Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Nụ cười dưới chân thang

Nụ cười dưới chân thang

Lời tựa
Có lẽ đây là câu chuyện lạ lùng nhất trong những câu chuyện tôi đã viết. Tác phẩm này đặc biệt dành riêng cho Ferdinand Léger để phỏng theo một loạt bốn mươi bức họa về những anh hề và các gánh xiếc.
Sau khi nhận lời mời của Léger bảo tôi biên soạn, tôi phải mất mấy tháng mới bắt đầu. Mặc dầu được hoàn toàn tự do, tôi vẫn cảm thấy có trở ngại. Trước đây tôi chưa hề viết truyện theo lời yêu cầu như tác phẩm này.
Hầu như những tên tuổi sau đây luôn luôn lảng vảng trong đầu tôi: Rouault, Miro, Chagall, Max Jacob, Seurat. Tôi gần như ao ước được yêu cầu vẽ tranh hơn là soạn lời. Trong quá khứ tôi đã từng sáng tạo một số ít hình màu vẽ những anh hề, trong đó có bức tranh tựa đề là “Gánh xiếc Medrano”. Ít ra một trong những chú hề kia giống hệt Marc Chagall như thiên hạ vẫn nói mặc dầu tôi chưa hề gặp Chagall cũng như chưa bao giờ thấy hình ảnh nhà họa sĩ trứ danh ấy.
Đang lúc cố gắng bắt tay vào việc, tôi bất chợt tìm thấy một cuốn sách mỏng do Wallace Fowlie viết, trong đó có một bài tiểu luận chua chát về những anh hề của Rouault. Suy gẫm về cuộc đời và sự nghiệp của Rouault, một cuộc đời có ảnh hưởng quan trọng đến tôi, tôi bắt đầu nghĩ về mình, nghĩ đến chính bản thân hề của mình, từ lâu tôi vẫn là một thằng hề giữa cuộc đời. Tôi nghĩ đến đam mê của tôi về nghề hát xiệc, nhất là tất cả những kinh nghiệm của tôi trong tư thế khán giả và vai trò của người nhập cuộc thầm lặng đã phải lắng sâu trong ý thức của tôi như thế nào. Tôi hồi tưởng khi bước chân ra khỏi ngưỡng cửa Trung học, họ hỏi tôi muốn làm gì sau này và tôi đã trả lời: “Muốn làm hề”.
Tôi nhớ lại nhiều bạn bè xưa kia giống hệt như hề qua tính tình của họ. Và họ là những người tôi yêu mến nhất. Rồi sau này tôi ngạc nhiên khám phá những bạn thân nhất của tôi cũng đã xem tôi như một anh hề.
Và bỗng nhiên tôi thấy đề tựa cuốn sách của Wallace Fowlie (cuốn sách đầu tiên của ông mà tôi có dịp đọc) đã đập mạnh vào cân não tôi: HỀ VÀ THIÊN THẦN. Balzac đã nói với tôi về thiên thần tại Louis Lambert và xuyên qua vô số những đề tài thật dài của Fowlie về anh hề, tôi đã tìm thấy một quan niệm mới về vai trò anh hề. Hề và thiên thần thích hợp với nhau một cách tuyệt diệu.
Hơn nữa, chính tôi há chẳng từng viết đâu đó trong tác phẩm của tôi về August Angst và Guy le Crèvecoeur sao? Họ là ai, là hai linh hồn đau khổ, điêu đứng, tuyệt vọng nếu không phải là chính tôi?
Rồi một chuyện khác... bức họa thành công nhất mà tôi chưa bao giờ có là cái đầu của một anh hề được tôi vẽ hai miệng, một miệng dành cho niềm vui và một miệng cho chuyện buồn. Miệng vui sơn đỏ, đó là miệng cười (khi nhớ lại điều này tôi sực ý thức rằng mình không còn cười nữa).
Thỉnh thoảng tôi có nhận vài mẫu họa do Léger gởi đến. Một trong những bức tranh ấy có đầu con ngựa vẽ nổi lên. Tôi gạt những bức họa kia vào một góc ở hộc bàn, bỏ quên chúng rồi bắt đầu viết. Tôi không bao giờ nghĩ ra tôi đã tìm được ngựa ở đâu cho đến khi chấm dứt câu chuyện. Dĩ nhiên cái thang là món quà do Miro tặng, mặt trăng cũng thế, gần như thế. Chó sủa trăng là bức họa đầu tiên của Miro mà tôi có dịp xem.
Thế là tôi bắt tay vào việc, với lòng tin sắt đá rằng tôi có tất cả những gì cần biết về những anh hề và các gánh xiếc. Tôi viết từng hàng chữ một, viết một cách mù mịt, không cần biết chuyện sẽ dẫn đi tới đâu. Hành trang của tôi chính là bản thân của tôi, tôi vô tình đánh cắp hình ảnh cái thang và con ngựa. Những bạn đồng hành của tôi là những thi sĩ và họa sĩ mà tôi ái mộ : Rouault, Miro, Chagall, Max Jacob, Seurat. Lạ thay, tất cả những nghệ sĩ này đều là thi sĩ kiêm họa sĩ. Tôi có những liên hệ mật thiết với mọi người trong đám văn nhân này.
Mỗi chàng hề là một thi sĩ trong hành động. Đời anh là câu chuyện của anh đang đóng. Đời đời câu chuyện ấy vẫn mãi mãi : sùng bái, ngưỡng mộ, đóng đinh vào thánh giá. Dĩ nhiên với cây thánh giá nhuốm máu hồng.
Phần duy nhất của câu chuyện gây khó khăn cho tôi là một số ít trang cuối mà tôi phải viết đi viết lại nhiều lần. «Có một thứ ánh sáng giết người.» Tôi nghe văng vẳng tiếng nói của Balzac đâu đây. Tôi muốn vai chánh của truyện tôi viết, Auguste, phải lìa đời như một luồng ánh sáng. Nhưng không phải lìa đời trong sự chết. Tôi muốn cái chết của y soi sáng đường đời. Tôi cho đây không phải là sự chấm dứt mà cuối cùng là sự bắt đầu – Và không phải chỉ riêng cho Auguste mà cho toàn thể nhân loại.
Đừng ai bảo rằng tôi đã cân nhắc câu chuyện. Tôi kể ra đúng hệt như tôi đã rung cảm, như câu chuyện đến với tôi từng đoạn một. Đây vừa là câu chuyện của tôi, vừa không phải là của riêng tôi. Dĩ nhiên đây là câu chuyện lạ lùng nhất mà tôi chưa hề viết. Đây không phải là một tài liệu siêu thực, hoàn toàn không phải. Phương pháp viết truyện có thể là siêu thực, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng các nghệ sĩ của phái siêu thực đã bắt lại cái phương pháp sáng tạo đích thực. Không, câu chuyện này
đúng với sự thật hơn tất cả những câu chuyện mà tôi đã căn cứ vào sự kiện và kinh nghiệm để viết lên. Tất cả mục đích của tôi khi viết truyện là nói lên sự thật. Tất cả nhân vật của truyện tôi đều có thật, lấy ra từ cuộc sống, cuộc sống của chính tôi. Auguste là người độc nhật, anh đến từ màu xanh. Những thứ màu xanh vây quanh và bao phủ chúng ta là gì nếu không phải chính là thực tại? Quả thật chúng chẳng tạo ra gì cả. Chúng ta chỉ vay mượn và tái tạo. Chúng ta che giấu rồi khám phá. Chúng ta có tất cả các dữ kiện như những nhà thuật sĩ thường bảo. Chúng ta chỉ cần mở mắt và tim để trở thành nhất thể với hiện thể đó.
Tôi xót xa nhiều cho anh hề, mặc dầu tôi vẫn không hay biết, chính vì anh ngăn cách với thế giới qua tiếng cười. Tiếng cười của anh hề không bao giờ là tiếng cười theo lối Homère. Đó là tiếng cười của câm lặng, tiếng cười buồn như chúng ta thường nói. Anh hề dạy chúng ta biết cách cười cợt chính bản thân mình. Và tiếng cười của chính chúng ta được thai nghén trong những giọt nước mắt.
Niềm vui rạng rỡ như một dòng sông : dòng sông chảy mãi. Với tôi, có lẽ đây là lời nhắn gởi mà anh hề cố chuyển đạt đến chúng ta, bảo chúng ta phải nhập cuộc xuyên qua dòng luân lưu bất tận, chúng ta không được dừng lại để suy nghĩ, để so sánh, để phân tích, để chiếm hữu, mà phải tiếp tục chảy xuyên qua mọi vật, chảy không ngừng như điệu nhạc. Đây là món quà của sự buông xả, và anh hề chỉ diễn tả một cách tượng trưng. Bổn phận chúng ta là phải làm cho cái tượng trưng ấy thành sự thật.
Chưa bao giờ lịch sử nhân loại đầy rẫy những đau thương và thống khổ như hiện nay. Thế mà chúng ta vẫn gặp được đó đây những con người riêng lẻ mà nỗi đau khổ chung không thể nào động đến họ được. Họ đâu phải là những con người không tim, hơn thế nữa! Thế giới không hiện ra với họ như hiện ra với chúng ta. Họ có lối nhìn của riêng họ. Chúng ta cho rằng họ đã chết với thế giới này, thực ra họ đã sống trong khoảnh khắc, sống tràn đầy và những tia sáng từ con người họ chiếu ra cả một bài ca vui bất tận.
Gánh xiếc là một kịch trường tí hon khép kín của sự quên lãng. Trong không gian ấy chúng ta có thể quên chính mình, chúng ta tan trong sự nhiệm mầu và lạc phúc, chúng ta được cho đi trong lễ nhiệm mầu, bước từ trường xiếc trở về thực tại, chúng ta trở nên bàng hoàng, kinh ngạc, buồn rầu và hốt hoảng vì bộ mặt hằng ngày của đời sống quá tẻ nhạt. Nhưng chính cái thế giới hằng ngày tẻ nhạt kia, cái thế giới mà ta cứ ngỡ rằng đã quá quen thuộc với chúng ta, lại là thế giới độc nhất, và đó là thế giới của huyền ảo, bất tận. Như anh hề, chúng ta đi xuyên qua những chuyển động, luôn luôn giả vờ, luôn luôn hoãn triễn lại cái biến cố trọng đại nhất của đời mình. Chúng ta chết khi chiến đấu để được sinh ra. Chúng ta đã không hiện hữu, chúng ta không bao giờ hiện hữu, chúng ta luôn luôn trên đường trở thành, luôn luôn ngăn cách và cô lập. Luôn luôn đứng ngoài.
Đây là tấm hình của August Angst, tự Guy le Crèvecoeur hay là bộ mặt hằng ngày của thế gian này, với hai cái miệng khác nhau. August thuộc dòng máu khác. Có lẽ tôi vẽ hình anh ta không được rõ ràng. Nhưng anh đã hiện hữu, dù chỉ hiện hữu vì lý do là tôi đã tưởng tượng nên sự hiện hữu của anh. Anh đến từ màu xanh và trở về với màu xanh. Anh không tan rã, anh không mất đi. Anh cũng sẽ không bị quên lãng. Cũng chỉ ngày nọ nhờ nói chuyện với một họa sĩ mà tôi mới biết được những bức tranh do Seurat để lại. Tôi cho rằng chúng bị cắm xuống như rễ cây ở nơi mà Seurat đã cho chúng hiện hữu một cách vĩnh viễn. Tôi mang ơn Seurat rất nhiều vì tôi được sống bên những bức tranh ấy – ở vùng Grand Jatte, ở Medrano hay bất cứ nơi nào trong tâm trí. Không có gì là hão huyền trong những sáng tạo của Seurat. Thực thể của chúng bất diệt. Chúng cư ngụ trong ánh sáng mặt trời cùng hòa lẫn trong hình thể và âm điệu của bản nhạc du dương đích thực. Những anh hề của Rouault cũng thế, những thiên thần của Chagall cũng thế, chiếc thang và mặt trăng của Miro cũng thế, quả thực tất cả thú vật của gánh xiếc cũng thế. Với Max Jacob cũng thế, anh là chú hề bất diệt ngay cả lúc đã trở thành Thượng đế. Trong lời nói, trong hình ảnh, trong hành động, tất cả những tâm hồn có đầy diễm phúc này đã cùng tôi biểu lộ ảo mộng của họ cho cái thực tế vĩnh cửu này. Thế giới hằng ngày của họ mai kia sẽ là thế giới của chính chúng ta. Quả thật giờ đây nó là thế giới của chúng ta, chỉ vì chúng ta quá nhu nhược nên mới đòi hỏi nó cho mình.
HENRY MILLER
- I -
KHÔNG gì có thể làm giảm vẻ sáng của nụ cười lạ thường được khắc vào gương mặt u buồn của Auguste. Trên sân khấu,  nụ cười kia mang một sắc thái riêng biệt, vô tư, vĩ đại, diễn tả những gì khôn tả.
Dưới chân thang chạy lên tận vầng trăng, Auguste sẽ ngồi chiêm ngưỡng, nụ cười của anh bất biến, ý nghĩ của anh như ở xa xôi. Lối bắt chước vẻ ngây ngất mà anh đã đạt đến kỹ thuật tuyệt đỉnh luôn luôn tác động mạnh vào khán giả như tổng kết của những điều phi lý. Những ảo thuật gia đại tài làm nhiều trò trên cánh tay áo những trò hề này thì không ai bắt chước được. Một anh hề không bao giờ nghĩ đến việc diễn tả phép lạ thăng thiên.
Suốt đêm anh mãi ngồi trong tư thế ấy, đợi con ngựa có bờm dài phết đất như những dòng nước vàng đến xé xác anh ra. Mõm ấm áp của con ngựa cái chạm vào gáy anh như cái hôn giã biệt của người yêu. Nó nhẹ nhàng đánh thức anh, nhẹ nhàng như sương mai kích thích từng ngọn cỏ.
Bên trong đường bán kính của thứ ánh sáng lốm đốm kia là thế giới trong đó anh được tái sinh mỗi buổi chiều vàng. Nó chỉ gồm có những vật ấy và con người chuyển vận trong vòng say đắm. Một cái bàn, một cái ghế, một tấm thảm; một con ngựa, một cái chuông, một vòng dây; cái thang bất diệt, vầng trăng dính vào mái nhà, cái đầu hói bằng da dê. Với những dụng cụ này, Auguste và các bạn đồng nghiệp hằng đêm phải xoay xở để tạo nên tấn kịch nhập đạo và tử đạo.
Tắm trong những vòng bóng tối đồng tâm, ở đó từng lớp khuôn mặt nằm chồng lên nhau, có nơi bị xóa mất vì những khoảng trống mà thứ ánh sáng lốm đốm kia thèm thuồng liếm lên như cái lưỡi cố tìm một chiếc răng đã gãy. Lặn hụp trong bụi bặm và những tia ma-nhê-di, các nhạc sĩ lững lờ trên phiếm đàn như ảo ảnh, thân hình họ lắc lư như những bông lau nhẹ đưa theo ánh sáng và bóng tối. Người làm trò uốn éo luôn luôn di chuyển theo tiếng trống mơ hồ, anh kỵ sĩ mình trần xuất hiện với tiếng kèn. Với Auguste có khi là âm thanh ríu rít của đàn vĩ cầm, có khi là điệu nhạc chế giễu của kèn clarinette đệm theo khi anh nhảy nhót suốt màn hề. Nhưng đến lúc phải vào những phút xuất thần, các nhạc sĩ bỗng hứng lên như muốn đuổi theo Auguste từ lạc phúc này sang lạc phúc khác như những con ngựa đóng cứng vào sàn ngựa gỗ bỏ hoang.
Đêm đêm, trong giờ hóa trang, Auguste phải tranh luận với chính mình. Dầu làm cách nào đi nữa thì hải cẩu bao giờ cũng là hải cẩu. Con ngựa vẫn là con ngựa, cái bàn vẫn là cái bàn. Trong lúc ấy, dầu vẫn là con người, Auguste còn phải trở thành một cái gì khác nữa: anh phải tận dụng tất cả năng lực của một con người rất đặc biệt với một món quà đặc biệt. Anh phải làm thiên hạ cười. Làm thiên hạ khóc không khó, mà làm thiên hạ cười cũng không khó; anh đã thấy rõ vấn đề từ lâu, trước khi chưa có ý định theo nghề hát xiếc. Tuy nhiên, Auguste có những ước mơ lớn hơn, anh muốn ban cho khán giả của mình một niềm vui bất diệt. Chính sự ám ảnh này là nguyên nhân thúc đẩy anh ngồi dưới chân thang để đóng trò xuất thần ngây ngất. Quả thật do ngẫu nhiên mà anh đã rơi vào cơn xuất thần giả tạo. Anh đã quên những gì anh phải làm kế đó. Bao giờ anh xuất thần, lúng túng và lo lắng tột độ, anh mới thấy mình được thiên hạ vỗ tay tán thưởng cuồng nhiệt. Đêm hôm sau, anh diễn lại thí nghiệm ấy, nhưng lần này với sự tính toán cân nhắc, cầu mong rằng tiếng cười rồ vô nghĩa kia sẽ nhường chỗ cho niềm vui vô biên mà anh muốn chuyển đạt đến mọi người. Nhưng đêm đêm, mặc dù đã cố gắng hết mình, những tiếng vỗ tay mê sảng ấy vẫn đợi chờ anh.
Màn hài hước dưới chân thang càng thành công bao nhiêu thì Auguste càng ước mơ nhiều hơn. Mỗi đêm tiếng cười càng chói tai anh hơn. Cuối cùng anh không chịu nổi tiếng cười. Một đêm nọ, tiếng cười bỗng trở thành nhạo báng và tiếng mèo kêu, tiếp theo là những chiếc mũ, những đồ dơ và cả những vật cứng khác. Auguste không thể « trở lại » sân khấu được nữa. Khán giả đợi suốt ba mươi phút; rồi họ thấy khó chịu, rồi nghi ngờ, với một trạng thái cuối cùng nổ bùng thành tiếng la ó chế nhạo. Khi tỉnh lại trong phòng thay đổi y trang, Auguste kinh ngạc thấy một bác sĩ cúi xuống trên anh. Mặt và đầu anh đầy những vết bầm, những vết trầy. Máu đọng lại ở những vết thương làm méo mó khuôn mặt đến nỗi không còn nhận ra được nữa. Anh giống như miếng thịt vụn bỏ rơi trên thớt cây của người bán thịt.
Giao kèo của anh đột nhiên chấm dứt, Auguste chạy thoát khỏi thế giới mà anh đã biết. Hết muốn trở lại cuộc đời làm hề, Auguste bèn đi lang thang. Anh đi bơ vơ xa lạ giữa hàng triệu người mà anh đã từng dạy họ cười. Trong thâm tâm, anh chẳng phẫn hận tí nào, mà chỉ nấu nung một nỗi buồn da diết. Đây là cuộc phấn đấu không ngừng để cầm lại những dòng nước mắt. Thoạt đầu, anh chấp nhận tình trạng mới mẻ này của tâm hồn mình. Đó chẳng qua chỉ là sự khó chịu do việc chấm dứt đột ngột một thói quen kéo dài suốt cả kiếp người, anh tự nhủ. Nhưng với ngày tháng trôi qua, anh bắt đầu thấy tiếc nuối một cái gì đã mất – không phải mãnh lực để chọc thiên hạ cười, không! Anh đâu còn lưu ý đến nó nữa – một cái gì khác, một cái gì sâu xa hơn, một cái gì của riêng anh. Rồi một ngày nọ anh bỗng thấy rằng thời gian đã trôi quá mau kể từ khi anh biết được lạc phúc tuyệt vời. Sự khám phá này khiến anh run lên đến nỗi không thể chờ đến lúc về phòng. Thế nên, thay vì trở về khách sạn, anh gọi taxi bảo tài xế chạy ra ngoại ô. Nhưng đi đâu bây giờ? Anh tài xế muốn biết. Auguste vội vàng đáp: “Đến nơi nào có cây. Nhanh lên – Gấp lắm”.  
Bên ngoài một cái sân chứa than, họ gặp một thân cây trơ trọi. Auguste ra lệnh tài xế dừng lại. Anh tài xế ngây thơ hỏi: «Phải đây không?».  
- Đúng rồi, để yên tôi ở đây.  
Hình như trong cả một thời gian vô hạn, Auguste có sức tạo ra tâm trạng mà anh thường dùng đến mỗi lần mở đầu buổi trình diễn về đêm dưới chân thang. Tiếc thay, ánh sáng quá chói chang, những tia nắng gay gắt đốt cháy nhãn cầu. Anh tự nhủ: « Mình sẽ ngồi đây cho đến tối. Khi trăng lên mọi vật sẽ lại đâu vào đấy cả ». Chẳng bao lâu anh thiu thỉu ngủ. Trong giấc ngủ nặng nề kia anh mơ thấy mình trở lại sân khấu. Bây giờ mọi vật vẫn như bao giờ, ngoại trừ đây không còn phải là gánh xiếc trong đó mọi việc vẫn cứ tiếp diễn. Mái ngói đã biến đi, tường vôi đã đổ xuống. Trên đầu anh là vầng trăng có thật, trên bầu trời cao, một vầng trăng tưởng chừng như chạy đua xuyên qua những đám mây chết đọng. Thay vì những hàng ghế dài sắp vòng tròn, thì chênh chếch lên thẳng tận trời, là những bức tường người. Không một tiếng cười, không một tiếng thở than nào thoát ra. Hằng hà sa số yêu ma treo lững lờ ở đó, trong không gian vô tận, con nào cũng bị đóng đinh lên cây thánh giá.
Tê cóng vì khiếp sợ, Auguste quên mất anh phải làm gì. Sau một thời gian hồi hộp nghẹt thở, trong suốt thời gian kia, anh xót xa thấy mình cô đơn và bị bỏ rơi hắt hủi hơn chính Đấng Cứu Thế, Auguste nhảy vọt ra để trốn chạy khỏi diễn trường. Nhưng chạy đến đâu anh cũng thấy mọi lối thoát ra đều đóng kín. Anh thất vọng chạy đến chiếc thang, vội vã leo lên, anh cứ leo và leo mãi đến ngút hơi. Sau khi nghỉ ngơi, anh đánh bạo mở to đôi mắt, nhìn quanh bốn bề bát ngát. Trước hết anh nhìn xuống. Hầu như không thấy được chân thang, ở dưới xa mờ kia là đất. Rồi anh nhìn lên, từng nấc thang trải trên đầu anh, lên cao vô tận, chọc thủng những đám mây, chọc thủng luôn bầu trời xanh được lót bằng những vì sao sáng. Chiếc thang chạy thẳng lên cung trăng. Đó là một vầng trăng nằm tít bên kia những ngôi sao, một vầng trăng xa bất tận, dính cứng vào vòm trời như chiếc đĩa giá băng. Auguste òa lên khóc, khóc nức nở. Như một vọng âm, ban đầu còn yếu ớt, dằn nén nhưng dần dần trổi lên những lời rên siết và những tiếng kêu thống thiết của hàng ngàn thứ đồng òa lên nức nở bên tai anh như tiếng than oán của đại dương. Auguste nhủ thầm: « Khiếp quá! Chẳng khác gì sinh tử đang giao hội. Mình như một tù nhân ở hỏa ngục chuộc tội. ». Rồi anh ngất đi, ngã ra sau không còn biết gì nữa. Anh tỉnh lại đúng lúc thấy rằng mặt đất vùn vụt dâng lên đón nhận anh. Anh thừa biết đây là đoạn kết liễu của Auguste, đoạn kết liễu thật sự, cái chết của những cái chết. Thế rồi như một ánh dao, một tia ký ức lóe lên. Anh không còn một giây nào khác, có lẽ chỉ nửa giây thôi và anh không còn là gì nữa. Có gì tận đáy sâu bản thể anh được kích động, lóe lên như ánh dao, chỉ thoáng giây trước khi anh bị rơi vào quên lãng? Anh vụt nghĩ rằng trong tích tắc còn lại kia, anh có thể tổng kết cả một cuộc đời trình diễn của mình. Nhưng khoảng thời gian quan trọng nhất đời anh, thứ trân bảo tỏa rạng ý nghĩa cho tất cả biến cố trong quá khứ kia, anh không thể làm nó sống lại. Đó chính là sự khải ngộ đang sụp đổ theo anh. Bởi vì, giờ đây anh hiểu rằng có lúc nào đó tất cả sẽ hiện ra với anh một cách rõ ràng. Và giờ đây khi anh sắp chết, các món quà vô giá kia bỗng nhiên biến mất. Như người biển lận, với lời tính toán dối trá và ngây ngô, Auguste làm được việc không thể làm: vồ chụp lấy khoảnh khắc rồi chia khoảnh khắc ấy thành vô số khoảnh khắc vi tế. Không một điều gì anh thể nghiệm được suốt bốn mươi năm trong cuộc đời, ngay tất cả những giờ phút vui tươi tổng kết lại, cũng không thể đem so với niềm vui say sưa mà anh đang thể nghiệm bằng cách kết hợp tất cả những mảnh vụn của một tích tắc vỡ tan ra. Nhưng lúc phân chia khoảng thời gian cuối cùng, thành vô số những mảnh vụn để chúng có thể tỏa lan quanh anh như một màn lưới rộng của thời gian, anh hãi hùng thấy mình đánh mất khả năng hồi niệm. Anh đã tự loại bỏ chính mình.
 Hôm sau bị xúc động mãnh liệt và kiệt sức vì sự tàn phá của cơn mê, Auguste nhất định ở lì mãi trong phòng. Chỉ gần tối anh mới trở mình. Anh nằm suốt ngày trên giường, lòng thờ ơ đùa giỡn với mớ ký ức mà vì một lý do không thể giải thích đã ùa chụp xuống anh như tai họa châu chấu. Cuối cùng, mệt mỏi vì bị xô đẩy trong cái nồi ký ức khổng lồ, Auguste mặc áo quần ra đi thơ thẩn để vùi mình trong đám đông. Phải khó khăn lắm Auguste mới nhớ lại được tên thành phố qua những con đường anh đi thơ thẩn.
Ở vùng ngoại ô, anh gặp một đoàn xiếc rong, một trong những đoàn nghệ sĩ sống đời du mục trên các bánh xe lãng tử. Tim Auguste bắt đầu đập man dại. Không chút do dự, anh chạy đến cạnh một trong những toa xe sắp thành vòng tròn rồi dè dặt bước lên những nấc tháng từ sau xe thả xuống. Anh toan gõ cửa, bỗng dừng tay vì có tiếng ngựa đứng kề bên anh. Rồi con ngựa lấy mõm liếm lưng anh. Một niềm vui sâu xa thấm đậm vào từng thớ thịt của Auguste. Choàng tay qua cổ ngựa, anh nói vài lời ngọt ngào êm ái như chào mừng người bạn cũ biền biệt từ lâu.
Bỗng cánh cửa sau lưng anh mở toang ra, một giọng đàn bà nhẹ thốt ra một lời kinh ngạc. Anh giật mình lấy lại bình tĩnh, lẩm bẩm: « Tôi đây, Auguste đây.»  
Người đàn bà hỏi lại liền sau đó:  
«Auguste à, tôi đâu biết y»
Anh lẩm bẩm tạ tội: «Xin lỗi bà, tôi phải đi»
Anh đi chưa được ít bước đã nghe người đàn bà la lên:  
-  Nào Auguste, lại đây, anh chạy đi kiếm gì?
Auguste dừng lại, chết sững, anh quay lưng, do dự một lát rồi há miệng cười toe toét. Người đàn bà chạy đến bên anh, dang tay mừng đón. Một nỗi lo sợ mông lung xâm chiếm lòng anh. Trong một khoảng khắc anh muốn xoay người chạy trốn. Nhưng đã quá trễ. Đôi tay người đàn bà chạm vào anh, siết chặt.  
Người đàn bà cứ luôn miệng: «Auguste, Auguste! Thế mà tôi tưởng không biết anh.»
Auguste tái mặt. Lần đầu tiên trong chuyến đi lang thang có người đã chộp được anh. Người đàn bà vẫn ôm chặt anh như gọng kềm. Bây giờ bà hôn anh, trước hết ở má, rồi má bên kia, rồi trên trán, rồi trên môi. Auguste run lên. Anh nài van khi vừa vùng khỏi tay bà:
-  Bà cho tôi một cục đường! Được không?
-  Đường?
Auguste trả lời:  
-  Vâng, cho con ngựa.  
Trong khi người đàn bà lục lọi khắp xe, Auguste ngồi thoải mái trên những nấc thang nhỏ. Với cái mõm mềm mại, run run, con ngựa liếm gáy anh. Ngay lúc ấy, đúng là do ngẫu nhiên kỳ lạ, vầng trăng chợt hiện rõ ràng trên những ngọn cây xa. Một cảnh yên tỉnh tuyệt vời phủ lên Auguste. Chỉ trong vài giây ấy – có thể là lâu hơn – Auguste thích thú chiêm ngưỡng cảnh chiều tà. Thế rồi người đàn bà vội vã ra xe, chiếc váy rộng của bà chạm lướt vai anh khi bà nhảy xuống đất.  
Những câu đầu môi của bà là: «Mọi người trong chúng tôi đều tưởng anh đã chết.» Bà vừa nói vừa ngồi xuống bên chân anh trên bãi cỏ. « Cả thế giới đang tìm anh». bà nói thật lẹ rồi trao cho anh hết cục đường này sang cục đường khác. Auguste im lặng nghe bà thao thao bất tuyệt. Ý nghĩa của những lời nói kia hiện ra trong đầu anh một cách chậm chạp, rất chậm chạp như du hành đến tai anh từ nơi xa xăm nào đó. Điều làm anh say sưa nhất là cảm giác êm dịu chạy khắp thân thể anh khi con ngựa liếm lòng bàn tay anh với cái mõm ẩm ướt và ấm áp. Anh hoàn toàn sống lại mãnh liệt cái giai đoạn trung gian mà anh đã quên thể nghiệm mỗi đêm dưới chân thang, cái khoảng thời gian giữa lúc lạc phúc tan đi và tiếng vỗ tay man dại cứ vang đến tai anh như tiếng sấm từ xa.
Auguste cũng không nghĩ đến chuyện trở về khách sạn để gom góp số vật dụng tùy thân ít ỏi của mình. Anh trải mền lên nền đất cạnh bếp lửa và bên trong vòng tròn thần diệu của các toa xe và bánh xe, anh nằm dài đưa mắt nhìn theo hướng đi trắng nhợt của vầng trăng. Cuối cùng, khi nhắm mắt lại, anh quyết định gia nhập gánh xiếc. Anh tin chắc họ sẽ giữ bí mật cho mình.  
Anh giúp họ dựng lều, trải nệm, dời những cây cọc, tắm ngựa hãy giữ ngựa, làm một nghìn lẻ một công việc hằng ngày mà họ cần anh, tất cả việc làm này là cả một niềm vui vô biên đối với Auguste. Anh quên chính bản ngã mình vì mãi lo những công việc hèn mọn ngày ngày. Thỉnh thoảng anh cũng tự chiều ý mình để sống xa hoa bằng cách đóng vai khán giả để nhìn xem những trò hề. Anh có lối nhìn mới mẻ khi nhận xét tài năng và lòng kiên nhẫn của những bạn đồng hành. Nhất là cách làm hề câm đã đánh thức tánh hiếu kỳ của anh. Đây là lối trình diễn câm, mà ngôn ngữ của nó đối với anh giờ đây còn hùng hồn hơn là khi anh còn làm hề như họ. Anh thấy được ý nghĩa của tự do mà anh đã đánh mất khi làm diễn viên. Ồ! Quả là tuyệt diệu khi bỏ rơi vai trò của mình, hòa mình vào cuộc sống tẻ nhạt hằng ngày, trở thành cát bụi mà vẫn biết rằng mình còn là một phần của tha nhân, mình còn có ích, có lẽ còn có ích hơn ở tư thế đó. Không có ích kỷ hơn khi nghĩ rằng mình ban ơn lớn cho khản giả vì mình có khả năng làm cho họ cười và khóc! Từ đây anh không còn đón nhận những tràng pháo tay, những trận cười ngửa nghiêng như gió thổi, những lời tâng bốc. Anh đang đón nhận một cái gì đẹp đẽ hơn, dễ chịu hơn – những cái mỉm cười. Những cái mỉm cười của sự biết ơn? Không. Mỉm cười của sự thừa nhận. Anh lại được thừa nhận như con người, thừa nhận đối với chính mình, thừa nhận đối với bất cứ gì đã ngăn cách anh và đồng thời kết hợp anh với các bạn đồng nghiệp. Chẳng khác nào đón nhận một sự thay đổi nhỏ có thể giúp cho ta, khi cần, để đổi mới dòng máu con tim theo một lề lối mà các tấm chi phiếu chẳng hề làm được.
Với những nụ cười ấm áp mà anh tồn trữ như những hạt chín gom góp mỗi ngày, Auguste đang vươn lên và nẩy nở như cây trổ hoa. Sẵn mang lòng từ ái bao la, Auguste khao khát làm quá bổn phận người trong đoàn đòi hỏi nơi anh. Không có gì họ nhờ anh mà anh thấy quá đáng – giờ đây anh nghĩ thế. Có một câu ngắn mà anh mãi lẩm bẩm cho riêng mình khi thi hành phận sự: « Sẵn sàng tuân mệnh quý vị.» Ngay với thú vật anh cũng muốn ngỏ lời với chúng, anh không muốn chúng không được hưởng những lời đơn giản ấy. Anh bảo cô ngựa cái: «Sẵn sàng tuân mệnh em » khi kéo bao thực phẩm lướt qua đầu ngựa. Đối với mấy chú hải cẩu cũng thế, anh vuốt ve những cái lưng bóng loáng khi nói chuyện với chúng. Cũng có lúc đi lảo đảo ra khỏi lều trong đêm đầy sao, anh ngẩng nhìn lên cao như muốn chọc thủng tấm màn che khuất mặt con người với cảnh huy hoàng của tạo hóa, Auguste kính cẩn thì thầm: «Xin sẵn sàng tuân mệnh Người, Thượng Đế!»
Không bao giờ Auguste có được bình an, hạnh phúc và niềm vui sâu đậm vô bờ như thế. Những ngày lãnh lương, anh thường ra phố với số tiền ít ỏi đi lang thang qua những gian hàng tìm mua những món quà cho bầy trẻ nhỏ và cho cả mấy con thú. Anh chỉ mua cho mình vỏn vẹn một gói thuốc lá ngoài ra không mua gì nữa cả.
- II -
Bỗng một ngày kia, anh hề Antoine lâm bệnh. Auguste được tin ấy khi anh đang ngồi trước một chiếc xe vá lại quần áo cũ. Anh lẩm bẩm vài lời bày tỏ cảm tình rồi tiếp tục khâu vá. Dĩ nhiên anh thấy ngay rằng biến cố bất ngờ nầy sẽ ảnh hưởng đến anh. Họ sẽ mời anh thế Antoine chắc chắn vậy rồi. Auguste cố gắng kềm chế sự kích động đang ào dâng lên. Anh cố giữ bình tĩnh và từ tốn tìm câu trả lời khi cần đến.
Anh đợi, anh đợi mãi một người nào trở lại, nhưng không có ai đến với anh. Không người nào đóng được vai trò của Antoine, anh chắc chắn như vậy. Họ đang bận gì? Cuối cùng anh đứng dậy bước đi lang thang quanh đó, cốt ý cho họ biết anh còn ở đây để họ đặt câu hỏi với anh khi họ muốn. Đến giờ phút này vẫn chưa ai thử gợi chuyện với anh cả.
Cuối cùng anh quyết định phá vỡ sự yên lặng như giá băng. Tại sao không? Tại sao anh không tự nguyện làm bổn phận? Anh cảm thấy dồi dào sinh lực và đầy nhiệt huyết đối với mọi người. Lại trở thành hề, chẳng có gì, chẳng có gì cả. Nếu cần anh cũng có thể là cái bàn, cái ghế, cái thang. Anh không muốn có quyền ưu tiên đặc biệt, anh là một người trong đoàn, sẵn sàng chia sẻ những nỗi ưu tư và đau khổ với họ.
Cuối cùng anh nắm lấy ông bầu gánh xiếc: « Tôi đã chuẩn bị kỹ càng để nhận vai của Antoine đêm nay.» Rồi anh do dự trong chốc lát: « Có nghĩa là đến khi nào ông nghĩ ra một người khác.»
- Không, Auguste, anh đã biết, không có ai khác. Anh có lòng tốt giúp...
Auguste vội ngắt lời:  
- Nhưng sao? Có lẽ ông sợ tôi không còn khả năng?
- Không, không phải thế, không phải thế. Không, quả thực có anh là lợi cho tôi...
Auguste gần như run lên vì lo lắng, giờ đây anh ý thức rằng anh đang đối phó với một việc cần tế nhị và khôn khéo, anh hỏi:  
-  Vậy thì sao?
Ông bầu gánh xiếc bắt đầu nói, chậm rãi và chững chạc:  
- Anh biết không, chúng tôi đã bàn kỹ vấn đề này trong nội bộ. Chúng tôi biết anh đang nghĩ gì. Bây giờ nếu anh phải đóng vai của Antoine... Trời ơi, tôi phải nói sao đây? Đến đây anh, đừng nhìn tôi với đôi mắt ấy... Chúng tôi không muốn khơi lại vết thương lòng. Anh hiểu chưa?
Auguste thấy nước mắt trào ra. Anh nắm lấy hai tay to lớn của ông bầu, để nhẹ vào tay mình và cảm ơn rối rít dầu không hề mở miệng. Anh van lơn:  
- Xin ông cho tôi thế anh ấy đêm nay. Tôi là người của ông bao lâu ông cần đến, một tuần, một tháng, sáu tháng. Công tác sẽ gây hứng thú cho tôi, thật thế. Đừng từ chối nghe ông?
Vài gio sau, Auguste ngồi trước tấm gương, nghiên cứu bộ mặt của mình. Đó là thói quen của anh, mỗi đêm trước khi trang điểm, anh ngồi và nhìn mình hằng giờ như thế. Đấy là kỹ thuật của riêng anh khi trình diễn. Anh sẽ ngồi nhìn bộ mặt u buồn của mình rồi bất chợt xóa ngay hình ảnh ấy và tạo ra một bộ mặt mới, bộ mặt mà mọi người đều biết và cũng là bộ mặt mà đâu đâu thiên hạ cũng cho là của Auguste. Nào ai biết được bộ mặt thật của anh, ngay cả bạn bè thân thiết, bởi vì anh đã trở nên cô đơn do tiếng tăm lừng lẫy.
Ngồi như thế, những kỷ niệm của hàng ngàn đêm trước tấm gương xâm chiếm anh, Auguste bắt đầu thấy rằng cuộc sống bên lề, cuộc sống mà anh đã ích kỷ giữ riêng cho chính mình. Cuộc sống âm thầm mà anh cho rằng anh có thể giữ kín cho riêng anh, hoàn toàn không phải là một cuộc sống, không là gì cả, cũng chẳng phải là hình bóng của cuộc sống. Anh chỉ bắt đầu sống kể từ ngày đi theo gánh xiếc lưu động, từ khi anh bắt đầu phục vụ họ theo khả năng của một kẻ tôi đòi. Cuộc sống kín đáo kia hầu như đã biến mất mà anh không hay biết: giờ đây anh lại thành người như những người khác, anh làm tất cả những chuyện điên cuồng, không quan hệ, nhưng cần thiết mà mọi người đều làm – và như thế anh cảm thấy có hạnh phúc, và những chuỗi ngày của anh được sống trọn vẹn. Đêm nay anh sẽ không xuất hiện trong vai Auguste, anh hề nổi tiếng trên hoàn cầu, nhưng trong tư thế của Antoine mà không ai hay biết. Vì không danh hiệu và tên tuổi, khán giả chấp nhận Antoine như một chuyện thường tình. Không có những tràn pháo tay man rợ khi Antoine xuất hiện trên sân khấu, thiên hạ chỉ mỉm cười tha thứ, chẳng khen tài nghệ của anh như đã biểu diễn trong những màn hải cẩu lạ mắt để lôi cuốn khán giả.  
Ngay lúc ấy một ý nghĩ khó chịu bỗng phá hỏng giấc mơ của Auguste. Trước kia là cuộc sống riêng tư, trống rỗng mà anh đã tranh đấu chống lại để trốn tránh những cái nhìn của thiên hạ. Nhưng giờ đây sẽ có gì xảy ra nếu đêm nay có người nhận diện anh, nhận diện chú hề Auguste? Quả thật sẽ là đại họa! Rồi đây anh sẽ không bao giờ tìm lại được sự bình an, anh sẽ bị truy lùng hết tỉnh này sang tỉnh khác, bi ép buộc giải thích thái độ lạ lùng của mình, bị thúc đẩy trở lại vị trí hề của mình trong thế giới nghệ sĩ. Anh có cảm giác mơ hồ rằng họ sẽ buộc tội anh đã giết chết Auguste. Auguste đã trở nên thần tượng, Auguste là của thế giới – chưa kể việc thiên hạ sẽ công kích anh đến mức nào...
Có tiếng gõ cửa. Một người bước vào quan sát các công việc. Sau khi nói ít lời, Auguste bèn hỏi thăm sức khỏe Antoine:
-  Khá hơn không? Tôi mong anh ấy chóng lành!  
Người kia nghiêm nghị trả lời:
- Không, bịnh tình nguy ngập hơn – Không ai biết anh ta mắc bệnh gì. Có lẽ anh có thể nói chuyện với anh ấy trước khi tiếp tục, được không?
Auguste trả lời: «Dĩ nhiên, tôi sẽ đến với các anh vài phút nữa». Rồi anh trang điểm vội cho xong.  
Khi Auguste bước vào, Antoine đang lăn lộn trên giường. Cúi sát xuống bệnh nhân, Auguste nắm lấy bàn tay nhờn nhợt của Antoine. Anh thì thầm: «Khổ thân anh. Tôi có thể làm gì giúp anh bây giờ?»
Antoine nhìn anh chòng chọc và ngơ ngác một hồi lâu. Antoine nhìn với dáng điệu của kẻ nhìn chính mình trong tấm gương soi. Auguste nghĩ ngay ý nghĩ thoáng qua đầu Antoine. Anh khẽ bảo:  
-Tôi là Auguste đây.  
Antoine nói:  
- Tôi biết. Là anh... nhưng cũng có thể là tôi. Không ai thấy được sự khác biệt. Nhưng anh là người nổi tiếng còn tôi là kẻ vô danh.  
Với nụ cười ước mơ trong tuyệt vọng, Auguste bảo:  
« Tôi vừa nghĩ đến thân phận tôi cách đây vài phút. Buồn cười thật! Một ít phấn dồi mặt, một cái đầu hói, một bộ đồ kỳ dị, chỉ làm một việc sơ sài để biến mình thành con số không. Chúng ta không là ai cả. Nhưng đồng thời là tất cả mọi người. Thiên hạ không vỗ tay khen chúng ta, họ khen chính họ. Này anh, lát nữa tôi phải đi, nhưng trước hết hãy để tôi kể cho anh nghe một điều mà tôi vừa mới học được... Trở thành chính mình, chính mình thôi, mới là điều vĩ đại. Nhưng muốn thế ta phải làm cách nào? Ta phải tạo ra bằng cách nào? Ồ, đó là trò hề khó nhất đối với chúng ta. Nó khó vì nó không cần sự cố gắng. Anh không cần cố gắng trở thành là vật nầy hay vật nọ, vĩ đại hay tầm thường, thông minh hay đần độn... anh hiểu kịp ý tôi không? Anh cứ làm bất cứ gì trong tầm tay của mình. Dĩ nhiên, anh phải làm với tấc lòng hoan hỉ. Bởi vì không có gì là không quan hệ. Không có gì. Thay vì tiếng cười và tràng pháo tay, anh đón nhận những cái mỉm cười. Những nụ cười mãn nguyện, thế thôi. Nhưng đó là tất cả... hơn những gì anh có thể đòi hỏi được. Anh đi khắp nơi để làm những chuyện hèn mọn, trút bớt gánh nặng cho con người. Việc ấy làm họ sung sướng, nhưng nó còn làm anh sung sướng hơn họ, anh thấy không? Dĩ nhiên anh phải hành động thật kín đáo. Đừng bao giờ cho họ thấy công việc kia đem lại cho anh niềm vui gì. Một khi họ hiểu rõ anh và một khi họ biết được bí mật của anh, thì coi như anh thất bại. Họ bảo anh ích kỷ, dầu anh đã hết lòng vì họ. Anh làm tất cả cho họ, nói trắng ra là tự giết chính mình vì bạo lực – chừng nào họ không ngờ rằng chính họ đã làm cho anh thành giàu có, tạo cho anh một niềm vui mà ngay anh cũng không tạo được cho chính mình... Được rồi, anh hãy tha lỗi cho tôi, tôi không hề muốn diễn thuyết dài dòng. Dầu sao đêm nay chính anh đang tặng tôi một món quà. Đêm nay tôi có thể trở thành chính mình khi tôi đội lốt anh. Như thế còn tốt hơn tôi đội lốt của mình, anh hiểu không?»
- III -
Đến đây, Auguste tự kiểm soát anh, bởi vì khi diễn tả tư tưởng vừa rồi, anh bỗng hé thấy một ý nghĩ thần tình. Tuy nhiên, đây chẳng phải là ý nghĩ mà anh phải chia sẻ tức thì cho Antoine ngay bây giờ. Trong đó có một sự mạo hiểm, có thể là một yếu tố hiểm nghèo. Nhưng anh sẽ không nghĩ đến nó. Anh phải hành động nhanh, càng nhanh càng tốt... có lẽ vào ngay đêm nay. Anh bảo bằng giọng gần như cau có, lúc sửa soạn bước ra:
- «Này Antoine, tôi sẽ thế anh đêm nay, cũng có thể đêm mai, nhưng sau đó anh sẽ bình phục và nên tiếp tục. Tôi không ham làm hề nữa, anh hiểu không? Sáng mai tôi sẽ ghé thăm anh. Tôi còn vài chuyện muốn nói với anh, vài chuyện có thể khích lệ anh! » Auguste ngừng lại, lấy giọng: « Anh luôn luôn muốn nổi tiếng phải không? Hãy nhớ kỹ điều đó! Tôi đang nuôi một ý nghĩ; anh phải biết lợi dụng nó. Chúc anh ngủ ngon, chúng ta sẽ gặp lại!»
Auguste vỗ mạnh vào người Antoine như muốn làm cho anh ta khỏe lại. Khi ra cửa, anh bất chợt thấy nụ cười gượng gạo trên đôi môi Antoine. Anh khẽ đóng cửa và rón rén bước ra ngoài trong đêm tối.
Khi rảo bước về túp lều lớn, anh khẽ hát cho riêng mình nghe, ý nghĩ xẩy ra với anh mấy phút trước đây bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn. Anh có thế chờ đợi vài tuồng hiếm hoi ấy, anh quá lão luyện trong nghề nên thế nào chương trình cũng sẽ đạt đến kết quả mong muốn, anh vẫn nóng lòng chờ đợi, anh tự nhủ: «Đêm nay ta sẽ diễn một xuất hát thần tình chưa ai từng thưởng thức. Antoine ơi, chỉ cần đợi lúc Auguste diễn trò»
Anh đập vào người vì cuống cuồng nôn nóng đến đổi khi xuất hiện dưới những vùng ánh sáng trong tiếng vĩ cầm phụ họa ríu rít, anh đã nhảy vọt như một con dê điên. Từ lúc chân anh chạm phải sàn sân khấu, thì diễn xuất của anh hoàn toàn là đột xuất bất ngờ. Anh chưa từng bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói là từng diễn thử những cái nhảy nhót man rợ và vô nghĩa như thế. Anh đã tự tay minh lấy ra một tấm đá tinh khiết và trên đó anh đang viết tên Antoine bằng những nét chữ không thể xóa mờ. Nếu Antoine có mặt ở đây, Antoine có thể chứng kiến việc mình khởi đầu xuất hiện như một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy!
Chỉ trong vòng vài phút, Auguste biết rõ rằng anh đã nắm được khán giả trong lòng bàn tay. Và anh cũng đã chuẩn bị rất chu đáo. Anh vẫn tiếp tục múa máy và lẩm bẩm: « Các bạn hãy ráng đợi, ráng đợi. Chưa có gì cả. Antoine mới chào đời, anh hãy còn chưa biết đạp. »
- Màn trình diễn mở đầu vừa chấm dứt, lập tức một đám đông kích động vây cứng lấy anh. Trong đó có ông bầu. Những lời đầu tiên của ông bầu là:  
- Anh điên rồi. Bộ anh muốn hại Antoine à?
Auguste rạng rỡ hẳn lên: «Đừng lo! Tôi đang tạo dựng ra Antoine... Ông cứ kiên nhẫn đi. Tôi cam đoan mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp»
- Như thế là quá tuyệt rồi. Tôi bực mình vì anh diễn quá hay. Sau xuất hát nầy sự nghiệp Antoine kể như chấm dứt.  
Không còn thì giờ để nói thêm nhiều lời. Sân khấu phải được dọn trống nhường chỗ cho các lực sĩ đu bay. Vì đây là gánh hát nhỏ nên mọi người đều cùng bắt tay vào việc.
Đến giờ các chú hề tái xuất hiện thì có tiếng vỗ tay vang dậy. Auguste chỉ cần ló đầu ra là khán giả đã la lên cổ vũ. Họ hô to: Antoine, Antoine. Họ giậm chân, huýt sáo miệng, vỗ tay nồng nhiệt: «Antoine! Ra đi» 
Đêm trình diễn nào, vào lúc này Antoine cũng diễn trò ấy một mình, một lối diễn xuất ngắn lỗi thời mà tia sáng tạo đầu tiên đã tan biến từ nhiều năm trước đây. Vì đêm nào Auguste cũng quan sát lối trình diễn theo thói quen nầy, anh đã thường nghĩ cách sửa đổi từng kỹ thuật mà anh bắt buộc phải làm. Hiện giờ anh đang thực hành những lời nói đùa mà anh đã từng thường tập thử một đôi lần cả trong lúc ngủ. Anh ví mình như một họa sĩ bậc thầy đang phết những nét chấm phá cuối cùng lên trên một bức chân dung mà một đứa học trò xao lãng đã bỏ dở. Ngoài đề tài, không có dấy tích gì của bản chính còn lưu lại. Một người đã vào đề với vài nét và người kia hoàn tất bức tranh bằng cách sáng tạo ra một cái gì hoàn toàn mới lạ.
Auguste nhập cuộc như người khùng nổi hứng. Không có gì để thua mất. Ngược lại, có tất cả để thắng đạt. Một cái vặn mình hay một nếp da nhăn mới tạo ra có nghĩa như sự cho mượn sự sống đầy mới mẻ, cho Antoine. Khi làm cho vai tuồng thêm hoàn hảo từ đoạn nầy sang đoạn khác, Auguste ghi nhớ trong trí những điều cần giải thích cho Antoine để sau này anh ta có thể tạo những kết quả mà Auguste đã thành tựu được. Anh nhảy tung tăng như cả ba người khác biệt đồng một lúc: Auguste như một bậc thầy lão luyện, Auguste trong vai trò Antoine và Auguste trong tư thế Auguste. Ở trên và ở ngoài các yếu tố này còn lẩn quẩn một thực thể thứ tư như kết tinh lại để xuất hiện rõ ràng hơn theo thời gian: Antoine như là Antoine. Một Antoine sơ sinh, đó là Antoine trên các tầng trời. Càng nghĩ đến con người Antoine đổi mới nầy, (quả thật là điều kỳ dị vô cùng khi anh vừa diễn trò mà lại suy tư nhiều được đến như thế) anh càng chú ý đến những giới hạn và tình cảm của nhân vật anh đang tái tạo. Anh mãi nghĩ đến Antoine, không hề tưởng đến Auguste. Auguste đã chết. Anh không mảy may muốn Auguste tái sinh trong vai anh hề Antoine nổi tiếng khắp hoàn cầu. Tất cả ước mơ của anh là tạo một Antoine thật lẫy lừng để không còn ai nhắc đến Auguste nữa.  
Sáng hôm sau, trên mặt báo đầy những lời ca ngợi Antoine. Dĩ nhiên Auguste đã giải thích ý định của anh cho ông bầu trước khi rút lui đêm ấy. Mọi người đồng ý tìm giải pháp ngăn ngừa để giữ bí mật cho kế hoạch. Vì không ai ngoài những nhân viên của đoàn xiếc biết Antoine lâm bệnh, hơn nữa chính Antoine cũng chẳng hay biết gì về vinh quang tương lai mà người ta đã chuẩn bị sẵn cho anh, nên mọi sự có vẻ tương đối tốt đẹp.
Dĩ nhiên Auguste nóng lòng chờ đợi viếng thăm Antoine như đã hứa. Anh quyết định không cho Antoine xem ngay những tờ báo mà chỉ cho Antoine biết những gì anh ao ước thành tựu được trong vòng vài ngày ngắn ngủi, một điều mà Antoine không đủ khả năng thực hiện. Anh phải chế ngự Antoine trước khi cho anh ta thấy sự thành công mỹ mãn của anh, nếu không Antoine sẽ hoảng sợ vì những kết quả mà Antoine sẽ phải chấp nhận sẵn. Auguste đã tập được từng giai đoạn một trước khi rảo bước đi về hướng lều của Antoine. Đã hơn một lần kinh nghiệm, những gì Auguste đề nghị đều vượt qua khả năng chấp nhận của Antoine.
Anh kiên nhẫn đợi đến gần trưa, hy vọng trong thời gian kia Antoine có thể ở tư thế cởi mở để đón tiếp anh. Lúc ra đi, Auguste rất hớn hở. Anh chắc chắn có thể thuyết phục Antoine rằng cái gia tài đó anh để lại là một gia tài chính đáng. Anh tự nhủ: « Chẳng qua mình chỉ giúp anh ấy một tí thôi! Đời sống tràn đầy những mẹo vặt mà mình phải biết lợi dụng. Không ai có thể thành công trong cô đơn và thiếu người giúp sức» Sau khi giải tỏa nỗi lòng, anh cắm đầu chạy. Anh nghĩ tiếp: «Mình có phỉnh phờ và lường gạt anh ấy đâu. Lúc nào anh ấy cũng muốn nổi tiếng. Giờ đây anh đang nổi tiếng! Hay anh sẽ nổi tiếng trong vòng một tuần nữa: Antoine sẽ là Antoine... Chỉ khác là hơn thế nữa. Thế thôi. Trong ánh đèn sân khấu và ở mọi nơi, muốn nổi tiếng, có khi chỉ cần một biến cố nhỏ, một dịp may, một sự giúp đỡ từ bên ngoài, rồi quý vị sẽ nổi tiếng»
Đến đây, anh nhớ lại sự nổi tiếng đột ngột của mình. Anh, anh Auguste, anh đã làm gì với tiếng tăm lừng lẫy ấy? Những gì chỉ là một ngẫu nhiên thuần túy lại được hoan hô từng đêm như dấu hiệu của thiên tài. Sao thiên hạ hiểu nông cạn quá! Khi có bàn tay của số mệnh thì mọi người đều hiểu nông cạn. Làm hề là làm vật thay thế cho số mệnh. Cuộc sống ở diễn trường là một vỡ tuồng câm gồm những pha té nhào, những cú đấm, những cú đá - một sự kéo lê và vật lộn không ngừng. Và cũng nhờ những phương tiện kém thẩm mỹ nầy mà ta lấy lòng khán giả. Anh hề đáng yêu ơi! Quyền ưu tiên đặc biệt của anh là tái diễn những lỗi lầm, những chuyện điên rồ, những điều ngu xuẩn, tất cả những sự hiểu lầm gieo tai họa cho nhân loại. Biến thành chính sự điên rồ phi lý, đấy chính là một điều mà ngay cả lời nguyền rủa độc địa nhất cũng khó thể nghĩ tới được. Là không hiểu gì cả, khi mọi việc đều rõ như ban ngày; không thành công mặc dầu cơ mưu đã tái diễn trước mắt quý vị cả ngàn lần. Đi sờ soạng như người mù khi tất cả những dấu hiệu đã chỉ đúng hướng, cứ cố sức mở cửa mặc dù trên đó có ghi sẵn chữ «Hiểm nghèo!» Cứ đâm đầu vào tấm kiếng thay vì đi vòng tròn; nhìn vào họng súng mặc dù súng có đạn! Con người không bao giờ mệt mỏi với những điều phi lý ấy, vì bao thế kỷ qua mọi người đã lầm đường; vì bao thế kỷ qua mọi sự tìm tòi và tìm hiểu con người đã dồn họ vào chỗ không lối thoát. Vì sư phụ của điều phi lý có rộng thì giờ, vì thời giờ là lãnh địa của ông. Ông chỉ đầu hàng khi đối mặt với vĩnh cửu...
Giữa những nỗi băn khoăn lạ lùng nầy, Auguste bỗng nhận ra chiếc xe của Antoine. Anh không biết vì sao mình lo lắng khi thấy ông bầu từ hướng trại Antoine đi tới. Anh càng lo lắng hơn lúc ông bầu giơ tay bảo anh dừng lại. Nét mặt của người đàn ông to lớn kia rõ ràng muốn đánh một tiếng chuông báo động. Anh ngoan ngoãn đứng đợi người kia mở lời.
Lúc cách Auguste vài bước, ông bầu mập giơ hai tay lên, điệu bộ chán nản tỏ vẻ đầu hàng. Không cần nghe, Auguste cũng đã hiểu hết mọi sự, anh biết trước việc gì sẽ đến với anh. Sau khi đi thêm vài bước, Auguste hỏi:  
- Nhưng việc xảy ra bao lâu rồi?
- Mới vài phút. Như thế này, trong tay tôi.  
Auguste lẩm bẩm:  
- Tôi không hiểu gì cả. Phải chăng Antoine có thể chết vì việc đó? Đêm qua, khi nói chuyện với tôi, anh ta đâu có đau quá vậy.
Ông bầu bảo :  
- Đúng thế.  
Có gì trong tiếng «đúng thế» khiến Auguste nhảy chồm lên.  
- Phải chăng ông muốn nói...?
Anh dừng lại. Sự việc quá khủng khiếp nên anh không dám giữ ý nghĩ ấy trong đầu. Nhưng sau đó anh lại thốt ra cùng một lời ấy, «Phải chăng ông muốn nói», rồi anh ngập ngừng « phải chăng ông muốn nói là anh ấy đã nghe...?»
- Chính thế.  
Auguste lại nhảy chồm lên. Ông bầu vẫn tiếp tục với giọng khàn khàn:
- Nếu có ai hỏi ý kiến ngây ngô của tôi, tôi sẽ trả lời là anh ấy chết vì bể mạch máu tim.  
Nói xong cả hai bỗng nhiên ngừng lại.  
Ông bầu bảo :  
- Nào, đâu phải lỗi anh. Đừng bận tâm lo nghĩ. Tôi biết, mọi người trong chúng tôi đều biết, là anh vô tội. Dẫu sao việc này cũng chứng tỏ rằng Antoine không bao giờ là anh hề vĩ đại. Antoine đã đầu hàng từ lâu.
Ông lẩm bẩm trong hơi thở rồi tiếp tục bằng một tiếng thở dài: «Vấn đề hiện tại là phải giải thích cuộc trình diễn đêm qua như thế nào? Bây giờ thật khó giấu sự thật, anh có đồng ý vậy không? Chúng mình đâu ngờ anh ta chết đột ngột như thế?»
Một phút im lặng, rồi Auguste bình tĩnh nói:  
- Tôi nghĩ tôi cần phải ở một mình trong một thời gian, ông không phiền chứ?  
- Đồng ý.  
Ông bầu trả lời: «Để anh tự suy nghĩ. Vẫn còn thì giờ»
Điên cuồng, thất vọng, Auguste bỏ đi lang thang về hướng thành phố. Anh đi mãi một lúc lâu, đầu óc không một ý nghĩ, chỉ có cái đau đớn u buồn và tê cóng thấm vào lòng anh. Cuối cùng anh đến ngồi ở một góc hàng hiên kêu nước uống. Không, rõ ràng anh không bao giờ tính trước biến cố bất ngờ nầy. Lại một trò trớ trêu của định mệnh. Chỉ có một điều rõ ràng – Hoặc là anh lại trở thành Auguste hay Antoine. Anh không thể ẩn danh được nữa. Anh bèn nghĩ tới Antoine, Antoine mà anh đã đội lốt đêm qua. Đêm nay anh còn khả nàng tiếp tục làm như thế không? Anh quên cảnh Antoine nằm chết lạnh trong toa xe. Vô tình Auguste đã hóa thành Antoine lúc nào không hay. Anh diễn lại vai trò một cách chu đáo, phân tích, mổ xẻ, rồi ráp nối, tạo một vài đoạn hay hơn... anh cứ tiếp tục diễn, hết suất này đến suất khác, hết đám khán giả này đến đám khán giả khác, hết đêm này đến đêm khác, hết tỉnh này sang tỉnh khác. Và bỗng dưng anh hồi tỉnh. Bỗng dưng anh đứng lên, bắt đầu nói chuyện với chính mình một cách nghiêm trang : « Như vậy anh lại phải làm hề, đúng không? Chưa đủ sao hả! Anh đã giết mất Auguste, anh đã ám sát Antoine... còn gì nữa? Chỉ cách đây hai ngày anh là người hạnh phúc, người tự do. Và bây giờ anh bị mắc bẫy, anh là kẻ giết người phải tống cổ đi. Rồi anh nghĩ rằng với cái lương tâm tội lỗi kia anh sẽ chọc khán giả cười? Ồ không, anh đi quá trớn rồi!» Auguste nắm chặt bàn tay đặt trên chiếc bàn cẩm thạch như muốn tự xác nhận tầm quan trọng của những lời lẽ vừa rồi. «Cuộc trình diễn đêm qua thật vĩ đại. Vì sao? Vì không ai ngờ rằng kẻ làm cho nó vĩ đại là anh hề Auguste nổi tiếng. Buổi trình diễn của nhân tài, của thiên tài. Thiên hạ vỗ tay. Chả ai biết rõ cả. Tuyệt dịu. Thành công mỹ mãn. Và – cần chứng minh» Một lần nữa anh đứng dậy, như con ngựa. «Sao đây? Cần chứng minh ư? À ra thế! Chính vì vậy mà Auguste mong mỏi thay thế Antoine. Auguste có hề nghĩ đến sự nổi tiếng của Antoine không? Có hay không? Auguste chỉ chắc chắn có một điều, là tiếng tăm mà anh đã tạo nên thực ra chỉ dành riêng cho anh. Auguste đã nhảy đến đốp mồi như một con cá. Mẹ kiếp! » Anh nhổ nước bọt, ghê tởm.
Miệng bỏng khô vì tâm hồn ray rứt nên anh vỗ tay gọi bồi đem thêm nước. Khi đã thấm giọng xong anh lại tiếp tục nghĩ ngợi: «Trời Phật ơi! Cứ rằng con người có thể tự giăng bẫy cho chính mình! Một ngày hạnh phúc rồi một ngày đau khổ. Đồ điên! Ta là thằng điên!» Lúc này, anh suy nghĩ rất chín chắn: «Được, bây giờ ta hiểu rõ một điều – Hạnh phúc của ta có thật, nhưng ta không tìm ra. Ta phải truy lùng nó, nhưng lần này phải ngay thẳng. Ta phải nắm nó với hai tay như viên ngọc quý. Ta phải học sống hạnh phúc trong tư thế Auguste, trong tư thế thằng hề của mình» 
Anh uống thêm hớp rượu rồi ngoe nguẩy như con chó. «Có lẽ đây là dịp may cuối cùng, một lần nữa ta sẽ bắt đầu từ dưới đáy đi lên! » Nghĩ như vậy rồi anh mới suy tính về một tên tuổi mới cho riêng mình. Trò này khiến anh đi quá xa. Sau khi quên mất tên tuổi mà anh đã quyết định mang, Auguste nghĩ: «Ờ, ta sẽ tạo nên một cái gì mới, hoàn toàn mới. Nếu nó không cho ta hạnh phúc thì ít ra nó cũng giữ ta trong tình trạng cảnh giác. Có lẽ Nam Mỹ...» 
Quyết định làm lại cuộc đời đến độ Auguste phóng nhanh như ngựa phi về gánh xiếc. Anh kiếm ngay ông bầu.  
Anh hổn hển: «Tôi đã dứt khoát rồi. Tôi đi ngay. Đi xa, rất xa, ở đó không còn ai nhận ra tôi nữa. Tôi ra đi để bắt đầu làm lại mọi sự»
Ông bầu hỏi:  
- Nhưng tại sao? Tại sao anh phải bắt đầu làm lại mọi sự trong khi anh đã tạo được tiếng tăm lừng lẫy như thế này?
- Ông sẽ không hiểu nhưng tôi cũng chỉ có bấy nhiêu lời để nói với ông : Bởi vì giờ đây tôi muốn hạnh phúc.  
- Hạnh phúc à? Tôi không hiểu. Tại sao là hạnh phúc?
- Bởi vì thường thường người hề chỉ hạnh phúc khi anh ta là con người khác. Tôi không muốn trở nên một kẻ nào khác ngoài chính mình.  
- Tôi chẳng hiểu gì cả... Nghe này, Auguste.  
Auguste siết mạnh tay ông:
- Nào, cái gì đã làm thiên hạ cười và khóc khi nhìn chúng ta?  
- Này anh, tất cả chuyện này đâu có quan hệ gì đến chúng ta. Đây là những thắc mắc vô nghĩa. Mình hãy nói chuyện nghiêm chỉnh. Chúng ta hãy trở về thực tại.
Auguste nghiêm giọng:  
- Đó là những gì tôi vừa khám phá được. « Thực tại » Chính hai chữ ấy. Bây giờ tôi biết tôi là ai, tôi là gì và tôi phải làm gì. Đó là thực tại. Cái mà ông gọi là thực tại là mạt cưa; nó mủn ra, nó lọt vào những khe hở giữa các ngón tay.  
Người đàn ông kia có vẻ như bắt đầu thuyết phục một cách yếu ớt :  
- Này Auguste, anh nghĩ ngợi quá nhiều. Nếu là anh tôi sẽ trở về phố để thở một hơi cho nhẹ người. Đừng quyết định bây giờ. Hãy đến...
Auguste cương quyết:
- Không. Tôi không cần được an ủi, cũng không cần được khuyên răn. Tôi đã dứt khoát.  
Rồi anh đưa tay chào từ giã.  
Ông bạn khổng lồ kia nhúng vai nói:  
- Tùy anh. Vậy chúng mình chia tay phải không?  
Auguste trả lời:  
- Đúng – Chia tay... Vĩnh biệt.  
Một lần nữa, anh bắt đầu đi vào cõi thế, nhưng lần này anh vào tận tim gan phèo phổi của thế giới. Đến gần thành phố, anh mới sực nhớ trong túi quần chỉ còn có hai cắc bạc. Lát nữa anh sẽ đói. Rồi trời sẽ trở lạnh và lúc đó như những thú vật trên cánh đồng bao la, anh sẽ nằm co ro để đổi những tia nắng sớm.
Tại sao anh quyết định đi qua thành phố, qua từng con đường, anh chẳng biết. Lẽ ra anh phải giữ lại một chút ít sức lực.  
«Rồi mai kia nếu mình đến Nam Mỹ...» (Anh bắt đầu nói lớn với chính mình) «Có lẽ phải mất nhiều năm. Rồi mình sẽ sử dụng ngôn ngữ gì? Và tại sao họ coi mình là người xứ lạ? Biết đâu ở đấy lại chẳng có một gánh xiếc? Nếu có, họ sẽ có những anh hề của họ và ngôn ngữ riêng của họ»
Đến một công viên nhỏ, anh quăng mình lên một chiếc ghế dài. Anh tự cảnh giác: «Việc này cần được suy nghĩ kỹ hơn.
Không ai chạy đến Nam Mỹ như vậy. Vả lại mình đâu phải chim hải âu! Mình là Auguste một con người với đôi chân yếu mềm và cái bao tử cần có thức ăn.» Anh hình dung từng đặc tính của con người, tất cả những đặc tính tách rời con người với chim trên trời và cá dưới nước. Những suy tư của anh cuối cùng hóa thành sự khảo sát về hai tính chất, hay hai khả năng ngăn cách thế giới loài người với thế giới loài vật – tiếng cười và nước mắt. Lạ thật, anh thấy rằng anh, kẻ lão luyện trong lãnh vực nầy lại suy gẫm vấn đề như một chú học sinh.
« Nhưng mình đâu phải chim hải âu » Chắc chắn đây không phải một tư tưởng tuyệt vời; nhưng nó cứ lờn vờn trong đầu anh đương lúc anh phân vân giữa hai ngả đường. Dầu tư tưởng này không độc đáo hay tuyệt vời gì, nhưng ít ra nó cũng trấn an được Auguste: đầu óc tưởng tượng phong phú đến đâu chăng nữa anh cũng không thể ví mình như một con chim hải âu.
Nam Mỹ – Vô nghĩa quá! Vấn đề không phải là đi đâu hay đi bằng cách nào mà vấn đề là... Anh cố gắng đặt vấn đề cho đơn giản, thật đơn giản. Phải chăng chỉ có thế, có thể anh sẽ an toàn trong tư thế hiện tại – đừng tăng cũng đừng giảm con người thật của anh. Lỗi lầm anh mắc phải là đã muốn vượt qua những giới hạn riêng biệt của mình. Anh không hài lòng khi chọc thiên hạ cười, anh còn cố gắng làm họ vui. Niềm vui là ơn sủng của Thượng Đế. Anh há đã chẳng khám phá ra được điều này khi anh tự bỏ rơi quên lãng chính mình – bằng cách làm tất cả những gì trong tầm tay, như có lần anh đã từng làm?
Auguste cảm thấy mình đang tìm ra đường đi. Anh bắt đầu ý thức được tấn bi kịch của mình, đó là sự kiện anh không đủ khả năng chuyển đạt hiểu biết của anh về sự hiện diện của một thế giới khác, một thế giới nằm bên kia sự dốt nát và bạc nhược, bên kia tiếng cười và nước mắt. Chính ranh giới này đã giữ anh trong vai hề, anh hề của riêng mình Thượng Đế, bởi vì thật ra không ai trên đời này là kẻ mà anh có thể giải thích cho họ rõ được nỗi phân vân của mình giữa hai thế giới.
Thế rồi ý nghĩa kia vụt hiện đến với anh – sao nó giản dị quá! Nghĩa là trở thành không giống ai, hoặc bất cứ ai, hoặc tất cả mọi người, thì điều ấy cũng chẳng ngăn cản được anh trở thành chính mình. Nếu thật là hề thì anh phải làm hề trên mọi phương diện, từ sáng tinh sương đến khi nhắm mắt. Anh phải làm hề suốt mùa, để cho thuê cho mướn hoặc chỉ vì muốn mình là thế. Giờ đây anh quá vững tin vào minh triết của ý tưởng trên nên anh nóng lòng muốn bắt tay ngay vào việc – không son phấn, không xiêm y, không cần cả âm thanh phụ họa ríu rít của chiếc vĩ cầm cũ kỹ. Anh hoàn toàn trở thành chính mình đến nỗi sự thật, sự thật đang nung nấu lòng anh như ngọn lửa, sự thật ấy phải được thừa nhận.
Một lần nữa anh nhắm mắt lại để lặn sâu vào tận chốn thâm u của đen tối. Anh giữ mãi tư thế ấy một hồi lâu, thở bình thản và an lành trên chiếc giường do bản thể anh tạo ra. Cuối cùng khi mở mắt, anh chiêm ngưỡng một thế giới huy hoàng mà tấm màn che đã bay mất. Đó là cái thế giới luôn luôn hiện diện trong lòng anh, luôn luôn sẵn sàng xuất hiện nhưng nó chỉ bắt đầu máy đập khi quả tim con người cùng hòa nhịp với nó.
Auguste cảm động đến nỗi không còn tin ở nhãn quan mình. Anh lấy lưng bàn tay dụi mắt chỉ cốt khám phá rằng mi anh còn ướt đẫm vì những giọt lệ hân hoan mà anh đã vô tình để rơi xuống. Anh ngồi lên, đôi mắt đăm đăm hướng về trước, cố gắng để cho mắt làm quen với ánh sáng. Từ đáy lòng anh, tiếng thì thầm tạ ơn văng vẳng đưa lên.
Anh rời chiếc ghế dài khi ánh dương tỏa lan trên mặt đất với những tia nắng vàng rực cuối ngày. Sức mạnh và khát vọng như sóng triều dâng trong mạch máu anh. Là kẻ mới chào đời, anh tập tễnh bước đi vài bước vào trong cái thế giới ánh sáng huyền diệu. Do bản năng, như chim mọc cánh, anh mở rộng đôi tay như muốn từ ái choàng ôm tất cả vào lòng.  
Giờ đây thế giới đang chết xỉu trong màu tím sẫm chan hòa của những tia nắng chiều. Auguste quay cuồng trong sự xuất thần ngây ngất. «Ồ, ồ!» Anh la lên, hay tưởng mình la lên bởi vì trong thực tế tiếng la của anh chỉ là âm vang yếu ớt của niềm vui tràn trề đang mơn trớn ru anh.
Một người đi về hướng anh. Một người mặt quân phục đeo bên hông một đoản côn. Với Auguste, kẻ đó xuất hiện như một thiên thần đến giải thoát. Auguste vừa muốn nhảy xổ vào vòng tay ân nhân giải thoát thì một vầng mây đen nghịt bất thần giáng xuống anh như nhát búa. Anh nằm đờ dưới chân viên sĩ quan, không một tiếng động.  
Hai người đi đường chứng kiến cảnh ấy vội chạy lại. Họ quỳ xuống rồi lật ngửa Auguste lên. Họ kinh ngạc thấy anh đang mỉm cười. Nụ cười thiên thần tỏa rộng hồn nhiên, từ đó từng giọt máu trào bọt rỉ ra. Đôi mắt mở to, ngây thơ khôn tưởng, nhìn lên vầng trăng mong manh vừa ló dạng trên nền trời.
Henry Miller
Lương Dinh dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phù sa văn hóa là gốc của cây thơ Phù sa văn hóa là thuật ngữ ẩn dụ có nội dung quan trọng và sang trọng trong triết lý phát triển. Nơi ...