Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Tính trò chơi trong thơ Bút Tre

Tính trò chơi trong thơ Bút Tre

Xuất hiện trên văn đàn từ những năm 60 của thế kỉ XX, thơ Bút Tre và tiếp đó là hậu Bút Tre đến nay đã lan truyền ra cả nước, bất kể việc đánh giá về dòng thơ này vẫn tồn tại những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Một số người cho rằng thơ Bút Tre không thể gọi là thơ xét trên phương diện nghệ thuật, chỉ trích nó một cách quá mức. Ngược lại, một số người đánh giá thơ Bút Tre là tiêu biểu cho dòng thơ dân gian, tôn vinh Bút Tre (1911 – 1987) như tổ sư của một trường phái thơ đặc biệt: thơ gây cười.
Có lẽ rằng, căn cớ của những khen chê đều khởi phát từ một nguồn, ấy là giao điểm thơ với văn học dân gian mà sinh thời chính Bút Tre đã tự xếp tác phẩm của mình vào khu vực đó. Thơ ca dân gian như một thế giới quan, một loại hình văn học luôn luôn tồn tại những khả năng phi chính thống mà biểu hiện tập trung nhất là tạo ra tiếng cười và sử dụng lớp ngôn từ cho phép con người ta được sống với phần nhếch nhác của mình. Thơ trở thành một loại trò chơi mang tính chất bông đùa. Trò chơi, do đó, có thể trở thành một từ khóa đắc dụng giúp biện giải nhiều vấn đề liên quan đến hiện tượng thơ Bút Tre.
1. Động thái “chơi” trong hành vi sáng tạo thơ
Bút Tre trong cuộc đời hơn 70 năm của mình có làm nhiều thơ. Tuy nhiên, những vần thơ mộc mạc, nôm na kiểu Bút Tre đã khiến ông phải chịu không ít hệ lụy, phiền toái. Các nhà lãnh đạo tư tưởng, văn hóa của Đảng phê phán; các văn nghệ sĩ chỉ trích; độc giả nhiều người cũng ác cảm. Họ cho rằng nhiều câu thơ của Bút Tre dễ dãi, tùy tiện, ngô nghê, lộn xộn về ngữ pháp, lung tung về ý thơ… Trước Bút Tre, có lẽ chưa ai bẻ đôi một tên riêng như thế này:
“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.”
Cũng chưa ai chú thích một ý thơ như thế này:
“Bài ca Giáp Tý như trà
Tặng người tri hữu những là bao năm”
(Bài thơ 1.1.84 tặng đ/c Ngọ hôm ở nhà khách có đ/c Dụ)
Bút Tre non tay chăng? Nếu đứng trên lập trường của ngôn ngữ tiếng Việt, của những nguyên tắc mà nhiều người xác quyết cho thơ, Bút Tre quả non tay. Tuy nhiên, sự “non tay” ấy bắt nguồn từ một trình độ hiểu biết thấp kém hay nó là sản phẩm của động thái chơi vốn ẩn tàng trong mỗi con người như một thứ vô thức tập thể? Vấn đề này sẽ được lí giải từ những yếu tố thuộc về cuộc đời và con người Bút Tre.
Nhà thơ Bút Tre là người có nhiệt tình cách mạng cao. Dù sống và làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đầy khó khăn gian khổ song ông vẫn rất lạc quan, cống hiến hết mình cho cách mạng. Bút Tre có sở thích đọc sách thư viện và là người đọc vô cùng cần mẫn. Ngoài thì giờ công tác, hầu như ông không rời việc đọc các loại sách, kể cả sách ngoại văn tiếng Pháp. Do đó, ông có vốn kiến thức được coi là uyên bác.
Bên cạnh đam mê sách vở, nói đến con người thì trước hết phải khẳng định Đặng Văn Đăng là một nhà lãnh đạo quản lý văn hóa cấp tỉnh hết sức năng động và đầy tâm huyết. Ông là người có công lớn trong việc cộng tác với các nhà khoa học khảo cổ do cố giáo sư Phạm Huy Thông lãnh đạo để tiến hành khai quật các di chỉ, tổ chức hội thảo trong những năm 1960, làm sáng tỏ thời đại Hùng Vương, chứng minh nền văn hóa Sơn Vi trên đất Phú Thọ. Đặng Văn Đăng cũng là người đề xuất với các nhà lãnh đạo của Đảng lấy câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” để giáo dục các thế hệ người Việt Nam về trách nhiệm đối với Tổ quốc. Ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên góp ý với các cơ quan của tỉnh về tổ chức lễ hội giỗ Tổ hằng năm, đáp ứng tốt nhất tình cảm hướng về cội nguồn của mọi người với cảnh tượng “Giỏ cơm bầu nước ba ngày hội/ Cả vạn người dân một tấm lòng”.
Thời kì Mĩ đánh phá bằng không quân rất ác liệt ở miền Bắc, có lẽ Đặng Văn Đăng là Trưởng ty Văn hóa duy nhất đã cùng đoàn cán bộ đạp xe vượt qua chặng đường dài đầy bom đạn vào tuyến lửa Quảng Bình để khảo sát rút kinh nghiệm chống chiến tranh phá hoại, mở rộng phong trào tiếng hát át tiếng bom.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ và Vĩnh Phú, ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Đặng Văn Đăng đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc sưu tầm vốn văn hóa cổ truyền vùng đất Tổ. Hưởng ứng chủ trương của tỉnh về việc viết lịch sử Đảng bộ, địa chí làng xã, ngay khi nghỉ hưu, ông đã bỏ công sưu tầm một khối lượng tư liệu đáng kể cho cuốn Địa chí xã Đồng Lương. Ông là một trong những người góp nhiều ý kiến tâm huyết cho việc biên soạn địa chí văn hóa tỉnh Vĩnh Phú.
Từ năm 1962, sau khi được đề bạt làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ, Bút Tre bắt đầu làm thơ. Trong vòng hơn một năm, ông hoàn thành hai trường ca: Hợp tác xã Đồng Tâm, Một ngày ở Phú Thọ và ba tập thơ Rừng cọ đồi chè, Quê hương Phú Thọ, Phú Thọ lớn lên. Cái tên Bút Tre ngay sau đó nổi lên với những tai tiếng. Thơ Bút Tre bị phê phán, bị đề nghị chỉnh sửa, bị đánh giá chưa phải là thơ. Do đó, cuối năm 1963, ông tự động rút lui khỏi thi đàn, bước sang giai đoạn viết chỉ để trao tặng chứ không in ấn. Giai đoạn này kéo dài hơn 20 năm, từ 1966 đến 1987.
Năm 1983, nhà văn Nguyễn Tuân nhân chuyến về thăm Vĩnh Phú đã đưa ra những nhận định “giải oan” cho thơ ca Bút Tre từ một lập trường đánh giá khác. Tác giả của những áng văn tài hoa, bác học xếp vào hàng bậc nhất của văn đàn Việt Nam bấy giờ nhận định: “Bút Tre là nhà tuyên huấn tài ba nhất của chúng ta đấy. Đố các anh có thể hài hước hóa phong trào sản xuất chăn nuôi được như Bút Tre: “Đồng Xuân thắm thịt tươi da/ Bao nhiêu lợn nái trâu cà bấy nhiêu”… Đọc xong câu thơ trên thì chẳng ai trong chúng ta có thể quên được cần phải làm gì trong lúc này… Làm thơ tuyên truyền kiểu dân gian như Bút Tre thì chỉ có một Bút Tre thôi. Thơ Bút Tre sẽ là đặc sản của phong vị dân gian. Dễ vài trăm năm nữa mới xuất hiện một Bút Tre không chừng […] Chúng ta phải cho mọi người thấy giá trị một trường phái thơ được dân gian hóa ngay khi mới hình thành” [1]. Một năm sau sự kiện này, nhà thơ, họa sĩ Ngô Quang Nam – Giám đốc Ty Văn hóa Vĩnh Phú đã giao cho Nguyễn Hữu Nhàn và Nguyễn Tham Thiện Kế biên soạn cuốn Bút Tre – Thơ và Giai thoại. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành lần đầu tới 25.000 bản. Năm 1990, với sự nỗ lực của các cán bộ văn hóa, thơ Bút Tre đã được đưa vào cuốn Địa chí xã Đồng Lương. Đến nay, thơ Bút Tre trở thành một “trường phái” thơ lan rộng ra cả nước.
Với chủ trương sáng tác thơ ca để phục vụ nhiệm vụ chính trị của dân tộc, để ca ngợi quê hương và những người con ưu tú vì nước vì dân, Bút Tre đã lựa chọn lối viết đơn giản, tự nhiên, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ bắt chước. Thơ Bút Tre gắn với tiếng cười hồn nhiên, đôn hậu, không thô không tục. Đánh giá về thơ Bút Tre, Ngô Quang Nam khẳng định: “những gì ông đã để lại cho đời hôm nay đều có vị trí tinh thần cho xã hội và ông cũng đã từng tự nhủ mình: Mai sau kẻ đoái người hoài, mặc!/ Hạnh phúc hôm nay mát dạ người. Có lẽ đó cũng là cái cao thượng của một nhân cách văn hóa nằm trong dòng chảy bất tận của văn hóa dân gian Việt Nam” [2].
Nhìn lại cuộc đời và con người Bút Tre, có thể nói rằng, là người đọc rộng hiểu nhiều, lại cũng là một nhà quản lí văn hóa, Bút Tre chắc hẳn ý thức rõ thế nào là một câu thơ đúng/sai với những nguyên tắc của ngôn ngữ tiếng Việt. Vấn đề ở đây là quyền lựa chọn của người cầm bút! Chuyện kể rằng, trong buổi tổ chức đánh giá phong trào sáng tác của tỉnh diễn ra ở Hội trường Thủy lợi Thị xã Phú Thọ, thầy giáo Nguyễn Gia Phong thay mặt cho các giáo viên tổ Văn Trường cấp 3 Hùng Vương nêu băn khoăn: Những vần thơ Bút Tre mà Ty Văn hóa đồng ý xuất bản có nguy cơ làm hỏng học trò. Bút Tre bình thản xác nhận chủ đích sáng tạo kiểu thơ “gây hấn” của mình, còn việc nó được chấp nhận hay không sẽ phải chờ câu trả lời ở thời gian. Phản ứng của Bút Tre như có sự hô ứng với một nhận định quan trọng của Iu. M. Lotman rằng: “Và nghệ thuật, dù điều này có vẻ lạ lùng như thế nào, cũng mọc lên từ sự dung tục, rẻ tiền, từ mô phỏng, từ phi nghệ thuật, từ những gì làm hỏng thị hiếu nghệ thuật – từ những cái đó bỗng mọc lên nghệ thuật mới” [3]. Phía sau những câu thơ Bút Tre tưởng như “làm hỏng thị hiếu nghệ thuật” là sự gắn bó rất tự nhiên giữa lối thơ ấy với khuynh hướng trò chơi mà hạt nhân của nó nằm ở sự vi phạm thỏa ước giữa thể loại và lối viết.
Xuất phát điểm của hành vi sáng tạo thơ là nhu cầu giải tỏa cảm xúc, nhu cầu thoát khỏi biên độ cố hữu của quy luật đời thường để sống trong một thế giới khác, thế giới của khoái cảm tự do. Cũng vì thế, thơ ca và trò chơi có sự tương đồng dễ nhận thấy, nói như Paul Valéry, thơ ca là một trò chơi ngôn từ. Trò chơi gắn liền với các luật lệ buộc người chơi phải tuân thủ. Trong thơ, đó là những bình diện thuộc về nguyên tắc thể loại như thi luật, gieo vần, ngắt nhịp… Tuy nhiên, điểm đặc biệt của trò chơi thơ là người chơi phải giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là quy phạm trật tự ngôn từ và một bên là nguồn cảm hứng tự do dào dạt, thậm chí hỗn độn. Bởi vậy, nhà thơ không chỉ sáng tạo trong khuôn khổ những luật lệ đã định sẵn mà ngược lại, anh có quyền phá vỡ nó, có quyền thua cuộc để kiến tạo những luật lệ mới. Từ nguyên tắc đó, có thể nhận ra, sự kiến tạo luật của thơ Bút Tre xuất phát từ một thể loại vốn phổ biến trong khu vực văn học dân gian Việt Nam: kể vè.
Hai nhà nghiên cứu, đồng tác giả bài viết: Phạm Dụ và Đặng Thị Bích Hồng tại Hội thảo Di sản Bút Tre. Phạm Dụ (1928 – 2016) là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú giai đoạn từ 1983 đến 1986. Đặng Thị Bích Hồng sinh năm 1986 ở Phú Thọ, hiện là Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Kiến tạo thơ trên dạng thức kể vè
Ngay lời khai từ trường ca Một ngày của Phú Thọ – tập thơ đầu tay của Bút Tre, nhà thơ đã ý thức rõ ràng về lối viết: “Nôm na viết tập thơ đầu/ Vận cho nhịp sống theo câu văn vần”. Cứ thế, con đường sáng tạo của Bút Tre là sự nối bước “Một dòng thơ mở đường quai kể vè”. Trong Từ điển văn học (bộ mới), vè được định nghĩa là “một thể loại sáng tác dân gian kể chuyện bằng văn vần của Việt Nam, một loại truyền miệng mang tính chiến đấu, tính quần chúng rõ rệt, chú trọng người thật việc thật, những tính chất xung đột của làng xã ngày xưa (vè thế sự) hoặc những sự việc lớn vang động đến cả nước (vè lịch sử)” [4].
Như vậy, gắn với những câu chuyện người thật việc thật, một trong những đặc trưng nổi bật của vè là tính truyện. Ứng tác trước những sự kiện mang tính chất thời sự từ quan điểm của tầng lớp bình dân, vè đồng thời đậm chất khẩu ngữ. Từ một thể loại lời nói phổ biến của văn học dân gian truyền thống, kể vè có thể hình dung như một dạng mẫu gốc trong những “câu văn vần” “nôm na” của Bút Tre.
Trước hết, về sự bảo lưu tính truyện, có thể khẳng định, thơ Bút Tre là tập hợp phong phú những câu chuyện thời sự gắn với các sự kiện chính trị; các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước; các hoạt động phong trào của quê hương. Mỗi bài thơ của Bút Tre hầu như đều gắn với một câu chuyện: chuyện Bác về thăm đền Hùng lần thứ hai; chuyện Bút Tre về kiểm tra phong trào văn hóa và ghi sổ vàng truyền thống của xã Xuân Lộc, Thanh Thủy; chuyện Phạm Dụ và Bút Tre ngồi ôn lại những kỷ niệm thời làm tuyên giáo với vị Trưởng ban Nguyễn Ngọc Tuyên… Những sự kiện đi vào thơ Bút Tre có khi liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc:
“Anh Văn tài giỏi lạ thường
Pháo vào rồi lại tìm đường kéo ra
Để củng cố theo đà tiến chắc
Đào hầm ngầm cho khắp Mường Thanh
Bài binh bố trận rất nhanh
Diệt Bản Kéo phá tan tành Him Lam”
Cũng có khi sự kiện thơ gắn với một phong trào cụ thể, một hoạt động cụ thể ở quê hương Bút Tre:
“Buông liềm hái, vun thu đồng áng
Nước đưa về lai láng ruộng ta
Cày bừa ngả rạ gần xa
Thóc chưa vào bịch mạ ra đồng rồi”
Tính truyện vốn thích hợp với thể thơ lục bát vì một trong những khả năng ưu trội của lục bát là kể chuyện. Có lẽ điều này lí giải vì sao trong văn nghiệp của mình, Bút Tre gây ấn tượng nhất ở thể lục bát. Cùng với đó, ông thiên về lựa chọn những thể loại có sự thách đố rắn đanh của luật thơ như song thất lục bát, thất ngôn. Điểm đặc biệt ở đây là, Bút Tre đem lại không khí tự do phóng khoáng cho thơ luật. Nếu nguyên tắc của thơ lục bát là sự tiếp nối của từng cặp câu thơ 6 – 8 thì Bút Tre hồn nhiên hạ những câu thơ 7 chữ vào giữa mạch lục bát đang xuôi chảy:
“Qua Đền Hùng nói chuyện xưa
Hỏi thăm Bác đến chuyện đà ra sao?
Bấm tay nhớ lại năm nào
Bác về Phú Thọ lên cao thăm đền
Gập ghềnh dạo gót bước lên
Thông reo, trúc múa bốn bên vẫy vùng
Bác rằng: “nhớ vua Hùng dựng nước
Bác cháu ta giữ nước dài lâu”.
Giữa những câu thơ thất ngôn, Bút Tre lại ngẫu hứng chen vào đôi dòng lục bát:
“Mời bạn đến tập đoàn Phủ Lỗ
Núi con voi màu mỡ vươn mình
Hai nghìn mái tóc xanh xanh
Dưới cờ đoàn tụ đinh ninh lời thề
Người tiến tiến chữ đề cờ đỏ
Theo ngón tay Đảng chỏ lên đường
Phải chăng: ruộng rẫy chiến trường
Cuốc cày – vũ khí can trường tuổi xanh”
Phải thấy rằng, lựa chọn thơ luật với Bút Tre không phải để chinh phục luật lệ ngặt nghèo của thể loại, ngược lại, ông khước từ sự khống chế của công thức thơ. Suy cho cùng, sự phá luật thơ cũng là cách nhà thơ trải nghiệm với những câu chuyện phong phú của đời sống mà phía sau nó là nhiệt tình của một cán bộ quản lí văn hóa muốn nhanh chóng phổ cập các nhiệm vụ chính trị đương thời, góp phần động viên quần chúng trong các phong trào hoạt động cách mạng.
Nhận diện đặc điểm thơ Bút Tre, nhiều nhà nghiên cứu đã liệt kê tỉ mỉ những kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ thơ ông. Nguyễn Thái Hòa trong “Giải mã hiện tượng thơ Bút Tre” xác định 3 cách thức biểu đạt trong thơ mà Bút Tre là người khơi màn gồm: làm biến dạng từ; biến dạng quy tắc câu; biến dạng ý, nghĩa [5]. Ngô Quang Nam trong Thơ và Giai thoại Bút Tre chỉ ra 7 lối thơ Bút Tre, đó là: vắt dòng gãy câu; viết tắt/chặt từ; để lửng từ, dùng một từ cuối của câu sáu trên để người đọc phải tự gieo vần ở câu tám dưới; hoan hô; thêm tiếp từ ở vị trí thứ 7 câu 8 trong thể lục bát để thành câu có 9 từ; lục bát ngẫu hứng song thất; biến âm tạo vần [6]… Những câu thơ Bút Tre từ lâu đã trở nên quen thuộc trong dân gian, được nhiều người ghi nhớ.
Có thể nói rằng, những đặc điểm thơ Bút Tre mà các nhà nghiên cứu đã gọi ra là biểu hiện cụ thể của một kiểu lời nói, đó là phong cách khẩu ngữ. Có thời, người ta xếp những cách hành ngôn như vậy vào khu vực phi thơ, phản thơ. Tuy nhiên, chính sự “tùy tiện” trong việc sử dụng ngôn ngữ ấy lại là con đường đắc dụng để Bút Tre “vận cho
cuộc sống theo câu văn vần” và hơn thế, thơ ông khỏe khoắn trong nhịp thở sống động của điệu nói trực tiếp. Chính từ đây, thơ Bút Tre đặt ra kiểu luật lệ mới, dù có thể chưa thật sắc nét, nhưng nó là nền móng cho một “hội hè” thơ tưng bừng về sau.
3. Sự lan tỏa luật chơi thơ Bút Tre
Trên nền tảng của cái nghiêm túc, hướng tới mục đích tuyên truyền tư tưởng, đường lối của Đảng, Bút Tre đã tận dụng những phương thức, thủ thuật mang tính trò chơi. Sinh thời, bản thân Bút Tre đã tiên đoán được khả năng lan tỏa của một luật chơi mới khi ông hạ bút viết “Một bút Tre thành vạn Bút Tre các làng”. Quả nhiên, như cái mặt nạ suồng sã để đối lập lại tính trịnh trọng của văn học sử thi, sự khởi đầu của Bút Tre đã dẫn tới một trào lưu sáng tác phổ biến trong dân gian, trở thành “hiện tượng Bút Tre”.
Những bài thơ kiểu Bút Tre được mọi người đọc truyền miệng cho nhau nghe, trở thành hình thức giao tiếp bông phèng, vui vẻ trong những cuộc gặp gỡ:
“Liên hoan có một nải chuồi (chuối)
Ra về nhớ mãi cái b… hôm nay” (buổi)
Trên những chuyến du lịch:
“Không đi không biết Tam Đao (Đảo)
Đi thì không có chỗ nào mà ngu (ngủ)
Một giường nó nhét hai cu (cụ)
Đêm đêm phải lấy cái mu (mũ) gối đầu”
Sau những chương trình văn hóa:
“Hoan hô nhà báo Lại Văn…
Sâm lên Phú Thọ góp phần cuộc liên…
Hoan hỉ cho hết một đêm
Ngày mai đài phát trăm miền đều nghe”
Không chỉ thế, hiện tượng thơ này còn xuất hiện trên các trang báo, tập hợp trong những ấn phẩm hậu Bút Tre. Rõ ràng trong thực tế cuộc sống, một bộ phận quần chúng đáng kể chấp nhận loại thơ gây cười khiến nó có sức lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhại thơ Bút Tre cốt gây cười đã trở thành một loại văn nghệ giải trí.
Có thể lí giải việc xuất hiện xu hướng văn nghệ giải trí bằng cách nhại thơ Bút Tre như thế này chăng?
Con người khi làm việc vất vả, cần sự thư giãn cả thể chất và tinh thần. Khi thần kinh căng thẳng, người ta sáng tác ngẫu hứng kiểu thơ Bút Tre, đọc cho nhau nghe để xả hơi, đầu óc được thư giãn thoải mái. Khoa học đã chứng minh việc gây cười cần thiết cho sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh, làm giảm hội chứng căng thẳng (stress). Vì vậy, nhu cầu xã hội đã tạo ra công nghiệp giải trí, văn nghệ giải trí. Dòng văn học dân gian có cả kho tàng truyện cười. Thơ Bút Tre gây cười có lẽ cũng có tác dụng như tiếu lâm. Con người cười với các kiểu cười khác nhau đều nhằm bộc lộ tình cảm, trạng thái tinh thần, tỏ rõ sự vui sướng hoặc bất bình, mừng rỡ hoặc chê trách. Nghe nói trong y học có phương pháp kích thích cho người bệnh cười để chữa bệnh (tiếu liệu pháp). Dân gian có câu: “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Khi cười thì các cơ trên mặt và vùng bụng co giãn với tần suất cao, hệ nội tiết tăng cường hoạt động làm giảm căng thẳng thần kinh, tinh thần trở nên thoải mái. Trong xã hội kinh tế thị trường phải bươn chải, đua tranh căng thẳng thì cất lên tiếng cười, tạo ra được một trận cười, cười say sưa (nở gan một cuộc cười say), cười khanh khách, cười như nắc nẻ, ôm bụng mà cười đến lộn ruột thì đúng là có lợi cho sức khỏe. Xem ra hiện tượng nhại thơ Bút Tre nhằm gây cười cũng là nhu cầu cần thiết cho đời sống vậy. Như Phạm Ngọc Chân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Bút Tre tại Hà Nội đã “tuyên ngôn” cho cuốn Thơ vui hậu Bút Tre của mình rằng: “Cười lên để chống bệnh già/ Tâm hồn sảng khoái, thăng hoa ngọt ngào/ Một chút hơi tục… chẳng sao/ Bút Tre… khuấy lộn tùng phèo mới vui!”
Bên cạnh khả năng tạo ra tiếng cười vui vẻ, thơ Bút Tre từ sự khúc xạ những đặc trưng của thể loại kể vè lại trở thành một tiền đề cho những thể nghiệm thơ đầy táo bạo
về sau. Rỗng hóa tính truyện, chối bỏ những hình thức ngôn từ trau chuốt, một bộ phận thơ Việt Nam đương đại có xu hướng đẩy đến tận cùng cách viết bất kể mọi quy phạm. Nguyễn Thế Hoàng Linh dung nạp vào thơ từ cái bỗ bã của ngôn ngữ hè phố đến lối nói lái của thơ Bút Tre: “thằng kia mày đến từ đâu/ cớ sao mày dám vuốt râu nỗi buồn/ xin cho em kể ngọn nguồn/ thưa ông tại nó rất muồn như vây”. Thậm chí, tác giả như bông đùa cùng lục bát trong sự lai ghép hỗn độn ngôn ngữ và phá vỡ các cấu trúc thông thường: “I’m too tired to do/ things to refresh cho dù tôi đang/ có nhiều dự định vãi hàng/ that’s why I have to mang nỗi buồn”. Vẫn bóng dáng của lối viết ấy, của kỹ thuật ấy nhưng thơ không hướng tới chủ đích gây cười, ngược lại, thơ buộc con người ta phải đối diện với trạng thái tinh thần bất an, lộn xộn. Thiết nghĩ, sự vi phạm những luật lệ ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa mà Bút Tre khơi mở là tiền đề cho muôn hình khả thể thơ trong một ngữ cảnh tồn tại mới, sống động.
Suy cho cùng, con người và con người thơ Bút Tre, phía sau sự dễ dãi, hồn nhiên đến tự nhiên chủ nghĩa là sự gắn kết vô hình mà chặt chẽ với những ý niệm trò chơi ngôn từ có cội nguồn trong văn hóa, văn học dân gian. Xuất phát từ động thái chơi trong hành vi sáng tạo, thơ Bút Tre là sự kiến tạo độc đáo trên dạng thức kể vè với những câu chuyện thời sự nóng hổi được kể bằng lớp ngôn từ khẩu ngữ phá hình thức, phi chuẩn mực và chung cục, luật chơi thơ Bút Tre đã lan tỏa rộng rãi khắp trong Nam ngoài Bắc. Những thể nghiệm phá vỡ các quy tắc tiền lập như sự minh chứng cho một cách định nghĩa bằng nhãn quan tiểu tự sự: Thơ như cái mà nhà thơ làm!.
Chú thích:
[1] Nguyễn Tham Thiện Kế. “Nguyễn Tuân giải oan cho Bút Tre”, http:// nico-paris.com/.
[2] Ngô Quang Nam. 2004. Thơ và giai thoại Bút Tre. Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ. tr. 60.
[3] Iu. M. Lotman. 2006. “Về bản chất của nghệ thuật” (Trần Đình Sử dịch). Báo Văn nghệ. Số 40 ngày 07 tháng 10. tr.10.
[4] Xem Nhiều tác giả. 2005. Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới. tr.1980.
[5] Xem Nguyễn Thái Hòa. 2000. “Giải mã hiện tượng thơ Bút Tre”. In trong Báo cáo Đề tài nghiên cứu khoa học Sưu tầm, nghiên cứu về hiện tượng thơ Bút Tre trong dòng văn hóa nghệ thuật của Phú Thọ và cả nước. tr.127-134.
[6] Xem Ngô Quang Nam. 2004. Thơ và giai thoại Bút Tre. Sđd. 
11/7/2024
Phạm Dụ - Đặng Thị Bích Hồng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi

Đón giao hoan đất trời hôn phối, nõn xanh nũng nịu đâm chồi Bung cánh rồng mây bay lượn/ Giọt bồ đào thiên di muộn mằn. Rơi…// Hôn lên mắt...