Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Một lần trở lại

Một lần trở lại

Cuộc thi Sáng tác tác phẩm Văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1.7.1989-1.7.2024) do Hội VHNT Phú Yên tổ chức vừa kết thúc thành công. Tác giả trẻ Phạm Thị Hải Dương được trao giải ba với truyện ngắn Một lần trở lại. Sau khi tốt nghiệp đại học ở TPHCM, Phạm Thị Hải Dương trở về quê Phú Yên làm việc và sáng tác với nhiều ước mơ và khát vọng, từng bước hình thành giá trị của một người trẻ năng động, một cây bút văn xuôi giàu triển vọng. Vanvn trân trọng giới thiệu truyện ngắn Một lần trở lại của cô gái tuổi “tam thập nhi lập” ở xứ sở hoa vàng cỏ xanh.
Chiếc xe khách chầm chậm trờ tới rồi dừng hẳn dưới một tán gòn khẳng khiu, lủng lẳng những chùm bông trắng xóa. Cùng với Lê, số khách còn lại trên xe đang lục tục hành lý chuẩn bị xuống. Đến lúc này thì Lê chắc chắn cô đã đến được nơi cần đến. Cô hít lấy một hơi sâu, như thể nếu không làm vậy, Lê không thể nào nhấc chân bước tới được.
Bên ngoài, trời sáng hẳn, mặt trời đã lên tròn vạnh trên đầu. Bầu trời buổi sớm có màu xanh lam nhàn nhạt, không một gợn mây, đúng biểu hiện thời tiết của những sáng đầu hè. Tuy vậy, Lê không cảm thấy nóng. Cô đưa cánh tay đeo đồng hồ lên, vẫn còn lâu lắm mới tới giờ hẹn. Lê chậm rãi mang ba lô, thả bộ theo hướng dẫn của bản đồ trên điện thoại.
Sau chừng vài chục mét đường lộ, Lê ngoặc vào một nhánh bê tông nông thôn. Hai bên đường, cỏ cây được cắt gọt vuông vắn. Người ta dựng những cái rào di động bằng tre, vừa ngăn những bụi tường vi phớt hồng không tràn ra đường, vừa làm cho các bức ảnh của du khách thêm sinh động. Bên dưới tán tường vi là vạt lá gấm đỏ tía, xen với hoa sao nhái mọc quấn lấy nhau thành thảm màu đủ sắc. Bên kia đường, một ao sen nhỏ hiện ra. Mới đầu hè nên các búp hoa hãy còn nhiều, chúm chím nhô lên trong nắng sớm. Ai đó dựng một lán nhỏ ngay bìa đất sát mép đường bê tông, mái che lá dừa, hai bên vách để hai chiếc xích đu bằng tre. Bàn ghế xinh xắn được bày ra, quay lưng ra đường, mặt hướng ao sen, sẵn lòng đón những vị khách đầu tiên trong ngày.
Nghề nghiệp cho phép Lê được nhiều lần nhìn ngắm cảnh sắc tương tự thế này. Những chỗ làm du lịch sinh thái mà cô đi qua hầu như không có gì ngoài một vài cái farm mọc lên trên các thửa cỏ sát thềm sông. Mấy chiếc dù tán rộng và những cây bảng mũi tên chỉ đường xanh đỏ đặt rải rác nhau rất thiếu tính toán. Các dịch vụ kèm theo thường quá mỏng. Khách đến đốt một bếp lửa, thưởng thức chút ít đặc sản địa phương. Thứ mang về là trải nghiệm một đêm ngủ rừng và vài bức ảnh để post lên facebook cá nhân.
Ở đây, người ta biết nhẹ tay với thiên nhiên hơn. Chỗ nào cần gọt tỉa mới gọt tỉa chứ không cào bằng mọi thứ rồi thế vào những xây lắp thô tháo. Tuy nhiên, bấy nhiêu thì chưa đủ đặc biệt như bên trên yêu cầu. Lê tặc lưỡi thở dài, nghĩ về sự lo lắng ông Jo, sếp người Hàn trực tiếp quản lý cô.
– Chuyến này rất quan trọng, cô phải càng tỉ mỉ nhé, Lê!
Homestay chỗ Lê ở nhiều cây cỏ. Chúng đứng đó tự nhiên đến nỗi cô không nghĩ ba năm trước, đây vẫn còn là một vùng đất trống khô khốc, lèo tèo vài gốc cây ăn quả vô thưởng vô phạt che cho những nóc nhà tôn nóng rẫy nheo nhóc người già, trẻ con như miêu tả của Ngọc qua email. Lê mở cửa sổ căn phòng nghỉ mà Ngọc dành cho cô từ trước. Màu xanh của đồng nội tràn vào mắt Lê.
– Chị dùng cold brew phải không?
Ngọc nở một nụ cười tươi rồi đặt ly lên miếng lót trước mặt Lê. Cô cảm thấy một chút vị chua nhẹ dậy lên từ phần cà phê rồi tan vào không khí buổi sớm. Ngọc quay lại, ngồi vào chiếc ghế đối diện với Lê, trên tay cô gái là một tách cà phê sữa máy.
Ngọc – chủ homestay này và có thể sắp là đối tác với công ty Lê có dáng người cao, khỏe khoắn, tóc được búi gọn bằng một chiếc trâm gỗ nhìn có vẻ đơn giản. Cô mặc một chiếc váy suông bằng vải linen màu hạt dẻ, dài chấm mắt cá chân. Lê nhấp một chút thức uống, hơi lạnh của nó làm cô tỉnh táo sau một đêm dài mỏi mệt trên chiếc giường chật chội.
– Chị Lê đã xem qua menu chưa? – Ngọc đặt ly của cô xuống, có vẻ không quá vội vàng chờ câu trả lời từ người đối diện.
– Đa dạng đó chứ, món này – Lê giơ ly cà phê lên – được lắm đấy Ngọc.
– Đa phần khách có gu nên bọn em không dám cẩu thả. Mùa thấp điểm ở đây vẫn hút hơn nhiều nơi khác. Chi tiết hơn có lẽ bên chị đã nghiên cứu. Hôm nay chúng ta trải nghiệm thực tế nhiều hơn nhé!
Chi tiết mà Ngọc nói là bảng mô tả toàn khu vực rộng tới vài chục hecta, đã được quy hoạch và triển khai để phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn, cụ thể là du lịch sinh thái, cộng đồng và giáo dục.
Điều hay là các công trình, dự án ở đây đều được đầu tư đồng bộ từ đầu, không bị lôm côm và đứt gãy. Ở một tỉnh miền Trung đầy nắng, mùa gió nam càn qua muốn rộc người, thể nào mọi thứ lại tươi xanh đến thế. Lê hít sâu, nhớ lại mảng xanh bên ngoài cửa sổ, tự hỏi liệu mình có bị ly cold brew vừa rồi làm cho mụ mị không…
Xe điện chầm chậm lướt đi giữa những rặng xanh bạt ngàn. Vùng trung du này thật rộng lớn. Khách đến đây có thể hòa mình vào đủ loại trải nghiệm như trồng cây, bắt cá, tráng bánh, thu hoạch nông sản. Buổi sáng có thể đến lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em. Buổi chiều đưa đám nhỏ đi thả diều ngoài bãi. Ban đêm, giữa trung tâm thị trấn có phục vụ bài chòi. Xa hơn xíu có vài cái pub nhỏ rải rác khách tới lui nghe chút nhạc đồng quê dưới đèn vàng ấm áp.
Ngọc và một số anh chị em nữa kết nối với các đơn vị chuyên khai thác du lịch biển đảo. Khi trải nghiệm ở rừng kết thúc, xe đón về biển bất kỳ lúc nào nếu khách muốn. Chi phí cũng vừa chừng, phù hợp với giai đoạn kinh tế suy thoái.
Ngọc cứ nói, từng lời từ tốn và đều đặn như đang lần chuỗi tràng hạt. Thảng hoặc, cô sẽ vừa chỉ chỗ này, đồng thời liên kết giới thiệu chỗ kia. Có đoạn, xe đi qua một quãng trống đỏ màu đất bazan, Ngọc ngơi, tay nhịp nhịp lên đùi, cất lên một câu hát ru nào đó nghe chừng quen lắm. Ngọc không quá sôi nổi và nhiệt huyết theo kiểu những cô cậu thanh niên đôi mươi bỏ phố về rừng, chật vật với kiến thức cây cối và con giống. Cô thong thả như một con sáo nâu đã quen với độ cao thấp của những vòm lá. Con sáo biết bao giờ nên đập cánh, khi nào thung thăng bộ hành…
Tuy rằng đã cố tiếp nhận các thông tin từ Ngọc nhưng Lê vẫn cảm thấy còn một khoảng hẫng nào đó khiến cô mất tập trung. Nó ở đâu nhỉ, giữa khoảng đất chưa kịp xuống giống hay cách xa chỗ xe điện dừng lại chừng vài con dốc? Nếu có cái cây nào còn đứng đây làm dấu hiệu, Lê có thể nhớ được cái cây đó không? Lúc đó cô còn quá nhỏ. Thôi mà Lê, đừng tìm nữa, đừng tìm nữa mà, cô nhủ thầm phải tập trung hoàn thành công việc trước đã…
Tối hôm đó có mưa. Lê nằm trong phòng nghe được mùi cây cỏ được tắm tưới mát mẻ. Cô đã tìm mọi cách hòng từ chối ông Jo khi sếp muốn Lê đi khảo sát chuyến này, nhưng bất thành. Chỉ có cô, đúng vậy, mỗi Lê là phù hợp nhất…
Lê chìm vào chăn gối thơm sạch ấm áp. Trong giấc ngủ, cơn mưa ào trút xuống. Mưa day dứ mặt đất hết ngày này tới ngày khác. Nước cuộn phù sa từ thượng nguồn, đổ thành dòng vàng rực. Những người đàn ông ở rừng nhem nhuốc trở về. Ai cũng ghì trên chiếc xe đạp đòn dông gỉ sét một vài sản vật gì đó. Chúng cũng ướt nhèm, được đem ra từ những ngọn đồi, ngọn núi đen thẫm trong mưa phía xa kia. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, rừng cuối cùng cũng lấy lại vài thứ, trong đó có cha cô. Mẹ bồng Lê đi xứ khác từ độ đó và không bao giờ bà trở lại quê chồng lần nào nữa…
Lê choàng tỉnh, mồ hôi rịn ra thấm ướt lưng. Tiếng mưa bên ngoài đã ngớt. Cô định bụng sẽ thay áo khác, bật máy lạnh lên và tiếp tục ngủ. Song, khi trở về giường cô không tài nào vào giấc nữa. Lê ngồi dậy, thắp các ngọn đèn, khoác thêm một lớp áo rồi mở cửa phòng bước xuống sảnh.
Cô ngồi vào bàn, vẫn chỗ lúc sáng ngồi với Ngọc. Cậu phục vụ từ tốn đặt menu trước mặt Lê, hỏi chị muốn dùng gì. Bây giờ hẵng còn sớm, có mấy món địa phương khá hay ho, chị có muốn thử nếm chút không, chắc chắn có uống chút đỉnh cũng không làm chị mất ngủ.
Lê ngước nhìn cậu trai trẻ. Cậu bé chừng hai mươi tuổi nhưng tác phong rất khá.
– Em ở đâu tới đây? Làm phục vụ lâu chưa?
– Em ở Hòa Bình, cách đây chừng hai cây số. Từ hồi hết lớp 12 là em vào đây. Làm được ba năm rồi ạ!
– Thế còn ngoại ngữ, chắc ổn ha! Lúc sáng sang chỗ nhà giàn dưa lưới, chị thấy khách Tây nhiều lắm.
Cậu trai nở một nụ cười tự tin.
– Trước em không giao tiếp được nhưng giờ êm rồi chị. Ban đầu chị Ngọc kết nối giáo viên dạy online cho tụi em. Sau này du khách đến dạy bọn trẻ con, tụi em xuống ca thường ghé qua học ké. – Cậu nhỏ cười hè hè.
Lê cảm thấy vừa lòng. Cô lướt xem kỹ tấm menu chưa kịp đọc hết khi sáng. Ngoài đủ món cà phê thì homestay cũng chú ý thu hút khách bằng cách cài mấy món đặc sản địa phương như hạt đác hay sương sâm vào các món nước. Hạt đác thì xứ Nam Trung Bộ, đặc biệt tỉnh này rất nhiều. Điều này trong catalogue Ngọc gửi hình như có. Nhưng nếu không thì Lê vẫn thừa sức biết. Cô nhớ được vài buổi theo bà đi chợ chiều, bà thường mua cho Lê mấy đồng hạt đác. Người ta ngâm hạt trong những thau nước lớn. Hạt ngậm nước trương lên đùng đục. Lúc nào bà cũng ép Lê ăn cho hết nhưng cô luôn chống lại thứ vị nhạt thếch đó. Không ngờ món quà thanh mát xưa, hiện tại trở nên thông dụng và được ưa thích rất nhiều. Bây giờ thì Lê đã hiểu tại sao ông Jo cứ nhất quyết muốn Lê về lại nơi này. Bởi nếu không là cô, một người vừa lạ vừa quen thì khó lòng có ai cảm nhận được tốt mọi thứ…
– Hay chị dùng trà sữa, home mới thử nghiệm dùng sương sâm làm topping, lạ miệng đó chị. – Thấy Lê có vẻ nấn ná lâu, cậu phục vụ hào hứng giới thiệu thêm.
Ban chiều Ngọc có đưa cô đến vườn sương sâm. Cổ nói, bà con ở đây gọi nó là sâm nam. Khiêm tốn gọi vườn nhưng trải rộng ngút mắt đến mức Lê không thấy điểm cuối ở đâu. Hệ thống tưới được đầu tư tự động nên không có mấy người túc trực. Dây lá cuộn lên um tùm đẹp mắt vô cùng. Vườn trồng đã lâu, tuy hơi khó chăm sóc nhưng tầm một năm lại đây sản lượng khá lắm. Ngoài phục vụ tại chỗ, bà con còn bán đi các nơi, rất đắt hàng nữa là đằng khác.
Lê thầm thán phục Ngọc. Cô vừa tạo được công ăn việc làm cho mọi người, còn tận dụng làm thương hiệu cá nhân và món đặc trưng cho home của mình. Đúng như ấn tượng đầu tiên, Ngọc là một con chim đầu đàn điềm tĩnh. Cô từ địa phương này ra đi, học hành bài bản rồi trở lại. Ngọc hiểu cô cần làm gì và cô đã làm đúng tất cả mọi thứ, vĩ mô, tâm huyết và vô vùng tỉ mỉ.
Trong lúc cậu phục vụ lục tục trong quầy bar thì Lê đứng dậy dạo xung quanh. Phía trước quầy có một hộc gỗ nhỏ để vài thứ hay ho. Lê cầm lên một lọ dầu gội, tên của nó, cô nhẩm đọc “The Night of Champa”, có thể tạm dịch là “Đêm Chăm Pa huyền diệu”. Thú vị chưa, cô nghĩ thầm, chắc là nói tới việc xứ này từng của người Chăm, dấu tích để lại là ngọn tháp Nhạn trong lòng thành phố cách đây vài chục cây số. Lọ sữa tắm bên cạnh có tên “Poet in the Moonlight”. Cô chưa kịp liên tưởng thì tiếng cậu phục vụ lại vang lên sau lưng.
– Là long diên hương – thứ trầm hương của biển khơi. Trong ngành chế tác nước hoa, nó được xem là viên ngọc quý đó chị. Còn tên gọi, có thể chị chưa biết, quê em “làm thơ” với “làm thuê” tuy hai mà một, tuy một mà hai! Số lượng nhà thơ bằng số người đi làm thuê đó chị, hí hí…
Cậu tếu táo pha chút giọng địa phương rồi cười tinh quái. Lê cũng bật cười. Cậu phục vụ ngước lên chờ đợi, có thể theo phản xạ từ những lần nói chuyện với khách trước đây. Tiếp theo khách sẽ băn khoăn hỏi lại, làm sao mà “làm thuê” với “làm thơ” lại tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nhưng Lê thì khác, cô cần gì nghe cậu bé trổ tài hướng dẫn. Dĩ nhiên cô hiểu, mà còn hiểu sâu những lời nhằm kích thích tò mò của du khách mà cậu bé vừa thốt ra.
Lê rà lại mọi việc đã trải nghiệm từ sáng tới giờ. Mọi thứ đều rất tỉ mỉ và tinh tế, Lê kết luận rồi thở phào, nghĩ về gương mặt sẽ giãn ra phần nào khi ông Jo nghe cô báo cáo sơ bộ vào ngày mai.
Bữa tiệc mừng công sau một năm hợp tác có mặt ông Jo, Lê và Ngọc cùng đội ngũ của hai bên. Ai nấy đều tươi tắn, đặc biệt là ông sếp người Hàn. Cấp trên của Lê nhảy sạp giỏi và uống rượu cần rất khá. Khi nghe ông cất tiếng hô: “Lẳng lặng mà nghe tui kêu con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây, con mấy gì ra…” ai nấy đều bật cười.
Tiệc tổ chức đúng tinh thần hợp tác của hai bên, đa dạng phong vị địa phương và các chi tiết được bày bố rất khéo. Khi sắp tàn cuộc, Ngọc nhỏ giọng gọi Lê ra xa, tránh tiếng người ồn náo đang xúm nhau cười rặc rặc. Ngọc nhìn sâu vào mắt Lê, vẫn từ tốn như vậy.
– Em tìm được chỗ chị hỏi lâu nay rồi…
Lê thoáng khựng lại. Một hơi thở sau đó, cô lấy lại bình tĩnh. Bọn họ đang đứng trên một mô đất cao, chỗ đốt lửa trại cho khách. Từ đây có thể nhìn ra khắp các hướng mà không bị thứ gì che khuất.
– Là phía nào thế, Ngọc? – Cô chùng xuống, không dấu được một chút chạnh lòng.
– Bên này, đây chị! – Ngọc xoay người, tay chỉ về phía Tây.
Đúng rồi, bà con khai khẩn về phía Tây, chỗ từng là rừng núi hoang sơ, tối thẫm. Trước đã có chủ trương như thế, gia đình phía nội của Lê theo chính sách này, gùi nhau tìm vùng đất mới. Thật ra Lê có thể tự đi tìm. Một năm qua, cô đã rành rẽ nơi này, nhiều khi hơn cả dân địa phương. Nhưng có điều gì cản bước cô, cũng nặng nhọc như buổi sáng đầu tiên Lê bước xuống từ xe khách. Những câu hỏi, nỗi dằn vặt, sự tủi hờn lẫn xấu hổ thường vây lấy cô, hãm cô lại mỗi lần Lê muốn tìm về.
– Không có chỗ nào giống như miêu tả của chị. Khu đó chính quyền có quy hoạch rồi. Sắp tới cũng phát triển tương tự bên chúng ta. May mà chị nhớ được tên của người nhà nên em hỏi được. Nghe tên chị, mấy anh chị họ của chị mong lắm đó…
Lê không muốn khóc. Cô ngước lên để giọt nước mắt khỏi rơi ra. Bầu trời mùa hè vẫn một màu lam nhạt, không có mây như ngày đầu tiên Lê trở lại. Chỉ có một điều khác là bây giờ cô biết mình nên đi về phía nào để bù đắp phần hao hụt trong suốt nhiều năm qua. Phía đấy hẳn sẽ thay áo mới, đẹp đẽ và hiện đại hơn những gì cô nhớ được. Lê cảm thấy một nỗi vui len lén nở ra trong lòng. Cô cúi mặt để giọt nước mắt được rớt xuống tự nhiên.
30/6/2024
Phạm Thị Hải Dương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...