Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Nhà thơ Lê Thanh My, khúc hát bên dòng sông

Nhà thơ Lê Thanh My,
khúc hát bên dòng sông

Lê Thanh My tâm sự: “Tôi sinh ra ở vùng đất ngã ba, ngã rẽ của hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Một lượng phù sa màu mỡ đã làm cho vùng đất này thêm trù phú. Từ một dòng sông con người đã chẻ ra thành nhiều nhánh nhỏ dẫn nước cho đất đai ngọt dần, những cánh đồng lúa ngút mắt đã làm nên vựa gạo miền Nam, nuôi sống mấy mươi triệu người Việt và xuất khẩu đi muôn nơi”.
Dòng sông hai nhánh, chín cửa mà Lê Thanh My nói được bắt đầu từ sông Mê Kông. Mê Kông dài gần 5.000km, khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc, đi qua Miến Điện, Lào, đổ vào Campuchia, trước khi vào Việt Nam. Đấy là về địa lý. Với Lê Thanh My, “Đó là dòng sông khao khát bến bờ/ lãng du qua trăm non nghìn núi” (Từ sông ra biển). Dòng sông ấy, cũng dễ nhận ra có thân phận, có hồn. Nó là một trong số những dòng sông bí ẩn nhất thế giới, nơi “có bàn chân Đức Phật Di Đà/ từng bước chuyển mình của tràng hạt Thích Ca/ là sự sống/ là bản năng/ là khát khao cháy bỏng”.
Mẹ thiên nhiên phú cho đất nước Việt Nam đầy đủ biển cả, hệ thống sông ngòi chằng chịt. Những dòng sông lớn thường được gọi là sông Cái, sông Cả, thân thương như người mẹ. Là người sinh ra ở dòng sông mê đắm giữa đồng bằng châu thổ, từng ngụp lặn với nó; Lê Thanh My nhận ra: “Có dòng sông dịu dàng/ Có dòng sông nông nỗi/ Có dòng sông mòn mỏi/ Có dòng sông đa mang…”.
Và con người ở đó “Người phương Nam chân thật/ như lúa, cỏ, ao, đìa/ hơn ba trăm năm có sông làm chứng/ lòng người không thể cắt chia” và “người quê tôi vất vả/ vẫn mến thương sông/ tôi nhìn ông tôi/ tôi nhìn bà tôi/ cha tôi/ mẹ tôi/ tôi/ ba đời vẫn nằm lòng câu ca dao mềm như lạt buộc: “Con cá làm ra con mắm/ vợ chồng già thương lắm mình ơi!”.
Lê Thanh My đã đưa dòng sông đầy tự hào, mê dụ nhưng cũng đầy biến cố đau thương vào trường ca Từ sông ra biển
Sông Mê Kông mang trên mình sứ mệnh phồn sinh. Tôi đã xem bộ phim truyền hình nhiều tập “Ký sự Mê Kông” của Đài Truyền hình TP. HCM cách đây cả chục năm. Phải nói là Mê Kông bi hùng. Lê Thanh My đã đưa dòng sông đầy tự hào, mê dụ nhưng cũng đầy biến cố đau thương, không chỉ lịch sử của một dân tộc mà còn của cả một khu vực vào trường ca “Từ sông ra biển”.
Trường ca gồm 7 chương: Mơ trên sông, Huyền thoại, Nhìn về đất bạn, Sau cuộc chiến, Khúc âm buồn, Góc trời nam, Trước biển. Nếu như với nhà văn, tiểu thuyết đo được sự vạm vỡ của một cây viết thì với nhà thơ, trường ca đo được độ dày của tâm thức. Tôi không nghĩ, nhà thơ Lê Thanh My nép mình sau nhân hậu châu thổ là sự xung đột của chiều kích đến bất ngờ. Niềm tự hào về dòng sông, từ thuở người Việt “mang gươm đi mở cõi”, (Huỳnh Văn Nghệ), qua hết các cuộc chiến để nảy nở tốt tươi, sự sống đầy máu và hoa. Tri ân dòng sông, chính dòng sông luôn nhắc nhở những bài học lịch sử để luôn “xanh ngời hy vọng”.
Lê Thanh My sinh tại Châu Đốc, An Giang. Chị học chuyên ngành Văn học, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, khóa 1984 – 1988. Dân văn, bước vào “thánh đường” thơ, âu cũng là chuyện thường tình. Lê Thanh My từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Châu Đốc (An Giang) và là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang; từng là Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn. Thất Sơn, mang tên vùng đất “7 núi” được đánh giá là tạp chí có nghề, cứng cáp về học thuật và giàu chất văn chương thời chị làm Tổng Biên tập. Ngoài Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị còn là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Cho đến nay nhà thơ của vùng Nam Bộ này đã đã xuất bản 09 tập thơ: “Mơ hoa” (1992), “Cho một người mãi xa” (2000), “Phận lá” (2002), “Trong ngôi nhà ký ức” (2005), “Trôi” (2007), “Lặng im lên tiếng” (2011), “Cúi nhặt” (2015), “Từ sông ra biển”- trường ca (2017), “Những người thương nhớ dắt nhau đi” (2018). Trường ca “Từ sông ra biển” – sách nằm trong chương trình đầu tư sáng tác năm 2017 của Bộ Quốc phòng.
Về giải thưởng văn học, Lê Thanh My từng đạt Giải B – giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2008, Giải Nhì – cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2010 và giải C – giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng cho trường ca “Từ sông ra biển” năm 2019.
Chị là tiếng thơ nữ Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những gương mặt thơ có nhiều cách tân. Chị có riêng diện mạo khác biệt so với những bạn viết cùng thế hệ ở vùng châu thổ. Dù cho viết về quê hương, dòng sông, miệt vườn của vùng châu thổ hay viết về tình yêu, thơ Lê Thanh My cũng tạo được dấu ấn, nó nằm ở những mặt cắt của những mảnh không gian đan xen, tiếp nối, chồng lấn, mờ nhòe.
Tôi mới đọc của Lê Thanh My 3 tập “Im lặng lên tiếng”, năm 2011; “Từ sông ra biển”, trường ca năm 2017; “Những người thương nhớ dắt nhau đi”, năm 2018 và thơ rải rác trên Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội… Thơ chị không vần điệu, hoa mỹ và đa dạng về cấu trúc, ngày càng đa chiều, không còn ở dạng thơ “đèm đẹp”, trọng vần; trái lại giàu tính tự sự và độc thoại. “…đêm lặng/ nghe những tiếng sáo rỗng trốn chạy quanh/ ánh mắt từ đâu đội mưa về/ đượm mùi thê thướt…”, (Đêm ướt). Trong cái “đêm ướt” ấy, “ngoài hiên/ chiếc lá run bần bật/ áo em không giữ nổi những ý nghĩ rời/ tự nó rong chơi”.
Rõ ràng là “chiếc lá” của “đêm ướt” đem lại cho người nghe cảm giác buồn, cô lạnh, an phận và cam chịu. Thơ Lê Thanh My đã hướng tới ngôn ngữ của ẩn dụ, cái “tôi” được giấu kín, đan cài trong nhiều lớp cấu trúc, thơ của xu hướng hậu hiện đại. Chị viết nhiều về tình yêu, về nỗi khát khao. Hình như nhà thơ nữ nào cũng thế, luôn giải thích tình yêu theo “lý lẽ đàn bà”. Thơ tình Lê Thanh My có nhiều khúc xạ, thao thiết.
Đọc Lê Thanh My, dễ nhận ra một trái tim mong manh nhưng đầy ẩn ức. Trong mỗi bài thơ, tác giả đã cố gắng chạm tới nhiều cung bậc tình cảm: “những câu thơ em viết cứ như đùa/ một ngày nắng sẽ phai/ một ngày gió thổi bay/ còn lại sau cùng là vòng tay anh rụt rè nơi bậc cửa”.
Và hơn hết, đó là tự khát khao, ghen tuông “làm sao anh biết được/ khi hoàng hôn nhấn chìm nửa bầu trời/ biển của em/ sụt sùi/ khóc” (Biển của em).
Chất liệu cho đề tài thơ Lê Thanh My đầy đủ những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô của đời sống hiện đại, những góc khuất trong tư tưởng, tình cảm con người, ý thức và vô thức,… Những nhìn nhận, đánh giá tỉnh táo, chân xác từng giá trị của lịch sử, cật vấn những thân phận người, về con đường riêng, chung. Có thể nhìn thấy điều này qua những mắc xích trong trường ca “Từ sông ra biển”.
Đọc thơ Lê Thanh My, ta dễ dàng nhìn thấy một dòng sông mộc mạc, thảo thơm. Trong lời dẫn nhập của trường ca, chị viết: “Trong ý nghĩ chân thành, tôi muốn kể về một dòng sông bằng giọng nói của một người chân quê mộc mạc được nuôi dưỡng từ những giọt phù sa thơm mát. Nhưng tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ, nhìn chưa rộng nghĩ chưa sâu, từ trong kênh rạch tôi men ra cửa biển cả, hẳn phía trước sẽ còn lắm điều thú vị!”.
Rõ ràng, dòng sông tình yêu muôn đời vẫn cứ thăm thẳm và thú vị. Nó có nhiều nhánh rẽ lắm, có thể là “nhánh nhớ”, “nhánh thương”, “nhánh hờn dỗi”… chảy từ trong trái tim khao khát “men ra” với thơ. “…dòng mãi trôi qua đôi bờ mắt đỏ/ một nửa đời em/ ngơ ngác/ và trông” (Dòng sông trước mặt). Dòng sông ấy miệt mài vỗ mãi như Hậu giang, Tiền giang, quê chị.
29/9/2020
Ngô Đức Hành
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...