Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Trăng lạnh - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Trăng lạnh - Truyện ngắn
của Nguyễn Duy Hiến

Cô từ từ ngã xuống. Ánh trăng chảy tràn trên cặp đùi đã phơi ra vàng mịn, đọng lại lấp lánh như sương đêm. Trong giây lát, Tuyết bỗng thấy mình tan ra cùng ánh trăng rừng.
Đoàn tàu vẫn dập dềnh trôi trong màn đêm. Xung quanh Luân, trong cánh lính mới đã có chàng gối đầu lên ba lô ngủ gà ngủ gật. Một số khác đang ngồi tán chuyện với nhau rôm rả. Mấy chàng đang say sưa kể lại phút chia tay với người yêu của mình. Chẳng biết thật hay bịa mà nối sau những câu chuyện đó là tiếng cười rúc rích sảng khoái cùng tiếng vỗ đùi đen đét. Anh cán bộ nhận quân mang quân hàm thượng sĩ màu lá cây bước đến nhắc khẽ:
– Nói chuyện nhỏ lại để anh em ngủ. Đường còn dài, chiều mai mới đến điểm tập kết đấy!
Nói rồi anh đi về toa cuối nơi dành cho cán bộ nhận quân. Luân dựa lưng vào toa tàu, mắt mơ màng. Anh ngủ thiếp đi lúc nào không hay… Dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật, Luân và đồng đội đang xếp hàng ngay ngắn. Một đội quân trẻ trung, sức vóc, ai cũng đẹp trai kiêu hãnh khi trên ve áo được gắn đôi quân hàm xanh màu lá cây có một sao lấp lánh sáng. Những người lính binh nhì măng tơ hiện lên ngời ngời giữa trập trùng núi non biên giới. Vây quanh các anh có rất đông nhân dân đến xem. Nhiều cô gái xinh đẹp tay giơ cao những bó hoa rừng vẫy vẫy chào những chàng lính mới.
Kìa! Ai như Cẩm Tuyết, bạn học cũ thời cấp 3 cũng có mặt trong số cô gái cầm hoa. Tuyết bước lại, nhoẻn miệng cười: “Tặng anh!”. Luân đưa tay đón bó hoa tươi Cẩm Tuyết trao ôm vào lòng: “Thế Cẩm Tuyết cũng đang công tác trên này à?”. “Đúng đó anh. Mình sẽ gặp nhau thường…”. Luân chưa hiểu câu trả lời của Cẩm Tuyết, song anh rất mừng ở nơi biên giới gần với bạn bè cũ còn gì bằng. Đặc biệt Cẩm Tuyết hồi cuối cấp được nhiều chàng trai để ý. Xinh đẹp, da trắng, mái tóc dài lại còn học giỏi môn văn nhất lớp. Có Tuyết, Luân cảm thấy lòng cháy bỏng yêu quý hơn nơi vùng đất cực tây Quảng Trị này. Có lẽ Cẩm Tuyết đang làm việc ở ngân hàng, kho bạc hay cửa hàng thương nghiệp huyện. Luân cảm nhận thế.
Con tàu rúc lên một hồi còi dài. Luân tỉnh giấc. Ồ! Hóa ra là một giấc mơ. Luân mỉm cười. Giấc mơ vừa rồi thật đẹp, anh cảm thấy lòng lâng lâng. Tiếng xình xịch… xình xịch… nhỏ dần rồi một tiếng rít dài lan theo dọc đường ray. Tàu chạy chậm lại rồi dừng hẳn.
– Đến nơi rồi em. Đây là ga Đông Hà, mình hành quân bộ đến bến xe liên tỉnh để lên thị trấn Khe Sanh. Tiểu đoàn ta đóng quân huấn luyện ở đó – Anh cán bộ nhận quân nói với Luân.
Trong lần hành quân dã ngoại, tình cờ Luân gặp Cẩm Tuyết ở đội làm đường tuyến Khe Sanh – Lao Bảo. Anh không ngờ cô bạn xinh đẹp học giỏi văn lại chọn công việc làm đường thường xuyên dãi nắng dầm mưa. Như giấc mơ hôm ở trên toa tàu, Luân nghĩ cô gái chắc hẳn làm công việc nhẹ nhàng trong phòng ốc mát mẻ, nào ngờ. Có uẩn khúc gì chăng? Nhưng mà có phải ai xinh đẹp cũng được làm nghề nhẹ nhàng nhàn hạ đâu. Luân nghĩ thế và anh mỉm cười tự giễu về suy nghĩ lẩm cẩm của mình. Ánh mắt Cẩm Tuyết như ẩn chứa một điều gì đó muốn bộc lộ cùng anh. Mãi sau này Luân mới hiểu, vì mẹ cô ép cưới một thanh niên giàu có ở làng. Tuyết không chịu. Không chờ thi đại học, cô quảy quả xách gói lên biên giới xin vào làm công nhân cầu đường.
Nhà Luân và Cẩm Tuyết ở chung huyện. Hai xã chỉ cách nhau con đèo dài 3 km. Luân có đến chơi nhà Cẩm Tuyết mấy lần. Bố Tuyết là liệt sĩ thời chống Mỹ. Ông hy sinh trên mặt trận Đường 9-B5. Tuyết còn người chú nguyên cán bộ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu, nghỉ hưu cấp hàm thiếu tá. Một lý lịch gia đình như thế, xin vào làm việc ở các cơ quan nhà nước đối với Tuyết không khó. Cái thời bao cấp rất coi trọng về lý lịch bản thân và gia đình. Nhất là đối với gia đình có công với cách mạng, với đất nước. Như Luân đi lính Công an vũ trang cũng đòi hỏi lý lịch đỏ. Ba anh làm bác sĩ tuyến bệnh viện huyện, mẹ là cán bộ Phòng Thương nghiệp. Anh trai Luân hiện là Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy X34, Binh đoàn 12.
Sau này, mỗi lần đi công tác hoặc phối hợp tuần tra với Đồn Biên phòng
Lao Bảo, Luân đã gặp các cô gái công nhân làm đường mang găng tay vải dày cộp ngồi đập đá. Công việc làm đường quả thật nặng nhọc với những cô gái mảnh mai như Cẩm Tuyết. Thế nhưng họ vẫn cần cù làm việc dưới cái nắng nung người của mùa gió Lào và trong ngọn rét căm căm vào mùa đông.
Tuyết kể, mình đã trải qua mấy lần sốt rét. Hết nóng lại lạnh, đầu đau như búa bổ. May mà nhờ uống thuốc của quân y Đồn Biên phòng Lao Bảo mới cắt được sốt. Nghe Tuyết kể, lòng Luân dâng lên niềm yêu thương khôn tả. Anh thầm mong mình có dịp được ở gần để che chở cho cô gái hiền thục mảnh mai này.
Đêm trăng. Luân dùng dằng chia tay Tuyết. Bàn tay nhỏ nhắn của Tuyết ấm lên trong bàn tay của anh. Hai người nhìn nhau. Mái tóc dài của Tuyết thoảng hương bồ kết rạo rực trái tim anh. Luân cầm hai bàn tay Tuyết kéo vào mình. Cô cũng quay người quàng tay vòng qua lưng anh, ôm siết…
- Đừng anh!
- Anh yêu em mà…
Tiếng Luân thì thào nóng hổi trên ngực Tuyết.
- Thôi khuya rồi, mình về nha anh. Có đi công tác qua, anh ghé lại đội làm đường em nhé! Luân quay đi. Tuyết vẫn đứng đó. Bóng anh chìm vào sương đêm.
Một năm sau. Luân được cấp trên cử đi học Trường Sĩ quan trinh sát Biên phòng ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Đội làm đường của Cẩm Tuyết vào sâu hơn. Họ phải thi công con đường ngắn 5 km vào đập thủy điện Rào Hóa. Từ đó liên lạc giữa hai người đứt đoạn. Luân tập trung cho việc học tập, khóa huấn luyện sĩ quan trinh sát biên phòng, điều mà Luân mơ ước từ khi vào lính.
Cẩm Tuyết sốt rét nằm dài đã 3 ngày trời. Lão đội trưởng cảm thấy tự do hơn khi được xa vợ. Vào trong này không có sự giám sát chặt chẽ của vợ, lão ta càng có điều kiện để tán tỉnh, mồi chài, tằng tịu với các cô công nhân hơn. Chỉ có Tuyết “hoa khôi” của đội là lão vẫn chưa chiếm đoạt được. Lão cay cú nhưng đành bấm bụng chịu. Tuy vậy, lão chưa chịu đầu hàng, quyết tìm mọi cách khuất phục được cô gái trẻ đẹp này. Mấy hôm nay lão đội trưởng tất tưởi xuống nhà bếp nấu cháo cho Cẩm Tuyết. Nồi cháo gạo được đập trứng gà vào bốc khói thơm phức. Lão mang lên dỗ dành Cẩm Tuyết:
- Em cố gắng ăn đi cho chóng khỏi. Mới sốt mấy hôm mà người đã phờ phạc thế này rồi. Ăn cháo và mỗi ngày uống thêm mấy ly nước chanh pha đường để tăng sức đề kháng em ạ!
Giọng lão trở nên hiền lành lạ. Với người thường đã nghe êm tai rồi, huống hồ bây giờ Tuyết đang bị ốm. Không phải Tuyết không nhận được ý đồ của lão, nhưng trong khi ốm đau, người mệt rã rời, chị em đi làm cả, nỗi cô đơn trống vắng ngày càng tăng lên, nên cô đành chấp nhận sự chăm sóc của lão.
Dạo này Luân không gửi thư về. Lòng cô gái làm đường quặn lên bao nhiêu băn khoăn, dằn vặt. Anh ấy đẹp trai, phong độ và sắp trở thành sĩ quan biên phòng. Còn mình chỉ là một cô gái làm đường dầm nắng dãi mưa, bụi khói bám suốt ngày. Suy nghĩ này cứ trở đi trở lại bao lần trong tâm trí Tuyết. Trận ốm này của cô một phần do ký sinh trùng sốt rét gây ra, phần do cô bị hao tâm tổn sức khi nghĩ về anh chàng biên phòng đẹp trai.
Hai người đi xuống suối. Trăng gần rằm tỏa sáng lên rừng núi bàng bạc. Cái lạnh tỏa ra từ núi, từ đá, từ suối ngàn, từ muôn loại cây trong đêm sẫm đặc.
Tuyết ngã vào người lão. Bất chợt, Tuyết thốt lên:
- Người ta nói trăng biên giới bao giờ cũng lạnh hơn trăng ở đồng bằng, ở thành thị phải không anh?
- Đúng đó em. Trăng vùng biên thường hoang vu và đơn độc. Như trăng hôm nay vậy…
Tuyết như người đang chìm trong giấc mơ. Cô từ từ ngã xuống. Ánh trăng chảy tràn trên cặp đùi đã phơi ra vàng mịn, đọng lại lấp lánh như sương đêm. Trong giây lát, Tuyết bỗng thấy mình tan ra cùng ánh trăng rừng, tan ra cùng hơi sương đang mờ mờ giăng tỏa, tan ra cùng tất cả.
- Anh ơi! Anh Luân ơi!
- Luân nào em. Anh đây mà…
- Trời ơi!
Tuyết khóc.
Ra trường. Luân trở lại đơn vị cũ. Mấy tháng sau, Cẩm Tuyết cũng trở lại công trường làm việc. Con trai cô hơn 1 tuổi, để ở nhà gửi bà ngoại nuôi.
Chiều chủ nhật. Thiếu úy Luân lên công trường hỏi thăm chỗ làm của Cẩm Tuyết.
Mấy cái lán lúp xúp hiện ra trước mắt. Luân hồi hộp chọn một lán bước
vào. Không có Cẩm Tuyết.
– Cô ấy vừa xuống suối giặt áo quần. Anh đi qua chỗ cây bằng lăng sẽ
thấy…
Một nữ công nhân cho Luân biết. Anh bước ra, tìm đến chỗ cô gái vừa nói. Đứng ở cây bằng lăng tím nhìn xuống suối, anh đã thấy Cẩm Tuyết đang vò chiếc áo công nhân. Trông thân hình cô gầy hơn trước nhiều. Anh đứng trên bờ gọi to: “Cẩm Tuyết… Cẩm Tuyết…!”. Cẩm Tuyết bàng hoàng khi thấy người vừa gọi mình là Luân. Cô lảo đảo ngã xuống. Anh lao đến đỡ cô. Mặt Tuyết xanh tái như người ốm. Mấy giọt nước mắt ứa ra. Tuyết thì thào: “Anh ra trường rồi à? Em đã lỡ dại… Em đã có con…”. “Thôi Tuyết, chuyện gì thì cũng qua rồi. Tuyết phải giữ sức khỏe để còn lo cho con…”.
Tối đó. Luân nán lại bên Tuyết mấy giờ. Hai người đi xuống suối nơi gần cây bằng lăng tím. Cẩm Tuyết nhìn Luân bằng ánh mắt rất lạ. Đôi mắt của cô như bị lấp đầy bóng tối, u ám, lạnh lẽo. Chưa bao giờ Luân thấy đôi mắt Cẩm Tuyết như vậy. Và cả tiếng thở gấp của Tuyết nữa như cũng phả ra hơi trăng buôn buốt. Tuyết níu tay Luân:
– Từ trước đến nay em vẫn giấu anh. Em cũng làm thơ đấy nhé. Đêm nay anh phải nghe em đọc thơ. Em đặt tên cho bài thơ mới viết đêm trước là “Trăng lạnh”.
Chao ôi, lạnh lẽo là trăng
Còn ai lạnh nữa hay chăng chỉ mình?
Nước mắt trăng thấm chữ tình
Ta đây, người đấy còn nhìn thấy nhau!
Ngước nhìn trăng sáng mà đau
Ồ không, trăng lạnh thẳm sâu đất dày…
- Thơ gì mà buồn kinh khủng vậy Cẩm Tuyết?
Luân kêu lên. Thảng thốt. Anh vội vàng ôm Tuyết vào lòng. Cả thân thể cô run lên nhè nhẹ. Cẩm Tuyết ôm riết Luân và hôn lên đôi mắt anh. Cô thì thào:
- Nuôi thằng cu Lượm nên người cho em anh nhé! Em mong sau này nó cũng sẽ trở thành một sĩ quan biên phòng đức độ như anh. Em chỉ mong được thế thôi. Số phận có bi thảm đến đâu cũng vui lòng anh ạ. Luân đâu ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng của anh với Cẩm Tuyết.
Trong chuyến xe về thăm con trở lại thị trấn Khe Sanh, Cẩm Tuyết và 36 người dân xấu số đã nằm lại bên chân cầu Đầu Mầu. Chiếc xe khách tuyến bến xe Đông Hà ngược thị trấn Khe Sanh vừa qua giữa cầu Đầu Mầu thì đụng phải chiếc xe tải từ trên dốc lao xuống, chắc là mất phanh. Hai xe tông vào nhau giữa cầu, húc đổ lan can. Chiếc xe khách bị lật xuống sông… Chuyến xe định mệnh đó chỉ sống sót 5 người. Còn lại 37 người khác không còn dịp trở lại nhà mình, trong đó có Cẩm Tuyết. Luân xin phép thủ trưởng đơn vị nghỉ mấy ngày để cùng gia đình lo hậu sự cho Cẩm Tuyết. Luân quấn vòng khăn tang lên đầu con trai Cẩm Tuyết. Thằng bé ngơ ngác chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Lòng anh quặn xót. Mẹ Cẩm
Tuyết vật vã, ngất lên ngất xuống mấy lần… Tiếng khóc ai oán ấy làm cho mọi người không cầm nổi nước mắt. Luân cũng vậy, cố nén nhưng nước mắt mặn chát cứ trào ra ngoài. Chú Cẩm Tuyết vốn nổi tiếng cứng rắn cũng sụt sịt theo chị mình.
“Tuyết ơi, số em ngắn ngủi quá. Nhưng em cứ an lòng yên nghỉ. Anh sẽ thay em nuôi mẹ, nuôi con thành người” – Trong tận cùng nỗi đau, Luân thầm nói với Cẩm Tuyết, như nói với người vợ chưa bao giờ cưới của mình…
Những chiều tuần tra biên giới trở về, khi đi qua lán trại nơi Cẩm Tuyết ở ngày trước, Luân đều đứng lại bồi hồi. Con đường nhựa nơi vùng biên cực tây Quảng Trị dường như còn phảng phất linh hồn của cô gái. Trong nắng gió vùng biên, Luân như thấy Cẩm Tuyết đang ngồi đập đá, sắp đá trên những con đường dang dở. Đường đã làm xong, thênh thang, phẳng lỳ, thế mà em đã trở thành người thiên cổ. Vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt trái xoan trắng hồng dù dãi nắng dầm sương, nụ cười duyên và cả giọng nói nhỏ nhẹ vẫn còn hiển hiện quanh anh.
15/7/2024
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...