Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Cái chết như một khoái cảm thẩm mỹ

Cái chết như một khoái cảm thẩm mỹ

Viết về cái chết là một cách lựa chọn, một góc nhìn đặc dị để nghiệm suy về cái sống. Chọn cái chết làm điểm nhìn về sự sống, tiểu thuyết Việt Nam là những câu hỏi bất tận về thân phận con người. Những nghiệm suy về cái chết khiến cho vấn đề sống/ chết mang ý nghĩa triết lí…
Trong Tự truyện Osho, nhà triết học Ấn Độ kể lại câu chuyện về cái chết của ông ngoại mình với triết lí đơn giản: “Khi tôi cảm thấy rằng ông không còn thở nữa, tôi nói với bà tôi: Con xin lỗi Nani, nhưng hình như ông không còn thở nữa. Bà nói: Cái đó hoàn toàn tốt thôi. Con không cần phải lo lắng.
Ông đã sống đầy đủ, không cần phải hỏi xin thêm” (Tự truyện Osho, Đỗ Tư Nghĩa dịch, Nxb Trẻ, 2007, tr. 60). Câu chuyện nhỏ khẳng định thêm một vấn đề lớn trong tư tưởng nhân loại. Chết là quy luật của sự sống. Quan niệm về cái chết, sự nhận thức về nó tùy thuộc vào những mã thẩm mĩ/ văn hóa khác nhau. Từ các luận thuyết tôn giáo, cái chết có tính lưỡng phân, là sự hủy diệt đồng thời cũng là chốn bình an vĩnh hằng. Từ cái nhìn hiện sinh, hữu thức hay vô thức sáng tạo, những cái chết trong tiểu thuyết đều mang tính thẩm mĩ. Đó không chỉ là cái-chết-đen, cái chết thân xác mà còn là những cái chết mang chiều sâu nhân vị, về tự do, hiện tồn và giải thoát.
“Tuyệt không dấu vết”
(Nguyễn Việt Hà)
Văn chương đã gặp gỡ nhau trong việc đặt ra những câu hỏi mang tính triết học, liên quan đến hiện tồn. Tôi là ai? Tôi tồn tại hay không? Câu hỏi về bản ngã đã vọng lên từ xa xưa trong câu chuyện Trang Tử mơ thấy mình hoá bướm, vấn đề là khi tỉnh mộng ông hoài nghi không biết mình là ai: “Ta là ai? Là Trang Tử hay là bướm?” Đó cũng là câu hỏi mở của văn chương mọi thời đại, đặc biệt là ở những thời đoạn con người có nhu cầu đối thoại với chính mình. Ở một phạm vi hẹp, tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI dẫu đề cập nhiều vấn đề, đa dạng về lối viết nhưng đều xoay quanh dấu chấm hỏi về thân phận con người. Nhìn chung, điểm giao nhau trong tiểu thuyết gần đây là những suy nghiệm về hiện tồn, ở đó con người dự phần với nỗi lo âu, lạc lõng, trống rỗng và luôn truy tìm chính mình. Hành trình kiếm tìm bản thể và câu hỏi về nhân vị thường không có câu trả lời. Không cả “tôi”. “Tôi là ai, tôi làm gì ở đoạn đường này?”; “Sự vô hạn của tôi không có tri giác nên không tự biết mình”; “Mặt đất đã biến thành một thứ mây khói và tôi không còn nơi nào nương tựa” (Đốt cỏ ngày đồng – Đoàn Minh Phượng). Tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng nói chung là những dòng chảy tràn của cõi bên trong đầy bấn loạn, đứt gãy. Nhân vật thường chênh vênh, lưng chừng giữa khoảng sống và khoảng chết, giữa tôi và phi tôi, giữa thật và hư vô. Tha hương, không-nơi-chốn, suy ngẫm về sự hiện tồn vô nghĩa, con người luôn bị ám ảnh bởi cái chết và muốn chết.
Trạng thái trống rỗng trở thành cảm hứng chủ đạo khi nhà văn kiến tạo con người đương đại. Rỗng và loay hoay tìm giá trị của chính mình. Rỗng, vắng, không trở thành cái hiện hữu trong chiều sâu nhiều tác phẩm, tạo nên những cấu trúc tự sự độc đáo. Cuộc sống chỉ là hiện tồn vô nghĩa, nhân vật tiểu thuyết có đó mà không đó. Con người cứ biến mất, bị xoá, bị đánh vắng, triệt tiêu dấu vết. Và cái chết như một cuộc dấn thân cuối cùng. Cảm thức về “rỗng” xuyên suốt tiểu thuyết Uông Triều cùng với câu hỏi về bản ngã: “Anh là ruồi, nhện hay là mạng nhện?” Các tác phẩm của Uông Triều giống nhau ở ý niệm về sự cô độc, ám ảnh sáng tạo, ám thị về cái chết. Nhân vật tiểu thuyết Uông Triều thường là con người hồ nghi bản thân, luôn đối thoại, tra vấn chính mình. Con người luôn có cảm giác bị truy bức và cũng tự truy bức mình. Con người bị ruồng bỏ bởi đám đông, loay hoay lội ngược vào dòng kí ức đen cũng mù mờ. Lo âu sợ hãi, chán nản, mộng mị; những dự cảm mơ hồ về bóng đêm, về đám tang của mình, về nghĩa địa, về khung cửa sổ dẫn nối tha nhân và nội tâm. Khi mọi mối liên hệ với cuộc sống đều vỡ rã, đa phần nhân vật của Uông Triều đều “đang chết” hoặc lựa chọn cái chết như một cách thức khẳng định mình (Cô độc, Người mê, Tưởng tượng và dấu vết).
“Sinh như trước sam, Tử như thoát khố, Tự cổ cập kim, Cánh vô dị lộ” (lời sư phụ: “Ta để lại cho con bài kệ sinh tử của Vô Nhị Thượng Nhân… Từ xưa tới nay, không có đường nào khác, sống chỉ như mặc áo, chết cũng tợ cởi quần. Cởi quần mặc áo là chuyện bình thường ở đời, đừng lấy đó mà đau khổ”). Bể trăng côi của Huỳnh Trọng Khang là những liên văn bản mang chứa triết lí về sinh tử. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về nạn dịch Covid được soi chiếu từ ánh sáng Phật giáo. Ở đó, cái chết là một phần của sự sống, thậm chí song hành với cái sống. Với lối kết cấu song tuyến (câu chuyện về thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh được biên soạn lại đồng hiện với câu chuyện về một nhà sư trẻ miệt mài đi tìm Mạo Sơn và bị kẹt lại giữa thành phố vì dịch Covid), câu chuyện được kể từ điểm nhìn của một nhà sư trẻ trên chốn hành hương im lặng. Đây cũng là chuyến thăm dò bản thể của người tu hành tuổi hai mươi đang vỡ vạc giáo lí Phật giáo và đang từng bước va chạm với đời. Cõng sư phụ trên lưng “không phải trong hình tướng vẹn nguyên mà chỉ còn là tro tàn vón vừa một nắm tay”, chú tiểu cứ đi, đi tìm Sa Mạo – một không gian nowhere, “một địa danh thoát tục trong một thế giới siêu thực”. Sa Mạo là đích đến của Huyền Trang, đích đến của sư phụ; đó cũng là điểm cuối hành trình im lặng của chú tiểu với những câu hỏi hồ nghi: “Còn đích của chú? Chú có định rời đi? Và đi đâu?” “Chú đi. Và chú đi.”
Những con đường truy tìm bản thể gặp gỡ nhau dẫu chênh vênh muôn vàn ngả rẽ. Hơn ngàn năm trước Huyền Trang trên đường thỉnh kinh đã từng tự vấn: “Ta là ai trong cơn bão tuyết này. Ta là ai, thật cô độc.” Hơn ngàn năm sau, một vị sư trẻ cứ đi, và luôn “băn khoăn về sự hiện hữu của mình trên thế gian”. Khoảng cách ngàn năm được kết nối bằng đồng hiện những giấc mơ, bằng linh giác, ảo giác. Thế giới ảo là ẩn dụ của cuộc sống thực. Những giấc mơ về cái chết. Những thành phố chết. Lửa và sự tận diệt. Cái chết và lẽ vô thường. Đại dịch không chừa một ai; con người rốt cục chỉ còn là “một chiếc túi đen bất động, đáng sợ”. Đan xen giữa huyền thoại và hiện thực, giữa đạo và đời, câu chuyện về thân phận con người được nhà văn trẻ thể hiện có chiều sâu.
“Chết là khép lại vĩnh viễn những nỗi sợ hãi”
(Nguyễn Bình Phương)
Sống là âu lo. Bất an trở thành nỗi ám ảnh. “Chưa bao giờ sống lại có thể là công việc khó khăn đến thế” – lời một nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn (Cơn mưa bội bạc) cũng là cảm nhận của con người đương đại. Một thực trạng của đời sống hiện đại là con người càng lúc càng chìm sâu trong nỗi cô đơn. Và có lúc cái chết như một tất yếu trong những điều kiện khả thể. Quan niệm chết như một lựa chọn tự do nằm trong tư duy nghệ thuật của thế hệ nhà văn gần đây. Thăm dò thời đại, nhiều nhà văn viết về cái chết như một khoái cảm thẩm mĩ.
Nhụy khúc (Đinh Phương) là câu chuyện về sự biến mất và những cái chết; là một cõi mù sương với lối viết mê cung. Những câu hỏi về nhân vị, những triết lí về cái chết đan xen làm nên mạch chính của câu chuyện thuộc về kí ức buồn. “Chết bao giờ cũng dễ dàng hơn lay lắt sống tiếp.” “…chết để chấm dứt những tầng nhớ.” Không gian rối mù, tâm trạng rối bời. Hiện tại và lịch sử đan cài. Đinh Phương không viết tiểu thuyết lịch sử nhưng lịch sử trở thành một vệt đậm trong nhiều tác phẩm của anh. Trong cái nhìn về lịch sử của Đinh Phương, quá khứ được kiến tạo từ những khoảng trống mơ hồ, những mê cung lịch sử với những biến mất trong sương mù. “… vô vàn người đi vào rồi không đi ra nữa.” “Họ làm gì? Ở đâu?” “Cuộc sống có bao giờ chỉ là biến mất?” Hiện tại cũng là mê cung của những ám ảnh. Tôi/ mình/ Trang, Vũ, những mảnh nhỏ người cứ loay hoay trong vùng kí ức chắp nối của tuổi thơ.
Trong khoảng nối mơ hồ giữa đứa bé 7 tuổi và cô gái 27 lãng đãng nỗi buồn và sự hoài nghi. Thời gian nhập nhòa. Kí ức mù mờ, rối rắm. Lá đơn li dị của ba mẹ. Hai lần nhảy cầu và cái chết được biết trước của Vũ gắn liền với mây, với vài chiếc lá rụng, với cuốn Tuổi thơ của Nathalie Sarraute, và dư âm của bản nhạc Bloomy Sunday ám ảnh. Những câu chuyện phi thực, hoặc cái thực nhòe mờ, cái dị lấn át. Không thời gian đồng hiện, có lúc ảo hóa, dòng ý thức đứt gãy tiếp nối tựa mê cung tâm trạng. Những giấc mơ lỗ chỗ về sự biến mất trong sương mù, trong những con ngõ rối. Những cái chết xanh. Những biến xóa dấu vết. Sách biến thành tàn tro. Ngôi mộ đá. Căn phòng số 4 nào đó mời gọi kiếm tìm. Thị trấn buồn nản, “ẩn ức và tội lỗi”; ở đó “các kiếp người đang tuần tự thay nhau di chuyển về phía cái chết”.
Nhụy khúc là một cõi nhòe lẫn trong những hình ảnh tượng trưng. Là tên của một loài lá cây. Là nỗi buồn. Là cõi mù mờ của cái chết xen những mảng sống tươi xanh. Là sự bế tắc của tuổi trẻ với những miền kí ức tổn thương luôn tươi rói. Còn đó nỗi buồn, còn đó cái chết. Còn đó nhụy khúc bay trắng trời. Và còn đó niềm tin nhụy khúc dẫu đó là giấc mơ không với tới. Và những mảnh người cứ mải miết đi tìm, dẫu “…chẳng còn gì ngoài những chiếc lá u buồn, ướt mềm, xanh ngằn ngặt. Nhưng, trong mơ thì sẽ tìm được, nhất là những giấc mơ buồn bã và cô độc, nơi nỗi đau cũng trở nên mỏi mệt.”
Là nhà văn viết nhiều về cái chết, Nguyễn Bình Phương quan niệm, “chết là khép lại vĩnh viễn những nỗi sợ hãi” (Trí nhớ suy tàn). Nghiêng về phía những chấn thương, dẫu viết về vấn đề gì, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương suy cho cùng là hành trình tìm kiếm bề sâu bản thể, xới lật vào những nỗi đau con người. Nhà văn chú trọng kí ức đau thương, những ám ảnh của quá khứ hằn đè lên cuộc sống hiện tại với những rạn vỡ suốt một kiếp người. Văn chương của Nguyễn Bình Phương là miền thẩm mĩ đậm chất suy tưởng về cái chết với một giọng riêng, một vệt riêng. Cái riêng không đến từ việc thay đổi những điều cố định như đề tài, không gian địa-văn hóa… mà ở nhãn quan trần thuật, độ nhòe mờ của những con chữ, ở trò chơi kĩ thuật của một nhà văn có một bề dày sáng tác nhưng luôn “loay hoay tìm cách kể”. Nhà văn thường chọn lối-viết-đen để nói cho hết mọi mặt hữu lí và phi lí của cuộc sống con người.
Cái lãng mạn nhẹ nhàng không thuộc phong cách Nguyễn Bình Phương. Ông thường giễu nhại một loại văn trơn tru, nhịp nhàng, mượt mà – “…loại tình cảm hơi đèm đẹp… có dấn thêm chút nữa cũng chỉ đến độ bi luỵ là cùng” (Mình và họ). Thế giới nghệ thuật Nguyễn Bình Phương là một cõi vỡ vụn, hoang tưởng; thế giới của sự rồ dại, phi lí. Là “những đứa trẻ chết già”, “người đi vắng”, “trí nhớ suy tàn”, là nỗi cô đơn “thoạt kì thuỷ”, là “bả giời”, là không lưu dấu – “kể xong rồi đi”… Những biểu tượng cái chết, những vụ mất tích, tình dục hoang sơ bản năng, những hiện tồn vô nghĩa. Chết chóc. Điên dại. Mộng mị. Và khoái cảm. Trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, cái chết là trục chính biểu hiện ẩn số về con người với những nghiệm suy thân phận. Nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn linh cảm về cái chết. “Nó đang đến, mình cảm nhận thế, muốt trắng, ru ru giữa không trung vắng lặng”, “Xét cho cùng mình chẳng có gì hết. Mình đang trôi vật vờ”, “Tất cả đều chậm lại sau cú bay thảng thốt tuyệt mĩ của mình. Mình không ngờ rồi mọi thứ lại nhẹ nhõm đến thế này” (Mình và họ). “Tới cổng, tớ hỏi cái bóng của mình, mày là ai mà chểnh mảng thế”, “Tớ lơ mơ hình dung tớ trôi đi đâu đó, nổi nênh, chòng chành” (Kể xong rồi đi). Con người luôn sống trong nỗi phấp phỏng như chờ đợi một điều gì kinh khủng hơn cả cái chết. Chung quanh họ là cõi sền sệt hỗn mang, là không gian chết, nơi cái chết đến từng giờ từng ngày, bất cứ lúc nào. Ngột ngạt, trống trải, phi lí. Không gian thực trần trụi, khốc liệt và không gian ảo ma mị, kinh dị, hoang đường. Bóng tối. Mặt trăng lạnh. Trăng đen. Lửa. Máu. Mưa. Hồn… Tất cả trở thành biểu tượng ám ảnh. Nhà văn ít khi bàn luận. Những cái chết, tự nó, đã mang chiều sâu triết lí về hiện tồn, về nỗi đau bản thể; kể cả khi Nguyễn Bình Phương viết về chiến tranh, về sự xói mòn nhân phẩm, về những chấn thương tính dục.
Thoạt kì thủy là điểm mốc của hành trình đi đến cái chết của kiếp con người, là một cõi nhòe mờ không-thời gian, mọi thứ đều lẫn lộn, lạc, trôi, “… trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu.” “Trí nhớ suy tàn” là câu chuyện mơ hồ như một bài thơ, với những ẩn ngôn mang vẻ đẹp huyền hoặc, trữ tình; cái chết lẩn quẩn đâu đó khi con người mất bỏ các mối quan hệ và không tìm ra lí do tồn tại của mình. “Những đứa trẻ chết già” đặt ra câu hỏi dường như không bao giờ cũ về sự tồn tại, cái hữu hạn của đời người trong thời gian vô hạn. Nhà văn luôn để cho nhân vật đi tìm cái bên trong để tri nhận chiều sâu bản ngã, nghiệm ngẫm về mỏng mảnh phận người. Những câu hỏi về cái tôi ẩn mật (Kundera) vẫn tồn tại như một nghi vấn không lời đáp: “Xem bên trong có cái gì”, “Trong Trang còn là gì nữa?”, “Cả một thế giới nguyên thủy, mù mịt trong ấy, nhưng hoang liêu” (Mình và họ). La liệt xác người, ngổn ngang thân phận. Đằng sau những cái chết/ kiểu chết là nỗi chua xót về con người bị ruồng bỏ, về sự vô nghĩa lí kiếp người (Một ví dụ xoàng). Bạo liệt. Dữ dội. Lạnh. Một lối viết với ngồn ngộn chi tiết, hiện thực phì đại đan xen với ảo giác cũng phì đại, tạo thành những căng cứng, ngột ngạt. Tất cả đều được đẩy lên tới mức vượt ngưỡng đầy khoái cảm.
Viết về cái chết là một cách lựa chọn, một góc nhìn đặc dị để nghiệm suy về cái sống. Chọn cái chết làm điểm nhìn về sự sống, tiểu thuyết Việt Nam là những câu hỏi bất tận về thân phận con người. Những nghiệm suy về cái chết khiến cho vấn đề sống/ chết mang ý nghĩa triết lí. Và cái chết như một mĩ cảm nghệ thuật.
26/6/2024
Lê Thị Hường
Nguồn: Văn Nghệ số 22/2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...