Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Những "Vân đá" kiêu hãnh trong cô đơn

Những "Vân đá" kiêu hãnh trong cô đơn

Đọc bài thơ “Con thú”, rồi đến mới đây nhất là “Rỗng không” của nhà văn Như Bình in trên Báo Nhân Dân cuối tuần số ra ngày 19/9/2020, tôi giật mình. Dù chưa hề gặp mặt nhà thơ, tôi vẫn như đang nhìn thật rõ “chân dung tâm hồn” tự họa đẹp, cô đơn, kiêu hãnh và cũng đầy mâu thuẫn của người Thơ này.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng viết rất hay về những đối cực đầy giằng xé, mâu thuẫn trong tâm hồn phụ nữ đang yêu:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
(Sóng)
Cũng miêu tả trạng thái mâu thuẫn đầy giằng xé trong tâm hồn phụ nữ vì những hụt hẫng, mệt nhọc, những khát vọng bị kiềm tỏa nhưng ở một cấp độ dữ dội hơn, Như Bình có một ước muốn thật lạ lùng. Đó là ước muốn được “Rỗng không” để hóa thân vào thiên nhiên:
Đôi khi em muốn mình rỗng không
Ngay cả mảnh áo nhỏ xíu cuối cùng,
em cũng muốn bỏ lại nốt.
Hai câu thơ đầu diễn tả một ước muốn độc đáo bằng thư pháp tượng trưng: – ước muốn được “Rỗng không” đến tột độ, tận cùng. Hình ảnh “Ngay cả mảnh áo nhỏ xíu cuối cùng em cũng muốn bỏ lại nốt” không hề tả thực mà chỉ tượng trưng cho khao khát buông bỏ mọi ràng buộc, hư danh, mọi phù phiếm, che đậy, trang trí bề ngoài, để thực hiện một ước muốn mới đọc qua tưởng lạ lùng:
Rỗng không, em trườn vào gió
Tan vào đất
Hoá thành sông em bơi đổ ra nguồn.
Rỗng không, em bay như những vệt mây
Em đổ vàng như những triền nắng óng
Em lạnh tăm như nước đáy hồ
Ngàn năm im lặng.
Sau khát khao trút bỏ mọi che đậy bên ngoài để được sống thật là mình mà không cần đeo “Mặt nạ”, chủ thể trữ tình lại mong muốn “rỗng không” – một trạng thái Thiền của nhà Phật: – gạt bỏ tham, sân, si, để tâm trong và lặng. Mong ước được Thiền trong tâm ấy lại được đẩy lên một cấp độ cao hơn. Không chỉ “Rỗng không” để Thiền trong tâm mà còn trở về với hồn nhiên, tinh khôi khi hóa thân vào thiên nhiên nguyên sơ không vẩn đục.
Có tới 6 hình ảnh thiên nhiên xuất hiện trong khát vọng này, vừa động, vừa tĩnh, nhưng đều có chung một đặc điểm: – Tự do và trong lành, đẹp tới tận cùng. Đó là các hình ảnh: – Gió, đất, sông, vệt mây, nắng nóng, nước đáy hồ ngàn năm im lặng.
Hai trạng thái động và tĩnh của các hình ảnh thiên nhiên kể trên đã thấp thoáng một mâu thuẫn trong tâm hồn nữ sĩ: – Vừa muốn giấu mình đi, chìm sâu vào đời, sống nội tâm như đất, như nước đáy hồ ngàn năm im lặng, vừa muốn sống hồn nhiên, tự do, hướng ngoại như gió, sông, mây, nắng.
Mâu thuẫn này có trong tất cả chúng ta, đặc biệt ở những tâm hồn nghệ sĩ: – Vừa khát khao buông bỏ trước sự xô bồ, hỗn tạp của đời sống xung quanh, vừa muốn nắm giữ, chiếm lĩnh những đỉnh cao mơ ước.
6 câu thơ tiếp vừa bộc lộ khát vọng thứ hai mãnh liệt hơn vừa hé mở chân dung tâm hồn của nhà thơ một cách chân thật và điển hình nhất.
Rỗng không em đặc vào như đá
Ròng một khối câm, nín thinh, tinh khiết, náu
trong triệu triệu năm
Em trườn khỏi núi như những vân đá đòi phơi
dưới ánh nắng mặt trời
Ai bảo núi đá không rỗng không, ảo ảnh?
Chỉ khi nào cô đơn mà kiêu hãnh tột cùng mới xuất hiện khát vọng khẳng định, phô bày những giá trị ẩn kín của riêng mình như thế. Câu chữ được nén chặt đạt tới độ hàm súc. Những thi ảnh giàu sức gợi, như những viên đá đẹp và lạ ném vào vùng liên tưởng của người nghe, tạo ra những vòng sóng đồng cảm lan tỏa tới vô cùng.
Hình tượng “Đá” cùng những biến thể hết sức cô đơn của nó chạy dọc khổ thơ, tạo thành một liên kết “Đá” suy tư và mơ mộng. Một “liên kết đá” đặc biệt, vừa hợp lí vừa phi lí theo lôgíc của thi ca với những “Bước nhảy cóc” liên tưởng gần và xa.
Đã “Rỗng không” sao lại còn có thể “em đặc vào như đá”? Thì ra “Rỗng không” là để loại bỏ mọi “Tạp chất” cho tâm hồn trở về thanh sạch, để rồi tâm hồn ấy nhận vào trong đó bao ngọt lành trong trẻo của thiên nhiên, trở thành “khối câm, nín thinh tinh khiết”, đã câm lặng, đã ngủ yên trong quên lãng, thờ ơ “náu trong triệu triệu năm”.
Biểu tượng Rỗng không trong Phật giáo
Cái nhìn mơ mộng của nhà thơ đã vật chất hóa, hình tượng hóa tâm hồn thành khối đá tinh khiết “nín thinh” trong không gian và thời gian, và có lẽ từ trong tiền kiếp xa xăm mà trở về, hiện diện với hôm nay, giờ khát khao được bộc lộ vẻ đẹp chìm khuất của nó dưới mặt trời và trong mắt thế nhân. Mâu thuẫn từng xuất hiện ở khổ thơ đầu giờ trở lại, da diết và cháy bỏng hơn:
Em trườn khỏi núi như những vân đá
đòi phơi dưới ánh mặt trời  
Vẻ đẹp chìm khuất trong thời gian vô thủy vô chung, trong vũ trụ bao la vốn nhiều vô cảm này, giờ lên tiếng đòi được khẳng định giá trị của nó. Những “vân đá” – một hình ảnh đắt giá, ám gợi tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững, vốn hay bị thờ ơ giờ đòi được phát lộ rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Giờ đây “Rỗng không” đòi được hiện diện sáng rõ và được khẳng định. Dòng tâm trạng như sóng biển ào ạt vô cùng, lúc lặng lẽ khước từ lúc da diết mong ước, lúc buông bỏ lúc khao khát yêu thương níu kéo. Chỉ có tâm hồn phụ nữ mới có được bao biến thiên tinh tế, mâu thuẫn trong sự thống nhất, phi lí mà hợp lí đến thế. Nhưng than ôi! Chỉ có tri âm mới nhận ra vẻ đẹp của “Vân đá” mà thôi. Câu chuyện “Viên ngọc Biện Hòa” chẳng là một ví dụ chua xót hay sao?
7 dòng thơ kết như là lời giải thích bằng thơ của chủ thể trữ tình cho những mâu thuẫn giằng xé kể trên, tuy những nghịch lí – đối cực ấy đẹp và nhân văn vô cùng.
Đôi khi trái tim mệt nhọc
Trái tim mỏi mòn đòi cơn đơn ca hoan lạc
Trái tim tuột khỏi lồng ngực
Lạc lối đi hoang
Em ước gì mình rỗng không
Rỗng không như mùa về rùng mình trút vào một
cơn gió rụng.
Chủ thể trữ tình lí giải cho những khát vọng mãnh liệt, đi cùng những mâu thuẫn nội tâm kể trên là do “Đôi khi”… – Câu mở đầu và câu kết của bài thơ đều bắt đầu bằng từ “Đôi khi”. Ẩn giấu trong đó là thân phận hàng triệu phụ nữ, tự nguyện hoặc không tự nguyện giam mình trong bổn phận, trách nhiệm, tự “cầm tù” bao ước mơ của mình, dù “đôi khi” muốn “nổi loạn”.
Như Bình đã nói hộ bao phụ nữ về bi kịch tinh thần ấy, qua hình tượng “Trái tim mệt nhọc”. Trái tim ấy đã “mỏi mòn”, đã “lạc lối đi hoang”…, dù đấy chỉ là một vài khoảnh khắc “lóe sáng” của một “vì sao” cam chịu giấu mình sau đám mây, nổi sóng của khúc sông vốn đã quen ngoan ngoãn ngủ vùi giữa đôi bờ chật hẹp, biết mình sẽ không bao giờ ra đến biển ước mơ.
Bài thơ không hề nhắc đến “Cô đơn” nhưng nỗi niềm ấy xuyên thấm vào chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng, giờ hiện diện trong câu thơ kết: “Rỗng không như mùa về rùng mình trút vào một cơn gió rụng”. Đây là một hình tượng lạ, mang tính đa nghĩa. Nhưng gắn với cảm hứng toàn bài, cây tâm hồn ước ao rũ bỏ lá cũ ấy, cô độc, dũng cảm và kiêu hãnh nhưng cũng buồn thảm biết bao. Vì cây làm sao trút bỏ được số phận của mình.
Cây xanh đẹp biết bao nhưng cũng nhọc nhằn gánh nặng biết bao. Cây tâm hồn kia “nổi loạn” để được sống thực là mình, cho mình, nhưng chỉ “đôi khi” thôi, rồi lại trở về cùng bổn phận. Vậy thì cây ơi, cây có cô đơn và buồn đau không? Để kết lại bài viết này, tôi xin gửi tới những “Vân đá” luy linh và thầm lặng kia hai câu thơ:
Vân đá đợi triệu năm rồi
Tri âm bật khóc, người đời giẫm chân
NHƯ BÌNH
Rỗng không
Đôi khi em muốn mình rỗng không
Ngay cả mảnh áo nhỏ xíu cuối cùng, em cũng
muốn bỏ lại nốt
Rỗng không em trườn vào gió
Tan vào đất
Hóa thành sông em bơi đổ ra nguồn
Rỗng không em bay như những vệt mây
Em đổ vàng như những triền nắng óng
Em lạnh tăm như nước đáy hồ
Ngàn năm im lặng
Rỗng không em đặc vào như đá
Ròng một khối câm nín thinh, tinh khiết, náu
trong triệu triệu năm
Em trườn khỏi núi như những vân đá đòi phơi
dưới ánh nắng mặt trời
Ai bảo núi đá không rỗng không, ảo ảnh?
Đôi khi trái tim mệt nhọc
Trái tim mỏi mòn đòi cơn đơn ca hoan lạc
Trái tim tuột khỏi lồng ngực
Lạc lối đi hoang
Em ước gì mình rỗng không
Rỗng như mùa về rùng mình trút vào một cơn
gió rụng.
Ninh Bình, 29/8/2020
Nguyễn Đức Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...