Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Làm thinh chơi kịch

Làm thinh chơi kịch

Hồi ấy Bầu mười tuổi.
Mẹ đang phơi bột trên sân xưởng Út Dương thì có người đằng trường chạy lại, hộc lên, “thằng con chị nằm chết cả buổi rồi, kêu sao cũng không chịu dậy”. Chữ “chết” kéo lết mẹ ra đường, nhắm hướng trường học của thằng con mà bươn tới. Thầy trẻ đạp xe phì khói lỗ tai mới đuổi kịp mẹ, cố gắng chỉnh sửa những lời gây hiểu lầm của mình, bằng một câu tối nghĩa khác, “thằng nhỏ chết nhưng không phải chết, chị đừng khóc”.
Bầu đang nằm trên sàn gạch, nghe mẹ tới hơi dao động, tròng mắt đảo lia dưới lần mí mỏng dày mạch máu, nhưng khoảnh khắc ấy qua nhanh, nó lì lợm diễn tiếp. Mọi người đứng ngồi xụi lơ, coi bộ nản, lấy hết sức nhao lên khi thấy mẹ. Họ nói họ chịu thua Bầu rồi, nói sao nó cũng nằm ngay đơ cán cuốc. Cô giáo của Bầu mếu, “kịch lớp em mới tập màn đầu, bởi Bầu phá đám phải bỏ ngang”.
Bữa trước mẹ nghe Bầu khoe, nó được phân công đóng một vai trong kịch “Anh hùng thiếu niên xóm Lá”. Vai nhỏ, xuất hiện chưa đầy một phút, mới mở miệng hô “xung phong” thì chết queo. “Nhưng vai con đóng là bên mình, không xui như thằng Thu cô bắt đóng vai bên nó”, Bầu khoái chí nói thêm, lúc gặm dĩa bánh chuối hấp mẹ làm, trước giờ đi tập kịch. Nghe cô giáo kể không khí tập vui, Bầu diễn hăng, cho đến sau tiếng súng giả đò, nó không thèm đứng dậy mặc kệ cho màn hạ.
Một trò đùa, nói sao cũng không hợp với con nít.
Gọi, Bầu không ừ hử, bạn véo tai, chọt lét. Hồi đầu, Bầu bị đau nên giãy chút đỉnh. Nhưng càng lay Bầu càng tỏ ra nghiêm túc với vai của mình, một người chết. Thân kia coi như bỏ. Nhẫn nại vô hạn trước những trò nhào nặn của bạn, Bầu trải thân ra sàn nhà cô giáo, ở dãy tập thể sau trường, vốn được trưng dụng làm chỗ tập kịch. Bất chấp bạn đem kẹo ra dỗ, cô giáo nghiến răng đòi đuổi học, thầy hiệu phó bảo sẽ mời phụ huynh. Ai đó giả bộ mở nút quần Bầu, dọa cởi truồng nó luôn coi xấu hổ không cho biết, nhưng sự im lặng của thằng học trò lớp ba chứng minh rằng với người chết mọi thưởng phạt đều vô nghĩa.
Nghĩ Bầu khoái được chú ý nên làm già, thầy hiệu phó biểu mọi người tản đi. Đám đông cũng hết hứng thú, ngó mãi một xác chết (đóng giả) đã chẳng vui mà còn hơi sợ, xuất hiện cảm giác dãi thân xác kia thật đẹp. Vẻ đẹp của sự làm thinh. Lát sau thằng Thu được cử quay lại rình, qua khe cửa thấy bạn chẳng động cựa gì ngoài mớ tóc gió thổi dựng cờ. Cô giáo giật mình chạy về sờ vào mạch cổ thằng nhỏ đang ngủ bình thản giữa lông chó và giấy vụn, để thấy mình tổn thương quá cỡ khi vô thức cuốn vào trò chơi quái gở của đứa trẻ lên mười. Một ý nghĩ nảy trong đầu cô, mình sẽ bịt chặt mũi miệng thằng nhỏ này coi nó chịu được bao lâu, nhưng nghĩ tới đó cô chóng mặt, nếu nó vẫn không chịu thua, cứ vậy tím lịm dần dưới tay mình?
Sự xuất hiện của mẹ giải thoát cho cô giáo khỏi những ý nghĩ dần ngã màu tà ác. Cái xác thân phiền toái giờ giao lại cho người khác. Tụi nhỏ bị đuổi về, nhưng vẫn thụt ló ngoài cửa để coi, chừng nào bạn chúng chịu sống lại.
Ngó Bầu chơi chữ làm thinh, mẹ biết không thể dỗ ngọt, càng chẳng nên roi vọt. Bên cù lao, nhà thờ đổ chuông linh láng mé sông. Chút nữa chồng cô giáo tan sở về, bước vô nhà sẽ thấy một thằng nhỏ nằm chết chình ình, coi sao được. Nghĩ vậy, mượn cái xe đẩy cát đằng cửa hàng vật liệu xây dựng, mẹ chở Bầu về.
Dọc đường chiều nắng nhợt như thiu, cả xóm ngó mẹ con Bầu, hỏi nhau chuyện gì nữa đây. Cái cảnh người đàn bà nặng nhọc kéo theo một thân thể nhũn ra, không phải nhìn thấy lần đầu. Cả đám bạn Bầu phụ đẩy xe, cũng nhớ mình làm chuyện này rồi, hồi nào đó.
Mẹ đặt Bầu - vẫn chết hết sức đăm chiêu - lên bộ vạc cạnh cửa sổ, bỏ ra sau nhà nấu cơm. Đi ngang chỗ ba Bầu, mẹ nguýt, thằng nhỏ bắt chước ông kìa, lớn đầu mà không nên thân. Ba Bầu cười, cái cười vô nghĩa đậu trên mặt suốt bốn năm nay, đôi lúc làm mẹ đổ quạu, “có người hỏi cưới tôi kìa, ở đó mà cười”. Nhưng ba Bầu, lâu rồi không còn nổi khùng khi bị khiêu khích.
Đi tới cửa sau, sực nhớ trong nhà không có thứ chi để nấu. Chợ chiều thì tan rồi. Mẹ lại đằng xưởng bột hỏi trong tủ lạnh họ có thứ gì có thể mượn được. Út Dương nói Chờ ơi cứ đem về cho con nó, chỗ tôi với em vay mượn khỉ khô gì. Nhưng sáng mai mẹ sẽ mua đùi gà tỏi, và nửa cái bắp cải đem trả lại cho chủ xưởng, dù chủ nhiều lần nói, chỉ cần gật đầu, cái xưởng này là của Chờ, kể chi.
Mẹ soạn bữa cơm tử tế hiếm có, chỉ đám giỗ mới đủ ba món kiểu vầy. Thường thì mẹ chỉ làm những món bánh chiên hoặc hấp từ bột gạo vụn được mang đằng xưởng về, ăn cùng Bầu. Lúc nào thèm cơm thì tấp bên đường, mua hộp cơm sườn, hay xôi lạp xưởng, cũng qua bữa. Đứng xưởng cả ngày, hơi sức đâu tỉa tót miếng ăn.
Sau này, chuyện nhập vai của Bầu được ông nhà văn bên xóm viết truyện, gửi tới cuộc thi về đề tài hậu chiến, nhận giải cao. Trong truyện Dư chấn ấy, chỉ thay chi tiết nhân thân ba thằng nhỏ, đúng ra đi trộm chó làm mồi nhậu bị đánh chết, ông nhà văn đổi thành anh lính hy sinh ở chiến trường. Chết cũng năm bảy loại, vinh nhục khác nhau.
Phần còn lại, ông viết đúng như chuyện bên xóm, bà mẹ cũng chơi đóng kịch với con, bưng mâm cơm ra, nói ba hồn chín vía thằng Bầu, về đây ăn đùi gà rô ti. Thằng nhỏ cười cái khì, lồm cồm dậy. Nó chơi lâu nên đói. Ăn xong nó nói “chết buồn quá má, sao ba chơi hoài?”, rồi quẹt mỏ chạy ra sân cùng đám bạn đang reo, thằng Bầu sống lại kìa.
Mẹ, lúc này mới đổ oặt xuống. Như thể mẹ không còn chút sức lực nào, từ nghe nhắc một người giỡn dai mãi mãi không trở dậy.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...