Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Nguyễn Vĩnh Tiến - Cậu bé Trung du buồn

Nguyễn Vĩnh Tiến
Cậu bé Trung du buồn

Tôi biết đến Nguyễn Vĩnh Tiến dĩ nhiên từ năm 2005 sau khi bài hát Bà tôi trở thành một hiện tượng kỳ thú trong đời sống âm nhạc. Bài hát hấp dẫn bởi phần nhạc quá lạ và phần ca từ quá hay, với câu mở trìu mến chứa chan “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to”, và câu cuối ngậm ngùi đến gai người: “Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to”. Như thế là xong một kiếp người đấy ư?
Từng in tập thơ đầu tiên năm 2001 rồi thôi, nhưng “cơn thơ” chưa bao giờ dừng lại ở Nguyễn Vĩnh Tiến. Nhận được bản thảo của anh khá áp lực: thơ quá nhiều, phải chọn để cho tập thơ không bị quá dày. Nâng lên đặt xuống, cảm giác bỏ đi bài nào cũng tiếc, cảm giác đây là một chàng “thở ra thơ” đúng nghĩa, mênh mang, lai láng, tràn trề. Anh đặt tên cho tập thơ thứ hai của mình là Hỗn độn và khu vườn.
Biết viết gì về khu vườn thơ rập rạp sum suê, tài hoa, riêng khác, trong một vài trang ngăn ngắn, nhưng tôi cảm thấy nỗi thôi thúc phải ghi ra một vài suy nghĩ riêng lẻ, nắm bắt lấy những rung cảm li ti mà nó mang đến. Bởi nói cho cùng, đâu phải tập thơ nào cũng làm được điều đó.
Trong thơ, Nguyễn Vĩnh Tiến tự vấn về bản thân mình, tôi để ý đến mấy câu:
Tôi chỉ nên là
Cậu bé trung du buồn
Cặm cụi lớn
Để trôi về nguồn cơn…
Đúng thế đấy, trong góc nhìn của tôi, chân dung thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến không gì khác hơn là một cậu bé trung du buồn. Cậu bé – trung du – buồn.
1.Tại sao lại là cậu bé?
Bởi tôi có cảm giác Nguyễn Vĩnh Tiến chơi với chữ với thơ theo lối chơi của một đứa trẻ. Đọc nhiều đi nhiều, nhìn không ít sắc màu và hình khối cuộc đời, nếm chẳng thiếu những mùi vị nhân sinh, nhưng vẫn chơi với chữ như một cậu bé. Nghĩa là anh ta bất chấp các quy tắc và giới hạn, phóng khoáng, khinh khoái, nghịch chỗ này một chút thử chỗ kia một tẹo, thoải mái, tự nhiên như không. Thành ra khu vườn của anh lai láng, ý thơ giọng thơ chảy tràn, phóng túng, vượt qua, vượt lên các ranh giới về thể loại, thoải mái đi về giữa các không gian, thời gian, thoắt hiện trong những vần điệu, lại vụt sang những câu chữ phá vần, khi mượt mềm lục bát, lúc sắc bén triết lý tự do, đoản thi hay trường thi đều không ngại.
Dĩ nhiên khi phóng túng như vậy, đứa trẻ thường đem lại nhiều bất ngờ. Sự bất ngờ chính là một đặc trưng của thơ Nguyễn Vĩnh Tiến:
“Chàng chẳng thích lỗ thủng lịch sử
Chàng thích lỗ thủng của em
Ẩm ướt, hồi hộp và đầy hải sản…
Chỉ có lỗ thủng của em là tuyệt vời
Chỉ có lỗ thủng của em là sinh sôi
Sinh ra cả một chân trời
Ngày xưa thi sĩ có người từng bay…”
Thế nào là “hồi hộp và đầy hải sản”? Một hình ảnh lạ, sống động, đầy sức gợi, lại mang ý vị hài hước như một cái nháy mắt láu cá. Đoạn thơ này còn có một cách thả chữ rất Nguyễn Vĩnh Tiến nữa, đấy là thả lục bát vào bất kỳ chỗ nào mà anh thích, miễn để nói ra được ý thơ đang giàn giụa. Thành ra người đọc sẽ thấy lục bát ở những chỗ gây ngạc nhiên nhất, mà vô cùng đắc địa. Như trong đoạn trích trên, giữa những câu chữ tung tẩy hài hước buông tuồng, chợt sa vào đôi câu sáu tám mượt nhẹ như không mà dư âm vô cùng, nó vừa tả được cái diệu kỳ của “lỗ thủng của em”, mà trong lúc ấy ngay lập tức đã gợi đến một chiều kích khác, khi gợi nhắc đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay. Lại khóc những người bay không có chân trời”.
Nguyễn Vĩnh Tiến có thể thả lục bát cuối hay giữa những câu thơ tự do tung tẩy, hoặc giữa những câu thơ văn xuôi miên man để gây một niềm thích thú:
“Giọt giọt buồn níu kéo người vô thức theo dòng sông dài hay dải khói bay xanh xanh xa mờ dải khói lung lay…
Những ngày dài chạy đường vòng trên hai bàn tay trắng… Cello ơi thảo nguyên ngập nắng… Cello ơi điệp điệp mây trôi…
Bên người nhút nhát và khẽ hát… điệu vũ nào vĩnh viễn ngủ trong ta?
Sẵn đây có lá có hoa
Mê man một chút gọi là yêu em…”
Tôi cũng thích cách Nguyễn Vĩnh Tiến dùng chữ thả chữ khinh khoái tự nhiên như thế này:
“Em ạ
Xinh không đủ đâu
Đẹp không đủ đâu
Tình yêu nào cũng phai màu
Có ai ăn mãi được hàu đâu em
Tình yêu tháng Sáu hoa sen
Tháng Bảy sen héo, Tám thèm dâu da…”
Tôi bị chết đứng với con hàu. Tại sao lại có thể bỏ con hàu vào đây một cánh duyên dáng mà kỳ thú, hài hước tự nhiên mà ăn ý như vậy. Hay tôi đánh giá cao chữ “cụ thể” trong mấy câu thơ này, một từ quan phương, khô cứng, mà đưa vào thơ như không, diễn tả tuyệt vời cảm xúc mạnh bạo và quyết liệt:
“Em hãy yêu đi
Lời nói anh thầm thì
Từng giây đang giãy chết
Từng ngày đang giãy chết
Từng thập niên vô tri…
Em hãy yêu đi
Cụ thể là anh này
Một ngọn núi mê say
Cớ sao em không thấy?”
Người làm thơ thường có xu hướng chọn lựa từ sao cho mượt hoặc sốc, cân nhắc giữa các tính từ động từ cái nào ngọt hơn cái nào bén hơn cái nào lạ hơn, Nguyễn Vĩnh Tiến dĩ nhiên cũng sẽ vậy, nhưng tung tẩy, nghịch ngợm hơn, không loại trừ bất cứ khả năng nào của chữ.
Dan díu chơi chữ ở một tầm mức nào rồi để người ta lại có thể chơi được với chữ như những đứa trẻ con vô tâm?
2. Sinh ra ở vùng trung du
Trung du trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, trở thành một không gian nghệ thuật được xác lập với đặc trưng riêng, một dấu ấn không thể bỏ qua khi nói về chân dung thi sĩ.
Trung du là mẹ cha, ông bà tiên tổ, là đồi cọ, con sông, cánh đồng, triền đê, bờ ao, cánh chuồn, là ngõ gạch, sân chùa, là ga tàu, là dốc tỉnh… Ở tầng sâu xa ấy là cảm hứng về nguồn cội, là nỗi khát thèm được ấp ủ mến thương, là nhận thấy bản thân mình nằm trong sự kết nối âm dương, sự giao hòa của sự sống và cái chết, sự tiếp nối vô tận của lớp lớp người người.
Tôi không hoặc chưa biết được ai lại có thể viết về bố tôi, mẹ tôi, ông tôi, bà tôi, cụ tôi, về giỗ ông nội, giỗ ông ngoại, giỗ bà nội, giỗ bà ngoại… nhiều và hay và da diết đến như vậy.
“Mai là ngày giỗ ông rồi
Xưa không say rượu thì đồi vẫn nghiêng…
Đất nào thờ cũng thành thiêng
Chanh chua, hồng ngọt, củ giềng lại cay …
Xa ông nội, nửa vạn ngày
Bước chân vạn dặm, dấu giày phủ sương
Tuổi thơ cháu rơi ngoài đường
Đến giờ tìm lại, thất thường mùi xưa…
Cái mùi của phố trung du
Của tường rêu đổ, của bờ lau sông…
Không chỉ là những bài thơ trực tiếp mô tả “Nhớ con gà đứng tần ngần/Bên cái giếng nước, là sân rêu buồn…”, các “tín hiệu trung du” xuất hiện khắp nơi, bất kể cậu bé Nguyễn Vĩnh Tiến đang ở đâu, thị thành, một miền đất xa, hay cõi mộng ảo, tạo nên một sắc trung du trầm trầm, vừa mộc mạc trong trẻo, vừa u mặc linh thiêng, đẹp và da diết buồn:
“Canh hai gà gáy đầu thôn
Một đôi đom đóm còn mơn mởn đùa?
Hơi thở theo tiếng mõ chùa
Đố ai giải được lá bùa tiền duyên
Lỡ tay quăng hạt chính chuyên
Khu vườn trăng đã phủ thêm sương mù”
Với trung du, cậu bé nhà thơ mãi mãi thấy mình nhỏ bé. Cậu có thể mơ trở thành một tượng đài, mơ chết trên một đỉnh núi kiêu bạc, nhưng vẫn thấy mình tìm về trong lòng trung du theo cách này hay cách khác. Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là thấy cảm giác mạnh mẽ thuộc về trung du, ngay cả nỗi xót xa trước những mất mát phôi pha – “Nhìn về một tái một tê/ Một làng mạc chật, một thề thốt trôi…” – cũng là chỉ dấu mạnh mẽ cho sự thuộc về đó. Đấy cũng là cảm giác của một đứa trẻ con. Có đúng khi là trẻ con, chúng ta cảm thấy mình thuộc về mẹ mạnh mẽ nhất?
3. Thi sĩ là một loài buồn
Thi sĩ đích thực khi nao chẳng buồn, bởi loài thi sĩ họ nghĩ nhiều quá. “Nghe lời ông, cháu rất chăm/ Đến lúc đi nằm, chữ nghĩa vẫn giăng”. Có khi, nhà thơ mô những ý nghĩ như một “núi hình ảnh bò nghêu ngoao” không sao dập nổi – con quái vật nuốt trọn chủ thể. Như thế lấy đâu mà vui được?
Cảm giác về gánh nặng kiếp người da diết trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. Mang tâm hồn của một hoàng tử bé, cậu bé trung du tò mò theo lối nhỏ chạy thoát khỏi những “cánh cung triền đê vàng”, những “sườn đồi căng nắng”, và từ đó gặp cơ man nỗi buồn của thế giới người lớn, trong khi đường về đã hun hút thẳm xa.
Thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là một hành trình liên tục nhận diện mình.
“Cha mẹ đã sinh ra tôi
Là kẻ có phần hồn liên tục sinh sôi.
Đất càng ngày càng nhầy nhụa bên trong
Và cây xanh gặp nỗi buồn thì mọc”
Nỗi buồn như là một dấu ấn cá nhân. Cậu bé trung du vừa ở trong nó đồng thời lại đứng ra ngoài quan sát nó, giải phẫu nó một cách say mê, vẽ nó một cách chăm chút, miêu tả sự bất ổn trong chính tư thế chênh vênh bất ổn của mình.
Là loài sáng tạo, thi nhân căm ghét sự nhàm:
“Những ngày nhàm chán này
Tôi bay đi dữ dội
Bay từ đông sang tây
đuổi theo bóng đổ ngày
Tôi muốn hét thật to
Phổi rung như bụng trống
Gào bật ra cái nhàm
Nhàm gì bằng nhàm ngày
Nhàm thì giờ, nhàm buồn
Nhàm bay, nhàm mồm to
Tôi bay đi dữ dội
Trong sắc trời đỏ ối
Nhàm gì bằng nhàm trời
Người người nhàm bầu trời
Tôi bay đi dữ dội
Phải bay đi dữ dội…”
Là loài ưa săm soi, chàng thơ nhận ra cuộc sống là những chuyển động vô nghĩa, và tại sao phải đi đâu khi thực ra giá băng, hạn hán và cơn mưa đã nằm sẵn trong chúng ta rồi?
Là loài thích tự do, cậu bé trung du lại phải học rất nhiều về những lề luật của thế giới, ví như sự Dè chừng: “Tôi đã học được sự dè chừng trong việc chôn một miếng thịt nạc trong bát cơm.” Cậu đi qua những ngọn Thở dài, những núi Âu lo, những bến Hồ đồ, đối phó với những “Sai lầm kéo nhau về gõ cửa”, loay hoay giữa Trong suốt và Đục ngầu, Lãng mạn và Đạo đức, vật lộn với Trơn tuột và Trống rỗng… Nguyễn Vĩnh Tiến rất hay viết hoa những tính từ này, xác nhận chúng là những thế lực, và cậu bé thi nhân thấp thỏm “Sống trong hơi thở ngập ngừng/ Sống trong những gió rưng rưng sau rèm”.
Và là loài ưa cật vấn, nhất là về tồn tại, hoàng tử bé trung du dường như thấm thía rằng, lớn lên là một cái bẫy. Nhưng không phải ai cũng có khả năng từ chối lớn lên như Peter Pan trên hoang đảo diệu kỳ, bởi vậy cậu bé thi sĩ rất nhiều khi nghiễn ngẫm về cái chết. Như bài thơ này, miêu tả tinh vi những dự cảm có phần kinh dị về cái chết:
“Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn những cánh tay người
Khi mặt trăng nhe ra một nụ cười
Tôi che thân bằng một tàu lá chuối
Rón rén đi theo cái chết của mình
Bỗng trên thân que ló một chùm gai bưởi
Máu của tôi từng giọt sáng lung linh”
Hay ở đây, là nỗi chua chát của kẻ đã hụt hơi mà cực lạc dường như vẫn vô tăm tích trong kiếp nào:
“Cực lạc gom từ những cực lạc nhỏ
Không điều kiện và miên man nhiều kiếp…
Phật bỗng hiện ra và nói nhiều phát khiếp
Trong khi tôi bắt đầu chìm
Tôi chìm ở chặng cuối một nhịp tim
Mà lẽ ra, theo logic, nó đều đặn một cách buồn nôn…
Nhưng lần này quả nhiên nó khác
Khi hổn hển gọi tôi là bạn”
Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là bắt gặp nỗi khắc khoải không ngừng của một linh hồn nhỏ bé trước thế giới như thế. Tồn tại ư, hạnh phúc ư, không phải thế này. Tôi ư, không phải thế này. Nhưng là thế nào? Câu hỏi tươi ròng ấy vẫn ngự trị trên bức tranh dữ dội và hỗn độn về hành trình làm người của hoàng tử bé trung du.
Thơ, rốt cuộc vừa là con dao giải phẫu mình, vừa là phương cách để xoa dịu nội tâm. Có nhiều người đồng cảm với cậu bé trung du buồn hay không, khó mà tính đếm. Nhưng dù thế nào, con đường của thi sĩ là con đường đã được ấn chứng, bất kể nó nhộn nhịp hay là hoang vu. Bởi thế mà cậu bé trung du buồn Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn còn lang thang trong cõi riêng mê mải:
“Nên là anh lại đi chơi
Cưỡi con trâu trắng về nơi hoang đường”.
24/6/2024
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...