Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Thơ 1-2- 3: Hình thành tư duy thơ mới, sáng tạo, kết nối và hội nhập

Thơ 1-2- 3: Hình thành tư duy thơ mới,
sáng tạo, kết nối và hội nhập

Là một trong những khách mời Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật năm 2020 do Hội liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 14.10.2020, nhà giáo – nhà thơ trẻ Võ Hoàng Phương đã trình bày tham luận “Thơ 1-2- 3: Hình thành tư duy thơ mới, sáng tạo, kết nối và hội nhập” như một cách quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của thơ 1-2-3. VHSG xin cảm ơn và chúc mừng Võ Hoàng Phương, trân trọng giới thiệu lại bài tham luận này đến bạn đọc.
Những thành quả đổi mới của đất nước hiện nay có ý nghĩa kích hoạt sự đổi mới văn học nghệ thuật, trong đó có sự khởi sắc của tất cả các thể loại văn học, mà thơ là thể loại tiên phong tiêu biểu cho sự đổi mới. Xét từ đặc trưng thể loại trong sự vận động và phát triển của thơ với tương quan dân tộc – thế giới, hiện đại – hậu hiện đại, thơ được các chủ thể sáng tạo ý thức thể hiện trong các bước ngoặt chuyển mình của đời sống xã hội và đời sống văn học. Các nhà thơ không ngừng tìm tòi, khám phá, sáng tạo nhằm mang lại cái mới, cái hay, cái đẹp, cái thiện…
Gần đây, trên diễn đàn Văn Học Sài Gòn đã xuất hiện một trào lưu sáng tác mới do nhà thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng, đó là thể thơ 1-2-3. Trong bài viết “Thơ 1-2-3 & sự cộng hưởng” của nhà văn – nhà nghiên cứu Cao Chiến đăng trên báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết khởi nguồn thể thơ mới 1-2-3 được nhà thơ Phan Hoàng “nung nấu trong một thời gian đủ dài cho đến chuyến xuất ngoại thăm nước Nga, cùng với một số văn nghệ sỹ trong Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, mùa thu 2018 thì bùng nổ”. Phan Hoàng là một trong những nhà thơ cách tân, tác giả của những tập thơ tiêu biểu như “Chất vấn thói quen” được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam, trường ca “Bước gió truyền kỳ” được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm lần thứ II.
Quy tắc cơ bản của thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng đưa ra là “Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Nghĩa là, Thơ 1-2-3 tương ứng tối đa 11-12-13 chữ trên mỗi câu của mỗi đoạn, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội”.
Từ mùa thu năm 2018, những chùm thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng cùng một số tác giả khác đã đăng trên các tờ báo như Văn Nghệ, Đất Việt, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ,… Tuy nhiên, sự lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay thực sự bắt đầu từ Cuộc vận động sáng tác Thơ 1-2-3 trên trang Văn Học Sài Gòn. Đây là diễn đàn còn khá mới mẻ, song bạn đọc vào đây có thể đã nhìn ra một khoảng trời riêng đầy nắng gió để thoả sức sáng tạo. Khởi xướng từ đầu tháng 5 năm 2020 đến nay đã thu hút gần 140 tác giả với hơn 320 chùm thơ gửi về tham gia và trang Văn Học Sài Gòn đã đăng giới thiệu hơn 250 chùm thơ. Chỉ trong vòng 4 tháng nhưng thể thơ mới này thực sự thu hút được lượng lớn người sáng tác trong nước và cả người Việt Nam yêu thơ ở nước ngoài, với nhiều thế hệ khác nhau, nhất là các bạn làm thơ trẻ giàu năng lượng.
Nhà thơ trẻ Võ Hoàng Phương tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở Nghệ An
Đối với tỉnh nhà Nghệ An, được biết có những bạn thơ nhiệt tình sớm tham gia và có nhiều chùm thơ 1-2-3 được giới thiệu trên Văn Học Sài Gòn. Đó là thầy giáo Đặng Văn Thắng ở Nghĩa Đàn, với 7 chùm thơ được giới thiệu, anh cũng là người nhận được tặng thưởng tháng 6.2020, sau tôi và cô giáo Trần Thị Hồng Anh ở Quỳ Hợp là những người nhận tặng thưởng tháng đầu tiên (5.2020) kể từ khi Cuộc vận động sang tác Thơ 1-2-3 được phát động. Tính đến cuối tháng 8.2020, Nghệ An còn có các tác giả khác như Hồ Ngọc Bình, Đỗ Quảng Hàn, Đinh Hạ, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Phan Xuân Hậu, Nguyệt Lê,… cũng đã có những chùm thơ 1-2-3 ấn tượng được giới thiệu. Có thể nói Nghệ An là một trong những địa phương có lực lượng hùng hậu tham gia sáng tác thơ 1-2-3.
Vậy, thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khai sáng có gì đặc biệt khiến cho người viết hứng thú? Điểm đầu tiên có lẽ thơ 1-2-3 không nhiều chữ. Cuộc sống hiện đại không cho người ta quá nhiều thời gian đẻ chữ theo lối tràng giang đại hải. Để có một tứ thơ hay người viết buộc phải chắt chiu lựa chọn từng chữ, từng hình ảnh, từng thi tứ sao cho chữ ít mà súc tích, biểu đạt được nhiều nhất. Cảm xúc trải ra rồi gọt lại thật cô, thật đọng, thật nén để từ đó bật lên những giá trị, những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.
Tinh thần của thơ 1-2-3 là hoàn toàn tự do, vừa tiếp nối thơ truyền thống vừa mang tính hiện đại, không cầu kỳ rối rắm câu chữ, nhưng cũng không dễ dãi đơn điệu, giữa câu 1 và câu 6 còn có tính hô ứng, giống như mở mà kết. Điều đặc biệt, tên bài thơ cũng là câu thơ thứ 1 có tính độc lập, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà thể thơ mới 1-2-3 hướng tới là tránh sự dễ dãi, đạo văn – căn bệnh trầm kha phổ biến trong đời sống văn học và văn hóa hiện nay. Nó cũng giúp người cầm bút có ý thức sang tạo cao hơn, mới hơn.
Tư duy thơ 1-2-3 theo lối đi từ ngoại cảnh dẫn vào nội tâm tác động đến cách nghĩ, lối nghĩ của không ít người trong tư duy sáng tạo văn học. Trí não được kích hoạt đã tạo cho người viết sự hứng thú. Nhà văn, nhà nghiên cứu Cao Chiến nói: “Thơ 1-2-3 đã đem lại một làn gió tươi mới, chí ít là trong hiện tại, cho văn đàn. Giới hạn trong Thơ 1-2-3, tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài ba thi sĩ trong tương lai không xa”. Nhà thơ, nhà giáo Võ Văn Trường ở Quảng Nam trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Thơ mới 1-2-3 đã cho tâm hồn thi nhân những cảm xúc mới mẻ”.
Nhà thơ Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ trên tờ Viết & Đọc cho rằng: “Tuy ngắn, có luật chơi nhưng tựu chung thơ 1-2-3 vẫn tự do, vẫn phóng khoáng, vẫn đa chiều, vẫn lãng mạn, vẫn bao hàm được yếu tố chia sẻ cõi riêng của mỗi con người với nhau. Đọc là thú, đọc là ham và muốn cầm bút”. Còn nhà thơ Đỗ Thu Hằng ở Hà Nội cũng cảm nhận: “Hứng khởi sáng tạo và hứng thú đọc thơ là những gì mà thơ 1-2-3 mang lại cho chúng tôi, những người yêu thơ và yêu cái đẹp cái thiện trên đời”.
Nhà thơ Khang Quốc Ngọc của Thành phố Hồ Chí Minh lý giải kỹ hơn vì sao thơ 1-2-3 thu hút mạnh mẽ nhiều người đọc và sáng tác so với các thể loại thơ trước đây: “Thì ra có lẽ, sức hút của nó trước tiên ở chỗ nó vừa chặt vừa lỏng, vừa như có sự ràng buộc lại vừa như khuyến khích người ta tha hồ tung tẩy tự do phá rào, vượt lệ. Sự hô ứng nhịp nhàng ở câu 1 và câu 6 phải chăng là sự bập bênh khêu gợi đầy thử thách? Những câu còn lại thì tha hồ co duỗi nhưng cũng không vượt quá sự hạn định số lượng câu chữ ở ba đoạn thơ theo thứ tự 11, 12 và 13 chữ. Thì ra, ở thể thơ mới này, nó có sự kế thừa và sáng tạo rõ rệt. Nó bắt buộc số lượng chữ trong từng đoạn nhưng lại không hề ràng buộc thanh điệu bằng trắc đến ngặt nghèo như thể thất ngôn bát cú, như lục bát mượt mà truyền thống Việt Nam ông cha xưa”.
Còn cá nhân tôi, có thể nói kể từ khi mở ra Cuộc vận động sáng tác Thơ 1-2-3 đến bây giờ tôi đã hoàn toàn tự tin sáng tác thể thơ mới này. Là một trong 5 tác giả được chọn trao tặng thưởng đợt đầu tiên, đến nay tôi đã được giới thiệu được 10 chùm thơ 1-2-3 với hơn 50 bài trên trang VHSG. Tôi tìm được con đường mới cho thơ mình bằng nguồn cảm hứng dồi dào, hình thức mới lạ, trang viết giàu năng lượng.
Thơ 1-2-3 vô tình hình thành một nét mới trong phong cách thơ Võ Hoàng Phương, nó thân thuộc đến nỗi, một người bạn văn chương quê ta mỗi khi gặp gỡ gọi tôi bằng biệt danh trìu mến: “1-2-3” hay “Người đàn bà làm thơ 1-2-3”. Và tôi cảm thấy đó là niềm vui riêng mình. Tôi nghĩ, thơ 1-2-3 không chỉ là sân chơi văn hóa và trí tuệ mà còn là nơi kết nối những cung bậc cảm xúc con người. Tôi hình dung về thể thơ mới này như một phong trào sáng tác mạnh mẽ và lan rộng, tương lai có thể góp phần tạo nên diện mạo mới, hình thành một lối tư duy thơ mới, sáng tạo, kết nối và hội nhập, làm phong phú them đời sống văn học Việt Nam thế kỷ XXI.
15/10/2020
Võ Hoàng Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...