Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Những miền quê trong thơ Đoàn Thị Ký

Những miền quê trong thơ Đoàn Thị Ký

Cái được nhiều trời chỉ dành cho chị đó là sự từng trải, được sống và gắn bó nhiều với các miền quê và cũng chính nhờ sự được đi, được sống, được gắn bó ở khắp các miền quê ấy nên chất liệu đời sống hiện thực đã tích tụ thành thi liệu đầy ắp trong chị để rồi đến tháng, đến ngày tự nó nở ra một miền thơ tươi thắm, mặn nồng, thơ mộng…
Quê gốc Đoàn Thị Ký ở làng Tiên Du – Bắc Ninh nhưng chị được sinh ra và lớn lên tạị Nông Tiến – Thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên chị về làm công tác giảng dạy văn học tại trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang rổi chuyển công tác về Báo Tuyên Quang. Năm 1982, tỉnh thành lập Hội Văn học nghệ thuật, chị được biệt phái sang hội phụ trách mảng biên tập thơ của tờ Văn Nghệ Hà Tuyên (nay là Báo Tân Trào). Sau đó chị đi học tiếp Trường Viết văn Nguyên Du và về công tác tại Tạp chí Kiểm Tra Trung ương. Ở đây chị mới xây dựng tổ ấm gia đình và công tác cho đến lúc nghỉ hưu (2005).
Nhìn trên bản trích ngang quá trình công tác thấy cuộc đời chị là những xê dịch, liên tục xê dịch. Có lẽ từ lí do xê dịch ấy nên sự nghiệp, đời tư chị cũng chất trưởng, chẳng mấy gì may mắn. Nhưng ở đời, ông trời cho ai cũng chả cho tất cả mà lấy của ai cũng chả lấy sạch trơn! Trong cái chất trưởng ấy chị lại được nhiều, cái được nhiều ấy trời chỉ dành cho chị đó là sự từng trải, được sống và gắn bó nhiều với các miền quê trên đất nước và cũng chính nhờ sự được đi, được sống, được gắn bó ở khắp các miền quê ấy nên chất liệu đời sống hiện thực từ mỗi miền quê, mỗi vùng đất đã tích tụ thành thi liệu đầy ắp trong lòng chị để rồi đến tháng, đến ngày tự nó nở ra một miền thơ tươi thắm, mặn nồng lồ lộ những miền quê vừa thơ mộng vừa nhọc nhằn gian khổ!…
Nhận xét như vậy có thể là chủ quan theo cảm tính của cá nhân tôi nhưng mỗi lần giở lại văn bản thơ chị từ tập: Dòng sữa nuôi tôi đến Cô gái và Cầu vồng rồi Nửa vòng Hoa gạo, Hà Nội thời có Nhau… đều thấy dấu ấn những địa danh, những vùng quê đan xen lấp lánh trong thơ chị.
Miền quê trung du
Những quả đồi chạt nắng
Miền quê yêu thương
Xa xa. Dài nỗi nhớ!
Là một trong những bài thơ đầu mùa của chị nhưng nó đã được sống cùng hành trình của những người lính trên đường hành quân ra trận. Có lẽ khi viết bài thơ này lòng chị đã đồng hành với những người lính thời bấy giờ nhất là những người lính quê ở trung du. Khi thơ in ra, những người lính thời ấy đã đón nhận nó một cách tự nhiên và họ đã theo thơ về gặp những dòng sông để rồi nhìn thấy một điều giản đơn nhất, gần gũi nhất đó là quê mình, nơi mình sinh ra và lớn lên mà tự bền bỉ trong nhiệm vụ của mình với quê hương, đất nước.
Miền quê trung du
Sá cày đi bụi trắng lông mày
Cọng rạ không vương bờ cỏ
Bữa cơm ngày mùa
Sắn đánh tơi quện hương gạo mới
Đất nước còn nghèo!…
(Miền quê trung du)
Hình bóng quê hương hiện ra trong thơ không phải là cái gì xa lạ mà chính là bữa cơm độn sắn, là sá cày đi bụi trắng lông mày… phải gắn bó thật sự với nông dân thì mới viết ra được những câu thơ như vậy.
Đoàn Thị Ký có thơ in vào thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Thơ ca buổi ấy là tiếng thơ hùng tráng vừa thể hiện hào khí của dân tộc vừa cổ vũ động viên: Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Ta đi nghe xôn xao trong gió thoảng mây ngàn… Lẫn trong giọng điệu ấy nhưng thơ chị lặng lẽ, giản dị và giàu hình ảnh. Chỉ cần một biểu tượng cây cau già thôi nhưng nó lại như một dấu ấn khắc sâu trong lòng người xa quê, nhất là những tràng trai quê lòng đầy mơ ước thuở bấy giờ trên đường ra trận đánh giặc.
Cao hơn lũy tre làng,
Thấp hơn ông trăng một với,
Là cây cau già nhà tôi…
Tuổi trẻ chúng tôi nhiều mơ ước
Về những chân trời mới mẻ
Chân trời đi đánh Mỹ
Bóng cau theo tôi ngả dài…
(Cây cau già nhà tôi)
Cây cau ở đây như một nét vẽ vút lên để tự bày ra trong lòng người đi xa toàn cảnh làng xóm quê mình…Bắt vào mạch cảm xúc này thơ chị giống như khe nước biết đổ ra biển cả nhưng lại như mây bay biết tìm về nơi mình sinh đẻ còn đầy gian lao khổ nhọc mà thân ái,  sẻ chia với những con người còn một nắng hai sương làm ra củ khoai, hạt gạo.
Tay cấy lúa nước bốc hơi hầm hập
Thương lúa giữa trời chả nón che thân
Bóng lúa nương nhau hàng hàng ngay thẳng
Một cánh cò bay vội dáng phân vân…
(Hạt nắng hạt vàng)
Và đôi bàn tay chai sần của người kéo phà trên bến sông Nông Tiến. Để cùng cố gắng, cùng hy vọng vươn đến miền cuộc sống đẹp đẽ hơn mơ ước khi con người ta thật sự được tự do, dân chủ không còn bất cứ một thế lực xiềng gông nào đè nén.
Chào bác, chào bàn tay chai sần
Chào bến nước sông Lô
Lòng tôi vang sóng vỗ
Một bến đò như muôn nẻo đất tôi qua
Đang trổ những bông hoa
Con người sống đẹp hơn những điều mơ ước
Bằng cánh tay mình khi hết mọi xiềng gông.
(Cuộc sống đời đời từ bến nước Sông Lô)
Ngay từ những trang viết đầu tay, được Nhà xuất bản Việt Bắc tập hợp in thành tập: Dòng sữa nuôi tôi, đã thấy hình ảnh những miền quê lấp ló hiện lên  trong thơ chị nhưng nó chỉ mới là làng mình, nơi mình sinh ra và lớn dậy, nó giống như cái vành nôi để ru vỗ cho thơ chị chắp cánh bay đi khắp miền đất nước. Điều này được thể hiện đằm đậm, sâu sắc hơn khi tập thơ thứ hai của chị được xuất bản: Cô gái và cầu vồng. Với hơn bẩy mươi trang sách cùng ba lăm bài thơ nhưng đã có tới trên hai mươi bài mang tên các địa danh chị đến và gắn bó.Lí do này có lẽ cũng do điều kiện xê dịch vì thời gian này chị chuyển sang công tác tại cơ quan báo Tuyên Quang. Làm báo càng phải đi nhiều. Vậy nên tập thơ chị có dấu ấn nhiều địa danh, nhất là những địa danh miền núi Hà Giang.
Mỗi địa danh trong tập thơ này là mỗi hình, mỗi dáng. Có bài giống như tranh vẽ nhưng lại thầm thì như người kể chuyện. Nét vẽ, lời kể chuyện đều mộc mạc, câu từ, màu sắc cũng mộc mạc nhưng đẹp đẽ, xinh động hồn nhiên đến lạ thường.
Chân Bát Đại Sơn là sông Tráng Kìm
Chân sông Tráng kìm ngựa ta uống nước
Ta cưỡi ngựa thăm đất này đất khác
Chỉ có núi là không gặp nhau
Xem thơ thấy bức tranh dưới chân núi Bát Đại Sơn là dòng sông Tráng Kìm cuộn chảy… Chuyện ở đây là ta cưỡi ngựa đi đất này đất khác, chỉ có núi là không gặp nhau. Rồi đến:
Sớm mai xuống sông lấy bình nước dầu
Ta tưới cây ngô, cây chè, cây bí
Cây rau dền nép bóng lá ngô
Ngô bẻ quả, hoa rừng rực lửa
Dây bí bò lan, bò tỏa
Con ngựa già đẻ con ngựa non
Ăn bánh hạt dền bụ sữa
Nhà ta ở nước đi vòng tròn
(Nhà ta ở)
Đọc xong câu kết bài thơ mới thấy hở ra toàn cảnh ngôi nhà của đồng bào ở dưới chân núi Bát Đại Sơn với bao công việc đời thường bám quanh cuộc đời họ. Nên nói thơ như tranh, như chuyện kể là vậy!… Vẫn mạch cảm hứng này chị lạị cho ta thấy một cổng trời quản bạ như hư, như thực. Ở đây ngoài việc muốn khám phá vùng đất đầy huyền bí : Cổng trời Quản Bạ mấy then… Chắc chị có nỗi riêng tư với ai đó nên thơ cứ phảng phất nỗi niềm vừa như trách cứ vừa như so sánh:
Người về xứ ấy làm vua
Mình đi xứ ấy gió lùa trắng phau.
Trách cứ và so sánh ở đây không phải để  mà bậm bực, đau khổ và qua ngọn gió lùa trắng phau ấy lòng lại bình thản nên cái riêng tư lại được hóa vào hư không để hiện lên một Quản Bạ mơ màng huyền thoại.
Chuyện xưa Quản Bạ truyền tay
Có nàng tiên xuống đến nay chua về!…
(Quản Bạ)
Nàng tiên không về để người loay hoay mãi mà cũng chưa biết cổng trời có bao nhiêu then, trên trời có những gì? thế mà khi mấy cái then của bật ra, chị bước qua cổng trời, cao nguyên Đồng Văn hiện ra không phải là huyền thoại mà là đất đá chất chất xếp trong mây, trong trời. Lẫn vào đất đá cao nguyên, chị nhìn thấy những địa danh vùng cao Hà Giang vừa thơ mộng vừa dịu dàng, nhẫn nại trong mỗi vóc dáng con người để đá có hồn và cuộc sống tươi lên không hề đơn độc:
Trập trùng đá tên nào gọi đủ
Dịu dàng em đá bớt tủi hờn.
Và: Dịu dàng em đá lại nên khôn
Đất như tàn hương bàn thờ tổ
Gốc kiều mạch chân hương cháy đỏ
Đá bền lòng gửi lại làm tin
Rằng đá nên cổng trời
nên mùa màng
Nên dịu dàng em
(Đá cao nguyên)
Ở đây chỉ thấy đất đọng dưới đá như bụi tàn hương mà gốc cây kiều mạch như cái chân hương cháy đỏ. Hình tượng này tự nó thắp lên cuộc sống của con người nơi đây vừa nhọc nhằn vừa sáng tạo, vừa nền nếp, gia phong  mà thủy chung son sắt để tạo dựng một cổng trời đá, sinh ra những mùa màng, sinh ra vóc dáng vùng cao dịu dàng, xinh đẹp, gan góc và đầy bí ẩn!…
Từ trên đất đá cao nguyên Đồng Văn chị kéo về những miên quê Hà Giang thơ mông, ấy là một Bắc Quang Mưa để nhớ một người già hong lửa và thưởng thức một bát cơm mẹ xới cho có đặc sản con cá vẹt mồm, (Bà mẹ Nùng xới cho tôi bát cơm, Cá sông Chảy bám đá vẹt môi nướng vàng) đến một phiên chợ Xin Mần đơn sơ hàng họ nhưng lại giàu có về tinh thần, nơi hội tụ niềm vui họp mặt của người vùng cao khi phiên chợ đến. Lại rưng rưng đồng cảm, mến yêu một cháu bé đến trường trên con đường đèo dốc lại nhiều nắng, nhiều mưa!.
Núi Bằng Lang khuất mấy tầng trời
Tôi vẫn nhiều lần hun hút
Mắt trẻ thơ
Niềm đồng cảm bất ngờ
Mang màu lá nón!
Là người có tấm lòng lại giàu có trí tưởng tượng nên trước vùng cao cho dù nhấp nhô trùng trùng núi đá, cho dù thăm thẳm vực sâu, sông suối ngoằn ngoèo chị vẫn nhìn ra nét đẹp đa màu, đa sắc về phong cảnh cũng như cuộc sống của đồng bào vùng cao.Vậy nên mới có hình tượng Cô Gái Và Cầu Vồng. Người đọc thơ cũng phải sững sờ cùng cô gái Nùng trước cây cầu Nấm Dẩn. Người ngựa đến đây thì trời đang nắng chợt mưa, câu vồng hiện ra vắt ngang sông vừa hư vừa thật.
Cây cầu vồng trước mặt
Bện trăm sợi chỉ màu
Vắt qua cầu Nấm Dẩn
Đôi bờ cây nối nhau
Đây là cây cầu trời bắc, qua được cầu  sẽ thấy một thiên đường sống: Thấy bầu trời có mâm xôi, có ngàn sao rắc bạc, bản làng ăn chả hết, có chợ phiên không phải leo núi…nhưng làm sao qua được vì nó là cây cầu vồng, mặc dù ngựa rung bờm nhưng cô gái vẫn phải bước qua cây cầu tre trước mặt để về với ngôi nhà tranh nho nhỏ. Ở đây có mẹ, có ruộng bậc thang bông lúa cũng uấn như cầu vồng, có tình yêu trong câu si li đã hẹn… đi trên đường quen nhưng cây cầu vẫn hiện trong mắt cô gái ngời ngời muôn màu sắc. Phải trăng đây cũng là ước mơ của người vùng cao mong có những cây cầu đẹp bắc qua sông suối để cuộc sống ở vùng cao mỗi ngày một đẹp lên. Thấu hiểu niềm khao khát này nên vó ngựa lại ròn trên cây cầu có thật:
Hiểu nỗi lòng cô gái
Đâu phải chuyện đường quen
Cầu lại ròn vó ngựa
Cô gái Nùng sang sông
Cây cầu vồng vẫn mọc
Cô gái Nùng sang sông.
… Cô gái Nùng sang sông, hành trình này tự nói lên mơ ước của người vùng cao chắc chắn sẽ thành hiện thực. Gắn bó với vùng cao, phong cảnh thiên nhiên và con người đằm vào chị vừa lấp lánh vừa thiết tha máu thịt nên những đia danh chị qua đều hóa thơ vừa bộc trực, vẹn nguyên vừa mơ màng, huyền ảo. Để rồi khi cái mạch thơ địa danh ấy theo chị về Hà Nội, đứng trước Hồ Gươm uy nghi, dưới những dãy phố nhà cao tầng… Một loạt các bài thơ địa danh Hà Nội lần lượt hiện lên như: Phố Chiếu, Phố Hàng Cháo, Chợ Bưởi, Chợ Đồng xuân… Tuy là thơ phố nhưng đọc vẫn thấy vệt bồ hóng ong vàng trên gác bếp của người quê, người núi, mùi cháo vương vấn hương đất đồng làng…. và có lẽ vì thế chị phải trở về với Nửa Vòng Hoa Gạo, tựa vào bóng núi Tràng Đà… mà tự Thẫm Chiều:
Chiều tim tím núi Tràng Đà
Tôi tim tím nụ hoa cà bến sông
Có lẽ ở đây sắc màu từ những miền quê núi non chị qua lại cùng ào chảy về để tạo nên một màu tím đẹp tươi nhuốm thắm tâm hồn chị để sinh thành một miền thơ yêu thương chung thủy. Đây cũng là nét đặc trưng nhất nối liền thơ với cuộc đời riêng chung của chị. Nghĩ vậy tôi đành phải chép cả bài thơ Thẫm Chiều thay cho lời kết của bài viết này và cũng để ai đó đọc thơ Đoàn Thị Ký mà tự suy ngẫm, tự tìm ra phong cách cũng như những đóng góp của chị cho thơ văn của quê nhà!
Thẫm Chiều
Chiều tim tím núi Tràng Đà
Tôi tim tím nụ hoa cà bến sông
Có người khách cõi hư không
Chờ con đò vãn bóng hồn nẻo sang                
Dòng sông vẫn chẳng tầy gang
Bè xuôi gối sóng đêm vàng đứt neo
Trông người… nào thấy người theo
Trông trời… đôi hạt trong veo cách vời
Vẳng lên một tiếng – Đò ơi
Sang sông lỡ chuyến, khách tôi thẫm chiều.
11/10/2020
Trịnh Thanh Phong
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cánh rừng tuổi trẻ  Tiệc liên hoan đưa tiễn Tú lên đường nhập ngũ khách không đông lắm nhưng cũng kéo dài hết cả ngày trời. Bởi vì ngoài...