Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

"Gập ghềnh khúc đau" và nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai

"Gập ghềnh khúc đau" và nỗi ưu tư
trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai

Thơ là thế giới tâm cảm của thi nhân trước cuộc đời, ở đó nhà thơ sẽ giải bày những suy tư, trăn trở của mình về cõi nhân sinh. Thơ Trương Tuyết Mai cũng không nằm ngoài tâm thức này. Đọc Gập ghềnh khúc đau* của Trương Tuyết Mai, đúng như tên gọi tập thơ, người đọc sẽ cảm nhận không chỉ nỗi đau mà còn cả những chông chênh trong tâm hồn và cuộc đời của thi nhân trước những “bão giông” trần thế…
1. Không biết tự bao giờ, bài ca dao “Ví dầu cầu ván đóng đinh / Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” đã hằn sâu trong tâm thức tôi như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh. Bài ca dao không đơn thuần gợi hình ảnh những chiếc cầu quê đơn sơ, mộc mạc đã tồn tại ở làng xã Việt Nam hàng ngàn năm như một chứng từ văn hóa của một đất nước có nền văn minh nông nghiệp lâu đời mà còn là sự dự cảm về những khó khăn, gian khổ, những chênh vênh của phận số mà mỗi con người đã / đang / sẽ trải qua trong cõi nhân sinh đầy bất an này.
Là một nữ thi nhân, lại là một nhạc sĩ, trái tim nữ sĩ Trương Tuyết Mai, nhạy cảm và mỏng manh như chiếc “lá vỡ” (tên bài thơ TTM), cùng với quá trình nghiệm sinh sâu sắc từ những nỗi đau trong cuộc đời, nên dấu ấn về những ưu tư trần thế đong đầy trong thơ Trương Tuyết Mai là tất yếu, mà tập thơ Gập ghềnh khúc đau là một xác chứng, như chị đã tự nhận: “Đau tình ta khóc trong mơ / Đau đời ta hoá lơ ngơ giữa đời.” (Đau). Phải chăng, chính nỗi “đau đời”, “đau tình” là một phẩm tính làm nên hệ giá trị trong hành trình sáng tạo thơ Trương Tuyết Mai, một nhà thơ mà độ sâu lắng của trí tuệ và cảm xúc giàu chất nữ tính là một điểm “son” trong thơ chị.
2. Nguyễn Du, một thiên tài thi ca của dân tộc và nhân loại, người đã viết truyện Kiều bất tử đã từng xác quyết: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Rồi, cũng chính ông lại xa xót thốt lên một cách đắng cay: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, nghe thật não nề!? Và điều mà đại thi hào Nguyễn Du đã xác quyết từ sự trải nghiệm trong hành trình sống và viết của ông về những được / mất, những hạnh phúc / khổ đau, vinh quang / cay đắng… của kiếp “hồng nhan đa truân” được minh chứng qua phận số nàng Kiều như linh ứng vào cuộc đời và nghệ thuật của Trương Tuyết Mai, một nữ nhà thơ vô cùng đa cảm nhưng cũng lắm đa đoan. Có hiểu được điều này, ta mới cảm nhận được những góc khuất của cuộc đời mà thi nhân đã trải nghiệm cũng như giải mã được nỗi đau và niềm ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai mà ở bình diện nào của cuộc sống cũng cho thấy sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc. Bởi, với trái tim bỏng cháy của một nghệ sĩ, chị đã nhận ra: “Cuồng si và mê đắm sóng dữ cũng bạc đầu/ Những rung động nhiệm màu lòng càng thêm cháy khát” (Sóng dữ cũng bạc đầu). Và những suy tư mang tính triết luận này đã phần nào cho thấy một phương diện khác trong thơ Trương tuyết Mai, đó chính là những ưu tư trần thế lắng sâu trong tập thơ. Có nhận ra điều này, ta mới mong chạm đến những cung bậc cảm xúc, những niềm khắc khoải, day dứt trong tâm cảm thi nhân như chị đã chia sẻ: Ly đời uống cạn đã lâu/ Vẫn say nghiêng ngửa vẫn sầu đầy vơi… (Ly đời). Bởi, hơn ai hết, là một nghệ sĩ mang trái tim đa cảm và dễ vỡ, hơn nửa cuộc đời sống trên cõi nhân gian, chứng kiến bao biến thiên của xã hội, với những khóc cười nhân thế, chị luôn ý thức rằng: “Đời cầm bút vắt tim hòa nước mắt/ Vẽ nhân tình thế thái đắm say” (Đời cầm bút). Thơ của Trương Tuyết Mai trong Gập ghềnh khúc đau cùng các tập thơ khác như: Một nửa cho anh (VN Tp. HCM 2006); Lá vỡ (VN Tp. HCM, 2008); Nghe trăng (Văn học, 2009); Gọi thầm (Hội Nhà văn, 2013); Mắc cạn ( Hội Nhà văn, 2018), là sự kết tinh những rung cảm, suy tư, trăn trở từ khối óc, trái tim của chị trước thế thái nhân tình. Chỉ cần đọc tựa đề những tập thơ, ta sẽ cảm nhận được một điều gì đó không trọn vẹn, vỡ tan, trắc trở, trái ngang của thân phận lưu đày từ / và một cái tôi lẽ loi, cô độc. Đây, chính là căn nguyên tạo nên nỗi ưu tư trần thế trong thơ chị.
Tập thơ “Gập ghềnh khúc đau” của Trương Tuyết Mai
Chứng kiến những trái ngang không thể lý giải được trước bi kịch của đời sống, khi mọi giá trị đang bị đảo lộn trước sức mạnh của đồng tiền, chị đã xa xót thở than hết sức thành thật: “Xoay vận được không khi đồng tiền lên ngôi / Xé toạc hết mọi nghĩa nhân – ân – tín !. (Đau lắm). Bài thơ có tên khá chân mộc nhưng đã chạm được tầng sâu tâm thức người đọc. “Đau lắm”!?. Đó là nỗi đau không chỉ của riêng thi nhân mà là nỗi đau của những con người có lương tri trước những “đảo điên” của thế sự, khi đồng tiền đã trở thành một thứ độc dược giết chết mọi nghĩa tình. Xưa, tiền nhân cũng đã cảnh báo “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, và nay liệu có khác gì xưa!? Nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai, vì thế, luôn mặn chát chất “đời” và nằm trong dòng chảy của những giá trị nhân bản ở thơ ca dân tộc và nhân loại. Bởi, với ý thức của một nghệ sĩ cầm bút, chị đã tự nguyện dấn thân, sẻ chia với sự bất hạnh của những người nghèo khổ: “Không ai nhờ cũng ôm cũng gánh / Không ai khiến cũng khóc cũng cười / Cả một đời thương vay khóc mướn / Nỗi đoạn trường bèo bọt phận người. (Nghề của tôi). Bài thơ “Nghề của tôi” cũng như bài “Đời cầm bút” là một lời “tuyên thệ” của chị về sự xác quyết tinh thần “dấn thân” (J.P.Sartre) hay “xuống thuyền” (Albert Camus) đối với người nghệ sĩ trước phận số của nhân quần mà chị luôn trăn trở. Không có ý thức “dấn thân” này sẽ không có những nỗi ưu tư trần thế đắng lòng trong thơ Trương Tuyết Mai.
Phàm là nghệ sĩ chân chính, có lương tri, biết sống và viết vì con người, không ai lại không có những trăn trở trước thế thái nhân tình. Bởi vậy, cách đây hàng trăm năm, nhà thơ Tú Xương đã tự thán: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn/ Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng/ Nhạt phèo quang cảnh bóng trăng suông” (Đêm buồn). Có thể nói, nỗi buồn, niềm đau trước sự thế nhiễu nhương là một hằng số văn hóa trong thơ ca chân chính như Trương Tuyết Mai đã tâm niệm: “Nàng đi gom nhặt chuyện đời / Để nghe bao nỗi khóc cười nhân gian / Để thấu đời lắm trái ngang / Để thương hết dạ gian nan phận người” (Gom nhặt). Và những điều trái ngang này được thi nhân minh chứng với bao khắc khoải, ưu lo, với biết bao câu hỏi mà câu trả lời chỉ là những ảo vọng xa mờ: “Bao đời bao kiếp hạt lúa củ khoai / Bỗng dưng thất nghiệp – hỏi trời tại ai ?.(Bỗng dưng), để rồi, cũng như bao người có lương tri, thi nhân đành bất lực nhìn những cảnh trái ngang cứ diễn ra trước mắt mình mà than thở: “Sao mãi tồn tại nhiều bất công, oan trái / Sao nhiều nỗi đau và nước mắt ngược dòng / Sao buồn thế? Nỗi niềm ơi – buồn thế! / Đâu phải điều người nằm xuống hằng mong!” (Chút tâm tư). Song, đâu phải chỉ có người nằm xuống mới mong cuộc sống không còn những bất công mà cả những người còn sống, hàng ngày đang lăn lộn trong cõi nhân sinh vẫn ước mong, nhưng nào có được đâu!? Và ước mơ, khát vọng cứ mãi vẫn là ước mơ và khát vọng treo lửng lơ trên cây thập giá đời…
Trước những điều phi lý, thi nhân cũng có lúc muốn buông bỏ tất cả để “cho lòng thảnh thơi” như chị đã tự thú: “Oằn vai nàng gánh nàng gồng / Sao không buông bỏ cho lòng thảnh thơi ?/ Gánh đời nặng lắm người ơi / Sâu – dày – ân – nghĩa – khóc – cười – bể dâu”. (Gánh đời nặng lắm) và chị muốn: “Quẳng hết gánh đời cho nhẹ tênh bao nỗi / Ôm giữ hoài chi những oan trái thế nhân!.” (Bất lực). Nhưng rồi, trách nhiệm của nhà thơ với cuộc đời khiến thi nhân không thể “từ bỏ” những nỗi lo toan trước phận số con người và điều này làm cho nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai càng sâu nặng hơn như chị đã ý thức: “Vẫn biết kiếp tằm phải nhả tơ / Vần thơ gan ruột tươi màu huyết / Bện dệt buồn vui thẳm phận người”. (Nhà thơ) Có thể nói, thơ viết về thế sự là những bài thơ thể hiện khá phong phú cảm thức ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai mà người đọc có thể nhận biết qua cách tác giả đặt tên tập thơ là Gập ghềnh khúc đau. Cuộc sống đời thường nếu gặp những “gập ghềnh” cũng làm cho con người chông chênh, chao đảo, vậy mà ở đây là “khúc đau gập ghềnh”, thì tính bi kịch của đời sống đã được đẩy đến tột cùng, tên gọi tập thơ, vì thế đã chất chứa nỗi ưu tư trần thế đầy ám gợi trong tâm thức người đọc như một dấu ấn mỹ cảm khá tinh tế khi sáng tạo hình tượng thơ của thi nhân.
Nhưng nỗi ưu tư trần thế ấy, không chỉ hiện hữu ở những bài thơ thế sự mà còn được soi chiếu từ một góc nhìn khác trong thi giới Trương Tuyết Mai, đó là những niềm khắc khoải trong thơ tình của chị mà theo tôi, cái “hồn cốt” của thơ Trương Tuyết Mai là ở những bài thơ tình, nhất là những bài thơ nói đến nỗi đau trước những mất mát, tan vỡ, bất hạnh trong tình yêu. Những bài thơ này không chỉ đơn thuần là tình yêu mà còn là những vấn đề của thân phận, của thế thái nhân tình. Và từ những trạng thái cảm xúc này, ta sẽ thấy rõ hơn bản thể và nhân vị của một Trương Tuyết Mai nghệ sĩ mà ở đó có sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa con người nhạc sĩ và con người thi ca. Đọc nhiều tập thơ của chị, tôi nghĩ, phải chăng, chính sự hợp hôn nhiệm mầu giữa thi ca và âm nhạc là căn duyên để một người ở vào “tuổi xưa nay hiếm” như chị viết được những câu thơ tình đắm đuối, nồng nàn và đầy khát khao nhưng thấm đẫm vị nhân sinh như: “Hãy nép vào mong manh cho mau thành cát bụi/ Để không còn khát thèm một điểm tựa trần gian.” (Khát). Hãy tin vào tình yêu, bởi, chỉ tình yêu mới đem đến cho con người ý nghĩa của cuộc sống. Tình yêu trong thơ Trương Tuyết Mai, vì thế là một vấn đề của nhân tính, nhân tình, nhân tâm nơi con người nên cũng là một bình diện của nỗi ưu tư trần thế trong thơ, để lại những nghĩ suy về cuộc đời, về thế sự, nơi người tiếp nhận như suy ngẫm của chị: “Người thường chết vì của / Chim thường chết vì mồi / Ta vì tình đắm đuối / Chết một đời chưa thôi.” (Ngẫm).
Quả thật, khi đã yêu và nếu đó là một tình yêu đúng nghĩa, không phải là một thứ tình yêu gian dối thì người ta phải “Chết một đời chưa thôi” chứ không thể “chết một lần rồi thôi” như người ta vẫn nghĩ. Những câu thơ này không chỉ là thơ tình yêu mà còn là cuộc sống, là thân phận, là thế thái nhân tình, là những giá trị nhân văn mà chúng ta cần trân quí, giữ gìn.
Tình yêu là thế. Nó luôn song hành với sự bất tử, sự tận hiến, sự đam mê. Tình yêu chân chính, đúng nghĩa không chịu sự sắp đặt và áp chế của bất cứ quyền lực nào, cho dù đó là quyền lực của Thượng Đế. (Vậy mà có một thời, người ta buộc tình yêu phải có “tính này”, “tính nọ”, biến con người trở thành một thứ robort không tim khi yêu). Vì thế, cùng với sự hiện hữu của con người trong cõi nhân sinh, tình yêu luôn đặt ra cho con người những trăn trở, những ưu lo, những khắc khoải: “Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài/ Sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không” (Mắc cạn). Cái cảm giác “mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không” đó, nhiều khi cũng đẩy con người vào những nỗi đau trong tình yêu và đây cũng là một phương diện của kiếp nhân sinh mà con người phải đối diện, phải gánh chịu. Thơ tình yêu của Trương Tuyết Mai, bên cạnh những khắc khoải, lắng lo, ưu tư còn là những ước mong được góp nhặt hạnh phúc cho dù đó là những hạnh phúc muộn màng từ những mảnh vỡ cũ xưa: “Ta đi mót lại tình xưa / Gom từng mảnh vỡ dẫu chưa nguyên lành / Dù trong dù đục cũng đành / Chút tình gom nhặt cũng thành tơ duyên”. (Chút tình gom nhặt). Và rồi trong những cố gắng “gom nhặt ấy”, có khi chị đã gặp bi kịch và phải trả giá cho những “đam mê”, “khao khát” của mình, để rồi phải sống trong sự thị phi trước tình đời đen bạc. Nỗi nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai vì thế, lại thêm vị đắng: “Nàng là kẻ u mê không lối thoát/ Nuôi dưỡng hoài nỗi khát khao lầm lạc/ Chấp chới không thôi cuộc tình đen bạc/ Ngậm ngùi trắng tay lầm lũi một mình” (U mê). Và có khi, thi nhân muốn chạy trốn thực tại, tìm vào giấc mơ mong được phút bình yên nhưng tất cả cũng chỉ là ảo vọng: “Trốn thực tại nàng ẩn mình vào ảo/ Đâu ngờ trong mơ cũng lắm bẽ bàng”. (Đâu ngờ). Bởi, dù chị cố gắng đi tìm, kể cả tìm trong mơ thì “Một bờ vai cũng không thể có/ Biết tựa vào đâu/ Tựa vào bóng – bóng giống ta xiêu đổ/ Tựa vào mơ – mơ đã vỡ từ lâu.” (Tựa vào bóng). Tình yêu trong thơ Trương Tuyết Mai, luôn để lại dư vị khổ đau của kiếp nhân sinh là thế!?…
3. Thơ là thế giới tâm cảm của thi nhân trước cuộc đời, ở đó nhà thơ sẽ giải bày những suy tư, trăn trở của mình về cõi nhân sinh. Thơ Trương Tuyết Mai cũng không nằm ngoài tâm thức này. Đọc Gập ghềnh khúc đau của Trương Tuyết Mai, đúng như tên gọi tập thơ, người đọc sẽ cảm nhận không chỉ nỗi đau mà còn cả những chông chênh trong tâm hồn và cuộc đời của thi nhân trước những “bão giông” trần thế. Gập ghềnh khúc đau vì thế, là kết tinh những khắc khoải trong suốt hành trình sống và sáng tạo nghệ thuật của thi nhân. Đây không chỉ là sự tổng kết những suy nghiệm của nhà thơ về cuộc đời, về thế sự, về nhân sinh mà còn là một sự thay đổi thi pháp trong sáng tạo thơ ca của Trương Tuyết Mai, khi chị chọn viết những bài thơ ngắn, một thể thơ không phải dễ làm, nếu người viết không có một sự trải nghiệm cả trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Rất may, ở tập thơ Gập ghềnh khúc đau, ta thấy Trương Tuyết Mai hội đủ những yếu tố này nên cũng gặt hái được một số thành công trong chọn lựa đề tài, thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, thể thơ ngắn đối với chị, có lẽ chỉ là sự thử nghiệm bước đầu, nên không tránh khỏi những giới hạn trong việc lập ý, lập tứ, sử dụng ngôn ngữ và kiến tạo nhạc điệu trong thơ. Nhiều ý thơ chưa có độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn, còn dễ dãi trong biểu đạt cảm xúc và tư tưởng nên chưa chạm đến chiều sâu mỹ cảm nơi người đọc như: “Cứ thế mỗi ngày chẳng chút đớn đau/ Ta đã âm thầm trượt qua nhau.” (Trượt); Hay “Ôi tình yêu! Tình yêu huyền diệu/ Ta của nhau một thoáng cũng nhiều/ Cũng đủ ấm lòng những chiều quạnh hiu” (Huyền diệu) …
Song, cho dẫu vẫn còn những điều chưa hoàn thiện nhưng Gập ghềnh khúc đau của Trương Tuyết Mai cũng đánh dấu một sự thay đổi đáng quí trong thi pháp của chị. Điều này cho thấy ở chị một khát vọng sáng tạo để đổi mới hành trình nghệ thuật của mình. Đây là một phẩm tính không thể thiếu đối với người nghệ sĩ. Thế nên, Gập ghềnh khúc đau của Trương Tuyết Mai đã để lại trong lòng người đọc những dấu ấn khó mờ phai mà rõ nhất là những khắc khoải của chị về nỗi ưu tư trần thế. Vì vậy, có thể nói, đây là tập thơ mà khi đọc và ngẫm ngợi, chúng ta sẽ tìm thấy những điều có thể sẻ chia với thi nhân trước những ưu lo trong cõi nhân sinh mà chính ta đang từng ngày, từng giờ đối diện với nó dù muốn hay không!?. Tập thơ là những tình cảm chân thành về những nỗi ưu tư trần thế của một hồn thơ trong trẻo, hiền lành như chính thi nhân đã xác tín một cách đáng yêu: “Nàng như viên cuội trắng/ Mãi lăn theo dòng đời/ Dù dòng trong hay đục/ Vẫn là cuội trắng ngời. (Viên cuội trắng)…
Chú thích:
* Gập ghềnh khúc đau, Thơ Trương Tuyết Mai, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020
Xóm Đình An Nhơn - Gò Vấp, 18/6/2020
Trần Hoài Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...