập tràn niềm ân hận, thấy mình có lỗi nhiều đối với thầy NH và chị X. Khi đó, mối quan hệ giữa họ chưa biết sẽ như thế nào, và nếu không có bài thơ, không chắc là câu chuyện vẫn tiếp tục êm xuôi, song dù nghĩ vậy, mình vẫn ân hận rất nhiều.
18.2.2024
Kỳ VI
(chuyện kể xảy ra từ thập niên 1950 trở về trước)
Những năm sau 1955, nhiều gia đình về sống ở một khu vực ngay phía sau trường Chu Mạnh Trinh, nơi mà ở trên, người viết đã tạm gọi là “sân banh tự phát”. Bỗng nhiên nơi đây trở nên sầm uất, được đặt tên là “khu cư xá Chu Mạnh Trinh”, mặc dù trường Chu Mạnh Trinh chẳng dính dáng gì đến chủ nhân của những ngôi nhà này. Khu cư xá này được biết đến nhiều do có sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng, trong đó không thể không kể đến nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Tuấn Khanh (Tuấn Khanh tác giả bài Quán Nửa Khuya), vốn là anh chú bác ruột một người bạn học cùng trường Chu Mạnh Trinh với tôi.
Cũng từ đó, con đường rộng nằm trên đường Chi Lăng, chỉ cách ngả tư Phú Nhuận hơn 100 mét, cũng được cư dân tại đấy gọi là “hẻm Chu Mạnh Trinh”. Đầu hẻm này, vào thập niên 1950-1960 là một “khu ẩm thực” thú vị, với chỉ vài xe bò viên và sâm bổ lượng, song cái ngon của chúng ám ảnh thực khách có khi đến nửa thế kỷ sau.
Không lâu sau khi trường Chu Mạnh Trinh xuất hiện gần Ngả tư Phú Nhuận (1.7.1955), mặt tiền day ra đường Võ Di Nguy, thì người ta thấy mọc lên trường bán công Hoài An, chỉ nằm cách trường Chu Mạnh Trinh mấy căn nhà, song mặt tiền hướng ra đường Chi Lăng. Trường này chỉ là một căn phố, không lâu sau, đã được di chuyển sang bên kia Ngả tư Phú Nhuận, nằm bên trái đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ), cạnh một cây xăng, trên một khoảnh đất rộng rãi, xứng đáng với một trường trung học hơn.
Vào nửa sau thập niên 1950, đối diện với hẻm Chu Mạnh Trinh, nằm bên trái đường Chi Lăng là một nhà bảo sanh có tên Sương Mai, nơi cho ra đời nhiều cư dân Phú Nhuận nay đã thuộc về lớp tuổi U70. Một thiếu niên có dáng vẻ Ấn Độ hay lai Ấn Độ tên Kamal là con hay cháu người chủ nhà bảo sanh Sương Mai, có một khoảng thời gian ngắn là bạn học cùng lớp với tôi tại trường Chu Mạnh Trinh. Sau Kamal đi học nơi khác, còn người chủ nhà bảo sanh thì người đương thời gọi là “cô Tư Chà”, như vậy, bà đúng là một phụ nữ Ấn Độ hay lai Ấn.
Từ hẻm Chu Mạnh trinh tiếp tục đi theo đường Chi Lăng, hướng về chợ Bà Chiểu, khi chưa đến giao lộ Thái Lập Thành – Chi Lăng (nay là ngả tư Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long), phải kể đến hai kiến trúc mà hình ảnh còn hằn sâu trong ký ức của tôi. Một là tòa nhà rộng lớn nằm bên phải đường, được sử dụng làm trụ sở chính của tổ chức “Dân vệ đoàn” ngay vào những năm đầu của nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam.
Những năm 1955-1956 ấy, cậu học trò Đệ thất, Đệ lục của trường tư thục Chu Mạnh Trinh ngày ngày đi học ngang trụ sở Dân Vệ đoàn, không có tường rào, chỉ được bao quanh bằng những tấm tole dựng đứng, trên kẻ dòng chữ cao gần bằng đầu người, với nội dung chào mừng đệ nhất (hoặc đệ nhị) chu niên nền Cộng hòa. Sau khi nền Đệ nhất Công hòa miền Nam cáo chung, chính quyền kế tiếp đổi tên Dân Vệ đoàn là Nghĩa quân, cũng như đổi tên lực lượng Bảo An là Địa phương quân. Lúc đó, trụ sở này trở thành Cục Mãi dịch của quân đội.
Kiến trúc thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là một ngôi nhà nhỏ nằm trên một khoảnh đất khá rộng ở bên trái đường Chi Lăng, hơi xéo với trụ sở Dân Vệ đoàn. Đó là trường Tiểu học Tư thục Chấn Hưng, hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Vàng. Vào năm 1950, thầy Vàng cũng còn trẻ, có lẽ chưa đến 40 tuổi. Mình vào học trường này năm 1951, khi mới học lớp tư. Thời đó, chuyện học trò ăn đòn roi của thầy cô thường như cơm bữa. Trong 4 năm ở trường Chấn Hưng, cái đầu của mình lãnh khá nhiều thước kẻ của thầy Vàng, có lẽ nhờ vậy mà trí nhớ của mình đến nay vẫn còn minh mẫn!
Trong số người học chung lớp với tôi lúc bấy giờ, có 3 bạn là con và cháu thầy: chị Nguyễn Thị Mai là con gái thầy, bạn Nguyễn Hữu Hoàng Châu là cháu gọi thầy bằng bác, và Bình, con một người em họ thầy,
Vào học trường Chấn Hưng khi mới vừa 7-8 tuổi, có biết gì về chính chị, chính em, song lòng cũng khá băn khoăn khi đám học trò trường khác mỗi khi gặp chúng tôi lại hét to lên rằng thì là “thầy Chấn Hưng bị chấn (trấn) nước”. Mãi đến khi trưởng thành, nhớ lại chuyện cũ, mới biết là thầy bị trấn nước (khi điều tra) vì dính vào “quốc sự”, thầy hoạt động cho Việt Minh.
Chuyện này rõ hơn một chút vào năm 1954. Chiều hôm đó, chúng tôi đang ngồi học thì người em trai của thầy (cha của Nguyễn Hữu Hoàng Châu) xuất hiện như một làn gió, ông đến gần thầy, nói nhỏ câu gì đó, gương mặt thầy rạng rỡ lên thấy rõ. Sau đó, thầy công bố liền với tụi học trò thò lò mũi xanh chúng tôi là Tây đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Thầy vui quá, không ai tâm sự, lòng không kìm chế nổi nên mới thốt lên những lời đó với lũ chúng tôi, đầu óc chưa biết gì về những chuyện đại sự như thế.
Từ năm 1955, tôi rời trường Chấn Hưng, vào học trường trung học tư thục Chu Mạnh Trinh, như đã viết ở trên, thì không lâu sau, đọc báo, thấy chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ “một ổ Cộng sản” mười mấy người, trong đó có nhà văn Tô Nguyệt Đình, tên thật Nguyễn Bảo Hóa, tác giả tập “Bộ áo cà sa nhuộm máu”, và... thầy tôi, ông Nguyễn Văn Vàng.
Về “vụ án CS” sớm sủa này, có nhiều “dị bản”, nhiều thêu dệt sau năm 1975. Ngay lúc đó, báo chí có đăng tải chuyện ông Đốc phủ sứ Nguyễn Trân, Tỉnh trưởng Định Tường, thách thức nhóm cán bộ CS tranh luận với ông, nếu ông thắng, họ bị bỏ tù, nếu họ thắng, ông thả hết. Hình như chuyện tranh luận này không từng xảy ra, nhưng chuyện mười mấy cán bộ CS được trả tự do là điều có thật. Tôi vẫn còn nhớ rõ, bài báo tôi đọc về chuyện này ghi tên thầy tôi là Nguyễn Văn Vòng, thay vì Vàng.
Bạn nào có đọc tư liệu về vụ án này, xin bổ sung tên một vài nhân vật cộm cán trong số 14-15 bị cáo tại phiên tòa
Con đường Chi Lăng từ Ngả tư Phú Nhuận đi qua trường Chấn Hưng độ 50 mét mới gặp giao lộ đầu tiên là ngả ba Thái Lập Thành – Chi Lăng, nay là ngả tư Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu.
Sở dĩ gọi đây là ngả ba mà không là ngả tư, vì vào thập niên 1950-1960, con đường Thái Lập Thành chỉ nằm phía trái của đường Chi Lăng. Phía bên phải đường Chi Lăng không phải là một tên đường mà là một khu cư xá, với tấm bảng cao hàng chục mét, vắt ngang cổng vào, mang dòng chữ kẻ sơn “cư xá Thủ hiến Thái Lập Thành”. Ở phía này, con đường chạy qua cư xá chỉ dài vài trăm mét, kết thúc ở một ngôi chùa, và sau ngôi chùa là những cánh đồng bất tận trồng sen, trồng súng, trải dài đến khu đường Trần Quang Khải, Tân Định ngày nay. Bên hông ngôi chùa có một con đường mòn lớn chạy quanh co trong khu xóm, dẫn tới khu cư xá Chu Mạnh Trinh gần đại lộ Võ Di Nguy.
Cái ngả ba Thái Lập Thành-Chi Lăng này từ thập niên 1950 trở về trước có tên phổ biến là “chùa Bà Đầm”, mặc dù ngôi chùa nằm sâu mấy trăm mét trong khu cư xá Thủ hiến Thái Lập Thành và chưa thấy có một giải thích nào rõ ràng về cái tên “bà đầm” này cả.
Năm 1957, gia đình tôi đang cư trú trên đường Nguyễn Huệ (nay là Thích Quảng Đức), dọn về làng Bà Điểm, quận Hóc Môn, bản thân tôi ôm quần áo, sách vở lên ở nhà các bà cô trên đường Thái Lập Thành để tiếp tục việc học ở trường Chu Mạnh Trinh. Trong gần 10 năm trời, con đường Thái Lập Thành gắn chặt với nhiều kỷ niệm của một chàng trai mới lớn.
Năm 1959, sau khi lấy được mảnh bằng Trung học Đệ nhất cấp ở trường tư thục Chu Mạnh Trinh (tỉ lệ thi đậu là 7/27 thí sinh), tôi may mắn thi đậu vào lớp Đệ Tam C trường công lập Hồ Ngọc Cẩn mới được Bộ Quốc gia Giáo dục cho phép mở thêm. Trong khoảng 100 thí sinh của lần thi đó, trường chọn 45 người đậu hàng đầu, tôi đậu hạng 23. Thời đó, mỗi tỉnh thường chỉ có một trường trung học công lập đến đệ nhị cấp; Gia Định có Hồ Ngọc Cẩn, Biên Hòa có Ngô Quyền, Định Tường (Mỹ Tho) có Nguyễn Đình Chiểu, Phong Dinh (Cần Thơ) có Phan Thanh Giản... Thế là cậu học trò nghèo đỡ bớt nỗi ám ảnh về chuyện học phí.
25.2.2024
Kỳ VII
(chuyện kể xảy ra từ thập niên 1950 trở về trước)
Con đường Thái Lập Thành nơi tôi ở vào những năm 1957-1966 chỉ dài khoảng 400-500 mét, một đầu đâm ra đường Chi Lăng, đầu kia thẳng góc với một con đường nhỏ tên Nguyễn Đình Chiểu (đã kể ở một bài trước).
Bên phải con đường có những ngôi nhà gạch kiên cố, được xây dựng từ lâu và người ở đó là người cố cựu. Bên trái lại là một dãy nhà vách ván, lợp tole, chừng khoảng mươi căn, có lẽ là của đồng bào miền Bắc di cư những năm 1954-1955. Cuối dãy nhà này có một “Phòng đọc sách xã hội”, với lèo tèo một ít sách và 5-7 tờ báo. Người trông coi phòng đọc sách này là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, tóc bới, người miền Bắc. Bà có một cậu con trai lúc ấy độ 10 tuổi; công việc thường xuyên của bà là ngồi trông phòng đọc sách và liên tục thêu, đan. Tôi đoán bà là một quả phụ tử sĩ, được chính quyền tạo cho một việc làm nhẹ nhàng để nuôi con, ngoài phần tử tuất được hưởng theo quy định.
Vào những năm 1957-1958 này, tôi thường xuyên ghé lại Phòng đọc sách xã hội, đọc hết sách báo ở đây. Báo hàng ngày chỉ vài tờ, mỗi tờ được kẹp giữa hai thanh gỗ cứng, còn tạp chí thì nhờ chỗ này, lần đầu tiên tôi biết được tờ Lành Mạnh do bác sĩ Lê Khắc Quyến làm chủ bút, xuất bản tại Huế. Ngoài ra còn có tờ Chỉ Đạo, một tập san dày của cơ quan tâm lý chiến VNCH.
Cạnh phòng đọc sách là một con đường đất rộng dẫn đến một dãy nhà nằm phía sau, cũng với cách xây cất như dãy trước. Có lẽ chúng hình thành một lượt với nhau.
Con đường đất này ngăn cách một bên là Phòng đọc sách xã hội và một bên là ngôi nhà bề thế nằm sâu trên một khoảnh đất rộng, của một đôi vợ chồng có xe bán bánh mì, người con tên Trần Văn Chánh, là bạn học với tôi tại trường Tiểu học tư thục Chấn Hưng. Phía sau nhà của Chánh chỉ được ngăn cách với hông trường Chấn Hưng bằng hai đường rào kẽm gai nên mỗi khi đi học, Chánh thường chỉ vạch rào chui qua, cho gọn!
Tiếp tục đi trên đường Thái Lập Thành, dãy phía trái, qua khỏi nhà Trần Văn Chánh là một vườn nhãn rộng bát ngát, được che khuất một phần bởi một hàng rào cây xanh cao không quá đầu người. Ngôi nhà của người chủ vườn nhãn ở sâu bên trong, người đi đường khó nhìn thấy.
Đối diện với vườn nhãn rộng này, nằm phía bên phải đường, là ngôi nhà hai tầng của hai ông bà giáo sư tên Phương, tầng trên, ông bà Phương ở, tầng dưới là nơi ở của hai chị em cô ca sĩ Phương Dung, có lẽ mới từ quê nhà lên Sài Gòn.
Vào thời điểm những năm 1960-1961, ngay góc đường Thái Lập Thành-Chi Lăng bỗng mọc lên “Phòng trà ca nhạc Lệ Liễu” sáng đèn hàng đêm, và có lẽ đây chính là một trong những tụ điểm ca nhạc mà Phương Dung đã đặt bước chân đầu tiên trong đời ca hát của mình.
Những năm đó, tôi học lớp Đệ nhất C trường Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định, mỗi chiều đi học về, xuống xe buýt (vàng xanh) ở đầu đường Thái Lập Thành, đi bộ về nhà, tôi luôn đi ngang nhà Phương Dung ở và thường gặp cảnh hai chị em luyện hát vui vẻ ở căn phòng trước nhà.
Cũng trong những buổi chiều như thế, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Ph., người bạn học cùng lớp với tôi ở trường Hồ Ngọc Cẩn, chạy xe mobylette đến chỗ ở của Phương Dung, không biết để thăm ông bà giáo sư Phương ở tầng trên, hay thăm chị em Phương Dung ở tầng dưới. Tôi thì tôi đoán là anh chàng đang trồng cây si!
Từ chỗ ở của chị em Phương Dung đi thêm chừng 100 mét nữa sẽ gặp một con hẽm chừng 30 mét dẫn vào một dãy phố 10 căn, liền kề nhau, xây dựng kiên cố, mái lợp ngói, cao 8-9 mét. Ông bà chủ phố chiếm hữu hai căn đầu, 8 căn còn lại cho mướn. Gia đình các người cô, nơi tôi đến cư ngụ, ở căn số 9 nên số nhà là 15/9 Thái Lập Thành. Đây là nơi mà thỉnh thoảng người chị của ca sĩ Phương Dung (hình như tên Chi) đến chơi với cô em chú bác ruột của tôi. Không biết bây giờ chị Chi ở đâu, chứ cô em họ của tôi thì đã nằm trong bụng cá trong một chuyến vượt biên vào cuối thập niên 1970 rồi.
Khoảng năm 1962-1963, một gia đình dọn về ở căn phố số 3 dãy phố 10 căn này. Người chủ gia đình tên Hồ Việt Điểu, giáo sư Việt văn tại nhiều trường trung học tư thục. Nghe đồn ông Điểu là em ruột nhà văn Hồ Hữu Tường, song đến nay, vẫn chưa thấy tư liệu nào nói đến chuyện này.
Căn số 5 của dãy phố thuộc về một trong những gia đình ở lâu nhất tại đây. Ở đây có một cô gái nhỏ hơn tôi 1-2 tuổi, song sắc đẹp thì không ai sánh bằng. Cô tên Mộc Hương, chơi thạo đàn mandoline từ năm 7 – 8 tuổi, cha có tên Tây (Jean), nghề nghiệp vững chắc, ông bà nội cô không rõ có bằng gì, nhưng mỗi khi có chuyện bất đồng, hai ông bà “trâm” tiếng Tây nổ như bắp rang, chẳng ai hiểu hết. Ai cũng nghĩ là tôi với cô xứng đôi vừa lứa, một cậu trai học giỏi nhất xóm và một cô gái đẹp nhất vùng. Song chúng tôi không nghĩ đến nhau, mà mỗi người có những mối quan hệ khác.
Về sau, tôi cho rằng đó là sự khiến xui của số mệnh. Vào những năm tôi còn ở trong trại cải tạo, cô cùng cô em chú bác ruột của tôi tên Kim Hương (đã nhắc ở trên) tham gia một chuyến vượt biên và cả hai vĩnh viễn không trở về. Nếu tôi và cô se kết đời nhau, những năm đó, cô ở nhà lo đi thăm nuôi tôi thì số phận nghiệt ngã đã không ập đến với cô!
Gần ngả ba, nơi gặp nhau giữa hai con đường Thái Lập Thành - Nguyễn Đình Chiểu (đã kể trên), suýt có một “tình sử” bùng nổ tại đây. Một gia đình ở đây gồm toàn phụ nữ “Bắc kỳ di cư”, bà mẹ và 4 người con gái. Hai người chị đầu là y tá tại Tổng Y viện Cộng Hòa (bệnh viện thuần túy quân sự), người em thứ ba tên Nguyễn Nữ Như Nghĩa, nhỏ hơn tôi chừng một tuổi. Cô em út còn nhỏ hơn nữa, không cần phải nhắc ở đây. Hai cô chị ban ngày đi làm, ban đêm đi tiêm thuốc cho ai cần tiêm. Đó là lý do khiến chúng tôi quen nhau, vì hai người chị thường xuyên đến tiêm thuốc cho người cô Út của tôi.
Dạo đó, Nguyễn Nữ Như Nghĩa học trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định, mỗi ngày đi bộ trên một quãng đường thật dài. Có hôm, tôi lẽo đẽo theo cô, kẻ trước người sau, cả tiếng đồng hồ, mà chả ai dám thốt lên một lời! Thế là cô vào lớp, chàng tình si lủi thủi đi về một mình!
Một hôm, chàng chép tặng cô một bài thơ, có những câu:
Em từ đất Bắc đến miền Nam,
Vượt mấy dòng sông, cách mấy làng,
Một thuở hoa niên tràn mộng đẹp,
Xa vời nào ngại gió sương chan
Muốn kể cùng ai chuyện dãi dầu,
Nhưng mà ấp úng chẳng nên câu,
Em ơi, đừng trách rằng tôi bạc,
Tôi khổ nhiều rồi, em biết đâu (1961) (quá ư là sến!)
Tình cảm của tôi chắc là cô phải biết, cô không cự tuyệt, mà cũng không có dấu hiệu đáp ứng, vẫn cứ để lửng lơ như thế cho thời gian cuốn trôi đi.
Mãi 3-4 năm sau, khi đang học năm thứ 3 đại học, tôi mới biết lý do của sự lửng lơ này. Bữa nọ tôi đi ngang nhà cô, cô chạy ra gọi mời vào nói chuyện. Khi tôi từ tạ ra về, cô kín đáo trao cho tôi một phong thư, mang về nhà hồi hộp mở ra thì hóa ra cũng là một bài thơ, sau hơn 60 năm chỉ còn nhớ mỗi đoạn giữa:
Tôi biết rằng ai quá khổ đau,
Song ai lại là kẻ đến sau,
Thì cho dù có yêu ai đó,
Duyên vẫn phụ tình, vẫn khổ đau
Hóa ra trong những ngày tôi lẽo đẽo theo Như Nghĩa, cô đang có một tình yêu đầu đời!
Bài thơ đánh mất đã lâu, nhưng 4 câu trên lại nhớ mãi, như đã biến thành máu thịt của mình rồi!
Ôi, một tình sử không thành!
28.2.2024
Kỳ VIII
Vào thập niên 1950, từ khu vực “chùa Bà Đầm” đi về hướng chợ Bà Chiểu, người ta nhìn thấy phía bên phải là khu dân cư với những ngôi nhà núp sau các dãy hàng rào lá xanh không cao quá đầu người. Phía bên trái rôm rả hơn một chút. Từ quán ca nhạc Lệ Liễu đi xuống, không thể không nhắc đến quán “Bò 7 món Duyên Mai”, một quán bò 7 món lâu đời của đất Sài Gòn, nơi mà nhiều gia đình không có thu nhập cao vẫn có thể đến đó tổ chức những tiệc cưới ấm cúng. (Trên đường Nguyễn Minh Chiếu, nay là Nguyễn Trọng Tuyển, cũng thuộc xã Phú Nhuận lúc bấy giờ, cũng có quán bò 7 món Ánh Hồng).
Qua “Bò 7 món Duyên Mai”, ta sẽ gặp một ngả ba khác, có tên là “Ngả ba Cầu cống”, tiếng quen thuộc của người dân Phú Nhuận khi xưa dùng để gọi nơi gặp nhau giữa đường Chi Lăng và đường Nguyễn Huệ, nay là ngả ba Phan Đăng Lưu – Thích Quảng Đức.
Không thấy ai giải thích về cụm từ “Ngả ba Cầu cống” này, cũng như khu “chùa Bà đầm” ở ngả ba Chi Lăng-Thái Lập Thành. Từ này khiến tôi liên tưởng đến cụm từ “Kỹ sư cầu cống” vẫn dành để chỉ những trí thức Việt Nam sang Pháp học và tốt nghiệp trường “École nationale des ponts et chaussées” (Trường quốc gia cầu đường). Trong tiếng Pháp, nghĩa chính của pont là cầu, của chaussées là mặt đường, đê bao giữ nước. Trong giới trí thức thời đó, ngoài cụm từ “kỹ sư cầu cống”, họ còn dùng cụm từ “cựu sinh viên trường pông-sốt” để chỉ những ai từng học ở trường đại học Pháp kể trên. Tôi đoán rằng tại ngả ba này khi xưa, có những công trình về công chánh khiến người dân nhớ mãi.
Từ Ngả ba Cầu cống tiếp tục đi xuống khoảng hơn 100 mét, lại gặp một ngà ba khác có tên là “Ngả ba Đốc công”, tức ngả ba Ngô Tùng Châu – Chi Lăng (nay là Nguyễn Văn Đậu – Phan Đăng Lưu). Trong tiếng Pháp, đốc công là contre-maitre, là một giới chức có nhiệm vụ đốc thúc công việc của công nhân ở một công trường. Về từ “đốc công” này, sẽ xin kể một giai thoại nhỏ vào một dịp khác.
Giữa Ngả ba Cầu cống và Ngả ba Đốc công, có ngôi đình Cầu cống, nơi nhiều gánh hát bội hay cải lương hồ quảng nhỏ vẫn thường đến đó ca diễn.
Vào thập niên 1950, con đường Ngô Tùng Châu chạy ngang một ngôi chợ có cái tên dân dã và quen thuộc với mọi người, đó là chợ Cây Quéo. Gần Ngả ba Đốc công, cũng trên đường Ngô Tùng Châu, có ngôi nhà của một vị tướng nổi tiếng thời VNCH, đó là Chuẩn tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ, một hậu duệ của nhà cách mạng Phan Đình Phùng.
Trở lại với Ngả ba Cầu cống, nơi gặp nhau giữa hai con đường Nguyễn Huệ và Chi Lăng, ngay khi đi vào đường Nguyễn Huệ, khách bộ hành sẽ bắt gặp ở bên trái mấy dãy nhà xây tường dày, mái lợp ngói, chạy theo hình chữ U, ôm một khoảng sân rộng lớn trồng cây cỏ. Người đương thời gọi dãy nhà này là “Phố nhà băng”. Phải đợi đến khi trưởng thành, vào thập niên 1960, cậu bé sinh trưởng ở vùng này mới biết đó là cư xá của công nhân viên ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Trong khoảng sân rộng của khu “phố nhà băng”, có một cây phượng vỹ rất to, người ta treo lên một sợi dây thừng dài gần chấm đất. Đó là nơi mà đêm đêm, lũ trẻ chúng tôi thường đến để tập leo dây. Thời ấy, trong các môn thi thể dục mở ra trước các kỳ thi chính thức (Trung học đệ I cấp, Tú tài I, Tú tài II) để thí sinh kiếm thêm điểm thể dục bổ sung vào điểm thi, có môn leo dây này.
Bên phải của đường Nguyễn Huệ, ngay Ngả ba Cầu cống, có ngôi quán nhỏ bán tạp hóa của một người Tàu. Đến thập niên 1960, ngôi quán của người Tàu biến mất, thay vào đó là một hàng rào vuông vắn, mỗi cạnh vài mươi mét, các thanh chắn bằng xi-măng được thiết kế theo hình báng súng, xếp đứng cách nhau vài phân, người ngoài nhìn vào không thấy kiến trúc của ngôi nhà bên trong. Người ta đồn với nhau rằng đấy là khu nhà của Trung tướng VNCH Trần Văn Minh, song mình cũng không tò mò để kiểm tra xem thông tin đó có đúng không
Đi sâu hơn vào đường Nguyễn Huệ, cách Ngả ba Cầu cống hơn 100 mét, cũng ở bên phải, là một tòa nhà đúc 2 tầng rất bề thế, tường rào kiên cố bao quanh, trước cổng nhà, trên hai bục xi măng để ngồi hóng mát buổi chiều, người ta đặt lên đó một lu nước trong, trên nắp lu có một chiếc gáo dừa úp xuống, để khách lỡ đường có thể ghé lại, làm một ngụm nước mát.
Ở vùng đất Phú Nhuận những năm đầu thập niên 1950 trở về trước, nhà cửa lèo tèo, không dễ gì tìm được một quán nước như ngày nay, lu nước mát đặt trước nhiều ngôi nhà là cứu tinh của bất cứ người khách lỡ đường nào. Đó là một nét đẹp đầy tính nhân văn của người Sài Gòn xưa.
Ngôi nhà bề thế có cái lu nước phía trước vừa kể trên chính là nhà của ông bà Bút Trà, chủ nhân của những tờ báo ăn khách lúc bấy giờ: Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Ngày Mai...Ngôi nhà này không biết được xây cất từ bao lâu, nhưng điều chắc chắn là nó có mặt trước khi người viết bài này cất tiếng khóc chào đời.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, có một sự kiện hi hữu, đó là có 3 nhà báo, nhà văn cùng tên Nguyễn Đức Nhuận; người thứ nhất là ông Bút Trà, người thứ nhì là chủ nhiệm tờ Phụ nữ Tân văn (sáng lập là vợ ông, bà Cao Thị Khanh) phát hành vào cuối thập niên 1920 và những năm 1930, người thứ ba là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, võ hiệp, bút danh Phú Đức, nổi tiếng nhất với bộ truyện nhiều tập “Châu về hiệp phố”. Cả ba ông cũng xấp xỉ tuổi nhau, ông Bút Trà và ông chủ nhiệm Phụ nữ Tân văn cùng sinh năm 1900, ông Phú Đức sinh năm 1901.
Thập niên 1950, Sài Gòn có hai tờ tuần báo về phụ nữ được nhiều người đọc, đó là tờ Phụ nữ Diễn đàn và tờ Phụ nữ Ngày mai, chủ bút tờ sau là cô Kim Châu, con gái của ông bà Bút Trà.
Nhiều người cũng biết rằng ông Bút Trà có người em trai là nhà văn, nhà báo Hồng Tiêu (Nguyễn Đức Huy) và cụ Hồng Tiêu có vợ là nhà văn nữ Tùng Long, tác giả của mấy mươi bộ tiểu thuyết tâm lý xã hội và là người phụ trách mục “Gỡ rối tơ lòng” trên một vài tờ báo phụ nữ. Hai vị trên là song thân của một nhà văn đương đại, thỉnh thoảng có bình luận trên diễn đàn này.
Gần nhà ông bà Bút Trà, cách một con hẻm nhỏ là nhà của một người miền Nam cố cựu khác, được người trong xóm gọi là “Ông lò mắm”. Trên sân nhà ông có rất nhiều lu khạp to, có lẽ là nơi ông ướp cá để làm mắm. Song với một cậu bé 7-8 tuổi lúc bấy giờ, mắm chẳng có gì hấp dẫn cả. Hấp dẫn nhất đối với cậu ta là đống rác to đùng ở bên kia đường, ngay trước nhà ông lò mắm. Rác đổ lâu ngày đã hoai gần hết, không còn mùi khó chịu nữa, ngày ngày, cứ vào mỗi trưa, người ta nhìn thấy một cậu bé, tay ôm cặp, đi tha thẩn trên đống rác này, tìm kiếm và cúi lượm từng chiếc nắp chai bia hay nước ngọt bằng nhôm mà tiếng bọn trẻ lúc đó gọi là “nút khoén”. Mang số “chiến lợi phẩm” này về nhà, cạy bỏ lớp đệm mỏng bằng cao su bên trong rồi dập giẹp xuống, những chiếc nút khoén trở thành vật ăn thua trong những màn đánh đáo hay tạt hình.
Khoảng năm 1954, trên đống rác này mọc lên mấy ngôi nhà, trong đó có quán hủ tíu mì của gia đình một người Hoa, giá một tô mì vào thời điểm ấy là 3,5 đồng. Thời đó, cậu bé con nhà nghèo mới 10 tuổi mê món mì của tiệm này lắm, cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, cậu được mẹ đền cho 6 ngày nhịn thèm bằng một tô mì giá 10 đồng, gần gấp 3 lần một tô mì bình thường.
Con hẻm nhỏ ngăn cách nhà ông bà Bút Trà và nhà ông lò mắm dẫn đến một lò bánh tét lâu năm có tên là “lò bánh tét bà Kẻo”, một cái tên khó nhớ, dễ quên. Sau lò bánh tét bà Kẻo là một nghĩa trang rộng lớn được người dân gọi là “đất thí”, do xã Phú Nhuận quản lý, dành cho các gia đình không có đất riêng để chôn cất người thân hoặc để chôn những người chết bờ chết bụi, không tìm được ai là thân nhân. Vào những năm 7-8 tuổi, tôi nhiều lần chứng kiến cảnh người ta khiêng người chết trôi vô thừa nhận, mang đến chôn trong khu đất thí này, quan tài chỉ là mấy miếng ván ghép sơ sài, nước từ trong tử thi chảy dọc theo đường đi, để lại một mùi … khủng khiếp.
Vậy mà tôi đã sống cạnh khu đất thí này suốt 13 năm kể từ lúc mới ra đời, có lẽ do đó mà bổn tánh rất … sợ ma.
Từ nhà ông bà Bút Trà và ông lò mắm đi xuống nữa chừng vài trăm mét, cùng một phía bên phải đường Nguyễn Huệ, ta sẽ gặp một nơi mà bây giờ hầu hết người Sài Gòn đều nghe tên. Đó là ngôi chùa mà trong lịch sử tồn tại của nó, có hai cái tên nối tiếp nhau. Trước tiên là tên “chùa Mạch Lô”, từ khoảng năm 1954 trở về trước. Tên “mạch lô” xuất phát từ tiếng Pháp “matelot” là lính thủy.
Cũng giống như chùa Bà Đầm ở khu cư xá Thủ hiến Thái Lập Thành, không rõ lịch sử ngôi chùa Mạch lô này dính dáng thế nào đến những anh lính thủy Pháp. Tên thứ hai của chùa là “Quán Thế Âm” mà phần lớn người địa phương vẫn gọi là “chùa Quan Âm”. Lúc đó, chùa được biết đến nhiều nhờ nơi đây có sự tu tập của một nhà tu thật đặc biệt, khá lớn tuổi, song chỉ cao khoảng... 1 mét. Người trong xóm gọi ông là “ông thầy chùa lùn”. Người ông đầy đặn, đi đâu ông cũng mặc một bộ quần áo màu nâu, đầu đội chiếc nón lá nhỏ, người lắc qua lắc lại, trông như một cây nấm mối biết đi. Ông mất năm 1968, trong vụ Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nghe nói ông bị trúng đạn, xác nằm trên đường mấy ngày liền.
“Ông thầy chùa lùn” chỉ nổi tiếng tại chùa Quan Âm vào những năm 1950, đến năm 1963 thì tên ông phải nhường chỗ cho một cái tên vang danh cả nước, đó là tên hòa thượng Thích Quảng Đức, người trụ trì ngôi chùa này, đã tự thiêu để bày tỏ sự chống lại chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ chùa Quán Thế Âm đi lên nữa, người ta sẽ gặp ngôi trường Nhân Vị nằm bên phải, do các linh mục Công giáo điều hành, tuy mọc lên khá trễ, song cũng là nơi có nhiều kỷ niệm của lớp thiếu niên sinh vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960.
Qua trường Nhân Vị, đi về hướng giao lộ Thích Quảng Đức – Nguyễn Kiệm (xưa là Nguyễn Huệ-Võ Di Nguy), sẽ gặp cổng xe lửa số 11, là chiếc cổng cuối cùng còn thuộc quận Tân Bình.
2.3.2024
Kỳ IX
Tóm lại, nói đến lịch sử con đường Nguyễn Huệ ngày xưa, nay là đường Thích Quảng Đức, phải kể đến 3 kiến trúc nổi bật nhất, gợi nhớ kỷ niệm sâu sắc của những người sinh trưởng trên con đường này, đó là Phố nhà băng tức Cư xá Việt Nam Thương Tín, nhà ông bà Bút Trà và chùa Mạch lô hay chùa Quán Thế Âm.
Song với người viết hồi ức này, quan trọng hơn cả là khu đất khá trống trải nằm giữa khoảng đường đi từ nhà ông bà Bút Trà đến chùa Quán Thế Âm. Nằm lọt sâu trong một khoảng đất trống mênh mông, cách đường Nguyễn Huệ khoảng 150 mét là một ngôi nhà vách ván, lợp ngói, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Dù là cách mặt đường lộ khá xa, song trước nhà không có nhà cửa, cây cối, nên ngồi trong nhà vẫn thấy được thấp thoáng bóng xe cộ chạy trên đường.
Khi được 5-6 tuổi, tôi vẫn còn thấy vạt đất bên hông nhà còn có một cái hầm hẹp và dài, sâu hơn 1 mét, là nơi mà vào những năm 1944-1945, cả gia đình tôi thường chui xuống đó, mỗi khi tiếng còi ”a-lẹc” (alerte là báo động)) nổi lên, báo hiệu sắp có máy bay đồng minh bay đến thả bom trên đất Sài Gòn.
* Bà Ngoại tôi cũng kể lại rằng vào khoảng những năm 1944-1945 đó, bà có lần chứng kiến cảnh một chiếc xe cam-nhông (camion, xe tải quân đội Pháp) chở khoảng 5-6 thanh niên người Việt chạy đến đường Nguyễn Huệ, ngay phía trước nhà tôi. Lính Pháp lùa những thanh niên xuống khỏi xe, bắt ngồi trước một miệng hố đào sẵn, sát cạnh đường Nguyễn Huệ, xả súng bắn từng người một, rồi xô hết xuống hố, lấp đất lại, thành một ngôi mả to.
Ngôi mộ gần đường Nguyễn Huệ này là một ám ảnh trong tuổi thơ của tôi. Vào những năm cuối thập niên 1940, cứ trưa trưa lại thấy một người lính Tây xách “kèn mu-zich” (musique), tức kèn Tây, đến trước ngôi mộ đó thổi một hồi kèn. Không hiểu sao thực dân Pháp lại có thể thực hiện một hành vi mang tính tâm linh như thế, và những hồi kèn vang lên mỗi buổi trưa đó luôn vẳng lên trong tâm thức tôi suốt một thời nhỏ dại.
Song đến những năm đầu thập niên 1950, chuyện về ngôi “mả chiến sĩ” ấy, theo cách gọi của Bà ngoại tôi, vẫn chưa kết thúc. Lúc đó, một số cá nhân đến khoảnh đất rộng hơi xéo trước nhà tôi, cất lên một trại nhỏ nuôi ngựa đua. Buổi tối, ở trại này chỉ có một vài người canh giữ và có lúc bỗng nhiên mấy ngày liền, họ hô hoán ầm ỉ là ai đó đã vào nơi họ ở lục tung áo quần, đồ đạc, vứt bừa bãi khắp nơi. Sự kiện kỳ lạ trên được nhiều người dân kết nối với ngôi mả chiến sĩ ấy. Phải chăng cái chết oan khuất của họ và việc họ không được thờ cúng đã dẫn đến chuyện kỳ lạ trên chăng?
Cũng nhờ có khu trại nuôi ngựa đua này mà tôi là một trong những người Sài Gòn được thưởng thức món thịt ngựa sớm nhất. Thỉnh thoảng người ta lại đè một con ngựa yếu đuối hay bệnh hoạn ra làm thịt và cả khu xóm xúm lại mua thịt ngựa bán rẻ về xào ăn. Má tôi không bao giờ quên những dịp mua món thịt giá hời này.
Đến những năm 1954-1955, trại nuôi ngựa kể trên không còn nữa. Thay vào đó, chính quyền Ngô Đình Diệm cho cất hai dãy nhà nằm thẳng góc với con đường, mỗi dãy độ vài mươi căn, ngang khoảng 3-4 mét, sâu khoảng 10 mét. Nhà lợp tôn, nền đất, toàn bộ cửa và vách làm bằng những tấm ván ghép vào nhau. Nhà làm xong, không thấy ai vào ở, nền đất ẩm, chỉ sau vài tháng, cỏ mọc lên, có khi đàn bò dùng đầu húc cho cánh cửa sau mở ra, chui vào ăn cỏ.
Mãi cả năm sau, mọi người mới biết là hai dãy nhà vách ván đó được dành cho đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Chỉ trong một sớm một chiều, những căn nhà bỏ trống từ lâu ấy đã đầy ắp những người là người. Cũng từ đó, nơi đây mang tên mới là “phố di cư”, chúng được gia cố, làm đẹp dần theo với việc ăn nên làm ra của mỗi gia đình và tồn tại đến sau tháng 4.1975.
Năm 1957, khi phố di cư đã trở thành một cộng đồng dân cư sống yên ổn, hòa đồng với đồng bào địa phương, gia đình tôi dắt díu nhau về sống tại làng Bà Điểm, quận Hóc Môn, cách vùng Phú Nhuận độ 10 cây số, riêng tôi xách cặp đựng sách vở, quần áo tới đường Thái Lập Thành, sống chung trong gia đình các người cô để tiếp tục việc học, như đã kể ở phần trên.
Song 5 năm sau đó, duyên nợ của gia đình tôi với con đường Nguyễn Huệ vẫn chưa kết thúc. Cuối năm 1962, tình hình an ninh tại các quận, xã vùng ven thành phố Sài Gòn đã bắt đầu có vấn đề, chính sách ấp chiến lược được chính quyền Ngô Đình Diệm đặt ra nhằm cách ly dân chúng với các lực lượng chống phá. Tôi đã bắt đầu học năm thứ nhất Học viện QG Hành chánh, thẻ sinh viên có hình lá cờ vàng ba sọc đỏ vắt ngang qua, không dám về thăm nhà hàng tuần nữa. Bà Ngoại tôi thương tôi lắm, bà tính đến việc bán khu nhà đất đang ở, dọn trở lại đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận.
Tính là làm, cuối cùng, gia đình tôi mua một ngôi nhà nhỏ nằm ngang ngôi nhà cũ trước năm 1957, chỉ cách nhau độ 100 mét. Căn nhà này rất gần với nơi tạm gọi là trường học đầu đời của tôi, nơi tôi bắt đầu học a,b,c vào năm 6 tuổi (1950).
Sở dĩ tạm gọi là trường học, vì nơi đây chỉ là cái chái của một ngôi nhà tường xây, bề thế, nằm trên một vuông đất rộng. Gia đình này theo đạo Công giáo, bà cụ sinh đến... 15 người con! Cô giáo dạy tôi tên Vạn là người con thứ 13, song theo cách gọi trong Nam là thứ mười bốn nên người trong xóm gọi là “cô Bốn”, người em út của cô là cô Huệ, thứ mười sáu nên gọi là cô Sáu.
Khi tôi vào học lớp 5 (lớp 1) vào năm 6 tuổi thì cô Bốn đã 18 tuổi. Cái chái làm lớp học chật hẹp, bàn ghế đủ kiểu, xếp ngang dọc, bàn học của tôi có chiếc băng dài và cao đến bụng nên mỗi khi tôi cần ngồi vào bàn là cô Bốn phải lấy hai tay xốc nách tôi đặt lên ghế.
Năm lớp năm đó (lớp 1 bây giờ), tôi còn khờ khạo lắm, bữa nọ có mấy người phạm lỗi gì đó không rõ, trong đó có tôi, bị cô bắt ra cánh đồng trước nhà, mỗi cậu bẻ và mang vào một cây roi. Tôi ra trước cửa trường trong một tâm trạng buồn hiu, chợt nhìn về hướng nhà, thấy Bà ngoại tôi đang mót củi trước nhà, nỗi nhớ nhà trở nên khủng khiếp, mặc dù chỉ 1-2 tiếng đồng hồ nữa là tan học, được trở về nhà. Ở vào cái tuổi lên 6, lên 7, tâm hồn là tờ giấy trắng, ai in lên đó cái gì là cái đó hằn sâu suốt đời. Tôi nhớ vào một lần ra chơi, cô Bốn đưa cho tôi cái kéo nhỏ, bảo mang vào cho má cô ở nhà trên và dặn kỹ tôi là vào đưa kéo cho bà phải đưa bằng hai tay. Lời dặn đó, tôi nhớ đến bây giờ!
Vào năm học đầu tiên trong đời tôi, một kỷ niệm đáng nhớ là kỷ niệm bị... bắt nạt. Vì chỉ có một phòng học nên lớp này học chung với lớp kia, trong lớp tôi có hai anh em, người em tên Vốn, người anh tên Lời (còn một người anh nữa tên Lắm, học chỗ khác). Vốn cỡ tuổi tôi, nhưng đã có vẻ khí phách giang hồ, tôi nễ sợ anh ta lúc nào không biết và dần dần trở thành “con tin” của anh ta. Ngày nào đến lớp, tôi cũng phải cho anh ta nếu không là tiền thì là bánh trái mang theo.
Tình thế đó kéo dài, tôi túng quá, phải xin tiền hết người này đến người kia trong gia đình, xin tiền cả người chị họ ở cạnh nhà. Nhận thấy tôi ít xài tiền mà cứ xin tiền mãi, từ ngạc nhiên đến nghi ngờ, một bữa tối, gia đình tôi mở cuộc thẩm vấn rộng rãi, và nghi can nhanh chóng nhận tội xin tiền nhiều để cống nạp cho bạn Vốn học chung.
Thế là sáng hôm sau, bà Ngoại tôi dẫn tôi đến trường để tố cáo sự việc với cô Bốn. Anh chàng Vốn tinh ranh, thấy tôi đi học với bà Ngoại, biết là có biến, vội ôm cặp, nhảy qua cửa sổ và biến mất luôn từ đó.
Bảy năm sau (1957), tôi về ở đường Thái Lập Thành, không ngờ gia đình Vốn cũng ở đường này. Chúng tôi gặp lại nhau trên đường lúc mỗi đứa đã 13 tuổi. Không khó nhận biết nhau, Vốn và tôi nhìn nhau, cười giả lả...
5.3.2024
Kỳ X
Mình kể về những hình ảnh kỷ niệm này như kẻ khơi lại đống tro tàn đã lạnh lẽo từ lâu. Những hình ảnh của một thời trẻ dại, nay chỉ còn lại trong ký ức mơ hồ, lãng đãng khói sương.
Tôi nhớ những buổi trưa hè, trong ngôi nhà lẻ loi bên cạnh một nghĩa địa rộng lớn, nhìn thấy những người phụ nữ trong bộ trang phục đơn giản, nghèo nàn, tay xách một thùng gỗ nhỏ, bên trong khoét những lỗ tròn, đủ để đặt vào đó mấy chai thủy tinh thấp bé, đựng các chất lỏng màu xanh, màu hồng. “Dầu gió, dầu bông lài, dầu hải đường hông?”, đó là tiếng rao ngọt ngào, lảnh lót vang lên giữa cái nóng nung người, nhưng đủ để một cậu bé 4-5 tuổi đời nhớ mãi.
Thời đó, dầu gió là thứ dầu được nấu thủ công từ lá khuynh diệp, rẻ tiền, nên được nhiều gia đình sử dụng để thoa chỗ sưng trặc hoặc phòng khi gió máy. Dầu bông lài, dầu hải đường là những sản phẩm phổ biến, là những “Chanel, Gucci, Yves Saint-Laurent”... của các bà các cô thời đó. Vào những năm 1940, số người uốn tóc còn ít, tắm xong, chải tóc, vuốt một ít dầu trơn là mái tóc dài nhìn thấy óng mượt ngay, mùi hương hoa lài, hoa ngâu thoang thoảng, gợi nhớ một thời con gái.
Ngày nay món “kẹo đục” không thấy nữa, song vào thập niên 1940-1950, nó còn phổ biến lắm. Thanh kẹo to bằng ngón tay cái, dài khoảng 20 phân, chế biến từ bột, mạch nha, đường và đậu phộng. Chúng cứng và giòn, người bán dùng một cái đục, gõ thành những thanh dài chừng 3-4 phân, quấn trong một manh giấy nhỏ, cứ thế mà nhai. Có lẽ từ “kẹo đục” xuất phát từ hành vi đục kẹo này.
Xóm tôi lúc bấy giờ có một ông bán kẹo đục người Tàu đội trên đầu một cái tràng bằng thiếc rộng khoảng 1 mét, trong chứa kẹo đục, ai kêu mua, ông hạ xuống, đục và bán. Ông đội cái tràng khéo lắm, khi đi chẳng cần vịn tay vào mà cái tràng vẫn vững vàng theo từng bước ông đi. Tôi có nhiều ấn tượng về ông Tàu bán kẹo đục này, vì ông và ông Ngoại tôi, vốn là một người giỏi chữ Nho, vẫn thường xuyên có những buổi đàm đạo kéo dài.
Những lúc đó, kẹo đục còn lại bao nhiêu, đối với ông, chả là cái đinh gì. Ông Ngoại tôi là người có 50 % máu Tàu, ông Tàu bán kẹo đục tha phương cầu thực, chắc nhớ về quê lắm, gặp một người như thế cũng bớt được phần nào nỗi nhớ. Có điều, một thời gian sau đó, không còn thấy ông bán kẹo đục đâu nữa! Ông trở về quê cũ bên Tàu, chuyển sang nghề khác, hay đã là người thiên cổ, đó chắc là những điều đã khiến ông Ngoại tôi ray rứt trong lòng. Có những buổi trưa ông ngồi thẫn thờ nhìn ra trước ngõ, chắc là mong nhớ ông bán kẹo đục lắm!
Những năm 1940, Phú Nhuận còn nhiều nơi hoang vắng, nhà cửa rải rác, không gian thoáng đãng đến nổi voi đi như vào chỗ... không người. Thỉnh thoảng cả xóm xúm lại quanh một con voi khổng lồ, đứng hiền lành cho mọi người vuốt ve, và đút vào miệng những cây mía dài. Đó là những chú voi đi bán dầu cù là Mac Phsu. Người tham gia duy nhất trong những chuyến bán hàng lưu động này là người nài. Anh không kêu gào, hò hét như những bác sơn đông mãi võ, chỉ ngồi lặng lẽ trên lưng voi, nhìn xem thiên hạ túm tụm quanh con vật khổng lồ, hỏi mua dầu cù là thì anh bán, không hỏi mua thì thôi. Đó là cung cách bán hàng lạ của thời kỳ này, khi mà các khái niệm tiếp thị, khuyến mãi chưa xuất hiện trong kho ngôn ngữ Việt.
Ngày nay, những chú voi khổng lồ trên thế giới bị triệt hạ để lấy ngà khá nhiều, những chú voi của thế hệ 4X ở Phú Nhuận -Sài Gòn cũng chỉ còn là kỷ niệm, muốn thấy chúng, chỉ có thể vào sở thú.
Ở Mỹ, khi đến thủ đô Washington D.C. của xứ Cờ Hoa, du khách có thể nhìn thấy nhiều nghệ sĩ nghèo biểu diễn âm nhạc ngay giữa đường phố. Phương tiện kiếm ăn của họ là chiếc kèn trumpet, saxophone hay cây violon óng mượt. Họ đứng một chỗ, trổi lên hết nhạc phẩm này sang nhạc phẩm khác, khách đi đường ai thích nghe thì dừng lại lắng nghe, ai cám cảnh thì bỏ vào chiếc nón trước mặt họ vài đồng. Hình ảnh này không chỉ tìm thấy ở Washington D.C., mà còn ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Ở miền Nam, vào thập niên 1940, cũng có những nghệ sĩ nghèo hoạt động như thế, tất nhiên là dưới một hình thức khác.
Dù đã lâu lắm rồi, song mình vẫn nhớ như in hình ảnh những toán hát dạo đi lang thang khắp nơi trong vùng đất Phú Nhuận còn thưa thớt nhà cửa, hàng quán chỉ tập trung chủ yếu trên con đường Võ Di Nguy, tên thời Pháp thuộc là Louis Berland. Họ gồm những nhóm nhỏ độ 4-5 người, trong đó có 1-2 người mù, đi hàng một trên đường, người đi sau níu vai người trước.
Nhạc khí của họ gồm chủ yếu chiếc trống nhỏ do người đi đầu hàng đeo trước bụng, một đàn mandoline và một đàn banjo. Họ không sử dụng đàn guitar, có lẽ do đàn này cồng kềnh hơn banjo và mandoline. Khi di chuyển trên đường, người sáng mắt đi đầu mang trống, những người đi sau tay cầm đàn, tay vịn vai người đi trước.
Những ca nhạc sĩ nghèo hát dạo ấy vừa đi vừa gõ trống, một thứ âm thanh quen thuộc ai cũng nhận ra. Gia đình nào muốn nghe họ hát thì mời họ ghé lại. Thông thường mỗi lần như thế, gia chủ trải chiếc chiếu ra giữa sân, chủ khách cùng ngồi. Ai trong gia đình muốn nghe bài nào thì đề nghị họ hát, không ai đề nghị thì họ tự biên, tự diễn. Họ hát những bài hát của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Trầu Cau, Mùa đông binh sĩ…), Hoàng Giác (Ngày về, Quê hương), Anh Việt (Chiều trong rừng thẳm…), hầu hết là những bài hát diễn tả cảm xúc về cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập cho xứ sở lúc bấy giờ. Gây ấn tượng mạnh nhất cho tuổi thơ của tôi lúc ấy là bài Chiều Trong Rừng Thẳm: “Trong rừng xa vắng - âm u - nhuộm ánh dương mờ, Tiếng gió rít lên - ngàn cây - xác xơ”. Mà không chỉ riêng tôi, tuổi trẻ thời ấy thích và nhớ bài hát đến nổi họ đặt ra một lời ca khác theo đúng giai điệu chính: “Cô Mười, cô Chín - hai cô - anh muốn cô nào? Muốn dắt cổ đi - đừng cho - má cổ hay....”
Năm 5-6 tuổi, tôi từng ít nhất một hai lần chứng kiến cảnh những người hát dạo ấy được gia đình tôi mời vào hát. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, gia chủ dọn cơm ra, mọi người cùng ăn, chuyện trò vui vẻ. Ngoài bữa ăn, còn có chút tiền lộ phí hay không thì tôi không rõ.
Có thể nói trong tuổi thơ của tôi, hình ảnh những người nghèo đi hát dạo kiếm cơm nuôi thân ở Phú Nhuận là một trong những hình ảnh đẹp và cảm động nhất. Nó hằn sâu trong ký ức của tôi, dù đã qua hơn 70 năm biến động, thăng trầm. Mỗi lần nhớ lại cảnh 4-5 người dắt díu nhau đi trên đường, tiếng trống vang lên như tiếng lòng thổn thức, là tôi không thể ngăn nổi cảm xúc của mình!
Điều may mắn của thanh thiếu niên miền Nam ra đời từ thập niên 1940 là được thấm đẫm trong tâm hồn mình không chỉ một nền văn chương khai phóng, mà còn có cả nền văn học “tiền chiến” miền Bắc với những tinh hoa phát xuất từ nửa đầu thập niên 1950 trở về trước, những Huy Cận với Lửa Thiêng, Xuân Diệu với Thơ Thơ, Gửi hương cho gió, Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Chùa đàn..., những tài năng chưa bị cơn lốc xoáy Nhân văn, Giai phẩm cuốn trôi đi những phẩm hạnh ở đời.
Sau ngày đất nước bị chia cắt bởi hiệp định Genève, tuổi trẻ miền Nam khao khát nền văn học miền Bắc trước 1954 chỉ được trình bày sơ lược trong những tập giảng văn trung học. Chính quyền cũng thông cảm với niềm khát khao đó, song luật tác quyền không cho phép xuất bản tác phẩm của những nhà văn đang sống tại miền Bắc.
Sau những năm 1954-1955, bỗng nhiên độc giả của Phú Nhuận nói riêng và Sài Gòn nói chung đón nhận được một luồng gió mát thổi lại từ cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu đồng bào miền Bắc. Không hiểu bằng cách nào mà có người khuân được cả kho sách xuất bản tại miền Bắc trước năm 1954 vào đến Sài Gòn và mở những địa điểm cho mướn sách ở một vài nơi trong thành phố. Riêng ở Phú Nhuận, mình không quên được ông “Bắc kỳ di cư” nước da đen giòn, tóc dài tém ngược ra phía sau, bày biện sách cho mướn trên lề đường Võ Di Nguy.
Phải nói là kệ sách cho mướn của người đàn ông này đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi lớn tâm hồn một thiếu niên mê văn chương, ham tìm hiểu nền văn học hai miền vào những năm sau 1955. Sách ông cho mướn là loại phát hành từ những ấn bản đầu tiên vào thập niên 1930-1940, có thời điểm giấy khan, trang sách dày cộm, lẫn vào trong những vỏ rơm, vỏ rạ. Ông bọc từng quyển sách bằng loại giấy dầu, cứng và dai, đủ để chịu đựng sự trao qua đổi lại của hàng trăm bàn tay con người. Tiền thế chân mỗi quyển sách dao động từ 10 đến 15 đồng, tiền mướn sách khoảng 2 đồng trong 3 ngày.
Nhờ “thư viện sách lưu động” đó, trong 3-4 năm liền, mình đã ngốn hàng trăm quyển sách của Tự Lực Văn đoàn, của nhà xuất bản Tân Dân (của Vũ Đình Long), báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Phổ Thông bán nguyệt san… Tiếng là “bán nguyệt san”, song mỗi số báo chủ yếu là tác phẩm của một nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Ngọc Giao, Lê Văn Trương, Tchya (Đái Đức Tuấn) …Vào những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, Lê Văn Trương là một trong vài tác giả có nhiều đầu sách in nhất, hai trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Tôi Là Mẹ và Những Đồng Tiền Siết Máu.
Tuy sách mà người đàn ông di cư này cho mướn chỉ là những sách báo ra đời cách đó độ trên dưới 20 năm, song lúc ấy, đối với tuổi trẻ chúng tôi, quãng thời gian này đã khá dài, được cầm trên tay ấn bản đầu tiên của những quyển sách này là một niềm vui khó tả, vì không thể tìm thấy chúng ở đâu trên thị trường. Mình còn nhớ trên một tờ Tiểu thuyết thứ bảy năm 1937, bên dưới trang in một bài thơ của nữ sĩ.Kh., tòa soạn còn ghi thêm lời nhắn với tác giả, đại ý là mấy bài thơ vừa đăng của bà đã gây một tiếng vang lớn trong công chúng, mong bà gửi tiếp tác phẩm về tòa soạn...
Hơn 60 năm qua rồi, mình vẫn hình dung rõ người đàn ông di cư tóc tém ngược ra sau, láng bóng, và tủ sách cho mướn của ông bên lề đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, bằng sự biết ơn và niềm hoài cảm mênh mông về một thời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm vui buồn.
Ngày nay, sách báo ngập tràn thị trường văn hóa, kể cả sách Tây, sách Mỹ… giá sách không chiếm một tỉ lệ đáng suy tính trong thu nhập của nhiều người, nghề cho mướn sách hầu như không còn, nếu có, cũng không còn mang dáng dấp ngày xưa nữa.
9.3.2024
Kỳ cuối
Những chuyến xe thổ mộ
trên các nẻo đường phú nhuận – sài gòn
(Bài những năm trước, có bổ sung nhiều chi tiết mới, xin dùng để kết thúc loạt bài về Phú Nhuận)
Với người Sài Gòn-Gia Định ở lớp tuổi U70 - U80 trở lên, hình ảnh chiếc xe thổ mộ là kỷ niệm không bao giờ phôi pha trong tâm trí họ.
Ở cái miền đất thân yêu đó, vào những thập niên 1940-1950, cứ khoảng 3 - 4 giờ sáng là thành phố đã rộn rả tiếng người. Dưới ánh đèn vàng vọt và bầu trời đầy sao, bạn hàng chở hàng hóa ra chợ trên những chuyến xe cá, xe thổ mộ, tiếng nhạc ngựa âm vang như một điệp khúc không bao giờ dứt. Đó là một trong những kỷ niệm tuổi thơ sâu sắc nhất của người Phú Nhuận - Sài Gòn.
Khi trời tưng bửng sáng, chợ búa đã buôn bán rộn rịp, xe thổ mộ trở thành phương tiện phổ biến nhất của các bà nội trợ đi đến các chợ quen thuộc: Chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu, chợ Đất Hộ (Đakao), chợ Sài Gòn, chợ Thái Bình, chợ Cầu Ông Lãnh …
Cho đến nay, hầu hết người Sài Gòn vẫn còn hình dung rõ chiếc xe thổ mộ của ngày nào. Xe một ngựa kéo, có thùng xe làm bằng gỗ, chở được 6 -8 người mỗi chuyến, vai con ngựa được buộc vào hai càng (gọng) xe, cổ ngựa treo một vòng lục lạc, tiếng nhạc ngựa vang vang theo nhịp bước của con vật đáng yêu này. Mui xe ngựa hình mô đất được lợp bằng lá buông hoặc tole uốn cong, phía trước nhô ra như vành của chiếc mũ lưỡi trai.
Lúc lên xe, khách ngồi chật như nêm, thoải mái nhất là hai người ngồi ở cuối xe, một tay vịn vào thanh gỗ thùng xe, hai chân buông thõng xuống dưới, lắc lư một cách nhịp nhàng. Khi số khách đã lên đến mức tối đa, bác phu xe ngồi hẳn lên một càng xe, nhường trọn chiếc chiếu hoa đã sờn cho khách. Thế ngồi của bác lúc ấy trông cũng … lãng mạn lắm! Bác gác đùi lên càng xe, hai bàn chân bỏ ra ngoài, người hơi nghiêng về phía sau, một tay cầm dây cương, tay kia cầm roi, thỉnh thoảng đét vào mông chú ngựa để thúc nó chạy nhanh hơn.
Cuối xe, ở hai bên, người ta gắn hai cọc sắt nhọn dài chừng 30cm, chĩa lên trên, một bên dành cho khách móc quai guốc, dép, một bên để máng những cặp gióng gánh bỏ không. Hai bên thùng xe gắn hai miếng gỗ uốn cong, rộng chừng một gang tay, để bạn hàng đặt lên những giỏ “hàng bông”. Đáy chiếc giỏ rộng gấp 2-3 lần miếng gỗ, chỉ gác hờ, bác phu xe phải lấy dây buộc vòng qua giỏ, ghì chặt vào thùng xe.
Hai bên phía trước thùng xe lắp hai chân đèn bằng đồng có hình bàn tay nắm, để gắn đèn hay đuốc chạy vào ban đêm. Phía ngoài và bên trên hai thùng xe thường có gắn tấm biển cao chừng một tấc, quảng cáo “thuốc dưỡng thai Nhành Mai” do nhà thuốc Nhành Mai nằm trên đường Võ Di Nguy – Phú Nhuận (nay là Nguyễn Kiệm) sản xuất. Thập niên 1950, nhà thuốc này đóng cửa, nhường vị trí gần khu Chợ Nhỏ ngày nay cho hội Thông Thiên học.
Những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, vùng Phú Nhuận có một cậu bé thỉnh thoảng vẫn theo mẹ đi chợ Phú Nhuận, ngồi chen chúc với các bà nội trợ vẫn quen mặt nhau hàng bữa. Họ chia nhau tấm chiếu hoa đã lên nước bóng loáng. Hai cặp từ quen thuộc mà cậu bé vẫn thường nghe là “nặng cỗ” và “dõng cỗ”. Khi số người ngồi tập trung về phía trước nhiều, sức nặng đè về phía con ngựa, sẽ khiến cho nó chạy chậm và mau mệt, người phu xe hô lên hai tiếng “nặng cỗ”, thế là các bà khách lui dần về phía sau cho có sự cân bằng trên cỗ xe; còn “dõng cỗ” là khi số người ngồi phía trước ít hơn khiến đầu thùng xe cất lên cao, con ngựa cũng khó kéo, lại phải ngồi nhích về phía trước.
Trong kho ngôn ngữ Việt từ một thế kỷ qua, biết bao nhiêu ngôn từ miền Nam đã tuyệt chủng, trong đó có động từ “bắt kế”. Thời ấy, mỗi khi người chủ xe dẫn ngựa ra mắc vào hai càng xe để chuẩn bị chạy, người ta gọi việc làm đó là “bắt kế ngựa”.
Một loại xe ngựa nữa là anh em một nhà với xe thổ mộ, có tên là “xe cá”. Chắc lúc mới hình thành, chúng được dùng để chở cá chăng? Chúng có một thùng xe gấp đôi xe thổ mộ về cả chiều rộng lẫn chiều dài, phần lớn không có mui, một số ít cũng có mui làm bằng lá dừa đan kết với nhau. Thông thường chúng là tài sản riêng của các bà bạn hàng có sập bán lớn ở các chợ Phú Nhuận, Bà Chiểu, Bến Thành, Thái Bình, Cầu Ông Lãnh....
Tùy vào nhu cầu chở hàng nhiều hay ít mà chủ nhân bắt kế 1 hay 2 con ngựa vào xe cá, và tất nhiên, xe có hẳn một “tài xế”. Thông thường mỗi buổi chiều, chủ nhân cho xe cá đi đến những nơi xa như Hóc Môn, Gò Vấp, mua những mặt hàng sẽ bán vào sáng hôm sau như bún, bánh hỏi, bánh tráng, nem..., chất đầy một xe. Sáng hôm sau, khi trời chưa mờ sáng, khoảng 4 – 4.30g, họ đã lục tục dậy, theo xe cá chở hàng ra chợ bán.
Ở Sài Gòn xưa, đóng móng ngựa là một nghể hẳn hoi. Cuối thập niên 1940, tại ngả tư Phú Nhuận, nơi về sau mọc lên bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm bề thế, có ngôi nhà nhỏ của bác đóng móng ngựa nằm sau một khoảng sân rộng. Ngựa chạy lâu ngày, chiếc móng sắt bị mòn vẹt một bên hoặc đôi khi móng sút nửa chừng, chúng được đưa đến bác. Khi tới địa điểm quen thuộc, như một tập quán cố hữu, chú ngựa ngoan ngoãn giơ một chân lên cho bác thợ đóng cái móng sắt mới vào.
Trong hồi ức của tôi, cái hình ảnh nhắc nhở nhiều về kỷ niệm của tuổi thơ thường dừng lại ở cặp mắt của các chú ngựa kéo xe. Chúng được bịt bằng hai miếng cao su, chỉ chừa một kẽ hở thật nhỏ, đủ để thấy con đường đi phía trước. Chắc đó cũng là một kinh nghiệm được đúc kết từ lâu đời. Ai cũng biết ngựa là giống rất “nhạy cảm” về mặt tính dục. Khi đi chợ cùng mẹ, tôi từng chứng kiến cảnh chú ngựa tuy hai mắt đã bị che chắn gần hết, vậy mà chỉ cần nhác thấy bóng một cô ngựa cái chạy ngược chiều, chú ta đã nhảy lồng lên, hí vang và bươn qua bên trái, khiến người phu xe phải vận dụng hết sức mạnh, nắm dây cương kéo hẳn về bên phải để chặn đà hưng phấn của con vật. Đó cũng là lúc các bà và những đứa trẻ con như tôi sợ xanh mặt!
Chính hiện thực của cuộc sống hôm nay đôi lúc khiến chúng ta nhớ đến những chuyến xe thổ mộ ngày nào, nhớ những con ngựa bị bịt gần kín đôi mắt, chỉ còn một khe hẹp để chỉ nhìn thấy được những gì người chủ xe muốn cho chúng thấy. Ngày nay, có những con người tự nguyện bịt chặt đôi mắt của mình như thế, trên con đường nhỏ hẹp trước mặt họ, chỉ có kỳ thị, thiên kiến và hận thù. Những chú ngựa ngày xưa là nô lệ của con người, những con ngựa-người ngày nay là nô lệ của tham vọng, sự bất nhân và sự ngu xuẩn của chính mình.
13/3/2024
Lê Nguyễn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Kể Trong Đêm Khuya Vào khoảng tám giờ hôm đó, lúc người bạn đưa tôi đến căn phòng ấy thì chẳng có một ai ở nhà. Nhưng trong nhà có đến...