Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Duyên nợ Đà Lạt của Trần Ngọc Trác

Duyên nợ Đà Lạt của Trần Ngọc Trác

Tháng 2 năm 1979, trong những ngày trên biên giới phía Bắc, 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc tràn qua biên giới, chàng trai xứ Huế vừa tốt nghiệp khoa Trồng trọt trường Nông nghiệp được phân công về một Nông trường heo hút khí hậu khắc nghiệt tận cuối đất Lâm Đồng. Vốn có chút năng khiếu văn chương, tưởng được về Đà Lạt, nhưng phải hai năm sau, anh mới được báo Lâm Đồng mời về làm phóng viên, rồi lần lượt đến vùng kinh tế mới của người Hà Nội tại Lâm Đồng đảm đương công tác biên tập, phụ trách Đài truyền thanh của vùng; rồi theo học khoa Ngữ văn Đại học Đà Lạt, được lãnh đạo Tỉnh đoàn mời về giúp làm một số báo xuân, sau đó chuyển về công tác trong ban biên tập báo Tuổi trẻ Lâm Đồng – được 2 năm khi hết kinh phí thì chuyển về làm phóng viên, biên tập viên chính; phụ trách chương trình văn học của Đài phát thanh truyền hình tỉnh (1988 – 2007), Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng khóa IV (2007-2012); chủ biên tập san văn nghệ Khát vọng Đà Lạt.
Bìa một và bìa bốn tác phẩm “Duyên nợ Đà Lạt” của tác giả Trần Ngọc Trác
Trước năm 1975, anh đã có thơ đăng báo và thành lập Bút nhóm “Hương tình”. Sau 1975, lần đầu tiên, anh có bài thơ “Mảnh đất này ngời giọt máu tinh khôi” được phát trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ đó anh có thêm nhiều bài thơ, bài báo, truyện ký, ghi chép in trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Năm 1990, với sự giúp đỡ của nhà thơ Tú Sót và nhà thơ Ngô Viết Dinh, anh đã cho xuất bản Hoa trinh nữ là tập thơ đầu tay. Tác giả đã có gần chục tập thơ, hơn chục tập truyện và ký. Sau hơn 45 năm gắn bó với nơi này, trước tập Duyên nợ Đà Lạt, tác giả viết: “Tôi muốn dành thời gian còn lại của cuộc đời mình đi tìm những con người cụ thể đã từng được sinh ra và lớn lên ở chốn này, những con người tứ xứ đến đây định cư, lập nghiệp, những con người đã một lần thoáng qua đây nhưng để lại biết bao dư âm hoài niệm.” Người viết mấy dòng tâm sự đó là Trần Ngọc Trác. Anh vừa được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
Duyên nợ Đà Lạt gồm 2 tập. Tập 1 in 2013, tái bản 2015 gồm 21 nhân vật, từ A. Yersin, người có công phát hiện ra những đặc sắc địa lý của Đà Lạt, đến một số tên tuổi quen thuộc: Bùi Giáng, Đặng Văn Thông, Đinh Cường, Hàn Mạc Tử, Hoàng Nguyên, Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Lê Uyên Phương, Nguyễn Bá Mậu, Nam Phương hoàng hậu, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Khánh, Từ Công Phụng, Ngô Viết Thụ, Trần Văn Châu, Nữ sĩ Tương Phố, đại tướng Võ Nguyên Giáp… với nhiều tư liệu lần đầu mới công bố.
Tập 2 in 2015, chỉ có 10 nhân vật, nhưng tư liệu xem ra cũng đầy đặn hơn: Bảo Đại, vị Vua cuối cùng của triều Nguyễn và những dấu ấn ở Đà Lạt, từ những biệt điện, đến Hoàng triều cương thổ, nhân đó mà điểm danh những người phụ nữ đã gắn bó với ông vua đào hoa. Hoàng Trọng Phu, người di dân lập ấp Hà Đông, Phạm Khắc Hòe, nhưng năm làm Quản đạo (1940-1944) đã kế tục các bậc tiền nhiệm Nguyễn Thái Hiến (Nghệ An) và Nghiêm Trang (Hà Tĩnh), đưa những người nghèo ở Nghệ Tĩnh lên Đà Lạt và lập ấp Nghệ – Tĩnh. Đoàn Đình Duyệt là người Việt đầu tiên đã viết về Đà Lạt. Nhà văn Nhất Linh, chủ soái của Tự lực văn đoàn, sau nhiều năm bôn ba, năm 1955, đã về sống ở Đà Lạt, có trang trại trồng hoa phong lan, từng tạo nhiều giống phong lan mới mà tên gọi còn đến ngày nay. Nhưng hoa không níu giữ được chân nhà chính khách. Năm 1958, ông về lại Sài Gòn tiếp tục nghiệp chiến đấu bằng ngòi bút, để sau nhiều biến động, cuộc chính biến lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thất bại, có nguy cơ bị xét xử tội phản quốc, đêm 7.7.1963, ông đã hòa thuốc độc vào rượu tự tử. Năm đó, nhà văn mới 58 tuổi, với lời di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử… Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng”…
Nguyễn Vỹ, một nhà thơ tiền chiến độc đáo, nhiều lần bị các chế độ độc tài xử tù vì yêu nước. Năm 1948, lên Đà Lạt làm báo: “Cả một đời đam mê làm báo, chủ trương ra báo, hăng hái làm xuất bản, luôn bị đóng cửa, thậm chí cầm tù, nhưng Nguyễn Vỹ không bao giờ nhụt chí. Ông được người đời tôn vinh là nhà báo dám nói lên sự thật” (tr 122). Năm 1953, Nguyễn Vỹ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt (Hội đồng thị xã gồm 22 người, với 14 người Việt, 6 người Pháp, 2 dân tộc thiểu số), ông chủ trương thay tên một số địa danh Đà Lạt từ tên Pháp sang tên Việt, như đề xuất đổi tên hồ Grand Lac (Hồ Lớn) thành Hồ Xuân Hương – tên Bà Chúa thơ Nôm. Ông được ghi danh là nhờ thế. Tập 2 còn viết về nhạc sĩ Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ, nhà thơ viết địa phương chí Việt Trang; Hoàng Trọng Phu lập ấp Hà Đông… và qua cuộc đời của Trần Lệ Xuân mất ở tuổi 87 (2011) mà bạn đọc biết kỹ hơn về những nhân vật mà bà từng gắn bó trong dòng họ Ngô Đình…
Viết về những người nổi tiếng, đã nhiều người viết, là một thử thách, thì viết về những con người còn ít người biết cũng là một thử thách khác. Có người có những đóng góp lớn để phát triển một vùng rừng núi xa khuất thành một trung tâm nghỉ dưỡng có nét đẹp độc lạ. Nhiều người tìm thấy ở nơi đây nguồn cảm hứng để có những sáng tạo nhiều loại hình. Đến lượt tác phẩm của họ làm nên hồn cốt của Đà Lạt. Nhiều người có danh trước khi tới với nơi này. Nhưng cũng nhiều người nhờ sống và sáng tác về Đà Lạt mà nổi tiếng. Đà Lạt, hẳn nhiên là một miền sinh thái lý tưởng, xứ sở ngàn hoa. Nhưng làm nên hình hài, vóc dáng, cả phần xác và phần hồn của nó lại do những con người cụ thể, mà hầu hết không sinh ra ở đây. Trong muôn vàn người thầm lặng góp công sức, mồ hôi và xương máu làm nên mảnh đất này, vì những lý do nào đó mà chỉ một số người đươc lưu danh. Tiếp tục mạch ghi chép về những nhân vật đó, năm 2023, tập ký Tình yêu gửi lại viết về 38 người thân quen mà tác giả trân quý: “Có những cuộc đời thật êm đềm, nhưng cũng có nhiều cuộc đời đầy sónggió. Và dẫu biết trong cuộc sống thường ngày có biết bao đua chen, ganh ghét, thù hiềm…nhưng họ vẫn đi tới. Có người phải chịu cảnh tù đày oan uổng; có người phải chịu “lời ong tiếng ve” của một nhóm người “ghen ăn, tức ở”; của kẻ thấp hèn, gây sự, vu oan, giá họa. Nhưng tất cả không làm cho họ chùn bước. Họ vẫn lừng lững đi tới, cống hiến hết mình cho con đường mà họ lựa chọn” (tr 3).
Như đã nói, 38 con người này tới từ nhiều vùng quê, ở những thời điểm khác nhau, trước và sau 1975, nhưng nhiều hơn là Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngải, Quảng Trị. Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, một số ít từ Hà Nội hay Sài Gòn. Viết văn, viết báo, làm thơ như Phạm Kim Anh, Lâm Anh, Phạm Quốc Ca, Hoàng Ngọc Châu, Hà Linh Chi, Huỳnh Chính, Quang Dũng, Gia Dũng, Nguyễn Thanh Đạm, Trinh Đường, Chu Bá Nam, Lâm Tuyền Tĩnh, Dương Trần, Việt Trang, Đỗ Tư Nghĩa, Lê Kỳ Nam…; các họa sĩ, nhiếp ảnh gia Bùi Á, Phạm Văn Em, Nguyễn Lai, Nguyễn Bá Mậu, Lưu Công Nhân, Đặng Văn Thông, Nguyễn Thái Tuấn; các nhạc sĩ Trần Hoàn, Trần Kiết Tường, Từ Huy, Mạnh Đạt, Võ Khắc Dũng; đạo diễn Lê Cung Bắc, NSND La Cẩm Vân, cây bút lửa Nguyễn Phi Anh…
Có người sống và làm việc nhiều năm, nhưng cũng nhiều người chỉ một đôi lần ghé qua, nhưng tác phẩm họ để lại, làm nên một phần hồn Đà Lạt. Chắc chắn là còn nhiều những văn nghệ sĩ đã tới và viết về Đà Lạt mà tác giả chưa có dịp tiếp xúc, nên không thể coi đây là một thống kê đầy dủ. Nhưng trong phạm vi thân quen và tiếp xúc, lại công phu tìm hiểu tư liệu về cuộc đời và tác phẩm của những tác giả đã qua đời, hiển hiện tấm chân tình của người viết. Mỗi con người làm nên một mảnh ghép hoạt động văn hóa – văn nghệ của một thành phố luôn sôi động, đầy sức hấp dẫn, luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo. Nhiều người là tác giả ở địa phương, nhưng không vì thế mà có mặc cảm tỉnh lẻ. Chỉ tư liệu cũng có thể làm nên một bài viết. Nhưng những trải nghiệm thực tế, những kỷ niệm cụ thể làm nên sự sinh động của hình tượng nhân vật.
Trong không khí văn nghệ địa phương, không phải nơi nào, thời kỳ nào cũng thông thoáng, đã từng có nhiều chuyện không đáng có xẩy ra. Sự hẹp hòi, đố kỵ không dấu diếm cũng tạo nên nhiều chuyện buồn, in dấu lên những cuộc đời người làm văn, làm báo, được tác giả ghi lại, có giá trị như những bài học về đối nhân xử thế. Bản thân người làm văn nghệ, không phải ai cũng hoàn hảo, có người tự làm khó cho mình, cho những người mình yêu mến. Rồi tài năng là một ý niệm không có thước đo, nên cũng dễ gây ngộ nhận. Nên viết về câu chuyện của những cuộc đời cụ thể, nhưng ghép lại, người đọc sẽ có bức tranh tổng thể về một thời, về cuộc sống của cả một lớp người, ít nhiều cũng thuộc lớp có tài, và nhất là giàu tình yêu với quê hương, đất nước, bạn hữu, gia đình. Không lý luận nhiều, nhưng sự trân quý của người viết đối với từng cuộc đời, không ít người gặp tai nạn vì sự chân thật trong tác phẩm, mà không phải ai cũng được minh oan, không làm cho họ buông bỏ.
Tình yêu gửi lại bắt đầu bằng bài Phạm Kim Anh – Trải lòng qua từng trang viết, kể về một nhân vật khá đặc biệt. Anh là Thiếu tá Công An, nhiều năm lăn lộn ở Tây Nguyên, am hiểu đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Từng phụ trách tờ An ninh Lâm Đồng. Là một nhà báo, nhà văn, anh còn là nhà viết kịch. Vở kịch Mối tình qua tết Li Boong của anh được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng. Đoàn nghệ thuật Phú Khánh mang đi Hội diễn từng được Huy chương Vàng cho tiết mục và mấy nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng sau khi hai tập tiểu thuyết khá dày Đêm mờ sương – Ân oán giang hồ và Lãng đãng mây ngàn được xuất bản, rộ lên dư luận, đó là những tác phẩm đồi trụy, chống đối nhà nước. Tác giả bị bắt và nhốt vào phòng tối đến nửa năm.
Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng A 25 cùng Bộ Văn hóa tổ chức một buổi họp trưng cầu ý kiến chuyên môn. Buổi họp, ở Bộ Văn hóa có Bộ trưởng Trần Hoàn, Thứ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Bộ Công an có Tướng Quang Phòng và Dương Thông. Khách mời có Nhà văn Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Phạm Kim Anh còn là Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam. Đang là Thường trực Ban Thư ký, tôi được Tổng Thư ký Dương Ngọc Đức cử đi tham gia. Buổi họp đã trao đổi đánh giá một cách khách quan về nội dung hai tác phẩm. Kết luận chung là mặc dầu còn những hạn chế về nghệ thuật, nhưng hai tác phẩm đó không phạm tội khiêu dâm hay phản động như một số dư luận.
Có thể, nhờ thế, sau đó tác giả được trả tự do, được khôi phục các quyền lợi kinh tế và chính trị. Nhưng những năm còn lại, anh chỉ hành nghề Luật sư, giúp tìm lại công bằng cho các thân chủ, mà không còn tiếp tục cầm bút. Đáng tiếc, là những nhà văn am hiểu về đồng bào các dân tộc ít người Tây Nguyên, cho đến nay vẫn là số ít. Ngạc nhiên, là lời phát biểu của tôi, thay mặt Hội Nghệ sĩ Sân Khấu để bảo vệ tác giả, Trần Ngọc Trác sưu tầm được để đưa vào bài viết, như một cứ liệu. Nhắc một chi tiết như thế để thấy, tác giả sử dụng tư liệu, trích dẫn bạn bè rất công phu, “Nói có sách, mách có chứng”. Khi viết về những số phận cay đắng của những văn nghệ sĩ gặp tai nạn trong nghề nghiệp, kiểu như “Đời thường đã đánh tơi tả cốt cách nghệ sĩ trong anh” khi nhắc về nhà thơ Lâm Tuyến Tĩnh là dẫn của Nguyễn Khương Trung. Khiêm cung và trung thực là âm hưởng chung của từng bài viết về các bạn nghề nhiều lớp tuổi đã qua đờì. Tài hoa lỗi lạc, mà suốt cuộc đời lận đận như Quang Dũng, còn được Trần Ngọc Trác trở lại trong tập Nhà thơ Quang Dũng từ Tây tiến đến Tây Nguyên (2017), viết chung với Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ…
Trần Ngọc Trác vẫn tiếp tục viết nhiều nhân vật khác gắn bó với Đà Lạt, cống hiến cho Đà Lạt mà tác giả đã có dịp gặp gỡ, trao đổi, thu thập tư liệu để khắc họa nên chân dung của họ. Những nhân vật ấy sẽ cùng tác giả có mặt trong những tập tiếp theo của “Duyên nợ Đà Lạt” sẽ được xuất bản trong thời gian tới.
Đọng lại sau khi đọc qua mấy tập sách viết về gần trăm nhân vật đã đi trọn kiếp người, từ vua chúa, công thần, nhân vật lịch sử, văn nghệ sĩ qua các thế hệ, tài năng, đóng góp, vinh nhục có khác nhau, là dư âm mà người xưa đã cảm nhận: Cùng một lứa bên trời lận đận (Tỳ bà hành) để thấy yêu hơn những gì mà cuộc sống hửu hạn đang ban cho mỗi chúng ta. Để thấy quý công sức, tâm huyết mà nhà văn đã dành cho những con người đã gửi lại Tình yêu cho một địa chỉ có tên: Đà Lạt.
14/7/2024
Ngô Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...