Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Con yêu râu xanh

Con yêu râu xanh

Tiểu truyện Perrault tiên sinh
Charles PERRAULT tiên sinh, sinh tại Paris ngày 12 tháng Giêng năm 1628, mất năm 1703. là con thứ năm ông Pierre PERRAULT, làm Luật sư ở tòa Ba Lực môn (Parlement). Khi tiên sinh học đỗ tốt nghiệp, cũng nối dõi cha làm luật sư, nhưng chẳng bao lâu tiên sinh lại bỏ nghề cha mà đến làm thư ký cho anh cả, làm Hộ bộ tổng quản ở kinh thành.
Tiên sinh nhân công việc cũng nhàn, chuyên nghề văn thơ, chả mấy lúc mà nổi danh tiếng lớn.
Sau được cất lên chức tổng quản việc dựng các dinh thất ở Công bộ, tiên sinh được cử vào làm một viện trong tòa Hàn Lâm riêng, chỉ cốt việc tìm kiếm những câu hay để đề vào những cung thất nhà vua (cũng như ta làm câu đối, đề hoành). Tòa Hàn lâm ấy sau thành ra Khảo Bi ký). Văn chương viện (Académie des Inscriptions et Belles Lettress). Năm 1671, tiên sinh được kén vào Đại pháp Hàn lâm viện, đến năm 1687 thì tiên sinh thủ xướng nên cái vấn đề Tân học, Cựu học, soạn ra tập thơ: ‘‘Thế kỷ vua Đại lô y’’; đến năm sau lại in ra sách: ‘‘So sánh Cựu và Tân’’ (Parallèle des Anciens et des Modernes).
Nhưng mà cái danh giá rất lớn của tiên sinh ở tập chuyện cổ tích này.
Con Yêu Râu Xanh
nguyên tác: barbe-bleue
Ngày xưa có một người giầu có, cửa nhà nhiều lắm, kẻ chợ nhà quê đâu đâu cũng có, trong nhà dĩa bát ăn toàn bằng vàng bạc, tủ chạm diềm thêu ; xe ngựa sơn son thiếp vàng. Duy chỉ phải có bộ râu xanh,  làm cho mặt mũi vừa xấu vừa dữ tợn, đàn bà con gái ai nom thấy cũng phải đâm đầu chạy.
Ở xóm giềng người ấy có một bà kia quí phái, sinh được hai cô con gái đẹp tuyệt trần đời.
Râu xanh đến hỏi một cô làm vợ, để tự cho bà kia chọn muốn gả cô nào cũng xin lấy.
Hai cô, cô nọ đùn cho cô kia, cô nào cũng sợ không muốn lấy anh chàng râu xanh. Hai cô lại còn ghét một nỗi không muốn lấy là vì người râu xanh đã có mấy đời vợ trước mà không hiểu biết những người vợ ấy đi đâu mất cả.
Râu xanh ta muốn làm quen thuộc bèn đưa hai cô, cùng với bà mẹ và ba bốn chị em thân, mấy cậu trai ở quanh miền, đi xem một cái nhà nghỉ mát của hắn ở chốn nhà quê. Cả bọn đến đó chơi trong tám ngày ròng rã. Hết nhảy đầm, đặt tiệc cả đêm không ai ngủ, chỉ khúc khích đùa bỡn với nhau. Về sau cuộc vui đã chán ai nấy thỏa thích, cô bé lúc bấy giờ nom cái bộ râu ông chủ nhà nó cũng bớt xanh, mà người bỗng hóa ra người tử tế phạm. Khi bà cùng các cô về đến nhà thì cuộc hôn nhân sớm định ngày.
Lấy nhau được nửa tháng, bữa kia, Râu xanh mới bảo vợ có việc cần phải đi vắng tỉnh xa, ước chừng sáu tuần lễ mới về, trong khi đi vắng thì vợ ở nhà chơi bời cho thỏa thích; mời cả các chị em bạn đến, đem chị em về nhà quê mà chơi; dầu ở đâu cũng cứ khoản đãi chị em cho tươm tất:  ‘‘ Đây là chìa khóa hai cái phòng chứa đồ đạc; đây là chìa khóa tủ đựng bát đĩa vàng bạc, ngày nào có yến tiệc mới đem ra dùng; đây nữa là chìa khóa tủ sắt đựng của cải nhà tôi, đây là chìa khóa tủ đựng châu ngọc, cái chìa khóa này là chìa khóa mở cửa nào cũng được; cô muốn vào đâu xem thì vào, duy có cái phòng nhỏ ấy tôi cấm không được vào. Hễ cô mở phòng ấy ra tôi nổi giận lên thì xin cô chớ trách’’.
Người vợ nghe chồng dặn, tình nguyện xin vâng ý chồng. Râu xanh ta hôn vợ rổi nhảy lên xe đi.
Các bà hàng xóm cùng bạn bè thân thích chẳng đợi phải mời, kéo đến lũ lượt. Bà nào cô nào cũng nóng đến xem những của cải nhà ấy, nhưng người chồng có nhà thì ai cũng sợ bộ râu anh mà không dám đến. Bấy giờ, bọn này bọn kia vào thăm, chạy hết phòng này sang phòng khác, phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, phòng để áo, phòng nào cũng đẹp cũng sang. Sau rồi các bà kéo nhau vào hai phòng chứa đồ đạc, những thảm cùng đệm, không biết bao nhiêu mà kể, nào giường, nào tràng kỷ, nào phòng con, nào ghế, nào bàn xoay ; nào án thư, nào bàn đọc, nào gương soi từ đầu đến chân, cái khung bằng vàng, cái khung bằng ngọc, chưa ai bao giờ được thấy những đồ quí báu như thế. Các bà tấm tắc khen vợ ông Râu xanh sung sướng. Có một thì các bà tâng bốc lên hai, bà nào cô nào cũng khen cũng thèm cái số phận cô may. Hay đâu chỉ có cô là đi xem những đồ quý báu chẳng thích chút nào, vì chỉ những nóng ruột muốn vào xem cái phòng chồng cấm. Vội vàng quá, đến nỗi chẳng quản bỏ khách đi là vô lễ, đi tắt ngay một cái thang kín mà bon xuống, tất cả chạy nhanh tới cửa phòng con, còn ngừng lại một lát, sực nhớ đến lời chồng căn dặn, thì lại e rằng trái lời có lẽ sinh vạ về sau. Nhưng cái bụng muốn xem chỗ cấm nó mạnh hơn cái trí suy- xét phải chăng. Nàng bèn giở cái chìa khóa con ra, tay run bây bẩy mà mở cửa phòng.
Trước hết chẳng nom thấy gì cả vì cửa sổ đều đóng. Nhưng nhìn kỹ một lát, thì dưới ván lát, be bét những máu đã đông lại, mà trên đám máu thì thấy một những thây người, buộc cả quanh tường. Thì là thây những vợ trước của Râu xanh, Nó đã mỗ họng dần mà đem buộc vào đó. Cô này sợ hãi tưởng chết, tay vừa rút cái khóa ở cánh cửa ra thì cái chìa khóa rơi xuống ván.
Khi nàng đã tỉnh hồn lại đôi chút, thì nàng cúi nhặt cái chìa khóa; thấy chìa khóa vấy máu, đã lau đi đôi ba lần mà không sạch. Sau đem rửa, đem cọ, đem lấy cát cùng mảnh sành vụn mà đánh đi, máu cũng vẫn còn. Thì ra cái chìa khóa ấy, đã thành yêu cho nên rửa sao cũng không sạch ; cứ gột được máu ở phía này nó lại chạy sang phía kia.
Tối hôm ấy, Râu xanh trở về, nói đi dọc đường thì bắt được cái tin rằng, cái việc đáng lẽ phải đi ấy may đã xong rồi. Vợ cố hết sức để tỏ ra cho chồng biết rằng thấy chồng về sớm thì mừng rỡ vô cùng…
Đến hôm sau, Râu xanh đòi lại chìa khóa. Nàng đem chùm chìa khóa đưa trả thì tay run run đây đẩy, chồng đoán ngay ra hết cả sự tình. Râu xanh hỏi: ‘‘ Sao cái chìa khóa phòng nhỏ, lại không để chung với chìa khóa khác’’? Nàng thưa: ‘‘ Có thễ tôi bỏ quên trên bàn.’’ Chàng bảo: ‘‘ Lát nữa thế nào cô cũng phải đem trả tôi.’’
Nàng ta khất đi khất lại đôi ba lần, rồi cũng đến phải đưa chìa khóa ra. Râu xanh nhìn chìa khóa rồi hỏi: ‘‘ Sao chìa khóa này lại vấy máu?’’. Chị ta như gà cắt tiết mà rằng: ‘‘ Tôi không biết.’’ Chồng rằng: ‘‘ Cô không biết à? Tôi biết. Cô muốn vào cái phòng nhỏ đó. Ừ. Cô muốn vào, thì rồi cô được vào yên chỗ với mấy cô kia’’
Người vợ vội vàng thụp xuống lạy chồng, vừa khóc vừa xin lỗi một cách rất thảm thiết. Tưởng dẫu hòn đá cũng phải siêu lòng. Nhưng Râu xanh là một người ruột rắn hơn đá, gan cứng hơn lim, cứ trân trân ra mà bảo rằng: ‘‘ Thôi cô, thế nào cô cũng phải chết, mà chết ngay bây giờ.’’ Nàng bèn tràn nước mắt nhìn chồng mà rằng: ‘‘ Nếu vậy, thiếp xin chàng để cho thiếp đọc kinh đã.’’ Râu xanh rằng:  ‘‘ Ta cho một nửa khắc đồng hồ, nhưng không được nài phút nào.’’.
Khi nàng khuất mặt chồng gọi chị tên là An mà bảo rằng: ‘‘Chị An ơi! Xin chị trèo lên trên ngọn tháp, nom xem hai anh có đến hay chăng? Hai anh có hẹn với em hôm nay thế nào cũng đến. Nếu chị nom thấy thì vẫy hai anh đến cho mau’’.
Chị An trèo lên gác thượng; Chốc chốc cô em lại ngửa cổ lên hỏi: ‘‘ Chị An ơi! Chị An ơi! Thế nào chị đã thấy gì chưa?’’ Chị An trả lời rằng: ‘‘ Chị chẳng thấy gì, chỉ thấy mặt trời lùm bụi, bãi cỏ xanh rì mà thôi’’.
Giữa lúc ấy thì Râu xanh cầm con dao to tướng trỏ vợ mà thét rằng: ‘‘ Mày xuống ngay không thì tao lên.’’ Vợ  rằng: ‘‘ Chàng để thiếp xin xuống.’’ Rồi lại hỏi: ‘‘ Chị An ơi! Chị An ơi! Chị thấy gì chưa?’’ Chị An rằng: ‘‘ Chị thấy một đám bụi mù ở phía đàng kia…’’ – ‘‘Có phải hai anh ta đấy chăng?’’ – ‘‘ Khốn nạn không phải em ạ, đàn cừu đấy…’’ Râu xanh lại thét: ‘‘ Mày có xuống không?’’ – ‘‘ Xin chàng một lát nữa mà thôi’’. Rồi lại hỏi: ‘‘Chị An ơi! Chị An ơi! Đã thấy gì chưa?’’ – ‘‘ Chị thấy hai người cỡi ngựa ở phía đàng này mà lại, nhưng còn xa lắm’’. Được một lát thì chị An lại reo lên rằng: ‘‘ Phúc đức chính phải hai anh ta rồi. Để chị ra hiệu dục anh lại cho mau’’.
Râu xanh gầm thét quát tháo, rung cả cửa nhà. Vợ bước xuống, rũ tóc thảm thiết mà phủ phục xuống lạy chồng. Râu xanh rằng: ‘‘ Van lạy làm chi cho uổng, thế nào mi cũng phải chết’’. Nói rồi, một tay nắm lấy tóc vợ một tay dơ dao nhọn lên, sắp cắt đầu nàng. Thương hại chị vợ chàng, mắt đã lừ đừ như chết, ngảnh lại nhìn chàng mà xin khoan cho một lát nữa, để thiếp tĩnh tâm. Chồng rằng: ‘‘Thôi thôi, mi khấn Chúa trời phù hộ cho linh hồn mi đi’’. Nói đoạn, Râu xanh dang thẳng cánh tay … Giữa lúc ấy thì ngoài cửa thấy động đánh thình. Râu xanh giật mình, dừng tay lại. Người nhà ra mở cửa, thì thấy hai người vừa xuống ngựa, chạy sổ vào, tuốt gươm trần mà chạy thẳng vào đâm gã Râu xanh.
Râu xanh nhận ra là hai anh vợ, một người làm lính Đầu -rồng, môt người làm lính Ngự-Lâm. Biết vậy gã quay lưng chạy. Hai người đuổi rấn, trước khi gã ra đến sân thì bắt được, đâm cho một mũi gươm suốt từ sau lưng ra trước ngực, chết thẳng cẳng. Chị vợ cũng sợ chết khiếp, không nhỏm được dậy mà ra hôn hai anh.
Râu xanh không có ai kế tự, bao nhiêu của cải về tay người vợ đó cả. Ả ta cho chị ít nhiều để lấy một nhà quý phái kia có lòng yêu dấu đã lâu. Lại cho hai anh ít nhiều để mua lấy chức Trung-Úy, còn bao nhiêu thì để làm của riêng. Khi cải giá lấy được một người tử tế, chẳng bao lâu khuây được cái buổi nguy nan với gã Râu xanh.
Thằng Bé Tí Hon
nguyên tác: le petit poucet
Ngày xưa có hai vợ chồng một nhà kiếm củi sinh ra bẩy đứa con, bẩy đứa con trai cả. Đứa lớn mới lên mười, đứa út mới có bẩy tuổi. Trong ba năm trời, mà vợ chồng nhà ấy đã đẻ ra những bấy nhiêu con, thì hẳn ai cũng lấy lạ. Vốn là vợ người kiếm củi đẻ ra những bấy nhiêu con, thì hẳn ai cũng lấy làm lạ. Vốn là vợ người kiếm củi đẻ mau mắn lắm, bận nào cũng đẻ sinh đôi là ít.
Hai vợ chồng nghèo quá, khổ về đàn con, vì chưa có đứa nào đi kiếm được tiền cả. Mà lại buồn về một nỗi thằng con Út yếu đuối như sên, cả ngày không nói một tiếng. Cha mẹ nó buồn là dại, vì chính nết hay lại tưởng là cái ngu hèn. Thằng bé ấy nhỏ người lắm. Khi mới đẻ ra, chỉ lớn bằng ngón tay cái, cho nên đặt ngay tên nó là thằng Bé tí-hon (tên chữ tây nghĩa là ngón tay cái nhỏ.
Tội nghiệp thằng bé cũng là cái thân tội ở trong một nhà, có điều gì cũng đổ lỗi cho nó. Vậy mà trong lũ bẩy đứa, nó là đứa tinh nhất, khôn ngoan nhất. Tuy nó nói ít mà nó nghe nhiều.
Chẳng may phải một năm, trời làm đói kém, vợ chồng nhà kiếm củi đánh phải quyết chí lìa con. Một buổi tối kia, lũ trẻ đã đi ngủ rồi, vợ chồng ngồi sưởi với nhau bên đống lửa, chồng bấm tim gan mà nói với vợ rằng: ‘‘ Mẹ nó coi đó, vợ chồng ta không thể nuôi được con nữa. Chẳng lẽ ta lại ngồi mà nhìn chúng nó chết đói trước mắt ta sao? Ngày mai ta định đem chúng nó vào trong rừng cho chúng nó lạc khuất mắt, tưởng cũng dể lắm. Trong khi chúng nó nhặt củi vụn mà bó lại thì mẹ nó với ta lủi ra về, không cho chúng nó biết.’’
Vợ kêu rằng: ‘‘ Bố nó lại nhẫn tâm như thế được ru?’’
Người chồng hết lời phân lẽ phải cho vợ nghe, nói rằng thế nghèo quá cho nên phải đành như vậy, nhưng mà vợ nhất định không chịu. Vợ biết rằng nghèo, nhưng là mẹ đẻ chúng nó ra.
Song nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì mắt nom lũ trẻ chết đói nó thảm lắm, tài nào mà đành lòng được, cho nên mụ lại thuận để chồng tùy tiện, rồi vừa khóc vừa đi nằm.
Thằng Bé Tí -hon nghe được hết chuyện, vì khi nó nằm trong giường nó nghe tiếng cha mẹ bàn nhỏ bàn to, thì nó sẽ thức dậy, rồi lẻn ra nấp ở dưới ghế của cha nó ngồi, mà nghe cho rõ. Khi nó nghe hết chuyện rồi, nó lại vào giường đi nằm, nhưng suốt đêm hôm ấy nó không ngủ, chỉ nghĩ ngợi đến việc sáng mai. Sáng ngày ra nó dậy thật sớm, ra ngoài bờ suối, nhặt đá cuội trắng bỏ vào đầy một túi. Thằng Bé Tí -hon biết tình mà chẳng nói cho các anh biết một tí gì cả.
Bố mẹ chúng nó đưa chúng nó vào một khúc rừng rậm, cây cối bùm-tum, giá đứng cách nhau một bước cũng không ai nhìn thấy ai cả. Người cha thì đi đẵn củi cành. Còn lũ trẻ thì nhặt củi khô dưới đất mà bó lại. Khi hai vợ chồng thấy đàn con lúi húi nhặt củi, thì lảng dần ra đàng xa, rồi kiếm ngõ ngoắt mà chạy trốn.
Lũ trẻ con lúc thấy trơ vơ ở lại, cha mẹ đã đi đâu mất, thì kêu khóc ầm cả lên. Thằng Bé Tí-hon để cho các anh kêu gào chán miệng, một mình yên dạ biết đường về. Vì lúc đi cách vài bước nó đã rắc xuống đất một hòn đá cuội trắng rồi. Bấy giờ nó mới bảo các anh nó rằng: ‘‘ Xin các anh đừng sợ. Cha mẹ chúng ta đã bỏ chúng ta ở đây, nhưng em đưa các anh về nhà, các anh cứ đi theo em’’.
Sáu đứa lớn bèn theo nó. Nó cứ lối đi trước, mà đưa các anh về đến tận nhà. Về đến nơi chúng nó chưa dám vào, còn đứng núp cả ngoài cửa mà nghe, cha mẹ nó nói với nhau những gì.
Hai vợ chồng người kiếm củi hôm ấy, vừa bỏ con trong rừng về, thì thấy nhà quan lớn ở trong làng đến trả mười đồng bạc củi, nợ đã lâu ngày, vợ chồng đã đành là mất. Phúc đức quá, thật là nắng lâu gặp trận mưa rào! Hai vợ chồng đói đã meo ra, chồng sai ngay vợ ra nhà hàng thịt. Vợ nhịn miệng đã lâu, hôm ấy nhân có tiền mua gấp ba. Đến lúc vợ chồng ăn đầy bụng rồi, chị vợ mới bảo anh chồng rằng: ‘‘Trời ơi! Lũ con ta bây giờ ở đâu nhỉ. Giá chúng nó ở nhà thì còn đây cũng được bữa no nê. Nhưng mà anh Ghi-dôm (Guillaume) ơi! Chẳng qua bố tệ bỏ con. Tôi vẫn bảo rồi thì hối hận có sai đâu. Bây giờ chúng nó ở trong rừng, chúng nó làm gì? Trời ơi! Có khi dễ lang ăn thịt mất chúng nó rồi! Thật là bố bất nhân, bố nỡ đem con đi bỏ mất.’’
Anh chồng nghe vợ nói lôi thôi, sau cũng rác tai, bởi vì nó nói đi, nói lại, đến hai mươi lượt vẫn cứ một câu rằng thì hối hận, đã bảo chẳng nghe. Chồng mấy tức mình đe hễ không im thì đánh đòn.
Không phải là cha chẳng biết thương con bằng mẹ, nhưng tức mình là bởi con mụ nói dai. Nghề đàn ông vẫn thế, đàn bà nói phải một câu thì chịu, nhưng nói phải luôn miệng, thì dẫu phải đến đâu, cũng đến tức mình.
Mụ kiếm củi cứ khóc bù lu bù loa mà kêu:  ‘‘Trời hỡi? Con tôi đâu cả mất rồi!’’. Một lần mụ kêu to quá, lũ trẻ đứng ngoài ngõ nghe tiếng, bèn cùng nhau một lượt kêu lên rắng: ‘‘Thưa mẹ chúng con đây! Chúng con đây!’’.
Mụ liền đứng dậy, lật đật ra mở cửa, vừa hôn con vừa rằng: ‘‘Các con quý của mẹ ơi! Mẹ lại thấy các con mẹ mừng lắm! Các con nhọc lắm mà đói lắm. Kìa thằng Bia-rô (Pierrot)! Sao con lấm thế? Vào đây mẹ rửa ráy cho’’. Bia-rô là thằng con lớn mẹ yêu nhất nhà, bởi vì thằng bé mặt đỏ mà mụ cũng hơi đỏ mặt.
Bẩy đứa súm nhau lại ăn, thật là ngon miệng, vợ chồng nom thấy mà vui. Chúng nó lại kể chuyện trong rừng sợ hãi, bấy nhiêu đứa cùng nói một lúc bi-ba bi- bô chẳng biết đằng nào mà nghe. Hai vợ chồng tưởng mất con rồi lại thấy, thì mừng rỡ vô cùng, mười đồng tiền củi còn được ngày nào là mừng ngày ấy. Nhưng khi tiền đã hết, thì cái buồn hôm nọ đâu nó lại về. Bây giờ lại lập tâm đem con đi bỏ lại, phen này quyết đem đi thật xa, để chúng đừng mò về nữa.
Hai vợ chồng kín đáo, mà cũng chẳng dấu được thằng Bé tí-hon. Thằng bé đã tinh lần này cũng cứ mưu cũ mà dùng, chắc là không lạc. Hay đâu sáng ngày ra, nó trở dậy từ tinh sương, để đi nhật đá cuội, nhưng mà cửa đóng cài hai lần then, không sao ra lọt được ra ngoài. Nó đang tần ngần chẳng biết nghĩ làm sao, thì mụ kiếm củi chia cho lũ con mỗi đứa một miếng bánh mì để ăn sớm. Thằng bé nghĩ rằng lấy ruột bánh mì để ăn sớm. Thằng bé nghĩ rằng lấy ruột bánh mà thay đá cuội để rắc cùng đường cũng được. Nó bèn nhịn ăn mà bỏ miếng bánh mì vào trong túi áo.
Cha mẹ chúng nó hôm ấy đưa chúng nó vào một quãng rừng rậm nhất, mà tối mù tối mịt. Vừa đến nơi thì hai vợ chồng rẽ vào ngõ ngoắt mà chạy trốn, bỏ lũ con trơ vơ lại đó. Thằng Bé tí-hon đã chắc tìm được lối về, cho nên không lo sợ chi cả. Ngờ đâu ruột bánh rắc rong đường, chim đã nhặt ăn hết cả. Đến khi lũ trẻ quay ra về thì một mẩy cũng không còn.
Anh em cùng lo sợ lắm, càng đi xa càng lạc lối, càng vào mãi tận trong rừng thẳm. Trời lại tối sập xuống, gió to lại nổi một cơn làm cho mấy cậu sợ hết hồn hết vía. Tai nghe văng vẳng đã hình như lang rú quanh mình, chạy đến mà vồ bẩy đứa. Anh em lủi thủi mà đi đố dám mở mồm nói chuyện, đố dám quay đầu nhìn lại đằng sau. Kịp lại đến cơn mưa trút nước, anh em đầu ướt đến xương, mỗi bước thì chân lại trượt ngã lấm như chôn như vùi, đứa nào đứa ấy hai tay lóng cóng không biết để vào đâu.
Thằng Bé tí-hon trèo lên cây cao mà nhìn xung quanh xem có thấy gì. Nhìn mãi bốn phía, sau thấy một ngọn đèn thấp thoáng đằng xa, xa lắc xa lơ, đâu đâu tận ở bên kia rừng rậm. Nó nhẩy xuống đất thì không nom thấy gì nữa cả, lấy làm buồn quá. Nhưng anh em cứ đi mãi về một phía, ra khỏi quãng bùm-tum, thì lại thấy ngọn đèn.
Còn đi quanh đi quẩn chán, mới đến chỗ nhà đèn sáng, thoắt nhìn thấy, thoắt lại chẳng thấy đâu, vì khi lên cao, lúc xuống dốc, lo sợ kể biết bao nhiêu phen. Gõ cửa thì thấy một bà già ra mở, hỏi chúng nó muốn gì. Thằng Bé tí-hon bèn nói rằng anh em đi lạc trong rừng, đến xin chỗ ngủ. Mụ già thấy lũ trẻ con kháu khỉnh, bèn khóc mà bảo rằng: ‘‘Chết nỗi sao chúng con lại đi vào đây! Chúng con có biết đây là đâu chăng! Đây là nhà một con yêu tinh hay ăn thịt trẻ.’’ Bẩy anh em nghe nói rụng rời, run lên cầm cập, mà hỏi rằng: ‘‘ Chết! Chết! Bà ôi! Chúng tôi biết làm thế nào bây giờ! Nhưng nếu bà không cho anh em chúng tôi vào ngủ nhờ, thì đêm hôm nay lang nó ăn thịt cũng quá tội. Âu đành để Ông ở đây sơi chúng tôi còn hơn. May ra nhờ bà nói hộ, có lẽ Ông thương tình chúng tôi chúng tôi mà tha cho chăng!’’
Vợ con yêu tinh bèn để cho lũ trẻ vào, những tính dấu được trong só nào kín cho đến sáng mai. Mụ bèn đem chúng nó vào sưởi trong bếp lò than đang đỏ rực, nướng cả một con cừu, để ông yêu tinh sơi bữa tối.
Anh em vừa đứng sưởi thì nghe thấy ngoài cửa đập ba bốn tiếng. Yêu tinh bấy giờ về. Mụ già liền đem lũ trẻ dấu dưới gầm giường rồi ra mở cửa, con yêu vừa vào hỏi ngay cơm đã xong chưa, rượu đã chiết chưa, rồi ngồi vào bàn. Con cừu hãy còn máu tươi rỏ rọt nó cũng ăn liền, lại lấy làm ngon lắm. Khi nó đương ăn, nó lại còn hít mũi bên này rồi ngửi bên kia, hỏi đâu đây có mùi thịt sống.
Vợ bảo: ‘‘Ý chừng là mùi con bò nái, ta vừa quấn mỡ để quay.’’ Con yêu quắc mắt lườm vợ mà quát lên rằng: ‘‘Tao ngửi rõ ràng mùi thịt sống, quanh đây có người mà ta không nghe tiếng.’’ Nói buông miệng con yêu đứng dậy chạy thẳng đến giường. ‘‘A con chết toi này, mày lại muốn dối ông ư. Ông thì ăn thịt cả mày bây giờ. Cũng  phúc cho mày là một con vật già. Hà! Tốt quá! Nay mai ta có ba bốn ông yêu bạn đến chơi, may sao lại sẵn thịt người non thế này nhỉ!’’
Con yêu nói thế rồi thò tay kéo từng đứa ra. Tội nghiệp bẩy anh em quỳ cả xuống mà van lạy, nhưng chẳng may gặp phải con yêu-tinh ác nhất nó đã chẳng thương gì, mà nhìn thấy lũ trẻ bé bỏng lại mắt la mày lét, rồi bảo vợ rằng hễ nước dùng khéo làm thì ăn ngon lắm.
Rồi nó lại đi kiếm một con dao phay lớn, đến gần lũ trẻ con mà liếc vào hòn đá dài, cầm bên tay trái. Con yêu đã nắm lấy một thằng rồi, thì vợ nó bảo rằng: ‘‘Bây giờ đã khuya rồi, bố nó làm gì vội thế? Ta tưởng ngày mai làm cũng kịp chán?’’ Con Yêu mắng rằng: ‘‘Im đi, để vậy mặc tao. Làm thịt từ giờ, đến hôm ăn nó mềm đi thì vừa’’. Vợ nó lại rằng: ‘‘Nhưng nhà còn nhiều đồ ăn lắm. Kìa con bò nái, nọ hai con cừu, nọ lại nửa con heo nữa.’’ Con yêu thấy vậy mới bảo rằng: ‘‘ Ừ nhẻ, thôi thì mẹ mày cho chúng ăn cho đẫy vào kẻo gầy đi mất, rồi đem chúng nó đi ngủ’’.
Mụ già mừng lắm, đem ngay cho mấy đứa ăn một bữa cơm tối, nhưng bẩy anh em còn sợ run như cầy sấy, không đứa nào ăn được cả. Con yêu -tinh thì lại ra ngồi bàn uống rượu, mừng thầm rằng thết bạn được bữa ngon. Hôm ấy nó uống nhiều hơn hôm khác chừng mười hai tợp rượu, cho nên say khướt, ăn xong đi ngủ liền.
Con yêu ấy có bẩy đứa con gái hãy còn nhỏ, mầu da hồng hào đẹp đẽ lắm, vì nó cũng ăn thịt người như cha nó vậy. Nhưng mắt chúng nó nhỏ tí mà xam xám, lại tròn soe ; mũi thì khoằn xuống, cái miệng thì rộng như cái hang, răng dài và nhọn mà thưa. Bấy giờ những con yêu nhỏ ấy cũng chưa dữ lắm, nhưng về sau tất cũng như cha, vì khi còn nhỏ chúng nó đã hay cắn da trẻ cho chảy máu rồi thò mồm vào hút.
Tối hôm ấy bẩy đứa con gái yêu -tinh đi ngủ sớm, nằm ngổn ngang cả trên một cái giường to, mỗi đứa đầu đội một cái mũ vàng mà nằm ngủ. Cũng trong một cái buồng ấy lại có một cái giường nữa cũng lớn ngang cái giường kia. Vợ con yêu -tinh bèn đem bẩy anh em vào cho nằm lên đó, xong rồi ra ngủ một giường với chồng.
Thằng Bé tí -hon biết ý mấy đứa con gái yêu -tinh đầu đội mũ vàng, và nó lại sợ con yêu -tinh đêm hôm ấy có nghĩ lại mà đem chúng ra làm thịt liền chăng, nên chỉ chừng độ nửa đêm nó sẽ trở dậy, lột mũ vải của mình và sáu anh ra đem đến giường kia lột mũ vàng của bẩy đứa con gái, mà đội mũ vải vào thay, còn mũ vàng thì đội vào cho cả sáu anh, để ngộ con yêu dó đến rờ rẫm thì tưởng anh em mình là con gái nó, mà con gái nó là anh em mình.
Đêm hôm ấy quả y như vậy, độ quá nửa đêm con yêu -tinh sực thức giấc dậy tiếc rằng để vậy không giết ngay lũ trẻ con, chờ đến mai không khéo nó chạy mất thì thiệt bữa ngon. Con yêu bèn nhẩy sổ xuống đất, đi lấy dao phay mà lẩm bẩm rằng: ‘‘ Nào, ta thử đi hỏi thăm xem mấy thằng này có mạnh khỏe chăng. Để ta phải làm liền một chập mới xong’’. Nó bèn cò rò vào phòng con ngủ, đầu tiên đến rờ vào cái giường bẩy anh em nhà kiếm củi nằm. Chúng nó đều ngũ kỹ. Duy có Bé tí- hon là thức. Khi tay con yêu rờ đầu anh em nó rồi, rờ đến đầu nó thì nó khiếp quá. Con yêu rờ thấy đầu đội mũ vàng bèn kêu lên rằng: ‘‘ Ấy chết! Tí nữa thì khốn. Tối nay ta uống nhiều rượu quá’’. Sau rồi nó lại rờ sang giường lũ con gái nó nằm, sờ đầu thấy mũ vải con trai thì nó lẩm nhẩm rằng: ‘‘Chúng nó đây rồi! Thôi ta xử cho mau’’.
Con yêu -tinh nói đoạn, rồi cắt cổ bẩy đứa con gái mình bỏ đó. Yên dạ rồi, lại trở ra đi ngủ với vợ.
Thằng Bé tí -hon vừa nghe thấy con yêu ngáy khè khè, thì đánh thức sáu anh dậy bảo: ‘‘ Các anh mặc áo vào ngay, rồi đi theo tôi’’. Bẩy anh em sẽ mò ra ngoài vườn, rồi trèo tường nhẩy ra đường cái. Cả đêm hôm ấy chúng nó chạy bán sống bán chết, cứ run lên cầm cập, mà không biết chạy đi đâu.
Khi con yêu -tinh thức dậy bảo vợ rằng: ‘‘Mẹ nó vào trong phòng mà mặc áo cho mấy đứa bé hôm qua đi’’. Mụ vợ yêu tinh thấy chồng tử -tế như thế, không ngờ rằng chồng bảo mặc áo nghĩa là quấn mỡ chài vào để nướng chả, tưởng chồng sai mình đi mặc áo cho chúng nó, sợ chúng nó rét. Mụ bèn vào phòng, mở mền ra thấy lũ con gái mình đứt cổ họng, máu chảy lênh láng quanh mình, thì giật nẩy mình.
Kỳ thủy mụ ngã lăn kềnh xuống đất. Phàm đàn bà, gặp những việc như việc ấy, thì không mấy người là chẳng dùng đến kế lăn đùng. Chồng sợ vợ làm thịt bẩy đứa lâu quá, cũng bước theo vào để đỡ vợ một tay. Khi vào đến nơi thì thấy cảnh gớm ghê cũng giật mình không kém gì vợ. Nó kêu lên: ‘‘Trời ơi! Chết chưa! Đêm hôm qua ta lầm rồi. À! Những thằng nầy láo thực! Chúng bay chết với ông bây giờ!’’
Nói đoạn, con yêu lấy một thùng nước, mà đổ vào mặt vợ, cho vợ tỉnh lại, rồi sai vợ đi lấy  đôi hia bẩy dậm ra, để xâu vào chân mà chạy đuổi lũ ranh con. Con yêu đi hia vào rồi, chạy nhao đi tìm trong khắp các chốn nhà quê quanh miền đó. Giữa lúc bẩy anh em đi gần đến nhà cha mẹ, chỉ còn cách độ trăm bước nữa, thì con yêu đuổi vào trúng lối. Lũ trẻ nom thấy đằng  xa, con yêu đương nhẩy núi kia sang núi nọ, bước qua sông như thể ta bước qua rãnh nước! Thằng Bé tí- hon thấy bên đường có cái hang núi nhỏ, bèn đem sáu anh vào ẩn đó, rồi mình cũng chui vào nốt, đứng trong nhìn ra xem con yêu làm những trò gì. Con yêu chạy lâu quá mà không tìm thấy lũ trẻ, mệt nhoài ra, vì hia bẩy dậm đi dẫu nhanh nhưng nhọc người lắm. Bấy giờ nó muốn nghỉ lại một lát. Tình cờ thế nào nó lại đến ngồi phịch ngay trên quả núi, lũ trẻ con ẩn ở dưới.  
Con yêu nhọc lắm, trước còn ngồi, sau nằm ngả xuống, rồi ngáy khè khè. Lũ trẻ nghe tiếng mà sợ, cũng chẳng kém gì lúc nom thấy nó cầm dao phay toan cắt họng mình. Duy thằng Bé tí- hon là sợ ít. Nó mới bảo sáu anh nó nhân ngay lúc con yêu ngủ say mà chạy tuột về nhà đi chớ lo đến nó. Sáu thằng bé kia nghe lời em lén ra đi thẳng.
Còn một mình thằng Bé tí- hon ở lại cò- rò đến gần con yêu, khẽ rút đôi hia của nó ra, mà đi vào chân mình. Đôi hia ấy dài mà rộng lắm, nhưng là hia thần cho nên ai mang vào cũng vừa cả. Thằng Bé tí- hon đi hia xong chạy thẳng một mạch đến tận nhà con yêu, thì thấy vợ con yêu đương ngồi khóc hu hu, bên cạnh bẩy đứa con gái chết. Nó mới bảo mụ rằng: ‘‘ Bà ơi! Ông chồng bà đương phải nạn nguy cấp lắm. Ông ấy bị một lũ kẻ cướp bắt đươc, nó bảo rằng hễ không đem hết của cải vàng bạc mà nộp cho chúng nó thì chúng nó giết chết. Đương nhiên chúng nó kề dao vào cổ ông, thì ông nom thấy tôi, ông bèn sai tôi chạy về đây báo để biết, và xin bà nhặt nhạnh trong nhà có bao nhiêu tiền bạc, đưa cả đây cho tôi, tôi mang ngay cho chúng nó kẻo nó giết ông mất. Việc khẩn cấp lắm, cho nên ông phải tháo hia bẩy dậm ra mà bảo tôi đi vào, trước nữa để chạy lại đây cho chóng, sau nữa để làm tin cho bà khỏi nghi ngờ’’.
Mụ nghe nói, sợ lắm, bèn đem hết của cải mà đưa cho nó. Vốn con yêu -tinh, tuy chỉ phải một nết hay ăn thịt trẻ nhưng cư xử với vợ tử-tế lắm. Thằng Bé tí-hon lấy được hết của cải con yêu -tinh rồi chạy nghiến về nhà cha mẹ, cả nhà mừng rỡ vô cùng.
Nhiều người cãi khúc chuyện sao không thật, và nói rằng thằng Bé tí- hon không có đi lừa lấy của con yêu -tinh bao giờ; duy nó lấy của con yêu có đôi hia bẩy dậm mà thôi ; vì con yêu chỉ dùng đôi hia ấy mà đi đuổi trẻ.
Những người cãi như thế thì nói rằng đã được đến ăn uống nhà vợ chồng lão kiếm cũi, cho nên biết chắc không sai. Họ lại bảo rằng: Khi thằng Bé tí- hon đã sâu đôi hia bẩy dậm vào chân rồi, nó chạy tuột ngay vào Triều. Nhân nó có nghe thấy người ta đồn rằng Triều- đình đương lo về một đạo quân đi đánh giặc, xa hai trăm dặm chưa biết được thua thế nào. Thằng Bé tí-hon vào chầu vua và hoàng- hậu, mà tình nguyện chạy đi thăm dò tin tức, thế nào chiều hôm ấy cũng về Triều tâu lại. Vua bèn sai ngay nó đi, hẹn rầng hễ được như lời thì có thưởng bạc.
Chiều hôm ấy thằng Bé tí -hon trở về mang tin lành đến. Vua ban trọng thưởng ngay cho, rồi lại sai mang lệnh cho các quân tướng ở ngoài bờ cõi. Từ đó thôi thì muốn sao được vậy, vua ban cho không thiếu gì, tiền của nữa. Vả lại còn bọn các bà có tình nhân đi trận, thì cũng sô nhau đến nhờ cậu Bé tí- hon nhắn nghe tin tức, mất bao nhiêu tiền cũng chịu.
Cũng có một vài bà gửi thư cho chồng, những hạng khách ấy, thì cho ít lắm không được mấy đồng tiền mà kể làm chi.
Cậu Bé tí -hon làm nghề đem tin, lai vãng được mấy năm trời, dành dụm được lưng vốn to rồi, thì cả nhà mừng rỡ không kể sao cho xiết được. Thôi thì cả họ ai cũng nhờ. Cậu Bé tí hon lo lắng cho cha và cho các anh đều có danh phận. Như thế vừa đủ được hiếu nghĩa với bố mẹ, lại vừa gây nên to vây cánh nhà mình, ở chốn triều đường vua mến, ai cũng phải sợ.
Charles Perrault
Nguyễn Văn Vĩnh dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...