Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Chàng đi theo nước

Chàng đi theo nước

Chương 1
CŨNG như mọi buổi sớm; Lê dậy khi bà mẹ còn ngủ kỹ, Lê nhắc tấm phên che cửa bước ra sân; một vẻ bỡ-ngỡ thoáng qua trên gương mặt thơ ngây mơn-mởn. Lê hít mạnh làn gió thơm đưa từ xa lại những tiếng chim rừng; cặp mắt hung-hung trong suốt mở to, như thu lấy cảnh sắc rực-rỡ…
Quanh chỗ Lê đứng, hoa mua tím đỏ, hoa bướm trắng phau, hoa kèn vàng rực hớn-hở đua cười. Dải mây vàng tha-thướt kéo ngang nền trời biếc. Bát ngát dưới chân gò, đồng ruộng phơi màu cỏ non xanh ướt. Xa xa, tít đằng xa, núi Dùm vẫn như ngái ngủ trong bức màn sương.
Lê ngây người nhìn cảnh đẹp nhưng, chỉ giây lát, lại quên ngay. Cô gái quê ấy không biết cái thú mơ-màng trước sự vật. Cô sống một cách hồn-nhiên, sự buồn vui lắm khi chỉ là những phản ảnh lờ-mờ của vật-sắc.
Lê vấn lại mớ tóc buông xõa sau lưng, đen như một đêm hạ tuần. Đoạn, quay vào góc sân bên hữu, Lê tháo văng cho đàn trâu ra ngoài. Lê cử-động dịu-dàng mà nhanh-nhẹn. Khổ người giong-giỏng cao, gọn gàng trong mảnh áo chàm. Ống chân tròn ; hai bàn chân nhỏ và trắng.
Lê tháo xong; đàn trâu nặng-nề đen trũi xô nhau thoát khỏi gian chuồng chật hẹp. Những cặp mắt lì-lì dại dột bỗng tinh lanh, sáng quắc.
Lê nhảy ngồi chễm-chệ giữa lưng con vật đầu đàn, vớ mẩu thừng khẽ vụt: «Đi!»
Đàn trâu ầm-ạc kéo nhau xuống ruộng.
… Một giọng hát cất lên, văng-vẳng giữa nội cỏ ngàn hoa.
Chương 2
TRÊN mảnh ruộng chênh-chếch bên sườn đồi, một chàng tuổi trẻ vạm vỡ, mình trần, nước da bánh mật, đang chăm-chỉ theo trâu. Chàng ta vừa lái đốc cày vừa luôn miệng giục : « Đi ! vặt ! riệt !… » Lưỡi cày sáng nhoáng phăng phăng rạch mặt đất phủ cỏ non. Đó đây, ánh nắng nhạt xuyên kẽ mây thưa in xuống cảnh vật những dấu vàng loang-lổ. Bỗng, chàng tuổi trẻ họ trâu, ngẩn mặt lắng nghe… Giọng hát quen quen từ xa vẳng lại.
Chàng tuổi trẻ nhìn quanh ; cặp mắt mơ-mộng, hơi thở hồi-hộp…Chàng ngơ-ngẩn tìm xem ai hát thì, ngay lúc ấy, trên đỉnh gò cao, Lê, ngồi giữa lưng trâu, cũng đang yên lặng nhìn chàng. Bóng người và vật in lên nền mây vàng dịu một bức tranh đơn giản. Sự xuất hiện ấy gieo vào tâm hồn chàng tuổi trẻ những cảm-giác say-sưa khó tả.
Con trâu Lê cưỡi đủng-đỉnh lại gần. Lê bỡn cợt :
- Mặt trời cao lắm rồi, anh vừa làm vừa nghênh thế không sợ hết buổi à?
Chàng tuổi trẻ lúng túng đáp:
- Vì cô hát hay quá nên tôi phải dừng trâu lắng nghe. Tính tôi xưa nay có lơ đễnh bao giờ!
- Anh chỉ tài nghề chống chế!
- Không, tôi nói thực đấy! Cô tốt giọng nhất làng.
Lê cúi đầu, bẽn lẽn. Con trâu đủng đỉnh bước đi; trong khoảng lặng-lẽ mơ-màng, tiếng Lê lại bắt đầu ngân nga…
Chương 3
TRỰC lắng nghe tiếng hát xa dần; loãng dần trên mặt đồng không man mác. Cả linh-hồn Trực nao-nao rung động, như cảm thấy tiếng gọi huyền-bí của tình yêu.
Chân ngựa phi lốp đốp khiến Trực ngoảnh lại.
Một người khố đỏ, nón đĩa lật lại sau gáy, cúi rạp xuống con ngựa ô đang phóng như bay trên dải đường lầm bụi. Chừng tự xa đã nhận rõ chàng tuổi trẻ, người ấy gò cương, gọi:
- Trực! Cày làm gì nữa! Cờ-đen về đánh tỉnh sắp tới nơi rồi!
Trực hốt hoảng:
- Lại có chuyện ấy à?
- Phải. Chỉ độ chiều mai thì chúng nó tới đây. Đồn Bắc-mục vừa thất thủ, tình thế khẩn cấp lắm!
Vuốt những giọt mồ hôi trên trán, người lính hỏi Trực:
- À này, đằng ấy có biết Ả Dúc chứ? Chủ hiệu Đông-thịnh ấy mà!
- Có. Làm sao?
- Nó theo Cờ-đen rồi và được tướng giặc tin cẩn lắm, cho đi tiên phong. Chuyến này rồi ta còn thấy vô số chuyện đền ân trả oán lôi thôi.
Nói đoạn, người lính không đợi Trực trả lời, quất ngựa phi nhanh. Trực ném cày, chống hai tay lên sườn, nghĩ ngợi. Những cảnh đốt nhà cướp của, máu chảy đầu rơi và cái hình ảnh Lê bị nhục-nhằn khổ-ải, phút thoáng qua trong óc Trực như cuốn phim quay vội.
- Đền ơn trả oán thì người sẽ bị nó hành hạ trước nhất hẳn là Lê. Ngày năm ngoái, Lê chẳng đã cự-hôn nó đấy ư?
Bỗng Trực nghiến răng, trợn mắt:
- Không! Không khi nào như thế được!
Trực lật đật tháo cày. Trước khi nhảy lên lưng trâu trở vội về xóm, Trực còn đoái nhìn theo hút bóng Lê nhưng, xa xa, chỉ thấy ngàn lau san-sát trắng ngần…
Chương 4
TRỰC có đi học lại là bạn học của Lê, con gái cụ Cử Trần Hiếu-Văn. Trực học đọc, học viết, học tính toán và có thể làm nổi đơn từ văn-khế, xem nổi những yết-thị dán ở cổng đình làng. Đối với người dân quê, học-thức ấy đã chắc chắn lắm, đủ để sống lương-thiện và phòng những thói xấu do sự ngu dốt mà ra. Vốn con nhà nghèo, Trực quen làm lụng từ nhỏ nên sớm biết yêu cách sinh-hoạt tự do, một điều kiện thiết-yếu của sự độc-lập về tinh-thần. Gia-sản ông bố Trực để lại cho là một nếp nhà gỗ, một mẩu vườn với dăm mảnh ruộng. Nhà ở giữa rừng, phía sau có dải đồi Xuân-huy bao bọc như tay ngai; bên hữu có khu rừng cấm làng Mon ngăn cách với đường cái; bên tả có cánh ruộng làng Đồng bát ngát ; trước mặt là một cảnh đồi lũng kế tiếp nhau như sóng bể chạy xa xa đến tận chân núi Là, sừng-sững trên góc trời tây.
Vẻ đẹp hùng-tráng của thiên-nhiên làm cho linh hồn chàng tuổi trẻ hằng được vui tươi. Công việc nặng-nề là một cách luyện thân thể rất tốt. Không-khí trong-lành giữ cho tình-cảm được thuần-lương. Trực lớn dần và trở nên một người con trai sức lực, điềm đạm, có đủ nết hay.
Nết hay nhất của Trực là yêu mến sự công-bình.
Trong việc giao-thiệp hằng ngày, trong cách cư-xử và trong sự phán đoán kẻ khác, Trực lúc nào cũng tỏ ra người say mê sự công bình đến cực điểm. Nếu Trực thấy ai đi làm thuê mà biếng nhác thì chàng giận đến đỏ mặt. Nghe ai khoe đã làm một việc gian-trá chàng tức khắc chê bai. Trực cứ xét đoán theo lẽ phải, mặc những lời nguyền rủa thù hằn. Còn sự đe đọa, Trực không nghe thấy bao giờ. Trực vốn có hai bàn tay sắt và một cách nhìn tặn mặt thù-nhân.
Trực sống cuộc đời giản-dị tự nhiên như thế cho đến một ngày kia, ngày mồng ba tháng giêng năm ấy, đi xem hội Ỷ-la, Trực được biết sự thổn-thức của tình yêu. Bấy giờ, đang cùng mấy người bạn đứng xem các cô gái Mán tung «còn», Trực bỗng thấy Lê đi qua, dịu dàng như một bà Công-chúa. Mấy cậu trai tân thích cánh nhau, thì thầm: «Lê xinh quá, ai muốn chiếm phần đây? Bính nhé? Giáp nhé?» Trực, xưa nay ít nói đùa, lúc ấy, tiến lên: «Tôi». Mội tiếng cười vang khiến Lê thẹn, cúi đầu. Thế rồi, từ đấy, Trực yêu Lê, yêu bằng cả một tấm lòng nguyên vẹn. Trực đang sắp sửa nói với mẹ đem trầu cau sang chạm ngõ nhà Lê, thì tin giặc về phá tỉnh bỗng như đám mây đen che phủ mặt trời.
Ngồi trên lưng con trâu phóng nước đại, Trực quả-quyết hẹn với lòng : «Không. Không khi nào như thế được. Không khi nào ta chịu để cho Lê, cho những người đồng-chủng của ta phải khổ cực mãi với lũ tham-tàn».

Chương 5
TIN giặc về phá tỉnh làm cho mọi người lo sợ. Trong xã Linh-sơn, cũng như ở mọi vùng lân cận, dân làng cuống quít rang gạo, gói bánh, thu nhặt áo xống để chạy loạn. Kẻ nào gọi là có máu mặt lại càng lúng túng với những cửa nhà, dê lợn, ấy là chưa nói phải lo tai tiếng lộ ra ngoài, lo những sự khảo đánh dã-man mà quân Cờ-đen vẫn dành riêng cho người có của. Đàn-bà, trẻ nít, người gọi con, kẻ khóc mẹ, tan-tác như gà thấy quạ. Gan góc hơn, bọn đàn-ông con trai tuy sợ hãi mà vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh bên ngoài. Họ tụ nhau ở cổng đình làng, bàn cách trốn tránh. Cũng có người tính mưu cự giặc, nhưng đó là phần ít. Vả, những lời táo bạo nói ra mấy kẻ đã dám quả quyết nghe theo.
Giữa lúc ấy, Trực phóng trâu về xóm. Thoạt thấy chàng, hết thảy đều mừng. Một vẻ tin cậy thay cho những nét lo buồn. Nhiều tiếng reo: «Trực! anh Trực đã có ý hay gì chưa?»
Chàng tuổi trẻ giơ hai tay đáp: «có». Đám đông vội xúm lại. Họ tin Trực lắm, tin ở sức khỏe, tin ở can đảm, tin ở lòng khẳng khái, trí thông-minh, sự liệu định công việc rất nhanh chóng và hợp lý của chàng.
Trực bắt đầu nói, thoạt còn dè dặt như cầm sức mạnh. Dần dần Trực hăng-hái, cử chỉ mạnh bạo, giọng hùng hồn; tuy những câu chàng dùng vẫn hết sức giản-dị:
- Anh em bối-rối vì chưa biết để vợ con, giấu tiền của chỗ nào cho tiện. Cứ ý tôi, việc đó chưa cần. Việc cần trước nhất là việc đuổi giặc. Đuổi được giặc, vợ con, gia-sản của ta tự khắc yên. Giặc cũng là người, một bọn người khốn-quẫn, bạo-ngược. Nay giặc đến, lẽ nào chúng ta nhút-nhát, lẩn-tránh, cam chịu đè-nén, chịu ức-hiếp như một lũ kiến, đàn sâu? Đất nước này là của ta, không kẻ nào có quyền được giày lên một cách hỗn xược. Gia-sản, quyến-thuộc ta; kẻ nào dám xâm-phạm đến, ta quyết đánh cho tan-tành!…
Trực ngừng nói, đưa cặp mắt sáng-quắc nhìn. Hết thẩy đều lặng-yên, cảm-động và kính-cẩn, Trực bỗng hô to:
- Nào những ai muốn cùng tôi cự giặc? Những ai không nhát sợ, những ai dám hi-sinh, những ai muốn cho nòi giống Việt-Nam không phải là giống ươn-hèn?
Một tiếng sấm vang đáp lại nhời chàng hỏi:
- Tôi!… chúng tôi!… Anh Trực nói phải! Cờ-Đen còn; ta chết. Giặc chết, ta còn.
Ông cụ Xuân, một viên phó lãnh-binh hưu-trí quát bảo mọi người:
- Được lắm! Khá lắm! Các anh biết tỏ mình là những người con trai, lão rất khen ngợi. Cái chết có ý nghĩa chẳng quí gấp mười cái sống của loài sâu bọ hay sao? Có điều các anh nên nhớ là hi-sinh chưa đủ, cần biết hi-sinh cho phải đường. Vả lại, việc chiến-trận là việc trọng, phi một người thủ-lĩnh giỏi không xong. Người ấy, các anh định chọn ai?
Trăm miệng cùng reo:
- Cử anh Trực.
Vuốt chòm râu bạc, ông cụ Xuân tươi cười:
- Các anh không lầm. Phải, chỉ anh Trực mới xứng đáng việc nặng nề ấy. Vậy anh Trực, anh sẽ đối-phó với giặc như thế nào?
Trực hơi đỏ mặt, thong-thả đáp:
- Thế giặc hiện nay đang hăng. Nếu mình đường-hoàng đối-địch e thua to. Ý tôi là muốn họp tất cả đinh-tráng tổng này, gây thành một bọn dân-quân cảm-tử, rồi lợi dụng hình thế của núi rừng hiểm-trở đón đường giặc mà đánh, lúc kéo ra như bão táp, lúc lui về như mây tan, không để cho giặc kịp đề-phòng. Sự nghi-ngờ hoảng-hốt sẽ là một lẽ thất-bại của Cờ-Đen.
Cụ Xuân gật đầu:
- Tuyệt diệu! Làm tướng như anh chắc không phụ lòng tin cậy của bọn ta.

Chương 6
MẶT trời gần khuất sau đỉnh núi Là.
Trực, y lời Lê hẹn, nhanh nhẩu tiến lên gò Chám. Chàng lũi cũi theo con đường mạch giẽ qua rừng Kho-đo. Trong rừng, bóng tối đã tràn lan tuy, đó đây, nắng chiều, xuyên kẽ lá thưa, vẫn nhảy-nhót trên mặt lá đầu cành.
Trực đi nhanh vì trái tìm chàng đập rất nhanh. Trực vẫn là người nặng tình với đất nước quê hương. Mối tình ấy, chiều nay, càng giạt-dào như sóng biển. Trực cho việc mình làm là phải. Chàng tin rằng Lê cũng nghĩ như mình. Sự tin chắc ấy là sức mạnh của Trực. Vẫn hay tương-lai có thể chỉ dành cho Trực những sự hiểm nghèo đáng sợ. Nhưng, theo ý chàng, hi-sinh cuộc đời mình cho một việc xứng đáng tức là cho nó một ý-nghĩa cao xa.
… Một tiếng gà rừng gáy vang trong bụi rậm. Trực thôi nghĩ. Chàng ngẩng đầu, nhìn xa. Vẻ tư-lự bỗng thoáng hiện trên gương mặt quả-quyết thông minh : Lê ngồi trên thân cây đổ, giữa đỉnh gò cao, trơ-trơ như Tô-thị mong chồng.
Trực tự nhiên thấy bồi-hồi. Quanh mình, chim hót, suối chảy, lá rụng, những tiếng động cuối ngày ấy gieo vào tâm hồn Trực những mối buồn man-mác…
Ngay lúc ấy, Lê cũng nhận thấy chàng. Lê đứng lên lại ngồi xuống, có dáng băn-khoăn.
Hai người giáp mặt nhau, bốn mắt cùng nhìn mà chẳng ai lên tiếng. Trực ngồi xuống cạnh Lê. Nàng quên e-lệ, ngả đầu vào vai Trực. Cả hai như cùng đắm-say vì cuộc gặp gỡ đầu tiên và tê-tái vì nỗi biệt-li sắp đến. Phải, tương-lai không còn chắc bằng nữa. Sự sum-vầy ân-ái, bữa qua, hai người vẫn tin là gần thực-hiện thì, chiều nay, đã chỉ còn là một giấc mộng hão-huyền. Than ôi, ai có ngờ đâu nông nỗi ấy!
Chung quanh Trực và Lê, hoa rừng bốc lên những mùi hương thấm-thía…
- Lê, em không có điều gì nói với tôi hay sao?
Lê cúi đầu, ngập-ngừng khẽ hỏi:
- Anh Trực, anh nhất quyết đánh nhau với giặc à? Anh nghĩ kỹ rồi chứ? Anh không sợ…
Lê nín bặt. Trong giây phút, nàng yếu lòng trước cảnh chia-phôi. Ra đi có khác gì chết. Trực ra đi, lại đi để tìm những tai-nạn tày trời!…
Lê im lặng thì Trực cũng im lặng. Cả hai cùng muốn nhường sự quyết-định cho nhau mà cùng sợ lời quyết-định cuối cùng…
Hoa rừng chung quanh vẫn đưa hương ngào-ngạt. Bóng tối vẫn êm dịu như nhung. Trên cành cây, tiếng ve sanh-sảnh vẫn ca khúc ái-ân. Tận cùng đáy không-gian trong vắt, tinh tú vẫn như muôn vàn ngọn nến cùng soi một cảnh dạ-hội thần-tiên…
Một hồi tù-và bỗng từ xa vẳng lại. Hai người rùng mình…
Lê nhìn Trực, hai mắt ướt đằm:
- Không, anh ạ. Anh tha thứ cho em vì đã yếu-hèn… Anh nên đi, quả-quyết, hăng-hái ra đi, cố mà làm cho xong việc lớn…
Trực cảm-động:
- Lê ngoan lắm! Anh vẫn tin rằng em cùng một ý nghĩ như anh.
- Vâng, em cũng nghĩ như anh, em cũng nghĩ rằng bổn-phận kẻ làm dân là không được nhát sợ, phải liều chết để giữ gìn đất nước quê-hương anh ạ.
…Tiếng chân ai từ phía sau gò đi đến. Lê và Trực vội rời nhau. Nàng dặn Trực:
- Thôi, anh đi nhé. Anh đi và nhớ rằng không bao giờ Lê quên anh.
Sự gần gũi của hai người đến đây tạm dứt. Sau này, chẳng biết có bao giờ Lê và Trực lại thấy nhau hay những điều ước-nguyện trăm năm rút lại chỉ là những ước-nguyện hão-huyền!.

Chương 7
TỐI hôm ấy, xã Trung-môn, cách tỉnh-lị Tuyên-quang năm cây số, đã lọt vào tay giặc. Trừ những kẻ chắc yên thân vì nghèo-khổ, nhân-dân đã chạy trốn xa rồi. Nhà cửa trống không, lợn gà vắng bóng, giặc chẳng còn vơ vét được tí gì. Tuy vậy, chúng vẫn tin chắc thể nào cũng có tiền bạc chôn đâu đấy, nên cố xục-xạo kiếm tìm. Mất công không, giặc đốt phá tan tành cho hả giận. Mãi sau, khi trở về làng, những dân xiêu tán, nhìn đến nơi ăn chốn nằm lúc trước, chỉ thấy còn trơ những đống tro than. Thành thử, đã trải qua bao nỗi cực khổ lưu-li, người ta còn phải giương mắt nhìn những cảnh tàn phá đau lòng.
Đêm, lúc ấy, đã khuya rồi. Trong lớp nhà sàn gỗ lớn, trên hai tấm ván canh phủ chiếu hoa, Ả-Dúc, Woòng-Tsi nằm đối diện nhau bên cạnh khay đèn.
Sáu chục quân Cờ-đen ngáy vang như sấm.
Woòng-Tsi bỗng quắc mắt nhìn Ả-Dúc, cảu-nhảu:
- Tỉu nà má! Mìng chơ về tến nơi, chúng nó đã ti trốn cả!
Ả-Dúc giật mình:
- Được, tướng quân cứ yên lòng. Bọn cóc vàng trước sau thì rồi cũng mắc tay ta.
- Lơợc, lơợc!… cái gì nị cũng lơợc, mà rồi, chẳng lơợc gì hết!
Cố nén sự lo sợ hiện trên khuôn mặt xương-xương hiểm-độc, Ả-Dúc dịu-dàng:
- Tướng-quân hãy chờ lát nữa thám-thử của tôi về xem thế nào.
Woòng-Tsi cau lông-mày, đặt diện tẩu lên chụp đèn kéo một hơi thẳng thét… Mấy gian nhà rộng im-lặng như tờ.
Bên ngoài, khác hẳn, tiếng gió ào-ào, ếch nhái ộp-oạp, vạn-vật điềm-nhiên vô tình với những mưu-tính và sự thù oán căm-hờn của nhân-loại. Mây đen, từ ngọn rừng xa kéo đến, mỗi lúc một dày một thấp. Rừng cây chung-quanh biến vào trong cõi không-không mù-mịt.
Bỗng, Ả-Dúc, Woòng-Tsi cùng góc đầu, lắng nghe. Cánh cổng kẹt mở, tiếng quân hô khẩu hiệu, rồi tiếng chân người lên thang…
Một vẻ đắc chỉ hiện trên gương mặt lo-âu, Ả-Dúc vừa ngồi nhỏm dậy thì tên thám-tử cũng vừa khúm-núm bước vào.
Ả-Dúc hất hàm:
- Thế nào?
- Bẩm, được tin…
- Ừ, có thế chứ!
- …Các quan về đánh tỉnh, dân Linh-sơn, cũng như dân Trung-môn, Hoàng-pháp đã cùng nhau lẩn tránh xa rồi…
Ả-Dúc gắt:
- Tránh xa rồi là ở đâu?
Ra dáng khiếp sợ, tên thám-tử ấp úng:
- Bẩm… chúng con chưa biết đích.
- Thế còn… à thôi… mày có biết thêm điều gì nữa không?
- Bẩm, một toán dân-quân, do tên Trực thống-suất, đang sửa soạn đánh nhau với ta.
Ả-Dúc ngạc-nhiên:
- Ái chà! chúng nó to gan nhỉ! Tên Trực nào?
Cố giấu một nụ cười mai-mỉa, thám-tử nói:
- Bẩm, tên Trực con lão chánh-bá Linh-sơn, chồng chưa cưới của Lê.
Hơn bị điện giật, Ả-Dúc giương mắt nhìn thám-tử, nói như người chiêm-bao:
- Con lão chánh bá… chồng chưa cưới của…
Woòng-Tsi cũng nhỏm dậy, hỏi:
- Dân-quân toóng ổ tâu, bao nhiêu người?
- Bẩm quan lớn, chúng nó bí-mật lắm!
Ả-Dúc hỏi chen:
- Làm gì lũ chuột ấy mà tướng-quân phải bận lòng!
Woòng-Tsi đập tay xuống chiếu, gắt:
- Lũ chuột à? Nị «tài và» quá!
Ả-Dúc cúi đầu nín thinh. Woòng-Tsi hầm-hầm tức giận. Không-khí trong mấy gian nhà lặng-lẽ nặng những kinh-hoàng…
Bên ngoài, gió vẫn thổi mạnh, lá cây vẫn rào-rạt, ếch nhái vẫn xôn-xao…

Chương 8
RỪNG cấm làng Mon, những lúc đêm trường canh vắng, thường khiến cho dân-sự quanh vùng phải hồi-hộp băn-khoăn vì những tiếng chim «báng» hú hồn, beo hùm động đực, tối nay, bỗng dưng vắng ngắt. Cả một cõi hoang-vu bí-mật nín hơi im tiếng, ngầm-ngấm dự-bị một sự gì phi-thường.

Mãi vào khoảng cuối canh ba, trong thẳm rừng đen tối mới thoảng nghe chim từ-quy ráo rác buồn. Rồi, một tiếng rì-rầm từ mặt đất nổi lên như oan-hồn xuất-hiện… Cành khô lá héo gãy răng rắc, kêu sột-sạt. Giun dế nín thinh.
- Anh em sẵn sàng cả đấy chứ?…
Đột-ngột giữa nơi hoang vắng, tiếng người như vẳng lại từ cõi chết.
Một câu đáp chạy rì-rầm khắp các búi cây:
- Sẵn sàng cả.
- Được lắm! Tôi nhắc lại một lần nữa để anh em nghe nhé.
Im lặng…
- Mỗi người phải có một vuông vải trắng bịt đầu làm hiệu.
- Có rồi.
Ngoài dao và súng hỏa-mai, người nào cũng phải sẵn một bó cỏ khô và đồ dẫn hỏa…
- Có rồi.
- Ông cụ Xuân, tình nguyện vào trại giặc vờ làm thám-tử cho nó, chắc đang chờ bọn ta vì, lúc này, giặc ăn hút no say hẳn đã ngủ yên. Ta mau mau khởi sự.
- Xin vâng lệnh.
- Anh em nên nhớ rằng trận đánh đêm nay quan hệ lắm. Được, ta sẽ làm cho Cờ-đen khiếp vía. Thua, hi-vọng của ta sẽ không còn. Ở đời, lắm khi ta nên nhát sợ mà cũng lắm khi ta không có quyền được nhát sợ. Lúc này mà nhát sợ tức là đâm đầu vào cái chết mà chẳng ích lợi gì cho ai. Anh em phải hăng hái, phải mạnh bạo, phải nhớ rằng sau lưng ta, những người thân yêu của ta đang nín hơi chờ cái hi-vọng thoát khỏi tay lũ tham-tàn.
Tiếng người im. Tiếng từ-quy lại bắt đầu kêu ráo-rác. Trên mặt đất phủ lá cây khô, chân người bắt đầu chuyển động rồi mỗi lúc một xa…
Chừng nửa giờ sau, những bóng đen đã vây kín quanh gò, nơi giặc đóng.
Một hiệu-lệnh khẽ:
- Bò rạp xuống.
Quéc! Quéc!… Chim từ-quy lại kêu. Trên đỉnh gò, sau lũy tre, một con khác cũng kêu…
- Anh em tiến mau! Quân canh của giặc bị rồi!
Bóng đen tức thời mọc lên tua tủa, chạy rất nhanh lên gò và biến vào trong cổng lớn!
Trên nhà, giặc vẫn ngủ yên. Tiếng ngáy, tiếng nghiến răng, tiếng nói mê pha trong hơi thở nồng nàn…
Woòng Tsi vụt ngóc đầu, lắng nghe. Hắn đánh hơi luôn mấy cái đoạn khẽ lay Ả-Dúc:
- Dậy mau!
- Cái gì?
- Nị ngửi xem.
- Ờ, khói đâu khét lắm!
- Chúng mìng pị hun rồi!
Bước vội xuống mặt sàn, Woòng-Tsi rón rén lại gần cửa sổ. Hắn lùi trở lại, ghé tai bảo Ả-Dúc:
- Chúng nó vây!
- Ai?
- Dân-quân «lá vè» Tôông lắm! Chúng nó tang chất lở tốt dà!
Choáng người, Ả-Dúc hỏi:
- Ta đánh thức quân sĩ dậy để…
Woòng-Tsi lấy tay bịt miệng Ả-Dúc:
- Khôông lơợc! Mìng tôộng tậy thì chít ngay.
- Làm thế nào bây giờ?
- Pỏ mặc quân. Chúng mìng tháo ngay mới thoát chít.
…Dưới nhà, lửa bắt đầu bốc cháy…
Woòng-Tsi vội xé hai mảnh chăn đơn trắng, đưa cho Ả-Dúc một và bảo hắn mau bịt lên đầu. Rồi, nhẹ-nhàng như đôi mãn, hai tướng giặc trụt xuống chuồng trâu, tìm chỗ ít ánh sáng chạy lẩn ra ngoài.
Lửa vẫn bốc nhanh. Cả năm gian nhà gỗ dần khuất trong đàm khói tàn đỏ rực. Quân Cờ-đen sực tỉnh, choàng dậy. Tiếng gươm súng, tiếng chân dẵm mặt sàn toán loạn, tiếng gào thét ầm-ầm.
Quanh vườn, dân-quân cũng bắt đầu reo như sấm chuyển. Quân giặc, mất chủ-tướng, càng bối-rối hãi-hùng. Một, hai, ba, bảy tám đứa liều chết nhảy xuống sân…
…Hỏa-mai thi nhau nổ. Dân-quân, nấp trong bóng tối, ngắm ra lửa sáng, bắn chẳng sai phát nào.
Trận đánh tàn khốc và rất nhanh. Chỉ giây lát, tiếng giao-phong ngớt hẳn. Năm gian nhà sập xuống. Giòng suối tàn cuồn cuộn đổ lên không mỗi lúc một dịu dần. Cảnh vật chung quanh vừa hiện dưới ánh lửa hồng sắc máu lại bắt dầu chìm mất trong đêm…
Chương 9
TINH sương. Góc trời đông vừa rạng ánh vàng, từ búi tre rậm khuất nẻo giữa rừng Kho-đo, một làn khói đã bốc lên nghi-ngút, mảnh như cuộn tơ xanh…
Họa-mi, khướu, yểng bắt đầu rời tổ, bay, hót tưng-bừng, làm cho những giọt sương đọng trên cành rơi rụng. Tuy vậy, bốn bể vẫn im-lặng, cái im-lặng không bờ bến, không thay đổi, tàn-khốc, nặng-nề của chốn ngàn năm cổ-lỗ, hoang-vu.
Bỗng, tiếng ai hát trong búi tre già…
Làn khói xanh, dấu hiệu của người, đã khiến cảnh vật nơi này bỡ-ngỡ ; tiếng hát kia, lẻ loi giữa thế-giới chim muông hoa cỏ, càng gở lạ khác thường.
Tiếng hát nhặt thưa, trầm bồng. Rừng cây bỡ-ngỡ đang lắng nghe thì một thiếu-nữ giẽ búi rậm, bíu lấy đoạn thang dây tụt xuống đất.
Kìa Lê ! Phải, chính nàng, có điều cặp mắt hơi thâm quầng, mái tóc xô lệnh, nụ cười phai thắm và nước da đã nhạt mầu tươi. Ngót ba hôm, từ khi cùng Trực chia tay trên gò Chám, Lê đã chịu bao nỗi lo sợ, đau thương. Giọng hát của Lê cũng vậy, vẫn dịu-dàng trong-trẻo nhưng buồn-bã khác xưa nhiều!
Lê, xuống khỏi thang dây, xách đôi «bắng» tre lần ra bờ suối. Nàng đi êm-đềm, chậm chạp, như đếm từng ý-nghĩ não nùng. Tới nơi, Lê uể oải dựa «bằng» vào gốc một cây khế rừng, ngồi lên tảng đá xanh rêu. Khí-lực trẻ-trung hoạt-bát trong người Lê đâu mất cả, ví như lam mờ buổi sớm tan-tác dưới triêu-dương. Lê chán-nản, ngã lòng nhưng vẫn cố víu lấy cuộc đời, cuộc đời còn có Trực, tuy nó chẳng hẹn với Lê một điều gì khác hơn là trăm nghìn nỗi kinh-hoàng.
Ánh sáng trong rừng tỏ rõ. Mặt trời hẳn đã lên cao. Trên giòng suối biếc, loang-loáng ánh vàng.
Mỗi trận gió thoảng đưa, quanh chỗ Lê ngồi, từng cặp gà lôi trắng như tuyết lại bay rào rạt, chim-chóc lại hót vang, ve kêu ánh-ỏi, cả một cuộc sinh-hoạt rực rỡ lại cắt đứt sự hiu-quạnh giữa rừng. Những khi, ngoài cảnh-vật, bài ca vui rộn-rịp tưng-bừng như thế thì trong tâm hồn Lê, tấn bi-kịch càng não-nùng. Lần thứ nhất Lê cảm thấy sự cách-biệt giữa người và cảnh; lần thứ nhất Lê nhận rõ sự vô-tình lãnh-đạm của thiên-nhiên. Còn trơ một mình với bao điều lo sợ, Lê yếu đuối biết chừng nào! Lê hãi hùng trước cái tương-lai bấp bênh vô định. Chút hi-vọng còn sót trong lòng nàng mất dần đi mà hình-ảnh Trực cũng mỗi lúc một xa mờ.
Đêm qua, thâu canh Lê chẳng ngủ. Những tiếng súng xa vọng vào tim Lê một cách đau đớn. Cặp mắt nàng ráo hoảnh, giương to, nhìn chằm-chặp cái cảnh-tượng cuộc chém giết hung-tàn, trong đó, tuyệt mù không thấy Trực… Lê dằn rọc nằm không yên chỗ. Lê khấn trời cho mau sáng. Sáng lâu rồi. Cớ sao chưa thấy Trực về, như lời chàng đã hẹn? Ừ, cớ sao Trực chưa về?…
Lê nóng lòng sốt ruột múc vội hai bắng nước rồi lật-đật về chòi. Lê định bụng sẽ liều sang tận Trung-môn, chỗ hai quân xung-sát đêm qua để xem cho rõ tình-hình.
Lê mải miết đi nhanh, trái tim đập thình-thịch. Cũng như Trực, lần thứ nhất, trong đời nàng, Lê yêu, yêu say đắm, yêu não-nùng. Mà cũng là lần đầu tiên, Lê trải nỗi chua cay của lòng người chinh-phụ.
Chương 10
ÔNG nghĩ thế nào? Giờ mà về thì hẳn phải chết!
Đang buồn rầu nhìn con sóc nhảy trên cành cơi, Woòng-Tsi nghe Ả-Dúc hỏi, thở dài, đáp:
- Còn mặt mũi nào mà về!
- Trừ phi lập được công gì to đủ chuộc tội…
Woòng-Tsi cười nhạt :
- Công to à?… Chỉ còn tâm tầu xuống suối là xoong!
Ả-Dúc xuýt bật cười vì câu phẫn-chí của bạn. Hắn mím môi, lừ lừ cặp mắt lòng thau, nghĩ ngợi…:
- Bọn dân-quân chắc chỉ lẩn lút vùng này. Ta cố dò xem, may có dịp trả thù cũng nên.
Woòng-Tsi rụt cổ nói:
- Phấy ! nị muốn páo thù? Páo thù mà có hai đứa thì làm gì há?…
- Người ta khỏe ở mưu trí, cần gì nhiều ít. Dân-quân như mình con rắn, thằng Trực là cái đầu. Rắn giập đầu thì rắn chết. Trực có một, ta những hai, thừa đủ.
Woòng-Tsi nín lặng.
Ả-Dúc cau lông mày; hai mắt sáng quắc. Một vẻ thù hẳn ghê gớm hiện rõ trên khuôn mặt hiểm sâu. Tên của Trực đã do sự liên tưởng nhắc hắn nhớ đến Lê, đến thái-độ lạnh nhạt và những câu hắt hủi của nàng khi trước. Hắn cười nhạt, nghĩ thầm:
- Thế nào tao cũng làm cho chúng bay khổ sở, nhìn chẳng được nhau, tao mới nghe!
Woòng-Tsi bỗng gật gù nói:
- Nị pàn phải. Nhưng cái này piết nó ổ tâu mà tìm?
- Để nhẩn-nha xem. Bây giờ nếu có cơm mà ăn thì hay quá!
Đáp lại câu ước muốn của Ả-Dúc, một tiếng hát xa-xăm thoảng lại, như có như không…
Hai tướng giặc nhìn nhau.
Làn gió rung cây. Tiếng hát như sợi tơ mành, đứt đoạn.
Woòng-Tsi hỏi:
- Người hay ma?
- Người… hẳn người.
Vẻ mặt dữ như cọp của Woòng-Tsi loe sáng một nụ cười:
- Hầu lớ! có cơm ăn tốt!
Ả-Dúc vẫn lắng nghe, hình như đã có một định-kiến.
Gió qua. Rừng cây thôi động. Tiếng hát lại âm-thầm, đứt nối, chắt qua bao lớp lá dầy…
Ả-Dúc vùng đứng đậy, bảo Woòng-Tsi: «Theo tôi».
Chớp mắt, hai bóng người lẩn vào búi rậm. Cảnh rừng thâm u tịch-mịch lại điềm nhiên trong ánh xanh mờ…
Chương 11
về đến búi tre thì ánh nắng đã gay gắt.
Nàng víu thang dây, lên chòi. Cả tâm hồn Lê cồn-cào rạo-rực. Cuộc đời nàng bấy lâu không lo nghĩ, vui vẻ, từ nay biến thành một chuỗi phong ba.
Lê thấy mẹ vẫn còn ngủ, khẽ đặt hai «bắng» nước vào một nơi, đoạn rón-rén lại gần sờ trán. Lê thở dài, ngồi xuống giát. Từ hôm ở nhà, bà cụ Cử đã mắc bệnh. Nay, đang buổi loạn-li, sương nắng không kiêng kỹ được, nên bệnh càng trầm-trọng. Mẹ ốm, người yêu giấn mình trong nơi đạn lửa, thân gái chơ-vơ cô độc, Lê nhìn trước nhìn sau không một sự tựa nương. Còn chăng là mai sau? còn chăng là hy-vọng? Trời ơi, nếu Lê sẵn lòng tín-ngưỡng, lòng tín-ngưỡng vẫn có thể hứa nhiều câu êm-ái cho những kẻ rất ngã lòng! Nhưng không, con một nhà nho, đối với quỷ-thần chỉ «kính nhi viễn chi». Lê đứng trước sự ngờ sợ chẳng khác con thuyền gãy lái gặp cơn dông.
Quanh sự tịch-mịch của Lê, rừng cây, rừng cây từ sớm, vẫn là một bài ca tráng-lệ.
Lê buồn rầu, ngẩng trông trời biếc. Sự gần gụi hôm nào với Trực sống lại trong trí nhớ nàng, hai giọt nước mắt giàn xuống cặp má xanh xao.
Một vật gì động khẽ cạnh nàng. Lê ngoảnh lại, thấy con vượn nhỏ của Trực cho nàng khi trước, nàng rất yêu quí vì nó thông-minh như người. Chừng cũng biết Lê buồn, con vượn nhìn Lê, kêu nũng-nịu. Cặp mắt nó vàng-vàng trong suốt, lúc ấy, âu-yếm dịu-dàng. Lê cảm-động, vãy nó lại gần, vuốt ve bộ lông mềm mại. Tuy nó chỉ là con vật, sự lưu-luyến của nó cũng cho Lê đỡ được nỗi tịch-liêu. Rồi, vẩn vơ nhớ lại những lời nàng căn-dặn Trực lúc chia tay, Lê nghĩ thầm: «Đã nói, ta phải giữ lời. Suốt đêm qua, Trực lăn mình vào cuộc chém giết, nay chưa về, chàng hẳn đã gặp sự không may. Nếu vậy, ta càng nên vững chí, và nên kíp sang bên ấy xem sao».
Lê đứng phắt dậy. Bà cụ Cử giật mình thức giấc:
- Lê đâu, con?
Tiếng gọi nhắc Lê nhớ lại rằng ngoài bổn-phận làm vợ, nàng còn có bổn-phận làm con nữa.
- Lê đâu?
- Dạ con đây. Mẹ nghe trong mình thế nào?
- Cho mẹ hớp nước. Trong mình mẹ ấy à?… Khó chịu lắm!
Lê kéo vạt áo lau nước mắt. Nàng quay đi rót một bát nước lá đũm nóng bưng lại chỗ mẹ nằm. Uống xong một hớp dài, bà Cử Trần vừa thở vừa hỏi:
- Trực nó đã lại đây chưa?
Lê đau-đớn:
- Thưa mẹ chưa.
- Nó làm ăn ra sao mà bây giờ chưa có tin lại?… Hay là… con thử đi nghe-ngóng xem…
- Thưa mẹ, con đã nghĩ thế nhưng…
Bà Cử nhìn Lê, đoán rõ ý nàng:
- Được, con cứ đi, không ngại. Con đi xem rồi chong-chóng mà về.
Lê vâng lời mẹ, thắt dao xuống thang. Tuy vậy, Lê vẫn chẳng đành lòng. Sau, muốn dẹp nỗi phân-vân, Lê vừa đi vừa cất tiếng ngâm to bài thơ mà cụ Cử ông đã dạy nàng học thuộc. Bài thơ vịnh bà Phan-thị-Thuấn tử-tiết theo chồng. Bài thơ ấy nhiều phen khiến trái tim Lê phải xúc-động. Nàng thương cảm và kính-phục người đàn-bà họ Phan lắm. Cái chết của người ấy thê-thảm nhưng hùng-tráng biết bao. Rồi, Lê phân-vân nhớ đến Trực, nhớ đến câu nàng dặn Trực lúc chia tay. Phải, Lê sẽ chẳng bao giờ phụ Trực. Nếu Trực không may bỏ mình trong cuộc tranh-đấu với Cờ-đen thì nàng một là ở vậy suốt đời hai là sẽ chết theo chàng.
- Ta cũng có gan làm như bà Phan-thị-Thuấn chứ thua gì!
Nghĩ vậy, Lê thấy phấn-khởi. Nàng bước nhanh, sẵn-sàng chờ đợi bất cứ một sự không may nào sẽ xảy ra. Lê cất tiếng ngâm thơ, tiếng lanh-lảnh và đầm-ấm như tiếng chuông vàng…
Chương 12
Ả-DÚC, Woòng Tsi, lách qua những tràn cây rậm, tiến nhanh về chỗ phát-nguyên của tiếng hát bí-mật. Thỉnh-thoảng, hai người lại dừng bước lắng nghe. Nhưng, tiếng hát xa im bẵng từ lâu rồi. Dưới ánh-nắng tan tành trên mặt lá và trong tiếng gió chạy rì-rào qua ngọn cây rung, cảnh rừng vẫn mơ-màng, yên lặng. Woòng-Tsi bực tức nhìn quanh. Trên cành sung mục, con chim gõ-kiến điềm-nhiên thong-thả bỏ rơi xuống cái tịch-mịch vô-cùng những tiếng chan-chát rất đều…
Bỗng, Ả-Dúc kéo Woòng-Tsi ngồi thụp xuống, bên một cụm hoa bướm trắng như tuyết sa. Về phía trước mặt hai người, rõ-ràng có tiếng chân ai đi trên mặt đất, mỗi lúc một gần. Rồi, trên nền lá xanh, trong vùng tối-sáng lờ-mờ, hiện ra một thiếu-nữ yêu-kiều nhưng rắn-rỏi.
Ả-Dúc giương to cặp mắt ngạc-nhiên, chằm-chặp nhìn thiếu-nữ. Hắn khẽ thích cánh Woòng-Tsi, nói qua một hơi thở.
- Lê!…
Tên giặc khách không hiểu.
- Lê, tình-nhân của Trực, thủ-lĩnh đám dân-quân.
Woòng-Tsi mừng rỡ. Sự tình-cờ ấy, hắn thực chẳng bao giờ dám mong. Một vẻ sung-sướng hiện ra trên nét mặt lầm-lầm nanh ác. Ả-Dúc, không mừng. Máu trong người hắn như đọng lại; hơi nóng bốc lên đầu; những nỗi giận hờn lũy-khiếm nhất-đán bùng-bùng như lửa. Với hắn ta, Lê là cả một mớ thất-vọng cay-đắng về tình, là cả những ngày buồn-tẻ nhạt suông, những đêm thâu canh dằn-rọc. Hơn nữa, chính vì Lê mà hắn đã phá tán gia-tài, đã nghèo nàn khổ-cực, đã trở nên một kẻ bất-lương. Hắn chết một tấm lòng vì Lê, hẳn thù-ghét cuộc đời cũng vì Lê!
Bởi vậy, cuộc gặp-gỡ không ngờ, trong cõi hoang-vu nọ, bỗng như đổ dầu lên đống lửa căm-hờn của Dúc. Còn dịp trả thù nào hơn nữa? Ả Dúc cảm thấy một rạo-rực một vui-sướng dã-man, một say-sưa khó-tả, một ý-tưởng sát nhân ghê-gớm tràn-ngập lênh-láng trong tâm-hồn tàn-bạo và khốc-hại. Hai thái dương nóng bỏng ; trái tim như con thú bị cạm; Ả-Dúc nhảy vọt từ chỗ nấp ra giữa lối đi, cách Lê chỉ vài bước chân.
Lê lạnh người. Kẻ thù-địch kia hẳn sắp hại nàng. Giữa hai bên, rồi chớp mắt đây, sẽ có một cuộc xung-sát trí-mệnh. Sự thảng-thốt lúc đầu qua, Lê điềm tĩnh chờ. Nàng đã quyết lòng chết. Vì Trực, nếu không về, biết đâu chàng đã bỏ mình trên trường danh-dự? Điều ấy, Lê tin chắc lắm. Ả-Dúc đến đây, chẳng là một chứng cớ hiển-nhiên. Lê, nhanh như cắt, nhảy lùi lại, rút đao lưng thủ-thế. Ả-Dúc mỉm cười:
- Ái chà! Cô em táo-bạo nhỉ! Nhưng cô Lê ạ, cô nên nhớ rằng chúng tôi đây là đàn-ông, lại những hai người.
- Hai chứ mười đứa ta cũng không sợ. Ta chỉ chết là cùng!
Woòng-Tsi ngắt lời:
- Trực nó pị pắt rồi. Nị cố mún xem mặt nó khôông?
Lê choáng-váng… Ồ! thế ra Trực chưa chết, Trực sa vào tay bọn giặc hung-tàn! Rồi đây, Trực sẽ bị đày ải, cực-nhục biết chừng nào! Những chuyện khảo-đả, hành-hạ của quân Cờ-đen, Lê được nghe rõ lắm và còn nhớ cả. Lê rùng mình, thấy như chính mình đang đau-khổ những nỗi đau khổ của Trực. Sự thương xót như mũi kim khép lấy tim nàng. Lê thiết-tha được thấy rõ mặt người yêu, được nhìn nhau một lần cuối cùng trước khi phải chết.
Chừng hiểu rõ lòng nàng, Woòng-Tsi nới:
- Hãy gặp nhau tã, rồi cố chít cũng khôông mộn mà!
Lê ứa nước mắt. Nàng chẳng suy tính gì nữa Cài dao vào vỏ, nàng buồn rầu đáp:
- Được, nếu vậy tôi theo các anh! Có điều các anh nên nhớ, là nếu các anh định phạm vào mình tôi thì không đời nào.
Ả-Dúc, Woòng-Tsi cùng gật đầu. Thua một trận đêm qua, đoàn quân tiên-phong tan hết, nhưng món hàng này biết đâu chẳng giảm bớt tội cho chúng một phần? Lê mắc cạm, Trực sẽ chẳng dám tung-hoành nữa.
Thế là cả ba người cùng đi thẳng về hướng bắc. Cơn gió thốc ào ào; át cả tiếng con vượn mất chủ kêu ai oán trên cành.
Chừng mươi phút sau; ngay quãng rừng vừa xảy ra tấn kịch ấy; Trực, một tay cầm lăm lẳm thanh gươm, cắm cúi bước nhanh, không ngờ vực gì cả…
Chương 13
TRONG đồn Bắc-mục, sự khủng-bố, như một vác nặng, đè xuống thần-trí các tướng-tá và ba quân.
Lưu Vĩnh-Phúc đang nổi cơn lôi-đình vì được tin đoàn tiên-phong đại-bại.
Mặt đỏ như lửa, Phúc nghiến răng, trợn mắt, nắm chặt hai bàn tay. Cả một cơn bão-táp chỉ đợi dịp nổ tung ra.
Vẫn biết thua được là sự thường của nhà quân. Nhưng, theo ý Phúc, cái tội chểnh mảng của Ả-Dúc, Woòng-Tsi hai tướng thật đáng chém đầu. Vận mệnh quân Cờ-đen, Phúc gửi cả vảo trận đánh thành Tuyên. Sự thất bại kia khỏi sao gieo vào lòng sĩ-tốt một mối ngờ sợ không hay?
Phúc càng giận, đấm tay xuống mặt phản thình-thình. Ngọn đèn dầu lạc giữa lòng khay hãi hùng muốn tắt. Mấy chiếc bỏng rang trộn mật để trong cái bát cổ men xanh cũng nhảy tọt cả ra mặt chiếu.
Bỗng, quân canh vào báo:
- Thưa chủ tướng, hai tiên-phong đã về.
Phúc trợn mắt, thét:
- Điệu cổ chúng nó vào đây!
Các đầu-lĩnh giặc đứng hầu giáp vách đều tái mặt. Ai nấy phàn-nàn thay cho hai người bạn xấu số đã vô tình tự chọn lấy giờ chết của mình.
Lưu-vĩnh-Phúc nhìn ra cửa, im lặng chờ. Tuy vậy, sự hãi-hùng của mọi người mỗi phút càng tăng. Sự im lặng giữa một cơn dông bao giờ cũng dự bị những cảnh tàn-phá gớm-ghê.
Ả-Dúc, Woòng-Tsi dẫn Lê rón-rén bước vào, quỳ mọp xuống trước sập Phúc ngồi.
Phúc nghiến răng:
- Bay đã làm lỡ việc của ta còn vác mặt về đây làm gì?

Quay sang phía tả, Phúc, toan gọi đao-phủ, chợt nhìn thấy Lê:
- Con bé này là ai?
Ả-Dúc trình:
- Thưa-chủ-tướng, đây là tình-nhân của tên Trực.
- Trực nào, có phải người đứng đầu bọn dân-quân chăng?
- Bẩm chính phải.
Phúc dịu nét mặt, nhìn Lê.
Ả-Dúc nhanh miệng:
- Thưa chủ-tướng, chúng tôi thua là vì có nội-phản, chứ không phải vì nhút nhát hoặc cẩu thả việc đề-phòng. Huống hồ dân-quân tổ chức rất khéo, thông tỏ đường lối, thêm được tên Trực hành-binh rất giỏi.
- Tao biết, Trực quả là tướng tài, còn chúng bay chỉ là phường vô dụng. Nhưng, cớ sao chúng bay đã thua còn bắt được con bé này?
- Bẩm cũng là một sự tình-cờ. Chúng tôi lạc trong rừng vừa tối vừa sợ, chưa biết phương nào là phương sống thi gặp Thị Lê. Biết rằng nếu bắt được thị, ta có thể ép Trực phải về hàng hay ít ra cũng phải dẹp khí-giới lại, chúng tôi bèn nói lừa thị rằng Trực đã bị bắt và dử thị về đây.
Phúc gật đầu:
- Được, lần này ta hãy gửi bay hai cái thủ-cấp đấy. Hai tướng hú-vía, khép nép lạy tạ.
Bỗng, một tiếng kêu hoảng-hốt: Lê rút dao lưng tự tử.
Ả-Dúc nhanh tay cướp được dao. Lê chỉ bị thương xoàng. Phúc sai giam Lê vào một chỗ, truyền quân canh giữ cẩn thận,lại cho một người đàn-bà luôn luôn ở bên mình Lê, phòng sự bất trắc.
Khi Lê bị dẫn đi khỏi, Phúc lắc đầu than:
- Một đứa con gái còn như thế, chẳng trách tinh-thần bọn ái-quốc bồng-bột vô cùng.
Phúc ngả mình xuống chiếu. Tên hầu cận tiêm luôn mươi điếu thuốc dâng lên. Phúc càng say, càng tỏ vẻ nghĩ ngợi. Gian phòng lặng-lẽ như một cảnh chùa. Trận bão qua, mọi người đã dám thở nhưng chưa ai dám thở mạnh.
Hồi lâu, Phúc ngồi nhổm dậy, truyền lấy bút mực. Đắn đo từng chữ, cân nhắc từng lời, Phúc viết một bức thư,đoạn xuống lệnh triệu Hoàng-lang, con trai Hoàng Tử-Trung, một thanh-niên võ-tướng mà Phúc rất tin yêu. Phúc ghé tai nói nhỏ với Hoàng-lang nhiều câu bí-mật, lại dặn đi dặn lại rất ân cần:
- Con đi ngay, đem ít quân hầu để tránh sự ngờ-vực. Con phải rất khéo léo và có ý tinh. Ta mong đợi ở con nhiều lắm đấy.
Hoàng-lang, cúi đầu vâng lệnh.
Phúc lại truyền Ả-Dúc, Woòng-Tsi sắm-sửa theo Phúc sang Yên-bình ngay chiều hôm ấy; đồn Bắc-mục giao cho Hoàng-Nhì coi giữ với một trăm quân.
- Ta phải hỏa-tốc sang Yên-bình mới kịp tiếp chiếu-chỉ của Hoàng đế sai ta giúp Nguyễn-triều cùng đánh Pháp-lan. Hoàng-Nhì, hễ công-tử (trỏ Hoàng-lang) về, ngươi trình công tử phải có tin cho ta biết ngay.
Chương 14
GIỮA gian chính một ngôi nhà gỗ lớn, Trực, lúc ấy, ngồi dựa khuỷu tay vào cạnh chiếc bàn vuông, yên lặng. Tâm hồn chàng xa vắng, đuổi theo những lo nghĩ bồn-chồn. Các tướng bộ-hạ đứng hai bên giáp vách cũng nín thinh như tượng đất.
Dưới ánh lửa nến lung-lay, mờ yếu, cảnh gian phòng rộng thênh-thang, vách tường trơ-trụi; càng lạnh-lẽo uy-nghiêm mà vẻ buồn của chàng tuổi trẻ càng âm-thầm.
Một tên quân đẩy cửa bước vào:
- Lính tuần vừa bắt gặp một bọn năm tên Cờ-đen. Chúng ngỏ ý muốn ra-mắt chủ-tướng.
Trực ngẩng đầu, nghĩ-ngợi, rồi truyền:
- Dẫn chúng vào đây.
Chàng lại ngảnh bảo tả-hữu:
- Anh em hãy lui ra, ai giữ việc nấy, cốt nhất đừng xôn-xao để mất trật-tự.
Mọi người đồng thanh:
- Chủ-tướng nên thận trọng. Giặc đến hẳn có mưu gian.
- Điều ấy không ngại. Tôi nghĩ rồi.
Trực vừa nói xong, đã nghe bên ngoài có tiếng ngựa phi đến rất nhanh rồi đứng lại ở cổng.
Trực mở phanh cửa gọi to:
- Ai là chủ-tướng xin mời vào đây nói chuyện.
Hoàng-lang nhìn lên nhà, thấy bóng Trực in trong khung cửa lờ-mờ. Bốn bể vắng ngắt. Ngạc-nhiên, Hoàng-lang quay lại bảo quân hầu đứng đợi rồi chàng nhanh-nhảu tiến lên. Giáp mặt, hai người cùng bỡ-ngỡ nhìn nhau. Trực, sinh trưởng giữa đám bình-dân, chợt thấy một viên tướng trẻ, mặt tươi, mắt sáng, y-phục xa-hoa, không khỏi đem lòng kính nể. Còn Hoàng-lang đã nghe danh và mến phục vị thảo-dã anh-hùng này, trong một khung cảnh đơn-giản trang-nghiêm, được nhìn gần cái uy-phong lẫm-liệt, chàng sướng-khoái vô cùng.
Trực cất tiếng nói trước:
- Lê-trung-Trực, thủ-lĩnh Ái-quốc-đoàn.
Hoàng-lang nghiêng mình, đáp lễ:
- Hoàng-thiếu-Hoa, bộ-tướng của Lưu đại-soái.
Trực kéo ghế:
- Tướng-quân ngồi.
Chàng tiếp luôn:
- Đi đường xa, tướng-quân hẳn đói?
Hoàng-lang cười:
- Quả có thế !
Trực vỗ tay. Một tên quân, nhanh như chớp, nhẩy vào:
- Anh sắp cơm rượu đem lên đây.
Một phút im lặng.
Trực bỗng hỏi:
- Lưu đại-soái ủy ngài về đây; hẳn vì việc cô Lê bị bắt?
- Bẩm phải.
Trực cười:
- Và, nhân việc ấy, Lưu đại-soái muốn dụ tôi ra hàng?
Ngạc-nhiên, Hoàng-lang hỏi Trực:
- Vâng, nhưng sao túc-hạ biết rõ cả thế?
- Dụng ý của Lưu đại-soái đã rõ ràng lắm, có gì mà không hiểu! Lê bị bắt, tôi chẳng nhẽ còn đánh nhau? Muốn cho Lê thoát chết; tôi trừ-phi hàng-phục.
Hoàng-lang nhìn Trực; chịu là người minh-mẫn:
- Túc-hạ ở xa mà rõ được cả ý-định của đại-soái tôi, điều ấy tôi rất khen.
Trực nhũn-nhặn:
- Ngài quá khen. Đó chỉ là bổn-phận kẻ làm tướng không được sót một việc gì xảy ra ở bên địch, dù là việc rất tầm thường.
Hoàng-lang tỏ ý ngờ câu Trực nói; nhưng Trực vẫn điềm nhiên tiếp theo:
- Ví dụ ngài về đây, ngoài việc khuyên hàng, tôi có thể nói còn định dò xét tình-hình quân tôi ra sao nữa.
Hoàng-lang giật nẩy mình, toát mồ hôi trán. Trực vờ không để ý:
- Lưu đại-soái hẳn nghĩ rằng tơ đào nếu không trói nổi hùm thiêng, thì ngài sẽ dùng đến võ-lực. Khi ấy, nhờ sự mẫn-cán của ngài; Lưu đại-soái sẽ biết rõ tình-thế dân-quân ra sao.
Hoàng-lang có vẻ ngượng nói chữa:
- Đại-soái tôi thực tình muốn liên-kết cùng túc-hạ để cùng diệt kẻ thù chung, có lẽ nào còn thóc mách? Vả lại, dù sao mặc lòng, nếu đem so-sánh…
Trực ngắt lời:
- … Với Cờ-đen, dân-quân bất quá như trứng với đá. Tuy vậy, con voi to lớn nhiều khi phải sợ con kiến vàng.
Quân hầu bưng cơm rượu lên. Trực ân-cần so đũa, rót rượu mời khách. Chàng lại dặn quân phải khoản-đãi bọn tùy-tùng của Hoàng-lang cho tử-tế.
Hoàng-lang rút phong thư của Lưu-vĩnh-Phúc đưa cho Trực. Chàng tiếp nhận nhưng không xem. Chàng làm như quên hết mọi việc quân-tình trọng-đại, lấy tư-cách chủ nhà lịch-thiệp đãi khách quí đường xa.
Hoàng-lang gặng hỏi:
- Túc-hạ biết rõ ý đại-soái tôi, vậy túc-hạ định sao?
Trực thủng thẳng:
- Điều ấy, xin ngài thư cho để tôi nghĩ kỹ đã. Vả, mặc dầu là thủ-lĩnh, tôi không thể quyết định việc ấy theo ý riêng mình.
Hoàng-lang, trước sự thoái-thác của Trực, đang phân vân không biết nói sao thì, tự ngoài xa, tận đâu trong thẳm đêm trường, một hồi tù-và vụt đưa thoảng lại…
Trực vùng đứng dậy, với chiếc sừng trâu cài trên vách, ghé miệng cũng rúc một thôi dài. Dưới ánh nến mơ-màng, Hoàng-lang nhìn Trực cử-động, bâng-khuâng như thấy một nhân-vật trong cổ-tích.
Chàng gợi chuyện:
- Tôi lạ một điều là suốt từ đường cái vào đây, không có một vọng gác, một chòi canh hay một đội quân nào cả.
Trực nhếch mép:
- Ấy thế mà chỗ nào cũng có người đấy.
Hoàng-lang không tin:
- Chẳng có lẽ tôi nhầm vô-lý đến thế! Trong khi ngồi trên mình ngựa lại đây, tôi đã lắng tai nghe, tôi đã mở mắt nhìn. Có gì đâu? Chỉ những tiếng dế giun kêu trong đêm tối!
- Ngài không tin, đó là quyền của ngài. Tôi thì tôi quả quyết rằng quanh vùng đây, mỗi sợi cỏ mỗi gốc cây là một tên dũng-sĩ của đoàn Ái-quốc Việt-Nam.
Hoàng-lang đặt cốc rượu, cười:
- Túc hạ có thể cho tôi xem thấy tận nơi chăng?
- Việc ấy rất dễ. Tướng quân dùng xong cơm…
- Bẩm, xong rồi!
- Vậy ta cùng đi.
Hai người đứng dậy ra ngoài. Ngựa đã chờ sẵn. Trực mời Hoàng-lang lên yên.
Bấy giờ vào khoảng cuối canh hai. Rừng khuya ngủ say trong màn sương trắng phớt. Trên trời lác đác sao thưa. Con tắc-kè thong thả, đều đặn, bỏ rơi mấy tiếng trong lặng-yên nghe-ngóng của đêm trường.
Hai người sóng ngựa đi đều. Bỗng, Hoàng-lang nghe tiếng cú rúc bên tai rồi, ba bề bốn bên, tự các bụi rậm đưa ra ; hàng trăm tiếng khác xôn-xao đáp lại.
Trực vỗ tay.
Cành khô lá héo rào-rạt… Bóng người, như ma quái, vụt hiện lên tua tủa.
Hoàng-lang rợn người. Bao phen giáp mặt cái chết, chàng, lần ấy, mới biết hãi-hùng.
Trực ngoảnh lại bảo Hoàng-lang:
- Đấy, ngài xem! Bọn dũng-sĩ này chỉ chờ một tiếng hô là quăng mình chết cho đất nước.
Dứt lời, Trực nổi một tiếng hiệu, các bóng đen lại biến đâu mất hết, rừng cây lại vắng-vẻ, hoang-liêu.
Hoàng-lang lặng yên nhìn Trực. Trong giây phút ấy, với chàng, Trực không phải là người nữa, Trực là hiện-thân của một thứ tình yêu nước huyền-bí, Trực là một vị tinh-tướng nhà Trời…
Chương 15
TỪ lúc vào trại giam, Lê bồn-chồn nghĩ đến mẹ. Lê tưởng-tượng những nỗi lo-sợ của mẹ; khi bà chẳng thấy Lê về. Lê xót-xa cho mẹ già đau yếu bao nhiêu, thì nàng lại e Trực không thủy-chung với việc phận-sự.
Lê bối-rối quá. Nàng tựa mình vào vách ủ-rũ như bông cúc tàn. Càng không muốn nghĩ-ngợi, Lê càng thấy trăm nghìn ý-nghĩ nung-nấu dồn-dập đến tâm hồn. Lê chốc-chốc thở dài ; coi cái chết, lúc ấy, là một sự giải-thoát.
Bỗng, tiếng động ngoài cửa, bước vào một tướng giặc khách to-béo, dữ-tợn. Hắn cười-cợt, bảo Lê:
- Ả-Dúc gửi lời chào cô đấy.
Lê, rất tự-nhiên đáp:
- Thế à? Tôi cũng gửi lời cảm-ân chú ấy.
Vờ thương-xót để chế-nhạo, tướng giặc nỏi:
- Cô chắc khó chịu lắm, vì chỗ này vừa chật-hẹp vừa luộm-thuộm quá. Tôi ước gì có một nơi xứng-đáng hơn. Nhưng thôi, cô ạ, cô chẳng ăn đời ở đời gì chỗ này mà lo phiền. Trực về hàng, cô sẽ được tha ngay. Trực không hàng, ông Lưu sẽ giúp cô chết một cách mau-chóng. Ông Lưu không hay gìn-giữ những vật thừa!
- Tôi đã mắc lừa tới đây, lòng thực không muốn lại được về với Trực. Tôi mong được ông Lưu giết đi thì hơn.
- Người còn trẻ và đẹp như cô cũng mong chết à?
- Ở đời, lắm khi chết là một điều nên ao-ước.
Thái-độ của Lê khiến tướng giặc đâm cáu. Hắn chờ đợi cái lo sướt-mướt của người đàn-bà. Hắn cố tìm trong mắt Lê có một vẻ khốn-quẫn, cố nhận trong giọng nàng nói một tiếng thổn-thức. Mắt Lê, trái lại, vẫn trong sáng như một ngày xuân êm đẹp, giọng nàng vẫn bình-tĩnh lại ngụ ý kiêu-kỳ.
Giữa lúc ấy, một hồi chiêng rền-rĩ tiếp theo tiếng kêu oai-oái của đàn-bà tự ngoài sân đưa vào.
Tướng giặc nghiến răng:
- Có nghe không? Con mẹ ấy nó đang bị xẻo thịt đấy! Cô thử nghĩ cái ngày cô cũng phải đem ra xẻo…
Lê nhếch mép cười:
- Có gì lạ. Chẳng qua một lúc khó chịu, thế thôi! Ả-Dúc nó hại tôi thì, một ngày kia, nó sẽ bị hại. Thế nào cũng đến lượt nó. Cái chết của tôi có cứu thoát nó đâu.
Tên khách tái mặt. Hắn định bỡn-cợt với sự kinh-hoảng của kẻ khác thì, lúc ấy, chính hắn bị sự kinh-khủng làm cho lạnh gáy. Hắn nghĩ đến Trực, nghĩ đến trận đánh ở Trung-môn.
Tướng giặc cố bông-lơn một vài câu nữa, nhưng giọng nói đổi hẳn mà tiếng hắn cười cũng chẳng được chân-thành. Hắn vội đóng sập cửa, chạy ra ngoài, vẫn còn vẳng nghe Lê nói:
- Thế nào rồi cũng đến lượt Ả-Dúc, đến lượt các anh!
Giữa khi, trong đồn Bắc-mục, xảy ra câu truyện ấy thì, dọc theo con đường gập-ghềnh, ngoắt-ngoéo giữa hai mảng rừng đêm, một toán kỵ-binh cúi rạp xuống yên, đang ra roi cho ngựa phóng…
Chẳng người nào để ý đến gió mưa ồ-ạt quanh mình.
Những câu nói đứt quãng chốc-chốc lại văng-vẳng cất lên.
- Trận mưa bão tốt quá!
- Trời hình như muốn giúp ta được thành công.
- Sấm sét át hẳn tiếng ngựa phi. Bóng tối dầy có thể lấy gươm rạch được, khiến bên địch không nhìn rõ ta với, thỉnh-thoảng, một tia chớp soi đường. Chà! quí-hóa!…
Một chớp điện kéo nhằng, đoàn kỵ-binh thấp-thoáng như những hình ma trong ánh lân-tinh biêng-biếc…
- Kìm ngựa lại! Đến nơi rồi thì phải! Tối quá, anh em coi chừng…
Tiếp hiệu-lệnh ấy, trên không lòe một tia sáng nữa. Dân-quân nhận thấy đồn Bắc-mục sừng-sững trên gò.
- Xuống yên!
Toán «âm-binh» tức thời nhảy xuống đất, cột ngựa vào gốc cây. Lúc ấy là lúc họ phải leo bộ lên đồn. Nhưng, gió mưa bỗng ngớt và, xuyên kẽ mây đen, ánh sáng lạnh-lùng của vầng trăng khuyết hạ-tuần lại mơ-màng soi cảnh-vật.
- Ồ! ánh trăng bất-tiện quá!
- Bực thật! Gió mưa tạnh giữa lúc mình cần!
- Rủi!
Nghe những tiếng than phiền ấy, Trực vội nói để ai nấy yên lòng :
- Anh em chớ lo. Kìa, phía chân trời xa, mây còn đen, chớp còn nhoáng…
- Chủ-tướng chắc sẽ có cơn khác đến hay sao?…
- Tôi cam-đoan như thế ! Trận mưa vừa rồi chỉ là một trận nhỏ, so với cơn phong-ba cuồng nộ thứ hai này. Từ nhỏ, tôi kinh-nghiệm nhiều lần, quyết không sai. Này, chỉ một phần ba trống canh nữa, anh em sẽ được thấy một phen đổ đất nghiêng trời.
- Vậy xin chủ-tướng cắt đặt ngay cho để chờ khởi sự thì vừa.
- Phải, anh em hãy theo tôi, nhớ kỹ những lời dặn trước và chớ làm sai mà hỏng việc.
Đám đông tản ra bốn phía. Hết thảy đều nín hơi, khẽ rón-rén tiến lên, tay quờ-quạng, chân dò-dẫm để tránh những gốc cây, hố đất, tránh những tiếng động vô-lý có thể lọt vào tai quân canh.
Họ lần mò như thế, vượt qua hào nước, vây kín chân gò.
Cảnh-vật, dưới trăng, vẫn mơ-màng hiu-quạnh…
Cả toán « âm-binh » chờ đợi cơn phong-ba sắp tới.
Họ đợi không lâu. Một luồng bão thốc lại. Cây-cối điên-cuồng vật-vã. Lá rụng tơi-bời. Rồi, sau một tiếng sét rung chuyển, những túi đen trên không rách toạc; mưa, như cả một thác nước, đổ xuống trần-gian.
Thế là, từ đấy, sấm chớp theo liền sấm chớp, không phút nào ngừng.
- Nào, ta tiến nhanh!
Đám người bí-mật bò sát lại chân đồi. Họ dỡ rào nứa; vụt qua sân; lách qua cửa; luồn vào trong các trại.
Giặc vẫn ngủ kỹ, nằm ngổn-ngang quanh các khay đèn lụt bấc.
Những bóng đen vẫn lẳng-lặng bò lại quanh giường, nép trong bóng tối.
Thốt-nhiên, một hiệu-lệnh tung lên như sét đánh:
- Chém! Lay chúng nó dậy mà chém cả đi!
Một cơn bão hò reo át hẳn phong-vũ bên ngoài. Cờ-đen choàng dậy. Bọn dân-quân, một tay vớ lấy đuôi sam, một tay lia gươm sắc, loang-loáng ánh đèn mờ…
Chỉ trong chớp mắt, đồn Bắc-mục thành một ngôi mả lớn của lũ quỷ không đầu!
- Nổi lửa!
Dinh trại đùng-đùng bốc cháy…
Trực, xông-xáo giữa loạn quân; mặt nhuộm ánh lửa; mắt sáng long-lanh, vừa truyền hiệu-lệnh cho sĩ-tốt, vừa luôn miệng gọi to:
- Lê!… Lê đâu, em?
Một tiếng reo mừng đè lên trên muôn nghìn tiếng sát phạt:
- Đây rồi!… Cô đây rồi!…
Trực nhìn phía hữu, thấy binh-sĩ đang xúm quanh Lê. Chàng sung-sướng điên-cuồng; chạy lại, bế phắt Lê lên tay, hỏi dồn:
- Tội-nghiệp quá! Em sợ lắm, phải không?
Nàng thẹn luống-cuống:
- Không, em không sợ. Em chỉ lo anh ra hàng. À, mẹ em.
- Hãy thong-thả…
Quay lại, Trực gọi quân:
- Thôi, ta về! Hoàng-lang, lúc này, chắc đang ngủ kỹ!
Sĩ-tốt vui cười:
- Sớm mai, chủ tướng cho phép anh em chúng tôi được xem cái vẻ ngớ-ngẩn của anh Tầu ấy nhé.
Chương 16
HỌA-MI, chào-mào, vàng-anh, gõ-kiến, chính đoàn nhạc-công xinh đẹp cùng đua nhau ca ngợi Bình-minh ấy, đã khiến Hoàng-lang tỉnh giấc say-sưa. Chàng vươn vai, nhỏm dậy, mỉm cười như thẹn: ai đời một nhà quân vâng tướng-lệnh đi xa, lại mải vui quá chén, đến nỗi thâu đêm mê-mệt, chẳng rõ trời đất là gì!
Hoàng-lang, muốn dẹp sự ân-hận, phải viện tấm lòng thành thực yêu tài của mình đối với Trực. Cảm-tình ấy đã xui nên sự lơ đễnh của Hoàng-lang, chàng, một võ-tướng, xưa nay, chỉ giốc lòng thờ Bổn-phận.
Đã tìm ra sự an-ủi, Hoàng-lang vui-vẻ, yên lòng. Chàng ngạc-nhiên thấy quanh mình không một câu nói, một bóng người. Hoàng-lang gọi thử, chẳng ai thưa. Chàng mở cửa ra ngoài. Vắng ngắt. Thiên-nhiên, trái lại, rực-rỡ tưng-bừng. Trời, núi, cỏ, hoa như chiếc khung muôn sắc lồng bài thơ YÊU và SỐNG.
Hoàng-lang ngẩn ngơ nhìn cảnh đẹp. Chàng thấy một sự thảnh thơi, khoan khoái thấm thía khắp linh-hồn. Cả tuổi xuân bồng bột, cả tấm lòng tươi thắm nồng nàn của Hoàng-lang rung-động, nao-nức như con chim muốn cất cánh tung mình trước gió.
Giữa lúc ấy, một tiếng hát xa-xa cất lên giữa cuộc hòa nhạc thiên-nhiên. Tiếng hát rụt-dè, rồi mạnh-bạo, sau cùng vượt hẳn lên cao, tung lên giữa bầu trời một âm-ba êm-ái…
Hoàng-lang ngừng hơi thở, lắng tai nghe…
Bỗng, tự chân gò đi lên, Trực tươi cười, nhanh-nhảu.
Trực lúc ấy, không có mảy may gì của một vị hổ-tướng oai-nghiêm nữa, chỉ là một người tuổi trẻ hiền-lành phác-thực, trong lòng đang có sự vui mừng.
Thấy Hoàng-lang, Trực to tiếng hỏi:
- Thế nào? Tướng-quân hồi hôm ngon giấc lắm thì phải?
Hoàng-lang hơi thẹn:
- Cũng bởi túc-hạ đãi khách quá hậu nên tôi thành ra người say sưa!…
- Thế là tướng-quân thực tình quý đệ lắm ! Đêm qua, thành thử tôi bận-rộn suốt đêm. Nếu tướng-quân có điều gì bất như ý, Trực này sẽ ân-hận không biết chừng nào.
Hoàng-lang cảm động:
- Ở đây, cảnh vật đẹp như một bài thơ! Người ta không thể ngờ là một nơi dụng-võ. Nó phải là nơi di-dưỡng của mặc-khách tao-nhân.
Nối lời chàng, tiếng ai hát lại từ xa vẳng đến…
Hoàng-lang nhận:
- Ai hát ở đâu, giọng nghe hay quá! Thanh-âm kéo dài như sợi tơ mềm. Làm tướng như túc-hạ thực sung sướng đủ điều: binh-sĩ yêu kính, đồn trại lập ngay giữa nơi sơn-thủy kỳ-tú với, thỉnh-thoảng, những khi việc quân đã mỏi mệt, tiếng ai xa lại vỗ-về nựng-nịu cho hồn-mộng được du-dương…
Trực mỉm cười:
- Tướng quân thực là một võ-trang thi-sĩ!
Hoàng-lang nói tiếp, bằng một giọng thiết tha:
- Mà người nào có giọng hát quý như thế hẳn phải là một giai-nhân!-
Thì, quả nhiên rất đẹp, cô gái, lúc ấy, vừa tha-thướt ra khỏi rừng cây. Cô mềm-mại bước nhanh, mềm-mại như một rò lan trước ngọn gió xuân rung động.
Đi nhanh, thiếu-nữ tiến thẳng lên gò. Mỗi cử-động là một nét nên thơ mà toàn thân nàng thì như chung-đúc hết thảy các vẻ đẹp thuần-túy của thiên-nhiên.
Đầu ngẩng, cặp môi dày mũm mĩm; một tia sáng lòe ra trong mắt; Hoàng-lang nhìn… nhìn, say đắm. Thiếu-nữ, vẫn tiến thẳng lên gò.
Một nụ cười khó giải, trên môi Trực, có thể, nếu Hoàng-lang tinh ý, khiến chàng phải nghi ngờ. Nhưng, Hoàng-lang, trái lại, đã quên Trực tự lúc nào. Cả vũ-trụ đối với Hoàng-lang, chỉ còn duy sự xuất-hiện mỹ-miều.
Thiếu-nữ mỗi lúc một gần hai võ-tướng, cách nhau năm mươi… hai chục… bảy tám bước nữa thôi.
Hoàng-lang choáng người:
- Ô kìa!…
Trực nhanh nhẩu:
- Bẩm, đây là vị-hôn-thê của tôi.
Hoàng-lang, đẫn đờ, ấp úng:
- Nhưng… nhưng…
Trực nhắc:
- Phải, Lê, vị-hôn-thê của tôi.
Giơ tay dụi mắt, Hoàng-lang như người mơ ngủ:
- Lê?… Cô Lê đã bị bắt rồi…
- Chính thị!
Ô hay! thế thì còn ai hiểu ra làm sao? Lê, chính Hoàng-lang được thấy đã bị bắt và hiện đang giam ở đồn Bắc-mục kia mà. Chẳng lẽ trên đời lại có hai người giống nhau đến thế? Nếu không, Lê hẳn đã được ông Lưu tha bổng hay ít ra, nàng cũng phải có phép thần-tiên.
Trực, đoán rõ sự bối rối của Hoàng-lang, tươi cười đáp:
- Đêm qua, trộm phép Lưu đại-soái, trộm phép tướng-quân, tôi đã suất thủ-hạ lên Bắc-mục đón Lê-nương về. Chà! Vất-vả quá! Trời vừa mưa vừa bão, đường thì xa, tối như mực…
Lòe ra trong trí nghĩ của Hoàng-lang một mối ngờ cháy như lửa điện. Chàng toát mồ-hôi trán, giương cặp mắt vô-cùng kinh-ngạc nhìn người tuổi trẻ lạ-lùng:
- Túc-hạ đem quân đánh tháo cho cô Lê về đây?
- Bẩm vâng.
- Chính thực vậy?
- Chính thực.
Hoàng-lang tưởng chừng có thể phát điên lên được. Thì ra, trong lúc chàng tin cậy, trong lúc chàng say-mê, Trực, lợi-dụng cơn mưa bão, đã lén đem quân lên đánh Cờ-đen! Với một người gan-góc, mưu-cơ như Trực, đồng đảng chàng hẳn đã bị một trận tan-tành.
Tuy vậy, Hoàng-lang còn gặng hỏi:
- Hai quân đã có giao-phong?…
- Hay, nói cho đúng, dân-quân đã lén vào đồn rồi nhân lúc bất ngờ, đánh thức địch-quân dậy mà chém!
Một tiếng sét đánh giữa trời không khiến Hoàng-lang hoảng-hốt như câu nói ấy. Chàng đau lòng, tiếp theo ý Trực:
- Nghĩa là quân Cờ-đen đã tan nát, đồn Bắc mục đã ra tro!…
Một tiếng thở dài phồng mạnh ngực Hoàng-lang. Không thù-ghét, không khinh-bỉ Trực đã dùng mưu quỷ-quyệt, Hoàng-lang, bấy giờ, chỉ hối-hận, hối-hận có lẽ suốt đời. Sự thất-bại đau-đớn của Cờ-đen trong tối hôm qua, dù Hoàng-lang muốn chối, chẳng là do tự chàng mà ra đó ư?
Bây giờ, theo chàng nghĩ, chỉ còn một cách giết Trực để trả thù cho đồng bạn. Tình-cảm, đã đến nước này, phải dẹp xuống, nhường chỗ cho sự báo cừu, rửa hận.
Nắm lấy đốc kiếm, mắt quắc lên, Hoàng-lang như nghe thấy trăm nghìn tiếng kêu đòi mạng của oan-hồn.
Chàng tuốt phăng gươm, toan nhảy lại đâm Trực. Một tiếng pháo hiệu nổ. Bộ-hạ của Trực, dao mác sáng ngời không rõ tự đâu mọc ra như hiện.
Rồi, trống trận đổ thì-thùng… Rừng cây chuyển-động… Một đoàn dân-binh tự rừng cấm nhô ra.
Họ đi rất trật-tự, một loạt áo, khăn chàm, «hài xảo», dao thắt ngang lưng, vai vác súng kép. Ánh-nắng buổi mai nhóm lên đầu binh-khí hàng ngàn vạn tia lửa lập lòe. Tới truớc đồi, quân-sĩ đứng cả lại, sừng-sững như một mảnh thành bằng đá.
Trực, nắm tay Hoàng-lang, dịu dàng nói:
- Giờ xin phiền tướng-quân về bẩm với Lưu đại-soái cho rằng Trực tôi, đã đem thân hứa nước, chỉ biết chết mà không biết hàng.
Hoàng-lang khảng khái:
- Vâng, tôi xin vâng lời túc-hạ và xin ước với túc hạ một trận thư-hùng. Chúng ta xứng-đáng là hai kẻ thù-địch của nhau!
Trực cười:
- Nhưng, tình yêu chuộng, Trực tôi mong, sẽ không vì phận-sự mà giảm bớt đi.
Dứt lời, chàng vẫy tay ra hiệu. Trăm nghìn tiếng hô nổ tung lên một dịp: «Việt-Nam vạn tuế!»
Hồn yêu nước, dạ hy-sinh như thấu đến Trời cao, Trực nói thong thả, giọng run-run:
- Trên trường danh-dự, Trực tôi mong sớm được gặp gỡ tướng-quân.
Chương 17
HOÀNG-LANG chưa về thì tin đồn Bắc-mục vỡ, Lưu-vĩnh-Phúc, đang đợi chỉ vua nhà Thanh ở Yên-bình, đã tiếp được.
Phúc giận lắm, giận vì Trực, có lẽ rồi đây, sẽ làm ngăn trở việc đánh Tuyên-quang và Sơn-tây của mình. Muốn đương đầu với một sức mạnh ghê gớm như quân Pháp, Cờ-đen phải đem toàn lực ra mà còn chưa chắc thay!
Phúc nghiến răng, đấm xuống bàn thình-thịch. Từ khi bước chân sang đất Việt-nam, tung hoành như vào cõi không người, Phúc chưa hề thấy bóng một trở-lực nào. Thế mà Trực một anh nhà quê tầm thường, lại dám làm cái việc châu-chấu đá xe vô-lý!
Mắt nảy lửa; râu dựng lên; Phúc, mím môi; hằn học nhìn quanh, chỉ muốn vơ lấy một cái gì mà phá phách tan tành cho hả giận. Hoàng-lang thì, năm lần, bảy lượt, Phúc cho người đi nghe ngóng, vẫn chẳng thấy tăm hơi.
- Tình-thế khó chịu này không thể kéo dài mãi được.
Phúc nhắc đi nhắc lại câu nói mà vẫn chưa biết nên làm thế nào.
Sự bực-tức làm cho Phúc bỏ cả bữa cơm sáng. Mưu kế đánh nhau với quân Pháp cũng chưa giải-quyết xong bề nào!
Giữa lúc ấy, ngoài chòi canh, trống báo hiệu nổi.
Chẳng đợi quân vào báo, Phúc chạy ra cửa hỏi to:
- Có phải Hoàng-lang về đấy không?
- Bẩm phải, tiểu-tướng đã về đây.
Phúc thở dài, tưởng như cất được một gánh nặng, và, thoạt trông thấy chàng tuổi trẻ, Phúc đã hỏi ngay:
- Thế nào, đầu đuôi câu chuyện ra làm sao?
- Bẩm chủ-soái, đồn Bắc-mục đã phải dân-quân phá vỡ. Cánh quân của lão-tướng Hoàng-Nhì đã tan nát. Thị-Lê đã về Trung-môn rồi!
Một tia sáng lòe qua trong mắt, Phúc nén giận:
- Các việc ấy ta biết rồi. Chỉ hỏi riêng phần con từ khi lĩnh mệnh về tìm Trực thế nào?
- Bẩm chủ-soái, hôm ấy tự đồn Bắc-mục ra đi, tiểu-tướng về đến Trung-môn thì vừa chập tối. Đang không biết hỏi thăm ai, tiểu-tướng gặp ngay bọn quân đi tuần của Trực.
Chúng dẫn tiểu-tướng vào trại chính, đóng trên gò cao, ở đấy, chỉ có một mình Trực ngồi chờ. Thiếu-niên ấy là một người điềm-đạm, dễ-dãi, lễ-phép và đáng yêu vô cùng. Chào nhau xong, không chờ tiểu-tướng kịp nói, Trực hỏi ngay đến việc chủ-soái muốn dụ hắn ra hàng…
Lưu-vĩnh-Phúc ngạc nhiên:
- Nó hỏi làm sao?
- Hắn bảo ý-định của chủ-soái là muốn hắn về hàng và chủ-soái đã chắc thể nào cũng được như nguyện, vì chủ-soái có hai lẽ rất chắc, khiển hắn không dám ngang-ngạnh nữa : Lê bị bắt giam ở Bắc-mục và sắc-lệnh Hoàng-đế truyền cho chủ-soái đỡ vực Nam-Triều.
- Ô!…
- Tuy vậy, Trực khôn-khéo lắm, viện cớ rằng chiến, hòa chẳng phải tự mình quyết định mà xong được, cần phải hỏi ý cả ba quân. Hắn lưu tiểu-tướng lại, hẹn, sớm hôm sau sẽ trả lời. Và, muốn cho tiểu-tướng không ngờ vực gì cả, hẳn vui vẻ đặt tiệc mời…
- Thế rồi, trong khi con say rượu ngủ mê, Trực nó đem quân lên phá đồn của ta, đánh tháo cho Lê về.
Hoàng-lang đỏ mặt cúi đầu.
Phúc thương hại, bảo chàng:
- Ta nói thế, không phải là muốn đổ lỗi cho con đâu. Ai vào tình-thế ấy cũng đến mắc mưu Trực mà thôi. Huống hồ con, bản-tính hâm-mộ anh-tài, tuổi lại còn trẻ, kinh-nghiệm chưa mấy, dễ đem lòng tin là phải.
Phúc nói một cách nhỏ-nhẻ, êm-ái như mỗi lần nói với Hoàng-lang. Chàng không phải là con đẻ của Phúc, nhưng chàng được Phúc thương-yêu hơn hết thảy các hàng tướng-tá.
Lặng yên một lát, Phúc bỗng cau nét mặt, hỏi:
- À, thế lúc con về, Trực nó bảo sao?
- Hắn bảo con: Giờ xin phiền tướng-quân về bẩm với Lưu đại-soái cho rằng Trực tôi, đã đem thân hứa nước, chỉ biết chết mà không biết hàng.
Lưu-vĩnh-Phúc thở dài, đứng phắt dậy, đi đi lại lại trong phòng hồi lâu, tỏ ra vẻ nghĩ ngợi lắm. Sau cùng một nụ cười lặng-lẽ, hơi buồn, thốt chạy qua làn môi Phúc. Hắn đứng sững lại nhìn Hoàng-lang:
- Binh-sĩ của Trực ra sao? Con có nhận xét được điều gì hay chăng?
Câu hỏi ấy như có một phép lạ gì khiến vẻ mặt Hoàng-lang đổi hẳn. Chàng ngẩng đầu, hơi thở mạnh, mắt giương to, nhìn thẳng một cách ngạc-nhiên, thán thưởng, như còn cố vời theo một cảnh tượng lạ lùng.
- Con thấy thế nào?
Chàng phải đợi Phúc hỏi đến lần thứ hai mới như người sực tỉnh. Rồi, bằng một giọng náo-nức, khen-ngợi, Hoàng-lang kể lại những cảm-giác của mình trong cái đêm giữa rừng, lúc chàng theo Trực đi duyệt toán «âm-binh». Chàng nói, nói mãi, nói một cách say sưa, nói với cả tấm lòng mến-phục đối với người bạn trẻ mà chàng coi như một vị tướng thần trong cổ-tích.
Một bàn tay để dưới cằm, nhìn tỉ-mỉ những cảm-giác thay đổi nhau trên gương mặt Hoàng-lang, Phúc lắng tai nghe…
Khi chàng tuổi trẻ dứt lời, Phúc bỗng lắc đầu than:
- Hừ, đất sỏi chạch vàng! Ở nơi quê-mùa hủ-lậu, ta không ngờ lại có bậc thiếu-niên anh-hùng như Trực.
Hoàng-lang rụt-dè thưa:
- Bẩm chủ-soái, chính vì cảm-phục người trẻ tuổi phi-thường ấy mà tiểu-tướng ước-ao được cùng chàng một phen thử sức.
Phúc để tay lên vai Hoàng-lang:
- Hai cọp chọi nhau, tất một phải chết. Con hẳn biết ta, lúc này, đang cần lắm tướng tài.
Ngừng một lát, Phúc lẩm-bẩm như nói với mình:
- Có cách gì bắt sống được Trực thì hay quá!
Hoàng-lang vẩn-vơ nhìn Phúc, suy nghĩ lâu lâu, bỗng chàng vui-vẻ nói:
- Tiểu-tướng có mẹo này, may ra chủ-soái được như nguyện.
Lưu-vĩnh-Phúc, một tay xoắn-xuýt chòm râu, một tay khẽ vỗ vai Hoàng-lang, cười mà hỏi bỡn:
- Con thử cho ta nghe cái mưu thần-diệu ấy xem nào?
Lòng tự-tin hơi bị động-chạm, Hoàng-lang nghiêm sắc mặt tiếp theo:
- Chủ-soái cho phép Ả-Dúc và tiểu-tướng mỗi người cầm một đội quân đi thử. Ả-Dúc sẽ do đường tắt từ Yên-bình sang Trung-môn, trong lúc tiểu-tướng ngược giòng sông Lô. Tới ngã ba, tiểu-tướng cho quân lên bộ, kéo lộn xuống chiếm Hoàng-pháp. Như thế, Trực và bọn dân-quân sẽ bị kẹp vào giữa hai mỏ kìm. Đóng ở phía trên, tiểu-tướng sẽ chắn ngòi Là, tháo cho chảy ra sông. Bị vây, không có nước uống, bọn Trực phỏng chống cự được bao ngày. Ta cứ ung-dung chờ lúc hắn khốn quẫn hết sức, bấy giờ chỉ đánh một trận là thành công.
Hoàng-lang vừa dứt lời, mấy tên Cờ-đen bỗng tự ngoài chạy vào, có dáng cần kíp. Nhận ra là mấy tên quân mà, lúc ra khỏi địa-hạt Trung-môn, chàng đã ngầm lưu lại để do-thám bên địch, chàng mừng-rỡ hỏi:
- Thế nào, bay?
- Bẩm, sau khi công-tử về khỏi, Trực, biết đích thế nào ta cũng lại đánh, đã dời quân lên đóng cả ở trên Gò-Giang rồi.
Hoàng-lang cười:
- Nếu vậy thì phen này quả nhiên trời muốn giúp ta!
Chàng vừa nói vừa chạy lại cái bàn gỗ vuông để giữa phòng, trỏ lên mặt tấm địa-đồ và cắt nghĩa cho Lưu-vĩnh-Phúc hiểu:
- Bẩm, đây là Gò-Giang, chỗ đồn binh của Trực. Phía đông gò này, ngăn cách với đường cái, là khu ruộng thụt làng Mat, Phía tây, suốt từ Hoàng-pháp xuống tới làng Đồng, dải núi Xuân-huy chắn như bức thành, quân-sĩ, lâm thời, không tháo lui được. Bây giờ, như tiểu-tướng vừa nói, ta đem quân từ phía Nam đánh lên và từ phía Bắc đánh xuống, lại lấp ngòi tháo nước, Trực hẳn không còn thoát lối nào được nữa.
Lần này, Lưu-vĩnh-Phúc cất tiếng cười to, cười một cách thực-thà, sung-sướng:
- Hay! Hay lắm! Con nên cùng với Ả-Dúc y kế làm ngay đi! Điều cốt-yếu là không được hại đến tính-mệnh Trực.
Chương 18
ĐÃ hơn mười ngày, dân-quân bị hãm vào một thế nguy-ngập:
Phía bắc, Cờ-Đen ; phía nam, Cờ-Đen; trước mặt ruộng lầy; sau lưng, thành đá chót-vót. Hoàng-lang và Ả Dúc ngày đêm tuần-phòng khiến bọn Trực, mấy bận liều chết phá vây, không thể sao thoát được. Dân-quân ngờ đâu kế chăng lưới ấy nên, lâm nguy, chỉ còn bó tay đành chịu. Trông cậy vào khí-giới ghê-gớm nhất của thế thủ là cái dạ-dày thì dạ-dày bị trống-rỗng vì đường tải-lương bị cắt đứt từ lâu rồi.
Phải cự với giặc, phải cự với đói, dân-quân, tuy vậy, không hề nản-chí.
Họ vẫn hăng-hái vâng theo tướng lệnh. Có điều khiến họ bứt-rứt là Cờ-đen chỉ vây mà không đánh. Dân-quân đã mấy lần xuống núi, nhưng, đạn giặc bắn cản đường dữ quá, ai nấy đành trở lại.
Muốn đánh không được đánh, vòng vây mỗi ngày một co hẹp, lương ăn hết dần, với tình-thế ấy, dân-quân dù sắt đá cũng nao lòng.
Trực lo-lắng, nghĩ mãi không được kế gì hay. Nhìn đồng bạn với những bộ mặt gày-gò thiểu-não, chàng cảm-động xót-xa.
Nghĩ rằng những linh-hồn khẳng-khái, những giọt máu anh-hùng kia rồi phải tan-tác, rồi đến phí-phạm đi mà chẳng ích gì cho đất nước, Trực lấy làm ai-oán. Chàng biết, biết rằng Cờ-đen, để trả thù lại mấy trận thua đau-đớn, nhất-định bắt dân-quân phải chết, chết dần-dà, chậm-chạp, thê-thảm và gớm-ghê. Chúng không cho kẻ thù được chết vẻ-vang trên trường chiến-đấu.
Trực giận lắm, càng giận vì, biết sự hiểm-sâu của giặc, chàng không nghĩ ra được cách gì đối-phó. Xưa nay, Trực vẫn là người nhanh trí và đảm-lược biết chừng nào!
Nắm chặt hai bàn tay để xuống bàn, mắt nhìn sáng quắc, Trực mím môi yên-lặng, như cố đào trong trí-nghĩ lấy một câu giải-quyết cái tình-thế gieo-neo.
Chàng bỗng giật mình…
Ông cụ Xuân, tự ngoài đi vào, nói nhỏ:
- Nguy to rồi! Buổi trưa hôm nay, số gạo lương chỉ còn vừa chia cho binh-sĩ mỗi người lưng bát. Nếu từ giờ đến sáng mai, tình-thế không thay đổi, bọn ta sẽ chết đói cả!
Trực thở dài:
- Cụ hãy ra ngoài phát gạo cho sĩ-tốt nấu cơm ăn đã.
Rồi, buồn rầu, chàng nhìn theo bóng ông già.
Chàng nhận thấy rất rõ cái trách-nhiệm của mình đối với sự sống chết của đồng-bạn. Gặp bước khó-khăn này, điều hệ-trọng nhất chàng phải làm là giữ gìn tính-mệnh của sĩ-tốt, hay, nếu cần đem hy-sinh phải hy-sinh cho xứng-đáng.
Bảo-trì không được mà hy-sinh cũng chưa phải lúc, Trực càng nghĩ càng bồn-chồn. Mỗi thời-khắc qua, cái chết một thêm gần, không đường nào tránh khỏi.
Một tiếng kêu hốt-hoảng khiến Trực, đang nghĩ-ngợi, bỗng đứng phắt dậy ra ngoài.
Ông cụ Xuân và mấy người nữa, mặt cắt không còn giọt máu, chạy đâm bổ từ dưới chân núi lên.
Trực đoán ngay có biến, vội hỏi to:
- Cái gì đấy, cụ Xuân?
- Không biết tại sao, ngòi Là tự nhiên rút cạn, nước uống và thổi cơm không có.
Trực, nghe nói, điếng người.
Tuy vậy, chàng vẫn cố giữ vẻ điềm-tĩnh :
- Nước ngòi cạn…? Cờ-đen nó muốn cho mình chết khát cả đây mà! Anh em, hãy yên lòng chờ. Nội nhật hôm nay, tôi sẽ có quyết-định.
Trước mặt mọi người, chàng không dám hoảng-hốt, nhưng lòng chàng bối-rối vô cùng. Trực bóp đầu ngồi nghĩ. Trước mắt chàng, bày ra hai con đường rõ rệt, mà cũng chỉ hai đường ấy thôi: Cự địch cho đến chết với hàng để cứu lấy hai trăm tính mệnh con người.
Vững lòng cho đến chết, Trực, riêng mình, đã quyết-định từ lâu. Nhưng, sự hy-sinh ấy, chàng có nên ép-uổng tất cả mọi người chăng?
Nếu không nên, Trực phải hàng.
Trực biết rằng Lưu-vĩnh-Phúc trước sau vẫn muốn thâu-dụng chàng. Nhân đấy, chàng có thể tùy cơ ứng-biến, cốt sao cứu tính-mệnh của đồng bạn.
Khi từ biệt Hoàng-lang, chàng đã cả quyết đối đầu với Phúc. Nhời nói chưa quên mà nay, bó giáo vào trại giặc, chàng sẽ hổ thẹn biết bao nhiêu. Sự hổ thẹn kia, Trực tự hẹn với lòng, sau khi đồng bạn chàng đã thoát, chàng sẽ đem máu đào rửa sạch.
Trực ra lệnh tụ họp sĩ-tốt.
Giây lát, mọi người đông đủ, hoặc đứng dựa vào nhau, hoặc ngồi bệt xuống cỏ, ai nấy đều mệt nhoài. Nhìn ba quân, Trực càng thấy rõ sự cần phải dẹp lòng tự-ái, cần phải chịu nhục để cải-tử hoàn-sinh cho hai trăm mạng. Chàng quả quyết bảo mọi người:
- Anh em hăng-hái đem mình làm việc chung, sự sống chết hẳn đã coi thường. Nhưng, chấp-kinh còn có tòng-quyền. Chết, lắm khi nên coi nhẹ như lông hồng, có khi phải thấy nặng bằng non Thái.
Hiện giờ bắc nam hai phía có giặc án-ngữ ; phía đông, phía tây có núi đá, ruồng lầy, ta, trừ-phi mọc cánh, không thể sao ra thoát. Lại thêm lương hết, nước thiếu, sự sống còn của chúng ta chỉ tính từng giờ.
Anh em lại nên biết rằng giặc vây mà không đánh là có ý muốn tôi ra hàng.
Thuận theo ý muốn ấy, tôi sẽ giải-thoát được cho hết thảy anh em, những người trung-dũng có thể ích-lợi cho nước nhà về mai sau. Vậy, anh em đừng nên cố-chấp những điều nhỏ-mọn, vui lòng để tôi hàng giặc nhé!
Mọi người khẳng-khái:
- Vẫn hay tình-thế nguy-ngập, vẫn hay chủ-tướng muốn bảo-toàn tính-mệnh cho chúng tôi, nhưng danh-tiết của chủ-tướng, danh-tiếng người Việt-Nam còn trọng hơn. Nay, ví bằng ném bỏ cả đi, cầu lấy sự an-toàn cho một dúm người, việc làm ấy chẳng trái ngược lắm ru!
Trực đáp:
- Muốn đánh mà không được đánh thì làm thế nào?
- Cờ-đen không đánh, chỉ cốt hãm lương tháo nước cho ta phải khốn-quẫn mà ra hàng. Ta nhất-định ngồi đây cho đến chết để giặc biết gan ta!
- Anh em có gan làm thế, được lắm! Song, ta không ưng cho anh em làm thế, anh em nghĩ sao? Ta, lấy địa-vị một người đầu-lĩnh, truyền-lệnh cho anh em phải để dành tấm gan sắt của anh em để, sau này, đem ra làm việc nước. Sự mất còn của xã-tắc trông vào những người gan dạ như anh em cả. Anh em không có quyền uổng-phí đời mình!
- Đã đánh mà lại hàng, giặc còn coi bọn ta, còn coi người nước Nam ra gì nữa!
Trực cười:
- Anh em cứ yên tâm, tôi đã có phương pháp đối phó. Giặc chẳng dám coi thường ta đâu.
- Chủ-tướng có thể cho chúng tôi biết ý định?
- Anh em cứ tin ở tôi là đủ. Tuy vậy, anh em đã muốn biết, tôi cũng chẳng giấu làm gì. Từ giờ đến mai, giặc thể nào cũng phái người sang dụ hàng. Tôi sẽ, như Quan-Vân-Trường trên Thổ-sơn, ước ba việc: Việc thứ nhất, giặc phải để cho anh em tự do muốn đi đâu thì đi; việc thứ hai, giặc không được lột khí-giới của dân-quân ; việc thứ ba, khi nào dân-quân có đủ lương ăn, nước uống, khỏe mạnh như thường, ta sẽ thân-hành đến hàng tại cửa dinh Lưu-vĩnh-Phúc. Giặc, nhận ba điều ấy, ta hàng. Ba điều ấy thiếu một, ta đánh nhau tới khi tắt thở.
Quân-sĩ buồn-rầu.
- Lúc vinh-quang thầy trò có nhau. Khi ngộ biến, chúng tôi nỡ nào để chủ-tướng chịu sự nhục-nhã một mình!
Bằng một giọng khẳng-khái, Trực nói to:
- Anh em không được nghĩ như thế. Cho tới giây phút cuối cùng, anh em phải tỏ ra mình là những tay chiến-sĩ có lương-tâm, kỷ-luật: Vâng lời ta. Ta xin thề rằng: dù ta tạm hàng, danh-tiếng của người Việt-Nam vẫn không mất được…
Chương 19
TRƯỚC cửa đình làng Ỷ-la, trên mặt cánh đồng rộng phẳng, hơn một nghìn Cờ-đen, bên tả là đội hỏa-pháo khăn đen, áo trùng, quần hẹp ống, giầy bít gót, tay chống súng dài, lưng thắt bao đạn; bên hữu là đội thường-binh nón loe, lông chóp đỏ, áo nẹp ngắn, tay mang những mã tấu, thùng lùng, gươm trần, giáo nhọn, đứng phân hai hàng thẳng tắp, chỉnh-bị như sắp có một cuộc duyệt-binh long-trọng.Các danh-tướng như Woòng-Tsi, Bá-Thái, Ả-Dúc, Hoàng-Nhì, Hoàng-thiếu-Hoa, v.v… đều đủ mặt.
Từ khi sứ-giả trở về, đem theo ba điều ước của Trực mà nguyên-soái Lưu-vĩnh-Phúc vui lòng nhận cả, thì ai nấy đều khát-khao được thấy rõ người anh-hùng trẻ tuổi nọ.
Huống-hồ, mấy lần đắc thắng và những lời ca-tụng của Hoàng-lang đã khiến tên tuổi Trực chói-lọi hào-quang, như vừng mặt trời buổi sớm mai…
Nhưng, có lẽ chính Lưu-vĩnh-Phúc là người nóng được nhìn mặt Trực hơn hết. Ngồi cạnh chiếc án son, đầu đội mũ cài lông trĩ, mình mặc áo tía thêu rồng, ngoài phủ áo ngắn mầu lục rộng tay, ngực đeo chuỗi ngọc san-hô, chân đi ủng võ, Phúc trang-nghiêm mà nóng-nảy như một vị thần chiến-tranh. Bên cạnh Phúc, lão-tướng Hoàng-tử-Trung, mặc đại nhung-phục, cắp gươm lệnh đứng hầu.
Bên ngoài, hơn ngàn binh-sĩ vẫn cứng-nhắc, im-lặng dưới nắng mai bắt đầu rắc vàng trên nệm cỏ sương. Chim chóc tưng-bừng đua hót. Cả thiên-nhiên như náo-nức, như say-sưa chờ xem một cảnh-tượng phi-thường.
Lưu-vĩnh-Phúc, nghe chừng đã sốt ruột, hai mắt luôn luôn nhìn thẳng ra ngoài, bàn tay gân-guốc luôn luôn xoắn vuốt bộ ria đen.
Nhưng tự trong đình ra ngoài mặt ruộng, sự yên-lặng vẫn không hề nhúc-nhích. Thời-gian như đọng lại mà sự-vật vẫn xôn-xao…
Tiếng Phúc bỗng hét vang:
- Thấy gì chưa?
Như đáp lại câu hỏi ấy, tự ngoài xa, một hồi kèn trận nổi lên. Một bồi-hồi chạy qua linh-hồn binh tướng rồi đâu đấy lại yên-lặng như tờ…
Cái cảm-giác trang-nghiêm, hùng-vĩ, lúc ấy, đè nặng xuống tâm-hồn người ta và tâm-hồn sự-vật. Nó như nguyên-do tự một sức thiêng-liêng huyền-bí nào.
Trong sân đình, trống chiêng bắt đầu đổ ba hồi chín tiếng.
Cơ nào về đội ấy, các hàng danh-tướng đứng thẳng băng trước đoàn quân mình quản-đốc.
Trên cột gỗ cao, lá cờ đen vùng vẫy muốn tung mình theo ngọn gió bay qua…
Phúc không thể ngồi yên chỗ và quên hẳn sự bó-buộc của lễ-nghi, đứng phắt dậy, bước ra thềm.
Từ xa lại, vượt những đồi cao ruộng phẳng, một võ tướng cúi rạp xuống lưng ngựa, vùn-vụt như cái bóng trắng lướt trên nền cỏ xanh.
Vẻ cau-có nghiêm-khắc biến đâu hết cả, Phúc mỉm cười, thầm khen-ngợi chàng tuổi trẻ mà Phúc, từ lâu đã thương mến như con.
Ngoài xa, võ tướng phóng ngựa mỗi lúc một gần. Chàng vượt qua hai bức thành sĩ-tốt, vượt qua cổng đình rồi, gò cương chàng nhảy xuống.
Con ngựa chạy đang hăng, phất đuôi, nghển cổ nhai hàm thiếc kèn-kẹt.
Thấy Phúc đứng chờ, Trực ném dây cương lên yên ngựa, nghiêng mình thi-lễ, đoạn chàng cởi thanh gươm, hai tay nâng cao, yên-lặng…
Tuy là một tướng bại-trận, chàng vẫn đường bệ và hách-dịch.
Dưới vành khăn đen bỏ múi, gương mặt hơi xanh, nhưng tươi sáng với cặp mắt to lóng-lánh, với nụ cười mấp máy trên môi. Thân-thể chàng cao to, vạm-vỡ trong lần áo chẽn màu chàm. Chàng đứng giữa sân đình, sừng-sững như một cây gạo mọc chơ-vơ giữa cánh đồng phẳng-lặng.
Lưu-vĩnh-Phúc bước xuống thềm, đỡ lấy thanh gươm, nhìn Trực rồi tươi cười nói:
- Tướng-quân vào đây. Bản-soái đang chờ.
Vào trong đình, Phúc ngồi xuống ghế, im lặng giờ lâu, còn nghĩ câu khuyên-dụ.
Bên ngoài, các tướng thì-thầm khen ngợi, cho rằng Phúc trọng-đãi chàng tuổi trẻ nọ thực không lầm.
Phúc vuốt râu, mỉm cười:
- Bấy lâu lòng ta trọng-đãi tướng-quân thế nào, tướng-quân hẳn đã biết?
Trực khiêm-tốn:
- Tấm lòng trọng tài của đại-soái, chúng tôi cảm-động vô cùng, chỉ tiếc thay Trực tôi tầm-thường nên nghĩ lắm lúc lấy làm thẹn…
- Nhún nhường là một nết tốt, nhưng ở đời, tri-kỷ gặp nhau, tướng-quân hà tất còn phải nói những câu khách-sáo như vậy. Trong đời ta, chiến-trận từng trải đã nhiều, chưa bao giờ ai khiến ta phải yêu chuộng như tướng-quân. Bằng-chứng là hai phen tướng-quân làm cho quân-sĩ của ta phải tai-hại, oai-danh của ta phải tổn-thương, vậy mà ta không những không căm giận, lại còn muốn được cùng tướng-quân hợp sức đánh kẻ thù chung.
Trực lắc đầu:
- Bẩm đại-soái, chúng tôi tuy ngu-hèn cũng hiểu biết thế nào là trái phải. Từ-tâm đại-lượng của người, chúng tôi xin khắc cốt minh tâm, mà việc hàng-phục chúng tôi vẫn không thể tuân ý người được. Hôm nay, để cứu lấy hai trăm mạng dũng-sĩ, tôi đem mình lại nộp trước trướng hùm, chỉ xin được Đại-soái ban cho một lưỡi gươm sắc để trọn tiết với giang-sơn Việt-Nam là vinh-hạnh cho chúng tôi rồi.
Phúc cười:
- Tướng-quân muốn chết, ta không ưng để tướng-quân chết, tướng quân nghĩ sao?
Trực cũng cười:
- Chúng tôi hôm nay lại đây là để giữ trọn lời hứa. Nghĩa-vụ đã làm xong, tôi, nếu Đại-soái không giết đi, e có ngày sẽ nguy-hiểm cho quân Cờ-đen.
Đứng dậy, Phúc vỗ vai Trực:
- Chấp-kinh phải tòng-quyền. Tướng-quân biết trọng danh-tiết, ta đây há không biết danh-tiết là gì hay sao ? Ta dụ tướng quân về giúp ta, có phải muốn làm ô-danh bạn anh-hùng đâu! Tướng-quân vui lòng trợ lực ta, sự phản-đối sẽ không còn nữa. Ta sẽ yên lòng đem hết tâm-trí vào việc đánh nhau với rợ Pháp.
Kẻ thù kia đuổi ra khỏi địa-hạt nước Nam, công ta đã đành, nhưng chính tướng-quân cũng chia một phần lớn. Trung quân ái quốc như thế mới là phải đường.
Ngẩng đầu, ưỡn ngực, mắt giương to và sáng quắc. Trực nói bằng một giọng cảm-động, nhưng quả-quyết:
- Đại-soái nếu đem quân nhân-nghĩa ra dẹp loạn giúp nước tôi, đồng bào tôi khi nào còn phản-phúc. Như vậy, chết hay sống, tôi không quan-hệ gì cả. Nhược bằng quân Cờ-đen tới đâu tàn-hại dân lành đến đấy, hãm-hiếp vợ con người ta, cướp bóc tiền của người ta, chém giết hành-hạ bản-thân người ta, thì dù tôi có sẵn lòng giúp việc Đại-soái, sự phản-đối vẫn không vì vậy mà giảm được. Thiên hạ anh-hùng nghĩa-sĩ còn nhiều.
Ngừng lại một lát, Trực kết luận bằng một giọng sắc như gươm:
- Lòng tôi đã quyết rồi, xin Đại-soái lượng tình gia ơn cho. Tôi cần phải chết để cho cái tinh-thần phản-kháng kia không chết. Nó còn thì họa may dân-tình đỡ bị đè-nén, hà-hiếp, khổ-nhục, ê-chề. Giang-sơn Việt-Nam gặp phải hồi điên-đảo, nhưng tâm-hồn người Việt-Nam còn mạnh-mẽ hăng-hái, còn thiết-tha muốn sống thì không lo gì. Tinh-thần phản-kháng kia tức là biểu-thị của lòng yêu sống nọ. Tôi phải hi-sinh một đời chứ nếu phải hi-sinh trăm đời nghìn kiếp để giữ cho nó sống, tôi cũng vui lòng.
Phúc ngạc-nhiên nhìn Trực. Vẫn hay chàng là người khẳng-khái tài năng, nhưng cái tinh-thần quyết tử của chàng đến bực ấy thì thực là một điều ngoài cả sự tưởng-tượng.
Trước mặt viên tướng Tàu, Trực không những chỉ là một bậc anh-dũng phi-thường mà còn là cả một cái tinh-thần ái quốc tuyệt-đối. Chẳng trách Hoàng-lang đã gọi chàng là một vị tướng thần trong cổ-tích.
Phúc thở dài, cầm lấy tay Trực, tần ngần hỏi:
- Thế ra tướng quân nhất-định bắt ta phải suốt đời mang nặng một sự tiếc hận đau lòng?
Trực khẳng-khái:
- Xin Đại-soái nhớ cho rằng người là một bậc dũng tướng, người là tinh-thần thượng võ của ba quân.
- Nhưng bổn-soái lại cũng là người nữa!
Câu nói thốt tự đáy lòng ấy khiến Trực không cầm được nước mắt. Chàng thành-thực cảm ân-nghĩa của Phúc, chàng biết rằng Phúc thương tiếc chàng như thương tiếc một người con quí, rằng chàng chỉ gật đầu ưng thuận một cái là đủ làm cho viên hổ-tướng nọ vui sướng vô cùng, nhưng…
Trực lẩm bẩm:
- Quyết không thể như thế được! Dù sao Phúc cũng là kẻ thù của ta. Nhất định không cho hắn được sự vui lòng đó cũng là một cách trả thù hiệu-lực vậy.
Lưu-vĩnh-Phúc dò la thái-độ Trực. Hắn tưởng chàng đã xiêu lòng, khẽ hỏi :
- Thế nào? Tướng-quân đã chịu lời ta là phải chưa?
Trực, nghe hỏi, vội đứng thẳng người lên, rắn rỏi đáp:
- Đại-soái dạy rất phải mà Trực tôi nghĩ thực cũng không nhầm.
Phúc cau mày nghĩ-ngợi đoạn bước xuống thềm. Trực nhìn theo, không hiểu.
Phúc buồn rầu nói:
- Lưỡi gươm của ta được chém một người như túc-hạ là một sự vẻ-vang. Riêng ta thực không có gan đứng nhìn cái cảnh đau lòng ấy!
Dứt lời, Phúc hô một tiếng. Ả-Dúc chạy lại với hai tên võ-sĩ. Phúc ghé tai dặn nhỏ mấy câu; đoạn nhảy phắt lên yên ngựa phóng đi.
Chương 20
Ý định của Lê khiến mọi người hồi-hộp.
Mà ngay nàng, lúc ấy, cũng không còn là một cô gái thường, ta vẫn biết xưa nay. Trên gương mặt nàng, vẻ thơ-ngây êm-ái giờ biến thành một vẻ trang-nghiêm, thần bí, vẫn đẹp mà buồn. Mắt nàng đỏ ngầu, nhưng sáng quắc, môi nàng mím chặt, lông mày nàng cau-có, tỏ ra lòng hy-sinh tựu-nghĩa đã thắng nổi những sự đau-đớn tầm-thường.
Chống tay lên má, Lê ngồi im vì sự xúc-cảm đã lên tới cực-điểm. Thêm một lời nói, thêm một cử-động, nàng, có lẽ, không giữ nổi vẻ bình-tĩnh nữa.
Quanh nàng, cử-tọa cũng im-lặng. Họ im lặng vì họ thấy sự ngạc-nhiên kính-cẩn, hai cảm-giác ấy đè nặng xuống tâm-hồn. Ở Trực, một người đàn ông, những cử-chỉ dù khác thường đến đâu cũng còn có thể được. Ở Lê, nó thành ra những cái ngoài sức ý-niệm của những tâm-hồn đơn sơ nọ. Bởi thế, họ nhìn Lê bằng những cặp mắt kính-sợ, như nhìn một vừng thái-dương sáng quá hay một pho thần tượng anh-linh.
Sau một cái dặng hắng, ông-cụ Xuân rụt-dè hỏi Lê:
- Cô hãy nghĩ lại cho kỹ đã chứ?
Nàng quả-quyết:
- Thưa cụ, tôi nghĩ đã kỹ lắm. Mẹ tôi qua rồi, chồng tôi thế nào cũng chết, tôi không còn dính-dáng chi với đời nữa…
Rồi, cố nén tiếng thổn-thức, Lê ngậm-ngùi :
- Miễn sau này, các ông đừng quên người chủ-tướng thân-yêu đã bỏ mình vì nghĩa-lớn là đủ!
Câu Lê nói làm cho mọi người ứa nước mắt. Ông cụ Xuân, vuốt mạnh chòm râu bạc, nói bằng một giọng nhỏ run-run :
- Xin cô nhớ cho rằng tính-mệnh chúng tôi sẽ dùng vào việc xứng-đáng với những giọt máu trung-liệt của chủ-tướng, những giọt máu đổ ra để giữ-gìn cho nó an-toàn đến ngày nay. Chúng tôi chỉ xin cô một điều là chớ vội-vàng mà lỡ việc. Ta hãy cùng tìm xem có phương-kế gì giải cứu cho chủ-tướng chăng. Lưu-vĩnh-Phúc mới truyền giam chủ-tướng lại, chắc ý hắn còn muốn thu dùng chưa nỡ hại. Sự chậm-chạp đó may cho ta đủ thời-giờ mưu sự cũng nên.
Lê thở-dài, lắc đầu:
- Khó lòng lắm! Vẫn biết Lưu-vĩnh-Phúc không có lòng nào hại chồng tôi, nhưng tính-mệnh chàng hiện nay, ở trong tay Ả-Dúc, một kẻ tử-thù.
Đã rắp tâm sâu độc, Ả-Dúc thiếu gì cách hãm chàng vào tử-tội. Khi sự lợi-hại của ba quân bị động-chạm, Phúc hẳn phải coi nhẹ tình riêng. Thế thì cái chết của chồng tôi chỉ còn ở sớm tối. Còn như bảo đem quân đánh tháo lấy chàng về, việc ấy tôi cho phí công vô-ích, lại thêm tai-hại cho anh em nhiều lắm. Giặc đã hai lần bị đánh úp, giờ hẳn nó phòng-bị cẩn-mật khác xưa nhiều.
Mọi người hăng-hái:
- Dù chết cũng còn hơn ngồi khoanh tay nhìn chủ-tướng bị thảm-hình. Cô cứ mặc anh em chúng tôi bàn nhau xem. Tình thế cấp lắm rồi!
- Các ông không bỏ chủ-tướng, lòng trung-nghĩa ấy đáng quý lắm. Nhưng, cứ theo ý tôi, mọi sự hành-động của anh em sẽ chỉ là mua chuộc lấy sự không hay. Chi bằng cứ để tôi vào hẳn trại giặc, rồi sẽ tùy-cơ ứng-biến lại hơn.
- Đã đành cô liều mình vào chốn chông-gai, nhưng trước hết cô hãy thử cho anh em chúng tôi biết rõ mưu sâu thế nào đã.
Im-lặng hồi lâu, Lê bỗng ngửng đầu nhìn kỹ mọi người và thong-thả đáp:
- Rắp tâm của tôi đáng lẽ không nói cho ai biết. Nay anh em đã ngỏ ý muốn tôi bày tỏ trước khi để tôi giấn thân vào nơi miệng hùm nọc rắn, vâng, tôi xin vui lòng giao-phó mật-kế của tôi cho anh em cùng hay.
Ả-Dúc, đối với tôi, vẫn thù oán vì sự từ-hôn. Nó lại căm Trực vì nó thấy tôi yêu mến chàng. Bây giờ nó được Cờ-đen tin-cẩn, ý nó muốn nhờ gió bẻ măng, báo thù xưa cho hắn. Ả-Dúc là một kẻ ngu-si nông nổi dễ giận mà cũng dễ quên. Tôi trước hết vào ra-mắt nó, lấy nữ-sắc làm cho nó say-mê rồi chờ nếu tiện dịp sẽ đánh tháo cho Trực về.
Không được thế, tôi cũng lừa đâm cho nó một mũi dao rồi có phải chết với chồng tôi cũng hả dạ.
Thở dài, ông cụ Xuân lắc đầu lẩm-bẩm:
- Kế ấy khó thành lắm! Ả-Dúc chỉ hơi ngờ một tí là tính-mệnh cô nguy ngay.
Lê buồn-rầu:
- Thì tôi cũng cứ thử liều xem. Còn như sống chết, yên nguy, tôi có quản gì!
Lê nói dứt lời, sự yên-lặng vừa bị đứt-quãng lại dần bao-phủ lấy đám người bí mật.
Bỗng đứng phắt đậy, Lê nắm tay đặt xuống bàn, giọng hơi run nhưng rắn rỏi:
- Chiều nay tôi đi, vậy xin có lời vĩnh-biệt với anh em. Nếu chúng tôi về được thì càng hay, bằng có bị giết cả, xin anh em cũng đừng nên bận lòng, anh em hãy lấy việc non sông làm trọng. Như thế, dù phải chết, tính mệnh chúng tôi cũng không đến nỗi uổng.
Nàng chào mọi người rồi bước ra…
Nhìn theo hút bóng Lê mỗi lúc một bé, ai nấy bùi-ngùi, cảm thương man-mác. Họ nhìn nhau, hoặc lắc đầu, hoặc thở dài, chép miệng nhưng không ai nói một câu gì.
Chương 21
TRONG quân-doanh, Ả-Dúc, ngồi cạnh khay đèn, xoa tay ra chiều đắc-ý:
- Ừ, Lưu-vĩnh-Phúc truyền ta phải tha Trực, làm như kiểu Khổng-Minh thất cầm thất túng Mãnh-Hoạch khi xưa. Ta ức tình quá, đã tưởng thù sâu chẳng bao giờ trả được. Ai ngờ, một trận thua ở Sơn-tây, một trận thua ở Tuyên-quang vừa rồi làm cho Phúc chạy thất tán, không biết sống chết ra sao. Ta, nhân cơ-hội này, đem băm vằm ngay kẻ thù cho hả giận. Phúc nếu còn trở về đây, ta sẽ nói rằng ta đã giết thằng Trực vì đồng đảng nó toan đánh tháo cho nó. Phúc không về nữa, ta sẽ hàng với Phá-lan-quẩy, cũng được chứ sao!
Thầm tính như thế xong. Ả-Dúc càng khoan-khoái. Nét mặt dữ tợn nhăn nhở một nụ cười.
Nhưng, hắn vội lập nghiêm. Một tên Cờ-đen bước vào, vẻ bí-mật, khẽ thưa:
- Bẩm chủ-tướng, bên ngoài có một con mẹ đàn-bà xin vào yết-kiến chủ-tướng. Tôi còn bắt nó chờ.
Ngạc nhiên, Ả-Dúc hỏi:
- Một con đàn-bà?
- Dạ. Nó hãy còn trẻ và đẹp lắm!
Ả-Dúc biến sắc mặt:
- Còn trẻ và đẹp?
Không để ý đến câu đáp của tên quân, Ả-Dúc lẩm bẩm:
- Quái! Không nhẽ con Lê? Nó lại đây làm gì? Chẳng lẽ cầu lấy cái chết?… À, thôi, đích rồi!
Ả-Dúc vãy tên giặc lại gần, dặn nhỏ mấy câu. Tên này lui ra, một lát cửa phòng khẽ mở, Lê tha-thướt bước vào.
Ả-Dúc choáng người, dưới ánh lửa nến lung lay, Lê phảng-phất một nàng tiên trong cổ-tích. Khuôn mặt nàng trái xoan, da má như vỏ đào chín, mũi trái mật, miệng thắm như một nụ hồng với cặp mắt long lanh, có một sức quyến rũ phi thường.
Lê đã đẹp, lại trang điểm lộng lẫy: Quanh đầu, nàng vấn một vành khăn tam-giang hoa gấm. Mình nàng lẳn trong chiếc áo lụa màu chàm đính khuy hổ-phách. Trên tấm ngực rung động, một chiếc vòng bạc như cố đè nặng xuống đôi tuyết lê giấu kỹ trong xiêm.
Ả-Dúc choáng váng, cảm thấy như người đang ngủ chợt mở bừng mắt dưới vầng hồng…
Nhưng, qua một phút tê-mê, cái thiên-tính gian-hiểm của hắn-ta lại tỉnh thức ngay. Hắn nhếch mép cười, hỏi Lê:
- Cô đến đây làm gì?
Hai bàn tay nắm chặt, Lê cố gượng điềm-nhiên:
- Tôi đến đây cầu chú tha cho Trực.
A-Dúc cười to:
- Cô nói dễ nghe nhỉ! Thằng Trực là kẻ thù của Cờ-đen, nay bắt được nó, không chém ngay còn là tốt phúc cho nó đấy. Cô muốn ta tha cho nó à?
- Ông Lưu muốn tha Trực để dùng. Chú, nghe lời tôi, tha chàng tức là làm theo ý của ông Lưu. Ngoài ra chú sẽ…
Nàng ngừng lại, mím môi…
Ả-Dúc cười ranh mãnh:
- Ngoài ra, ta sẽ…?
- Chú sẽ được như lòng sở-ước bấy lâu.
Ả-Dúc ỡm-ờ:
- Nghĩa là?
Nàng, mở to hai mắt, nói như trong cơn mê sảng:
- Nghĩa là thân-thể tôi sẽ hoàn toàn phó mặc chú, muốn làm gì thì làm.
Cười hà-hà, tướng giặc lên giọng mỉa:
- Cô xưa nay kiêu điệu lắm, sao bây giờ lại dễ-dàng quá thế?
Một tia lửa thù oán chạy qua trong mắt Lê:
- Tại sao là một điều chú không cần biết rõ. Tôi chỉ hỏi chú có ưng như thế không?
Ả-Dúc cau mày, yên lặng nhìn Lê. Trông vẻ mặt hắn, lúc đó, thấy hiện ra một ý-định tàn-khốc. Hắn thong thả nói, dằn từng tiếng một:
- Cô đã bắc bực làm cao với ta, giờ đến lượt ta dìm cô xuống đất đen cho bõ ghét. Nếu cô kiên tâm theo đúng những lời ta truyền, ta lập tức tha cho Trực.
Lê quả-quyết:
- Tôi sẽ vâng theo cả, miễn chú tha cho Trực đi.
- Cô phải đứng trước mặt ta, lột hết quần áo để ta xem cái mình cô nó ngọc ngà cao quý như thế nào?
Sắc mặt nhợt như sáp ong, Lê cảm thấy mình toan ngất đi nhưng, nghiến răng, nàng cố thu hết nghị-lực cuối cùng, nói được một tiếng: «Được».
- Cô thuận chứ?
- Thuận.
Ả-Dúc, mắt long-lanh, mỉm cười. Hắn quay ra ngoài, gọi: «Quân bay!»
Một tên Cờ-đen chạy vào.
Ả Dúc truyền:
- Bay lập tức xuống nhà giam mở cửa tha cho tên tù-phạm.
- Bẩm, không phải dẫn hắn lên đây?
- Không.
Tên giặc cúi đầu lui ra ngoài.
Quay lại, A-Dúc bảo Lê:
- Giờ cô cởi áo đi. Nếu chậm, ta sai bắn Trực ngay.
Lê cúi đầu run rẩy, thong thả cởi khuy áo…
Ả-Dúc quát: «Mau!»
Mảnh áo ngập-ngừng rời khỏi mình nàng…
- Yếm nữa!
Rồi đến chiếc xống chàm trụt xuống đất, Lê trơ-trơ giữa phòng như một pho tượng bằng cẩm-thạch. Nàng đau đớn, hổ thẹn, tê-mê như người bị lột từng mảnh da non.
Ả-Dúc, cầm lòng không đậu, nhảy vọt xuống đất, lả-lơi.
Lê, run như phát sốt, hai mắt sáng quắc, tay vịn lại sau vách, nghiêng mình ra phía Ả-Dúc, cả tấm lòng trinh-bạch của nàng muốn kêu gào lên hay phỉ nhổ vào mặt kẻ dâm tàn. Thốt nhiên, Lê rùng mình; nàng vừa trông thấy con dao lưng của Ả-Dúc.
- Thằng giặc kia! Mày định làm nhơ lòng trinh-bạch của tao thì mày phải chết!
Rồi, thoắt cái, Lê với tay, năm ngón quắp chặt lấy cái chuôi sừng, lưỡi dao như làn chớp lòe ra trên ngực Ả-Dúc. Một tiếng rên. Lê bị Ả-Dúc, nhanh hơn, đá ngã. Hắn nhảy xổ lại, nắm lấy hai cổ tay nàng lôi dậy, rít lên:
- Mày cả gan đến đây, tưởng lừa được tao ư? Mày hãy dỏng tai mà nghe!
Quay ra cửa, Ả-Dúc hô to một câu bằng tiếng khách.
Ngoài đêm tối, một dịp súng nổ vang.
Lê, như bị điện giật, kêu rú lên một tiếng, và gục đầu xuống vai tên giặc trong lúc tên này cất tiếng cười ghê giợn…
Hà Nội, le 23 Septembre 1935.
Lan Khai 
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...