Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Nhà thơ Hồ Minh Thông, nguyện cầu hóa cỏ xanh non

Nhà thơ Hồ Minh Thông,
nguyện cầu hóa cỏ xanh non

Hồ Minh Thông làm thơ từ sớm, “vốn là một học sinh giỏi văn trước khi trở thành giáo viên chuyên văn”. Đọc thơ chị dễ nhận ra chị là một “sứ giả” được giao phó “sứ mệnh” ghi lại những vui buồn, ám ảnh cõi người, những giấc mơ tâm linh đồng hành đang chuyển động trong vũ trụ vào thế giới tâm hồn, khúc xạ thành vẻ đẹp mà con người khao khát.
“Ngày” và “đêm” trong thơ khác với ngày và đêm trong vũ trụ. Trong thơ, “ngày” và “đêm” trở thành ẩn dụ, ít nhất cũng là hình tượng nghệ thuật. Theo khái niệm của nhà LLPB, PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc (Đại học Thăng Long) thì “ngày” và “đêm” trong thơ là thời gian nghệ thuật, là biểu tượng.
Và cũng xin nói, “ngày” và “đêm” không phải là đặc hữu của thơ, trong hội họa, âm nhạc – kể cả những trong những bản nhạc không lời, người nghe vẫn nhận ra sự ám ảnh của đêm trong các giai điệu. Hiếm có nhà thơ nào không dùng đến biểu tượng đêm trong tác phẩm.
Nói ra điều này, bởi tôi bắt đầu giải mã “đêm” trong thơ hai tập thơ “Ngồi tựa vào trăng” và “Đêm trở dạ” của nhà thơ Hồ Minh Thông. “Ngồi tựa vào trăng” có 55 bài thơ; “Đêm trở dạ” có 82 bài thơ. Nếu như trong “Ngồi tựa vào trăng” chỉ có bài thơ “Vết thương xuyên đêm”, thì trong tập “Đêm trở dạ” có “Đêm trở dạ”, “Đêm hóa đá”, “Đêm”, “Chuyện của đêm”, “Sông đêm”… Đêm không chỉ xuất hiện ở tên 7 bài thơ này mà còn có mặt ở nhiều bài thơ khác. Hay nói cách khác, Hồ Minh Thông đã dựng lên “không gian nghệ thuật” mang tên đêm trong 2 tập thơ: “đêm”, “bóng đêm” “nguyên bản đêm”, “lõa thể của đêm”, “đêm đen”…
Tôi bóc da thịt của tôi
bóng đêm trị vì đặc quánh
Sao người không làm tên lính
canh cánh cổng của đêm
nơi giam giữ tôi suốt cả một đời
(Bóc)
Theo lập luận của PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc, thời khắc đêm là khởi điểm của tâm trạng rõ nét nhất. Đi sâu vào mổ xẻ “đêm” với tư cách là thi pháp, nhà văn, ThS. Hoàng Thụy Anh thì cho rằng: “Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình”. Đọc khổ thơ cuối (đã dẫn) trong bài thơ “Bóc” của Hồ Minh Thông thấy rõ hoàn cảnh đối thoại của tác giả, “Tôi bóc từng lớp vỏ của đêm”, từ ngoài vào trong để “ràng rịt vết thương lòng”, như cách nói của Hoàng Thụy Anh. Chắc chắn, nhà thơ được ràng rịt nhưng đêm hẳn đau đớn, tê tái, khi bị lột đến “lõa thể”.
“Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”, (Truyện Kiều); không chỉ tác giả hiện đại mà các tác giả trung đại đã từng sử dụng hình tượng nghệ thuật đêm. Những ai mê ‘Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hẳn nhận ra “Đêm” gắn với giấc mơ vào đời của Thúy Kiều về định mệnh và tình yêu. Nó đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời Kiều, càng cố gắng lý giải thì càng lún sâu vào cảm giác mơ hồ, ảo ảnh.
Với nhà thơ Hồ Minh Thông, trong vô thức của ảo ảnh, chị muốn được “giam giữ suốt cả một đời” cùng bóng đêm. Đó cũng là một “hiện thực tinh thần” của Hồ Minh Thông. Nếu nói theo cách của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì hiện thực ấy mới luôn chuyển động, sinh nở, và biến ảo. “Đêm” không chỉ là hiện thực cứu rỗi, mà là hiện thực thúc đẩy sáng tạo trong cô đơn nhà thơ.
“Đêm sinh nở nỗi cô đơn không tuổi” (Đêm trở dạ); “Tôi chỉ là con cá thia lia/ Mắc cạn trong đầm lầy của bóng đêm chật chội” (Cá thia lia); “Về đi/Móng tay em đứt gãy/ Gỡ giọt nước mắt đêm qua hóa đá/ Bám vào đêm” (Đêm hóa đá); “Ta ướp mưa đêm vào tim/ Mưa ướp hồn ta vào mộng” (Ướp mưa);…
Ta chạy trốn hoàng hôn
Chấp chới bay cùng đàn chim thiên di vội vã
Ngóng chờ gì ở miền đất xa lạ
Khi cuối hành trình là bóng đêm?
(Tự thú)
Những tiếng thở của đêm
Làm em rùng mình
Tưởng tiếng thét của con thú bị thương giãy mình chờ chết
Đêm cựa mình tí tách
Nghe tiếng hạt đau bóc vỏ nảy mầm
(Đêm)
Hồ Minh Thông đã có những liên tưởng thơ, hay nói cách khác là sáng tạo trong “không gian đêm” của chị: “Trăng sàng sẩy đêm” (Trăng); “Những tiếng thở của đêm” (Đêm); “Đêm/ chênh chao những điều mộng mị” (Dự cảm tháng ba); “Em như thiên thần của đêm” (Em)… Tất cả các trạng thái tình cảm trong đêm tạo nên sinh quyển thơ, từ khóa để “tìm kiếm”, nhận diện. Hơn thế, trong tập “Đêm trở dạ”, “đêm” đã trở thành sinh thể thở, có khả năng phồn sinh, nảy nở.
Hồ Minh Thông là thế hệ nhà thơ 8X, còn quá trẻ để nói rằng đã sống kỹ với thân phận, hiểu biết về Phật giáo, tâm linh…; nhưng trong nhiều bài thơ của chị, hình tượng đêm gắn với giấc mơ, hoặc lúc mất ngủ; gắn với trăng, sao trong vũ trụ. Phải chăng, Hồ Minh Thông đã vượt ra ngoài ám ảnh, tự sự đơn thuần để suy nghĩ về khát vọng, về sáng tạo; suy tư về nhân tình thế thái, tồn sinh trong kiếp người?
Xin lưu ý, “ngày”, “đêm” trong vũ trụ, theo các nhà triết học đã là sự vận động. Trong văn hóa tâm linh, những phật tử tin rằng hầu hết những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật đều diễn ra vào những đêm trăng tròn. Trong Kinh thánh (cả Cựu ước và Tân ước) đều có ánh trăng. Trong âm nhạc đỉnh cao, câu chuyện về sự ra đời của bản “Sonate Ánh Trăng” huyền thoại có thể giúp con người hiểu được trọn vẹn thế nào là “cảm hứng sáng tác” của thiên tài Ludwig van Beethoven.
Trong thơ Hồ Minh Thông cũng có trăng, sao: “Đêm vô tình lọt vào khung cửa vắng/ Rồi bị cầm tù trong những bức tường câm” (Trăng)…“Trăng”, “sao”…là những “chủ nhân” của đêm được tâm hồn nhà thơ “neo” vào để hiểu thêm về sự chuyển động, mở cửa “hiện thực tinh thần”, nơi nhà thơ trú ngụ, “Quả trong vườn chín mọng cả vầng trăng” (Đi qua màu xanh).
Một số tập thơ đã xuất bản của Hồ Minh Thông
Hồ Minh Thông là nữ nhà thơ Hà Tĩnh có giọng thơ khác biệt, đã từng in 5 tác phẩm. Đọc qua tập thơ, tôi nhận ra nhà thơ lập ngôn cho thi ca hoàn toàn trong tình trạng vô thức; dẫu là thơ về thế sự, có yếu tố thế sự – thì nó cũng lấp lánh trong những vỉa tầng của vô thức. Để chứng minh cho điều này, xin dẫn bài thơ hiếm hoi về thế sự, đó là bài “Những con thuyền phiền muộn” trong tập….
Chiều nay mẹ ngồi bất động trước biển
đan những sợi tóc bạc phơ thành hình tấm lưới
làm khăn tang phủ lên những con thuyền
linh hồn chúng bay lên
hóa thành những đám mây phiền muộn
(Những con thuyền phiền muộn)
Tác giả không đề tháng, năm (tức thời điểm sáng tác) ở bất cứ bài thơ nào trong tập, không riêng bài này; nhưng đọc bài thơ “Những con thuyền phiền muộn”, người đọc liên tưởng ngay đến “sự cố biển” cách đây 8 năm ở miền Trung. “Sự cố” môi trường biển bắt đầu từ Hà Tĩnh, quê hương nhà thơ. “Những con thuyền phiền muộn” là cách tiếp cận mang phong cách Hồ Minh Thông, trong vô vàn những bài thơ xuất hiện thời điểm này.
Ở hai bài thơ khác, “Vết thương xuyên đêm”, “Người đàn bà dắt con dạo chơi trên biển”…cái hiện thực “sự cố biển” từng xảy ra không thể quên được, trái lại luôn thức tỉnh con người về trách nhiệm với môi trường sống, rằng không thể đánh đổi bằng “mọi giá”. Có điều, hiện thực đó khúc xạ qua tâm hồn nhà thơ trở thành một hiện thức Khác, tạm gọi là “hiện thực huyền ảo”.
Chỉ một hạt cát hấp hối
Vết thương cũng đau xuyên qua cả màn đêm
Chỉ một lần mũi tên lạc lối
Bàn chân người trăm năm cũng không bước đúng bậc thềm
(Vết thương xuyên đêm)
Thi ca đích thực là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc. Quan điểm của nữ nhà thơ người Mỹ (gốc Anh) Denise Levertov từ đầu thế kỷ XX cho thấy tư tưởng và cảm xúc không tách rời. Nó trước hết phải bắt nguồn từ hiện thực, khi hiện thực ấy làm cho tâm hồn tràn đầy.
Nhà thơ gắn với dân tộc và thời đại, không thể quên trách nhiệm xã hội của người cầm bút. “Hòa bình, khổ đau và hạnh phúc/ Hãy nhìn vào mắt nhà thơ/ sẽ thấy những điều chân thật/ như sáng nay chim vẫn hồn nhiên hót/ dù bão tố đêm qua xé nát cả khu vườn” (Nhà thơ).
Như đã nói, Hồ Minh Thông không tách rời không gian, thời gian sống quanh mình, của chính mình. Chị vẫn phong phú về đề tài: thế sự, trăng sao, cỏ cây, hoa lá, cánh đồng, bốn mùa, người thân…; có điều “bức tranh hiện thực” trong thơ chị không phải để ngắm bằng thính giác mà phải bằng sự rung chấn từ tâm hồn. Đọc thơ Hồ Minh Thông nhận ra bóng dáng sinh thái, nữ quyền “Lang thang trong giấc mơ cô độc/ Em đếm nỗi buồn/ Anh vớt biển…tặng em”, (Giấc mơ).
Hơn thế, Hồ Minh Thông xác tín bản ngã: “Trong lòng mẹ/tôi nguyện cầu cái chết / Chết trên đỉnh núi/ Chết dưới đáy sông/ Chết như cành hoa/ Chết như ngọn gió/Chết vì đã biết yêu người” (Nguyện cầu về cái chết); “Rượu đổ xuống ly sầu/ Ta nép vào men rượu / Tỉnh lại rồi mới thấu/ Mình ta nép vào ta” (Nép vào bóng ai).
Hồ Minh Thông vừa cụ thể vừa mơ hồ, vừa hiện thực vừa huyền ảo. Hiện thực trong thơ chị ở dạng mở, có cái đã xảy ra, có cái đang thai nghén; hay nói cách khác, đó là thứ hiện thực “dự cảm” và kết nối. Thi pháp trong thơ Hồ Minh Thông quyến dụ, khơi gợi cảm xúc; trong nhiều trường hợp kết hợp thực – hư làm sâu sắc hơn đời sống mà thi ca quán chiếu.
Là phụ nữ, hẳn nhiên, Hồ Minh Thông viết về tình yêu, về khát khao, về nụ cười, về những giọt nước mắt đêm của người phụ nữ. “Một đêm/ hạt mưa mềm ngọt ngào anh/ biến mất/chỉ để lại chút khờ khạo trên môi em/ chỉ để lại chút man dại trong mắt em/ Ánh trăng kia/ ngỡ mình là mặt trời/ thiêu đốt hạt mưa tan vào cát bụi” (Hạt mưa anh). Tạo ra “thế giới” của giấc mơ, tìm cách giải mã nó là thiên chức của thi ca.
Hiện từ cổ chí kim, có nhiều định nghĩa về thơ. Có điều, về một góc độ nào đó, Luis Borges – nhà văn, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng người Argentina, “cha đẻ” của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh cuối thế kỷ XIX từng nói, thi ca bắt nguồn từ điều gì đó sâu hơn, vượt qua trí tuệ. Cố nhà thơ Thạch Quỳ từng nói, “Thơ cao hơn tất cả”.
Hồ Minh Thông “bước vào” thơ với một “diện mạo” riêng biệt. Đọc thơ chị nhận ra một “bản đồ” tâm hồn ràng rịt, đủ hôn phối và chia ly. Chị vốn là giáo viên Ngữ văn trường chuyên ở vùng đất vốn được gọi “quê mình – quê thơ”. Có lẽ năng khiếu và môi trường cho chị khả năng nghệ thuật sử dụng các lớp từ ngữ, biến ảo về ngữ âm tiếng Việt trong thi ca. Hay nói cách khác, chị đến với “cánh đồng ngôn ngữ” bằng sự nâng niu, xác tín; “Những cánh diều/ khóc điều anh đã nói” (Nói với anh).
Hồ Minh Thông là nhà thơ trẻ, nhưng đã có nhiều cố gắng làm phong phú thêm cảm xúc về thi ca, vốn bất khả độc quyền. Dẫu “con đường thơ” phía trước còn dài, nhưng chị đã có những thành công nhất định, trong việc tạo lập cho riêng mình bút pháp, ẩn dụ ý niệm khó lẫn; “Tưởng bóng thu trong cánh mỏng u buồn” (Đuổi bắt mùa thu); “Tháng tư về như một chuyến đò ngang” (Tháng tư về)….Người yêu thơ có thể chọn cho mình những “đơn vị câu” trong mỗi bài thơ như cách nói của nhà thơ Đặng Huy Giang.
30/6/2024
Ngô Đức Hành
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...