Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Giã từ mùa hạ

Giã từ mùa hạ

Ngày mai xa rồi, tôi gửi lại nơi đây những lời tha thiết nhất. Đồng nghiệp ơi! Đừng ra quá nhiều bài tập nhé! Hãy cảm thông và dành cho các trò của chúng ta những giây phút được học mà vui.
Tiếng trống tan trường vang lên như tiếng thở phào của gần 2.000 học sinh sau năm tiết học mệt nhoài, căng thẳng. Nườm nượp, nườm nượp từng dòng người tuôn ra từ tất cả các phòng học, các tầng lầu. Thoáng chốc sân trường đã cuồn cuộn những tà áo dài, áo sơ mi trắng tinh khôi hướng về phía cổng trường đã bắt đầu mở rộng. Lác đác vài phụ huynh đón con đeo khẩu trang, mặc áo khoác (dù trời rất nóng) để tránh bớt cái nóng như lửa bén vào da thịt. Tiếng ve râm ran trên những tán cây vú sữa còn sót lại những quả cuối mùa. Hàng phượng vĩ đã bắt đầu thắp những bông hoa đỏ rực giữa bát ngát lá xanh….
Những hình ảnh này đã quá quen thuộc với tôi suốt những tháng năm qua. Nhưng hôm nay, lần cuối cùng trước khi giã biệt mùa hè cùng mái trường và đàn học trò yêu dấu, tôi cứ thấy cay cay nơi sống mũi và lòng ngổn ngang bao nỗi bâng khuâng.
Tôi đứng lại trên ban công lầu ba, nhìn toàn cảnh ngôi trường như muốn ghi lại trong tim hình bóng của một miền ký ức với bao buồn vui, ước mơ, hi vọng.
Nhớ ngày ấy, giữa tháng 10.2000, tôi quyết định chuyển ra trường THPT Phước Bình theo lời mời của thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Bình. Rồi đích thân thầy Hiệu phó Đàm Xuân Vũ cầm đơn xin chuyển trường của tôi về trình Sở giáo dục. Thế là tôi được đến với ngôi trường này, với những người bạn đã gần gũi, thân thiết từ nhiều năm trước. Lúc đó, trường THPT Phước Bình mới được thành lập chưa lâu, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Đội ngũ giáo viên cũng thiếu. Hầu hết là dạy hợp đồng theo tiết với nhà trường. Học trò thì nhiều lớp học hệ bán công.Vì không đủ phòng nên cấp III học sát phòng cấp I. Mỗi khi học sinh cấp I đọc đồng thanh thì thầy trò cấp III chỉ biết bó tay ngồi nín lặng. Khủng khiếp nhất là khi nhà máy chế biến mủ cao su của nông trường 5 xả hồ chứa mủ. Bao nhiêu mùi hôi thối khủng khiếp theo gió ùa vào từng lớp học. Thầy và trò chỉ biết nín thở nhìn nhau.
Năm 2006, trường mới xây gần xong hai dãy lầu và 3 phòng xã hội hóa, bằng tiền của phụ huynh đóng góp. Tuy không còn cảnh khổ cũ nhưng thầy và trò vẫn chưa hết gian nan. Sân trường lầy đất đỏ. Nắng bụi, mưa lầy, bước xuống xe đi vào đến lớp là dép đầy đất đỏ. Dần từng bước, trường khang trang hơn. Thầy hiệu trưởng rất chú trọng việc trồng cây nên chỉ mới 5 năm sau, trường đã xanh mát bóng cây. Cổng trường, sân trường được xây, đổ bê tông sạch sẽ, không còn cảnh phải từng bước đi rón rén vì sợ bụi, sợ trơn té ngã. Chất lượng của trường càng ngày càng nâng cao. Từ một trường “sinh sau đẻ muộn” vươn lên thành một trong những trường dẫn đầu về chất lượng của toàn tỉnh.
Năm học 2016-2017, trường được chuyển về ngôi trường mới đồ sộ khang trang. Không còn phải học riêng từng khối vào hai buổi. Tất cả được học vào buổi sáng nên mọi sinh hoạt của trường thuận lợi, đông vui hơn. Thầy cô giáo cũng nhiều kinh nghiệm hơn. Học trò được học tập trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi cùng các thầy cô tận tâm nên kết quả học tập cũng cao hơn. Các thầy, cô giáo tất cả các bộ môn đều có phòng nghỉ ngơi sau giờ dạy và phòng họp của riêng tổ bộ môn mình với những tiện nghi, sạch sẽ. Đây là ước mơ của các thầy cô từ rất lâu.
Nhớ ngày trước, cứ mỗi buổi họp hội đồng, một thầy dạy sử quen sạch sẽ lại đề nghị nhà trường trang bị cho một cái gương lớn, vài cái lược để giáo viên chỉnh trang trước khi lên lớp. Trang bị ly uống nước riêng cho mỗi người- ly nhựa thôi cũng được. Vậy mà đề nghị vẫn mãi chỉ là đề nghị. Giờ đây đã đổi khác! Mỗi sớm mai đến trường, nhìn các đồng nghiệp nữ thướt tha áo dài, đồng nghiệp nam trang trọng trong những trang phục đẹp, vẻ mặt đã bớt dần những lo toan thường nhật của cơm áo gạo tiền, tôi không thể không thấy trường mình đã thật sự đổi thay cùng đất nước.
Mãi hồi tưởng lại những năm tháng cũ, tôi chợt giật mình nghe tiếng còi xe vang vọng từ dưới sân. Nhìn xuống, tôi nhận ra chiếc ôtô quen thuộc. Anh tài xế chạy lại mở cửa. Tôi vừa leo lên xe vừa cười bảo: – Cháu phải đợi à?
– Con đợi được một lúc, không thấy cô ra, con tưởng cô bận họp. Lúc nhìn lên thấy cô đứng mãi trên đó, con sợ cô tưởng con chưa đến nên bấm còi to cho cô biết!
Ngừng một lát, Quyết lại hỏi:
– Sao hôm nay cô ra muộn vậy ạ?
– Cô muốn ngắm lại trường thêm chút nữa. – Tôi nói – Năm học sau, cô nghỉ hưu rồi.
– Nghỉ hưu có buồn, có tiếc không cô?
– Nhớ thì có nhớ chứ buồn và tiếc thì không cháu ạ.
– Sao lại thế hả cô? Cháu thấy nhiều người bảo: “Nghỉ hưu thì buồn, thì tiếc.” Tôi cười nhẹ:
– Cô không buồn vì ở nhà cô cũng có nhiều việc lắm. Nghỉ hưu thì chỉ chuyển từ việc này sang việc khác thôi nên cũng chẳng có thời gian mà buồn.
Lúc còn đi dạy, cô đã cố gắng, làm được gì là hết sức rồi, nên cũng không có gì phải hối tiếc.
Xe từ từ lăn bánh, ngôi trường lùi dần lại phía sau và lòng tôi diết da bao lời lặng thầm muốn gửi lại nơi này. Cảm tạ nhé Ban giám hiệu nhà trường, những người lãnh đạo nhân ái đã luôn biết cảm thông và tạo điều kiện cho tôi có thời gian bay bổng với văn chương. Tôi sẽ mãi khắc ghi ân tình khi các thầy, cô trong ban giám hiệu sẵn sàng lên lớp thay tôi để tôi có thời gian chăm sóc cha tôi khi bệnh, lo hậu sự cho cha tôi được chu toàn. Cảm ơn nhé những đồng nghiệp thân thương với những nụ cười, những lời hỏi han, chia sẻ, những món quà vặt dúi cho nhau mỗi buổi tan trường. Cảm ơn nhé, những học trò yêu quý với những tràng vỗ tay kéo dài và vẻ mặt hồn nhiên sau mỗi tiết học đầy cảm hứng và ánh mắt long lanh lệ ướt của các em trong buổi học cuối cùng. Cảm ơn nhé những bông hoa, những món quà chứa chan tình cảm các em tặng cô vào những ngày đặc biệt. Cảm ơn nhé em: Huỳnh Quang Thiện với nhóm “Những fan cuồng của cô Biên Linh”.Cảm ơn lắm, em Bùi Quốc Việt, lớp trưởng 12D1, với những vần thơ mộc mạc chân tình cùng những “danh tôn” dành cho cô đầy ưu ái :“Người thầy đẹp nhất”, “Người thầy vĩ đại”.
Nhớ làm sao giờ học cuối cùng của 12D1. Hôm ấy, thầy dạy Toán và dạy Sinh đi họp, các em đã xin cô dạy liên hoàn ba tiết chỉ học toàn Giáo dục công dân. Cái môn học mà nhiều người bảo “không ai muốn dạy, không ai muốn học” đã trở thành môn học đầy thích thú của cô trò mình có phải không? Cô đã viết cho các em bài thơ này từ ngày hôm ấy: “Giờ học này thôi nhé/ Hết chương trình 12/ Thi xong là khép lại/ 12 năm học dài/ Học sinh không chịu nghỉ/ Đòi học cả giờ chơi Học thêm hai tiết cuối/ (Thầy đi họp trống giờ)/ Chuyện chưa từng xảy ra/ Mê học môn giáo dục/ Không thích học môn khác/ Nài nỉ cô dạy thêm/ Thương và quý các em/ Biết chọn điều cần biết/ Tình cô trò thân thiết/ Mình cũng không nỡ rời/ Miệng cố nở nụ cười/ Mà mắt rưng lệ ướt… Một em thay mặt lớp/ Chúc mừng cô rồi nói rằng/: “Cô ơi suốt một năm/ Cô dạy mười hai tiết/ Mười hai giờ quý nhất/ Với chúng em xưa rầy”.
Ôi! thật thiêng liêng! Tôi cảm ơn chiếc cặp tóc xinh xinh cùng lời dặn dò dễ thương của nhóm nữ 11A: “Cô ơi! Con gái lớp em mỗi đứa cũng có một chiếc cặp thế này. Cô hãy cặp chiếc cặp tóc này khi vào dạy lớp em cô nhé !”.
Ừ. Nhớ làm sao những giây phút quây quần đầm ấm bên 11A5, nghe các em hát tặng những bài tự chế đầy cảm xúc tình yêu dành cho cô. Nhớ bức chân dung: bạn Nguyễn Tấn Tiến vẽ tặng cô thật tài hoa và sống động. Nhớ lắm 11TN2, 11D với những giờ thuyết trình ấn tượng. Yêu rất nhiều tinh thần học tập, hăng say tự giác của 10A12. Khi giờ nào cô vào lớp, các em cũng đã chuẩn bị đầy đủ phần thuyết trình trên bảng phụ. Thú vị và bất ngờ là sự thông minh của 12TN1 khiến cho giờ học luôn đầy ắp tiếng cười. Cảm ơn những học trò yêu quý với những chiếc bánh kem kết bằng những bông hồng thắm đỏ cùng dòng chữ “ Mừng sinh nhật người cô vĩ đại” khiến cô hạnh phúc trào nước mắt.
Nhớ biết bao ngày cô ra Hà Nội nhận giải thưởng văn học trở về. Vừa ra khỏi xe đã thấy những bàn tay vẫy chào từ tất cả các tầng lầu và những tiếng reo, tiếng gọi: “Cô ơi!”, những bàn tay xếp hình trái tim khiến cho cô phải vừa đi, vừa vẫy tay chào như hoa hậu lúc đăng quang suốt từ cổng vào đến phòng chờ của giáo viên,…
Bây giờ nhớ lại, vẫn thấy ngập tràn hạnh phúc! Ngày mai xa rồi, tôi gửi lại nơi đây những lời tha thiết nhất. Đồng nghiệp ơi! Đừng ra quá nhiều bài tập nhé! Hãy cảm thông và dành cho các trò của chúng ta những giây phút được học mà vui. Hãy nhớ lại thuở xưa chúng ta đi học. Hãy quan tâm hướng nghiệp cho học trò từ sớm để mai sau ra trường, các em có thể tự nuôi sống được bản thân, gia đình; đóng góp cho xã hội bằng kiến thức, kỹ năng các em được học, không phải ôm tấm bằng mà khóc trong hoang mang, nuối tiếc. Chỉ khi ấy, chúng ta mới thực sự tròn thiên chức của “Người Thầy” như tôi đã tha thiết nói điều này trong buổi họp hội đồng hàng chục năm về trước.
Các trò ơi! Dẫu các em đã nghe bao lần rồi, cô vẫn muốn thêm một lần nhắc lại: “Hãy biết ơn và trân trọng mỗi phút giây các em được đến trường. Bởi mỗi khoảnh khắc thời gian ấy đều được đổi bằng mồ hôi, công sức và sự kì vọng của mẹ cha và những người các em yêu quý; bằng sự hy sinh và máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Mỗi bài học hôm nay các em được học đều là sự kết tinh tâm sức, trí tuệ của những tiền nhân vĩ đại, là yêu thương, chăm chút lặng thầm của các thầy, các cô. Nhớ nhé, các trò yêu quý của cô. Hãy học cho các em, vì các em. Hãy học tập và rèn luyện để xứng đáng với những người ta biết ơn. Hãy là con người có ích cho gia đình, quê hương, đất nước như trong bài thi các em đã viết hôm nào. Hãy học và rèn luyện thay cho cả những người bằng
Giã biệt nhé. Mùa hè đầy tiếng ve và những chùm phượng đỏ. Giã biệt mái trường cùng bao ký ức thân thương!.
2/7/2024
Bùi Thị Biên Linh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi Bung cánh rồng mây bay lượn/ Giọt bồ đào thiên di muộn mằn. Rơi…// Hôn lên mắt...