Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Nét riêng Chợ Lớn: Khi người Việt và người Hoa cùng đến định cư

Nét riêng Chợ Lớn: Khi người Việt
và người Hoa cùng đến định cư

Chợ Lớn là một đô thị đặc biệt nằm trong lòng đô thị Sài Gòn ngày trước, nay là TPHCM. Khác với nhiều đô thị đã định hình về mặt kiến trúc, có thể nhiều năm nữa sẽ giữ nguyên bộ mặt không thay đổi như Paris, London, New York… thì Chợ Lớn mang vẻ đẹp của thời gian xưa cũ và đang phải đối mặt với sự thách thức, thay đổi không chỉ về kiến trúc mà còn về văn hóa cùng với sự phát triển của thời đại. Vậy Chợ Lớn phải làm gì để bảo tồn nét riêng đó.
Trung Quốc là đất nước có kiều bào sống ở nước ngoài đông nhất trên thế giới. Điều này một phần do lượng dân cư đông đảo với vai trò là quốc gia đông nhất thế giới. Năm 2015, tờ Minh Báo (Ming Pao) ở Hongkong đã đưa ra con số thống kê có khoảng 60 triệu Hoa kiều trên toàn thế giới, trong số đó có khoảng 4 triệu doanh nhân. Đến thời điểm này con số Hoa kiều ước tính lên đến khoảng 75 triệu người trên toàn thế giới.
Lịch sử Trung Quốc cũng là một lịch sử hết sức đặc biệt. Từ khi lập quốc ở thời cổ đại cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa bao giờ tồn tại dưới hình thức một quốc gia thống nhất, mà bao giờ cũng có sự chia rẽ. Những biến động dữ dội của lịch sử Trung Quốc cùng với nhu cầu học hỏi, mưu sinh… đã khiến cho nhiều người dân Trung Quốc chọn con đường xa rời quê hương và di cư sang nhiều quốc gia khác.
Chợ Lớn nói theo kiểu tiếng Anh là “Chinatown”, là một trong muôn vàn nơi sống, kinh doanh của cộng đồng người Hoa trên thế giới. Rất nhiều quốc gia, thành phố có Chinatown, từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây. Nhưng Chợ Lớn thì khá đặc biệt. Hầu hết các Chinatown đều xuất hiện sau khi cộng đồng dân cư bản địa nơi đó đã sinh sống, hình thành và có một truyền thống văn hóa khá lâu đời trước đó, như trường hợp khu phố Tàu ở Paris (Pháp), ở Vancouver (Canada), ở New York (Mỹ), ở Yokohama (Nhật Bản), ở Incheon (Hàn Quốc), ở Bangkok (Thái Lan) v.v… Nhưng Chợ Lớn lại khác. Chợ Lớn hình thành khi người Việt và người Hoa cùng đến mảnh đất này.
Lịch sử di cư của người Trung Quốc sang Việt Nam là một lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, ngay từ thời Bắc thuộc. Tuy nhiên, ngoài những sự di cư mang tính chất hành chính, cai trị và những sự di cư lẻ tẻ của cá nhân sang giao thương buôn bán, thì có ba đợt di cư lớn của người Trung Quốc sang Việt Nam.
Đợt di cư lớn đầu tiên của người Trung Quốc sang Việt Nam phải kể đến là ở thời nhà Tống. Khi nhà Tống bị nhà Kim xâm lược và mất nước, nhiều quan lại, quân sĩ triều đình nhà Tống đã chạy sang Việt Nam nương náu. Chính sử ghi chép rằng đời Trần thì Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật đã dùng gia tướng người Tống là Triệu Trung, vốn là một hoàng tử nhà Tống và dưới quyền của ông có một đạo quân người Tống cùng tham gia chống Nguyên Mông.
Theo dã sử và một số nguồn sử liệu cá nhân khác thì em gái của hoàng tử Triệu Trung là công chúa Triệu Ngọc Hoa cùng chiến đấu trong đội quân này. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản về sau lấy công chúa Triệu Ngọc Hoa. Vì lấy vợ Tống, cho nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công nhưng Trần Quốc Toản chỉ được phong tước hầu (Hoài Văn Hầu) chứ không được phong tước vương. Khi mất mới được truy tặng là Hoài Văn Vương. Theo chính sử Việt Nam ghi lại thì Trần Quốc Toản mất năm 1285 nhưng không nói rõ ông mất ở đâu, trong trận nào. Riêng các quyển sử của nhà Nguyên viết rằng Trần Quốc Toản chết trong trận đánh ở sông Như Nguyệt. Nhưng theo gia phả của hậu duệ Trần Ích Tắc là chú của Trần Quốc Toản ghi lại thì Trần Quốc Toản cùng vợ trở về Trung Quốc khởi binh khôi phục triều Tống.
Gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản mang tên “Viêm phương Trần tộc Lưu phả” và mộ chí ở Trung Quốc vừa tìm thấy cũng có nói về chuyện Trần Quốc Toản cưới Triệu Ngọc Hoa và sau này quay về Trung Quốc, sống thọ và mất ở đó.
Đợt di cư lớn lớn thứ hai của người Trung Quốc sang Việt Nam là cuối thời Minh đầu thời nhà Thanh, với chủ trương “phản Thanh phục Minh”. Nhiều người Trung Quốc vì không thần phục nhà Thanh hoặc sợ bị trả thù đã chạy sang Việt Nam. Theo sử ghi chép lại, năm 1679, có 70 chiến thuyền chở khoảng 3.000 người cùng gia đình, do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên lãnh đạo, đã vào Đà Nẵng xin thần phục chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687). Chúa Hiền đã sắp xếp cho họ vào vùng Đông Phố, còn gọi là Cù lao Phố hay Nông Nại Đại Phố (lưu vực Đồng Nai) và định cư tại đó.
Mười năm trước đó, một nhân vật vốn là một thương gia, gốc ở tỉnh Quảng Châu, phủ Lôi Châu, tên là Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, khai phá mảnh đất này và xin thần phục chúa Nguyễn. Ông được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất, ông được truy phong là Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công.
Khi Mạc Cửu mất năm 1735, con trai ông là Mạc Thiên Tứ, còn gọi là Mạc Thiên Tích (1718-1780) kế vị với chức Tổng binh Đại đô đốc Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ tiếp tục nền hành chính dân sự và khai khẩn mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Chính dưới thời Mạc Thiên Tứ, vào rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), ông đã mở Tao đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên. Đây là Tao đàn thứ 2 trong lịch sử văn học Việt Nam, sau Tao đàn Nhị thập bát tú do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
Đợt di cư lớn thứ ba của người Trung Quốc là vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi ấy Trung Quốc bị nhiều nước phương Tây xâm lược và tiếp theo đó là bị Nhật xâm chiếm. Tình hình đất nước không yên ổn đã khiến cho nhiều người Hoa di cư sang Việt Nam.
Những thế hệ người Hoa di cư sang Việt Nam đã góp nhiều công sức vào những hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Cho đến nay tuy còn có những ý kiến trái chiều, và dĩ nhiên sự việc nào cũng có mặt trái, như một câu ngạn ngữ nổi tiếng của phương Tây là “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái”, song những đóng góp của người Hoa là không thể phủ nhận.
Như vậy có thể thấy việc khai phá mảnh đất Nam Bộ gắn liền với sự di dân của người Việt từ miền Bắc và Trung vào mở cõi, cùng với việc người Hoa di cư sang Việt Nam ở giai đoạn lớn thứ hai. Việc Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, biến nơi đây thành mảnh đất thuộc địa và xây dựng vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn thành một đô thị hiện đại theo kiểu Pháp cũng tương ứng với đơt di cư lớn thứ ba của người Hoa sang Việt Nam. Như vậy khác với nhiều Chinatown trên thế giới, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định có lịch sử phát triển đô thị cùng với việc hình thành tầng lớp thị dân gắn liền với sự cộng cư của người Hoa và người Việt về cả hai phương diện: không gian (địa điểm) và thời gian. Đây là điều khá đặc biệt, vì ở nhiều nước, nhiều thành phố thì Chinatown ra đời sau khi cư dân bản địa đã ổn định đời sống, nhưng chính vì thế Chinatown sẽ khá tách biệt, riêng rẽ về truyền thống văn hóa, lối sống, con người… so với cư dân bản địa. Chúng ta sẽ thấy Chợ Lớn không như vậy. Chợ Lớn không tách biệt, Chợ Lớn là sự cộng cư, đan xen, gắn kết, hòa nhập và tiếp biến về mặt văn hóa, xã hội, con người…
Kiến trúc đô thị có thể thay đổi, bộ mặt đường phố có thể mất đi, khác xưa nhiều. Những điều đó chúng ta không thể cưỡng lại theo quy luật phát triển của đô thị. Nhưng những nét văn hóa truyền thống, sự cộng cư đặc biệt, đan xen, gắn kết giữa các tộc người trong Chợ Lớn, điều ít thấy ở các Chinatown của các quốc gia khác, thì luôn cần được giữ gìn, phát huy, bảo tồn.
6/5/2023
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xem Sách Chàng nhổm dậy, hạ lưng ghế xuống thêm một bực nữa. Rồi xoay người lại, nằm thử. Bấy giờ thì thật là hoàn toàn thoải mái. Chi...