Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Huỳnh Trọng Khang: Vấn nạn thanh xuân đô thị

Huỳnh Trọng Khang:
Vấn nạn thanh xuân đô thị

Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, quê ở Châu Đốc (An Giang); là cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Tròn 30 tuổi, Khang đã có những tác phẩm rất đáng kể, chẳng hạn: Mộ phần tuổi trẻ (tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2016); Những vọng âm nằm ngủ (tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 2018); Phật trong hẻm nhỏ (tập truyện ngắn, 2021); Bể trăng côi (truyện dài, Nxb. Trẻ, 2023); Nơi không có tuyết (truyện dài, Nxb. Trẻ, 2023);… Đường văn Huỳnh Trọng Khang còn tiếp bước; nhưng có thể nói trang văn của Khang đã cho thấy diễn ngôn Nam Bộ mới/khác.
Người trẻ và thời đại bê tông hóa
Trong Mộ phần tuổi trẻ, có những đoạn khiến ta nhớ đến một tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu và nhận ra diễn ngôn phê phán chủ nghĩa bá quyền, đề cao tinh thần dân tộc và thống nhất. Cũng ở tác phẩm này, liệu bạn có nhận ra Khang đặt người trẻ phải đối diện với lịch sử. Phải chăng, thế hệ Khang là thế hệ đóng vai trò tái kết nối vết hằn lịch sử. Nên hiểu lịch sử ở đây không phải sự kiện, nhân vật. Lịch sử, đúng hơn là triết lý về phía lịch sử, để trưng ra một nhãn quan sử tính. Kỳ thực không riêng thế hệ Khang mà những thế hệ sau nữa sẽ lần lượt tái kết nối, tái luận giải và liên tục trưng ra nhãn quan sử tính của riêng thế hệ họ. Dù thế nào đi nữa, nhãn quan sử tính cũng sẽ tiếp tục lăn trải cùng với thời đại. Như cách ta hôm nay nhìn lại Lý-Trần-Lê-Nguyễn, thế hệ sau rồi sẽ phóng tầm mắt nhìn lại chúng ta bây giờ. Nhờ đó, lịch sử lăn trải về phía trước. Người cầm bút trẻ không lý nào không đặt thanh xuân của mình trong liên hệ với ngàn xưa.
Nhìn xưa thấy nay, trang văn của Khang còn bắt mạch sự đương là, đặt mình trong trường cộng hưởng thời đại. Khang từng chia sẻ: “Mỗi tác phẩm từng đọc đều để lại ảnh hưởng nhất định, tôi thấy mình mang nợ mọi nhà văn”1. Lời này khiến ta nhìn lại và nhìn thấy một thế hệ người cầm bút đang sống trong môi trường đa/liên/xuyên văn hóa. Điều này rõ ràng ảnh hưởng không ít đến người viết trẻ nói chung. Hẳn cần khảo cứu thêm nhưng có thể thấy phần nào, trang viết trẻ chịu tác động từ ảnh hưởng toàn cầu hóa, xuyên vượt văn hóa. Nữa là, không gian sống và không gian sáng tạo của người viết trẻ phần nhiều gắn với không gian đô thị.
Tốc độ đô thị hóa không chỉ biểu thị trên thực tiễn mà còn diễn ra kinh khiếp hơn trên trang văn. Với Khang, hình ảnh đô thị có phần kỳ dị. “Như một thị dân yêu chuộng độ cao, tôi hứng thú nhìn xuống những mái nhà lởm chởm như đinh chĩa thẳng vào mặt. Cả thành phố như bãi san hô, hay những đồng cỏ lau bị vôi hóa khô cứng, lạnh lẽo. Xe cộ là con kiến cánh muốn bay không được, ôtô là bọ, con người thì khỏi nói, như bụi” (Kỷ băng hà của gà). Thể trạng văn chương của Khang dường như thể trạng biến dị. Chưa thể định hình nhưng chí ít không còn hình tượng con người như ta vốn biết, những lẽ thường xưa nay. Nơi đô thành bê tông, con người trắc ẩn một tâm hồn bi thương. Nhân sinh mờ mịt, nhân tính xói mòn! “Mọi người ở thành phố luôn cúi đầu. Cả khi đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất vẫn cúi đầu, chẳng bao giờ cất lên được” (Kỷ băng hà của gà). Tật cúi đầu của những nô lệ đô thị! Hay với Khang, thị dân dường như luôn tật nguyền theo cách nào đó.
Phải chăng sự tật nguyền của xã hội tiêu dùng-giải trí!
“Tao tưởng mày bỏ lên đây để trốn cái rỗng tuếch của xã hội tiêu dùng. Mày không nói nhưng thái độ của mày lúc nào cũng khinh những người như tao, những đứa không biết sống để kiếm tiền hay kiếm tiền để sống. Nhưng mày cũng đâu khá hơn. Bỏ phố về vườn sống đời nhàn hạ chỉ là cái mốt thời thượng mới. Chẳng phải muốn có cái vườn thì mày cũng phải cắm mặt mà làm tích cóp bao nhiêu năm. Không dám ăn dám mặc, không dám yêu đương, để sống một cuộc đời đủ dị biệt mà coi thường những đứa như tao hay sao. Tao nghĩ mày nghiện mua đồ chỉ vì bù đắp cho cái quá khứ thắt lưng buộc bụng…” (Kỷ băng hà của gà).
Thời đại thừa mà lại thiếu. Con người thời nay đang bơ vơ giữa quá nhiều giá trị. Nhưng rốt cuộc, chỉ những giá trị phản nhân, phi nhân. Người ta không tìm thấy chất người trong giá trị thiên hạ hùa theo. Chỉ có đám đông gà trong cái chuồng truyền thông! Những giá trị thời thượng không có nghĩa giá trị người phổ quát. Những biện pháp “thoát ly” dường như chỉ cách thức chạy chữa triệu chứng chứ không phải biện pháp chạy chữa tận gốc. Công nghiệp hóa-công nghệ hóa và đặc biệt đô thị hóa thực sự gây ra những chấn thương kinh khiếp đến căn tính người thời nay. Thử nhìn quanh các đô thị Đông Á, thế hệ thanh niên hikikomori ở Nhật Bản, thanh niên ẩn dật ở Hàn Quốc, thanh niên thảng bình khắp Đại Lục, xu hướng làm việc lười của bạn trẻ Việt Nam, … Tình cảnh trớ trêu: xã hội người nhưng lại nghèo nàn giá trị người. Thời đại khủng hoảng hệ giá trị với những đô thị thiếu thốn hơi hám con người. Đại dịch “nằm ngửa” đang lây nhiễm chóng mặt!
Người trẻ và vấn nạn thanh xuân trong đô thị
Trong truyện ngắn Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi, cô gái khẩn nài: “Hãy viết gì đó đi anh, viết để người ta không nhìn chúng em là con điếm mà là con người”. Sự thành người liệu có phải khế ước cần được đồng loại thừa nhận? Sự thành người có phải một định kiến? Từ nhãn quan này, bạn sẽ thấy Khang có khuynh hướng giải trừ định kiến nhân tính. “Con người được định hình từ những định kiến, gái điếm thì không được phép lương thiện cũng như thầy giáo không được phép xăm mình. Đấy là tôi còn chưa nói đến cái định kiến nghệ sĩ thì phải nghèo, nó đeo bám tôi suốt không thôi, đến nỗi cái định kiến ấy hóa thành một lời nguyền, để những cô gái điếm vĩnh viễn không được lương thiện và những nghệ sĩ vĩnh viễn phải nghèo túng” (Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi). Phố đi bộ Bùi Viện, những em điếm tình thương mến thương và chàng nhạc sĩ nghèo đều là những biểu tượng để Khang thiết kế “chiến lược truyền thông”. Để rồi, người đọc xoáy mắt nhìn vào những ung nhọt rất trẻ.
“Em bảo em tên Lan, mồ côi cha, bị dượng hiếp, ở quê người ta khinh không ai lấy đành bỏ lên Sài Gòn. Nhiều khi em là Hồng, sinh viên nghèo phải nuôi mẹ bạo bịnh. Lúc uống cạn hai chai bia em là Ngọc, mơ làm diễn viên được lấy chồng đại gia. Và khi không còn mảnh vải nào trên người em là Mén, gặp gã sở khanh nên phải ráng đi làm nuôi con. Trước lúc ngủ say, em bảo em là Hường, con em gọi em là chị, tối em còn phải đi làm nên muốn ngủ một chút, chỉ một chút thôi và nhiệm vụ của tôi là ngồi canh cho em ngủ không quá mười lăm phút. “Nhá, nhớ nhá, chỉ mười lăm phút đồng hồ”, em nói khi mi đã khép, người bắt đầu co lại theo những tư thế kỳ cục” (Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi).
Hà cớ gì thanh xuân trở nên vấn nạn? Con người trong các đô thị sao “bần hèn” quá! Người ta giàu đời mà nghèo người. Ở đó, Khang giúp ta nhìn ra thực trạng “khử nhân tính hóa”. Vấn nạn không mới nhưng vẫn còn đang tiếp tục mới. Nhất là trong các khu rừng bê tông. Luật rừng của văn hóa tài phiệt tạo nên hệ sinh thái đô thị như sa mạc trần ai. Thanh xuân bị đè cưỡi như lạc đà câm nín bước đi trên cát nóng.
Thứ nữa, vì sao Khang chọn góc nhìn từ đôi mắt chàng nhạc sĩ nghèo. Hẳn có lý do! Phải chăng Khang muốn lấy đôi tròng mắt thịt nghệ thuật để nhìn đời. Bởi triết gia mà Khang nhắc tới – Martin Heidegger – cũng từng thổ lộ: tròng mắt nghệ thuật có thể lột truồng những giả hiệu mạo danh của đời tục lụy. “Chẳng ai tin chúng ta đâu, người ta chỉ tin vào những định kiến và trật tự, người ta vẫn giết nhau hằng ngày nhân danh sự thật trong khi chẳng ai tin chúng ta đâu, người ta chỉ tin vào những định kiến và trật tự, người ta vẫn giết nhau hằng ngày nhân danh sự thật trong khi chẳng có sự thật nào” (Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi). Chưa vội phán xét sự “nhân danh” và “sự thật”, ta đã thấy lời thổ lộ ấy vọt ra từ cửa miệng của một tâm hồn chán nản, một thể trạng rã rời. Bao hình nhân trẻ trung đột biến dật dờ trong đô thị hôm nay!
Và cặp nhị nguyên cấu trúc: nàng gái điếm/chàng nghệ sĩ nghèo, liệu có thể được giải luận như thế nào? Nó phản ánh đời sống và tâm thế con người ra sao? Bạn đọc hãy tự lý giải phương trình này! Ở đây, đó là cặp nhị nguyên của tình trạng du mục đô thị, bộc lộ cơ chế phân phối “vận hội sống” (như Deleuze và Guattari từng bàn tới) trong các sa mạc bê tông mà bạn có thể bắt gặp đâu đó ở các siêu đô thị toàn cõi Đông Á (mà trước đã xuất hiện hằng hà ung nhọt trong các sa mạc Âu châu, Bắc Mỹ). Sự người hóa và sự đô thị hóa cơ hồ không tỷ lệ thuận!
Trong truyện ngắn Kỷ băng hà của gà, câu chuyện về gà, trại gà, chuồng gà, lùa gà và những quả trứng gà ấp mãi không nở, chỉ ung thối, rữa nát. Cặp nhị nguyên “người thành phố luôn cúi gầm mặt” và “bầy gà luôn cúi gầm đầu mổ thức ăn” như kết dệt ngữ thức trần thuật trong nhiều tuyến trần thuật của Khang. Sự kết dệt này khiến cho những “tín hiệu thẩm mỹ gà” lên tiếng. Tiếng gì, nếu ai còn “tai” thì có thể nghe!
Những con gà công nghiệp lo âu bàn tán: “Có khi nào, gà mẹ biết đám gà con khi lớn sẽ bị giết thịt nên quyết định đẻ ra những quả trứng không bao giờ thành gà?”. Những con gà mẹ biết rằng nó đẻ ra quả trứng để rồi trứng bị chiên, bị nướng hoặc nở ra thì thành gà thịt, gà trứng, … Nhưng chắc chắn là thứ vật thực bị tiêu thụ. Đâu đó, trên truyền thông, có người nói “không sinh con cũng là loại nhân đạo”. Ưu sinh hay triệt sinh! Khi nhân tính khủng hoảng, sự tái sản xuất xã hội tức sự tái sản xuất về con người bị xói mòn. Vấn đề suy giảm dân số liệu có liên hệ gì với suy giảm chỉ số phát triển con người, liệu có liên hệ gì với suy thoái chỉ số hạnh phúc! Nguyễn Hiến Lê từng nói đến sự xói mòn nhân tính trong kỷ nguyên hậu kỹ nghệ. Và giờ thì, thế hệ của Khang cơ hồ đang đối mặt với cuộc diện ấy. “Tôi tự hỏi đến bao giờ, loài người bản địa chúng ta, trên quê hương trái đất này có thể tiến hóa đủ để sống một đời tự do, được chọn lựa như những chú gà trống chọn bay thay vì chết và những cô gà mái quyết không đẻ trứng để khỏi phải chứng kiến bầy con lần lượt bị thịt?” (Kỷ băng hà của gà). Truy vấn của Khang không phải để trả lời mà để ta càng thấy rằng: không thể tránh né và phải tiếp tục tiến bước về phía “bình thường mới”.
Thế hệ gà công nghiệp, khi gà mái tiến hóa để không đẻ, khi gà trống không đạp mái mà tiến hóa thành phượng hoàng bảy màu rồi bay đi. Khi trứng được tạo ra bằng máy in 3D và được ấp trong lò nhân tạo. Những con gà không có căn cước gia đình gà, không có ý niệm huyết thống gà. “Sự gà” bỗng chốc mất nội hàm gà!
Người trẻ và vẻ đẹp bi ai của thanh xuân
Ở đoạn trên, sở dĩ nói đến đô thị trong bối cảnh khu vực Đông Á vì Khang cũng khắc họa đời sống người trẻ tha hương (học tập hoặc xuất khẩu lao động) ở Nhật Bản. Liệu bạn có bắt gặp bóng mờ Kawabata trong Tuyết nữ của Khang.
“Tiếng chuông chùa Asakuzi vẫn vọng về khe khẽ”.
“Khi trời chưa rạng bình minh, anh đã lên đường. Tuyết vẫn rất dày”.
“Tuyết nữ của lòng anh, đợi anh trong khu rừng tuyết. Xuyên qua khu rừng ấy, giữa những cây cỏ bị bọc bởi băng giá, anh thấy từng hàng từng hàng những con yêu quái vô diện đứng lẫn khuất, hai tay buông xuôi, chúng đang hướng về phía anh”.
Liệu bạn có mơ màng bay theo ngàn cánh hạc hoặc ru hồn trong tiếng rền của núi? Liệu có phảng phất thẩm mỹ quan Nhật Bản như vật ai Heian, như u huyền Kamakura, như trang nhã Muromachi, như phù thế Edo, hay không? Chủ tính/chủ âm của ngữ pháp trần thuật không phải trong một lúc của thể phân bua rành rẽ. Tuy nhiên, xin dẫn lại nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Văn hóa Ấn Độ thiên về tư duy và thần bí. Văn hóa Trung Quốc thiên về hành động và thực tiễn. Văn hóa Nhật Bản thiên về tình cảm và cái đẹp”2 ; để ta cùng mường tượng ít nhiều nét bi ai thanh xuân trong ngữ pháp trần thuật của Khang. Cơ hồ, nó biểu hiện sự xuyên vượt yếu tính văn hóa – tín hiệu rất thú vị cho bức tranh văn xuôi (chí ít ở Nam Bộ) hiện nay.
Và thanh xuân thì bi ai. Nó mang vẻ đẹp tanh bành té bẹ của sự đời ngổn ngang. Sau khi đời quăng quật tan nát châu thân và tâm hồn con người; bấy giờ Khang thấy người trở nên đẹp. Vẻ đẹp của thương tích. Những vết sẹo lia chia mọc khắp châu thân nghệ thuật. Bạn thấy gì ở đó? Phải chăng bạn thấy những đô thị âm hiểm sâu hút, những thành quách câm nín liêu trai hay những chung cư rào cản bít bùng.
Dù gì đi nữa, “chỉ trong văn chương, người ta mới chấp nhận một cô gái điếm lương thiện”. Cho nên nói, cố nhiên hành động văn chương tức hành động luận giải đời người; và tất nhiên hành động văn chương tức hành động thượng tôn tính người đến chung cuộc!.
Chú thích: 
1. https://vietnamnet.vn/.
2. Dẫn theo Mai Liên (2010). Một số đặc điểm của văn học Nhật Bản. Trong Mai Liên (tuyển chọn, giới thiệu và dịch, 2010). Hợp tuyển văn học Nhật Bản. Nxb. Lao Động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr.11 (9-14)
12/7/2024
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều

Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Thời...