Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Bà Mắm - Truyện ngắn của Tiêu Đình

Bà Mắm - Truyện ngắn của Tiêu Đình

Thời công nghiệp hóa hiện đại hóa, các nét văn hóa một thời ở miền quê xứ Quảng đã trôi về miền ký ức. Đôi bầu bán mắm tòn teng từ vùng biển theo bước chân bộ hành khắp nẻo mạn ngược, chuyện buôn bán đổi trao “mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” đi vào ca dao, lời hát ru tự thủa nào… Chẳng phải hoài cổ mà nhắc lại chuyện xưa để còn biết rằng vùng này với những con người nghèo khó dân dã nhưng quý trọng nghĩa tình…
NHÀ VĂN TRƯƠNG ANH QUỐC giới thiệu
Anh hỏi bà Mắm, không ai biết…
– Nghe nói bà Mắm ở vùng biển Bình Minh này đây mà, nhà bên bờ sông Trường Giang, thân thường gửi tạm ở chợ Được. Bà nổi tiếng khắp nơi nhờ nghề làm mắm, buôn mắm. Từ lăn lộn làm ít, xuôi ngược bán dạo đến làm quy mô, bán sỉ, rồi giàu lên từ mắm…
– Chú ơi, ở cái làng này giàu nghèo chi mà không sống nhờ vào cá tôm, mắm muối- Chị ngư dân nhanh miệng- Từ hạt muối, ô mắm, con cá, con tôm…, họ nuôi thân, nuôi gia đình là chuyện thường tình. Ai không bỏ làng ra đi là coi như chấp nhận cả đời đen da sém tóc để con cháu may ra được trắng da mượt tóc. Chú cố nhớ lại thử xem, tên thật của bà ta là chi chứ cứ Bà Mắm chung chung… thì chịu.
– Thời nào có con người của thời ấy mày ơi – Thằng bạn nhà báo có vẻ tự tin thể hiện nghiệp vụ – Bây giờ mày có đốt đuốc đi tìm cũng không tìm ra những người còn tòn ten gánh mắm muối đi bán dạo. Quê tao ở tít trên chân núi Hòn Tàu kia kìa, mà mới mờ sáng đã thấy xe máy chở hàng biển tươi ngon lên bán. Muốn mua thứ gì cũng có, con tôm còn vùng, con cá ngừ còn đỏ man, con nghêu chưa kịp nhả hết nước mặn… Tha hồ mà lựa chọn. Mùa nắng đã đành, mùa mưa gió cũng vậy, không muốn vào chợ thì dọc đường vẫn có những trạm bán hàng biển tốc hành. Đó là chưa kể hàng có thể ship đến tận nhà….
Năm thằng trên một chiếc xe con, chuyến đi được dự định từ năm ngoái mà hôm nay mới thực hiện được. Trừ anh là cán bộ hưu trí, mỗi thằng còn lại đều phải tất bật tranh thủ thời gian cho nhiều việc riêng. Thằng Hảo chủ xe, vừa là tài xế, thả chúng tôi xuống bãi cát là đi vèo. Cũng chẳng cần phải hỏi, phải biết nó đi đâu, đến huyện, lên tỉnh, gặp ai, bàn việc gì. Dân kinh tế mà, đời luôn gắn với những chuyến đi, hết đi coi như đã chết. Còn hai đứa làm ở văn phòng đo đạc của tỉnh bước xuống xe là xách máy đi riêng. Nghe đâu có nhiều dự án lớn được quy hoạch tại vùng “cát nóng phỏng chân” này. Thằng nhà báo cùng xóm với anh thì đang “nổ” đùng đùng ở quán cà phê, năm mười phút sau thấy biến đâu mất tiêu.
Không chịu áp lực nào của chuyến đi nên anh tự chọn cho mình thú vui được lang thang một mình bên bờ Trường Giang chảy dọc. Năm 1972, nếu không có bom đạn ác liệt đẩy anh phải rời xa “thung lũng tử thần” để vào định cư tại Sài Gòn thì vùng sông biển này đã trở thành bạn thân của anh từ rất lâu. Chính mẹ và bà Mắm đã gieo vào đời anh những mầm xanh ban đầu về một vùng đất hứa có tấp nập ghe thuyền ra khơi, cập bến, con tôm búng tanh tách, con cá vùng rèng rẹt, hạt muối khô trắng, thùng mắm cái thơm mùi rất khó tả… Từ đó, đêm nào anh cũng nằm mơ thấy biển rộng, cát trắng, hàng dương xanh một bên, sém nắng một bên. Trong hẹn hò, dòng sông lạ thành quen, biển thành bạn của núi, mẹ và bà Mắm ngày càng thân nhau, lớn đậm hơn trong ký ức tuổi thơ anh một thời.
Sông của bà Mắm và của mẹ đây rồi. Chỉ cần bước thêm bước nữa là bàn chân anh sẽ chạm vào mạch máu ấm mát của sông, cúi khom người xuống chút là đôi tay anh có thể vục nước rửa mặt. Dù suốt đời hẹn nhau, anh vẫn cảm giác giật mình khi được về với dòng sông của bà Mắm. Còn nữa, đây là sông của thầy anh, người thầy vẫn thường nói, dòng sông chảy dọc như mạch máu giữ ấm cho mùa lạnh, lan tỏa tươi mát cho mùa nắng. Thầy cũng đã dạy anh không nên nghĩ về một con cá chuồn hay miếng mít non cụ thể nào đó đã gửi lên gửi xuống. Vì đây là tình người, mà tình người thì mênh mang vô tận… Thưa thầy, lần đầu tiên thầy đã giúp em mường tượng ra con sông vô hình chảy từ trái tim bà Mắm đến tim mẹ, từ biển ngược lên núi…
Trường Giang giống như một đời người, lỡ bồi thất thường, eo thắt chỗ này, phình ra chỗ kia. Vài chiếc ghe nhỏ đang cố giữ an toàn cho chủ ung dung vớt bèo, thả lưới. Như một thói quen, chủ thoáng ngước nhìn khách lạ, rồi lại cắm cúi với công việc. Anh chưa kịp nhận ra đằng sau chiếc nón lá tơi vành, màu mắt, màu tóc của chủ có giống với lời kể của bà Mắm hay không. Rải rác đây đó sông được ngăn ra từng mảng bằng những cọc gỗ và mảnh lưới để nuôi tôm… Nước sông dùng dằng không chảy mà lòng anh thì cứ chảy ngược về quá khứ, ngược lên vùng chân Hòn Tàu, nơi đã sinh ra anh, nuôi anh lớn và thả anh ra bươn chải với đời. Dẫu sao, sông có thay đổi dạng hình không giống trong tư duy cổ tích của tuổi thơ nó vẫn diệu hiền đằm thắm như lời hát ru: “Ầu ơ… nhớm chưn kêu bớ bạn nguồn… Mít non gởi xuống… Ầu ơ… mít non gởi xuống… cá chuồn gởi… lên”
Con Vàng sủa từ ngoài ngõ sủa lần vào sân. Giọng ru khàn khàn của mẹ đang lượn bay bỗng rơi nhẹ xuống nền đất ẩm. Tay võng đung đưa nhè nhẹ rồi dừng lại. Mẹ nhìn ra sân, đôi mắt mờ đục thoáng nhíu lại trước khi cúi xuống ôm Út, xóc bồng vào nách, rồi chậm rãi bước qua bục cửa có nhiều dấu vết thời gian đen thẫm.
Người đàn bà chưa kịp chào hỏi mẹ đã nhẹ nhàng đặt hai đầu gióng trên sân gạch, kê vội cái đòn gánh, ngồi bệt xuống. Mồ hôi rịn những hạt li ti trên vừng trán sạm đen. Bà vừa thở, vừa gỡ chiếc nón lá đội đầu xuống, quạt quạt. Chiếc nón tơi vành, như không còn đủ sức theo bà cho đến hết mùa mưa nắng.
– Ông nhà mình đi rừng rồi hả bà?
– Ui, bà Mắm hả, răng bữa ni lên trễ rứa?
Bà Mắm là cái tên mẹ đặt cho người vùng biển lạ mà quen này. Lạ vì ngoài hiểu biết chung chung về quê biển của bà, không ai rõ tên tuổi hay nhà bà có bao nhiêu người, chồng con thế nào. Không ai muốn hỏi vì chỉ cần biết bà thường gánh mắm muối từ biển lên, bán dạo với giá rẻ là đủ rồi. Còn quen, khoảng mươi ngày thấy bà lững thững gánh mắm muối vào từng nhà, chu kỳ ấy dường như không đổi, đã được ghim thành thói quen, chẳng thể quá sớm cũng không quá muộn. Nhà nào đến kỳ hết mắm muối cũng chả vội ra chợ mua hàng theo giá trung gian, cứ quen chờ đợi nên cũng quen xem bà như người thân trong nhà.
Mẹ bỏ Út bò chơi dưới đất, vào nhà pha bát nước chè xanh ra mời bà Mắm. Mẹ quay vào lục tìm thứ gì đó dưới nhà bếp hơi lâu. Một lúc sau mẹ mang ra cái thúng ba ang để đựng muối và cái hũ sành đựng mắm cái.
– Bà cứ đong đầy muối vô đây cho tui, bao nhiêu ô cũng được, để dành mai mốt muối mắm dưa, mắm thơm. Mắm cái còn một ít trong nhà, chuyến sau bà lên tui mới tính mua tích trữ cho cả mùa mưa…
Việc mua bán giữa mẹ và bà Mắm nhanh gọn, không mặc cả giá như ngoài chợ. Bà Mắm cứ thế lường mắm muối bằng cái ô cũ kỹ, mòn vẹt. Chiếc vá trên ô hứng dưới, bà múc mắm đổ qua cái hũ lanh như máy, khó có giọt nào rơi được ra ngoài.
Đong mắm muối xong bà Mắm ngồi thừ người ra nhẩm tính. Lại đến lượt mẹ bưng thúng lúa ra cùng cái ang cũ kỹ và một ống tre dùng để gạt lúa. Ống tre tròn đẹp, mòn đều như một báu vật được lưu truyền từ nhiều đời trước. Hai người đàn bà tính việc mua bán rất nhỏ nhẹ. “Rứa là hai ang rưỡi nghe bà? Tui đong đây”. Rột… xòa…, rột… xòa…
– Uống cho hết bát nước chè rồi hãy đi, chè mới hái phơi được nắng thơm ngon lắm. Tối nay còn lẩn quẩn ở làng An Sơn này thì ghé qua đây ở lại với tui cho vui. Ông nhà tui lên nguồn mua cây rồi, nhà vắng lắm.
Bà Mắm vừa ra khỏi mé sân bỗng quay lại: “Chưa biết bữa ni về hay ở lại đây. Ờ mà… lần sau bà đặt mắm cá nục hay cá cơm nói để tui chuẩn bị trước”. Bà Mắm lững thững ra ngõ…
Đi thế này thì bao giờ mới lội hết điệp trùng rừng đồi của cái làng An Sơn?
“Ầu ơ… nhớm chưn kêu bớ bạn nguồn…” với “Hòn Kẽm Đá Dừng…” mà hát ru cho Út ngủ. Giọng mẹ không còn trong ấm như hồi trẻ hay theo ngoại đi hát hò khoan bên xóm Đá Bàng. Vậy mà nghe ru, hai mắt cứ muốn liu riu khép lại. Thằng anh còn thế huống chi là Út.
Hoàng hôn sơn cước gọi đàn gà trống mái, lớn nhỏ về chật sân. Chúng xua cắn nhau ‘’chiết chít’’ tranh giành khoảng sân sắp được chiêu đãi trước khi lên chuồng. Út đã ngủ say, mẹ ngừng ru, ra vãi lúa cho gà. Thằng anh cầm cuốn sách trên tay mà chữ nghĩa cứ như lơ lửng đâu đâu. Sao lại “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”? Có thấy bà Mắm gánh cá chuồn đâu? Chỉ ai dặn, bà mới gánh theo mắm muối một ít cá khô, hay rổ mực hấp… Cũng chưa thấy mẹ trao đổi hàng hóa bằng mít non bao giờ, hái cho không người ta mang về thì có.
Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong
Con Vàng chỉ sủa nhẹ mấy tiếng rồi im bặt, ngoắc đuôi. Bà Mắm đang đi vào. Những bước chân thanh thoát, an vui hơn. Mẹ và bà Mắm cười chào nhau như đã hiểu nhau từ nhỏ. “Bữa ni tôi xin ở lại với bà một đêm”. Vừa nói xong, bà Mắm nhanh chóng đặt gánh xuống hiên nhà, cầm chổi ra quét sân.
– Bà lo tắm rửa nghỉ ngơi rồi ăn tối. Đi cả ngày chắc mỏi mệt lắm.
– Ngày ni bán gần sạch hàng, sáng mai một buổi nữa là có thể về lại.
Nói xong, bà Mắm lục tìm trong đôi bầu, lấy ra con cá hố khô, đùm gạo và nhúm rau má nhổ đâu được dọc đường. Mẹ cao giọng, ‘’bà cất gạo đi, nhà tui thiếu nhiều chứ đâu thiếu một bữa gạo cho bà. Mau mang cá xuống chiên để kịp ăn tối. Ca hố khô đó mà chiên với dầu phụng nhà thì thơm giòn, cả lon gạo ăn sạch luôn đó ’. Bà Mắm đi chân đất như chạy xuống nhà bếp, đôi dép bỏ ngoài hiên in hình rất rõ từng ngón chân mòn lõm.
Buổi tối, bà Mắm ngủ với mẹ dưới nhà ngang. Câu chuyện giữa hai người càng về khuya càng xoáy rõ vào tai anh đang ngồi học bài góc căn nhà chính. “Quê tui mà không có biển và sông Trường thì chắc mọi người đã bỏ đi hết từ lâu. Ông trời có tai, có mắt nên mọi thứ đều được bù trừ. Gió mặn có bờ dương che chắn, cát nóng có nước sông phả dịu mát. Cũng lạ, sông không chảy xiết từ núi xuống biển như những nơi khác mà chảy hiền dịu dọc theo một vùng cát rộng lớn. Thầy An gần nhà tui hay nói đó là máu của đất, máu nuôi đất sống, đất còn đó thì máu còn tiếp sức. Thầy còn nói sông biển là ân nhân, ân huệ, ân nghĩa gì đó của làng. Tui nghe hay mà chẳng hiểu được nhiều…”
Nghe bà Mắm kể, tâm trí anh cứ như muốn thoát khỏi những dòng chữ trong sách vở, bay bổng về một phương lạ với trong xanh biển trời và mênh mang cát trắng. Mẹ biển, mẹ núi thức với nhau cho đến nửa khuya mới sè sẹ ngã lưng xuống chiếc giường tre ọt ẹp. Với anh, chuyện nào nghe cũng lạ, cũng hay. Chuyện việc đánh bắt tôm cá, làm mắm, làm muối… Thì ra, đằng sau chén mắm cái và những hạt muối ăn mỗi ngày là cát nóng phỏng chân, nắng sém da, mưa nhão đất. Mọi thứ đều không đơn giản như anh nghĩ.
Sóng bạc bò nhẹ trên cát, ì ọp vỗ vào mạn ghe. Biển chiều quy tụ năm anh em về lại cùng với một bên xanh cây, một bên vàng cát. Mặt trời đã về với núi, để lại một mảng sáng dịu mắt và gió nhẹ mang hơi thở biển rải đều trên nhấp nhô đá lớn nhỏ sẫm màu. Người đến với biển, ghe về với bến mỗi lúc càng đông hơn. Khách ăn mực hấp chấm mắm gừng, cá nục quấng bánh tráng rau muống vừa tám đủ thứ chuyện về vùng đất “ngọn khoai trườn nỗng cát”. Mỗi khách ồn ào một ý tưởng, một suy luận riêng nhưng khi nghe anh kể chuyện bà Mắm thì ai cũng tròn mắt lắng nghe. Thằng Vinh, dân báo chí, hỏi như khẳng định: “Mày có biết liên khúc những công trình, dự án sắp tới sẽ được khởi công dọc theo vùng biển này chưa? Không còn những con đường nắng bụi mưa bùn, những mái lá trêu ngươi cùng mưa bão nữa đâu. Cát rồi sẽ thành vàng đấy. Đặt tên lại cho bà Mắm của mày là cô Tấm đi…”.
Thằng bạn gốc dân biển trong đoàn khảo sát địa chất ngồi trầm ngâm như không nghe không thấy mà chỉ suy nghĩ, mắt hết nhìn biển lại quay nhìn những con đường rộng thênh vừa được tráng nhựa. Xa xa đã thấy nhô lên vút cao vài khu công nghiệp, nhà máy mới xây. Chủ quán mang dĩa tôm hấp và chén muối tiêu: “Mời mấy chú dùng thử tôm nuôi ở sông Trường Giang nè. Mới xúc dưới sông lên đó, ngon ngọt lắm, đang còn vùng là bỏ vô hấp liền…”
Đúng rồi, thật khó tìm ra tông tích của người xưa với biệt danh Bà Mắm mà mẹ anh quen gán ghép. “Bà Nhân chứ chú, đó đúng là bà Nhân rồi. Từ biển lên núi, từ vùng đất này đến nhiều nơi trong nước, cả bên Tây, bên Tàu người ta đều biết thương hiệu Mắm bà Nhân nổi tiếng. Mắm nước, mắm cái đủ cả. Những năm đầu bà còn lăn lộn bán dạo khắp các chợ về sau nhiều cửa hàng mở ra tại chỗ, con cháu đều được huy động vào cuộc mà vẫn không đủ hàng. Chẳng giàu lên từ đó mới là chuyện lạ. Tiếc rằng, bà Nhân mất sớm hồi cơn bão Chanchu tàn phá vùng này, lớp con cháu trưởng thành từ mắm giờ lại đi làm ăn xa cả, không mấy đứa còn nối nghề của bà…”
Nghe chủ quán kể, anh thầm cười với hương linh mẹ. Bà Nhân, tên người ta hay thế, mẹ lại sửa thành bà Mắm. “Bíp bíp… bíp bíp…”, tiếng còi ô tô rộn lên, pha màu mới vào biển chiều quen thuộc và vỗ vai anh, lay thức dòng suy tư đang  ngược chiều quá khứ. Gió nhẹ dẫn con sóng tạt sát chân khách như để bắt tay nói lời tạm biệt. Anh vẫy chào biển như chào con cá chuồn nghĩa tình một thời, chào bà Mắm và cả mẹ anh đang lang thang đâu đó với hồn biển. Không, xin chào bà Nhân, chào cô Tấm thảo hiền! Một ngày với biển ngổn ngang và chật ních buồn vui. Để anh nghiệm ra rằng, còn có một dòng sông vô hình nối liền sơn- thủy, quá khứ- tương lai. Soi bóng mẹ và bà Mắm đang trao đổi chuyện “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên” rồi cùng cười.
27/6/2024
Tiêu Đình
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...