Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Phía chân trời vô tận

Phía chân trời vô tận

Chị là một cô giáo, nhưng nhiều người quen thường hay trêu đùa vì cái tướng của chị khiến người ta liên tưởng đến công việc đồng áng. Chị có dáng khỏe mạnh, hơi đậm, lại có nước da nâu pha đỏ mà các cụ thường gọi là da cam sành, đã thế lại có bầu lỗ mũi to, tròn. Chị lúc nào cũng vui vẻ. Mỗi khi cười, mắt nhắm tịt lại… Nhà chị ở xóm bờ sông, gần cầu Nguyện Thê, nối hai đầu quốc lộ, bên này là con đê Thanh Tuyền, uốn lượn ven sông, đi tiếp là đến chợ Lương Phú. Thật đúng như các cụ đã nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang!”
Giá như không có chiến tranh, thì đây quả là một nơi non nước hữu tình, không khí thì trong lành, rời xa chốn phồn hoa đô hội nhưng vẫn trù phú ấm cúng bởi cuộc sống quần tụ, chan hòa, làng trên xóm dưới. Giặc Mỹ đánh phá cầu Nguyện Thê, là điểm “yết hầu” nối Hà Nội với Hải Phòng, thành ra, trường, lớp sơ tán, cô theo trò, con theo mẹ về làng hẻo lánh, xa cầu.
Chồng chị là công nhân lái tàu đường sông, thường xuyên xa nhà, công việc của anh chủ yếu là chuyên chở hàng quân sự cho bộ đội. Có lần, tàu rơi vào vùng địch thả bom, anh bị văng xuống sông, chìm nổi tưởng mất xác, may mắn anh em tìm thấy, vớt được. Anh về nhà với chị, được chị chăm bẵm gần hai tháng, khi bình phục, anh lại tiếp tục công việc. Chiến tranh ác liệt, công việc của anh lại mang tính khẩn trương cập rập nên có khi đến hai, ba tháng anh mới ghé qua nhà, đưa chị ít tiền, thủ thỉ với nhau một hai đêm, rồi lại vội vã ra đi. Chiến tranh phá hoại kết thúc, anh bảo sẽ thu xếp xin về gần vợ con, còn trước mắt, anh vẫn phải xa nhà.
Đồng lương giáo viên ít ỏi, nuôi bốn đứa con nhỏ, trứng gà trứng vịt thì không đủ, cho nên tranh thủ ngày nghỉ hè, chị te tái đi kiếm hàng về bán trên hai đầu cầu Nguyện Thê. Ngày ấy, cây cầu sắt làm từ thời Pháp đã hẹp lại xuống cấp, xe đi Hải Phòng – Hà Nội phải chịu phân luồng hàng giờ đồng hồ, là cơ hội để đội quân bán rong kiếm ăn bằng cách mời chào: Nào mía róc sẵn, bánh chưng, bánh rợm, bánh gai, kẹo dồi chó, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên. Lúc xe khách đỗ tạm cho tàu hỏa đi qua. Các bà, các chị, các cháu nhỏ lại ùa ra bám vào cửa xe, rao hàng, chào khách. Họ nhanh như sóc, kiễng chân đưa hàng qua cửa xe. Một người đàn ông, tóc bù xù che kín mặt, vẻ ám muội trên ánh mắt, cậy sức đàn ông chen bật mấy chị và tụi nhóc để gí vào tay khách chiếc bánh chưng vuông vức, còn thơm mùi lá chín, vừa lấy tiền xong thì xe chạy. Khách giở bánh ăn.
– Ôi, bánh chưng đất! Vừa kêu họ vừa tức tối ném vèo ra cửa xe, rơi bịch xuống chân mấy người bán hàng, “bánh” nát bét.
Các chị vừa giận, vừa lo:
– Khéo, bánh chưng đất Hải Dương mà nổi tiếng, chị em mình mất miếng ăn!
Cũng may, kẻ gian lận kia bị phát giác.
Bán hàng cũng như đi câu, lúc may lúc rủi, thành ra, cứ cuối tháng, tiền hết, gạo không. Tan lớp, chị tìm vào nhà cô bạn cùng dạy vay vài bò gạo về nấu tạm. Cái thời tem phiếu, ăn dè lắm, một tháng cũng phải thiếu đến vài ngày gạo. Một vài chị em ăn gạo quê, thừa gạo sổ, họ cho vay. Mùa gặt, chị đong gạo mới, kèm vài cân nếp thơm, đem trả cho bạn, vui vẻ nói:
– Tớ chỉ nhỡ thôi, đến mùa gặt, có nhiều thóc, kể cả nếp. Nhà cấy được mà!
Cứ tào lao cho vui, nhưng đêm về, sâu thẳm trong lòng, nỗi buồn tủi cứ len lỏi khiến chị mất ngủ, đan xen là sự lo lắng vô cớ đến bâng khuâng. Có chồng mà cũng như không, có tháng nào là chị không phải vay mượn chạy vạy  nuôi con đâu.
Phải rất lâu, anh mới có chuyến về phép.
– Eo ôi, sao lần này, bố nó ít về thế, để mẹ con mong ngóng suốt!
Anh cười, rồi vui vẻ nói:
– Tôi cũng muốn lắm, nhưng tình hình chuyên chở hàng khẩn cấp, không thể về được, mà về cũng nguy hiểm!
Anh vừa nói vừa quàng chiếc áo khoác vào cái đinh trên cột nhà. Đàn con thấy bố cứ ríu rít, quanh quẩn không rời nửa bước, chỉ có thằng cu lớn là lầm lì, ít nói, hỏi gì, nói nấy, không thôi.
– Thằng Uyển giận bố à?
Uyển chừng hơn mười tuổi, gầy khô, nước da đen nhưng hàm răng lại trắng muốt, chỉ hơi nhếch mép. Rồi bất ngờ nó nhìn bố đăm đăm, nói một mạch:
– Bố đi bao lâu, bố chẳng về, ở nhà mẹ và chúng con khổ! Nhiều bữa đói, ăn rau là chính, ăn rồi cứ tưởng như chưa, phải chia nhau từng lưng cơm. Định đưa bát xin cơm, chợt nhớ ra, con hỏi mẹ “Con còn suất không?” Mẹ đưa tay ra đón bát tức là còn, mẹ lắc, là hết. Có lúc thương con quá, tuy cũng hết suất, mẹ thêm cho con một ít cơm!
Nói đến đây, họng nó nghẹn lại rồi nó òa lên khóc, lao vào lòng bố, úp mặt vào đùi bố, nức nở. Tiếng khóc dễ lây, thằng bé làm cả nhà khóc theo.
– Anh ơi! Con nó nói đúng đấy. Nhờ trời phật, tuy bom đạn, đói khát thế, may mà còn sống cả cho đến ngày hôm nay.
Anh kéo hai đứa vào lòng, tay vuốt nhẹ mái tóc lơ thơ của thằng anh:
– Bố biết rồi, bố có lỗi với mẹ và các con. Bố cũng vất vả lắm, có lần bị bom, đã ngất, chìm nổi trên sông.
Chị bảo:
– Thôi các con, cả nhà ta cùng khổ, tại thằng Mỹ hết. Rồi chị gạt nước mắt.
Sau đấy, lâu hơn, không thấy anh về, mẹ con trông ngóng, lo lắng. Bạn chị bảo:
– Sao không đi tìm xem cơ quan ông ấy ở đâu, công việc thế nào, ăn ở ra sao? Chồng nói gì, nghe nấy, biết đâu…
Thực tình chị cũng nóng lòng lắm, chị quyết định:
– Các con ở nhà trông nhau. Hai con Hoan, Hoa phải nghe lời anh Uyển. Mẹ đi tìm bố, vài hôm mẹ về!
Chị chuẩn bị đủ gạo, rau, mắm cho các con rồi sang nhờ bà hàng xóm:
– Bà ở nhà, để ý các cháu giúp con!
– Được, cứ yên tâm, ở nhà có bà, không phải lo!
Bà hàng xóm vừa nhai trầu, phơi cái chiếu lên hàng rào rồi quay sang thủng thẳng. Mọi lần có việc đi đâu hoặc về muộn, chị đều nhờ bà cụ trông giúp. Hôm nào bà cũng sang vài lần. Buổi tối, chờ lũ trẻ học xong, cài cửa, tắt đèn đi ngủ, bà mới nhẹ nhàng khép cổng ngoài, khóa vào rồi mới về.
Thắc thỏm cả đêm, chị không sao chợp được mắt. Trời còn tối đất, chị đã đi ra bến, cái bến ca-nô đang vào mùa nước cạn. Bãi cát dài rộng, đã ửng hồng. Nhiều người no giấc, chui ra khỏi khoang thuyền, đứng trên mui, hít thở không khí trong lành của sớm mai yên bình. Chị giật mình, tưởng anh từ khoang tàu đang lên, gọi tên chị rồi ào tới dắt tay chị cùng về.
Không đâu, đó chỉ là tưởng tượng, anh còn đang ở góc bể chân trời nào kia. Hôm qua, hăng hái thế, bây giờ trước cảnh sông nước mênh mông, chị lại dự cảm lo lắng, nghĩ nếu mình làm sao thì các con thế nào. Nhưng rồi chị rướn người, hít thật sâu và tự nhủ: “Không được, không được quay về, đã nói đi là phải đi!”
Chiếc ca-nô chở khách, đầy khoang hàng và người, ghé vào bến. Một tay chị xách túi du lịch đầy quần áo và đồ lặt vặt, tay kia, một người trai trẻ dắt chị vào khoang. Khách lên đã hết, tàu mở máy với tiếng kêu lạch bạch và kéo nước ì oạp vang cả khúc sông. Mũi tàu rẽ sóng, sóng xô vào bờ. Lòng chị càng lo lắng, bồi hồi: “Biết đi thế này thì đến đâu, chỉ biết con tàu ngược tận Lục Nam!”
Con sông Thương bên đục, bên trong, chị đang đi giữa dòng, lòng mình như chia hai nửa: “Chẳng lẽ đời mình cũng nửa đục, nửa trong?”. Chính dòng sông này, chị đã theo chị em ngược lên mua sắn, đong gạo, khoai khô chống đói. Nghĩ mà cực, ở đồng bằng mà phải lên tận miền trung du mua lương thực ngày giáp hạt, bao giờ thì no đủ, bao giờ thì hết khổ…
Nghĩ miên man, chị chợp mắt, bỗng thấy khách lục tục thu xếp hành lý, có lẽ đã đến nơi. Tia nắng cuối cùng đã tắt, bầu trời còn màu sẫm nhẹ. Chị như cái máy, tay xách túi, vịn thành tàu, bước xuống, lảo đảo, nôn nao vì mệt. Trên bến, có đến mấy ngả đường với các mũi tên chỉ dẫn. Chị để ý có một mũi tên nhỏ “Nhà trọ cách tám mươi mét”. Chị đi thẳng về hướng đó. Là một xóm trọ với những dãy dài , có nhiều gian. Chị để chú ý đến một nhà nhỏ hơn, gọn gàng, đứng trước là quầy bán hàng ăn, bán nước. Chị dừng lại bên thềm. Một phụ nữ lớn tuổi, ăn mặc gọn gàng, nhanh nhẹn chào:
– Chị cần nghỉ trọ?
– Vâng ạ!
– Sáng mai chị đi tiếp chứ?
– Vâng ạ! Đây là đâu hả bà?
– Đây là bến Ba Tràng, trên bến, dưới thuyền, vui lắm, không có sự đổ nát do bom đạn Mỹ thì phố này sầm uất lắm. Chị có cần ăn tối không?
– Dạ! Con có cơm nắm rồi ạ, phiền mua bà bát canh và nước uống.
– Chị chờ một tí, em nó sẽ đem lên!
Lúc sau, một cô gái trắng trẻo, nhẹ nhàng, tóc búi gọn đằng sau gáy, cổ quàng chiếc khăn voan mỏng, tay bưng bát canh nóng hổi:
– Chào bác, canh của bác đây, chiều muộn hơi lạnh, bác nên mặc ấm!
Cô gái nói xong rồi lui ra. Một bé gái, tay xách cái xuyến nhỏ, tay cầm một cái chén con đi sau mẹ, đặt xuyến nước xuống bàn:
– Cháu mời bác xơi nước ạ!
– Cháu ngoan lắm, cho bác xin. Con xin phép bà!
Rồi chị giở cơm nắm ra ăn.
– Chị cứ tự nhiên! Bà cụ thủng thẳng.
Chị nhìn lên, bé gái chừng ba, bốn tuổi, vui vẻ, cái miệng giống hệt miệng anh, hai hàm răng trắng tinh. Thấy chị để ý đến cháu, bà vui vẻ nói:
– Cháu hơn ba tuổi rồi đấy, chỉ ở nhà với bà và mẹ. Mẹ con, bà cháu buôn bán nhì nhằng nuôi nhau. Chả giấu gì chị, ông nhà tôi mất sớm, được mụn con gái. Nó cũng là cái duyên, cái số, có nhiều người ngỏ lời nó chẳng ưng ai, gặp bác này sau lần đi phục vụ hỏa tuyến.
Chị nghe như đại bác bắn bên tai, cố tỏ vẻ bình thường, gật đầu theo quán tính “Vâng, vâng.”
Bà nhìn cháu bé rồi nói tiếp:
– Bố cháu bận lắm, nhà dưới xuôi cơ, đi lái tàu sông, chở hàng bí mật, họa hiếm mới về qua nhà.
Chị quay ra, thấy bé vẫn đứng đấy, chị kéo bé vào lòng.
– Con tên gì?
– Dạ, con tên Hương, Phạm Thu Hương.
– Con bố nào?
– Bố con tên Tuyên, mẹ con tên Lan.
Chị lấy một miếng chấm muối vừng đưa cho bé.
– Cháu xin! Bà ơi, cháu ăn cơm với bác nhé!
– Ờ, ăn cơm bác, bà cho theo về xuôi làm con bác.
Bé hơi ngần ngừ.
– Bà nói đùa đấy, cháu ăn với bác cho vui!
Chị ngẩng lên nhìn bà:
– Con ở Hải Dương, gần cầu Nguyện Thê. Con được bốn cháu. Hôm nay, con theo tàu lên đây, đong ít gạo, mua ít sắn, nghe nói trên này hạ hơn.
– Thế thì sáng mai, chị ra chợ ngay đây, đong sớm có thể về chuyến tàu sớm, để tôi bảo em Lan, mai đưa chị ra chợ, đong giúp.
– Không cần đâu, con tự đi được, đã có lần con lên đây rồi!
Đêm nay mệt là thế, nhưng chị không thể chợp mắt, chị suy nghĩ nhiều về anh “Nơi đây là chỗ trú thân của anh, anh nhờ vả họ là chính, anh cũng chẳng thể chăm sóc họ được gì. Anh là kẻ gan lì, cậy răng không nói, chị giận anh lắm.” Sáng sớm, chị cảm ơn bà, rồi lẳng lặng ra bến khi mẹ con Hương chưa thức dậy.
Trở về trên chiếc ca-nô nhỏ hơn, nhưng chạy nhanh hơn, mà sao chị thấy nó chậm rề rề, mãi không đến bến nhà. Vào lúc cò về tổ, thị xã tỏ đèn thì tàu cập bến. Chị bước lên bờ, trong lòng bao nỗi niềm. Mấy đứa trẻ ngóng mẹ, ùa ra đón. Đứa xách túi, đứa vác ba-lô, trong đó có ít sắn tươi, mấy cân hạt dẻ. Chị ngồi phệt xuống thềm nhà:
– Các con, bố có nơi, có chỗ rồi, không về với mẹ con mình nữa. Các con càng phải ngoan, chịu khó học hành. Mẹ con mình chẳng cần, trước kia còn được, nữa giờ!
– Thế mẹ có gặp bố không! Bố ở đâu?…Tụi trẻ nhao nhác!
Chị không nói được nữa rồi, chị vào giường úp mặt xuống gối, khóc nức nở, hai vai run bần bật. Rồi chị vùng dậy, chạy sang bà hàng xóm, biếu bà chút quà.
– Thế nào, chị có gặp được anh ấy không?
– Không ạ! Lúc nảo rỗi con sang chơi kể chuyện cho bà nghe.
Theo năm tháng, các con lớn lên, có công ăn việc làm, chị đỡ vất vả nhưng cũng là lúc tuổi cao, sức yếu, chị nghỉ hưu. Áp tết năm nay, chị và các con sắm đồ lễ tết, đang chuẩn bị gói bánh chưng, những tàu lá dong bánh tẻ xanh mượt, được rửa sạch, rọc cuống để trên mâm. Nồi thịt ba chỉ xào, thơm phức, lưng giá gạo nếp cái hoa vàng, hơn chục nắm đỗ chín, bó lạt giang mềm. Chị ngồi trên chiếu, trước cái mâm, chải sẵn bốn tàu lá theo hình chữ thập, đổ miệng bát gạo dàn đều, chia đôi nắm đỗ, hai miếng thịt đặt vừa kín đỗ, rồi nửa nắm đỗ nữa, cùng miệng bát gạo sau trùm lên. Đôi tay ngoăn ngoắt gấp lá, ập hai bên trước, gấp mặt thứ ba, rồi dựng hẳn bánh lên, rỗ rỗ, gấp mép cuối, buộc lạt, thế là được chiếc bánh chưng vuông vức. Các con cháu ngồi xem, không chớp mắt. Chị véo cho mỗi trẻ ít đỗ rồi nắn vỗ chiếc bánh nói vui:
- Năm nay, nhà ta ăn tết khá hơn, biết đâu, bố lại về ăn tết thì vui!
Anh thiêng thật, chị vừa nói xong thì anh xách chiếc ba-lô, cùng đi vào với một người, miệng reo lên:
– Ai đây? Ai “lại về ăn tết thì vui” đây.
– Trời, bố nó về đấy à? Năm nay cả nhà ta ăn tết vui rồi, bé con ra với ông.
Anh mặc cho cháu bộ áo mới tinh, mùi vải thơm phức. Các con, ai cũng có quà. Anh phần chị hai mét vải sa-tanh Nam Định với lại í măng khô, nấm hương, mộc nhĩ.
– Từ nay, tôi ở nhà với mẹ con, bà cháu, tôi được nghỉ rồi.
Vết thương cũ tái phát, anh không được khỏe, ốm đau luôn, chị và các con vất vả nhiều năm liền. Bây giờ, chỉ còn lòng yêu thương sự chăm sóc, không còn sự giận dỗi nữa. Mùa đông năm đó, cái lạnh kéo dài, miền núi, trung du nhiều nơi  mưa tuyết, trâu bò, cây cối, chim muông chết nhiều, đến con chuột đồng cũng  không thể rời hang, nhưng vì thế không có chuột phá. Gian khổ, thiếu thốn đau đớn đã rút đi sức lực của anh thời trai trẻ, nay tuổi già, bệnh tật, cái rét thấu xương kéo dài, anh không trụ nổi, ra đi vĩnh viễn vào một ngày lạnh giá…
Chiều nay, chị và các con, cháu ra thăm mộ anh. Bãi sông mênh mang, lúa non mới hồi sau trận rét, lá phun lên còn trắng nhạt, chứa đầy sức sống, báo hiệu chỉ một tuần nữa, cả cánh đồng sẽ xanh um. Trên bờ mương, cỏ bắt đầu nảy mầm, nước loang loáng gợn làn sóng nhẹ. Đàn cò trắng đang lò dò bắt tép.
Trên mộ anh, lạ thay, bó hoa huệ tươi, ai vừa đặt, khói hương nghi ngút tỏa thơm, đóm than còn đỏ hồng. Chị nhìn theo con đường trước mặt, một người thiếu phụ trong bộ đồ đen và cô gái trẻ, vành khăn xô trắng trên đầu đi chưa xa. Rảo bước theo họ, nhưng không kịp vì hai người đã lên xe, nổ máy, chạy về phía bến ca-nô. Chị bước nặng nề về chỗ các con.
– Ai thế mẹ? Có phải mẹ con họ không?
– Thôi các con, thắp hương cho bố rồi ta về, trời tối rồi.
Hai nắm hương cùng đỏ, khói bay nghi ngút, quấn vào nhau, tỏa hương. Chị dắt đứa cháu đi rề rề, lòng nặng trĩu nỗi buồn.
Ngày tháng trôi đi,  một buổi chiều như vạn buổi chiều, chị dạo một mình trên bãi cát chân cầu Nguyện Thê. Bất chợt, bắt gặp ánh mắt của người đàn ông luống tuổi, đi dạo một mình từ hướng thành phố. Người đàn ông mặc bộ ka-ki màu sám, tóc cắt ngắn, da đen, hơi gầy. Ánh mắt vui, miệng cười tươi, giọng nói ròn rã:
– Chị cũng đi dạo mát à?
– Vâng, hôm nào tôi cũng đi.
– Tôi cũng vậy.
– Sao hôm nay, tôi mới gặp anh?
– Tôi hay đi muộn, đi khi thành phố lên đèn.
– Thành phố lên đèn thì tôi về, nhà gần đây, chị chỉ tay vào xóm nhỏ.
Hai người cùng cảnh ngộ gặp nhau. Họ nói chuyện cởi mở chân tình. Dưới sông, sóng vỗ bong banh vào mạn tàu, trên bãi cát, sóng ào, tuôn chạy lên cao, rồi lại tự nguyện rút, lùi xa bờ như chẳng bao giờ ngừng. Hai người ngồi xuống, thả mắt ngắm dòng sông hiền hòa, bầu trời đầy sao lấp lánh như thi với ánh điện lung linh. Họ tâm sự với nhau như hai người bạn thân quen từ lâu. Họ nói đến nỗi cô đơn của mình. Khuya, trời hơi lạnh, hai người ngồi sát vào nhau, hơi thở nồng nàn pha mùi cỏ nội thơm nhẹ. Giọng người đàn ông trầm ấm, run run, ngập ngừng:
– Hay là mình.
– Anh bảo sao cơ?
Anh nói lảng:
– Mai ta lại cùng đi dạo cho vui nhé! Hay là mình…Tôi nói ra, có thế nào, mình đừng cười cơ!
Chị mạnh dạn hơn:
– Xin hứa!
Người đàn ông thong thả, bình tĩnh:
– Hay là mình với tôi về ở chung cho vui.
Sau lời đề nghị ngắn gọn, thiết tha của anh, lòng chị bồn chồn, xao xuyến, khuôn mặt nóng bừng.
– Anh không nói đùa tôi đấy chứ?
– Nói đùa lúc này thì tôi có lỗi lắm! Mình về ở với tôi! Mong sao hai đứa mình gắn bó lâu bền, bù lại những ngày thiệt thòi, mất mát được không? Anh siết chặt tay chị, cùng đứng lên, đôi bàn tay nóng ấm run run. Vai sóng vai, lên dốc đê với ánh hoàng hôn ửng hồng pha tím.
Những ngày đằm thắm nồng nàn, tiếng nói vui vẻ, tiếng cười ròn rã trong nhà. Có tiếng trẻ thơ gọi:
– Bà nội ơi!
– Cún đấy à? Vào đây, vào đây với bà.
Bé chạy vào, thấy người đàn ông đứng đó, do dự một lát, bé khoanh tay trước ngực:
– Cháu chào ông trẻ ạ!
– Cháu ngoan lắm, vào đây nào.
– Mẹ cháu bảo không được quấy rầy ông bà.
– Không sao, xin mời cháu vào!
Tiếng cười vui rộn rã cả gian nhà, những hôm ấm áp, anh chị dắt cháu cùng dạo chơi trên bãi cát. Thằng bé chạy nhảy vui đùa, luôn miệng hỏi: Ai? Cái gì? Tại sao?…
– Vì sao ông mặt trời bây giờ lại đỏ và to hơn lúc ban trưa? Làm sao sóng ở xa lại nhỏ hơn sóng ào vào bờ? Ai làm ra nước mà nhiều thế? Ai làm ra cát mà cũng nhiều và nhỏ thế, ông ơi!
– Giỏi lắm, cháu giỏi lắm, bây giờ ta xuống sông tắm cho mát cái đã.
– Ông, bà dạy cháu bơi mấy!
– Được, nhưng  phải dũng cảm, không được sợ nước đấy!
Càng lúc, cháu càng ham, vùng vẫy trên tay ông, chân đạp, tay quơ, đầu lắc, bọt tung trắng xóa. Bà đứng cạnh, nói như ra lệnh: “Hai tay cháu phải khuơ mạnh xuôi về bên sườn, quạt nước về phía chân, hai chân co lên, đạp mạnh lại, nổi nông lên, rướn mình về phía trước”.
Đến lượt bà cho cháu tập. Chị thấy ngực và bụng cháu tì nhẹ vào lòng bàn tay mình, chị dần dần buông tay ra. Cháu chìm nghỉm, uống ngụm nước, khoạc ọe, đỏ mặt, tía tai, nước mắt, nước mũi giàn giụa.
– Cháu không tập nữa đâu, cháu sợ lắm!
– Không sao, cháu sẽ quen thôi, rồi cháu sẽ nổi, bơi được, cháu sắp bơi được rồi còn gì, không sặc nữa đâu!
Dần dần, cháu bơi được một hai đòn gánh, nó thích lắm, bắt đầu tập bơi sải, bơi ngửa. Khi bơi, tóc ướt, toàn thân chìm dưới nước, mỗi cái mặt đúng hơn là hai con mắt và hai lỗ mũi hở trên mặt nước. Xuôi dòng, cháu bơi không khác gì một con chuột đang ngoi nước. Ông bà theo cháu vất vả mới kịp, nhưng lòng họ hạnh phúc lắm, họ như được sống lại thời son trẻ…
Sáng mồng hai Tết, vợ chồng, con cái thằng cả chưa kịp sang chúc Tết ông bà, thì chị đã xách túi quà, tong tong sang làng bên với chúng. Chị bảo với anh :
- Ông ở nhà, lát nữa tôi về đi chúc Tết ông nhé!
Nhưng đó là lần cuối cùng, chị gặp tai nạn giao thông trên đường Năm, chị không qua khỏi. Một chiếc nhà bạt được dựng dưới sườn đê, khói hương nghi ngút. Dòng người đổ về càng đông. Tất cả chờ chị, đã quá trưa sang chiều, chị được đưa về. Tiếng khóc thảm thiết bời bời của con cháu và những người thân. Dòng người đi vòng quanh linh cữu, không ai cầm được nước mắt. Những học trò nhỏ từ các xóm, quần áo thôi thốc, chạy tới, vồ vào linh cữu, kêu khóc gọi cô ầm ĩ. Chị vẫn yên lặng. Cả khúc sông như ngừng trôi, những con sóng lăn tăn, quên không vỗ bờ.
Trong hoàng hôn vắng lặng, ánh tím hắt từ phía chân trời, có một người đàn ông trong bộ quần áo bộ đội, ủ rũ, bơ phờ, trên vai chiếc ba-lô, người đàn ông dừng lại, hướng về phía linh cữu chị, vai ba vái, rồi ngồi sụp xuống một lúc, tay gạt nước mắt, rồi lảo đảo đứng dậy, cái dáng khắc khổ xa dần trong chiều chạng vạng đan vào cùng bóng tối và ánh đèn điện bắt đầu lên… Nhiều người bảo đó chính là chồng chị về, có người thì bảo đó chỉ là một khách qua đường…Mỗi người một suy đoán, chỉ có căn nhà và cái ngõ nhỏ của chị vẫn vắng lặng trong khói hương chiều nay.
6/7/2024
Bùi Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi Bung cánh rồng mây bay lượn/ Giọt bồ đào thiên di muộn mằn. Rơi…// Hôn lên mắt...