Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Nền văn học mang bản sắc Tây Á độc đáo - Văn học Azerbaijan

Nền văn học mang bản sắc
Tây Á độc đáo - Văn học Azerbaijan

Do vị trí địa lý nằm ở ngã tư Đông Âu và Tây Á, Azerbaijan là quốc gia có nền văn hóa được định hình bởi hai châu lục và nhiều áp lực chính trị xã hội khác nhau. Có nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, chính những xung đột văn hóa này được thể hiện thông qua di sản văn học phong phú của đất nước.
Nền văn học Azerbaijan được viết bằng tiếng Azerbaijan, một ngôn ngữ Đột Quyết (Turkic), Tiếng Azerbaijan  là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa Azerbaijan, nơi người ta nói tiếng Bắc Azerbaijan. Phương ngữ Nam Azerbaijan được đông đảo người bản địa nói ở tây bắc Iran. Ngoài ra, tiếng Azerbaijan còn được sử dụng ở Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Có ba loại chữ viết được sử dụng để viết ngôn ngữ Azerbaijan: chữ viết Latinh của tiếng Azerbaijan ở Cộng hòa Azerbaijan, chữ viết Ba Tư-Ả Rập  ở Iran và chữ viết Cyrillic trước đây được sử dụng ở  Azerbaijan thuộc Liên Xô .
Sự phát triển sớm nhất của văn học Azerbaijan gắn liền với tiếng Đột Quyết Anatolia cổ vốn được viết bằng chữ Ba Tư-Ả Rập. Thời điểm tách ra độc lập của văn học Azerbaijan diễn ra vào thế kỷ XIV hoặc sớm hơn. Một số tác giả lớn đã giúp phát triển văn học Azerbaijan từ thế kỷ XIV cho đến thế kỷ XVII và thơ ca là sáng tác nổi bật trong các tác phẩm của họ. Đến cuối thế kỷ XIX, văn học đại chúng như báo chí bắt đầu được xuất bản bằng tiếng Azerbaijan. Việc xuất bản các tác phẩm viết bằng tiếng Azerbaijan đã bị cấm trong chiến dịch “Khủng bố đỏ” của Stalin ở Liên Xô nhằm vào hàng nghìn nhà văn, nhà báo, giáo viên, trí thức và những người khác người Azerbaijan và dẫn đến việc thay đổi  chữ cái tiếng Azerbaijan thành  chữ cái Cyrillic.
Trong lịch sử phát triển, văn học Azerbaijan đã được phân chia khá  rành mạch thành hai truyền thống khá khác nhau,tuy nhiên  cả hai truyền thống đều không chi phối nhiều đối với truyền thống kia cho đến thế kỷ XIX. Truyền thống đầu tiên chính là là văn học dân gian Azerbaijan, và truyền thống thứ hai là văn học viết của Azerbaijan.
Truyền thống văn học dân gian Azerbaijan kéo dài theo một mạch ít nhiều không gián đoạn từ khoảng thế kỷ XIII – XV cho đến ngày nay, và phát triển ở ba thể loại cơ bản: sử thi; thơ ca dân gian; và văn học dân gian.
Thơ dân gian truyền miệng không chịu ảnh hưởng của văn học Ba Tư và Ả Rập, do đó tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập cũng không ảnh hưởng đến sáng tác của các nhà thơ dân gian. Đồng thời, thơ ca dân gian Azerbaijan gắn bó chặt chẽ với các khúc ca — trên thực tế, hầu hết các bài thơ đều được sáng tác rõ ràng để hát – và do đó, ở một mức độ lớn không thể tách rời khỏi truyền thống âm nhạc dân gian Azerbaijan. Truyền thống thơ ca dân gian trong văn học Azerbaijan chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thống Hồi giáo Sufi (Hồi giáo mật tông) và Shia.
Tuy nhiên, văn học dân gian Azerbaijan được ghi chép bằng văn bản có xu hướng chịu ảnh hưởng của văn học Ba Tư và Ả Rập. Quá trình này đã khiến một lượng lớn các từ có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập được nhập vào ngôn ngữ Azerbaijan, vì các từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Anatolia cổ hiếm khi hoạt động tốt trong hệ thống thơ ca Ba Tư. Phong cách viết này dưới ảnh hưởng của tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập được gọi là thi ca Divan. Divan là một từ tiếng Azerbaijan có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư để chỉ loại hình nghệ thuật mang tính nghi lễ và mang tính biểu tượng. Thi ca Ba Tư đã truyền cảm hứng lớn, vì vậy thơ Divan thừa hưởng vô số biểu tượng có ý nghĩa và mối quan hệ qua lại – cả sự tương đồng và sự đối lập ít nhiều đã được quy định.
Những thể loại sáng tác dân gian sử thi như truyện cổ tích, truyền thuyết, tục ngữ, châm ngôn được coi là biểu hiện của trí tuệ dân tộc và có ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt lịch sử đối với văn hóa dân gian và văn học cổ điển của các quốc gia láng giềng. Bayati – một trong những thể loại trữ tình của văn học dân gian dân tộc phản ánh sự đa dạng trong nếp sống, truyền thống của dân tộc bằng phương thức cảm xúc nghệ thuật. “Truyện về Hãn Oghuz” là một tuyển tập truyền thuyết và tục ngữ đặc biệt truyền tải trí tuệ của các bộ tộc Oghuz, và được coi là di tích có giá trị của sáng tác dân gian Azerbaijan. Các nguồn sử liệu cho thấy sử thi Đột Quyết có nguồn gốc từ truyền thống sử thi Trung Á. Nổi bật là tác phẩm “Kitabi Dada Gorgud” (Cuốn sách của ông nội Gorgud”) mà vào năm 2018 đã được ghi nhận trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Sử thi “Kitabi Dada Gorgud” (“Cuốn sách của ông nội Gorgud”) – một trong những di tích văn hóa cổ xưa của thế giới Đột Quyết và là viên ngọc độc đáo về tư tưởng nghệ thuật và triết học của Azerbaijan. Tác phẩm này đặc biệt quan tâm đến việc phản ánh cuộc sống, truyền thống và thói quen của người Azerbaijan. Sự quan sát và tôn trọng chế độ nhà nước, tính ưu việt của luật pháp và bảo vệ công bằng xã hội của người Oghuz được phản ánh rõ ràng trong sử thi đó. “Kitabi Dada Gorgud” là nguồn chính mô tả về người Oghuz – tổ tiên của người Azerbaijan hiện đại. Truyện dân gian và âm nhạc “Cuốn sách của ông nội Gorgud” dựa trên mười hai truyền thuyết anh hùng, truyện kể và mười ba tác phẩm âm nhạc truyền thống được chia sẻ và truyền qua nhiều thế hệ thông qua các biểu đạt truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, quy tắc văn hóa và tác phẩm âm nhạc. Ông Gorgud xuất hiện trong mỗi câu chuyện như một nhân vật huyền thoại và cá nhân thông thái, một nhà hiền triết của những người hát rong có lời lẽ, âm nhạc và cách diễn đạt thông thái liên quan đến truyền thống sinh, hôn nhân và chết.
Sự xuất hiện của Hồi giáo vào đầu thế kỷ VII cùng sự mở rộng của tôn giáo ấy từ bán đảo Ả Rập đến các khu vực rộng lớn như Tây Ban Nha và Trung Quốc đã có tác động lớn đến nhiều quốc gia ở Trung Đông, cũng như đến Azerbaijan. Bắt đầu từ thế kỷ VII và VIII, môi trường  văn học xã hội của Azerbaijan đã phát triển theo hướng này. Việc thể chế nhà nước Hồi giáo là triều đại Khalip Ả Rập xâm nhập Azerbaijan và việc truyền bá tôn giáo Hồi giáo ở khu vực này đã dẫn đến sự thống trị của ngôn ngữ Ả Rập trong đời sống hành chính – xã hội, văn hóa và khoa học của đất nước. Rất nhiều trí thức của Azerbaijan – các triết gia, nhà văn và nhà thơ đã phải viết bằng chính ngôn ngữ này. Các nhà văn Azerbaijan thế kỷ IX – X là Mahammad ibn Al Maraghayi, Omar ibn Ali Zanjani và hàng chục tác gia khác đã viết những tác phẩm có giá trị của họ liên quan đến các lĩnh vực khoa học khác nhau, chủ yếu bằng tiếng Ả Rập.
Các thế kỷ XI và XII được coi là thời kỳ phong phú và hiệu quả nhất của văn học viết Azerbaijan. Vào thời kỳ đó, nhà khoa học và nhà văn vĩ đại người Azerbaijan Khatib Tabrizi là một trong những giảng viên nổi tiếng của Học viện “Nizamiyya” ở Baghdad. Tác phẩm của các triết gia Azerbaijan như Shihabaddin Maraghayi và Abu Said Urmavi đã có tác động lớn đến việc làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người Hồi giáo phương Đông.
Các tác phẩm thi ca xuất sắc thế kỷ XI-XII đã có tác động đáng kể về mặt chất lượng nghệ thuật cao cho trường phái văn học Azerbaijan. Thi ca Azerbaijan thế kỷ XII nổi bật với các bậc thầy xuất sắc như Gatran Tabrizi, Abulala Ganjavi, Khagani Shirvani, Mujiraddin Beylagani, Izzaddin Shirvani. Sáng tác của họ nổi bật với khả năng kết hợp khoa học và thơ ca với nhau, tôn vinh sự phát triển cao độ của khoa học và văn hóa. Dạng thức viết đầu tiên của ngữ pháp tiếng Ba Tư thậm chí còn thuộc về nhà thơ nổi tiếng người Azerbaijan Gatran Tabrizi.
Khoa học và văn hóa ở mức độ cao ở thành phố Ganja vào thế kỷ XII. Tác phẩm của các nhà thơ Ganja được coi là những viên ngọc quý độc nhất vô nhị không chỉ đối với người Azerbaijan mà còn với nền văn học thế giới thời kỳ đó. Sự phát triển của văn hóa là động lực mạnh mẽ cho thơ ca phát triển. Bà Mahsati Ganjavi có một ý nghĩa đặc biệt trong số những đại diện tiêu biểu của văn học Azerbaijan vào giai đoạn được coi là Thời kỳ hoàng kim của văn học dân tộc.
Mahsati là nữ thi sĩ đầu tiên sử dụng thể loại shahrashub (shahrangiz) – tôn vinh lối sống của các thành phố và những người thợ thủ công trong các bài thơ rubai của mình.
Khagani Shirvani – đại diện xuất sắc đầu tiên của thơ ca thời Phục hưng Azerbaijan- đã mang đến nội dung thi ca, xã hội, nhân văn mạnh mẽ và khả năng làm chủ cao độ cho thơ cho đến tận khi nhà thơ Nizami Ganjavi sáng tác.
Quan điểm văn học-văn hóa và chính trị-xã hội thời đó được phản ánh rành rẽ hơn và những tư tưởng tiến bộ thời Phục hưng nổi lên mạnh mẽ hơn trong thơ phản ảnh chuyện đời thường. Phong cách văn học này khác biệt bằng những tư tưởng nhân văn mới. Nhà thơ và nhà tư tưởng thiên tài người Azerbaijan Nizami Ganjavi (1141- 1209) đã mang lại những ý tưởng mới cho lịch sử văn hóa nghệ thuật của Nhân loại, làm phong phú hình thức và nội dung của thơ phương Đông và tạo nên những tác phẩm xuất sắc của văn học Phục hưng Azerbaijan. Sự sáng tạo của ông là một giai đoạn độc đáo, một thời kỳ lịch sử mới và đỉnh cao trí tuệ trong lịch sử văn học.
Sự phát triển của khoa học và văn hóa thế kỷ XIII đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của những cá nhân nổi bật. Các lĩnh vực khoa học như văn học, thiên văn học, lịch sử, triết học, địa lý và y học đã phát triển lên mức cao ở Azerbaijan trong thời kỳ đó. Một trong những đại diện vĩ đại của khoa học Azerbaijan vào thế kỷ XIII là Mahammad ibn Mahammad Abu Jafar Khaja Nasiraddin Tusi, người đã tạo ra những công trình có giá trị về văn học, thiên văn học, triết học, thần học, sư phạm, khoáng vật học, y học, kinh tế, luật, ngữ văn, âm nhạc học, nghiên cứu tự nhiên , logic, đạo đức, lượng giác và hình học.
Vào thời điểm đó, những nguyên tắc nhân văn được hình thành trong văn học và tư tưởng chính trị – xã hội đã đạt đến mức cao nhất trong sáng tác của Said Imadaddin Nasimi (1369-1417). Các tác phẩm của nhà thơ vĩ đại này thu hút sự chú ý như một bước tiến mạnh mẽ tới chủ nghĩa nhân văn, dân chủ và thế tục không chỉ trong văn học của người Azerbaijan mà còn trong văn học Cận Đông và Trung Đông. Imadaddin Nasimi được biết đến như một nhà tuyên truyền nhiệt thành và là người đưa ra những tư tưởng nhân văn trong văn học dân tộc sau người tiền nhiệm vĩ đại Nizami Ganjavi.
Nasimi là người sáng lập ra triết học về vai trò của quan sát, khám phá và suy ngẫm mà không cần sự mặc khải, lời tiên tri hay sự trung gian của những cuốn sách được thần linh truyền cảm hứng. Các tư tưởng đó  được viết bằng ngôn ngữ bản địa trong lịch sử văn học Azerbaijan. Nhà thơ viết các tác phẩm của mình về các chủ đề chính trị, xã hội và đạo đức thời bấy giờ. Sự sáng tạo nghệ thuật của Nasimi là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thơ ca và ngôn ngữ văn học Azerbaijan. Nasimi đã viết những bài thơ mang hình thức “mulammas” tuyệt vời (những bài thơ gồm nhiều dòng bằng các ngôn ngữ khác nhau) bằng ba thứ tiếng. Thơ của Nasimi đã nổi tiếng ở Azerbaijan, Cận Đông, Irag, Tiểu Á và Syria, Trung Á và trong số những người Uygur (Duy Ngô Nhĩ) ngay cả khi ông còn sống. Các tác phẩm của Nasimi bằng tiếng mẹ đẻ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thơ ca Azerbaijan cũng như sự sáng tạo của những bậc thầy như Shah Ismail Khatai, Mahammad Fizuli và Molla Panah Vagif.
Đỉnh cao của tư tưởng Phục hưng trong văn học Azerbaijan thế kỷ XII – XVI sau Nizami Ganjavi là Mahammad Fizuli, người nổi tiếng là “nhà thơ của tâm hồn” trong Đông phương học của phương Tây. Sáng tác của Fizuli được hình thành và trở nên rực rỡ nhờ sự giúp đỡ của các nhà thơ kiệt xuất suốt giai đoạn đó. Trong số họ là một nhà hoạt động nhà nước lỗi lạc và nhà thơ của Azerbaijan Shah Ismail Khatai.
Ngay cả khi truyền thống của Fizuli khá mạnh trong thế kỷ XVII – XVIII, chúng ta vẫn có thể thấy những nỗ lực nhằm thoát khỏi sức hấp dẫn của thơ ca này trong sáng tác của những bậc thầy như Saib Tabrizi, Govsi Tabrizi, Mahammad Amani. Chúng ta có thể thấy những vấn đề thực tế khó khăn của thời kỳ đó và sự thể hiện nghệ thuật của sự xáo trộn từ cuộc sống vất vả của người dân thường trong tác phẩm của Shakir, Nishat và Mahjur – những nhà thơ thuộc môi trường văn học miền Shirvan. Molla Panah Vagif và Molla Vali Vidadi là những người nổi bật nhất những nhân vật của văn học Azerbaijan thế kỷ XVI. Một nhân vật nổi tiếng  tầm cỡ quốc gia, Molla Panah Vagif (1717-1797), người có kiến thức rất giỏi về các lĩnh vực khoa học khác nhau, đã nổi tiếng là một nhà thơ và chiếm một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học dân tộc. Thơ đã trở nên gần gũi hơn với đất nước nhờ ngôn ngữ sống động của các nhà thơ như Molla Vali Vidadi (1707-1808) và hoạt động sáng tạo của Vagif. Vagif là nhân vật chính trị nổi bật của thời đại và đã xác định chính sách đối ngoại của Hãn quốc Karabakh trong suốt thời gian dài. Thế kỷ VIII có thể được coi là một bước ngoặt giữa sự kết thúc của văn học Azerbaijan thời Trung cổ và kỷ nguyên mới của nó.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XIX, một sự kiện quan trọng đã xảy ra trong lịch sử dân tộc Azerbaijan – đó là việc Đế quốc Nga chiếm đóng Azerbaijan vốn đã làm tăng sự quan tâm đến văn học phương Tây cả về văn hóa và văn học.
Các chủ đề quán xuyến về thế tục mang tính hiện thực và tính dân tộc đã đạt đến vị trí hàng đầu dưới tác động của văn học. Tác giả sáng tác tác phẩm châm biếm hiện thực phê phán Gasym Bay Zakir (1784-1857) đã trưởng thành trong môi trường văn học Karabakh với sự tác động trực tiếp từ các tác phẩm của Vagif và được định hướng theo sự phát triển lâu dài của thơ ca.
Seid Azim Shirvani, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho hoạt động sư phạm, cũng được biết đến như một nhà khai sáng vĩ đại trong văn học Azerbaijan và đã cống hiến rất nhiều tác phẩm của mình cho việc giáo dục thế hệ mới. Tác phẩm trào phúng của ông viết theo phong cách Gasym Bay Zakir có đặc điểm là lên án nhiều tệ nạn xã hội và những đặc điểm tiêu cực của con người thời đó.
Thiên tài của Mirza Fatali Akhundzade được thừa hưởng nội dung cùng nghệ thuật của những nhà tư tưởng và nhà văn như Abbasgulu agha Bakikhanov (1794-1847), Mirza Shaffi Vazeh (1792-1852), Ismail bay Gutgashinli (1801-1861), những người rất quen thuộc với các nhà Đông phương học Nga và phương Tây, với các nhà thơ và học hỏi từ họ những tư tưởng nhân văn tiến bộ.
Văn học Azerbaijan thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc chinh phục lãnh thổ của nước Cộng hòa Azerbaijan ngày nay của Nga , do hậu quả của Chiến tranh Nga-Ba Tư , cuộc chiến đã chia cắt lãnh thổ của Azerbaijan ngày nay khỏi Iran.
Thế kỷ XIX – một kỷ nguyên mới trong lịch sử văn học, gắn liền với sự thay đổi trong định hướng văn hóa – xã hội của người dân do sự sáp nhập toàn bộ các hãn quốc Azerbaijan ở phía bắc sông Araks vào Đế quốc Nga trong hai cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư ở thứ ba đầu thế kỷ. Nổi bật là Bakikhanov Abbaskuli Agha (1794–1847) – nhà văn, nhà sử học, nhà giáo dục và nhân vật của công chúng, con trai của vị Hãn Baku là Mirza Muhammad II (1784–1791). Ông đã gặp A.S.Pushkin. Trong số những người bạn của Bakikhanov có các nhà văn Nga V.K. Kuchelbecker, A.A. Bestuzhev-Marlinsky, những nhân vật của nền văn hóa Armenia và Gruzia Kh. Abovyan và A. Chavchavadze, và nhà thơ Ba Lan Tadeusz Zabolotsky. Mirza Fatali Akhundov là nhà văn, nhà viết kịch, nhà cải cách ngôn ngữ, triết gia duy vật người Azerbaijan vào thế kỷ XIX. Những vở kịch dí dỏm của ông chế giễu sự ngu dốt và lạc hậu. Là một người vô thần và là người đấu tranh nhiệt thành chống lại mọi thứ tôn giáo, ông mơ ước thay thế tôn giáo bằng khoa học và giáo dục. Văn học Azerbaijan đã có được một định hướng hiện thực mới trong các tác phẩm của M.F. Akhundov.
Những thập niên đầu thế kỷ XX là một thời kỳ đặc biệt trong đời sống văn học và văn hóa của Azerbaijan cũng như các quốc gia khác bị Đế quốc Nga chiếm đóng. Trong thời kỳ đó những nhân vật nổi bật của văn học hiện thực và lãng mạn Jalil Mammadguluzade (1866-1944), Mirza Alakbar Sabir (1862-1911), Huseyn Javid (1884-1944), Mahammad Hadi (1880-1920), Abbas Sahhat (1874-1918) , Abdulla Shaig (1881-1959), Nariman Narimanov (1870-1925), Abdurahim bay Hagverdiyev (1870-1933) đã nâng văn học Azerbaijan lên tầm những ví dụ điển hình nhất về tư tưởng văn học và văn hóa thế giới dựa trên quan điểm của châu Âu và Nga.
Sự kiện quan trọng nhất xảy ra trong văn học Azerbaijan vào đầu thế kỷ XX là sự thành lập Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan (1918-1920). Ngay cả khi Cộng hòa Dân chủ đầu tiên ở Đông ADR Hồi giáo chỉ tồn tại trong 23 tháng thì khoảng thời gian đó vẫn rất đặc biệt đối với sức năng sản văn học của nó. Những tác phẩm thú vị của các nhà văn trẻ như Jafar Jabbarli, Ahmad Javad và Ummugulsum xuất hiện cùng với các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Jalil Mammadguluzade, Abdulla Shaig, Abdurahim bay Hagverdiyev, Uzeyir Hajibayov.
Khi Nikita Khrushchev lên nắm quyền với tư cách là thủ tướng Liên Xô vào năm 1953, sự nhấn mạnh vào việc tuyên truyền trong Văn học Azerbaijan bắt đầu mờ nhạt và vì vậy các nhà văn bắt đầu phân nhánh và tập trung nhiều hơn vào văn xuôi, phản ánh trải nghiệm của họ dưới chế độ Xô viết. Thời kỳ hậu Xô viết chủ yếu nổi bật các nhà văn tập trung vào văn hóa Hồi giáo khi Azerbaijan hướng nhiều hơn về nước láng giềng Iran. Văn học Ba Tư và Ả Rập đã ảnh hưởng lớn đến văn học Azerbaijan trong giai đoạn cổ điển của nó và có vẻ như điều này một lần nữa lại trở thành hiện thực. Trong khi đó, bí ẩn về người đã viết tác phẩm nổi tiếng của văn học Azerbaijan, “Ali và Nino: Chuyện tình”, vẫn chưa được khám phá. Nó vẫn là một bí ẩn nổi tiếng trong văn học Azerbaijan.
Trong văn học Azerbaijan có một hiện tượng thú vị là tác phẩm “Ali và Nino: Chuyện tình”, cuốn tiểu thuyết được xuất bản dưới tên Kurban Said ở Vienna năm 1937. câu chuyện kinh điển về sự lãng mạn và phiêu lưu này đã được so sánh với Bác sĩ Zhivago và Romeo và Juliet.
Đó là đêm trước của Thế chiến thứ nhất ở Baku, Azerbaijan, một thành phố bên bờ Biển Caspi, nằm chênh vênh giữa phía đông và phía tây. Ali Khan Shirvanshir, một nam sinh Hồi giáo xuất thân từ một gia đình quý tộc kiêu hãnh, đã phải lòng Nino Kipiani xinh đẹp và bí ẩn, một cô gái theo đạo Thiên chúa với sự nhạy cảm đặc biệt của người châu Âu. Để ở bên nhau, họ phải vượt qua mối thù truyền kiếp và tai tiếng, nỗ lực giải cứu táo bạo bằng ngựa, và đi từ con phố nhộn nhịp của Baku, nơi bùng nổ ngành công nghiệp dầu mỏ, qua những sa mạc tuyệt đẹp và những ngôi làng miền núi xa xôi, đến cung điện xa hoa của chú Ali ở Ba Tư lân cận. Cuối cùng, những người yêu nhau bị kéo trở lại Baku, nhưng khi chiến tranh đe dọa tương lai của họ, Ali buộc phải lựa chọn giữa lòng trung thành với tín ngưỡng của tổ tiên châu Á và lòng tận tụy sâu sắc của anh dành cho Nino.
Có một giai đoạn khác trong lịch sử Azerbaijan được gọi là văn học di cư được sáng tác ở nước ngoài, vượt ra ngoài biên giới đất nước. Alibay Huseynzada, Ahmad Aghayev, Almas Ildirim, Gurban Said và những người khác nằm trong số những đại diện của văn học di cư. Ý tưởng và mục đích chính của những trí thức này đã rời xa Tổ quốc trong những thời kỳ khó khăn của lịch sử là một – vận mệnh của Azerbaijan và nền độc lập của Tổ quốc. Ngay cả khi một số người trong số họ học ở phương Đông, một số ở phương Tây chỉ có một ý tưởng đã gắn kết họ lại với nhau.
Trong số các nhà văn Azerbaijan hiện đại, những người nổi tiếng nhất là nhà biên kịch Rustam Ibragimbekov và tác giả tiểu thuyết trinh thám Chingiz Abdullayev, người viết hoàn toàn bằng tiếng Nga.
Thơ ca được đại diện bởi các nhà thơ nổi tiếng Nariman Hasanzade, Khalil Rza, Sabir Novruz, Vagif Samadoglu, Nusrat Kesemenli, Ramiz Rovshan, Hamlet Isakhanli, Zalimkhan Yagub, v.v. Trong số các nhà viết kịch hiện đại của Azerbaijan, có F. Goja, Elchin, K. Abdullah, A. Masud, G. Miralamov, E. Huseynbeyli, A. Ragimov, R. Akber, A. Amirley và những người khác.
Văn xuôi trong văn học Azerbaijan mới được mở rộng bắng các yếu tố trinh thám, tiểu thuyết, phản không tưởng, thần thoại Đột Quyết, chủ nghĩa siêu thực phương Đông. Trong số các nhà văn sáng tác trong thể loại này, người ta có thể kể tên những nhà văn như Anar, M. Suleymanly, N. Rasulzade, R. Rahmanoglu. Chủ nghĩa hiện thực Azerbaijan mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi các nhà văn văn xuôi trẻ bắt đầu ngày càng hướng đến lịch sử dân tộc và ký ức dân tộc. Về vấn đề này, cần lưu ý đến tiểu thuyết lịch sử và tổng hợp “Vị tông đồ thứ mười ba, hay Don Juan thứ một trăm bốn mươi mốt” của Elchin Huseynbeyli và các tiểu thuyết lịch sử “Shah Abbas” và “Nadir Shah” của Yunus Oguz.
Ở Azerbaijan hiện nay, Samad Vurgun, Rasul Rza, Mirza Ibrahimov, Bakhtiyar Vahabzade, Anar, Elchin, Vagif Samadoglu và các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng khác có tên tuổi đã được công nhận trên văn đàn thế giới và các tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng bắt đầu phát triển vào thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Tài liệu tham khảo:
1. https://chisinau.mfa.gov.az/.
2. https://en.wikipedia.org/.
3. https://www.krugosvet.ru/.
4. https://azerbaijan.az/.
5. https://azerbaijan.az/.
20/7/2024
Nguyễn Văn Chiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...