Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Lát cắt Vĩnh Quyền trong tiểu thuyết "Thương ngàn"

Lát cắt Vĩnh Quyền trong
tiểu thuyết "Thương ngàn"

Đọc cuốn Tiểu thuyết Thương ngàn của nhà văn Vĩnh Quyền vừa mới ấn hành, cảm giác tim tôi bị bóp nghẹt bởi từng nhân vật. Thử hình dung, đây như một bộ phim vậy, tiểu thuyết này đã vượt thoát ra khỏi ranh giới của phong cách viết truyền thống. Khi nhận ra có khi tác giả đóng vai là người kể chuyện nhưng cũng là nhân vật chính để thắt/mở các mối rối rắm trong cuộc đời mà ông đã và đang buộc chặt.
Tiểu thuyết Thương ngàn của nhà văn Vĩnh Quyền do Nhà xuất bản Trẻ in, phát hành tháng 5.2023 – là cuốn tiểu thuyết thứ 5 trong 18 đầu sách của nhà văn Vĩnh Quyền, đưa người đọc đến bờ vực của nỗi đau tận cùng trong hành trình hồi sinh những cánh rừng, những loài động vật đã và đang tuyệt chủng. Bàn tay con người với sức tàn phá kinh khủng, đã xoá sạch nhiều giá trị cốt lõi của tài nguyên, văn hoá. Và tận sâu là giá trị hiện sinh, đối với một tác phẩm văn học hiện thực.
Dẫu lời đề tựa của tiểu thuyết này, nhà văn Vĩnh Quyền khẳng định “Thương ngàn là một tác phẩm hư cấu” nhưng đọc từng câu chữ, từng trường đoạn, lại là một tác phẩm chứa đầy hiện thực, đến ngột ngạt và ngay cách ông khép lại cánh rừng trong câu hát lý của người dân tộc Katu trong ngôi làng Zum với đẫm màu truyền thuyết Mùa săn trăng máu của tộc người Katu. Hình ảnh những con người như được xây dựng nên từ chân dung ký hoạ của tác giả, đến các nhân vật như mối tương duyên với nhân vật “tôi”, đến hình ảnh của những người giữ rừng – người dân tộc Katu trong tác phẩm này, được biến hoá theo diễn biến tâm trạng nhân vật và từng cao trào tâm lý, ngay cả khi họ dùng vũ khí để bắn về phía điều trái nghĩa. Việc biến hoá các ẩn tích truyền thuyết đề xây dựng lối viết kể như không kể, tả nhưng không tả, đã dẫn dắt người đọc đi qua nhiều cung bậc cảm xúc và xoáy vào tác phẩm, đánh dấu nút thắt qua số phận từng nhân vật.
Thương ngàn – ngay cái tên của cuốn tiểu thuyết cũng là một minh chứng cho nhiều hơn điều tác giả ký thác, nhắn gửi vào tác phẩm. Đó như nỗi day dứt nhớ rừng ngay cả khi ngồi dưới tán rừng, lo lắng cho nhiều giá trị rừng dần rụng rơi, biến mất mà “lực bất tòng tâm”. Diễn biến tâm lý nhân vật “tôi”, tự buộc mình vào cuốn sách để vừa là người dẫn truyện, vừa kể chuyện và tự kết thúc câu chuyện của rừng với tàn tích vết thương rỉ máu. Với ngồn ngộn thác ghềnh trong các hũ tục được khai phóng, tách bóc để từng bước chân của con người, giẫm lên rừng với vô vàn sinh linh của tạo hoá. Con người  đã và đang “ăn mòn” chính cuộc sống, tước đoạt chính bầu khí quyển của mình – bằng tất cả sức lực vốn có. Đó là những trận vượt rừng trong hoả hoạn, những trận đã kích thân tâm khi chính nhân vật tôi đã “thua” trong tình yêu, hạnh phúc riêng của mình với gia đình vỡ vụn, chia ly; là thua với hành trình đi ngược chân lý để cứu muôn loài muông thú trong rừng nhưng không thể khuyên can nổi chính em trai mình rằng hãy ngừng đặt bẫy thú, là hãy ngừng ngay việc ăn thịt thú hoang…khi đối diện với ánh mắt và cái thở dài của đấng sinh thành.
Tiểu thuyết Thương ngàn với 11 chương đoạn, được tác giả cố tình đảo ngược thứ tự để dẫn người đọc vào ma trận Thương ngàn, với cả hiện thực và truyền thuyết, giữa những con người hôm nay và những truyền nhân xưa với kỵ binh và tấn mã, với đao, phóng, lửa…và đại ngàn cùng không ít lần tác giả lột tả nỗi đau tột cùng, niềm oán hận của con người bằng những tia mắt vằn máu, nảy lửa.  Đó là cuộc chiến của Ali, Glang, Agot…của làng Zum và chàng Long Điền huyền thoại.
Hình ảnh rừng tre – hình ảnh rất gần với văn hoá người Việt, được nhà văn dựng nên bằng thành luỹ của âm thanh nổ toác, đổ rạp. Cái âm thanh đó, thôi thúc cuộc trở mình làm đàn bà của đứa con gái mới lớn là Ali. Và rồi, hành trình làm đàn bà ấy, dấu hiệu của sự trưởng thành ấy, xoáy vào tâm can người đọc. “Đúng lúc, tiếng nổ toác của một lóng tre phát gần đó. Dấu hiệu nhiệt độ tích tụ trong thung lung đang vượt ngưỡng. Hiện tượng khí hậu cựu đoan không đủ kéo Ali khỏi trạng thái bối rối trước hiện tượng chuyển hoá của bản than. Xa xa, thêm một lóng tre nổ phụ hoạ rồi tất cả lại chìm vào bầu khí tù đọng bốc hoả. Ali bỗng lảo đảo. Cánh rừng rung chuyển bởi hàng loạt tre phát nổ, gãy đổ ầm ào” (trích phần ba, trang 26)
Ám ảnh mùa săn máu, đó là ám ảnh của cả một hành trình đi ngược lại luật rừng, đi ngược lại lối mòn mà tác giả muốn đặt cược trang viết để minh chứng về sự bao dung, lòng nhân hậu – giá trị còn mãi trên nhân gian này – con người dù ở bất cứ hoàn cảnh oan trái nào, đau đến cỡ nào, cũng không thể mãi sống trong hận thù, trả thù rồi ngồi ôm ân hận mãi. Con người, buộc phải thoát ra để tự cởi trói cho chính mình, để có thể sống một đời có nghĩa – rằng gáy người không thể lạnh: “Mũi tên rời dây ná, Agot như rơi vào vực tối không đáy. Cái cảm giác hối tiếc trong ngày săn máu, đã bị lễ tục bao đời và ánh hào quang dũng sĩ ghìm sâu vào tiềm thức, giờ chợt quay lại. Và trái tim yêu hận dữ dội của Agot đóng bang khi chứng kiến Ali lao lên cầu thang, quỳ sụp bên “con thú” nhuộm máu”. (trích phần Chín, trang 129). Đó chính là diễn biến tâm lý nhân vật ngộ ra sự thật đằng sau nỗi yêu hận không được đáp trả, cho cái lặng im của núi rừng và cho cả cái cảm giác ớn lạnh sau gáy anh, khi mũi giáo của già làng Quanh Glang, chạm vào thức tỉnh.
Như cách tác giả đúc rút: “Chẳng thể thay đổi ký ức thương tổn, nhưng tình yêu có thể làm nên ký ức tương lai, thứ ký ức xoa dịu đau buồn trong ký ức quá khứ” (trích phần Chín, trang 135). Dòng nhân vật tôi, Vy, Thư…của hiện tại kéo người đọc về với hiện tại ngồn ngộn thông tin, của tính thời sự, báo chí và những cách mở để người đọc rời cơn mê của truyền thuyết về rừng, về mùa săn trăng máu, về với cuộc sống thường nhật hằng ngày…Đó là những chấn động của thiên tai, mất mát đã và đang xảy ra nứt toác những ngọn đồi, những cánh rừng bị tàn phá nặng nề và cả những sợi dây tình thân trong mỗi một gia đình đã và đang có những hoán đổi, rời rạc và con người ta buộc phải chấp nhận cái đã rồi. Xoắn lại, co lại, bóp chặt trong đôi tay mình nhiều hơn nỗi niềm cần được san bớt, từ một gánh nặng mà tác giả đã và đang mang trên vai mình khi đắm chìm trong thế giới văn chương đầy ám ảnh hiện thực. Với cách tận dụng triệt để mọi góc cạnh của các tuyến nhân vật, Thương ngàn đã chạm đến nhiều góc khuất của xã hội từ góc nhìn trực diện. Nhà văn Vĩnh Quyền khiến người đọc trôi vào tác phẩm và chảy theo mạch nguồn đó, về tới đích cuối cùng của một bóng cây cây lim xanh chỉ còn là ký ức gửi trên bức vách. Người đọc, có thể hiểu rằng cây lim xanh ngàn tuổi đó, đã bị đốn hạ và đưa về xuôi, chế tác thành cái cột, cái kèo, hoặc đơn thuần chỉ là một bức vẽ ngoại cảnh của một hoạ sỹ nào đó. Và phải chăng khi tác giả cầm lên tay mình một ly rượu mạnh, là để cố quên đi thực tại đã nhuốn màu truyền thuyết bằng giấc mơ có thể gầy dựng lên một rừng lim xanh phủ cả cánh rừng?
Người đọc, có thể tiếp cận tiểu thuyết Thương ngàn bằng sử học, bằng văn hoá đậm sâu của mảnh đất Cố Đô Huế, bằng truyền thuyết các tộc người hoặc bằng khoa học tự nhiên của vô vàn sinh-linh trên đại ngàn xanh thẳm. Và con người, như chìa khoá mở ra từng cánh cửa để người đọc bước vào không gian rất ngắn của cuốn sách với vẻn vẹn 172 trang. Và ám ảnh còn lại như lát cắt của nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền lưu dấu đậm sâu trong từng trường đoạn đi tới tận cùng của nguồn ánh sáng hiện sinh. Bất chợt, vọng lại đâu đây tiếng sáo, tiếng khèn của những đôi trai gái làng Zum huyền thoại, hư thực, thực hư đan xen cất tiếng vọng giữa đại ngàn rừng thẳm – Về một nỗi thương rừng thiết tha cháy mãi chưa bao giờ nguôi cạn.
9/1/2024
Nguyễn Thị Anh Đào
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...