Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Không thể hững hờ với… thơ 1-2-3 sảng khoái và thư giãn

Không thể hững hờ với…
thơ 1-2-3 sảng khoái và thư giãn

Điều đầu tiên cảm thấy là rất tự hào vì thơ Việt Nam đã xuất hiện thêm một thể loại mới, và vui hơn nữa khi thể thơ này đang được đông đảo các thi sĩ lựa chọn để thể hiện cảm xúc, suy tư của mình…
Với thể loại thơ ngắn, tôi đã từng làm thơ thể loại haiku, chỉ có 17 âm tiết, gói gọn trong 3 câu. Sự giới hạn về số chữ làm nội dung thơ haiku thật cô đọng. Thêm nữa là, haiku xuất phát từ Nhật Bản, nên thật lòng mà nói có những điều khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản làm cho sự cảm về thơ haiku đôi khi khó thẩm thấu.
Và cách đây khoảng 2 tháng, qua bạn văn thơ Hồ Xuân Đà, tôi biết đến anh Phan Hoàng, người sáng tạo ra thể thơ 1-2-3. Điều đầu tiên cảm thấy là rất tự hào vì thơ Việt Nam đã xuất hiện thêm một thể loại mới, và vui hơn nữa khi thể thơ này đang được đông đảo các thi sĩ lựa chọn để thể hiện cảm xúc, suy tư của mình. Ngay cả cái tên “Thơ 1-2-3” cũng dễ nhớ, dễ hiểu, làm cho các thi sĩ hăng hái trải lòng mình với nó.
Quy luật thơ 1-2-3 rõ ràng, dễ chịu nhưng cũng đầy thách thức cho những ai chưa quen dùng từ ngữ đa nghĩa, đa chiều như tôi. Thế nên khi nghe bạn Hồ Xuân Đà mở lời
hờ hững sao anh lại hững hờ
cửa nhà ta bao năm không có cửa then cài
hững hờ thôi ta cùng hờ hững
dốc lòng mê mải trong tóc rối cơn mê
em nhìn thấy bao kẻ trộm đang nhập nhằng khe khẽ
đốt tàn thư đắng cay em hờ hững cùng anh
Tôi như người đang đi đường chợt dừng chân, ngẩn ngơ trước lời trách móc nhẹ nhàng “Hờ hững sao anh lại hững hờ”. Bao chuyện đời ngược xuôi, ấy vậy mà đối lập Xuân Đà nói về thái độ hững hờ trước thế sự ấy “Cửa nhà ta bao năm không có cửa then cài/ Hững hỡ thôi ta cùng hững hờ”. Hình ảnh “không cửa then cài” rõ là cụ thể ấy, cho hiện lên hình ảnh ấy. Nhưng rồi làm người đọc liên tưởng đến những ràng buộc, những luật lệ của đời người như then cài cửa, vâng, nhà ta không có những điều làm người ta ức chế ấy. Và thái độ của nhân vật cô gái là hững hỡ, như dòng nước trôi qua kẽ tay, như gió cứ thổi ngang tai. Không nắm giữ chặt nhưng trong tâm khảm nào đâu nhẹ nhõm: “Dốc lòng mê mải trong tóc rối cơn mê/Em nhìn thấy bao kẻ trộm đang nhập nhằng khe khẽ/ Đốt tàn thư đắng cay em hỡ hững cùng anh”.
Nhân vật cô gái khắc khoải với những hình ảnh thật gợi nhiều cảm xúc “tóc rối cơn mê”. Người con gái ấy đang chìm vào tâm trạng bất định trước thế giới này, trước tình cảm với người đàn ông của cô. Nhưng thật lạ, cô vẫn nhìn thấy “bao kẻ trộm”. Đó có phải là những kẻ rỗi hơi luôn dòm ngó vào hạnh phúc của người khác mà thèm thuồng, mà muốn đạp đổ. Một lần nữa, từ ngữ của Xuân Đà lại gợi ra những liên tưởng vượt thoát khỏi nghĩa đen của nó.
“Tàn thư” có phải chăng là những bức thư tình yêu giữa cô gái và chàng trai, nhưng những lời lẽ ngọt ngào đó đã tan vào hư không. Nên trong đêm khuya tĩnh mịch, cô gái một mình đốt những bức thư tình yêu ấy đi, để như dỗ dành chính mình tình cảm yêu đương đã không còn nữa. Giờ đây chỉ còn lại “đắng cay” về sự thật cô gái chỉ còn biết như người đàn ông ấy, chọn thái độ “hững hỡ”. Đó có lẽ là lối thoát duy nhất để thoát khỏi sự thất vọng đắng cay chăng?
Câu thơ đầu tiên và câu thơ cuối cùng đã là một cặp câu hô ứng với nhau và như thế luật thơ 1-2-3 đã được tuân thủ. Từ những hình ảnh rõ mồn một như đập vào mắt ấy đã khơi gợi những ý nghĩa khác sâu xa hơn, đi vào cảm xúc của người đọc hơn.
Thơ 1-2-3 quả là thi vị, không đơn sắc mà lấp lánh như ánh nắng ban mai, như nhảy múa bên ô cửa kính. Thơ 1-2-3 vì thế mà đã cho tôi ấn tượng tươi đẹp về chữ nghĩa, về những suy tư.
Hàng ngày, tôi đều vào trang www.vanhocsaigon.com mà chờ đón những chùm thơ 1-2-3 của các tác giả. Thật là sảng khoái và thư giãn biết bao. Mong rằng sẽ có nhiều tác giả hơn nữa sáng tác về thơ 1-2-3 để làm phong phú thêm thi ca Việt Nam chúng ta.
27/8/2020
Vũ Lam Hiền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...