Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

Nửa gánh đường tu

Nửa gánh đường tu

Vẫn cặp đôi nhà Thạch Sùng. Bố đực to đô vạm vỡ. Bố mặc bộ màu tro xám điểm bạc. Dưới ánh đèn neon trắng sáng. Những vảy bạc nhấp nháy hệt mắt gã trai lơ khi gặp ả mỹ nhân. Thanh xuân của gã chắc cũng oanh liệt đào hoa lắm. Cũng đúng thôi. Gió tầng nào gặp mây tầng đấy. Người đẹp của hắn cũng rất đáng nể. Toàn thân nàng khoác chiếc áo voon màu mỡ gà mỏng tang. Một đường chỉ giữa chạy dọc toàn thân như chiếc khóa miết lại cẩn thận. Nàng phô hết vẻ nõn nà, non tơ trong lớp mỏng tang được kéo khóa ấy. Kín mà vẫn hở. Hở mà vẫn kín. Cái trò của giống cái nó hay hướm thế. Có vậy, nàng mới lọt vào mắt xanh gã trai có chỉ số menly cao kia.
Mỗi buổi sư thầy lên kinh. Đôi chàng nàng đã chúc đầu ngự sẵn vẻ rất cầu thiện. Bốn mắt như bốn hạt đỗ đen chiếu tướng. Có kẻ chấp kinh, sư thầy hăm hở dốc tâm, cạn lòng để buổi kinh thỏa nguyện. Tuy nhiên, hôm nay sư thầy thấy lạ. Chàng cao to lực lưỡng đang phủ lên nàng yếu liễu đào tơ. Trời! Chúng đang làm chuyện ấy! Vẫn thấm tháp hoan lạc chưa rời nhau được sao? Thường chúng giấu kín chuyện ấy. Cùng thì vờn đuổi, cắn đuôi nhí nhách. Sư thầy gõ gõ vài tiếng lên mặt tường đánh động. Cả hai vẫn im đét.
Buổi kinh đã xong. Đôi Thạch Sùng vẫn giữ nguyên tư thế hiện trường. Sư thầy buồn bã nén tiếng thở dài. Chuyện hoan hỉ đực cái thật khó cưỡng. Mèo động dục đến cuồng quã, gầm gào cả đêm. Chó quẩng tơ. Hai con dính nhau dằng dai gỡ không nổi. Ngựa quen đường cũ. Đôi trai gái thỉnh thoảng lại đưa nhau vào bụi chuối hành lạc rầm rầm như sắp có án mạng. Ham muốn dục tình khác gì núi lửa phun trào.
Sau chút lưỡng lự, sư thầy tiến đến chỗ đôi Thạch Sùng. Mọi lần, con đực luôn ngóc đầu một cách khôn ngoan. Nay như mất hết sinh khí không cất nổi.  Con cái nằm dưới hai mắt vẫn nhắm nghiền. Cô nàng đã xuống sắc. Không còn vẻ hồng hào bóng bẩy như trước. Thân hình nàng xèm xẹp ám sạm. Bỗng sư thầy á lên một tiếng kinh hãi. Một vệt máu sấp dưới bụng nàng sùi lên. Nó đã bị cắn hay mắc nạn từ bao giờ. Bất ngờ thấy động. Con đực vùng quẫy. Cả hai rơi bịch  xuống đất. Con cái rũ ra sóng soãi. Nó đã không còn sống. Con đực đang đà văng mạnh ra ngoài.  Mẩu đuôi lẩy ra giãy giãy. Sư thầy đứng quan sát. Ông chờ xem con đực chạy trốn. – “Chạy đi! Chạy tìm bồ con khác. Giống đực được mấy kẻ chung tình?… Nào! Chạy nhanh đi! Giống nhà chú làm người thì khôn lõi. Làm vật cũng cáo cạnh? Gặp hiểm là cắt đuôi thế thân. Ai thèm cái mẩu đuôi giãy chết kia?… Thế nào, không chạy à? Vẫn buồn, thương, tiếc, nhớ đấy!? Khá khen cặp đôi nhà chú lúc nào cũng dính chặt như sam!”. Cổ họng sư thầy bỗng nghẹn lại. Sinh ly tử biệt. Vật cũng như người. Mệnh trời khôn cứu chuộc. – “Thôi, chú nằm sát vào đây! Đôi sánh đôi cho mãn nguyện. Cầu niệm cho cô ấy được siêu thoát!”. Lặng một lát bùi ngùi, sư thầy khép hờ cánh cửa rồi đi xuống nhà.
Chuyện tưởng đã yên. Vậy mà, lúc đi ngủ, sư thầy không sao chợp mắt nổi. Quá khứ xưa như lập lại trong hình ảnh cặp đôi nhà Thạch Sùng. Ni sư tiểu Mai. Thầy Đăng Đạo. Những khóa lớp tu tập. Những cặp mắt bình lặng. Kẻ trộm quả cấm hay vấp ngã của tuổi trẻ?… Xuất gia tu hành tuổi đôi mươi đang hừng hực nhựa sống. Phải buông bỏ trần tục, kìm nén dục ái. Ngủ dậy thấy quần ướt đẫm mà hoảng. Con thú bản năng đã bật dậy đêm qua mà không hay. Mỗi lần dòng nham thạch nhơm nhớp tự vọt ra là sợ hãi, là ăn năn, hối lỗi. Phật pháp khuyên con người phải tránh xa căn nguyên của khổ đau trần thế. Không đắm sắc dục. Tiết chế ngũ dục. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kiểm soát, tiết chế được mình. Phần “Người” trơn tru, đẹp đẽ. Phần “Con” thì tục tĩu, dị hợm.  Là thú bản năng khó diệt, khó cưỡng. Còn phản lại. Trên bảo, dưới không nghe. Trên lệnh ngay và luôn. Dưới thì như quân chi chi… Thầy đã phạm sai? Con đã phạm sai? Hay đó là lỗi của kẻ vượt rào về với gánh đời? Kẻ tu hành phải thu mình, không được tự do như vạn vật trời đất sao? “Thiên địa giao vạn vật hóa sinh”, “Nam nữ cấu tinh vạn vật hóa thuần”, “Thượng hạ giao nhi kì chí đồng dã”… Đôi Thạch Sùng quấn quýt, giao hoan, sinh con đẻ cái khác chi giống người? Đêm vắng vẻ, cô độc. Tiếng “Troách! Troách! Troách!” động sâu cõi người. Đấy là tiếng gọi người. Tiếng than thân, tiếc đời của kẻ người. Kẻ đã gieo nhân kiếp trước, lãnh quả kiếp này. Vật cũng như người. Còn gì đau đớn hơn cái chết chia lìa?… Sư thầy lại ngồi bật dậy trở lên tam bảo.
Cánh cửa hậu đường vừa mở. Sư thầy sững lại. Cả một sân vằng vặc đầy trăng là trăng. Trăng như thác nguồn vô tận đổ xuống mênh mông, tràn khắp trời đất. Trăng trải thảm vàng ruộm tầng tầng lấp loáng trên dãy nhà mái lá san sát. Trăng ảo hiện, lúc khép tối, lúc mở òa sáng rỡ giữa những tàng cây đang đu mình xào xạc gió núi. Trăng như róc rách tuôn chảy không ngớt những làn nước óng ánh màu thau bạc giàn qua những vuông gạch loang loáng. Đưa tay chụm lại như hứng được cả hũm vàng lóng lánh man mát thơm thơm. Người đời lầm lụi nhưng cũng thụ hưởng khôn cùng phước báu vô lượng của trời đất. Qua những đêm đen thăm thẳm, lại đến những đêm sáng tròn vành vạnh, lăng lắc nhớ thương như vành nôi mẹ chao con ngủ. Phải rồi, nay trăng mười sáu. Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy sảy giường chiếu, mười tám rám trấu, mười chín đụn dịn, hai mươi… Kẻ xuất gia đâu dám ngắm hoa, thưởng nguyệt. Nguyệt hoa làm hao tổn chí khí. Trăng thanh, gió mát, cảnh vật thơ mộng sẽ sâu chùng hoài niệm. Vô tình đêm nay, mà dậy lòng thác đổ. Cũng đêm trăng tháng sáu này… Chàng tiểu Thiên năm xưa gục xuống tê tái. – “Tiểu Thiên xin sám hối Trời Phật! Con xin tạ lỗi Thầy! Tôi xin lỗi tiểu Mai! Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng trong đời tiểu làm chuyện ấy.”.
Ngày ấy, tiểu Thiên khăn gói quả mướp đến chùa xin tu tập. Gặp thầy Đăng Đạo, tiểu Thiên bủn rủn tay chân. Trước mặt tiểu Thiên sừng sững một vị Đường Tăng đi lấy kinh trong phim Tây Du Ký. Nhìn hai người mà như một. Quả ư tiếng lành đồn xa. Thầy Đăng Đạo không những đẹp sư mà còn giỏi giang. Trước đây, chùa mới dựng tạm sơ sài. Mấy năm thầy về đã tôn tạo, mở rộng khang trang. Chùa còn mở các khóa tu hàng năm từ giữa hè cho đến lễ Vu lan. Có các khóa tu nên mới xảy ra biến trong chùa Đại Quang năm ấy.
Năm ấy, ni sư tiểu Mai được về tu tập. Ni chừng mười tám, đôi mươi. Ni có vóc thon nhã, da trắng bóc, vẻ mặt đài các thanh tú. Ngay buổi đầu. Dù chỉ dám nhìn thoáng bóng. Không hiểu sao. Tiểu Thiên thấy chột dạ. Tiểu nhớ lại đôi câu đối: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân.”. Sắc đẹp khác gì cơn mưa đã giữ khách ở lại? Sắc đẹp khác gì sóng lớn làm chìm đắm kẻ người? Từ chức sắc, anh hào đến đại gia, học thức. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Phật cũng đã dạy: “Trong các thứ ham muốn, ái luyến không gì sâu nặng bằng sắc đẹp. Sắc đẹp gây ra sự ham muốn chẳng có gì bằng.”. Tích sử Trung Hoa đã từng có tứ đại mỹ nhân làm bật bãi ngai vàng, hủy hoại cả một triều đại lẫy lừng. Sắc đẹp không chỉ là sóng lớn, còn là triều dâng, thần sóng. Các khóa tu trước, có ni cũng sánh ngang nàng hậu nhưng chưa ai bì kịp tài sắc của tiểu Mai. Gái ham tài, trai ham sắc. Thầy Đăng Đạo vốn nức tiếng, vạn người mê. Đa đoan cũng dễ xảy ra… Vậy mà, dự cảm của tiểu Thiên thành sự thật. Nhưng đau hơn. Không riêng thầy Đăng Đạo. Tiểu Thiên cũng mắc tội.
Tối ấy, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Thầy Đăng Đạo đi vắng chưa về. Tiểu Thiên đang ngồi thiền kinh. Bỗng có tiếng kêu thất thanh:
– Rắn! Rắn! Cứu! Cứu tôi với!…
Tiểu Thiên vớ luôn cây đèn pin chạy nhào ra. Dưới ánh trăng, tiểu Thiên đã thấy bóng người vừa chạy vừa kêu cứu chính là tiểu Mai. Tiểu Thiên đứng chặn tiểu Mai lại:
– Cô có làm sao không? Nó cắn chỗ nào? Để tôi hút máu độc ra rồi garô lại.
– Hình như chân tôi…
Ngày ấy, chùa vẫn còn khu nhà tắm và vệ sinh ở sát lạch mương liền với cánh đồng. Vì thế, cóc nhái nhảy vào là chuyện thường. Không ngờ lại có cả rắn. Tiểu Mai vừa mới cởi áo vắt lên. Bất ngờ con rắn chui qua ô mắt cáo lao xuống, sượt qua người, quẩn chân rồi chui ra theo cống nước.
Tiểu Mai giơ chân lên để tìm vết cắn. Tối ấy, trăng cũng sáng rõ mặt người nhưng tiểu Thiên vẫn phải bật đèn pin để soi. Quét qua một lượt không thấy vết cắn nào.
– Không sao rồi! Cô đưa chân kia xem.
Tiểu Mai cúi xuống nhấc chân kia thì choạng người suýt vồ ngã. Chiếc khăn tắm choàng vội bị tuột xuống. Bất giác tiểu Thiên nhìn lên. Dưới ánh vàng rờ rỡ, hai bầu ngực như hai đỉnh núi tuyết nhô cao. Song hình như có vết gờn gợn? Nhanh như cắt, tiểu Thiên lia ánh đèn roẹt qua. Đập vào mắt tiểu Thiên là mấy vết ngực còn thâm tím. Sao thế này? Không phải vết rắn cắn. Là vết của người. Hai hàm răng vẫn hằn rõ. Tiểu Mai hoảng sợ định bỏ chạy nhưng đã bị tiểu Thiên khóa chặt lại.
– Đây rồi! Vết bợp nhưng không sâu. Răng này là của ráo nước nên không độc. Tuy thế, vẫn phải đề phòng. Tôi sẽ garô rồi hút máu độc ra.
Tiểu Thiên lột ngay chiếc may ô đang mặc để garô. Rồi chàng vừa bóp, vừa ngoạp mồm hút máu nhổ ra. Xong xuôi, cả hai vẫn lặng thinh không cất với nhau một lời.
Đêm ấy, phía bên ngoài, trăng lấp lánh ánh vàng lay động. Còn gian bên trong của tiểu Thiên như hầm tối khủng khiếp. Tiểu thiên bứt dứt đứng ngồi không yên. Những vết bầm da thịt như tra cung hỏi tội. Ai đã làm chuyện này? Chùa có hai người đàn ông. Ta không làm. Chẳng lẽ thầy ta? Không thể thế được? Thầy không thể mạo phạm chuyện tày trời này được? Hay kẻ bên ngoài đột nhập vào? Chùa có chó dữ. Nghe động, chúng xông ra chiến luôn, không thể vào được. Thật vô lý! Vậy ai vào đây? Kẻ nào đã gây ra nỗi nhục nhã, hổ thẹn này?!… Ngồi thừ một lát. Tiểu Thiên bất giác run lên. Trời ơi! Nam nữ thụ thụ bất thân. Ta đã gây ra tội lớn rồi! Ta đã săm soi, bóp nặn. Ta đã kề ngoạm da thịt ni sư… Trời ơi! Tại sao ta lại làm vậy? Con Nam Mô A Di Đà Phật! Con luôn giữ đức tu hành. Con đã dứt bỏ ham muốn nhục dục. Con không cố ý!… Tiểu Mai ơi! Đây là tai nạn, là sự cố không mong muốn đúng không?… Không! Ni sư ơi! Ta vẫn là kẻ trọng tội. Tội trong ý nghĩ, trong tâm thức. Tội lọt cửa người nhưng không lọt cửa trời. Trời biết, đất biết!… Tiểu Mai ơi! Ta còn khốn nạn hơn kẻ phàm dâm kia! Ta đã thoạt nghĩ. Ta là kẻ tội đồ may mắn lạc vào vườn cấm. Lần đầu tiên, ta chạm được đôi chân thon nõn như đôi đòng đòng nếp, đẹp đến hoàn mỹ. Lần đầu tiên, ta được chiêm ngưỡng vẻ tuyệt sắc của hai bầu ngọc thơm tuyết trắng đỉnh kim sa… Tiểu Mai ơi! Ta xin chịu tội vì sự may mắn ấy! Nàng hãy cho ta lấy công chuộc tội. Ta sẽ trả thù kẻ làm vấy bẩn, hoen ố da thịt nàng. Kẻ ấy… Trời ơi! Hắn đã cưỡng ép! Hắn đã điên cuồng tàn bạo! Cả chỗ vùng kín ấy cũng bầm dập, đau đớn?!… Trời ơi! Ta đang căm thù, đồng lõa, hay đang khát thèm đây? Con dâm thú đã trồi trật. Nó đã ngửi mùi tục lụy, mùi trinh nữ, mùi hương dã tinh khiết… Trời ơi! Nó ngang tàng, nhiễu nhương. Ta bất lực rồi sao?… Nàng ơi! Ni sư ơi! Tim ta đang sôi rừng rực. Ta muốn căng vỡ, muốn xé toang, muốn giải phóng, muốn tung hê vọt trào… Tiểu Mai ơi! Ta là kẻ dâm tặc xảo trá! Kẻ phàm phu tục tử! Ta đã hại em!… Tiểu Mai ơi! Anh yêu em!…
Từ đêm ấy, tiểu Thiên tự nhốt mình trong phòng. Tiểu không hay bên ngoài chùa đang nóng sùng sục. Thầy Đăng Đạo đã đi tự thú và xin chịu hình phạt cao nhất là hoàn tục xuất giới. Chính trong hôm thầy đi vắng.
Đêm chia tay thầy Đăng Đạo. Lần cuối hai thầy trò tâm giao. Trăng canh tư đã nhợt. Sắp phải giã biệt sân chùa, gác chuông, tam bảo, đến từng hốc cây, ngọn cỏ, từng dấu chân trượt mưa dẫm nắng… kẻ đứt gánh đường tu đầm đầm nước mắt. “Kẻ xuất gia may mắn khi đã vẹn nửa gánh đời. Đường tu như căng  buồm vượt khơi. Kẻ nặng nghiệp đời. Trong tâm có Phật vẫn chưa an. Bởi tâm vẫn động chữ tình. Tình đời, tình người, tình yêu, tình trai gái… Đường là đận. Đận tu như bị mắc cạn. Đận tu ấy nghiệt lắm! Tróc trầy lắm! Đớn đau khổ hạnh lắm! Có lối mà nghẽn!”. Lời thầy nói, tiểu Thiên đã ngẫm. Thái tử Tất Đạt Đa đã vẹn nửa gánh đời. Ngài có vợ đẹp, con khôn, cung vàng, điện ngọc. Ngài còn có cả một giang sơn. Nên đường tu của ngài nhẹ gánh quang mây. Thầy ơi! Giờ, cả hai thầy trò đều đang mắc cạn! Thầy như cây cao thẳng thắn trung thực. Thầy hy sinh cho đạo nhưng cũng sẵn tử vì đạo, vì quyền tối thượng của Trời Phật, vì sự tôn nghiêm, đức trong sáng thiện lương của đạo giới. Tiểu Thiên hèn yếu, chỉ biết lánh đời, cúi đầu sám hối. Tiễn biệt thầy! Con xin lưu đày về nơi rừng hoang núi thẳm kia!… Thời gian vụt trôi. Bóng câu qua cửa. Đã hơn chục năm ròng.
Cửa tam bảo được mở ra. Đôi Thạch Sùng vẫn chỗ cũ. Con đực đã cố lết đầu ghếch vào con cái. Hai bên mép còn rây dớp những vệt đỏ nhờ nhờ. Sư thầy cúi đầu se thắt. – “Rời cõi này, gia đình thí chủ sẽ đi về đâu?”. Câu hỏi tự nhiên khai mở cho thầy về sự luân hồi. Phải rồi. Kiếp trước, Thạch Sùng đã làm người. Có cả một gia tài lớn. Chỉ thiếu chiếc mẻ kho. Người đời bảo Thạch Sùng vẫn kêu tiếc của. Ngậm ngùi thay! Người dương gian có thao thức đêm mới nghe được tiếng rầu rĩ đau đớn ấy? Tiếng của một kiếp người đã u mê lầm lạc. Tiếng của một kiếp nạn đau khổ ai tường? Nhân quả không thể đổ thừa cho ai. Nhân quả, ai biết nhãn tiền nhanh như cơn gió vậy? Đêm đông tê buốt như kim đâm da thịt. Cả khu rừng rền rĩ tiếng khóc thê lương. Kiếp vật chưa qua. Kiếp người chưa độ. Thương nhất họ hàng nhà khỉ. Lúc the thé, rấm rẳng. Lúc rầm rĩ, lu loa. Lúc tủi hờn, ai oán. Họ nhà trưởng giả thỉnh thoảng lại kéo nhau về làng tìm giếng quen mong hóa lại thành người. Đêm ba mươi tết. Ông hổ gầm lên dữ dội mới thấy sự đơn độc, căm hận đến chao đảo trời đất của ngài Phạm Nhĩ. Cõi trời, ngài chưa về được. Cõi người, ngài vẫn bị giam chân. Ngang trời, dọc đất tung hoành, ngài vẫn trong thế cũi sắt lồng trời? Ngài vẫn căm hận kẻ người ư? Kẻ người đã không vận vào mình kiếp sau. Để đón tết. Kẻ người còn lùng sục  sơn cùng thủy tận để săn bắt con dân của ngài. Kẻ người còn bổ đầu, cắt tiết, ăn tươi nuốt sống. Tết! Nhà nhà vui vui. Người người tíu tít. Có kẻ nào màng đến chốn rừng xanh? Kẻ người còn vẩy mắm tôm đặc chặn đường để lớn bé nhà khỉ khóc trầy máu mắt… “Ngài Phạm Nhĩ ơi! Sự tích về Ngài và các thần dân của Ngài đã được lưu trong những pho truyện Cổ tích. Vậy nên, kiếp này là kiếp tu. Kiếp soi sửa mình. Xin Ngài từ, bi, hỉ, xả, buông bỏ sân hận. Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Loài người đã nhận ra lỗi lầm và tu chỉnh… Thưa Ngài! Khi sống, mỗi loài, mỗi kiếp, mỗi phận khác nhau. Khi chết, mọi sự chết đều giống nhau. Cái chết sẽ thay tên, đổi phận. Nay con dân Thạch Sùng của Ngài đã tu xong kiếp nạn. Xin được vinh quy trở lại phúc đường!”… Sư thầy đã không ghìm được xúc cảm. Ông đưa tay thấm những giọt nước mắt đầm đã.
Ba hồi chuông vang động giòn giã khắp cõi Cô Thình. Sư thầy bước lên bậc Tam Bảo. Đêm nay, Thầy cầu nguyện cho đôi Thạch Sùng được siêu thoát trở lại làm người. Làm thứ dân yên hàn vui vầy gia đạo. Trước mắt sư thầy. Một dàn hỏa thiêu được dựng lên. Phía trên dàn thiêu. Hai thân cây lớn được khoét rỗng để đặt thi thể vợ chồng Thạch Sùng. Từ khắp thập phương. Muôn các loài bò sát, gia cầm, muông thú, thủy sinh, côn trùng rầm rập kéo về. Trăng chênh chếch treo ngang đỉnh núi. Các ngả đường như trải chiếu trăng ngợp hình hoa, bóng lá. Muôn chân nhộn nhịp. Muôn mặt tỏa rạng. Khi tiếng tụng kinh gõ mõ rộn lên. Tất cả ngưng lại kính cẩn lặng lẽ. Đông đảo họ nhà khỉ đứng hàng dài dặc. Mấy cụ khỉ già khóc dấm dứt, mắt đỏ hoe. Thoáng chốc, giàn lửa cháy bén, kêu reo réo. Gió càng to, lửa càng bốc ngun ngút. Cả một khu đất rộng bừng bừng lộng lẫy trong đuốc lửa rừng rực. Tất cả các loài cùng choàng tỉnh. Chúng reo lên nhảy múa, hò hát. Lễ an táng đã biến thành một vũ hội hóa kiếp tưng bừng. Vũ hội nhất thể muôn loài. Chúa Sơn Lâm đã rống vút lên những tiếng hào sảng, oai phong, lừng lẫy. Từ lâu, ngài đã mong ước điều này. Rồi đây, muôn dân của ngài sẽ được hóa kiếp trở lại cõi người. Cõi tục người đau khổ mà vô vàn hạnh phúc.
Vĩ thanh:
Trên đỉnh Cô Thình đã hàng ngàn đời nay. Đây là lần đầu tiên vũ hội nhất thể muôn loài được tổ chức. Nhiều cung bậc cảm xúc đã diễn ra. Hoan hỉ, sung sướng, bùi ngùi, xúc động, ngập ngừng, bối rối, mừng mừng, tủi tủi…
Lẫn trong dòng quần thú đổ về. Sư thầy đã nhìn thấy người thầy năm xưa và “người tình” năm cũ. Giờ, chỉ là lữ khách.
Lữ khách đi từ phía đằng tây. Người khoác áo nâu sồng cao dong dỏng. Khuôn mặt đượm buồn mà an nhiên. Lữ khách vẫn giữ được vẻ đẹp mong manh sương khói mà không khỏi nao nao cõi lòng thế tục.
Lữ khách đi từ phía đằng đông. Người vẫn giữ được nét trung hậu nhưng đã dữ dằn bởi bộ râu quai nón. Kẻ đứt gánh đường tu đã trở về với gánh đời. Thân hình vâm vấp. Chiếc áo chàm đen bị hớt trước bởi cái bụng tròn ủng lồi ra. Sư Thầy chợt nghĩ đến Chư Bát Giới trên đường đi tìm kinh.
Tiểu Mai ơi! Sư cô có còn thương nhớ mặn ngọt vị đời khi trên vai quẩy gánh đường tu?
Thầy Đăng Đạo! Anh Tảo Nhật ơi! Anh có vui vẻ, an lạc quẩy gánh trần ai của kẻ sơn tràng rừng rã này không?
Đường là đận. Đận tu nghiệt lắm! Tróc trầy lắm! Đớn đau khổ hạnh lắm! Thích Tuệ Thiên mới được một quãng đận này. Bao giờ mới chính quả chân tu?
Chân tu như chân núi, chân rừng, chân mây, chân bể…
26/6/2024
Trịnh Minh Hiếu
Nguồn: Truyện ngắn dự thi Báo Văn Nghệ 2022-2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những bài báo đầu tiên

Những bài báo đầu tiên Tôi khởi sự đến với văn chương, báo chí thấm thoắt đã tròn 30 năm. Tháng 2.1994, tôi nhập ngũ vào Trung đoàn 421, S...