Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Tiểu thuyết Phượng Hoàng của Văn Lê: Bi thương mà không bi lụy

Tiểu thuyết Phượng Hoàng của
Văn Lê: Bi thương mà không bi lụy

Văn hào Nga Lev Tolstoi viết: “Đọc quyển sách hay như trò truyện với một người thông minh”. Với tiểu thuyết Phượng Hoàng (Giải A – Giải thưởng Bộ Quốc Phòng 2009-2014, Giải B – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM 2012-2017), nhà văn Văn Lê (tên thật Lê Chí Thụy) một lần nữa đã khẳng định sức viết, tài năng và tâm sức để trình bày tác phẩm mình, góp thêm vào số lượng tác phẩm hay – đáng đọc – về đề tài lịch sử cận đại và chiến tranh cách mạng. Đề tài này hiện nay ít người viết, có viết cũng khó hay vì cần vốn sống, kinh nghiệm, nhất là nếm trải thực tế. Bài viết này nhằm giới thiệu sơ lược tác phẩm, trích đoạn những ý tứ hay (theo cảm nhận của người viết). Giải thưởng lớn nhất là qua thời gian, tác phẩm sống mãi trong lòng công chúng.
Phượng Hoàng là cuốn tiểu thuyết viết về một chiến dịch cùng tên do Mỹ và quân đội Sài Gòn phát động thực hiện, bắt đầu từ năm Mậu Thân 1968 và kéo dài những năm sau đó. Có thể nói giai đoạn này chiến tranh tàn khóc và ác liệt nhất, hàng trăm ngàn chiến sĩ, cán bộ Cộng sản bị bắt giết, tù đày. Rất nhiều cơ sở cách mạng bị phá bung, tan rã, trở thành những “vùng trắng”. Các chiến sĩ phải chấp nhận hy sinh, chịu đựng, tích góp lương thực, gây dựng lại gần như từ đầu. Họ bị kẻ thù bao vây, ép bức, thậm chí chà đạp. Thế mà chỉ sau thời gian ngắn chúng ta đã hồi phục một cách thần kỳ, lấy lại niềm tin nơi dân, để tiến đến chiến thắng 1975. Do đâu và nhờ đâu? Anh hùng, dũng cảm, hy sinh – cố nhiên là những phẩm chất đẹp nhưng chưa đủ,tác giả lý giải chính phẩm hạnh của người lính mới được dân tin yêu, giúp đỡ, đưa đến thành công. Phẩm hạnh được truyền lại từ tổ tiên qua các thế hệ.
Đại đội trưởng Mạc Kính Phẩm – nhân vật chính trong tác phẩm ngay từ những trang đầu đã suy tư về thân phận mình trước cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng: “… Anh đã bò trên lằn ranh vô hình giữa sống và chết tới cả chục lần – và lần nào anh cũng qua khỏi cho dù thân thể bị nhiều sứt mẻ. Anh không hiểu vì sao, do đâu anh lại có thể sống sót được một cách thần kỳ như thế?… Có gì đó giống như định mệnh đã can thiệp rất sâu vào cuộc đời anh, gìn giữ sự sống cho anh. Chỉ có sự phò trợ của Đấng Tối thượng, cụ thể hơn là hương linh Tổ tiên, mới có thể bao bọc, che chở cho anh thoát khỏi cái chết rình rập…”
Những đồng đội anh, họ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, nhưng có người đôi lúc cũng bi quan: “Chắc gì sống tới ngày đó hả anh?…”
Với sự quan sát tinh tường, nhận định và phân tích lô-gích, thông qua câu chuyện Đền Miếu, tác giả đã trình bày một quan niệm nhân sinh tuyệt đẹp: “…Được Em nói với Đại đội trưởng: Chỗ này là nơi Thủ trưởng Cao Minh Hoàng và Thủ trưởng Bùi Thạnh bị chết. Em nhìn thấy cái Miếu thờ của người dân xây ở chỗ mấy cây sao đằng kia để thờ cúng liệt sĩ đại đội ta.” – “Miếu thờ à? Lạ nhỉ? Do đâu mà cậu nghĩ là dân lập miếu để thờ cúng anh em liệt sĩ của ta?” – “Thì họ có đề chữ tưởng niệm những người tử nạn đúng ngày 20-6-1970 mà anh. Dân miền Nam thường hè nhau xây dựng miếu thờ ở những nơi có người lạ tới địa phương mình chẳng may bị chết. Dọc những đường quốc lộ, hoặc các bến sông, thiếu gì những ngôi miếu như thế.”
Về việc lập Miếu xây Đền, ngày xưa, ngoài Bắc quê Mạc Kính Phẩm cũng có truyền thống như vậy. Mẹ anh kể: Đã lâu lắm rồi, có một người đàn bà từ mạn ngược đến làng anh bán thuốc cao, chẳng may bị bệnh hiểm mà chết. Dân làng thương tình xây một ngôi đền ở ngay trên cánh đồng – nơi bà ta mất, gọi là Đền Bà Mường… Làng anh còn có một ngôi đền khác, gọi là Đền Khiến – thờ bà Đào Thị Hào, tướng coi lương của Tây Sơn tử trận tại làng. Ở làng còn thờ một người đàn bà sống bằng nghề bắt ốc mò cua, nhặt nhạnh từng đồng xu cắc bạc để kiếm sống. Bà chẳng là anh hùng như bà Hào, chẳng là gì cả, nhưng khi những nơi khác có người đói, bà nghèo nhưng vẫn dốc bầu nuôi họ. Cuối cùng cũng không thay đổi được thực tế. Sau, bà cùng chết với mọi người. Người tốt cũng dược tôn thờ như những anh hùng, thậm chí còn được tôn vinh nhiều hơn.
… Ở địa phương cùng xã với làng anh còn có ngôi miếu thờ Văn Thần – Người lập miếu nguyên là ông Nghè sinh ra tại quê. Công đức ông Nghè được khắc ghi trên bia đá xanh đặt trước cửa Đền. Nhưng về sau ông Nghè này hư hỏng, bị vua bắt tội. Thế là cha của ông Nghè này đục béng tên con mình đi – ông không muốn đời sau chiêm bái một thằng hư hỏng, chẳng ra gì (Bởi vậy suốt mấy trăm năm qua, không ai còn biết tên ông Nghè đó.)
Dân ta là vậy, chính trực, công bằng. Họ luôn biết gởi tình thương vào đâu, đặt niềm kính trọng đúng chỗ.
Còn dân miền Nam, bất kể người đó là ai, giàu có hay nghèo hèn, dũng cảm hay hèn nhát, lương thiện hay độc ác, nhưng nếu chẳng may chết tại làng quê họ, đều được lập miếu thờ. Họ muốn an ủi linh hồn người xấu số.
Tiểu thuyết “Phượng Hoàng” của Văn Lê, NXB Lao Động 2014, NXB Văn Hóa Văn Nghệ tái bản 2019
Trở lại chuyện ngôi Miếu mà dân xây thờ các chiến sĩ Việt Cộng hy sinh. Thời gian sau, lính Cộng Hòa cho san phẳng khu vực đó, phá bay cả Miếu. Xe ủi của chúng bị mìn gài nổ banh, du kích và quân của Mạc Kính Phẩm phục kích bắn chết nhiều lính Cộng Hòa.
Người dân sau đó lại thu gom xác lính, trong đó có người thân của họ. Một người đàn bà đi đầu, cầm cờ trắng huơ lên không trung, la lớn: “Bớ người ta, tụi tui là dân… Tụi tui không thù ghét ai hết. Mấy người làm ơn đừng bắn giết, tội nghiệp. Nghĩa tử là nghĩa tận.” Bà ta đi quanh, nói vòng vo một hồi, không thấy động tĩnh hay phản ứng gì, liền ra hiệu cho mọi người tản ra tìm kiếm những tử thi… bỏ vào trong những túi xác, thắt miệng lại.
Nhìn đám dân hốt xác lính Cộng Hòa, Đại đội trưởng thấy bùi ngùi, day dứt. Đột nhiên anh tự hỏi: “Thằng địch là ai?” Chẳng lẽ sinh ra họ đã là địch? Câu hỏi ấy cứ rứt rỉa tâm can anh. Anh cho rằng trước tiên, thằng địch là dân. Bọn chóp bu đàn áp, đe dọa, áp đặt, khống chế, trao cho họ cây súng, bảo phải bắn vào phía bên kia…
Mạc Kính Phẩm hỏi Được Em: “Theo cậu, liệu những người dân đi thu gom xác bữa nay, có ai sẽ đứng ra xây lại miếu thờ  không?” Được Em thận trọng trả lời: “Xây ngay thì chưa, nhưng dần dà thì có thể… Ý Thủ trưởng hỏi em là sao vậy?” – “Nếu có ai xây lại miếu thờ, chắc chắn đó là người tốt”.
Trong chiến tranh, ngay trong hàng ngũ ta cũng có những uẩn khúc, tế nhị, tác giả đã diễn tả thật khéo câu chuyện cảm động đầy tình người của một đồng đội bị thương nặng đã thổ lộ với Mạc Kính Bưởi: “… Bữa ấy, anh Bùi Thạnh hất hàm bảo nhỏ với tôi rằng tống khứ thằng tù binh đi. Thằng đó quá trẻ, độ mười bảy tuổi là cùng, tôi không nỡ. Tôi đã đưa nó xuống con rạch, rồi lén tha cho nó. Suốt từ đó tới nay, tôi không có can đảm để thú tội với anh…” Đại đội trưởng gật gù: “Chuyện quá lâu rồi, nhắc lại làm gì nữa. Ông cũng biết là tôi có bắt lỗi ai đâu?” – “Nhưng bữa nay tôi cần phải thú tội với anh… Tôi cũng không kịp thú tội với Chính trị viên. Trong đời mình, tôi chưa từng nói dối ai… Nói được với anh điều này, tôi nhẹ cả người.” … Trung đội trưởng Thúc Mẫn nói đến đây, kiệt sức nằm sõng soài, úp mặt xuống đất. Cho tới lúc đó, linh cảm thấy cái chết sắp đến với mình, Mẫn ngỏ lời xin lỗi để có thể ra đi một cách thanh thản. Đại đội trưởng không ngờ lời thú tội xin lỗi ấy như một lời trăn trối dành cho anh. Có thể nói đây là lời trăn trối thật lòng tràn đầy nhân bản, là thông điệp cao cả mà tác giả muốn gửi gắm.
Để bổ sung cho quan niệm: “Lý lịch tốt chẳng bằng bản thân tốt”. Mạc Kính Phẩm đã kể thêm về chuyện người lính Văn Liều: “…Liều có một tuổi thơ không được như người ta. Cha mẹ nó di cư vào Nam năm 1954, bỏ lại hai anh em nó. Thằng Liều giấu nhẹm chuyện này, vì nếu khai vào lý lịch sẽ rất rầy rà, không những cho hiện tại, mà còn không tốt cho tương lai. Liều kể là khi cha mẹ bỏ đi, anh em nó như gà con mất mẹ. Anh trai nó phải đi mua đồng nát mất vài năm, sau mới xin vào làm công nhân sửa chữa đường sá, lấy tiền nuôi em. Lên mười tuổi, Liều trốn theo gánh xiếc của thầy Tạ Duy Hiển, lang bạt khắp nơi, để đỡ gánh nặng cho anh. Được ba năm, thầy Hiển mất, gánh xiếc tan, Liều xoay sở làm việc này việc nọ nuôi thân, rồi tình nguyện vào lính. Vậy mà Liều không bao giờ oán trách cha mẹ mình. Nó nói với tôi: Chắc phải có lý do nào đó, nên cha mẹ mới phải rứt ruột bỏ hai con thơ ở lại. Nó tin là cha mẹ mình ngày đêm luôn đau lòng ray rứt. Rồi nó bảo, cái số nước ta nó vậy, oán trách làm chi. Văn Liều là thế đấy! Giờ này, linh hồn nó đang quấn quít với gia đình, cũng có thể nó đang rong ruổi cùng với thầy Tạ Huy Hiển, tiếp tục lang bạt kỳ hồ.”
Đồng đội hầu như ai cũng mến phục Mạc Kính Phẩm. Chiến sĩ Văn Bình cảm nhận Đại đội trưởng của mình có ý nghĩ khác người, thậm chí trái với ý kiến của lãnh đạo. Thủ trưởng Mạc Kính Phẩm không ủng hộ “chủ nghĩa lý lịch”, vì nó gây chia rẽ, không tận dụng được trí sáng tạo, làm yếu sức mạnh quân đội, đi ngược lại xu thế đoàn kết toàn dân tộc. Lúc nào anh cũng đối xử công bằng với mọi anh em, cán bộ. Anh không bao giờ làm đau người khác chỉ vì những lỗi lầm trong quá khứ của họ, cũng không đối xử bất công với những ai mắc tội “Tổ tông truyền”. Một số cán bộ trung cấp không ưa thủ trưởng Phẩm của anh về chuyện này. Có thể vì vậy mà thủ trưởng “chậm tiến bộ”, lâu được đề bạt, cất nhắc. Nhưng bù lại, từ trên xuống dưới và trong đại đội, ai cũng quý mến anh.
Tác giả vốn là nhà thơ, từng đoạt 2 giải A về Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam      . Khi viết văn, tác phẩm của anh phảng phất chất thơ. Những đoạn văn nhẹ nhàng, đầy cảnh sắc trữ tình: “… Lúc còn ở ngoài Bắc, có lần, đơn vị em được điều đi chống lụt ở Nho Quan, Gia Viễn, thấy con gái ở đó xắn quần tới háng, da trắng ơi là trắng, lại biết chèo thuyền bằng chân. Họ ngồi ở đầu lái, lưng tựa vào giá bằng tre được đóng cố định vào sạp thuyền, chân chèo, mắt đọc sách, trông thật vui mắt.” … “Vào mùa xuân, hoa kim ngân nở trắng núi đồi. Loài hoa này vừa thơm vừa là loại thuốc quí. Đến mùa hè, những con suối chảy từ khe đá ra mát lạnh, trong vắt như mắt con gái”.
Những đoạn văn tả sinh hoạt lính tráng cũng thật vui nhộn và đầy thực tế. Phải là người trong cuộc mới viết được như thế: “…Cậu đừng có mà hứa gả chị gái cho tôi đấy! – Đại đội trưởng nói hóm hỉnh – Nghe mọi người kháo nhau là cậu có một cô chị gái mà đòi gả cho cả trung đội.”
Nhân vật xã đội trưởng Tư Chờ chỉ xuất hiện thoáng chốc mà nổi bật, sừng sững, kiêu hùng. Ông bị mất một chân trong trong trận càn của địch. Hình ảnh ống quần phất phơ trong gió chiều lồng lộng thật bi hùng. Tư Chờ trong lúc lánh địch đã bị các chiến sĩ của Mạc Kính Phẩm bắt lầm, họ nghi ông là dọ thám của địch. Khi nhận ra cùng là đồng đội, họ đã xin lỗi và mời ông ăn cơm. Tư Chờ đón lấy nắm cơm, chấm muối ăn một cách thản nhiên, nói với anh lính bắt mình: “ Mày tạ lỗi tao hả mậy?  Tao đã què như thế này mà mày còn nỡ thu cái nạng của tao. Bộ mày sợ tao chạy hả?” Văn Liều đỏ mặt, ấp úng: “Em sợ… anh dùng cây nạng đánh em!”
Trong tiểu thuyết Phượng Hoàng, tác giả đã rút ra được những kinh nghiệm chiến đấu thực tế: “Dân ví như rừng. Du kích như hổ. Hổ lìa rừng thì đến chó cũng kinh.” … “Trong đánh địch, ta phải tích cực theo dõi, bình tĩnh xử trí. Chúng đánh vỗ mặt, thì ta đánh tạt sườn. Chúng đánh tạt sườn thì ta bọc hậu. Nói chung là thiên biến vạn hóa.” … “Thế mạnh của du kích là dân cầm súng. Bỏ súng là dân. Cầm súng là thành lực lượng” … “Chiến tranh nhân dân rộng khắp và lợi hại như thế. Khi địch càn vào, ta là chủ, địch là khách. Ta thấy chúng, chứ chúng không thấy ta. Nếu ta tích cực di chuyển, thì dù ta ít, địch lại tưởng nhiều.” … “Chưa đụng trận mà địch đã bắn như tháo cống thế kia, chứng tỏ chúng hoang mang, cũng có thể chúng bắn thăm dò. Bọn Mỹ nhiều đạn cũng có tật như thế. Chuẩn bị khởi hành là bắn, bắn lấy trớn, để uy hiếp đối phương, và cũng để tránh thương vong cho chúng. Quân đội Cộng Hòa cũng được học như vậy, sẵn sáng trút hỏa lực tối đa để ta tránh xa”…
Út Mén – nhân vật nữ phụ theo sát Đại đội trưởng Mạc Kính Phẩm. Tình yêu thầm lặng của hai người sâu kín mà cũng không kém phần sôi nổi. Út Mén hiểu người mình yêu, cô kể cho anh nghe những kinh nghiệm đối phó của các mẹ, các chị miền Nam khi đối đầu với địch: “Các bà má thường có trăm phương nghìn kế độc đáo. Má em nhận nuôi con nhỏ cho chị Phó văn phòng ở Bộ Tư lệnh (trong Khu) Anh biết má em làm sao không? Bả làm khai sinh nhận là con đẻ của mình (để qua mắt địch) Bốn tháng sau, một đồng chí trong Khu nữa là vợ chú Hai sinh con, lại gởi má em, bà buộc lòng phải nhận, lại lên xã làm giấy khai sanh cho thằng nhỏ. Ông xã trưởng kiểm tra sổ sanh, ngó má em trân trân, hỏi: “Con của bà hay con Việt Cộng?” – “Con đẻ tui chớ con ai!” – “Tháng 3 vừa rồi, bà lên đây khai sanh con gái. Nay tháng 7, bà lại lên khai sanh cho con trai. Bà có bầu kiểu gì vậy?” – “Tui có bầu kiểu gì thây kệ tui. Ông chấp nhận thì tui làm, ông được quản lý. Không thì thôi, chớ xét nét làm chi, mệt quá!”
Ông xã trưởng cười, sau đó cũng ký: “Tui biết quá bà nuôi con cho mấy cha Việt Cộng. Hổng còn cách nào nên bà mới làm vậy. Coi chừng đó nghe bà.” Út Mén kết luận: Công nhận ông xã trưởng đó là người không đến nỗi nào. Vô tay người khác, má em vô tù là cái chắc. Rồi bà nhắc em: “Nếu sau này có chuyện không may xảy ra, tụi bay nên cứu giúp ổng – Làm người, sống cần có tình nghĩa.”
Cuối cuộc chiến: “… Đại đội trưởng bị thương rất nặng, anh đang trải qua trạng thái mơ mơ màng màng, giống như đang hấp hối. Anh rướn người lên, tay huơ lên không như thể muốn bấu víu, nắm bắt một cái gì đó…
“Tội nghiệp! Thủ trưởng đang chiến đấu với cái chết.” – Ai đó nói nhỏ. Út Mén ngẩng lên, cô gắt một cái vô cớ: “Nói bậy! Anh ấy đang chiến đấu để được sống.”
Cô nắm chặt tay người yêu, giọng đầy nước mắt: “Phẩm ơi! Ta sắp chiến thắng rồi! Mình không được đi! Mình không được đi! Mình không thể bỏ em vào lúc này được. Mình biết em yêu mình mà!” Chữ Mình ở đây tác giả nhắc đi nhắc lại, muốn nói họ như đã là chồng vợ.
Từng là đạo diễn và biên kịch phim nổi tiếng, nhà văn Văn Lê đã gọn gàng kết truyện bằng những đoạn văn tuyệt đẹp giàu chất điện ảnh: “Vào ngày đầu tiên khi đất nước hoàn toàn giải phóng, người ta nhìn thấy một cô gái lưng đeo bồng trở về làng Mỹ Tú. Trông cô nhỏ bé và cô độc. Cô tha thẩn bước đi trên mảnh đất đầy hố bom mà cây cỏ mới lên xanh. Thỉnh thoảng cô dừng lại như thể tìm kiếm một cái gì đó, hoặc một dấu vết nào đó. Rồi đột nhiên cô bật khóc. Cô khóc nấc, đôi bờ vai gầy guộc cứ rung lên bần bật.
Từ Ủy ban Nhân  dân, Tư Nhàn thập thễnh trở về nhà, trông thấy Út Mén, chị sửng sốt kêu lên: “Phải Út không, Út?” Cô gái nâng vạt áo lau khô nước mắt trên mặt, khẽ trả lời: “Dạ, em đây.” – “Trời đất quỷ thần ơi! Chiến thắng, người ta về Cai Lậy hết rồi, sao giờ này em còn ở đây?”
Út Mén không trả lời. Chiến thắng là của dân tộc, nhưng với cô thì không. Chiến tranh đã cướp đi của cô người yêu, cướp của cô cả các Thủ trưởng, bạn bè đồng đội. Ở Cai Lậy, cô chẳng còn ai là người thân để mà về. Cô cũng chẳng còn họ hàng thân thích nữa. Cô muốn về đây, sống cho hết những ngày còn lại của cuộc đời với hương linh của những người mà cô hằng yêu quí.
Tác phẩm hay trước hết phải giầu tính nhân văn, cốt truyện hay, văn giản dị mà hàm súc, ngầm chứa những thông điệp, ý tứ mà tác giả muốn gửi gắm.
Ít khi tôi đọc một tiểu thuyết viết về chiến tranh mà cần đọc lại và ghi chép cẩn thận những gì mình thích. Phượng Hoàng có nhiều tư liệu sống bởi tác giả đã từng sống và chiến đấu, được cảm nhận, quan sát, trình bày bởi nhà văn nhiều kinh nghiệm. Viết nhẹ nhàng như không, tố cáo tội ác chiến tranh cả hai phía đối địch. Truyện giàu tứ, cảm động, bi thương mà không bi lụy.
Chiến tranh đã lùi xa, đã có cái nhìn cởi mở.
Út Mén nhỏ bé, đơn độc, buồn, lặng lẽ: “Chiến thắng là của dân tộc, nhưng với cô thì không”. Thật đau xót! Càng bật sáng thêm sự hy sinh cao cả, đồng thời lên án, căm phẫn chiến tranh.
Hầu như không ai muốn chiến tranh. Cực chẳng đã chiến tranh mới xảy ra bắt nguồn từ những mâu thuẩn, tham vọng, tranh giành quyền lực. Chiến tranh tàn phá, gây biết bao đau khổ, tan thương cho dân chúng, trước mắt là những người lính.
Phần cuối bài phát biểu đáp từ trong buổi lễ nhận giải thưởng, nhà văn Văn Lê đã xin phép hát ngâm một đoạn ca từ trích trong “Tử thần điệu” của giá đồng làng Vũ Xá. Theo ông đó là những điệu buồn của những linh hồn đã mất trong chiến tranh, là ước mong thiết tha của người dân, người lính, cũng là thông điệp mà ông muốn gửi đến bạn đọc qua tiểu thuyết Phượng Hoàng:
Xin người về cho bớt buồn đau
Xin đừng gieo oán với nhau dài lâu
Tình trải rộng, cầu nhân nghĩa bắc
Xin đừng hờ hững trông nhau…
Xét về bản chất, không có hòa bình xấu xa cũng như không có chiến tranh tốt đẹp – ngay cả ở những cuộc chiến tranh chính nghĩa và tất yếu. (Benjamin Franklin).
8/3/2020
Phan Đức Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những câu chuyện Sài Gòn

Những câu chuyện Sài Gòn Lời giới thiệu Phan An (sinh năm 1984) là bút danh của một nhà văn trẻ, một Lập trình viên tài năng, được biết đến ...