Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ: Đi tìm nguyên nhân

Phật giáo biến mất khỏi
Ấn Độ: Đi tìm nguyên nhân

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ thế kỷ VI trước Công nguyên, sau ba trăm năm đã đạt tới đỉnh cao truyền bá ở thế kỷ III TCN dưới thời hoàng đế Ashoka. Hoàng đế còn phái hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta mang một nhánh cây bồ đề của Phật sang trồng ở Ceylon (Sri Lanka), bắt đầu công cuộc truyền bá Phật giáo ra nước ngoài.
Từ đó, Phật giáo hưng thịnh thêm mấy thế kỷ nữa cho đến thời phục hưng của đạo Bà La Môn (tiền thân của đạo Hindu ngày nay). Tuyên bố rằng Đức Phật là kiếp thứ chín của thần Bảo Vệ Vishnu, đạo Bà La Môn thu nạp lại hầu hết tín đồ của Phật giáo – tổ tiên những người này đã cải đạo từ Bà La Môn sang Phật giáo mấy thế kỷ trước.
Dần dần Phật giáo hầu như biến mất ở sinh quán Ấn Độ. Nhưng trong khi Hindu giáo phát triển rực rỡ chỉ ở nội địa, thì Phật giáo lại đi khỏi Ấn Độ và thành công trên phương diện quốc tế.
Dù Phật giáo trở thành một tôn giáo quan trọng trên hành tinh, nhưng ở Ấn Độ số liệu thống kê năm 2023 cho thấy trong tổng dân số hơn 1,4 tỷ người chỉ có 8,5 triệu tín đồ Phật giáo. Cho nên một câu hỏi lớn vẫn luôn còn đó:
Tại sao Phật giáo hầu như biến mất khỏi Ấn Độ?
Câu trả lời đầu tiên: dù đạo Phật có được hưởng ứng nồng nhiệt đến đâu trong mấy thế kỷ đầu xuất hiện thì đó vẫn không phải là tôn giáo phù hợp đối với người Ấn. Phải khẳng định: đạo Bà La Môn mới là sản phẩm tinh thần phù hợp nhất với Ấn Độ.
Phật đến và tuyên bố không chấp nhận sự phân biệt đẳng cấp, con người giàu nghèo sang hèn gì cũng đều bình đẳng. Như vậy là trong chốc lát Phật đánh đổ hệ thống đẳng cấp và được sự ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng về lâu dài, đó chỉ là chủ trương đẹp đẽ và không tưởng. Xã hội Ấn Độ có quá nhiều tôn giáo, trong tôn giáo có quá nhiều đẳng cấp, đất nước quá nhiều dân tộc, thêm nữa sự chia rẽ vùng miền cũng gay gắt. Trong bối cảnh luật pháp còn chưa hoàn chỉnh vững vàng thì hệ thống đẳng cấp hỗ trợ, thậm chí làm thay nhiệm vụ của luật pháp. Xã hội Ấn Độ luôn cần có đẳng cấp. Đẳng cấp giữ yên vị trí của từng nhóm người trong xã hội, ai ở đâu bằng lòng với vị trí đó, giữ yên tôn ti trật tự, không gây hỗn loạn và xung đột.
Hệ thống đẳng cấp của đạo Bà La Môn có bốn đẳng cấp chính:
– Brahmin (Bà La Môn) là đẳng cấp giáo sĩ.
– Kshatriya gồm vua chúa và tướng sĩ.
– Vaisya gồm thương nhân, chủ trang trại, chuyên gia các ngành.
– Shudra là người lao động chân tay và đầy tớ.
Bên dưới đó, ở bên ngoài đẳng cấp, là tầng lớp tiện dân Chandala, chuyên phải làm những công việc “bẩn thỉu” như quét dọn vệ sinh, đóng giày, thuộc da…
Người ta sinh ra ở đẳng cấp nào thì sẽ chết trong đẳng cấp ấy, tức là không thể thay đổi được đẳng cấp của mình.
Như vậy, có được một ông vua quản trị đất nước và làm quan tòa, ngồi cao hơn vua là ông giáo sĩ trông coi tâm linh, người dân chỉ cần siêng năng với công việc của mình và chờ đợi các thần thánh trên cao phù trợ.
Sau cơn mê say mấy thế kỷ làm cách mạng tư tưởng đánh đổ hệ thống đẳng cấp, người Ấn Độ sực tỉnh và nhận ra Bà La Môn mới là tôn giáo cần thiết cho họ. Việc đạo Bà La Môn tuyên bố Đức Phật là kiếp thứ chín của thần bảo vệ Vishnu được coi là một chiến thuật tinh vi nhằm lôi kéo tín đồ Phật giáo trở lại mà không mặc cảm về sự bỏ đạo phá giới. Ngày nay, trong đền thờ Hindu, người ta vẫn thấy có thêm tượng hoặc tranh vẽ Đức Phật.
Một số trí thức Ấn Độ cho rằng mọi thứ chủ nghĩa có thể thành công ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ trừ ở… nước Anh và Ấn Độ. Hàm ý: nước Anh đã có chủ nghĩa tư bản và Ấn Độ đã có đạo Hindu, những sản phẩm đã bắt rễ rất chặt ở nơi đó mà không gì có thể thay thế được.
Câu trả lời thứ hai: xã hội Ấn có quá nhiều tôn giáo, quá nhiều đẳng cấp, quá nhiều chủng tộc… và người ta cần niềm tin, trước mỗi vấn đề người ta cần một câu khẳng định chứ không phải là hoài nghi. Nhưng Phật đến và khuyên người ta hoài nghi, hoài nghi tất cả, kể cả lời dạy của các bậc thầy lớn, trong đó có chính Phật. Ngài hỏi đồ đệ: Người ta có bao giờ mua vàng mà không thử chăng? Rồi Ngài giải đáp: Không đâu, lời thuyết giảng của Phật cũng vậy, nó phải được đem ra thử thách trong thực tiễn vì không hẳn đã hiệu quả với mọi người và mọi trường hợp. Chính vì thế các đệ tử phải biết hoài nghi, hoài nghi mới đi đến chân lý.
Như vậy thì thật là hoang mang. Nhân loại ngây thơ chưa trưởng thành rất cần được cho uống nước đường và những ngọt ngào ve vuốt, mà Phật lại không chịu chiều chuộng. Phật giáo không có thượng đế cũng không có thiên đường. Niết Bàn của Phật không phải là thiên đường mà chỉ là trạng thái giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi khổ ải. Phật từ bi nhưng Ngài chỉ nhận vai trò làm người chỉ đường, chỉ ra đường hướng đi đến thức tỉnh, chứ không đi thay người ta trên con đường dài dằng dặc. Đại dương mênh mông, biết có bến bờ ở bên kia nhưng bơi mãi suốt đời có khi cũng không đến bờ. Trong khi Bà La Môn giáo lại ở rất gần, chỉ việc thờ lửa và cúng tế chuyên cần, chỉ việc ăn chay và lội xuống sông Hằng gột sạch tội lỗi, thiên đường với hàng nghìn thần thánh chờ sẵn ở trên cao.
Người Ấn không thể sống nổi nếu không có thần thánh để thờ. Hệ thống gia phả các thần kéo dài khôn cùng, bắt đầu từ tam vị nhất thể: thần Sáng Tạo Brahma, thần Bảo Vệ Vishnu, thần Hủy Diệt và Tái Tạo Shiva. Từ ba vị thần này mà ra vợ con anh chị em, cho đến cháu chắt… nhân lên đến hàng nghìn vị thần. Mỗi vị thần lại đem đến cho dân chúng một ước nguyện: thần Tài Lộc Luxmi, thần Tình Yêu Kama, thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng Ganesha, thần Học vấn và Nghệ Thuật Sarasvati… Nhưng Phật đã đến và bác bỏ mọi hình thức thờ cúng tế lễ. Tế lễ, giết mổ động vật để hiến tế, chỉ càng trói buộc người ta chặt hơn vào vòng luân hồi samsara, càng không giúp người ta tận diệt khổ đau.
Phật giáo cũng là một tôn giáo không có thần thánh. Muốn thần thánh hóa một ông sư cũng không được, vì như vậy là đi ngược lại tinh thần chung của Phật. Sinh thời, Phật nhắc nhở người ta không vẽ hình nặn tượng Phật cho nên mỹ thuật Phật giáo buổi đầu chỉ miêu tả Đấng Giác Ngộ bằng những biểu tượng: con voi trắng mà thân mẫu Maya mơ thấy khi hoài thai Phật, cây bồ đề nơi Ngài giác ngộ, hoặc chakra bánh xe chính pháp… Gần năm thế kỷ sau khi Phật giáo ra đời, các sư mới bắt đầu “làm trái lời” mà vẽ hình và tạc tượng Phật. Thêm mấy thế kỷ sau đó tranh tượng Phật mới nở rộ trong những hang động miền Tây Nam Ấn Độ rồi lan ra khắp nơi.
Tôn giáo gì mà không cho xây dựng thần tượng, không có thiên đường, cũng chẳng có thần thánh, không đáp ứng mộng ước được thoát ly thực tại. Tôn giáo ấy cũng thẳng thắn chỉ ra rằng những gì đẹp đẽ quý giá của ta đều không vững bền mãi mãi, tất thảy đều là vô thường. Người bình dân Ấn không hiểu được ý tứ sâu xa diệt khổ, lại cũng muốn dựa dẫm mà không tìm ra một chỗ dựa ở Phật giáo, cho nên người ta phải quay về với đạo Hindu.
Câu trả lời thứ ba: cho dù Ấn Độ nổi danh là xứ sở của những bậc đại sư tu khổ hạnh thì đây vẫn là một đất nước của dục lạc và những hình thức hội hè triền miên.
Ngay từ sau tuổi lên mười, ở trường học cổ đại, con em quý tộc và các thương nhân khá giả đã được học về khoa học dục lạc, bên cạnh các môn khoa học phổ thông, văn chương, y học, thể thao cung kiếm. Trên bề mặt đền thờ luôn tạc đầy hình tượng trai gái giao hoan và cuộc sống của người Ấn tràn đầy dục lạc, chưa cần đến lời hứa hẹn được gặp gỡ các giai nhân trên thiên đường xa xôi. Kiến thức dục lạc được các đại sư thuyết giảng từ trước Công nguyên, rồi nhiều thế kỷ sau tập hợp thành bộ sách giáo khoa tính dục đồ sộ đầu tiên của nhân loại: Dục lạc kinh Kama Sutra.
Hội lễ theo mùa vụ, hội lễ của các tôn giáo, hội lễ của các vùng miền, các ngành nghề, thậm chí kỷ niệm đến cả sinh nhật của hàng trăm vị thần. Đến mức đã có thành ngữ như hài hước: mỗi tuần có tám ngày lễ. Khi âm nhạc nổi lên, đố ai bắt được người Ấn Độ đứng yên mà không lao vào đám đông hát hò nhảy múa tưng bừng. Mất mùa, dịch bệnh, chiến tranh… vẫn không thể làm cho người Ấn thôi hát thôi cười thôi nhảy múa. Nói tóm lại đấy là một chủng người hồn nhiên vô ưu vô tư. Bao nhiêu sầu não ưu tư đã dồn vào hết cho một thiểu số các hiền triết tu tập trong thiền viện rừng sâu, còn lại cả dân tộc luôn sống trong ngày hội.
Phật giáo là tôn giáo trưởng thành nên có phần hơi nghiêm nghị so với tính cách của cả dân tộc. Phật không khuyên Phật tử tại gia diệt dục như tu sĩ nhưng cần tiết dục. Phật cho rằng thờ cúng tế lễ không có tác dụng đoạn trừ đau khổ. Phật cho rằng tập quán hành hương đến các dòng sông, thờ lửa, và hội hè linh đình cũng cản trở sự nghiệp vượt qua khổ ải. Thêm nữa, các loại hình nghệ thuật khuấy động và khơi gợi đam mê trong khi người mưu cầu giải thoát lại cần lắng dịu các dục vọng. Nghệ thuật tạo dựng một thế giới tưởng tượng quyến rũ mà người diệt khổ lại cần tỉnh táo để thâm nhập thế giới thực tại.
Mấy thế kỷ nghiêm nghị trưởng thành theo Phật giáo rốt cuộc cũng không giữ chân được người Ấn trở về với bản tính của mình. Với một chủng tộc đa tình và ham vui như vậy, Phật giáo chỉ là khoảnh khắc trầm tư tạm lắng, không thể theo mãi suốt chiều dài lịch sử. Rồi người Ấn lại nhận ra chỉ có Hindu giáo mới nhiều hứa hẹn, cả trên cao lẫn dưới trần thế tràn đầy dục lạc và hội hè. Hindu giáo mới chính là người Ấn.
Câu trả lời thứ tư là của của triết gia Osho: “Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn Độ. Lý do cơ bản của sự biến mất đó là Đức Phật và những người theo ông yêu cầu nó phải thuần khiết. Chính yêu cầu về tính thuần khiết này trở thành một cái hố ngăn cách không thể san lấp. Đám đông không thể hiểu nó, chỉ những người hiếm hoi, một nhóm rất có văn hóa, thông minh, quý tộc, một số ít được lựa chọn mới có thể hiểu những gì Đức Phật ngụ ý. Những ai thấu hiểu được thì trong chính sự thấu hiểu đó, họ đã được chuyển hóa. Còn với đám đông thì Phật giáo là vô nghĩa. Nó mất chỗ đứng của mình đối với đám đông.
Ở Trung Quốc, nó thành công. Ở Tây Tạng, ở Sri Lanka, ở Myanmar, ở Thái Lan, ở Nhật Bản, nó thành công – nhờ những nhà truyền giáo. Khi thấy những điều xảy ra ở Ấn Độ, những nhà truyền giáo Phật giáo đi ra khỏi đất nước này đã trở nên rất thỏa hiệp. Họ bắt đầu nói bằng ngôn ngữ khẳng định. Họ bắt đầu nói về thành tựu, phúc lạc, thiên đường, từ cửa sau họ mang vào mọi thứ mà Đức Phật từng từ chối. Một lần nữa đám đông thấy hạnh phúc. Cả nước Trung Quốc, cả châu Á ngoại trừ Ấn Độ đã cải đạo sang Phật giáo.
Ở Ấn Độ, người ta chỉ cố gắng trao thông điệp thuần khiết, không có sự thỏa hiệp. Ở Trung Quốc, đạo Phật trở thành một tôn giáo đại chúng nhưng khi đó, nó đã mất đi chân lý của mình”[1]
Cuộc cách mạng tư tưởng mà Phật giáo đem đến cho Ấn Độ ở thế kỷ VI trước Công nguyên, như mọi cuộc cách mạng, có lực lượng hưởng ứng đông đảo là quần chúng. Cách mạng là ngày hội của quần chúng bình dân, nhưng dẫn dắt cách mạng phải là tầng lớp có tri thức. Nhìn vào bảng biểu thống kê thì thành phần đệ tử trong giáo đoàn của Phật đa số là những người có điều kiện học hành, am hiểu giáo lý và trải nghiệm nhiều trong xã hội. Bản thân Phật cũng nhiều lần phiền trách những tín đồ bình dân, tu tập nhiều mà vẫn hiểu sai giáo lý.
Phật giáo không chấp nhận chia rẽ đẳng cấp, nhưng ta vẫn nên nhìn vào thực tế: thống kê cho thấy trong số nam đệ tử đi theo Phật, người xuất thân thành phần quý tộc chiếm 76% so với 9,7% thuộc đẳng cấp thấp, phần còn lại là đẳng cấp thương nhân, chủ trang trại Vaisya. Còn trong số Phật tử tu tại gia, quý tộc chiếm 45,5%, đẳng cấp thấp chỉ có 15,5%[2]… Công cuộc giải phóng đẳng cấp là rõ ràng nhưng bản thân quần chúng đẳng cấp thấp chưa giác ngộ được như kỳ vọng.
Phật giáo được dân chúng Ấn Độ chào đón và nhiệt tình ủng hộ trong mấy thế kỷ dù sao cũng chỉ như một ánh chớp lịch sử. Dần dần bình dân nhận ra rằng Phật giáo cao siêu và thực sự khó hiểu. Một tôn giáo tưởng như bình dân lại hóa ra thật trừu tượng. Ngay cả giới trí thức Phật giáo, người tự cho là hiểu nhiều biết rộng về giáo lý lại không hẳn đã chứng tỏ hiểu biết. Cho dù Phật giáo thành công ở nước ngoài, sang cả phương Tây, thì cũng không chứng minh được rằng ở đó tín đồ thực sự hiểu Phật hơn ở Ấn Độ.
Các nhà sư Tây Tạng làm lễ bên gốc cây bồ đề giác ngộ, Boddhgaya. Ảnh: HAT
Thời kỳ suy tàn của Phật giáo Ấn Độ diễn ra như thế nào?
Trên đất Ấn Độ, người ta đòi hỏi Phật giáo phải giữ nguyên tính thuần khiết của nó, không chấp nhận điều chỉnh sửa đổi. Khoảng những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn giáo hội quyết tâm bảo vệ sự nguyên vẹn của giới luật và Phật giáo trở nên khó thực hành đối với đa số dân chúng đang có xu hướng quay sang tín ngưỡng nào có thể tu tập dễ dãi. Tuy nhiên cùng lúc một bộ phận sư sãi trở nên tha hóa. Hiện tượng này đã manh nha ngay từ thời Phật còn tại thế, khi mà Phật rất phiền lòng thấy một số đồ đệ thích lân la đến nhà các thí chủ để được ăn ngon, thích được cúng tặng những tấm y đắt tiền. Các vị ấy bắt đầu ngại đắp tấm phước điền y (tấm cà sa như thửa ruộng gieo trồng phúc đức) vốn chắp vá từ những mảnh giẻ nhặt về từ bãi hỏa táng hoặc vải thừa từ nhà thợ may. Các vị không chuyên tâm tu tập chính pháp mà chỉ khoe nhau tấm y bằng lụa đắt tiền và những vật dụng quý hiếm và quên rằng người tu hành không dụng tâm sở hữu. Sự tha hóa chuyển động ngấm ngầm và tiệm tiến qua nhiều thế kỷ, thậm chí nhiều sư còn mưu toan sửa đổi giáo lý và giáo luật theo hướng dễ tu hành và vụ lợi, rồi dẫn đến kết cục họ bị thực tế đào thải.
Dân chúng từ chỗ chán chường đi đến thất vọng và sụp đổ niềm tin. Họ dần dần nhạt đạo xa chùa, rồi quay về với Bà La Môn, tôn giáo căn cốt của Ấn Độ. Ở thế kỷ VI trước Công nguyên, người ta mở lòng hân hoan chào đón một hệ tư tưởng mới là Phật giáo như thế nào, thì sang những thế kỷ đầu Công nguyên, người ta lại hào hứng như thế đón nhận trở lại Bà La Môn đã có những cải cách mới.
Sự tan vỡ của Phật giáo ở Ấn Độ còn có một nguyên nhân do kỳ thị tôn giáo. Buổi bình minh của đạo Phật, Ấn Độ còn là môi trường rộng lượng và bao dung với các tôn giáo, rất thuận lợi cho việc truyền giảng. Nhưng môi trường cũng dần dần trở nên ô nhiễm, nhiều người Bà La Môn trở thành thù địch. Các tín đồ Phật giáo bị làng xóm tẩy chay và bức hại. Rồi các hoàng đế Hồi giáo lên cai trị theo cách một tay cầm sách thiêng một tay cầm thanh kiếm, chỉ được lựa chọn một trong hai thứ. Có những cuộc thảm sát mà hàng trăm nhà sư ngồi yên trên sân thiền viện, không dùng bạo lực chống trả, để mặc cho quân lính tự do tung hoành chém đầu tất cả. Ngày nay, ở nhiều di tích Phật giáo trên đất Ấn Độ, người ta có thể thấy những pho tượng Phật lăn lóc trên đất cát, có khi chỉ là những mẩu chân tay, có khi chỉ là cái đầu bị vùi lấp một nửa. Một số pho tượng được khai quật lên, dựng lại chỗ cũ nhưng mặt Phật bị đập nát. Đạo Hồi cấm vẽ tranh tạc tượng con người, cho nên thanh gươm lưỡi búa kỳ thị bao giờ cũng nhằm trước hết vào đầu và mặt của những pho tượng.
Rốt cuộc Phật giáo sinh ra ở Ấn Độ nhưng phải đi khỏi quê hương thì mới tìm thấy nơi trú ngụ. Một tôn giáo cùng thời và giáo lý khá giống với Phật giáo là đạo Jain đã nhân nhượng với hệ thống đẳng cấp của Bà La Môn nên trụ lại được ở Ấn Độ. Phật giáo sang Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác, thỏa hiệp với đám đông ở đó. Giáo lý của Phật đòi hỏi người ta tập trung vào tu học quá phiền não thì ra nước ngoài, các nhà sư lại gia giảm vào đó sự hứa hẹn: ăn chay niệm Phật sẽ được cái này, thành tâm cúng dường thì được cái kia… có một đấng trên cao nhìn thấy hết và ghi nhận hết những sự cúng dường thiện tâm của ta. Phật giáo đã được điều chỉnh cải tiến, đã không giữ được tính nguyên sơ của nó. Biết đâu nhờ vậy mà Phật giáo không phải ở lại trên đất Ấn rồi mãi mãi chỉ là một tôn giáo nội địa như đạo Hindu.
Ngày nay ở thủ đô New Delhi, nếu có dịp đến thăm đền Birla, một quần thể đền thờ Hindu đồ sộ, người ta có thể không để ý đến một ngôi chùa Phật khiêm nhường ngay bên cạnh đó. Thoạt nhìn, ngôi chùa Phật giống như một tòa phụ của quần thể đền đài Hindu và người vô tình có thể bỏ qua.
Hình ảnh này có thể coi là biểu tượng của Phật giáo đặt bên cạnh sự nguy nga hùng hậu của đạo Hindu. Trên đất Ấn Độ, người ta dễ lướt qua mà không nhận ra một ngôi chùa Phật hiếm hoi ẩn khuất giữa phố phường.
Nhưng nói Phật giáo “biến mất” là nhìn ở khía cạnh tôn giáo này không hiện diện là một giáo hội đa số trong đời sống Ấn Độ. Còn nhìn từ phía di sản mà Phật giáo để lại thì ta vẫn thấy vai trò đáng kể của Phật giáo.
Vẫn còn đó các di tích quan trọng của những “thánh địa” như nơi Phật đắc đạo bên gốc cây bồ đề Boddhgaya, nơi Ngài giảng bài kinh đầu tiên cho năm tín đồ đầu tiên Sarnath, nơi Ngài nhập niết bàn Kushinagar. Khó mà đi thăm viếng hết những nơi Ngài đã đặt chân đến và thuyết pháp như Rajagaha, Savatthi, Uruvela…
Ba thế kỷ sau Phật, hoàng đế Ashoka lo ngại rằng người đời sau có thể nghi ngờ về sự có mặt của một nhân vật như Phật trên đời, vì vậy hoàng đế cho dựng lên những chỉ dụ khắc trên đá, xác nhận những địa danh liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Hoàng đế không lo xa, mãi cho đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, khi khai quật được những chỉ dụ này, người ta mới thực sự tin rằng Đức Phật là nhân vật lịch sử có thật.
Những bản văn liên quan đến giáo lý của Phật còn đấy. Những tư tưởng này còn in dấu trong tính cách Ấn Độ. Người Ấn Độ nổi danh là hùng biện, kể cả những người ít học. Cho dù trong lịch sử bị nhiều thế lực ngoại bang và các tôn giáo khác đàn áp, người Ấn Độ số đông vẫn khiêm nhường và sống ôn hòa với muông thú và thiên nhiên. Những tư tưởng Phật giáo đi vào các loại hình nghệ thuật dân gian và bác học vẫn hiện diện trong đời sống Ấn Độ ngày nay. Quần thể tranh tượng đồ sộ trong hàng chục hang đá tại Ellora và Ajanta là sản phẩm của các nhà sư ở thế kỷ IV đến thế kỷ VII vẫn làm say mê du khách Ấn Độ từ khắp đất nước. Vẫn còn đó di tích trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Nalanda, nơi nhà sư Đường Tăng lưu lại mười sáu năm trời, ban đầu là để học, sau đó là ở lại giảng dạy.
Thêm nữa, ngôi chùa Phật nhỏ bé kia có thể không ai để ý, nhưng ngay cạnh đó, trong tòa đền Birla bề thế vẫn có một pho tượng Phật. Tín đồ Hindu vào đền đảnh lễ trước các thần thánh Hindu vẫn không thôi tin rằng Phật là kiếp thứ chín của thần Bảo Vệ Vishnu.
Và dấu ấn sâu sắc của Phật giáo vẫn còn sinh động trong ẩm thực của người theo đạo Hindu: không ăn thịt động vật. Phần lớn trong số hơn một tỷ người Hindu thực hiện ăn chay triệt để, do ảnh hưởng bền bỉ từ hàng nghìn năm của Phật giáo trong đời sống Ấn Độ. Ở thế kỷ XX, nhà cách mạng Mahatma Gandhi đã kiên trì tư tưởng không sát sinh không bạo lực của Phật để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, mang lại độc lập cho Ấn Độ.
Như vậy có thể coi là Phật giáo đã biến mất ở Ấn Độ hay không?
Chú thích:
[1] Đức Phật – cuộc đời và giáo huấn, chuyên luận của Osho, Lê Xuân Khoa dịch, Thái Hà Books và NXB Hà Nội 2019.
[2] The Historical Buddha, W. H. Schumann, published by Arkana 1989.
16/7/2024 
Hồ Anh Thái
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...