Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Jean Paul Sartre con người của tự do

Jean Paul Sartre
con người của tự do

Tôi vốn không ham đọc tác phẩm triết học của Jean-Paul Sartre. Lý do đơn giản là đọc văn ông cần phải động não nhiều, mà chưa chắc mình đã hiểu thấu ý tứ sâu xa. Thường thì phải coi trước bài dẫn nhập, hoặc đang đọc thì ngừng lại để tìm chú dẫn của một hay nhiều học giả trung gian. Như vậy đâu còn là đọc tác phẩm chính tác giả, và rồi cũng mất luôn sự hưng phấn khi cảm thụ trực tiếp. Đôi khi những chú thích rậm rịt còn khiến cho mình phân vân không rõ nên tin ai đây, có khác chi lúc đang coi… Kinh Dịch chú giải và bình luận vậy.
Nói vậy có quá lời chăng? Dù sao cái ấn tượng sâu sắc khi còn trẻ tuổi lần đầu được tiếp cận văn chương vị triết gia hiện sinh rối rắm đeo đẳng tôi nhiều năm, đến tận bây giờ, tuy trước sau tôi vẫn mê các bài luận chiến chính trị khúc chiết của ông.  Năm nay (2005), giới văn hoá Pháp (và nhiều nước ở châu Âu) long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng là đã “dấn thân” hết mình vì chính nghĩa, một trong mấy triết gia sáng chói thế kỷ thế kỷ 20. Tôi lại tìm đọc đôi ba bài người ta viết về sự kiện ấy, hiện tượng ấy. Ông là một trong số ít tác giả, “để được tự do”, đã khước từ không nhận Giải Nobel văn học người ta trao tặng. Không hẳn vì ông tự cao tự đại, coi thường cái giải thưởng vốn là niềm ước mơ của bao nhiêu người cầm bút trên thế giới ngày nay – đặc biệt những người luôn nghĩ mình là thiên tài – mà xuất phát từ niềm tin cố hữu là ông luôn phủ định cái trật tự hầu như đã được ai đó an bài cho thế giới ngày nay của châu Âu quá ư già cỗi. Đã thế, trong đời sống thường nhật Jean-Paul Sartre lại là người rất ít quan tâm đến chuyện tiền nong, cho dù ông không thể không biết hơn ai hết cái giải thưởng này không chỉ là một sự tôn vinh thượng thặng mà còn kèm theo một khoản thu nhập kếch xù hơn triệu đô la – trên đây tôi nói nói theo cách lý giải của Đại Bách khoa thư nước Pháp về hành động khác đời của vị triết nhân.
Dĩ nhiên, cũng như hàng chục triệu người khác trên khắp thế giới có chút hiểu biết, tôi khâm phục ông, tôi kính trọng ông. Nhìn về mặt nào cũng thấy ông xuất chúng quá. Đặc biệt hầu như không một ai, kể cả những đối thủ kiên định nhất của ông về triết học, không phải nghiêng mình trước niềm tin và thái độ sống của nhà trí thức lớn: tự nguyện suốt đời dấn thân cho tự do, cho sự giải phóng con người, vì hòa bình và tiến bộ, suốt đời chống mọi cưỡng bách, áp bức cho dù sự bức bách xuất phát từ đâu, diễn ra ngay tại quê hương ông hoặc ở phương trời xa xôi nào. Là người Việt Nam, làm sao tôi không xúc động khi đọc lại những trang chính luận đầy trí tuệ của Jean-Paul Sartre viết vào những năm 60 thế kỷ trước, tại đó ông phê phán không tiếc lời chủ nghĩa thực dân, ông đả đảo sự tra tấn tại các nhà tù, ông chỉ trích mọi cách đày đọa thể xác con người, ông lên án những ai chưa thật sự tôn trọng nữ quyền – là người không có con, ông ủng hộ quyền của phụ nữ muốn được có đứa con hay muốn phá cái thai đang mang trong bụng, vv…? Làm sao quên hình ảnh nhà trí thức với đôi kính cận dày quá cỡ, một chiều cuối thu lạnh lẽo năm 1970, khi ông đứng trên một chiếc thùng phuy dựng đứng, đặt trước cổng nhà máy chế tạo xe hơi Renault, một tay thọc vào túi giữ chiếc áo choàng cho nó bớt bay phần phật, một tay cầm micrô say sưa nói chuyện với công nhân lúc tan tầm chiều, đòi thên quyền tự do cho công nhân Pháp? Làm sao quên bóng dáng triết nhân giữa ngày đông tháng giá Paris năm 1971, trên người khoác tấm áo choàng dày cộp nhăm nhúm giống như mọi công nhân bất kỳ vừa ra khỏi xưởng sau tám giờ lao động, với cách ăn mặc ấy, vị triết gia chen chúc giữa đám đông đang rầm rập “xuống đường” biểu tình, tố cáo tội ác quan đội Mỹ gây nên cho nhân dân nước Việt Nam xa cách ông những mấy trùng dương, nơi ông chưa từng đặt chân tới? Tấm ảnh này, in lên báo chí từ năm 1971, dịp kỷ niệm năm nay nhiều tờ báo Pháp không hẹn mà cùng lúc dùng lại, giống hệt như nhau, cùng một kiểu dáng. Làm sao quên khuôn mặt khó gọi là đẹp lão với đôi kính cận dày như đáy ve chai làm cho nét mặt ông luôn có vẻ như ngơ ngác  (xin được nói thêm: về già vị triết gia gần như mất hẳn thị giác, không nhìn rõ thứ gì, vậy mà ông vẫn không ngừng làm việc, không ngừng tham gia các phong trào đấu tranh) bên cạnh vẻ dong dỏng cao muôn vàn hào hoa quý tộc của một người bạn triết gia khác cũng được Giải Nobel văn học như ông là huân tước Anh Bertrand Russell? Các vị đang cùng ngồi trên dãy ghế dành riêng cho Đoàn chủ tịch của Tòa án quốc tế, nơi tập hợp nhiều nhân sĩ lớn của thời đại, nhóm họp tại Stockholm thủ đô Thụy Điển để tố cáo và xét xử tội ác diệt chủng của đế quốc Mỹ gây nên tại nước Việt Nam ta…
Mà những việc làm chính trực của ông không chỉ thực hiện khi ông là một đảng viên đảng Cộng sản Pháp, chính đảng đứng ở trung tâm phong trào nhân dân Pháp (và Tây Âu) chống đế quốc Mỹ gây chiến đã đành, mà cả khi ông đã đoạn tuyệt với đảng này, để biểu thị thái độ phản kháng quân đội Liên Xô công nhiên kéo vào chiếm đóng Praha (Tiệp Khắc) mùa xuân năm 68. Cuộc chia tay của ông với đảng Cộng sản Pháp từng khiến cho tôi, một bạn đọc vô danh tiểu tốt xa xôi hoàn toàn không chút dây mơ rể má với tác giả, vẫn không khỏi chạnh lòng. Cho dù có biến thiên chi chi nữa, thì đảng Cộng sản Pháp vẫn là một tổ chức luôn đứng ở trung tâm phong trào nhân dân thế giới ủng hộ chúng ta qua hai cuộc chiến tranh, mà ảnh hưởng của J-P. Sartre trong giới trí thức toàn cầu thì vô cùng thâm hậu. Thiếu vắng ông, làm sao tránh khỏi làm cho phong trào ấy bớt được chông chênh thêm chút nữa?
Kẻ viết bài này có dăm ba dịp tới thủ đô Paris nước Pháp. Lần nào cũng vậy, mỗi lần được bạn bè mời đến nhấp ly đen đậm đà tại hiệu cà phê trứ danh Le Dôme tọa lạc đầu ngã năm mấy phố lớn, hay dùng ly bia tươi tại nhà hàng La Coupole bên hè đại lộ Montparnasse nườm nượp bóng dáng danh nhân, thế nào rồi các bạn Pháp cũng lại chỉ cho thấy, giọng đầy thán phục và tự hào, chiếc bàn giống hệt mọi cái bàn khác nơi góc kín đáo kia. Chiếc bàn ấy mấy năm trước là nơi nhà hàng dành riêng cho vị khách quen trứ danh vẫn thường xuyên tới ngồi. Nói thường xuyên, bởi ông đã để lại không biết bao nhiêu trang văn phẩm, triết phẩm có giá trị được sản sinh tại hai nhà hàng cà phê, giải khát này. Chứng cứ là Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay lưu giữ vô vàn trang bản thảo sáng tác, triết luận hoặc tuyên ngôn chính trị, ông đã viết trên những trang giấy rời có in tiêu đề hai nhà hàng ấy. Loại giấy dùng rồi vò ném cho luôn vào sọt rác, các hàng giải khát hay hiệu ăn sang trọng thường đặt sẵn ở mỗi bàn dăm ba tờ, để nhỡ có vị khách nào gặp việc đột xuất cần ghi nhanh một địa chỉ ai đó vừa cho biết hay một số điện thoại của bạn bè, thì với tay rút bút lấy ngoáy mấy dòng cho tiện. Đó cũng là một cách nhắc nhở, quảng bá thương hiệu của nhà hàng. Nghe nói mỗi lần nhác thấy bóng dáng chậm chạp của vị triết nhân kém mắt lửng thửng bước vào, y như người chạy bàn đã thuộc thói quen của ông, vội chạy đi lấy để mang ra và đặt lên bàn ông cả một tệp giấy dày có in sẵn en-tête. Có biết đâu những tờ giấy ấy nay đã trở thành di sản văn hóa quốc gia của nước Pháp…
Năm 2005, người Pháp tổ chức kỷ niệm bách chu niên Ngày sinh của Jean-Paul Sartre thật rôm rả. Bao nhiêu giấy mực đổ ra cho sự kiện này. Bao nhiêu thời lượng các đài phát thanh truyền hình người Pháp dành để tưởng niệm người đồng bào sáng chói của họ. Hơn một chục tác phẩm chuyên bàn về các khía cạnh của nhân cách Jean-Paul Sartre cùng lúc được tung ra thị trường, trong đó có cuốn tiểu sử dày tới 600 trang in của nhà văn Denis Bertholet. Ấy là không tính bộ Toàn tập Văn học và Sân khấu của J-P. Sartre dày đến 1700 trang, cố tình xuất hiện vào dịp kỷ niệm này. Toàn tập ấy được công bố qua tủ sách La Pléiade (tạm dịch Tao đàn), nơi hội tụ các tác giả đã được coi là kinh điển của Pháp (và phần nào của thế giới). Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng chỉ được tập hợp vào vườn thượng uyển văn chương này sau khi các tác giả đều đã trở thành những người thiên cổ. Tại Thư viện Quốc gia Pháp tọa lạc hãnh diện bên bờ sông Seine, một cuộc triển lãm về thân thế và sự nghiệp nhà văn-triết gia mở cửa và kéo dài suốt nửa năm trời – một kỷ lục về thời gian trưng bày đón khách chưa từng dành cho bất kỳ danh nhân nào, tại cái thiết chế văn hóa uy danh luôn luôn dè sẻn không gian và thời gian.
Rồi có bao nhiêu chuyện thật hay giai thoại do người đời bịa ra, về đời văn cũng như đời tư của ông, đặc biệt với cuộc sống chung với người bạn đời, nữ danh sĩ Simone de Beauvoir, một gương mặt sáng giá khác của văn hóa Pháp đương đại, được kể lại trên báo chí nhân dịp kỷ niệm. Người ta đồn đại hai ông bào, cả hai đều là tài năng kiệt xuất, hết sức yêu thương, gắn bó, quý trọng lẫn nhau, song mỗi người có cuộc sống sáng tạo, tinh thần và nhu cầu tình cảm của riêng người ấy. Tuyệt đối không ai can dự vào đời tư của ai, cho dù (và kể cả) cuộc sống lứa đôi đột nhiên xuất hiện… một “nhân vật thứ ba” mà nửa bên kia dĩ nhiên không mong muốn. Tôi đoán mò, chắc hẳn triết lý của hai ông bà là: “Ta không buồn nghĩ tới mi, tức là mi không tồn tại”? Một tờ báo nhắc lại câu chuyện vui khác, vị tổng thổng rất kiêu kỳ De Gaulle lưu danh thiên cổ với câu nói đầu miệng đã đi vào chính sử của nước này: “Nước Pháp, chính là tôi!”, ông Tướng De Gaulle cao ngạo ấy, tại nhiều văn bản chính thức của nguyên thủ quốc gia đang được giữ gìn như quốc bảo trong văn khố quốc gia, cứ mỗi lần nhắc đến Jean-Paul Sartre, Ông Tướng đều ông gọi bằng “ông” như bất kỳ ai khác, dùng trân trọng đại từ nhân xưng “Thầy” (Maitre, với chữ M viết hoa). Tướng De Gaulle qua đời, nghe bạn bè kể lại câu chuyện đó, Jean-Pail Sartre chỉ đáp tỉnh bơ: “Từ trước tới nay tôi chỉ thấy các chú chạy bàn trong hiệu cà phê chào tôi là thầy, khi họ biết tôi là người làm nghề viết lách”… Dưới mắt nhà triết học, thì lời vị danh nhân lịch sử hay anh bồi bàn vô danh cũng rứa rứa cả mà thôi. Hay là: “Ta không quan tâm đến, thì chuyện âý có cũng như không”?
Jean-Paul Sartre sinh năm 1905. Mồ côi cha rất sớm. Chuyện cậu bé học chữ cũng lạ lùng. Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, bà mẹ đọc cho con trai nghe một đoạn trong một cuốn truyện cổ tích. Ban ngày bà đi làm, chú bé lôi sách ra lần xem lại từng trang, và khi bà mẹ kết thúc cuốn truyện thì cậu con đã đọc được chữ rồi. (Người ta bảo chính vì đọc sách quá nhiều và quá sơm, cậu bé bị cận thị nặng rồi trở thành người kém mắt khi chưa hẳn về già).
Lớn lên, J-P. S thi vào học Đại học Sư phạm Paris, một trong ba trường lớn nổi tiếng ở Pháp, niềm ước mơ của bao sinh viên xuất sắc. Bạn đồng môn của ông khóa ấy còn có một sinh viên nữa mang tên Raymond Aron. Ông này rồi cũng sẽ trở thành một tên tuổi lẫy lừng khác của văn hóa Pháp. Trong năm 2005 này, người ta cũng tổ chức trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh, như đối với Jen-Paul Sartre, cho dù có kém hoành tráng hơn một chút. Điều trớ trêu của lịch sử là, trong khi Jean-Paul Sartre cực kỳ thiên tả thì Raymond Aron là một trí thức suốt đời nặng tình với phái hữu. Suốt đời hai người bạn đồng môn đồng khóa là hai đối thủ cân sức cân tài vô hồi kỳ trận trên văn đàn về chính trị-xã hội và triết học.
Jean-Paul Sartre đỗ đầu khoa thi thạc sĩ, ra dạy học. Mấy năm sau, ông cho ra đời tác phẩm Tưởng tượng (1936), cuốn sách đột nhiên đưa nhà giáo vô danh tuổi mới ba mươi lên hàng đầu các triết gia Pháp và thế giới. Sartre có một người bạn Việt Nam đồng cảm và chia sẻ xuất sắc các quan điểm triết học với ông là Giáo sư Trần Đức Thảo. Các sáng tác ra đời tiếp theo, trong đó có cuốn Ruồi (đã dịch ra tiếng Việt) thành công vang dội, làm cho Sartre trở thành tác giả hết sức nổi tiếng, có thể là người nổi tiếng nhất nước Pháp thời gian trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thời kháng chiến, ông tham gia phong trào chống phát xít Đức do đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo, và như đã nói, đã trở thành đảng viên đảng ấy.
Năm 1945, ông bỏ nghề dạy học để dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho văn chương và triết học, và cũng để có thể “tự do”, không còn bị chút ràng buộc nào, tham gia các phong trào thế giới đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ. Các vở kịch và nhất là các bài tiểu luận triết học của ông xuất hiện liên tiếp thời gian ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, từ 1945 đến 1948. Đặc biệt thiên triết luận Những con đường của tự do, đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận học thuật xuyên quốc gia, thu hút nhiều đại trí thức (trong số này có  của Nguyễn Khắc Viện, bài đăng trên tạp chí L’Esprit – ta nên dịch là Trí tuệ hay Tinh thần?), khiến cho tên tuổi ông càng thêm lừng lẫy. J-P. Sartre là người sáng lập tạp chí Thời hiện đại, một tạp chí học thuật được Từ điển bách khoa Pháp nhận định là “cực kỳ nặng thiên hướng chính trị”. Ông có một thời đứng tên làm chủ nhiệm tờ nhật báo chính trị Libération (Giải phóng) và tờ báo La cause du peuple (Chính nghĩa của nhân dân).
Tổng kết cuộc đời và sự nghiệp của Jean-Paul Sartre, Từ điển bách khoa Pháp Bordas viết: “Qua toàn bộ sự nghiệp của đời mình, Sartre là nhà triết học của tự do. Ông bác bỏ định mệnh. Các tác phẩm của ông đều mô tả con người như một (thực thể) tồn tại, chủ nhân mọi giá trị của con người và của lịch sử”. Giáo sư Jacques Lecarme trường Đại học Bắc Paris mở đầu bài dẫn nhập cho mục từ khá dài về Sartre trên Đại bách khoa thư Universalis in năm 1996, như sau: “Lễ tang của Jean-Paul Sartre (tháng tư năm 1980) không hoàn toàn giống đám tang của Victor Hugo một thế kỷ trước*, nhưng vẫn tập hợp cộng đồng trí thức, nhân dân thiên tả, lớp trẻ vốn là độc giả trung thành của nhật báo Libération (Giải phóng) mà Sartre là người hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ra đời. (Với cái chết của ông), phái tả nước Pháp mất đi nhà văn vĩ đại cuối cùng và nhà trí thức vĩ đại cuối cùng của mình… Ấy vậy mà (điểm này khác với Victor Hugo), “từ sau khi ông qua đời, các tác phẩm của Sartre vẫn không thôi làm kinh ngạc và thu hút sự chú tâm của (các thế hệ) độc giả mới…” Nhà nghiên cứu Bỉ Juliette Simont làm việc ở Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Bruxelles thì quả quyết: “Triết học của ông là triết học của tự do. Tác phẩm của ông thiên về hình cảnh và xúc cảm, là tác phẩm của nghệ thuật và của tự do”. Còn nhà triết học Đức Patrik Stoterdijk khẳng định, tác giả cuốn Thực thể và Hư vô (xuất bản năm 1943) đơn giản là một thiên tài thật sự. Nhà triết học Pháp Didier Eribon gọi ông là vị triết gia luôn luôn đứng về phía những người bị áp bức. Nhà nghiên cứu Fabrice Pliskin  cho rằng, mọi tác phẩm hư cấu của Jean-Paul Sartre đều được viết ra nhân danh cái liberté romanesque (tôi phân vân không biết nên dịch ra tiếng Việt là “tự do thơ mộng” hay “tự do mang tính tiểu thuyết” thì sất nghĩa hơn), qua những sáng tác ấy, tác giả không ngừng đấu tranh cho chủ nghĩa nhân văn và vì sự dấn thân hết mình của người trí thức vào sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân.
Jean Paul Sartre sinh ngày 21-6-1905. Không hiểu sao cái thời điểm 21-6 lần nào cũng bất giác gợi cho tôi liên t­ưởng một trong hai mươi bốn tiết theo nông lịch ta: hạ chí.  Ngày hạ chí (21 hoặc 22 tháng Sáu) là ngày dài nhất trong năm. Có phải do sinh ra đúng vào ngày địa cầu được hưởng nhiều ánh sáng mặt trời nhất, cho nên thiên tài Jean Paul Sartre rạng tỏa bền lâu?.
Chú thích:
* Đám tang văn hào Victor Hugo tổ chức ở Paris năm 1885 có đến hai triệu người tham dự (PQ).
29/7/2020
Phan Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...