Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

"Miền nước chảy ngược" - Xuôi thăm thẳm vào lòng người

"Miền nước chảy ngược"
Xuôi thăm thẳm vào lòng người

Tôi gặp bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh bên lề buổi ra mắt sách Từ dòng Thoại Giang của tác giả Việt kiều Mỹ Lý Thành Phương cách đây hai năm. Trong buổi gặp gỡ rất đông người đó, anh Lê Phong Quan, một người bạn chí cốt với anh Lý Thành Phương, có “bỏ nhỏ” với tôi rằng: “Bác sĩ Anh là người Quảng Ngãi, cũng đang ấp ủ viết một cuốn sách về quê hương”.
Thế là từ đó, tôi đâm ra… để ý tới bác sĩ Anh. Theo quan sát của tôi thì đó là một người đàn ông có dáng vẻ trầm ngâm, tư lự. Như bất cứ một người đàn ông miền Trung nào, đặc biệt là người Quảng Ngãi chúng tôi lại có cái huông … hay lo (hay là hay co?) nên trung niên thường có dáng vẻ nhàu nhĩ, đau đời. Nhưng dáng vẻ bề ngoài đâu nói lên được gì. Người miền Trung, đặc biệt là đàn ông miền Trung, đa phần đều trầm tính, thiên về nội tâm. Ngay cả với những người xởi lởi hay bộc trực nhất thì họ cũng ít bộc lộ tính cách đó ra ngoài một cách thường trực. Người miền Trung có cái hay là khi đụng chuyện mới biết đâu là đá đâu là vàng.
Từ khi biết bác sĩ Anh đang nung nấu viết một cuốn sách về quê hương Quảng Ngãi, hễ mỗi lần gặp, tôi lại hỏi “Cuốn sách tới đâu rồi anh?”. Đáp lại câu hỏi của tôi là một nụ cười khẽ, một giọng nói nhỏ nhẹ khiêm tốn: “Sắp rồi, còn một chương cuối, nhưng rặn đẻ miết mà chưa ra”. Với Nguyễn Ngọc Anh viết một cuốn sách chẳng khác nào một ca sinh nở, một cuộc vượt cạn nhọc nhằn, mà anh gọi một cách nôm na dân dã là… đẻ. Đẻ chữ. Một cuộc rặn đẻ kéo dài suốt mấy năm trời thì quả là kinh khủng. Nó không chỉ đòi hỏi ở sức lực (hay năng lực sáng tạo) mà còn ở lòng nhẫn nại, đặc biệt là tình yêu thương. Nếu như không có đủ ba yếu tố đó thì người viết dễ dàng bỏ cuộc.
Thực ra, lúc đó tôi muốn nói với bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh rằng, cái sự “đẻ” đối với một người viết, quan trọng là trong bụng anh đã có “thai” rồi, thì dù thế nào, anh cũng sinh hạ được nó thôi. Đau khổ nhất của người viết là không có gì để “đẻ”. Anh không thể “đẻ” từ một cái bụng trống trơn, muốn “rặn” cũng không có cơn đau thật nào để “rặn”.
Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, anh Nguyễn Ngọc Anh gọi cho tôi hồ hởi báo tin rằng: “Đã đẻ xong rồi”. Chúng tôi liền hẹn ra một tiệm ăn món Quảng, uống vài chai bia, gọi là “Chúc mừng cây bút trẻ với tác phẩm đầu tay đầy hứa hẹn”!
Miền nước chảy ngược là tác phẩm đầu tiên vừa mới hoàn thành của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Cuốn sách hấp dẫn ngay từ nhan đề, mặc dù nó không thuộc thể loại fiction mà là non – fiction. Đây là một cuốn tự truyện. Là những câu chuyện có thật, mà tác giả là người trong cuộc dự phần. Là những câu chuyện được kể lại theo trí nhớ nhưng có tra cứu về mặt tư liệu, có gặp gỡ tham khảo nhiều nhân vật liên quan. Tác giả không có tham vọng làm người chép sử địa phương, nhưng qua trang viết của mình với câu chuyện cuộc đời mình, lại muốn phục dựng biên niên sử trung thực nhất về nơi chôn nhau cắt rốn.
Khi đọc bản thảo Miền nước chảy ngược tôi mới hiểu vì sao Nguyễn Ngọc Anh “vượt cạn” một cách khó nhọc như thế. Dù là câu chuyện kể mang tính chất tự truyện, nhưng tác giả không hề tùy hứng, trái lại anh rất đầu tư cho cấu trúc và phong cách biểu đạt. Chỉ riêng với cách chọn đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít là “nó” để thay thế cho đại từ nhân xưng ngôi số một số ít là “tôi”, cũng đã thấy tác giả dụng công “nâng lên đặt xuống” kỹ lưỡng từng câu chữ đến như thế nào.
Bìa sách “Miền nước chảy ngược” của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh
Nó (tức tác giả) sinh ra trên mảnh đất mà ở đó các dòng nước đều khúc khuỷu chảy ngược. Cái sự “lạ đời” này, với người phương khác có thể là điều thú vị, nhưng với tác giả hay với những người sinh ra và lớn lên ở đó thì nó lại trở thành một điều ám ảnh. Có gì đó tương tự như một lời nguyền? Tại sao nước không xuôi dòng mà chảy  ngược? Phàm ở đời, cái gì ngược đều khó khăn trắc trở. Làm sao để bước qua lời nguyền đó?
Đó là những suy tư, ban đầu như một lớp sương khói mơ hồ trong tâm trí một đứa trẻ, sau dần trở thành một ám tượng, một thách thức số phận.
Ở đây, chia sẻ về cuốn sách này, chúng ta có ba bài viết của ba người bạn cùng thời với tác giả. Đó là các anh Võ Trọng Thanh, Ngô Trần, Miên Cốc. Theo tôi, đó là những người đọc hết sức tinh tế, đồng thời là người bình luận sắc sảo. Vẻ đẹp, sức hấp dẫn, điểm ấn tượng của tác phẩm nằm chỗ nào, ba cây bút này đã chỉ ra từng chi tiết. Tác giả thật hạnh phúc khi có những người bạn học đồng thời là bạn đọc tuyệt vời như vậy. Dường như khi đọc và viết về tác phẩm này, họ cũng như đang sống lại hồi ức xưa và bộc bạch cho chính mình. Ai cũng có một thời để nhớ. Ai cũng có một cuộc đời để trăn trở và yêu thương.
Với tôi, thành thật mà nói, tôi rất thích cuốn tự truyện này. Ở đây, không có những nhân vật vĩ đại, không có những tư liệu thuộc loại “giải mật” quý hiếm. Ở đây, chỉ có những con người nhỏ bé bình thường, chỉ có một điều khác thường, là chiến tranh đã nổ ra trên mảnh đất này, ngay từ khi “nó” cất tiếng khóc chào đời.
Tác giả mở đầu thiên tự truyện bằng những dòng giới thiệu về quê hương và bằng những thước phim hành động về việc chào đời của mình. Đó là năm 1965, như nhiều mảnh đất miền Trung khác, quân Mỹ đã đổ bộ vào, cùng với họ là lính Việt Nam Cộng Hòa, lính đánh thuê Đại Hàn. Còn bên này là du kích và Quân Giải Phóng (tức bộ đội Việt Bắc) Thường dân sống giữa hai làn đạn, hay nói dân dã là “Ngày Quốc gia, đêm Cộng sản”. Đây là chi tiết mà các cây bút tiểu thuyết chiến tranh thường đưa vào để mô tả sự khắc nghiệt của cuộc chiến chống Mỹ. Tôi từng đọc nhiều tiểu thuyết chiến tranh, nhưng khi đọc tự truyện này, tôi như thấy mùi khét của thuốc súng bốc lên từ trang giấy.
Mới sinh ra đã phải chạy giặc cùng cha mẹ. Chập chững vào đời thì vào luôn Hợp tác xã với giấc mộng lớn được tô vẽ: Thiên đường XHCN. Nhưng thiên đường đâu không thấy, chỉ thấy đói nghèo, bất công và trì trệ khắp nơi. Nhưng từ Miền nước chảy ngược đó, cậu bé chăn bò gầy yếu vẫn nuôi dưỡng nguồn tri thức và luôn khơi lên ngọn đèn nhân ái. Không chỉ khơi lên mà còn tìm cách che chắn nó trước giông bão cuộc đời.
Điều mà tôi thích nhất trong cuốn sách này chính là tính giản lược và sự chắt chiu cảm xúc của tác giả.
Kiếm sĩ Miyamoto Musashi (1584 – 1645) người được phong là Thánh kiếm của Nhật Bản, trong cuốn binh pháp Ngũ luân thư có nói đại ý rằng: trong thuật kiếm cần phân biệt chém và xả. Chém là ra đòn dứt khoát, một nhát một; còn xả là… huơ lung tung, xả đại. Là kiếm sĩ nên chém không nên xả. Với nghề viết cũng tương tự vậy. Có người viết cả ngàn trang sách, “xả” búa xua, nhưng chẳng đọng lại gì nơi người đọc. Nhưng có những cuốn sách thật mỏng với những trang cô đúc thì mang lại cảm xúc dạt dào.
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đứa trẻ lần đầu tiên chăn bò trong buổi chiều chạng vạng, nó nhìn con bò nào cũng giống con bò nào, nó không nhận biết được đâu là con bò của mình, rồi đột nhiên tất cả những con bò biến mất vào màn đêm. Tôi cũng nhớ hoài hình ảnh một nhành hoa Ti – gôn đỏ thắm mọc lên nền nhà thờ cũ đổ nát, sắc hoa nhòa trong không gian như thực như hư. Và, trên hoang tàn đổ nát ấy, bỗng vang lên bài hát Tha la xóm đạo của Dzũng Chinh (phổ thơ Vũ Anh Khanh)
Con người ta thường có xu hướng theo đuổi những điều to tát mang một ý nghĩa nào đó, nhưng chính những điều bé nhỏ hồn nhiên lại làm ta thấy rung động. Nguyễn Ngọc Anh còn giữ được niềm rung động đó tức là còn hồn nhiên với trần thế này. Và, đây cũng chính là biểu hiện của tâm hồn nghệ sĩ. Và, tôi cũng nhận ra một điều này: hóa ra bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh không phải là một người khép kín như tôi tưởng. Cái dáng vẻ đăm chiêu và đơn độc mà tôi thường thấy là do anh đang tập trung “cao độ” cho cuốn sách của mình. Giờ cuốn sách đã xong, người đàn ông Quảng Ngãi này bỗng trở nên hào sảng đậm đà như nắng và gió của miền Trung vậy.
Lại nói về miền Trung. Có lẽ không riêng gì bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, mà với những ai từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn, khi đi gần hết đời người, chợt đau đáu muốn quay về. Ngày xưa vì nghèo khổ, vì vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” mà dứt áo ra đi; thì ngày nay sự quay về cũng bởi vì quê hương còn hoang sơ, thuần hậu. Nếu như quê nhà cũng nham nhở những dự án công trình, ồn ào những quán xá karaoke, lộn tùng phèo hết các giá trị đạo đức; thì liệu họ còn muốn quay về? Cho nên cái sự “ra đi là mất quê hương” rõ ràng là một biện chứng triết học. Kiểu gì thì những vẽ đẹp cũ cũng bị vùi lấp bởi thời gian và sự vô tình tàn bạo của con người. Cho nên, viết để kể lại cũng là một cách phục dựng lại những vẻ đẹp đã mất, mà ở đây chúng ta thấy hiện lên tình làng nghĩa xóm, tình thầy trò, tình bạn bè. Tất cả đều chân thành mộc mạc nhưng bền bỉ một vẻ đẹp rưng rưng.
Xin chân thành chúc mừng bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh với cuốn tự truyện đầu tay đầy cảm xúc và ấn tượng này. Miền nước chảy ngược thực ra là đang xuôi thăm thẳm vào lòng người.
Chú thich:
Tự truyện “Miền nước chảy ngược” của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh sẽ được khởi đăng trên Văn Học Sài Gòn vào ngày 13.8.2020. Mời bạn đọc đón xem.
Sài Gòn, 12/11/2019
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...