Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Hiệp sĩ thánh chiến - Tác phẩm hoàn thiện nhất của Henryk Sienkiewicz

Hiệp sĩ thánh chiến - Tác phẩm
hoàn thiện nhất của Henryk Sienkiewicz

Màu sắc trung cổ mạnh mẽ trong Hiệp sĩ thánh chiến mà vị Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói trên là lịch sử của Ba Lan xảy ra cuộc thánh chiến, và chủ đề tư tưởng mà tác phẩm văn học kinh điển này đề cập là vấn đề mà cho đến ngày nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự, đó là cuộc chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình, và họ đã đoàn kết và anh dũng đứng lên để chiến đấu, giành lại hòa bình mà họ đã mất.
Ngày 10 tháng 12 năm 1905, văn hào người Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải thưởng Nobel văn học 1905 “vì những công lao xuất sắc của ông với tư cách là một nhà văn sử thi” (“because of his outstanding merits as an epic writer”).
Henryk Sienkiewicz  sinh ngày 5 tháng 5 năm 1846, tại Wola Okrzejska, Ba Lan trong một gia đình có gốc gác quý tộc và mất vào ngày 15 tháng 11 năm 1916, tại Vevey, Thụy Sĩ.  Cha và anh ruột của ông là những nhà yêu nước, đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ba Lan, lúc bấy giờ đang thuộc Nga, và chính điều đó đã tạo nên “yếu tố yêu nước mạnh mẽ” trong các tác phẩm của ông, một nhà văn Ba Lan kiệt xuất.
Thời  trẻ, Henryk  Sienkiewicz  học ở Warsaw; ông từng theo học luật học, y học và bắt đầu viết các bài báo, tiểu luận phê bình, truyện ngắn và truyện vừa. Năm 1876, ông thưc hiện một chuyến đi Mỹ, viết một loạt bài về nước Mỹ, gửi về đăng trên các tờ báo ở Ba Lan và được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt. Cũng trong chuyến đi xa đó, ông đã thu thập tư liệu, viết một số tác phẩm, trong đó xuất sắc nhất là tập truyện ngắn Người gác đèn biển (Latarnik, 1882).
Năm 1878, ông trở về Ba Lan, chuyên tâm nghiên cứu lịch sử. Thành quả trong thời gian này của ông là bộ ba tiểu thuyết lịch sử, lấy bối cảnh Ba Lan vào giữa thế kỷ XVII: Bằng lửa và gươm (Ogniem i mieczem, With Fire and Sword, 1884), Trận hồng thủy (Potop, The Deluge, 1886) và Ngài Wolodyjowski (Pan Wolodyjowski, Pan Michael, 1888) và một vài cuốn tiểu thuyết lịch sử với các chủ đề đương đại khác: Không giáo điều (Bez dogmatu, 1891), Những đứa con của đất (Rodzina Polanieckich, 1894).
Đặc biệt, năm 1894 – 1896, như tinh anh phát tiết ra ngoài, ông đã hoàn thành kiệt tác Quo Vadis, một bộ tiểu thuyết hai tập, viết về cuộc bách hại tín đồ Ki tô giáo dưới thời hoàng đế Nero của La Mã cổ đại. Theo nhà phê bình văn học Hồng Diệu, đối với một bộ phận người đọc, Quo Vadis “có vẻ nặng nề”. Nhưng nếu vượt qua được những cái khó của bộ tiểu thuyết này, như tên người, tên đất khó nhớ, khó đọc và dày gần một nghìn trang, “sẽ thấy Quo Vadis vô cùng độc đáo và hấp dẫn”, mà bằng chứng là “bản dịch (sang tiếng Việt – Người viết) Quo Vadis vừa ra đời đã được đón nhận một cách nồng nhiệt”. Với số lượng in lần đầu đã trên một vạn bản, và tái bản hơn hai vạn bản là một “hiện tượng hiếm thấy ở ta”  vào những năm 1986- 1990.
Sau thành công vang dội của Quo Vadis, Henryk Sienkiewicz quay trở lại với đề tài lịch sử quen thuộc của mình. Ông đã dành ra bốn năm trời để viết nên bộ tiểu thuyết lịch sử hoàn thiện nhất trong sự nghiệp văn chương của ông, đó là bộ tiểu thuyết Krzyzacy (1897 – 1900), tức Hiệp sĩ thánh giá hay Hiệp sĩ thánh chiến, miêu tả cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Ba Lan kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế ký XV nhằm chống lại đội quân của các Hiệp sĩ của Giáo đoàn thánh chiến, “những người từ lâu đã hoàn thành sứ mạng ban đầu của mình nay lại trở thành một tổ chức đàn áp lực lượng đối lập, khác giáo phái, thèm khát quyền lực và đất đai hơn cả cây Thánh giá mà họ mang trên mình như một biểu tượng thiêng liêng”.
Tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” bản tiếng Việt do Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022
Trong bài phát biếu tại buổi lễ trao giải Nobel văn học cho Henryk Sienkiewicz, Carl David af Wirsén, Thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển lúc bấy giờ, đã phân tích thật sâu sắc và chính xác về tác phẩm Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiewicz, ca ngợi văn hào người Ba Lan đã vượt qua nhiều khó khăn và mang lại cho tác phẩm của mình “một màu sắc trung cổ mạnh mẽ”.
Màu sắc trung cổ mạnh mẽ trong Hiệp sĩ thánh chiến mà vị Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói trên là lịch sử của Ba Lan xảy ra cuộc thánh chiến, và chủ đề tư tưởng mà tác phẩm văn học kinh điển này đề cập là vấn đề mà cho đến ngày nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự, đó là cuộc chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình, và họ đã đoàn kết và anh dũng đứng lên để chiến đấu, giành lại hòa bình mà họ đã mất.
Để khắc họa cuộc thánh chiến đó, Henryk Sienkiewicz đã nghiên cứu các tài liệu về lịch sử , dân tộc , ngôn ngữ , tôn giáo, thần thoại…; đặc biệt là bộ sách Lịch sử Ba Lan của nhà sử học Ba Lan Jan Dlugosz (1415 -1480), và thông qua nhân vật hiệp sĩ trẻ Zbyszko, ông đã miêu tả lại một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc Ba Lan, khi mà liên minh Ba Lan – Litva hùng mạnh đã trở thành chướng ngại vật chính ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki-tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến; ca tụng sức mạnh quả cảm của những con người đầy nghĩa hiệp và rất đỗi thủy chung, chỉ ra sự đối kháng giữa chính và tà; qua đó, bộ tiểu thuyết sử thi lớn nhất của văn học Ba Lan này trở thành lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình.
Như Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển Carl David af Wirsén đã nhận xét, trong Hiệp sĩ thánh chiến, bên cạnh những nhân vật lịch sử, như Archduke Jagiello, (sau này là vua của Ba Lan dưới tên Wladislaw II), nhiều nhân vật trong tác phẩm này hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của tác giả, nó thu hút sự chú ý của người đọc mạnh mẽ hơn và cung cấp những ví dụ xuất sắc về nền văn minh thời trung cổ. “Đó là một thời đại mê tín dị đoan và mặc dù đất nước đã theo Ki-tô giáo từ lâu, nhưng người ta vẫn bày thức ăn vào ban đêm cho ma cà rồng và tín đồ”. “Thời đại đó đúng là mê tín, nhưng cũng tràn đầy năng lượng”.
Carl David af Wirsén còn phân tích tính cách các nhân vật và nêu rõ các sự kiện cốt yếu trong Hiệp sĩ thánh chiến, ví như ông viết: “Có Macko, thô lỗ, tham lam, chỉ quan tâm đến lợi ích của gia đình mình, nhưng dũng cảm. Có Zbyszko cao quý, tâm trí của anh ta đầy những cuộc phiêu lưu hào hiệp…  Nữ hoàng Jadwiga dịu dàng, nhưng vẻ ngoài khó nắm bắt”. Hay: “Đoạn kết, trận Tannenberg năm 1410, trong đó các đội quân của Teutonic Order bị nghiền nát sau một trận chiến anh hùng, giống như phần cuối của một vở nhạc kịch lộng lẫy”…
Thật hiếm thấy một bài phát biểu nào tại lễ trao giải Nobel văn học mà người nhận trách nhiệm chính với Viện Hàn lâm Thụy Điển lại đi sâu phân tích những đặc điểm tính cách của các nhân vật và hệ thống các sự kiện lịch sử như trong bài phát biểu Tuyên dương văn hào người Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Có thể nói rằng cùng với bộ tiểu thuyết Quo Vadis, Hiệp sĩ thánh chiến là một trong hai bộ tiểu thuyết lớn nhất trong văn nghiệp của Henryk Sienkiewicz.
Văn học tinh hoa của Ba Lan đến với độc giả Việt Nam từ nhiều thập kỉ qua, với tình yêu đất nước và dân tộc, văn hóa và văn học Ba Lan của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam. Họ phần lớn đã từng công tác, học tập ở Ba Lan, trong đó có người đã lấy bằng Tiến sĩ, có người từng là các bộ cao cấp của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, trong số họ có người đã xem đất nước Ba Lan như là quê hương thứ hai của mình; và một trong những người đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, người đã từng dịch các tác phẩm: Quo Vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm… của Henryk Sienkiewicz và hai dịch phẩm này đã mang lại cho ông Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Sau thành công trên, từ năm 1990 đến nay, ông đã dành trọn 30 năm nhằm chuyển ngữ sang tiếng Việt với tất cả tấm lòng của mình với đất nước Ba Lan tác phẩm Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiewicz.
Để dịch tác phẩm kinh điển này, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã dụng công trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ cổ và cả folklore học Ba Lan, trong việc đối chiếu, chuyển ngữ, chuyển nghĩa từ văn bản gốc tiếng Ba Lan sang tiếng Việt; bản dịch sang tiếng Việt vì thế mà tự nhiên, tường minh, liền mạch, trong suốt 1.244 trang sách khổ 16cmx24cm. Có thể nói, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã thành công xuất sắc trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt tác phẩm Hiệp sĩ thánh chiến của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Hiện tại, mặc dù tuổi đã cao, nhưng dịch giả Nguyễn Hữu Dũng trông vẫn còn khỏe, đặc biệt là ông vẫn còn mong muốn tiếp tục được góp phần phát triển ngành nuôi biển Việt Nam (ông hiện là Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam) và có nhiều ý tưởng hay về việc tiếp nhận văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, vì vậy, bạn đọc có quyền hy vọng và chờ đợi ở dịch giả Nguyễn Hữu Dũng những dịch phẩm mới xuất sắc về văn học Ba Lan, nhất là những tác phẩm văn học tinh hoa, kinh điển của nước bạn.
25/3/2023
Bùi Xuân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...