Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Những câu thơ ủ từ lòng cát

Những câu thơ ủ từ lòng cát

Nếu tập thơ đầu tay “Cuộc hành hương của những giấc mơ” (Nxb Hội Nhà văn, 2021) là một cuộc hành hương đi tìm bản thể chính mình thì “Những phức cảm đồng tâm” (Nxb Hội Nhà văn, 2024) là phức cảm của chính bản thể của cây bút trẻ Hà Hương Sơn (sinh năm 1987, quê Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) – một “sinh viên già” vừa tốt nghiệp chuyên ngành Viết văn (Đại học Văn hóa Hà Nội) sau khi bỏ dở các chương trình đào tạo của các trường đại học anh theo học thời còn trẻ.
Bên cạnh thơ, Sơn đã xuất bản 01 tiểu thuyết và 01 tập truyện ngắn. Ngay từ lúc còn ngồi ở giảng đường, anh đã từng vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn Báo Người Lao động và đạt Giải Khuyến khích cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Hiện anh đang làm báo, viết văn tự do ở Hà Nội.
Hai tập thơ của Sơn không có tên từng bài riêng mà cấu trúc cả tập là một chỉnh thể được phân đoạn. “Cuộc hành hương của giấc mơ” gồm 48 bài được đánh số từ 1 đến 48 (48 giấc mơ hành hương), còn tập “Những phức cảm đồng tâm” gồm 37 bài (là 37 phức cảm) hợp lại từ “Phức cảm 1” đến “Phức cảm 37”. Nếu lời đề từ của “Cuộc hành hương…” là: “Mỗi người, trong cuộc đời này đều có cuộc hành hương riêng, về nơi đất thánh của riêng mình” thì ở “Những phức cảm đồng tâm”, đề từ của anh là: “tôi tinh lọc những vần thơ từ cát/ ủ từng đêm cho cát nở thành hoa”.
Đây là một lối đi lạ trong thơ Hà Hương Sơn: Từ “những cuộc hành hương” về bản thể (“đất thánh của riêng mình” – cũng chính là thơ) thì “những phức cảm” của anh cũng là phức cảm từ vùng “đất thánh” ấy, từ thơ ấy – tức là từ “đồng tâm” ấy mà ra. Nghĩa là, hành hương về với sơ nguyên, bản nguyên, rồi từ bản nguyên ấy, những “phức cảm” thơ hình thành. Đây là những đóa “hoa” – vần thơ “ủ từ cát”. Cát ấy là bản thể, là nguyên thủy, là đầu tiên, là cội nguồn quê cát Bình Thạnh – nơi Sơn oe oe tiếng khóc chào đời:
ngọn phi lao vẫn
vươn về phía mặt trời
qua hiện thực tìm thấy hiện thực
nắng lung linh ban phát sinh lực
vạn vật kết nối thành suy tưởng.
Cho nên dù “những giấc mơ” có trỗi dậy “từ ngọn Everest” rồi “chìm sâu hun hút vào rãnh Mariana” – “nơi mùa yêu sinh trưởng diệu kỳ”; hay “một chấm sáng nhỏ/ giữa dòng Ngân Hà giữa vũ trụ bao la”, giữa “Thiên Hà vô tận đảo vắng”; hoặc từ những “cơn lốc xoáy” của những “đa vũ trụ” khi “em nắm tay anh qua hoàng hôn Hồ Tây”… vẫn cứ thấy “những giấc mơ trỗi dậy/ mọc lên những khát khao”; thấy “một nụ hoa trắng như vôi/ chạm miền cực lạc bên đồi”; thấy “lộng lẫy nụ hôn bản nguyên vô vàn vũ trụ” (Phức cảm 01).
Nghĩa là, dù con người có “hành hương” về đâu vẫn xuất phát từ những “giấc mơ” từ trong vô thức và tiềm thức chính mình. Chuyện tình, chuyện đời, dù có “phức cảm” đến đâu vẫn xuất phát “đồng tâm” từ trái tim mình. Đó chính là “cuộc hành hương” về cái sơ nguyên, bản thể như triết-gia-thơ Bùi Giáng từng nói: Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh (Áo xanh). Hà Hương Sơn cảm nhận:
“anh nhìn vào mắt em
những ngọn núi những cánh đồng những mênh mông khoảng trống
vũ trụ nảy nở thành những ý muốn nguyên sơ”

“hình hài tâm tưởng mùa xuân
nảy lộc từ hư vô
em nảy lộc từ anh
hư vô nguyên thủy” (Phức cảm 01).
Cái “nguyên sơ”, “hư vô nguyên thủy” ấy không có gì khác hơn, chính là bổn làng, quê quán miền Trung đất Việt quê anh:
“mẹ – miền Trung nắng sôi, lũ dựng
con xa quê, xa nhớ những ngày về
đêm thao thức nghe từng nhịp thở
đang trôi đi như sóng cuộn xa bờ (Phức cảm 20).
Anh thật sự hòa nhập vào đất quê:
“đêm nghe mùi khói bếp
chạm đồng quê” (Phức cảm 07);
chân quê:
“núi ôm giấc mơ lá
thênh thang cánh đồng
những nụ hoa khát vọng” (Phức cảm 03);
dòng sông quê, đá núi quê nhà, “mùa màng ban sơ” đang gieo cấy:
“dòng sông tuổi thơ
anh lạc vào vũng nhớ
em như nắng trải vàng lên lá
từng cơn gió lạc vào núi đá
chạm mùa màng ban sơ” (Phức cảm 04); …
và xem đó như là một biểu tượng sơ nguyên.
Nhà văn Mai Bá Ấn (tác giả bài viết)
Cho nên, dù là những giấc mơ hành hương muôn nơi hay những phức cảm đa tầng thể hiện bằng một tư duy hiện đại, thơ Hà Hương Sơn chung quy vẫn xuất phát từ bản thể cội nguồn, đơn sơ như làng quê cát Bình Thuận quê anh, nơi có:
“cây khế ngọt
mùi bùn đất
những con trâu phơi mình dưới nắng
bóng bạch đàn đậm soi
cồn mây lơ lửng”.
Chính ở đó,
“anh nhìn thấy tổ tiên
gối đầu vào nấm cỏ
mộng biên niên huy hoàng”… (Phức cảm 32).
Ta mới hiểu, vì sao, Sơn mở đầu tập thơ này bằng hai câu đề từ:
“tôi tinh lọc những vần thơ từ cát
ủ từng đêm cho cát nở thành hoa”.
18/7/2924
Mai Bá Ấn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...