Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Nhìn lại

Nhìn lại

Hồi cả nước mới có vài ba tỉnh thành lập Hội văn học nghệ thuật địa phương thì ông Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, với tinh thần xây dựng một tỉnh phát triển toàn diện: Kinh tế đi đôi với văn hóa – xã hội đã cho thành lập Hội văn nghệ tỉnh, nhờ vậy tôi đang làm cán bộ Phòng văn hóa Việt Trì được Ủy ban tỉnh quyết định điều động tham gia Ban vận động thành lập Hội, đó là năm 1972. Đến năm 1975 Đại hội lần thứ nhất, tôi lại được bầu vào Ban Thường vụ Hội, phụ trách chuyên môn, Trưởng ban biên tập Tập san Sáng tác Mới mà sau này tiền thân là Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Năm 1975 chính là dấu mốc lịch sử thống nhất đất nước. Tập san Sáng tác Mới ban đầu chỉ ra được 3 tháng một số.
Hội văn nghệ chỉ mạnh về hội họa. Hội có nhiều họa sĩ đã thành danh như: Ngô Quang Nam, Đặng Thị Khuê, Hoàng Hữu, Vương Chùy, Nguyễn Thọ v.v… Ông Ngô Quang Nam sau đó về phụ trách Cục Mỹ thuật, bà Đặng Thị Khuê về phụ trách Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông Hoàng Hữu đã nổi tiếng về vẽ bìa, trình bày sách, 2 năm liên tiếp được giải Nhất quốc gia. Tuy nhiên mảng văn xuôi còn rất mỏng. Cả tỉnh mới có một mình ông Sao Mai là nhà văn Việt Nam.
Một hôm Ban biên tập do ông Quốc Phi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh được phân công sang kiêm phụ trách Hội văn nghệ tỉnh. Ông không ăn ngủ ở Văn phòng Ủy ban mà đêm nào cũng sang ngủ bên Hội văn nghệ để tối nghe duyệt bài với chúng tôi; có hôm đang cùng chúng tôi đọc duyệt bài, thấy một ông già đội mũ lá, đeo túi dết cầm thư của Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Đình Thi giới thiệu ông Sao Mai về sinh hoạt với Hội văn nghệ Vĩnh Phú. Chúng tôi vui mừng đón tiếp ông, mời ông ra Hội ăn nghỉ để viết tiểu thuyết “Sông rừng”. Ngày ngày ông ngồi viết văn, tối đến đọc bản thảo cho chúng tôi nghe để góp ý sửa chữa, coi như đọc duyệt bài luôn. Việc làm này bị một nhà văn ở Hội phản đối, họ nhờ một nhà văn có tên tuổi viết bài phê phán cuốn tiểu thuyết ấy còn quá nhiều hạt sạn. Tôi nói: Với anh Sao Mai lúc này cần có cơm gạo đã, vì ngày ấy đói kém. Ở nhà ông Sao Mai không có cơm ăn, chỉ ăn sắn thay bữa. Ông ở Hội được ăn no, viết văn khỏe, Hội luôn có tinh thần chiêu hiền, đãi sĩ. Chúng tôi tháng nào cũng chỉ có ½ tháng đủ cơm gạo Chính phủ, còn nửa tháng phải đong gạo chợ. Thời bao cấp khó khăn, nhưng khách khứa lu bù, chúng tôi mến cộng tác viên vì sự phát triển của Hội. Tiếng tăm ấy được nhà văn biết đến, nhiều người thường xuyên qua lại thăm chúng tôi. Chúng tôi được tiếng xởi lởi, thơm thảo, quảng giao, hào phóng. Nhờ vậy mà tập hợp được đông đảo cộng tác viên cho Tạp chí. Cũng do tinh thần tập hợp lực lượng mà chỉ thời gian không lâu, hàng chục người đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nhiệt tình của cán bộ, hội viên mà Hội Văn nghệ Vĩnh Phú nhanh chóng trưởng thành (nay là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ). Hội đã được nhiều Bằng khen, giấy khen, Huân Huy chương của Chính phủ và các cấp trao tặng.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ đi thực tế sáng tác ở Mộc Châu – Sơn La.
Ngày nay không khí của Hội lúc nào cũng ấm áp như vậy, tôi về hưu đã gần 30 năm vẫn ngày ngày ra Hội làm cố vấn biên tập cho Hội. Nay sức khỏe yếu tôi xin nghỉ. Nghỉ ở nhà vài hôm không quen, lại ốm lên ốm xuống, thế mới biết thiếu không khí ấy, con người lại sa sút ngay. Từ hôm nghỉ tôi không ra khỏi nhà vì người cứ lảo đảo, chân không nhấc lên được, lúc nào cũng nhớ đến Hội.
Hội có sức hút ghê gớm, sức hút không phải ở sự vui vẻ, bù khú, vì mọi sự vui vẻ chỉ có lúc, vui vẻ rồi sẽ tàn, nhưng vui vẻ ở Hội có sức bền lâu vì nó có mối liên kết ràng buộc, là niềm vui chung ở tinh thần sáng tạo nghệ thuật, mọi hội viên gắn bó với Hội ở sự sáng tạo ấy. Cơ quan Hội là sân chơi sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ. Nó không bị chi phối bởi sự hành chính hóa, đơn giản, nhạt nhẽo, sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ vô cùng mạnh mẽ. Hội mạnh vì giữ được tinh thần ấy, tiềm tàng ở trong mỗi hội viên vì thế Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ là linh hồn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ, là diễn đàn của các hội viên. Không có Tạp chí, Hội sẽ mất đi sự liên kết, vì thế quy hoạch báo chí toàn quốc, Chính phủ mới cho mỗi tỉnh một tờ văn nghệ cùng với tờ báo nói phát thanh truyền hình và tờ báo Đảng. Tờ Tạp chí văn nghệ tuy mỏng manh nhưng lại là linh hồn của địa phương. Đọc văn nghệ người ta sẽ thấy ngay sức sống của địa phương mình, nó truyền cảm cho bạn đọc mà không một tờ báo nào có chức năng ấy.
Nhìn lại 50 năm qua mới thấy rõ Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ phát triển không ngừng, nó xứng đáng đứng ở trong số Tạp chí văn nghệ địa phương mạnh, không bị chất tỉnh lẻ lấn át mất tính chuyên nghiệp. Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ có uy tín vì nó giữ được tính chuyên nghiệp của một tờ báo, luôn xứng đáng với bề thế phát triển của Hội.
Chúng ta luôn tự hào vì Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật ta mạnh, mạnh vì có tờ Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ vững.
Tôi cứ nghĩ không biết nếu không có Hội, tôi sống bằng gì ngần ấy năm? Hội là cuộc sống của tôi, là tất cả tâm hồn, tình cảm của tôi.
Có Hội mới có nhà văn Sao Mai, nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Khắc Xương và bản thân tôi… những người vinh dự được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật do Chủ tịch Nước trao tặng mà vinh dự nhất là nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Khắc Xương ở Hội trường Ba Đình. Khi xướng tên mời ông lên bục nhận giải thưởng, họ giới thiệu ông chính là con cả của cụ Tản Đà, cả Hội trường đứng dậy vỗ tay không ngớt.
30/6/2024
Nguyễn Hữu Nhàn
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...