Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Ăn để sống - Sống để ăn

Ăn để sống - Sống để ăn?

Phòng làm việc của chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần Đại Phú Vinh ở lầu một của tòa nhà bề thế hai mươi bảy tầng tọa lạc giữa ngã tư sầm uất. Đây cũng là hội sở của ngân hàng này, trung tâm chỉ huy của hơn hai trăm chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động khắp toàn quốc và bốn văn phòng đại diện tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ…
Chủ tịch Đặng Sinh tóc chớm bạc, bệ vệ trong bộ complet xám, nước da mai mái ngồi ngửa ra ghế bành nghe tổng giám đốc Hà Mạnh trẻ trung, hoạt bát báo cáo:
– Thưa anh Hai, bệnh viện đa khoa Vạn Tín không trả nổi khoản nợ tám trăm hai sáu tỷ của ngân hàng ta, họ đề nghị bên ta mua lại bốn mươi phần trăm cổ phần  để trừ nợ…
Chủ tịch Sinh nhíu mày:
– Đã vậy thì mua năm mốt phần trăm để nắm quyền điều hành bệnh viện luôn…
– Dạ… để em trao đổi lại…
Hà Mạnh bấm điện thoại, mở loa ngoài cho Hai Sinh cùng nghe:
– A lô… chào chị Thanh… Sếp bên tôi muốn năm mốt phần trăm chứ không phải bốn mươi…
Giọng phụ nữ lanh lảnh:
– Hội đồng quản trị bệnh viện vừa họp xong, thống nhất bằng mọi giá phải xử lý dứt điểm nợ nần. Chấp nhận đề nghị của ngân hàng Đại Phú Vinh…
– Cảm ơn chị Thanh… phần kỹ thuật để cấp dưới lo, chúng ta chọn ngày lành tháng tốt sẽ ký hợp đồng…
– OK anh Mạnh… Chào!
Hà Mạnh cúp máy quay sanh Sinh:
– Dạ… vậy là chúng ta sắp có thêm bệnh viện thứ hai trong hệ thống kinh doanh!
– Bệnh viện Đại Phước ta mua hồi đầu năm, nay sao rồi?
– Dạ… doanh số tăng ba mươi phần trăm nên đã cắt được lỗ, đang vào quy trình mới để chuẩn bị sử dụng phần vốn hai mươi triệu USD của nhà đầu tư Hàn Quốc…
– Tốt… có thể điều quản lý của Đại Phước sang tiếp quản bệnh viện mới…
Có tiếng gõ cửa, Sinh nói to:
– Vào đi!
Cô thư ký mặc bộ váy vest công sở đồng phục ngân hàng Đại Phú Vinh bước vào lễ phép:
– Dạ mời chú Hai ăn trưa…
Bà phục vụ khệ nệ bưng mâm vào, xếp từng món ra bàn. Hà Mạnh đứng lên:
– Anh Hai dùng cơm rồi nghỉ trưa, em xin phép về…
Hai Sinh cười:
– Ở lại ăn trưa với anh, ta còn nhiều việc phải bàn mà…
Hà Mạnh ngồi xuống, bà phục vụ lui ra, cô Thúy thư ký lúng túng, ấp úng:
– Dạ… đồ ăn chỉ chuẩn bị cho chú Hai…
Tổng giám đốc Hà Mạnh cười:
– Anh cũng mới ăn sáng chưa đói Thúy à, để anh ngồi hầu chuyện cho anh Hai ngon miệng!
Sinh cởi áo vest, tháo cravat đưa Thúy đem vào phòng trong cất rồi xắn tay áo cầm đũa. Bữa ăn của người đang nắm trong tay tài sản gần tỷ USD gồm lưng chén cơm gạo lứt, một dĩa rau dền, rau khoai lang luộc chung, chén nước rau dầm cà chua và mấy miếng thịt heo nạc kho xâm xấp nước. Hai Sinh bưng chén cơm đỏ bầm thở dài:
– Anh giờ “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn” như cái thời ngày nào cũng tiệc tùng linh đình, món tàu món tây, rượu vua rượu quý, sơn hào hải vị…
Mạnh nhìn cấp trên ái ngại:
– Bữa ăn của anh đạm bạc quá, ăn vầy sao đủ dinh dưỡng?
Sinh nhai cơm gạo lức trệu trạo, mệt mỏi:
– Đường huyết anh cao quá, lại thêm bệnh gout, huyết áp tăng vô căn… bác sĩ dặn chỉ được ăn như vầy!
– Vậy sáng với chiều anh ăn gì để em nói nhân viên phục vụ?
– Sáng anh nhai nắm gạo lứt rang, thêm nửa trái thanh long với mấy miếng ổi. Trưa ăn như vầy, còn chiều thì cũng rau bí, rau lang luộc chấm chút nước thịt, nước cá kho ăn với muỗng cơm lứt thôi. Đổi món thì ăn vài trái ổ qua hầm hoặc miếng đậu hủ chiên sơ với dầu ô liu…
Ngừng một chút để nuốt mớ rau trong miệng, Sinh thở dài:
– Giờ mới thấm thía câu “có thể mua được vài cái bệnh viện, nhưng không thể mua được sức khỏe”
Sinh uống hết chén nước rau luộc vắt chanh rồi quay sang Thúy:
– Bệnh tiểu đường tuýp hai này khổ lắm. Ăn vào thì đường huyết lên, bụng đói thì đường hạ. Lên cũng mệt mà hạ cũng xây xẩm!
Thúy:
– Dạ con có chuẩn bị hạt điều với đậu phộng rang, khi nào chú Hai thấy đói lấy ra ăn cho đỡ hạ đường huyết.
Sinh gật đầu, lấy tăm xỉa răng trong lúc Thúy dọn mâm bát ra ngoài. Mạnh nhìn sếp lo lắng:
– Tuần sau đi Mỹ, em sẽ nhờ bác sĩ bên đó tìm thuốc tốt cho anh!
Sinh lắc đầu mệt mỏi:
– Anh cũng qua Pháp, Mỹ, Nhật điều trị rồi. Ở đâu bác sỹ cũng bảo bệnh mạn tính như anh uống thuốc cả đời, thuốc tiên thuốc thánh cũng vậy thôi. Chỉ kiêng ăn, kiên trì thể dục mới cải thiện được sức khỏe.
Thúy vừa quay vào, Mạnh nhìn cô reo lên:
– Vậy em sẽ lập một phòng gym trên sân thượng tòa nhà, cử cô Thúy hàng ngày phục vụ sếp tập luyện.
Sinh gật đầu:
– Vậy chú phải cáng đáng thêm công việc, để anh mỗi ngày tập một hai tiếng thử xem…
Phòng gym rộng rãi, hào nhoáng với bốn phía kiếng phản quang và mấy chục bộ thiết bị hiện đại nhập khẩu. Đặng Sinh bắt đầu bằng môn xe đạp. Ông ngồi đạp xe, cô Thúy xinh đẹp, phảng phất mùi nước hoa hạng sang đứng phía sau xoa bóp hai cánh tay, vai, cổ, sống lưng cho sếp. Thỉnh thoảng cô lại dùng cái khăn trắng tinh, dịu dàng lau mồ hôi trên đầu, tay rồi vạch áo thun lau lưng cho sếp. Tòa nhà có hơn ba trăm nhân viên làm việc, nhưng chẳng ai được bén mảng lên sân thượng có phòng gym bên cạnh hồ bơi, massage bằng thủy lực có vệ sĩ trực 24/24 này. Hàng ngày sau khi ăn trưa và ngủ một giấc đến 13 giờ mới dậy, chủ tịch Sinh giải quyết công việc đến 15 giờ rồi ăn trái cây, uống một cốc sữa dành cho người tiểu đường trước khi thư ký Thúy hộ tống sếp đi thang máy lên tầng thượng tập gym.
Mới một tháng gần gũi mỹ nhân trong không gian riêng tư, Sinh nhanh chóng quên tuổi tác, bệnh tật, trẻ, khỏe theo từng đường nét lồi lõm, căng cứng trong bộ đồ thun thể dục bó sát của Thúy. Ông đê mê theo đôi bàn tay mềm mại, dịu dàng vuốt ve sau gáy, mang tai, rồi mơn trớn trên lưng trần của mình. Nhiều lần mấy ngón tay xinh xắn, ma thuật ấy còn “vô tình” lần lên trước ngực, đụng chạm vào chỗ nhạy cảm. Ông mụ mị theo mùi hương từ mái tóc dài theo gió quạt máy phất phơ cọ quẹt trên mặt, tai, tay, gáy gây bồn chồn, nhột nhạt… Thân dưới rần rật bức bối như đang tuổi 18 sung mãn. Ông nhắm mắt lại, phía trước hiện ra con đường đất hun hút, ông gò lưng đạp xe qua nương rẫy mênh mông nối tiếp những trảng cỏ tranh xanh ngát sau mưa đầu mùa.
Sức trai trẻ trong đôi chân như guồng máy vô tận nhấn vào bàn đạp, chiếc xe chở hai người lao vun vút lấy trớn rồi trườn nhanh lên con dốc đất đá gồ ghề. Gió từ phía sau đưa mái tóc cô bé mười sáu lờn vờn lên da mặt ông mơn man, nhột nhạt. Mùi hương bồ kết pha lá chanh thơm ngát, khuôn ngực nàng mềm mại, ấm nóng tì tì sau lưng làm Sinh đờ đẫn với cảm xúc mới lạ. Lên đỉnh dốc, xe lao vun vút đổ dốc dài bên kia sườn đồi, nàng ôm chặt Sinh vì sợ té. Như ma xui quỷ xúi, tay phải giữ ghi đông, tay trái Sinh vòng ra sau xoa nhẹ thắt lưng nàng, chỗ vạt áo bị gió tốc lên hớ hênh da thịt mát rượi. Nàng phủ phục trên lưng Sinh, đôi môi nóng hổi áp vào gáy chàng bật rên khe khẽ. Sinh không nhớ mình đã quẹo vào con đường mòn vắng vẻ giữa rừng khộp thế nào, khi tỉnh táo chỉ thấy nàng nằm trên lớp lá rụng dày êm như nệm dưới gốc xoài rừng cổ thụ. Hai tay nàng níu giữ vạt áo che ngực và những giọt nước mắt nửa yêu nửa trách: “Làm sao em lấy chồng được nữa…hu hu…”! Một vệt đỏ hồng còn ươn ướt dưới rốn Sinh. Nhiều năm sau đó và đến tận bây giờ, Sinh cũng chưa hiểu đó là “cái ngàn vàng” của nàng hay “đời trai” của mình tê lịm…
Nhưng lần này, sau hoang lạc, Sinh lồm cồm bò dậy không phải từ đám cỏ dưới gốc cổ thụ hoang vu mà từ cái sopha đặt bên cạnh máy đạp xe trong phòng gym lầu thượng. Không có cô nàng đôi tám tóc thơm mùi bồ kết với lá chanh ngồi dậy phủi những cánh hoa xoài rừng nhỏ bé, trắng tinh vương vấn trên áo quần, tóc, mi… Chỉ có cô thư ký bao năm gọi ông bằng chú đang mếu máo bắt đền:
– Làm sao em lấy chồng được nữa… hu hu…!
Sinh rởn hết da gà, lạnh toát và tê rần cơ thể vì sợ. Ba mươi tám năm trước, người con gái đó cũng tên Thúy, cũng áp ngực mềm vào lưng ông, cũng hít mồ hôi trên gáy ông, cũng cuồng nhiệt hiến dâng rồi nức nở bắt đền ông bằng một câu y hệt Thúy bây giờ? Từ ngày đó ông chưa gặp lại “Thúy cũ”; có khi nào đây là con gái của nàng nên giống nàng từ vóc dáng, nhan sắc, mùi hương… đến cả tâm lý, ngôn ngữ sau yêu? Hay nàng đã chết, rồi đầu thai thành “Thúy mới” này, bắt ông trả món nợ với trinh nữ đã hiến dâng rồi bị ông… chạy trốn bằng suất du học Liên Xô? Càng nghĩ Sinh càng sợ hãi đến mụ mị. Ông quỳ xuống chắp tay lạy người con gái chưa kịp mặc lại quần áo đang nằm hớ hênh trên sô pha:
– Thúy ơi… tha lỗi cho anh, anh sẽ bù đắp tất cả những gì em muốn…
Đầu ông cúi xuống chân thành, mắt ông không nhìn thấy nụ cười đắc ý trên môi cô thư ký hai mươi tám tuổi. Khi ông sếp đang đạp xe túa mồ hôi bất ngờ quay lại ôm cô và nói những lời mê sảng, Thúy tin rằng thần tài gõ cửa. Cô vờ chống cự yếu ớt khi bị vật ra cái ghế nệm dài. Cô vừa rên la, vừa nghiêng bên này, nảy bên kia tạo điều kiện để ông ta cướp bóc hết quần áo trên người cô, kích thích con mồi lao sâu vào bẫy. Sau mấy phút nằm dưới tấm thân đàn ông nhễ nhại, cô biết chắc mình sẽ vọt lên đè đầu cưỡi cổ hơn chín nghìn nhân viên và mấy vạn khách hàng, đối tác của ngân hàng Đại Phú Vinh. Lúc lau mồ hôi, bóp tay, vai, gáy cho ông “vua” say tình, cô đã kín đáo bật camera của điện thoại rồi đặt vào góc “đẹp” nhất. Kiếng soi bốn bề sẽ giúp cho clip “phạm tội quả tang” đẹp lung linh như kính vạn hoa. Giờ thì sếp ngân hàng tài ba, oai vệ tuổi cọp này sẽ là con mèo ngoan ngoãn trong tay cô!
Chiếc Roll royce phantom hơn một triệu USD chạy qua cổng, chầm chầm xuống hầm khu biệt thự mênh mông nằm cặp bờ sông Sài Gòn. Tài xế nhanh nhẹn mở cửa sau mời ông chủ xuống xe. Sinh xách cặp táp bước ra với khuôn mặt căng thẳng mệt mỏi. Ông bấm thang máy từ hầm xe lên lầu một, vào thẳng phòng ngủ của mình. Bà vợ xồ xề từ phòng tắm bước ra với mái tóc ướt nhẹp, cổ và lưng nung núc. Bà nhìn chồng lo lắng:
– Anh bị sao mà lảo đảo vậy?
Sinh thảy cặp lên bàn, cởi áo vest, rút cravat ra khỏi cổ rồi nằm vật ra giường:
– Không sao!
– Mặt xanh lè, người rũ ra thế mà không sao à?
– Đừng nói nữa, để tôi nghỉ ngơi…
Vợ đổi giọng dỗi hờn:
– Lo cho ông mà ông còn quát à?
Sinh nhổm dậy hét lên:
– Để tôi yên, biến đi!
Vợ chống nạnh, giận dữ:
– Giờ chức phận, giàu sang rồi muốn đuổi vợ à? Không có bố tôi nâng đỡ ông có được ngày hôm nay không mà bạc bẽo thế!
Sinh phun nước bọt xuống sàn gỗ bóng loáng:
– Tôi trả cái chức vụ trưởng cho bố cô lâu rồi, ba mươi năm nay tôi nghỉ nhà nước ra làm tư cũng vì muốn phủi cái nhục nhờ nhà vợ ấy! Hừ… lúc tôi đi tù ba năm vì cơ chế chưa đổi mới, bố cô đã không giúp còn ép tôi đủ trò!
Bà vợ hầm hầm bỏ đi. Sinh nhắm mắt thiu thiu một lát thì điện thoại reo, giọng quen thuộc của Hà Mạnh:
– Chào sếp, tháng sau em với Thúy cưới nhau, sếp định mừng chúng em quà gì vậy?
Đang uất chuyện cũ nên Sinh hét lên:
– Mày có điên không mà ăn nói với tao như vậy?
Hà Mạnh cười khanh khách:
– Tổng giám đốc như em cũng chỉ là thằng làm thuê cho sếp. Sếp mắng chửi thế nào cũng được, nhưng mười phần trăm cổ phần của ngân hàng Đại Phú Vinh là để bồi thường cho trinh tiết của vợ em ấy mà…
Sinh lặng người, giọng đểu cáng của Hà Mạnh vẫn rổn rảng:
– Vợ em bị sếp cưỡng hiếp trong phòng tập gym ở tầng thượng, cô ấy đau đớn nhục nhã quá. Em khuyên mãi Thúy mới thôi tự tử và tung cái clip ấy lên mạng…
– Clip nào?
– Thì… lúc sếp cưỡng bức cô ấy, cô ấy dùng điện thoại quay lại!
Sinh nghiến răng, gằn giọng:
– Tao bị gài bẫy, nhưng chấp nhận cho Thúy cả triệu đô rồi, còn đòi gì nữa?/
– Đó chỉ là khắc phục ban đầu… (Hà Mạnh bỗng đổi giọng, chửi thề)… ĐM… mười phần trăm bồi thường cho tôi, mười phần trăm bồi thường cho vợ tôi. Ông phải chuyển nhượng hai mươi phần trăm cổ phần ngân hàng này cho vợ chồng tôi.
Giận run bần bật, Sinh cố kềm chế, hạ giọng:
– Mày thừa biết tao vất vả cả đời mới có được hai mươi phần trăm cổ phần đó để được làm chủ tịch Hội đồng quản trị, mày đòi hết thì tao còn gì?
– Mặc kệ ông, ba ngày nữa nếu không bàn giao chức chủ tịch hội đồng quản trị cho tôi thì cái cảnh ông trần truồng cưỡng hiếp vợ tôi sẽ được đưa lên mạng, lên báo từ Việt Nam ra nước ngoài…
Sinh buông điện thoại, quẹo đầu trên gối. Mười phút sau bà vợ quay lại, hoảng hốt hét lên:
– Gọi cấp cứu, gọi cấp cứu!
Sinh gầy tọp, xanh xao, mặc quần short, áo thun, đội nón lưỡi trai, mang sandals đạp xe thong thả theo con đường bê tông chạy dọc xóm làng trù phú. Ông dừng, hỏi mấy đứa nhỏ đang đá banh ven đường. Chúng chỉ vào con hẻm bên trái, Sinh dắt xe thong thả đi vào…
Khu nhà vườn cây cối um tùm, cổng sắt xiêu vẹo. Dãy nhà gỗ đen xỉn với mái ngói âm dương uốn cong bốn góc như đình, chùa trầm mặc giữa vườn cây u tịch. Sinh dựng xe đạp vào góc sân lát gạch tàu phủ rêu gần kín, chỉ còn “đường mòn” nối từ nhà ra cổng là còn thấy màu gạch trăm năm thẫm màu đất, pha sắc rêu. Dưới mái hiên nhà rộng rãi, dài đến hai chục mét, một bộ ván ngựa đen bóng đang có người đàn ông mặc quần đùi, cởi trần nằm xoãi, tay chân banh bốn hướng. Sinh nhìn đồng hồ đeo tay chỉ 10 giờ 15 rồi ngước lên mặt trời gần đứng bóng, nắng nhộn theo những tràng gáy lúc bổng lúc trầm của người đang ngủ. Ông ta khá già với mái tóc bù xù bạc quá nửa. Khuôn mặt gân guốc, nhiều nếp nhăn, râu ria lồm xồm như chục năm nay chưa cạo. Da ông ta ngăm đen, tay chân lòng khòng với móng dài cáu bẩn. Giữa ngực kéo dài xuống rốn xăm một mớ chữ tàu hay chữ Nhật gì đó, nhiều chữ bị lông ngực xum xuê như người rừng che lấp…
Sinh đang tần ngần muốn gọi ông ta dậy thì bất ngờ từ ngoài vườn có tiếng mèo kêu, chó sủa, tiếng huỳnh huỵch, sột soạt rồi con chó mực dí con mèo tam thể chạy từ sân lên thềm nhà. Con mèo quá hãi nên lao lên bộ phảng, rúc vào người đang ngủ kêu cứu “meo” “meo”… Mèo cào cánh tay để trần rướm máu nên ông ta bật dậy, vung tay hất con mèo rớt xuống đất, hét toáng lên:
– Đồ khốn!
Ông nhảy xuống đất, vung chân đá, nhưng con mèo nhanh nhẹn bỏ chạy. Ông loạng choạng suýt té phải vịn tấm phảng khi cúi nhặt đôi dép nhựa ném theo mèo, càu nhàu:
– Dám phá giấc ngủ của tao à!
Ông tính quay lại tấm phảng thì há hốc khi thấy khách lạ đang nhìn mình chằm chằm. Ông rụt rè:
– Xinh lỗi… anh tìm ai?
Sinh bước xáp lại:
– Út Cao, nhớ ai không?
Chủ nhà run run mấy ngón tay chỉ mặt khách:
– Đặng Sinh… hở?
Sinh lao ôm Cao:
– Tao đây…
Cao đẩy bạn ra ngắm nghía:
– Nghe nói mày là đại gia đi đâu cũng xe pháo rần rần, tiền hô hậu ủng, sao… mặc quần đùi, đi xe đạp?
Sinh vỗ vai bạn cười:
– Gặp mày coi như… đủ bộ.
– Đủ bộ?… Bộ gì?
– Tao bị tiểu đường mười hai, mười ba chấm nên mới hơn năm mà sụt đến hai mươi lăm ký, giờ chỉ còn năm mươi ký như hồi học chung cấp ba với mày. Hồi đó tụi mình đói quá nên toàn đi hái rau lang, rau dền, rau tàu bay, rau sam, rau bí… về luộc ăn cho đỡ đói. Tao giờ cũng toàn ăn mấy thứ rau đó thay cơm; cũng đói lã mỗi khi sắp đến bữa hay sáng ngủ dậy. Tệ hơn ngày xưa là lúc đường máu lên cao, khát không dám uống nhiều nước để không phải đi tiểu hơn 8 lần mỗi ngày phòng ngừa suy thận. Giờ tao độc thân, ở nhà quê, đi xe đạp, không xài điện thoại, có thằng bạn thân là mày nữa coi như đã trăm phần trăm trở về vạch xuất phát bốn mươi năm trước!
Út Cao nhíu mày, lẩm bẩm:
– Lạ nhỉ… mày đẹp trai, thông minh, học giỏi nhất tỉnh nên mới được đi Liên Xô du học. Mày lại làm rể nhà ông Bộ trưởng, làm chủ một ngân hàng, làm người quan trọng thường lên ti vi, báo chí… Cả trường cấp hai, cấp ba; cả xã, cả huyện nở mặt tự hào vì mày… mà sao giờ mày lại vui mừng vì… trở về “vạch xuất phát”?
Sinh nhìn bạn như thôi miên, gằn từng chữ:
– Lúc đói nghèo thì “ăn – để – sống”, lúc dư dả thì “sống – để – ăn”. Ăn nhiều sơn hào hải vị thì sinh ham hố, hưởng thụ, sinh tính tham, tính ác. Từ đó con người bệnh cả tâm hồn lẫn thể xác, không chết vì bệnh thì cũng chết vì ích kỷ, tham lam, háo thắng, háo danh… Ngộ ra điều đó là giải thoát. Tao mừng vì được giải thoát!
Út Cao ngẫm nghĩ một hồi rồi bật cười khanh khách:
– Vậy là cái thằng thi rớt đại học, lầm lũi như tao lại “giác ngộ” sớm hơn ông phó tiến sĩ ngành tài chính ở Tây về nhỉ?
Cao chỉ vào mấy chữ “lạ” trên ngực mình:
– Ông nội tao là thầy chữ nho cuối cùng của tỉnh này. Tao được ông dạy một ít, đủ để khắc ghi điều mình muốn lên da thịt bất biến.
– Mày khắc ghi điều gì?
Cao chỉ từng chữ đọc to:
– Xử thế nhược đại mộng/ Hồ vi lao kỳ sinh/ Sở dĩ chung nhật túy/ Đồi nhiên ngọa tiền doanh/ Giác lai miên đình tiền/ Nhất điểu hoa gian minh…
Đây là sáu câu đầu trong bài thơ “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”, nghĩa là nói lên chí hướng của mình trong cơn say ngày xuân. Đây là bài thơ nổi tiếng của ông Lý Bạch thời nhà Đường.
Cao mời Sinh ngồi lên bộ phảng, lấy chai rượu đế 1,25 lít còn hơn hai phần ba rót ra hai chén:
– Phải uống chút rượu mới thấm thía những gì ông Lý Bạch nói từ hơn một ngàn hai trăm năm trước. Sinh bụm cái chén hạt mít trong tay, Cao uống một hơi 5 ly liền, mặt ửng đỏ, giọng sang sảng:
– Tao hiểu nghĩa nhưng dịch không hay nên đọc mày nghe bản dịch của ông Tản Đà: – Ở đời như giấc chiêm bao/ Cái thân còn đó lao đao làm gì/ Cho nên suốt buổi say lì/ Nằm lăn trước cột biết gì có ta/ Tỉnh thôi đưa mắt sân nhà/ Một con chim hót bên hoa ngọt ngào…
Uống thêm hai chén rượu, Cao nắm tay bạn rủ rỉ:
– Ngày thi rớt đại học tao buồn lắm. Nhưng khi đọc bài thơ này thấy an nhiên tự tại. Thế là xâm luôn lên ngực, sống luôn theo cách của ông Lý Bạch dạy. Xóm này từ già đến trẻ đều gọi tao là “sâu rượu”, “bợm nhậu”, “người lười”… may mà không ế vợ!
– Bà xã đâu?
– Đi chợ… về rồi kìa… linh thật!
Sinh nhìn ra cổng giật mình, biến sắc, chén rượu rơi xuống phảng, đổ loang…
Cao say mèm, lăn trên phảng gáy rung rinh nhánh bông giấy ra hoa đỏ rực, rũ từ mái ngói cổ kính xuống hiên trước. Sinh ngồi nhấp chén trà ở gian nhà chính mở cửa nhìn ra chỗ Cao nằm. Sinh không dám ngước lên mà chụm mắt vào cái khay đồng bóng lộn in khuôn mặt buồn rượi của Thúy lẫn lộn, méo mó bởi bình, tách trà màu da lươn đặt trên khay. Giọng Sinh nhỏ yếu, hụt hơi:
– Ngày đó… em có… chờ anh?
Thúy cúi mặt, quệt nước mắt, nét đau khổ hằn sâu, in rõ trên màu đồng sáng. Giọng khàn khàn làm Sinh tê tái:
– Có… nhiều người thương, nhưng em vẫn hy vọng anh giữ lời. Hơn nữa lấy người khác em sợ bị khinh khi, dày vò vì lỡ trao hết cho anh. Đến khi quá lứa lỡ thì em phải lấy ông say rượu cả làng cười chê…
Sinh cắn môi đến bật máu, nước mắt trào ra:
– Cao có biết chuyện hai đứa mình?
Giọng Thúy vẫn khàn khàn, nhỏ nhẹ mà từng lời nặng như núi:
– Suốt nhiều năm em cứ đạp xe trên đường từ xã ra huyện để thấy cây xoài rừng đó. Có hôm còn ghé vào quỳ lạy cầu xin thần linh đem anh trở về. Em nhặt trái xoài rụng về để đầu giường, lấy lá xoài khô làm gối, nệm. Đêm nằm nghe mùi xoài chín, mùi lá khô, nhớ tình đầu dưới gốc xoài phủ đầy lá rụng… nhiều lúc muốn cắn lưỡi! Khi nhà nước mở đường nhựa, xe ủi húc ngã cây xoài già, em đau đớn không nguôi. Xoài chết rồi, giờ chỉ còn anh với em biết chuyện đó thôi!
Sinh nắm chặt bàn tay đã già nua của Thúy, rơi lên đó những giọt nước mắt nóng hổi của mình:
– Các con em đâu?
– Anh ấy cần rượu hơn vợ, gần gũi còn chưa có lấy gì có con…
Tim Sinh thắt lại vì đau đớn, hối hận:
– Cả đời anh dằn vặt vì chuyện đó nên bị đứa thư ký tên Thúy giăng bẫy cướp hết tài sản, sự nghiệp. Anh cứ nghĩ nó là con gái hay linh hồn em nhập vào đòi món nợ xưa nên dù tiếc nuối, uất ức vẫn chấp nhận. Nếu biết em còn sống và không con cái, anh không dễ đầu hàng chúng…
Thúy ngước lên nhìn Sinh sững sờ, lắp bắp:
– Vậy là… vậy là… anh chịu thiệt thòi vì nghĩ đến em?
Sinh gạt nước mắt, bước đến kéo tay Thúy ra cửa, chỉ chiếc xe đạp dựng góc sân:
– Cái xe ngày xưa anh chở em đó, anh vừa thay lại vỏ lốp, nhông, sên… nhưng vẫn giữ màu sơn cũ. Ước gì anh được chở em quay lại con đường đó; ước gì anh được làm lại từ đầu…
Sinh tháo chiếc đồng hồ đặt vào tay Thúy:
– Giờ anh mất hết sự nghiệp, tài sản… vợ cũng buộc ly hôn nên anh về quê sống với bố mẹ già. Chiếc đồng hồ này anh mua ở Luân Đôn gần ba trăm ngàn bảng Anh, nếu bán ở Việt Nam cũng được vài tỷ. Coi như chuộc lỗi cho cuộc đời dang dở, bất hạnh của em!
Thúy nhìn Sinh, nước mắt chảy dài trên đôi gò má rám nắng, khắc khổ, nhưng nụ cười mếu máo mới nhân hậu làm sao. Cô bất ngờ ôm chầm Sinh, rúc đầu vào ngực và trả đồng hồ vào tay Sinh:
– Hôm nay em biết anh vẫn yêu, nhớ đến em là hạnh phúc lắm rồi, chẳng cần gì nữa, anh cất đi… À, sao vợ anh buộc ly hôn?
– Anh uất vợ chồng kẻ đã gài bẫy mình nên ngất đi. Bà ấy đọc tin nhắn trong điện thoại nên biết anh từng ái ân với cô thư ký tên Thúy và bị chồng nó gài bẫy tống tiền. Thế là chia tay…
– Còn con cái?
– Hai đứa có gia đình riêng bên Mỹ.
– Anh có tính lấy vợ lại không?
Bốn mắt nhìn nhau… thương cảm, xót xa, bất lực!
Tôi đã kết thúc truyện này lúc nửa đêm, nhưng nằm mãi 4, 5 tiếng đồng hồ vẫn không ngủ được vì ray rứt. 5 giờ sáng ngày 1-11-2019, tôi ngồi dậy viết tiếp đoạn kết như sau:
– Gặp lại bạn thân ngày xưa là Sinh, Út Cao vui quá uống hết chai rượu 30 độ rồi cởi trần lăn ra phảng ngủ theo thói quen. Gần sáng trời trở lạnh, Thúy mang mền ra đắp cho chồng thì Cao đã theo hơi rượu lên trời…
Một năm sau đám ma của Cao là đám cưới của Sinh với Thúy. Xóm làng đến đông vui, ai cũng hiểu, thương và chúc phúc cho họ. Cuộc sống lành mạnh ở quê, hạnh phúc với tình đầu gặp lại cùng sự kiên trì thể dục đã giúp Sinh vượt qua được bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Anh đã trở về “điểm xuất phát” gần như nguyên vẹn để làm lại từ đầu và luôn nhớ câu “ăn để sống”, chớ dại “sống để ăn”!.
25/6/2024
Lại Văn Long
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...