Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Lưu lại nhân gian một vẻ đẹp vĩnh hằng

Lưu lại nhân gian
một vẻ đẹp vĩnh hằng!

Tôi được nhà thơ Trần Tất Tiến ở Thanh Hóa tặng tập thơ Giấc mơ lá đỏ (tập thơ thứ 5 của anh), do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2022 – tác phẩm vừa được tặng Giải C Giải thưởng VHNT thường niên năm 2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo tôi đây là một tập thơ khá, rất đáng đọc.
Trong mảng thơ thế sự, nhà thơ đã rạch ròi, quyết liệt với những bề bộn, khuất khúc của cuộc đời bao nhiêu, thì trái lại, trong địa hạt thơ tình anh rất đỗi dịu dàng, dào dạt yêu thương bấy nhiêu. Ngẫm cho cùng, đó cũng là lẽ tự nhiên: những ai phản ứng, đấu tranh với những gì xấu xa, vô đạo là bởi họ sẵn có có tình yêu sâu đậm với những giá trị tốt đẹp, nhân văn.
Tiêu biểu cho thơ tình trong tập thơ này là bài thơ Thi sỹ. Bài thơ xinh xắn, gồm ba khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu. Ngay từ khổ thơ đầu, nhà thơ đã nói  về chàng thi sĩ là như thế này: Không thể nói chàng là người đa tình/ Cũng không phải là người khô như ngói/ Chàng là người thế đấy/ Giả vờ thôi.
Có vẻ như tác giả bài thơ đang ỡm ờ/ đánh đố, làm cho người đọc không thể hiểu chàng/ thi sĩ là tuýp người như thế nào đây?
Mang trong lòng đầy sự thắc mắc, nghi hoặc, đọc tiếp, bắt gặp câu: Hỡi kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi/ có phải là chồng chất thêm sự khó hiểu hay không?
Để “giải mã” được chỗ khó này, đặng thấu cảm cả đoạn thơ trên và của bài thơ – theo thiển ý, phải bắt đầu từ ý thơ tác giả hướng đến một giai nhân: kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi. Gọi người đẹp là Kẻ đa tình thì đúng rồi, vì chức phận của phụ nữ tạo hóa sinh ra là để yêu thương. Nhưng sao lại… “rất đỗi xa xôi”? Xa xôi… thì làm sao có thể thi nhân gợi tình, gợi tứ, gợi mộng tưởng… khiến hồn mình treo ngược ở cành cây (câu thơ Sóng Hồng), để cho ra đời những thi phẩm hay, bất hủ? Ấy vậy mà, trong câu thơ này, nhà thơ đã đúng! Vì, do đặc điểm của sáng tạo thơ, nên hình tượng em trong một bài thơ, vừa là em cụ thể, lại vừa là hình bóng các em khác nữa lồng ghép, tổng hòa trong đó! Nên tình cảm của thi sĩ với cô gái/ nguyên mẫu để làm thơ vừa gần gũi, lại vừa “xa xôi”; vừa rất thật, lại vừa giả vờ thôi (một cách tự thú, pha chút hài hước về công việc sáng tác thơ của mình)… là như thế!
Tiếp sang khổ thơ thứ hai: Ta chỉ rụt rè với vầng trăng lên muộn/ Với cành me chua dan díu rủ khuya đêm/ Và ta cần một giấc của thơ men.
Không chỉ nặng lòng với người đẹp, ta – nhà thơ còn giao cảm vầng trăng muộn; còn dan díu cành me với động từ rủ – ở đây là cành me chủ động rủ nhà thơ vào cõi khuya đêm, hứa hẹn được khám phá bao nhiêu xúc cảm quyến rũ mê hồn! Theo dòng thơ giãi bày, ta hiểu: thông qua giao cảm, “dan díu” với thiên nhiên, ngoại giới phong phú và rộng lớn ấy chính là để nhà thơ đạt đến cảnh giới “một giấc của thơ men”. Tức thời điểm cảm hứng sáng tạo được đẩy lên đến cao trào; nhà thơ “sinh hạ” bài thơ hay!
Khổ thơ cuối, khép lại bài thơ một cách không thể viên mãn hơn, đẹp đẽ hơn. Tiếp tục mạch nhắn gửi/ tỏ bày của nhân vật trữ tình với người đẹp/ giai nhân – người khởi nguồn sáng tạo cho thơ mình nhưng được đẩy đến cao trào: Xin gác bỏ tròn đôi mắt mở/ Nào thấy gì đâu khi hồn đã lang thang/ Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt/ Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân.
Trong đó, đọc hai câu thơ cuối: Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt/ Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân – tôi không khỏi rùng mình, nổi hết gai ốc trong người! Chính lúc giai nhân ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt ấy (theo lời khẩn cầu của nhà thơ, thể hiện bằng “hô ngữ”: Hãy ở đầu câu), cũng vừa kịp để người đẹp chứng kiến Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân. Đó là khi ánh trăng êm dịu cuối cùng lụi tắt, nhường chỗ cho bóng tối mịn như nhung lan tỏa trên mặt đất; trong khung cảnh huy hoàng của hoàng hôn lụi tàn – bóng thi nhân gục xuống. Bởi nhà thơ đã vắt kiệt tâm hồn, tinh lực… của mình theo ánh trăng kia, mà chứng tích là bài thơ tuyệt bút để đời!
Bìa tập thơ “Giấc mơ lá đỏ”  của Trần Tất Tiến
Bằng ngôn từ, nhà thơ Trần Tất Tiến đã dựng nên một tượng đài diễm lệ. Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân – lại là phút sinh hạ, tỏa sáng của Cái Đẹp vĩnh hằng! Nhà thơ tôn vinh Cái Đẹp cũng là tôn vinh sự dâng hiến hết mình của các thi nhân.
Trước đó, trong bài thơ Con người hoan lạc của cùng tác giả (in trong tập thơ Về – người ơi, miền hư không, nhà thơ đã trăn trở rất nhiều về thiên chức của “loài thi sĩ” khi gay từ đầu anh đã xác quyết: Tinh huyết và phiêu linh/ Thơ đâu phải là trò nhào lộn trí tuệ/ Đâu phải là ngón bịp để được hóa trang.
Chính vì thơ là “Tinh huyết và phiêu linh” nên: “Sau khi biến mọi thứ thành ngôn từ/ Nhà thơ trút rỗng mình/ Ngồi trong tột đỉnh cô đơn/ Hoan lạc”
Đạt đến trạng thái cô đơn trong hoan lạc ấy, hẳn vì nhà thơ không chạy theo vật chất, “hớt váng” trục lợi, biết buông bỏ danh lợi thói thường để lặn tìm trong “bể khổ” của tha nhân, đặng “trục vớt”, đắp bồi những giá trị tinh thần và cái đẹp vĩnh cửu hun đúc thành những áng thơ hay. Có thể thấy, trong hai bài thơ Con người hoan lạc và Thi sĩ cùng thể hiện tứ thơ đề về vai trò/ sứ mệnh của nhà thơ, thì bài thơ làm sau có sự tiếp nối liền mạch nhưng không có sự lặp lại mà có thêm sự phong phú, sinh động về chi tiết, thi ảnh, đạt đến sự thăng hoa cao độ.
Liên hệ xa hơn nữa, với cùng chủ đề trên, trước đây trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang kỳ sôi nổi, nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) có bài thơ Là thi sĩ đã xác định vai trò của nhà thơ phải đóng góp vào sự nghiệp chung, đó là: Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền. Chừng nào trên trái đất này còn chiến tranh xâm lược, còn áp bức, bất công thì tư tưởng trên vẫn giữ nguyên giá trị.
Bài thơ Thi sĩ của nhà thơ hậu sinh Trần Tất Tiến chú trọng lưu ý thêm về chức năng thẩm mỹ của thơ ca để nhà thơ sáng tạo những giá trị đích thực về Cái Đẹp, được ngấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Đây cũng là cái gốc để xây dựng con người, xây dựng một thế giới hòa ái, đầy tình thương yêu – tránh xa bạo lực, bất công, chết chóc…Một thông điệp bao trùm mang tính nhân văn cao cả và rất có ý nghĩa của bài thơ Thi sĩ.
THI SĨ
Không thể nói chàng là người đa tình
Cũng không thể là người khô như ngói
Chàng là người thế đấy
Giả vờ thôi…
Hỡi kẻ đa tình nhưng rất đỗi xa xôi
Ta chỉ lả lơi với rụt rè của vầng trăng lên muộn
Với cành me chua dan díu rủ khuya đêm
Và ta cần một giấc của thơ men.
Xin gác bỏ tròn đôi mắt mở
Nào thấy gì đâu khi hồn đã lang thang
Hãy ghé chậm nơi trần gian xế nguyệt
Phút lụi tàn gục mặt bóng thi nhân.
23/6/2024
Trần Tất Tiến
Nguồn: Rút trong tập thơ “Giấc mơ lá đỏ”
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...