Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Ngồn ngộn ký ức chiến tranh và tinh thần sinh thái

Ngồn ngộn ký ức chiến tranh
và tinh thần sinh thái

Trác Diễm chào đời năm 1988. Quê hương cô, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cửa ngõ vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Là cây bút khá sắc sảo thuộc lớp người viết trẻ. Từ năm 2014 đến nay, Trác Diễm đã cho ra mắt 6 ấn phẩm, gồm ba tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn và tiểu thuyết “Giấc hạc” đang in, cùng nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. “Cây đời” là đứa con tinh thần thứ năm của cô.
Đọc Trác Diễm tôi thú vị bởi văn phong khỏe khoắn, nhiều chi tiết mạnh mẽ, pha chút bí hiểm, đầy ắp hơi thở núi rừng và dấu ấn của chiến tranh nhưng cũng rất nhân hậu, bởi nhiều tình huống làm dịu lòng người đọc. Ở “Cây đời”, tác giả đưa ta về với những thân phận đã trải qua đau thương, mất mát, lầm lỡ, phiêu dạt. Song, họ không ôm mãi mặc cảm, khổ đau, tật nguyền… mà luôn khát khao vươn tới an bình và hạnh phúc. Xuyên suốt tập sách 200 trang, 16 truyện ngắn này, ta sẽ bắt gặp ngồn ngộn những ký ức chiến tranh và tinh thần sinh thái. Không hư cấu xa xôi, cô xây dựng câu chuyện và nhân vật rất gần gũi, quanh quê hương mình.
Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau về nó còn dai dẳng. Sự phai nhạt ý chí quả cảm của những năm tháng ấy, lắm lúc trở thành nỗi lo cho chúng ta. Thế nhưng, đọc “Cây đời” của Trác Diễm, những trăn trở ấy đã phần nào hóa giải. Nổi bật về đề tài này là các truyện ngắn: “Nỗi nhớ còn lại”, “Đường qua tuyến lửa”, “Hòn đá bạc”, “Xóm Cụt Đọt”, “Mưa chuyển mùa”… Phần lớn gắn liền với những địa danh thân thuộc của cô, như làng Bùng, làng Gia Hưng, thôn Cù Lạc, sông Son, cầu Trạ Ang, Đường 20…vv.
Chiến tranh để lại biết bao nỗi đau cho thời hậu chiến. Song day dứt nhất, đeo bám nhiều thế hệ là nỗi đau khi người thân đang nằm lại nơi nào đó trên chiến trường xưa. Trong “Cây đời”, ta bắt gặp những cái “tít” thật xót xa, “Xóm Cụt Đọt” là một ví dụ. Một trong những “cái đọt” ấy, bà Nhi, người vợ đã đợi tin chồng ngót mấy chục năm ròng rã. Người đàn bà gầy rộc… ngồi trước bậc thềm ngoáy trầu. Ngày ngày bà vẫn hỏi con gái cái câu thường hỏi: Có tin tức chi mới không Thân? Không có tin chi mô! Mà một ngày mạ hỏi con câu ni đến mấy lần rứa? Mi không sốt ruột hả Thân? Bà Nhi kéo vạt áo chùi nước mắt…. Ngày mô mạ cũng như ri thì con răng sống nổi? Chị Thân nhìn vô cái giường bên góc phải nhà, nơi người chồng của chị đang nằm… Người con gái xót xa, đặng tính sao cho trọn đôi đàng. Nhà nghèo, chồng lại mắc bệnh ung thư. Chị rất hiểu cái cảm giác đau đớn dằn vặt của mạ chị và kể cả bản thân chị cũng vậy, luôn phải nén những tiếng thở dài trong đêm bởi cái câu hỏi to đùng cứ lởn vởn trong tâm trí: “Bố chị đang nằm ở cánh rừng nào, con suối nào?”. Manh mối nào để tìm được bố của chị bây giờ? Chị Thân hết nhìn mạ lại quay sang nhìn chồng, rồi buông một câu chỉ mình chị thấu hiểu…
Theo một dòng tin tìm kiếm phần mộ liệt sỹ, do Thêu, con gái Thân sục sạo trên mạng. Bà cháu bối rối khi biết ông nhà đã hy sinh tại mặt trận Duy Xuyên (Quảng Nam). Bà Nhi lúc này chẳng khóc, toàn thân bà lạnh ngắt như một que thép, bởi tận cùng của nỗi đau dường như bà đã chạm tới… Năm 1968, bà có thai chị được hai tháng thì chồng bà xung phong vào mặt trận… Nhiều năm sau đó bà không hề nhận được một tin tức gì… Cho đến một ngày mọi hy vọng đều sụp đổ khi bà nhận được tin chồng bà đã hy sinh gần mặt trận… Đằng đẵng suốt mấy chục năm qua hai mẹ con bà luôn sống trong khổ đau mòn mỏi khi chưa tìm được mộ ông để đưa về hương khói. Có hai lý do để bà đặt tên con gái, bởi 1968 là năm chị ra đời, vừa là thời điểm bố chị ra đi, vào chiến dịch Mậu Thân. Như người đuối nước vớ được cọc, Thân cùng người cậu ruột gấp gáp lên đường.
Tới đây, một sự thật làm hai cậu cháu “tiến thoái lưỡng nan”, tuy có trong tay đầy đủ thông tin nhưng phần mộ liệt sỹ đã được quy tập. Quá trình di dời, có tới 600 ngôi mộ bị thất lạc danh tính và ông nhà nằm trong số đó. Giữa Nghĩa trang Duy Xuyên, những hàng bia mộ thâm trầm vươn lên trong ánh chiều sẫm tối. Mắt chị như có một lớp sương giăng mờ bao phủ, chị đã đọc hàng mấy trăm ngôi mộ và lần lượt thắp lên những nén hương thơm nhưng đâu là ngôi mộ khắc tên bố… Bố ơi, bố đang nằm ở đâu? Chị thầm kêu lên trong vòm họng nhưng đáp lại lời chị là những tiếng vọng u u trong gió… Vậy là bố nằm trong số những ngôi mộ này rồi! Thân đau xót thắp hương hết tất cả những ngôi mộ không tên tuổi và quay về, về với mẹ và cái xóm Cụt Đọt quá đỗi thân thương. Nó thân thương bởi chị tin, không riêng gia đình mình, chắc chắn trên đất nước này còn có nhiều nữa, những cái “bến không chồng”, những cái “xóm cụt đọt” như nơi mẹ con chị sinh sống. Lòng Thân vợi chút ưu tư, khi nghĩ: Hẳn là ở nơi mênh mông nào đó, bố chị vẫn ngày đêm hướng về (Xóm Cụt Đọt).
Cây đời – Tiểu thuyết của Trác Diễm – NXB Thanh niên 2020
Trường hợp ông Đằng, cha của Thiện, chuyện tuy “có hậu” hơn nhưng cũng không ít xúc động. Theo giấy báo tử, ông hy sinh năm 1979 tại Căm-pu-chia. Sau khi tìm về được Việt Nam, hội chứng chiến tranh đã làm ông nhớ nhớ quên quên. Ông chọn những chiếc lô cốt cũ ở miền Trung làm nơi trú ngụ. Cho đến một ngày, cơ duyên nào đã giúp Thiện phát hiện cha ruột của mình, trong tình trạng “một người điên” dưới con mắt người đời. Đôi mắt lão phát ra những tia sợ hãi rồi ôm cái cặp chạy thốc vào một trong số những chiếc lô cốt có hình thù kỳ dị bởi bao vết thương nham nhở. Lão hé mắt thăm dò Thiện qua lỗ hổng. Trời ơi, Thiện gần như thốt lên…! Anh đã nhận ra cha mình, qua cái nốt ruồi to bên đuôi mắt trái mà anh vẫn nhớ như in…
Trở về, Thiện chạy một mạch tới Khoa hồi sức cấp cứu. Mẹ anh đang nằm trên giường bệnh… Con có hỏi thăm ai được điều gì không hở Thiện? Bà như linh cảm được điều gì đó bất thường khi thấy đứa con trai cứ xiết chặt lấy tay bà run rẩy. Có chuyện gì con nói đi Thiện! Mẹ… mẹ ơi! Cha còn sống, cha không phải hy sinh đâu… Bà Huê chưa kịp bật người ngồi dậy thì “luỗi” ngay xuống giường. Có lẽ bởi cái tin mà con trai bà mang đến ngoài sức tưởng tượng… khiến bà choáng váng và không tin nổi vào tai mình… Thiện ôm chặt lấy mẹ, giọng nghẹn ngào: Cha còn sống nhưng đã mất hết trí nhớ…! Trên bốn chục năm, bà Huê, người vợ đáng thương ấy đã lập bàn thờ để cúng giỗ chồng. Bà đã đau đớn xót xa… nghĩ đến ông không biết giờ đang nằm ở con suối nào, cánh rừng nào. Thế mà giờ đây, ông đã về với mẹ con bà, bằng xương, bằng thịt thực sự. Dưới tán cây vú sữa che rợp cả một góc sân, bà con đang xúm xít quanh ông, người sờ vai nắn tay nắn chân… “Trời đất ơi! Ông Đằng sống sót trở về thật rồi”. Bà Huê, một lần nữa gần như lịm đi trong tay Thiện, phải một lúc sau bà mới trấn tĩnh. Ông Đằng… Ông về thật đó ư?
– H…u…ê…Huê! Tự dưng môi ông mấp máy… Phút tỉnh táo bất ngờ vụt lên sau 40 năm đằng đẳng chìm trong nhớ nhớ quên quên… (Nỗi nhớ còn lại).
Đề cập khá sâu tinh thần sinh thái là câu chuyện có cái tên rất gợi. Đưa ta tới những con dốc, đồi sim, thung, hồ… Trác Diễm không ngần ngại chia xẻ: Một ngách thung lũng râm mát được che chắn bởi những tàng cây cao vút xung quanh. Tôi khua mái chèo tận hưởng sự khoan khoái dễ chịu từ hơi nước bốc lên và sau đó nhúng ngập những ngón tay ré nước hình rẽ quạt. Nước mát lạnh thấm dần lên từng tế bào ru ngủ tôi từ lúc nào… Người dân ở đây đang phất lên nhờ dịch vụ du lịch và nhờ homestay, đòi hỏi phải đi đôi với bảo vệ môi trường, sinh thái và phòng chống tệ nạn xã hội.
Tác giả đã đề cao hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy, một công việc vừa sinh thái tinh thần con người, sinh thái đạo đức xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ, người chiến sỹ phải trải qua hàng tháng trời, đóng giả người mua phế liệu, với cái dáng đi tập tễnh và cả chiếc áo khoác bạc màu… lão vừa đi vừa dừng lại pheng pheng những cây bụi màu tím hai bên đường lôi ra từng vỏ lon bia… và chắc chắn có cả bơm, kim tiêm, thứ mà dân “chích choác” bỏ ra. Nhưng lại là mắt lưới cần thiết trong chuyên án của các anh. Rốt cuộc, “cái kim trong bọc cũng lòi ra”, kẻ hám lợi dù đã vây kín ngôi nhà của mình bằng một lớp kẽm gai B40 rồi trồng nhiều cây dây leo phủ xanh. Trong vai người sành chơi và mua bán cây cảnh, nhưng dưới đế của mỗi chậu cảnh mà khách “nghiện” mang đi là những gói ma túy được giấu diếm rất kỹ. Chỉ đến khi, bắt gặp “gã đồng nát” áp giải “Hoàng cây cảnh”, thì cô bàng hoàng như thể vừa xem một bộ phim hành động với những tình tiết diễn ra hết sức bất ngờ (Trời xanh sau mắt lưới).
Có một vùng quê, cứ đúng vào ngày rằm tháng giêng âm lịch là họ lại tổ chức lễ hội “Đập trống”. Đó là một lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực, nhằm tạ ơn trời đất, tạ ơn các đấng thần linh đã mang đến cho họ một cuộc sống khỏe mạnh… Lễ hội đập trống thường diễn ra rất linh đình, náo nhiệt. Và sự hưng phấn, hoan lạc của loài người đạt đến đỉnh cao là giây phút chiếc trống bị đập thủng. Sau đó, từng đôi… từng đôi trai gái mất hút vào rừng để tận hưởng một đêm ân ái mặn nồng… Vùng quê đó là Thung lũng Ma Coong. Đi từ cảnh quan thiên nhiên, đến sinh hoạt của con người, có cái hay, cái đẹp nhưng cũng đi kèm những tập tục hết sức nặng nề. Câu chuyện có nhiều cách nhìn, cách tiếp cận nhưng rõ nhất là tinh thần sinh thái, nhu cầu giải phóng tập tục hết sức ngang trái. Khi người phụ nữ sinh con, nếu chẳng may cuộc vượt cạn không thành, người mẹ qua đời, tức là phải chôn sống đứa con cùng mẹ. May thay, nhờ một chiến sỹ biên phòng, tập tục tai hại này đã chấm dứt: Chỗ này cách đây hai mươi mấy năm, con Y Tha đẻ con không may bị băng huyết rồi chết. Họ định chôn luôn cả đứa con gái của Y Tha theo mẹ. Nhưng Thượng úy Đinh Hùng đã nhảy xuống huyệt, cướp con bé mang về dưới xuôi… (Thung lũng Ma Coong)…
Cứ thế, ký ức chiến tranh và tinh thần sinh thái được tác giả khéo léo đan bện trong tập truyện này. Những chiếc gạch nối hiện tại và quá khứ, giúp con người sống có trách nhiệm hơn với tương lai. Trong “Đường qua tuyến lửa”, cô viết: Dòng Son xanh ngắt một màu phẳng lặng, nhà thờ đổ bóng in xuống mặt nước, năn lác dập dìu… Đây là bến trung chuyển Khương Hà năm xưa, nơi hàng nghìn người làm nhiệm vụ bốc vác hàng lên các bến bãi… Vùng đất mang tính đụng đầu lịch sử nên không một ngày nào vắng tiếng gầm rít của các loại máy bay và tiếng nổ tàn bạo của bom đạn giặc Mỹ. Nhưng bây giờ trước mặt Lư khi nhìn về phía tây, phía những ngọn đồi trập trùng sắc tím… Hoặc trong “Đôi cánh mùa xuân”: Đám lau trắng cuối mùa cúi thấp hơn, lóng lánh những hạt mưa bụi… Chẳng hiểu sao khi cải tạo vùng đồi Thệ lại không cho mọi người san lấp cái hố bom? Đấy là một bằng chứng để nhắc nhở cho thế hệ sau sống ý nghĩa và có trách nhiệm hơn chăng? Hay vì nó mang hình thù của một vết thương chưa bao giờ khép miệng? Dù là bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là sự yêu quý của cô đối với cái hố tròn này…
Ra đời sau ngày đất nước thống nhất gần 15 năm, Trác Diễm không tham vọng gò cảm xúc của mình trở về thời chiến tranh. Với cá tính mạnh mẽ, giọng điệu bạo liệt, cảm xúc dồn nén, liên tiếp những tình huống bất ngờ. Những trang viết rắn rỏi, xuất phát từ lòng tri ân và cái nhìn chân thực, cô đã viết bằng ký ức của những người từng đi qua cuộc chiến. Phần lớn những câu chuyện trong “Cây đời” đã được các báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương đăng tải. Ở mỗi tác phẩm, ta đều thấy bóng dáng người phụ nữ, vừa hiền thục, vị tha vừa có chút cá tính, bướng bỉnh, song sự nhân hậu, bao dung luôn mang tới cho người đọc cảm giác nhẹ lòng. Tháng 12/2022, tại Hà Nội, Trác Diễm vừa trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đây là tin vui sốt dẻo trong làng văn Việt Nam, nhất là với giới viết văn trẻ. Nói về điều này, cô tâm sự: “Tôi rất biết ơn các cơ quan báo chí và Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng để có một vị trí trong lòng độc giả và coi đó là hạnh phúc của người cầm bút”. Khi Trác Diễm trải lòng như vậy, chúng ta hy vọng sẽ đón nhận ở cô nhiều tác phẩm chất lượng, thể hiện năng lực sáng tạo tiềm tàng trong cây bút nữ khỏe khoắn này.
17/1/2023
Nguyễn Tiến Nên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...