Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Đọc thơ "Xế chiều" của Mai Văn Hoan

Đọc thơ "Xế chiều"
của Mai Văn Hoan

Năm 2024, nhà thơ Mai Văn Hoan cho ra mắt tập thơ “Xế chiều” ở tuổi 75, cái tuổi mà người xưa thường cho là “xưa nay hiếm”. Các nhà thơ, bạn thân ở Quảng Bình cùng tuổi Kỷ Sửu với ông là Hải Kỳ, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ đã lần lượt ra đi, chẳng ai cưỡng được cái vòng kim cô “sinh, lão, bệnh, tử”.
Trong lời tự bạch mở đầu tập thơ “Xế chiều”, Mai Văn Hoan cho biết phần lớn ông đều sáng tác ngoài tuổi 60-“cái tuổi đủ để ngấm sự đời và ngẫm sự đời, đủ để chiêm nghiệm và thanh lọc”. Ông viết theo tâm nguyện của mình: Cứ nói điều gan ruột/ Hay dở có thời gian/ Mong sao đừng bỏ cuộc/ Dù còn chút hơi tàn. 
“Xế chiều” gồm 131 bài thơ có thể chia thành 2 phần. Phần đầu, non một nửa là các bài thơ viết về các anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà thơ trong và ngoài nước mà ông chưa được gặp, như: Đại thi hào Puskin, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hàm Ninh, Trần Tế Xương, Đặng Huy Trứ, Hàn Mặc Tử. Những bài thơ viết về các danh nhân, văn nghệ sĩ đương thời mà ông đã từng được gặp, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Hoàng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, các nhà văn Phùng Quán, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Bình Trọng, Hoàng Thái Sơn…
Sau 10 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), năm 2023, ông viết: Giữa Vũng Chùa, Đại tướng nằm thư thái/ Ngăn cuồng phong có Đảo Yến chở che /Bao chiến công sử vàng còn lưu lại/ Mái cỏ xanh mát rượi những trưa hè (Ngôi mộ cỏ). Mộ của Đại tướng chỉ đắp bằng những vuông cỏ, không nguy nga tráng lệ nhưng hàng ngày những cựu chiến binh “mặt hiền như cỏ” tình nguyện về tiếp khách viếng thăm, người người về đây dâng hương với tấm lòng thành kính.
Tập thơ “Xế chiều” của nhà thơ Mai Văn Hoan.
Cứ mỗi địa danh ông đi qua, mỗi tác phẩm của ông lại có một sự liên tưởng sâu sắc đến lạ kỳ. Năm 1982, khi đến Nghi Xuân ông thấy: Chơ vơ giữa cánh đồng cùng/ Một ngôi mộ nhỏ lạnh lùng khói hương/ Đã đau mấy khúc đoạn trường/ Giờ nằm dải nắng dầm sương một mình. Ông liên tưởng đến Thúy Kiều đứng trước mộ Đạm Tiên: Tìm quanh chẳng thấy chân nhang/ Ngỡ đang đứng trước mộ nàng Đạm Tiên/ Người đời tất bật đua chen/ Những là cơm áo của tiền lợi danh… (Viếng mộ Nguyễn Du).
Khi qua cầu Kênh Kịa, ông chợt nhớ đến tài làm câu đối của Nguyễn Hàm Ninh giúp cho chàng trai Khe Giang lấy được cô gái làng Kênh Kịa. Ông liên tưởng tới lần Nguyễn Hàm Ninh đã làm cho vua Tự Đức giận tím mặt nhưng vẫn phải phục tài. Trong bài Nguyễn Hàm Ninh, ông nhắc lại những tuyệt chiêu thông minh, sắc sảo, tài đối đáp thắng được kẻ nịnh thần hợm hĩnh, huênh hoang: Lũ xu thời huênh hoang/ Nay chẳng còn ai nhớ/ Tên tuổi Nguyễn Hàm Ninh/ Thi đàn còn nhắc nhở.
Đặc biệt, tình cảm ba người bạn tuổi Kỷ Sửu vào Huế công tác, cùng uống rượu làm thơ: Ngô Minh cười sật sật/ Hải Kỳ giọng thấp cao/Mai Văn Hoan thỉnh thoảng/ Chen mấy vần ca dao/ Ba thằng giờ còn một/Hai thằng đã ra đi/ Ngang qua lò rượu Hiếu/ Nhớ Ngô Minh, Hải Kỳ (Ba thằng tuổi Kỷ Sửu). Mai Văn Hoan sống lãng du, ông thả lòng với bè bạn văn nhân. Ông uống rượu cùng Phùng Quán, Hoàng Cát và nhất là Nguyễn Trọng Tạo, một nhà thơ, nhạc sĩ có hai câu thơ nổi tiếng: Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say. Ông nói với nhà thơ Thạch Quỳ khi phẫu thuật dạ dày: Nhà thơ mà kiêng rượu/ Còn khổ hơn trời đày/ Mổ tay chân còn được/ Sao lại mổ dạ dày (Nhà thơ Thạch Quỳ lên bàn mổ).
Phần thứ hai là những xúc cảm, giãi bày ẩn ức, những tâm sự sâu kín trong cuộc đời ông. Mai Văn Hoan được bè bạn phong cho là hậu duệ của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Thơ ông có một sức hút với nhiều cô gái, họ say thơ ông, yêu cuộc đời ông. Nguyễn Trọng Tạo đã viết: “Thơ Mai Văn Hoan có lực đẩy của ngọn gió tàng mình, mở ra cánh cửa giấu kín bao điều bí mật…”.
Trong bài “Hồi tưởng”, Mai Văn Hoan viết: Lần đầu tiên biết mùi vị nụ hôn/ Mặt ửng đỏ và toàn thân run rẩy/ Mắt long lanh và đôi môi bừng cháy/ Hai chúng mình e thẹn tránh nhìn nhau. Hạnh phúc tan vỡ, chỉ còn một đêm nữa là ra tòa, ông vẫn cầu khẩn xin vợ mình tha thứ: Chỉ còn đêm nay, chỉ còn đêm nay nữa/ Lòng anh cháy bùng lên ngọn lửa/ Chỉ còn đêm nay, chỉ còn đêm nay…/ Chút nữa là gặp em, anh biết nói gì đây?/ Biết nói gì khi lòng buồn tê tái?/ Đêm nay đêm cuối cùng để xa nhau mãi mãi/ Chỉ còn đêm nay, chỉ còn đêm nay… (Chỉ còn đêm nay). Đến tuổi xế chiều trái tim ông vẫn còn đập thổn thức, nức nở. Bài thơ ông viết cho người vợ trước lúc chia tay được bà chánh án xin lại để hòa giải cho đôi vợ chồng khác.
Sau bao năm quăng quật giữa dòng đời, ông dạy ở Trường cao đẳng Sư phạm (10+3) Quảng Bình rồi vào Trường chuyên Quốc học Huế. Lại yêu, lại làm thơ bằng “những chiếc thuyền vỏ bòng”. Ông Bỏ ngoài tai miệng tiếng người đời/ Ta cứ sống bằng trái tim đa cảm/ Ai cấm được tâm hồn ta lãng mạn/ Đâu dễ dàng được giây phút thần tiên (Gửi một người).
Thơ tình Mai Văn Hoan dễ quyến rũ, say đắm lòng người. Đến tuổi xế chiều, ông phải nghe theo lời vợ: Thơ tình ém cho thiệt kín/ Mơ hồ có có không không/ Ông mà lén đi ăn “phở”/ Biết tay “sư tử Hà Đông”! (Vợ khuyên). Ông là người rất thương vợ, thương con. Ông thương bà Phi, vợ ông sau này: Quán cóc thức khuya, dậy sớm/ Khác gì vợ Trần Tế Xương/ Đã qua cái thời khốn đốn/ Bà vẫn luôn tay luôn chân (Đơn gửi Ngọc Hoàng).
Mai Văn Hoan có những bài thơ lục bát đọc xong nghe như ca dao, có nhiều bài thơ viết cho các cháu thiếu nhi thể loại mỗi câu bốn, năm chữ đọc như đồng dao. Tuổi xế chiều, ông về làm nhà ở làng Thanh Khê (Bố Trạch), một ngôi làng có đến 3 nhà văn Việt Nam. Ông gặp lại bạn bè, bà con thân thuộc để làm thơ về họ và sống những năm cuối đời. Với 12 tập thơ, 7 tập phê bình tiểu luận, 1 tập tản văn và 1 tập dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhà thơ Mai Văn Hoan đã đóng góp cho dòng văn học truyền thống Việt Nam mãi mãi trường tồn, bay cao, bay xa.
10/7/2024
Hoàng Minh Đức
Nguồn: Báo Quảng Bình
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi Bung cánh rồng mây bay lượn/ Giọt bồ đào thiên di muộn mằn. Rơi…// Hôn lên mắt...