Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Thơ Doãn Thụy Như: Nhẹ nhàng mà đẫm đặc yêu thương thời đại dịch

Thơ Doãn Thụy Như: Nhẹ nhàng mà
đẫm đặc yêu thương thời đại dịch

Chúng tôi bắt gặp một chùm thơ của nữ sĩ Doãn Thụy Như viết trong thời điểm cả nước ta, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đang phải oằn mình lên vì đại dịch virus corona hoành hành năm 2021 trong một tâm thế im lặng để lắng suy là nhờ vào cái chất nữ tính nhẹ nhàng mà sâu sắc trong thơ chị. Thơ chị không chỉ nhẹ nhàng, sâu sắc mà còn giàu giá trị nhân văn.
Nói thế là bởi, thơ chị nhẹ nhàng mà cắt cứa, nhẹ nhàng mà đau đến từng centimet cõi lòng. Chúng tôi có cảm giác chị viết bằng cảm thức âm vọng là chính, chị cố tình làm cho nhẹ nhất đi có thể để cho cảm giác mất mát đỡ buốt rát chăng? Nhiều dòng thơ đôi lúc chỉ là những cụm từ lửng lơ treo vào bài thơ, có lẽ tác giả cố tình giấu đi khuôn mặt của chủ thể “không lời nói/ không ánh nhìn/ xoa má nắm bàn tay” là cốt cũng để cho nhân vật trữ tình bộc bạch con người mình trong một tình thế đã cố gắng hết sức. Ở đó, nhân vật trữ tình tránh nhìn nhau và họ hành động trong im lặng là bởi hoàn cảnh thúc ép nghiệt ngã đến ngỡ ngàng. Do vậy, lời thơ như nói bằng bước đi của sự cảm nhận và cảm giác, nên tưởng nó nhẹ lắm mà lại trĩu nặng tâm can! Nặng vô cùng! Nặng tâm tính, nặng trách nhiệm và cũng nặng tình người  “Đưa nhau/ đến phía chân trời đang mở/ tiếng cười, hơi thở nhẹ như bông…// áo trắng/ âm thầm len lỏi, ngõ hẹp ngoằn nghèo như chỉ/ đến thật gần/ áo trắng nhẹ nâng niu” (Đưa). Những bước chân âm thầm của bao người “áo trắng” ở thời điểm bệnh dịch ấy, giờ đọc lại vẫn thấy đáng trân trọng làm sao! Thương quý thay!
Vâng, thời điểm ấy, thời điểm mà cả một thành phố hơn chục triệu dân phải sống trong sự phong thành vì dịch bệnh, lại thêm thực trạng lây lan đang chực chờ và sẵn sàng nhảy lên thao túng tất cả, hàng ngày đây đó tin tức vì người thân ra đi đã đẩy người ta vào một hiện hữu không thể không phập phồng lo lắng. Do thế, không khí ấy căng lên từng giây từng phút là điều khó tránh trong tâm trạng của nhiều người dân Sài Gòn, thì lẽ đương nhiên nhân vật trữ tình trong thơ Doãn Thụy Như cũng không thể không đeo mang theo cái tâm cảm ấy. Hơn nữa, tác giả lại là người sống trong môi trường ấy, hàng ngày hàng giờ chị cũng phải căng mình ra theo thực trạng kia mà cố sống, cố viết, thì cái hiện trạng kia không thể không phảng phất trong thơ chị. Mà thực trạng ấy, nó lại đến trong bất ngờ và ồ ạt, khiến con người lắm khi ngỡ ngàng mà trở tay không kịp.
Do vậy, khung cảnh trong thơ chị cũng nao nao một trời u ám, lặng lẽ để cố mà bấu víu, mà tồn tại “đưa nhau khoảng cách xa vời vợi/ không định vị nơi nào mình đến/ phía ấy ở đâu”. “Phía ấy” là phía nào, vô định quá! “Phía ấy” là phía không cần định vị nhưng vẫn biết nó là phía nào! Bởi “phía ấy” đang bao trùm lên xung quanh ta, bất kể nơi đâu cũng có thể là “phía ấy”. Hình ảnh thơ gợi ra những nỗi đau tuy mơ hồ vô hình nhưng luôn vây bủa con người. Đưa nhau đi đâu, chẳng rõ nữa, nhưng chắc chắn một điều rằng sẽ “đưa” nhau đi về một nơi câm lặng, lạnh lẽo. Điều ấy, chẳng ai muốn nói ra nhưng lại ngầm hiểu và thực tế thì nó cũng đã và đang diễn ra đó thôi. Bởi vậy, câu thơ như nén nỗi đau lại theo nhịp thơ ngắn, chậm, chậm lắm “đưa nhau/ tìm nhau/ khắc khoải”.
Vì thế mà những trạng thái tâm lí cứ chực trào lên mỗi lúc một nghẹn ức “bối rối/ âu lo/ tắc nghẹn”. Kìm lại nỗi đau ấy trong một tâm thế “tắc nghẹn” là điều mà nhân vật trữ tình đang phải cố hết sức trong một hiện hữu gần như vượt quá giới hạn sức chịu đựng. Để rồi, ý thơ không thể không buông ra những lời bàng hoàng, thảng thốt “anh ở đâu/ em ở đâu”?. Điều ấy giúp độc giả hiểu thêm rằng chúng ta đang ở đâu mà phải chịu đựng ghê gớm đến như thế? Một cảnh tượng phong thành chưa hề có đang diễn ra. Mệt mỏi, phờ phạc đấy nhưng ý thơ vẫn hướng đến hy vọng sống, vẫn thấy những le lói tin yêu để mà vượt thoát “ta ngóng chờ âm vọng của những yêu thương” (Đưa) thì đủ thấy khát khao tồn tại để vượt thoát lúc ấy nó lớn đến dường nào!
Thơ Doãn Thụy Như đôi lúc ghi lại rất nhanh những hình ảnh gợi nỗi mất mát quáng quàng, tuy không đến nỗi tang thương nhưng lại thúc bách lòng người, cồn cào đến lạ “đêm qua trong giấc mơ/ tôi thấy con tàu lao đi vun vút/ chúng chỉ dừng lại rất nhanh ở những ga đặc biệt, hỏi một câu ngắn gọn/ đầy chưa?…// rồi lại đi rất nhẹ và êm/ sợ đường ray đau vì lớp áo cánh không dày dặn” (Mơ). Đau trong tâm thế dịu dàng. Thương quá!
Rồi chị đi tìm lời biện minh, mà lời biện minh ấy cũng nhỏ nhẹ như hơi thở thoáng qua vậy thôi, nó phù hợp với thời điểm đang căng như dây đàn “phải thôi/ mới chớm thu trời còn đang đẹp/ mà cứ buộc lòng phải theo những hành trình rất xa/ có những chuyến đi mười mấy ngày không đứng lại/ chưa quay về ngôi nhà nhỏ ngày xưa…// đêm qua trong giấc mơ/ tôi đi ngang những cánh đồng rất lạ/ ngô, lúa, khoai, dừa … sắp gặt vụ mùa thu/ không có ai cả chỉ đoàn người/ áo mỏng chúng tôi đi”. Thiên nhiên dù có đẹp đến nhường nào và đang hiện hữu đấy thì cũng phải nhường lại cho “những hành trình rất xa” kia, đi và đi mãi, đi qua cánh đồng “ngô, lúa, khoai, dừa … sắp gặt vụ mùa thu” trong một hoàn cảnh vắng lặng đến gai người “không có ai cả chỉ đoàn người/ áo mỏng chúng tôi đi” thì ai mà chẳng xót? Xót ruột của sự bỏ phí và xót xa cho hoàn cảnh mà con người buộc phải lướt qua. Xót xa đến tận cùng. Và, dẫu giấc mơ khét lẹt mùi đau thương có thể kết thúc bằng hình ảnh tươi sáng, đầy hứa hẹn nhưng ở đó, chúng tôi vẫn chỉ thấy phảng phất sự khao khát trong im lặng mà thôi “giật mình thức dậy/ vừa chạm vào ga cuối/ ngôi nhà rất ấm, ánh sáng chan hòa, âm thanh rất nhẹ”. (Mơ)
Những ngày ấy, riêng tư cũng xin tạm gác lại, tất cả phải dốc lòng mà đương đầu, mà giành giật lấy sự sống “phố vắng nhau/ ta ở đâu?/ biền biệt cách xa, chớp nhoáng ngày rất vội/ góc phố quen, thôi nhé những hôm chờ”.
Chị diễn tả sự nhớ nhung của tiếng nói luyến ái cũng rất nao lòng, một sự tội nghiệp khi buộc phải thích ứng như thế “xuân về rồi/ nhớ hơi ấm vòng tay/ anh ở đâu?/ em ở đâu?/ chúng mình tìm nhau qua hơi thở nhẹ nhàng”. Rõ ràng là chia cách đấy, song sự chia cách kia được nhìn ở tầm cao hơn hẳn mức độ thường, đó là sự hy sinh, đó là tinh thần trách nhiệm được đặt lên trên hết. Điệp ngữ “xuân về rồi” cứ vang lên day dứt. Xuân mà phải cách chia, thậm chí là li biệt thì nỗi đau ấy như được khắc họa đậm hơn, dĩ nhiên sẽ đớn đau hơn “xuân về rồi/ thương mấy tháng trời vội vã/ cách ly, biền biệt/ quên đi ngày tắc nghẹn, ánh trăng gầy khuất biệt mái hiên sau.”
Những câu thơ tự nhiên rót thẳng vào trái tim con người. Ấy là tấm lòng, ấy là sự thao thức, trăn trở; ấy còn là trách nhiệm. Do thế, giọng thơ dịu lại, da diết tâm tình “nào cùng nhớ/ hương hoa, đất trời thành phố/ anh đừng buồn/ em đừng khóc/ phố đã nhẹ lòng sao còn thao thức mãi trong đêm?”.
Bởi thế, lời thơ đã vui và rạo rực lên một tí “vá víu dần vết cắt đau thương/ hơi thở nhẹ hơn/ phổi trong hơn/ sau những lần ép ngực, em cũng đang cười dưới vạt nắng mùa xuân”. Sức sống đã quay trở lại bằng lời thơ chia sẻ, vỗ về “chỉ còn một chút thôi/ se sắt mùa đông sót lại nên em cứ tựa vào chiều/ sợ nắng vàng/ phiêu diêu khắp phố mình ngẩn ngơ tìm như người hành khất mơ đêm” (Vạt nắng mùa xuân).
Lời thơ đã tĩnh tại và chất nhân văn đã sáng lên trong từng câu thơ chị “những bông huệ cắm trên bàn trong ngày giữa tháng/ nghĩ chúng đã tỏa hương thơm ngát/ sáng nay ra, nở những bông hoa tinh khiết/ thơm nhẹ nhàng, huệ gửi vào thu” (Hoa). Điều ấy là tâm thành, là nhìn con người bằng góc độ con người, nhìn hoàn cảnh bằng góc nhìn hoàn cảnh mà đồng cảm và chia sẻ. Cái đẹp sáng lên trong những nét bình thường.
Có thể nói, chùm thơ Doãn Thụy Như viết về thời điểm đặc biệt trong một tâm thế của con người trong cuộc nên có sự giãi bày và chân thành. Thực trạng hiện hữu được nén vào trong những cái nhìn tâm cảm nên câu chữ của chị tự nhiên, giản dị. Do thế, thơ chị là tiếng nói chia sẻ trong sự đằm dịu, nhỏ nhẹ giàu nữ tính, dễ chạm được tới trái tim con người. Chị giấu sự thổn thức vào trong những nhịp thơ, do thế giọng thơ của chị trong chùm thơ kia mang màu sắc đồng cảm mà buốt rát, hy vọng mà không khỏi chông chênh. Bởi vậy, chùm thơ của chị mang một màu sắc rất riêng, vừa nhẹ nhàng mà sâu sắc, vừa đẫm chất nhân văn. Quý lắm!.
Sài Gòn, 25/3/2023
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...