Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Hồ Thế Hà và duyên nợ thi ca

Hồ Thế Hà và duyên nợ thi ca

Hồ Thế Hà gần như đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho thi ca. Ban đầu, ông là một chàng sinh viên ngữ văn yêu thơ ca, rồi sau đó, trở thành một người lính và cuối cùng là một thầy giáo dạy văn chương tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Năm nay tròn 70 tuổi, có thể nói, thơ ca là phương thức cứu rỗi thế giới tinh thần Hồ Thế Hà
Hồ Thế Hà xem thơ ca như một sự nghiệp khoa học, một cách lập thân ở đời. Đó cũng lại là đam mê đầy “nghiệp chướng”, mang tính bất vụ lợi của ông. Ông là người hiếm hoi trong thời đại ngày nay có sự quan sát bền bỉ theo thời gian hơn nửa thế kỉ đối với thi ca Việt Nam. Những công trình nổi bật nhất trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phê bình thơ của Hồ Thế Hà có thể kể đến như Thơ Việt Nam hiện đại – Thi luận và Chân dung, Những khoảnh khắc đồng hiện, Lý do của hy vọng, Khoảng lặng thơ, Đường biên thơ, Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên… Đa phần những công trình này đều có chỗ đứng nhất định trong giới nghiên cứu văn học trường quy. Mảng sáng tạo thơ của Hồ Thế Hà cũng sôi động và phong phú không kém, với những tác phẩm được xuất bản khá đều đặn như: Khoảnh khắc (1993), Nghìn trùng (1994), Xác thu (1997), Thuyền trăng (2014), Tơ sương (2017), Xem mơ (2018) và Nến tình (2021). Vừa thực hành sáng tạo, vừa thực hành nghiên cứu phê bình, lại đam mê giảng dạy thơ ca ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, có thể nói Hồ Thế Hà đã gần như dâng hiến trọn đời mình cho mối duyên nợ thi ca.
Bẵng đi một thời gian, sau khi sức khỏe giảm sút bởi tuổi tác và những cơn bạo bệnh, nỗi cô đơn tuổi già, Hồ Thế Hà lại cho công bố công trình phê bình thơ mới với tựa đề Giao diện thơ. Sau những công trình nghiên cứu về lý luận thể loại thơ và phê bình chân dung thơ tâm huyết, với Giao diện thơ, Hồ Thế Hà quay trở lại với địa hạt ông cảm hứng và đam mê để qua đó, ông tiếp tục xác lập sở trường của mình, đó là phê bình văn bản thơ ca. Ở đấy, đối tượng của mỗi bài phê bình chính là một bài thơ rời để ông đi sâu diễn giải đồng sáng tạo từ tính chỉnh thể tự trị của mỗi thi phẩm.
Giao diện thơ là một công trình phê bình thơ của những tác giả, những chân dung thơ Việt Nam nổi bật thuộc nhiều thế hệ mà ông yêu thích, muốn khẳng định và dự cảm về tiềm năng thi ca của họ trong tương lai. Và ông cũng chỉ chọn mỗi người một thi phẩm mà mình yêu thích để bình luận và phân tích, chỉ ra sự đa dạng về thi pháp của từng cá tính sáng tạo. Việc lựa chọn chỉ một bài thơ duy nhất của một tác gia thơ nổi bật cần được xem như là một chiến lược khôn ngoan đầy dụng ý của Hồ Thế Hà. Với cách viết và khoanh vùng hạn hẹp như thế, ông không cần quan tâm hay bàn luận nhiều về tiểu sử tác giả, phong cách cá nhân, trào lưu, hiện thực đời sống hay tư tưởng của nhà thơ, cái Hồ Thế Hà quan tâm duy nhất, cũng là nơi ông sở trường khi viết, đó là thế giới nghệ thuật của văn bản thi ca. Vì vậy, hình thức/ thủ pháp nghệ thuật lẫn tư tưởng thơ chính là điều Hồ Thế Hà quan tâm thường trực trong Giao diện thơ để tạo sinh nghĩa cho từng thi phẩm.
Sự cảm tính, xu hướng đồng sáng tạo, lối viết phê bình ấn tượng nhưng đầy luận lý nghệ thuật có thể dễ dàng nhận ra như những nét ưu trội của công trình Giao diện thơ. Đó đồng thời cũng là những thế mạnh căn bản trong lối viết của Hồ Thế Hà. Chọn 38 bài thơ của 38 tác giả thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nằm trong chủ ý của Hồ Thế Hà là muốn qua đó, phần nào nhận diện sự vận động và phát triển thể loại thơ Việt trên hành trình hiện đại, cũng có nghĩa là, muốn chỉ ra những cạnh khía thi pháp của mỗi hệ hình thơ từ hiện đại đến hậu hiện đại ở mỗi thế hệ cầm bút. Do vậy, những mức độ bao quát, khảo sát của Giao diện thơ có thể nói là khá rộng, kéo dài xuyên suốt hai thế kỷ thơ ca hiện đại – hậu hiện đại ở Việt Nam. Từ những đại thụ lừng danh của phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… kéo dài qua thế hệ những nhà thơ chống Mỹ cuối thế kỷ XX như Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Thu Bồn… và kết lại ở thế hệ nhà thơ trẻ đương đại đầu thế kỷ XXI như Lê Thiếu Nhơn, Hoàng Thụy Anh, Đào An Duyên, Hồ Đăng Thanh Ngọc… đều nằm trong mạch chỉ ra sự nối tiếp sáng tạo thi pháp thơ Việt của Hồ Thế Hà.
Đọc Giao diện thơ, dù ông không tuyên bố, nhưng tinh ý, chúng ta có thể thấy Hồ Thế Hà đã chọn cho công trình của mình hướng tiếp cận nền tảng và các phương pháp nghiên cứu lý thuyết đa dạng. Theo đó, thi pháp học là hướng tiếp cận nền tảng để thao tác giải mã thi phẩm từ hình thức đến nội dung dựa trên sự thống kê, đối lập các yếu tố tham gia cấu thành chỉnh thể bài thơ; còn phương pháp lý thuyết vận dụng bổ sung thì tùy từng bài thơ cụ thể mà có cách tiếp cận tương thích. Đa phần, ông dựa vào phương pháp phê bình ngôn ngữ học (chất liệu), dựa trên cấu trúc ngôn ngữ và đặc trưng của từng thể thơ, dựa nội dung từng bài thơ để lựa chọn phương pháp. Có bài thơ vận dụng phương pháp phê bình lịch sử – văn hóa, địa – văn hóa, sinh thái…, có bài thơ dựa vào phương pháp phê bình phân tâm học, hiện sinh, ký hiệu học, có bàì thơ dựa vào phê bình ấn tượng, trực giác kết hợp kinh nghiệm sống trải cá nhân mình để bình luận, phân tích… Nghĩa là Hồ Thế Hà rất linh hoạt trong việc phê bình từng thi phẩm cụ thể, chứ không rập khuôn cứng nhắc một phương pháp hoặc thủ pháp cố định nào. Cuối cùng là để tạo sinh nghĩa từ những mã ẩn ngữ, mã thẩm mỹ – tư tưởng trong các thi phẩm. Điều này không có gì lạ bởi ông là một nhà phê bình chuyên nghiệp, gần như dành cả đời để nghiên cứu lý thuyết văn chương lẫn thực hành phê bình thơ ca.
Điều cần ghi nhận là tính hợp lý và hiệu quả trong sự vận dụng lý thuyết của Hồ Thế Hà. Ví dụ, khi nhận định về thi phẩm Mùa xuân chín, lý thuyết thi pháp đã được áp dụng hiệu quả, để nhận ra không – thời gian đặc trưng của thơ Hàn Mặc Tử: “Bằng cái nhìn từ cận cảnh đến viễn cảnh, Hàn Mặc Tử đã kiến trúc bài thơ với sự mở rộng trục không gian theo chiều cao và chiều rộng… Chất thơ Hàn Mặc Tử chính là bắt nguồn từ sự sự tương hợp giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh riêng, khác và lạ.” Với Nguyệt cầm của Xuân Diệu, đó là “Bài thơ còn độc đáo ở cách kiến trúc hình thức: từ ngôn ngữ, hình tượng đến các biện pháp tu từ nghệ thuật; từ cách dụng điển đến cách tạo nhạc thơ (nhịp điệu và vần điệu); từ cách tạo dựng không gian nghệ thuật đến thời gian nghệ thuật; từ cảm hứng lãng mạn đến nghệ thuật tượng trưng, siêu thực; từ tương hợp về hương thơm, màu sắc, âm thanh đến tương hợp về tâm cảnh và ngoại cảnh… Tất cả đã tạo thành một chỉnh thể thi ca âm vang, lộng lẫy mang phong cách hiện đại phương Tây nhưng cũng thấm đẫm chất huyền bí phương Đông.” Những nhận định đa dạng như vậy đối với các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới cho thấy khả năng linh hoạt trong từng trang phê bình của Hồ Thế Hà.
Với các nhà thơ các thế hệ sau, Hồ Thế Hà có cái nhìn khác. Ông đã có nhận định bất ngờ về Văn Cao qua bài Quy Nhơn III: “Cái nhìn nhân văn thường trực trong tư tưởng của Văn Cao, giúp ông hình dung và nhận ra chân lý của vấn đề, đặt trong tương quan với các quan hệ bản chất của vùng đất, thông qua cảnh vật, sinh thái thiên nhiên và sinh thái tinh thần – xã hội để đúc kết thành những triết lý mới mẻ, sâu sắc. Vì vậy mà đọc xong bài thơ Quy Nhơn III, chúng ta nhận ra Quy Nhơn vừa tượng trưng, huyền thoại vừa hiện thực đầy sáng tạo của Văn Cao.”
Với các nhà thơ trẻ, Hồ Thế Hà cũng quan tâm chỉ ra những khám phá và thể nghiệm mới mẻ của họ. Hồ Thế Hà lựa chọn phê bình sinh thái lẫn chủ nghĩa hiện sinh để giải mã Lê Thiếu Nhơn: “Lê Thiếu Nhơn quá hiểu những trạng thái của thiên nhiên và tình trạng bất ổn, dửng dưng, tha hóa của người đời nên tốt nhất là im lặng trong tĩnh lặng lúc giao mùa. Mỗi chủ thể hiện sinh tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn hành vi đạo đức của mình.” Với Hoàng Thụy Anh, Hồ Thế Hà chỉ ra sự năng động trong ngôn từ nghệ thuật trong bài thơ Cái bóng: “Hoàng Thụy Anh kiến trúc bài thơ theo thể tự do, kiệm lời đến tối đa mà sức bật của ngôn từ, ngữ nghĩa thì ngân vang, kích thích tiếp nhận, suy ngẫm đồng sáng tạo cho người đọc. Phiên bản – Cái bóng hiểu theo nghĩa đó sẽ là cổ mẫu cần được lập lại như phiên bản tốt đẹp cho mỗi người soi vào để hoàn thiện nhân cách và nhân vị… Suy cho cùng, cái bóng dù thế nào cũng chỉ là cái bóng. Nó không thật, nhưng nó là phiên bản của mỗi con người thật khi được ánh sáng soi chiếu. Và mỗi chúng ta, ai cũng muốn cái bóng – phiên bản của mình chân thật và tốt đẹp, tròn đầy, không dài hơn và rộng hơn hoặc méo hơn để mãi mãi những cái bóng hệt đứa trẻ/ đòi lớn lên trong ý thức và khát vọng cao đẹp giữa cõi người nhân hậu.”
Còn nhiều những nhận định có tính phát hiện mới trong từng thi phẩm của mỗi nhà thơ trẻ mà tôi không thể và cũng không nhất thiết phải trích dẫn. Bạn đọc sẽ tự thức nhận và đồng cảm khi tiếp nhận Giao diện thơ của Hồ Thế Hà.
Có thể nói, qua Giao diện thơ, Hồ Thế Hà đa tạo cho mình lối phê bình đa lý thuyết, đa hệ thống, nhìn qua tưởng “vô chiêu” mà lại đòi hỏi “hữu chiêu” trong nền tảng thi học của mình. Song thành công của Giao diện thơ không nằm ở chỗ nhiều lý thuyết hay nhiều kiến thức hàn lâm, tôi xin nhấn mạnh điều này. Thành công và ấn tượng của tập phê bình này còn chính là ở duyên nợ thi ca và khả năng cảm thụ, đồng cảm, sức diễn giải đồng hiện/ đồng sáng tạo, giàu cảm xúc – suy lý nghệ thuật tinh tế. Đó là một năng lực đặc biệt, cố hữu trong lối phê bình chuyên nghiệp của tác giả công trình. Và ở điểm này, chỉ có sự đọc của độc giả mới có thể cảm nhận được sự tiếp nhận thơ theo ý thức về Cái Mới và Cái Khác của Hồ Thế Hà với tư cách hai trong một: nhà thơ và nhà phê bình.
7/7/2024
Phan Tuấn Anh
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 23/2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi Bung cánh rồng mây bay lượn/ Giọt bồ đào thiên di muộn mằn. Rơi…// Hôn lên mắt...