Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Khánh Chi - Thơ của niềm khát khao, giao cảm

Khánh Chi - Thơ của
niềm khát khao, giao cảm

Người ta biết nhiều đến Khánh Chi, bởi chị biết làm thơ từ rất sớm, từng được mệnh danh là thần đồng thơ. Chị là tác giả bài thơ Vì sao con mèo rửa mặt?, Nghĩ về cô giáo em đã được nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Yến phổ nhạc, trở thành 2 ca khúc nổi tiếng.
Năm 13 tuổi chị đã có tập thơ đầu tay Gởi gió về cho nội (1978), từng làm xôn xao dư luận. Khánh Chi cũng là một trong số những nhà thơ được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ khi còn rất trẻ (26 tuổi). Không chỉ vậy, người ta còn biết đến Khánh Chi bởi chị có một nhan sắc mặn mà, một người phụ nữ đầy cá tính. Thơ chị, càng về sau càng thể hiện sự khao khát, giao cảm mãnh liệt với tình yêu và cuộc đời.
Khánh Chi có nhiều bài thơ hay, được bạn đọc yêu thích như: Điều duy nhất, Biển, Bầu trời và cỏ, Khoảng trời xanh mùa xuân, Hóa trang ngày Halloween, Trong những cắt chia, Vì sao con mèo rửa mặt?, Tình yêu người đàn bà, Dư âm tiếng hót làm nhói đau…
Nếu trước đây, những vần thơ chị viết về quê hương, bạn bè, người thân với sự hồn nhiên, trong trẻo thì càng về sau thơ Khánh Chi đậm chất triết lý, nhiều suy tư và trăn trở. Suy tư về con người, đời sống và về thời cuộc. Nhưng có lẽ, riêng tôi, tôi thích nhất là những bài thơ Khánh Chi viết về cuộc sống và tình yêu.
Thời gian có thể cướp đi mái tóc xanh đen của người thiếu nữ những không thể làm cạn nguồn yêu ở một người đàn bà “ngang bướng” và cá tính như Khánh Chi. Cảm thức về thời gian luôn khắc khoải trong lòng chị, để rồi dấu ấn thời gian ngập tràn trong những câu thơ, bài thơ như là sự ám ảnh. Nuối tiếc. Bâng khuâng. Đợi chờ. Khao khát. Thất vọng. Hi vọng…
Trong những cắt chia là bài thơ hay, thể hiện tận cùng những cung bậc, cảm xúc trong tình yêu mà em đã dành cho anh. Em sẵn sàng, bất chấp và đánh đổi mọi thứ để “đầu tư” hết vào hai chữ yêu anh. Em biết và em sẽ nhận lấy những mất mát, thua thiệt về mình để có anh.
Em đã đi đến tận cùng cảm xúc
Yêu anh
Đập vỡ chính mình trong những đau đớn
Đốt cháy chính mình trong khao khát
Xé toạc chính mình trong những cắt chia
Em ăn xin địa ngục
Em bán cả thiên đường
Em thế chấp tuổi thanh xuân
Cầm cố tuổi già
Để đầu tư hết vào hai chữ yêu anh
Em chẳng sợ bị chửi hèn
Em không ngại bị chê trách tham lam
Cũng chẳng cần biết ai cười em ngu dại
Em chỉ cần được cảm thấy trái tim mình
Còn và mãi Yêu anh
Đọc thơ Khánh Chi, người đọc nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà thơ chị thường xuất hiện hệ từ chỉ những khát khao, mong muốn dày đặc. Hệ thống từ ngữ khẳng định, tuyệt đối hóa cũng là một trong những phương tiện chủ yếu để Khánh Chi bộc lộ tình yêu: em chẳng sợ, em không ngại, em chẳng cần, em chỉ cần được, đạp vỡ, đốt cháy, xé toạc, em bán cả thiên đường, em thế chấp tuổi thanh xuân…
Thơ Khánh Chi là thơ của cảm xúc. Trong thơ chị có cả niềm hạnh phúc, nỗi nhớ mong và cả tâm trạng khắc khoải lo âu. Mỗi cảm xúc trong thơ Khánh Chi đều là cái cớ để chị bộc lộ tâm hồn và gián tiếp gửi gắm những nỗi niềm riêng của những người phụ nữ chịu nhiều thua thiệt trên con đường đi đến bến đỗ của hạnh phúc lứa đôi. Người đàn bà với những khao khát đời thường, khao khát cháy bỏng là được có anh. Đó là niềm khao khát chính đáng. Ấy vậy mà, dường như mọi cô đơn, bất hạnh lại tìm đến và bủa vây người phụ nữ. Mọi nỗi giày vò lại chất chồng theo thời gian. Càng mơ ước, hi vọng thì càng hụt hẫng, thương đau. Chị biết cảm thông, sẻ chia nỗi khổ đau này đến thân phận những người đàn bà kém may mắn. Dù hiện tại chị sống rất hạnh phúc, vì quanh chị luôn tràn ngập tình yêu thương. Nhà thơ Khánh Chi tâm sự: “Xưa nay tôi đi viết báo, từng nhiều lần viết về phụ nữ đơn thân. Thế mà chưa bao giờ lại tự nghĩ rằng mình cũng là phụ nữ đơn thân nuôi con. Chắc bởi vì xung quanh tôi luôn có quá nhiều tình yêu thương, sự chia sẻ và cũng còn vì tôi cũng chú tâm vào sự quan tâm và chia sẻ với mọi người nhiều hơn là lủi thủi với chính mình”.
Khánh Chi luôn sống hồn nhiên, trong sáng, ấp ủ niềm tin yêu, khát vọng vào tương lai phía trước. Nhà thơ suốt đời kiếm tìm hạnh phúc trong những trăn trở và suy tư. Giữa dòng chảy bất tận của thời gian, hạnh phúc vẹn tròn với chị chỉ là niềm mơ ước.
Làm sao chúng ta có thể nhận ra nhau
Khi con đường chúng ta đi ngược – về hai nẻo
Nẻo anh nặng trĩu kiếm tìm và đớn đau gìn giữ
Và nẻo em mong manh đón nhận và phiêu bồng giản đơn
Khi chìa khóa hạnh phúc của chúng ta khác nhau từng dấu khắc
Mật mã kho báu của anh chỉ toàn chữ số
Và mật mã niềm vui em là tiếng chim long lanh, và sương đêm huyền ảo và hương thơm hoa cỏ
Đung đưa nôi võng đưa em
Vào một bầu trời thênh thang, không anh!
(Lạc giữa tầng hối hả)
Tình yêu chân chính, đích thực là niềm khao khát cháy bỏng cả đời Khánh Chi. Vì thế những câu thơ viết về tình yêu sâu đậm, thủy chung cứ chạy dọc suốt đời thơ chị.
Hoa hồng ngày hôm qua/ Có còn thơm?/ Gấu bông ngày hôm qua/ Có còn mềm?/ Sô cô la ngày hôm qua/ Có còn ngọt?// Môi hôn ngày hôm qua/ Có còn nồng?/ Cái nắm tay ngày hôm qua/ Có còn ấm?/ Lời thề ngày hôm qua/ Có còn thủy chung?// Ta lỡ lạc mất nhau/ Trên con đường ngập tình nhân/ Giữa hoa gấu bông và sôcôla ấy/ Vị môi hôn và hơi ấm bàn tay nhau/ Lại phai trong trách móc/ Lời thề yêu tan trong ly kem màu
Sự đau khổ của người có ý thức nhưng hoàn cảnh trớ trêu thì lại càng bẽ bàng hơn, khi người xung quanh mấy ai hiểu mình, càng ngày càng nghe tâm tư gặm nhấm làm tê buốt tâm hồn.
Còn lại một mình em/ Khóc nát ngày/ Trên con đường ngập xác hoa xác gấu và nhòa nhẹt sôcôla đắng…
Bên cạnh những bài thơ viết về tình yêu đôi lứa Khánh Chi còn dành cho người cha đáng kính của mình bằng những vần thơ thể hiện thứ tình cảm đặc biệt – tình phụ tử thiêng liên (Cha chị là nhà thơ Trúc Chi – một trong những cây bút có tầm ảnh hưởng vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Chủ yếu sáng tác thơ, nhưng ông cũng từng có tập ký sự tạo tiếng vang vào những năm 1990: Tiếng kêu cứu của con chim gõ kiến).
Con đã kịp đọc thơ cho ba nghe và thấy ba cười
Con đã kịp đọc sách cho ba nghe, những trang sách mà ba thích nhất
Con đã kịp hôn ba rất nhiều, những ngón tay con còn thơm mùi của ba
Con đã kịp nói với ba nhiều lần rằng con yêu ba lắm
Con đã kịp nghe ba bảo: Ba thương con lắm con gái ơi
Con đã kịp nghe ba thì thào: Ba sắp xa con rồi
Con đã kịp dặn ba, rằng rồi ba con mình kiếp sau lại sẽ làm ba con ba nhé, để ba con mình lại làm thơ, lại đọc sách và con sẽ hạnh phúc biết chừng nào được làm ba vui.
Chắc là còn nhiều điều con chưa kịp làm cho ba lắm.
Điều chưa kịp làm lớn nhất là con chưa kịp hạnh phúc thật nhiều, trọn vẹn, viên mãn, cho ba an lòng khi xa con. Bởi con biết đó là một trong những điều ba muốn nhất.
Nhưng bây giờ, con chỉ cố nhớ, về những điều con đã kịp làm và nhớ nụ cười của ba.
Đây là thứ tình cảm quen thuộc, song tứ thơ của Khánh Chi vẫn mang lại cho người đọc những điều mới mẻ, xúc động. Đó là tiếng lòng khắc khoải, đau đớn khi người cha của chị đã vĩnh viễn rời xa cõi tạm này. Chị vẫn nhớ như in lời cha dặn: “Được mất/ Vô thường, con ơi…/ Chỉ có tình yêu là còn lại mãi mãi…”.
Chính tình cảm dạt dào đã trở thành sức mạnh lan tỏa tự bên trong của một hồn thơ. Khánh Chi cũng viết về mẹ với sự biết ơn chân thành của một đứa con vì tất cả những gì mà mẹ đã dành cho chị. Bài thơ Điều duy nhất là một trong số những bài thơ hay viết về mẹ của Khánh Chi. Ở đó, người đọc sẽ thấy những chiêm nghiệm, suy tư sâu sắc về con người, cuộc sống và tình yêu.
 Đã có lúc trong cuộc đời ngắn ngủi
Mẹ tin vào những điều vĩ đại
những điều sẽ ngày một lớn lên, rực rỡ và toả sáng
Có những điều không bị bào mòn
Những điều ngày một vững chãi, một bền chặt
Vĩnh cửu theo thời gian
Có những điều mãi mãi thiêng liêng
những điều cho bao kẻ khôn người dại phụng thờ theo dấu
Mẹ tin vào chân lý
Cái điều hoá ra ngược xuôi đổi thay theo thời cuộc
Mẹ tin vào tình yêu
Cái điều hoá ra phải vun trồng suốt bốn mùa mới có
Hoa trái thời vụ
Mẹ tin vào số phận
Hoá ra ông trời nhiều ngàn năm trước đã già
Và chỉ khi đến cuối cùng khi mẹ chối từ mọi niềm tin
Không còn buồn vui với những bất ngờ hay thất vọng
Mẹ mới đọc thấy trong trái tim mình
điều duy nhất vĩ đại ngày một lớn lên toả sáng
Điều duy nhất không bị bào mòn, lúc nào cũng
rực rỡ thần kỳ
điều duy nhất thiêng liêng ở cả trong bóng đêm và ánh sáng
Đó là trái tim mẹ yêu con.
Bằng cảm quan và sự rung động của trái tim nữ giới, Khánh Chi đã có những vần thơ làm nao lòng người đọc. Thế giới hình ảnh trong thơ Khánh Chi gần gũi mà ấn tượng, độc đáo mà giản dị. Chị đã khéo léo, ký gửi vào đấy bao nỗi niềm trắc ẩn của lòng mình trước hiện thực cuộc sống và cả những dự cảm về tương lai.
Thơ Khánh Chi chính là những lời giãi bày thành thực từ chính con tim, từ chính những trải nghiệm về đời sống, về con người và thế sự. Theo cách riêng mình nhà thơ Nguyễn Khánh Chi đã xác lập tiếng nói riêng, suy nghĩ riêng đầy nữ tính, vừa nghiêm túc, chững chạc vừa thông minh và sắc sảo. Khánh Chi luôn khát vọng nhiệt thành về một tình yêu cao đẹp, sẵn sàng thế chấp mọi thứ, sẵn sàng sống hòa hợp với tất cả nên chị lúc nào cũng luôn lo âu, trăn trở, day dứt trước những bất trắc có thể xảy ra. Có lẽ vì thế mà thơ Khánh Chi tạo được những nét riêng và được độc giả yêu thích.
Nhà thơ Khánh Chi
Tên thật là Nguyễn Khánh Chi, sinh năm 1965 tại Hải Phòng, quê cha ở Tuy An, Phú Yên.
Khánh Chi vừa là nhà thơ vừa là nhà báo, chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP.HCM khóa VII (2015-2020). Đến thời điểm này chị đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập sách (cả thơ và văn xuôi). Hiện chị đang công tác tại Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh.
Một số tác phẩm đã xuất bản của chị: Gởi gió về cho nội; Mảnh trăng côi cút; Cô đơn…
25/9/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...