Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Làm sông

Làm sông

Ủy ban xã cử chị chạy xuồng máy đưa anh xuống Vàm Cây Tra, bọn họ đùa, “Viết về sông Lớn anh hùng mà có nữ pháo binh anh hùng đi cùng là nhất anh rồi”. Chị đang lúi húi mở dây buộc xuồng, cười xòa, “anh hùng gì, mấy ông này cứ đem chuyện cũ nhắc hoài, mắc chán.”
Anh thấy kỳ lạ, có vẻ chị không vui với những lời như vậy, chị bối rối, chị khoả lấp, chị loay hoay che giấu nụ cười phảng phất buồn. Hay đấy chỉ là cảm giác của riêng anh. Suốt buổi sáng, người phụ nữ nhỏ nhắn này làm anh bất ngờ, thán phục, nể sợ khi biết chị đã từng bắn cháy bốn tàu giặc trên sông Lớn. Mắt anh níu lấy chi tiết đôi bàn tay gân guốc, một bên vai hơi lệch như vẫn còn đang chịu sức nặng của những khẩu B40, môi mím lại, cương nghị, tai không còn thính nhạy, thỉnh thoảng chị lại ngơ ngác, “Hả? Chị điếc lắm, cậu phải nói lớn chị mới nghe được”. Cả giọng nói rổn rảng, xởi lởi, cả cái nhìn đen nhức xoáy thẳng vào người đối diện làm chị toát lên vẻ cứng cỏi, kiên cường.
Nên anh không thấy lạ khi biết chị vẫn sống một mình, suốt thời con gái lặn lội vì chiến tranh, chắc chị chẳng rảnh rang để hẹn hò, mà, chị mạnh mẽ vậy thì cần gì hẹn hò. Bây giờ, cùng đi hết một quãng đường sông, anh cũng không ngạc nhiên khi chị chạy xuồng máy ôm cua ngọt xớt qua những khúc quanh. Tia nước từ chân vịt bắn lên thành những chùm pháo hoa trắng xóa. Sông Lớn mênh mang trong tầm mắt, mất một lúc, đến gần vàm, anh mừng húm khi thấy xác tàu Mỹ nằm phập phều giữa dòng sông. Anh hớn hở ra hiệu chị dừng lại, anh muốn chụp bức ảnh người nữ pháo binh bên khối sắt thép lạnh lùng kia, chị lại cười, hỏi, “Cậu tính chụp hình bông súng hả? Ừ, khúc sông này mà lên báo chắc đẹp dữ lắm”.
Biết chị lảng tai từ hồi chiến tranh, vì sức ép của đạn pháo, mà chị hay xua tay bảo “Tật nhỏ. Bệnh nghề nghiệp”, anh định cười. Bỗng dưng anh có cảm giác, hay là chính mình mới là kẻ không nghe được lời chị. Rằng con sông này đang vào mùa đẹp nhất.
Anh đứng dậy, trùng trình, chênh vênh nơi mũi xuồng, sững sờ nhận ra vẻ đẹp của dòng sông. Bình dị. An nhiên. Tự tại. Hai bên bờ, dừa nước chảy tràn. Cái dãy màu xanh miết, day diết lên chân trời thi thoảng bị ngắt quãng bởi một cái bến sông, vài cây tra treo những chùm chuông vàng rực; bởi những lùm cây dại, bìm bìm đem hoa tím phủ trùm lên; bởi những cái vó nhỏ có đám trẻ tòn ten đánh đu cất lên mẻ lưới đẫm nước… Và gần bờ lá, những bông súng nở bừng vọt lên khỏi mặt nước, rập rờn. Cái dòng chảy trong lẻo rất khẽ khàng, dịu dàng chở sắc tím của bông đi mãi miết. Anh nhìn lại dòng sông qua ống kính máy ảnh và thấy cả hai – anh và cái máy – đều bất lực, không thể chuyển tải, diễn tả, không thu gọn được cái đẹp mênh mang, sâu thẳm này trong một vài bức hình. Anh tự cười mình, sao anh lại phải đợi chị nói, mới nhận ra sông đẹp?
Anh bỗng nghe một câu thơ cũ, rành rọt, như thể ở đằng lái, chính chị đang tát nước xuồng và đọc nó chứ không phải vọng lại từ trí nhớ của mình, “Sáng nay Bạch Đằng tạm quên mình làm sử để làm sông”. Con sông Lớn bây giờ cũng không thèm làm sử, hay nó đã thôi làm sử, từ khi hết chiến tranh, nhưng mãi đến giờ con người cũng không cho nó làm sông. Anh cũng vậy, cũng bị choán chật, cũng bị chắn mất tầm nhìn vì những cái xác tàu. Nó lù lù đóng cọc ngay ở giữa lòng anh, làm ứa ra những ý nghĩ, sông là những trận đánh, những chiến công. Chiều nay, bên chiếc tàu sắt nằm vùi giữa dòng, anh chợt nhận ra cái cách nước rẽ mình khi đi qua khối thép vô tri này cũng giống như rẽ mình đi qua đám chà, cái đăng, cái đó, chẳng khác gì hết, bởi sông chỉ là sông.
Anh ngồi quay lại, và nhìn chị đến ngẩn ngơ, khi phát hiện ra, chị cũng đẹp, cũng dịu dàng, cũng rất phụ nữ. Đôi mày cong, ánh nhìn trong, đuôi mắt hẳn rất sắc, mái tóc dài bới gọn sau ót chắc đã từng đen buốt đến tận lưng. Chị nhỏ nhắn, mỏng manh đến mức anh nghĩ chỉ cần dang tay ra, sẽ gói gọn chị vào lòng.
Anh thảng thốt khi phát hiện ra vẻ đẹp của chị như lúc nhận ra vẻ đẹp của sông. Và bỗng dưng anh thấy day dứt cồn cào. Càng nhìn chị anh càng nhói, đuôi mắt kia đã hằn vết chân chim, chưa từng được hôn, mái tóc kia giờ chớm bạc, chưa một lần nào, chưa người đàn ông nào vuốt nó, âu yếm chải nó trong những chiều phai. Và những lúc mỏi mê, cũng không có bờ vai rộng nào cho chị tựa vào. Chị thui thủi đi qua tuổi xuân xanh của mình chỉ vì còn lắm người như anh, chỉ nhìn chị như một anh hùng mà quên chị là phụ nữ.
Quên có những con sông chỉ muốn làm sông, bình thường, suốt đời trôi lặng lẽ…
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...