Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Ngô Thị Ngọc Diệp

Truyện ngắn của hội viên
mới Ngô Thị Ngọc Diệp

Ngô Thị Ngọc Diệp sinh ngày 1.6.1970, quê quán thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện ở phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và công tác tại Trường Tiểu học Tân Đồng.
Nhà văn Ngô Thị Ngọc Diệp đã xuất bản: Hương điều (Tập tản văn, 2018); Trưa nay chim khách lại về (Tập truyện ngắn, 2019); Mùa cỏ đuôi chồn (Tập tản văn, 2020).
Chị được trao Giải khuyến khích của Tạp chí Văn Nghệ Bình Phước, Giải C và khuyến khích Cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước năm 2008; Giải B Cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước 2019; Giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT VN 2020, Giải B VHNT Bình Phước năm 5 lần thứ I, 2022; Giải A Cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước, giai đoạn 1 (2022-2023), Giải xuất sắc tác phẩm viết về mẹ Chương trình Chào nhé yêu thương của Đài Phát thanh, Truyền hình và Báo Bình Phước, năm 2023; Giải khuyến khích Cuộc thi Hào khí Miền Đông do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2024…
Nhà văn Ngô Thị Ngọc Diệp được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn năm 2023.
ĐIỂU EN
Hàng xóm trong rẫy nhà tôi là một người đàn ông S’tiêng. Gia đình tôi và những người quanh đây không ai biết ông tên là gì vì ông bị câm lại sống một mình. Ba tôi đã thử viết chữ ra giấy để nói chuyện với ổng nhưng ông ta xua tay, ra dấu không biết. Nên mọi người mặc nhiên đều gọi ông là Ông Câm.
Ông Câm sống một mình, không thấy có vợ con gì cả. Nước da đen bóng, đôi mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Thoạt đầu nhìn ông già cởi trần, hàm răng trẳng ởn lúc nào cũng cắn điếu thuốc rê có vẻ không thân thiện nhưng quen biết lâu thì mới thấy ông rất hiền. Mái tóc xoăn đen có lẫn nhiều sợi bạc chấm vai. Đã nhiều lần ba hớt tóc cho ông nhưng ông đòi phải để tầm ngang vai mới chịu. Chỉ vào đầu tôi, ý ba bảo hớt gọn như tóc của tôi thì ông lắc đầu không chịu.
Chòi của ông và chòi nhà tôi gần nhau, đi bộ mươi phút là tới. Chỗ ông ở có cái mọi nước trong veo. Mọi nước này mùa khô cũng không cạn. Ba tôi bảo, ở vùng đất đỏ khô khát có được thứ quý giá này chủ nhân phải là người tử tế lắm thì trời mới ban lộc. Chúng tôi thường qua tắm giặt và xin nước về nấu cơm. Nhà chúng tôi đến vụ mới vào rẫy, hết việc thì về, còn ông quanh năm suốt tháng ở đấy, tiện thể trông coi giúp cho nhà tôi. Mỗi khi vào rẫy ba tôi thường mua thuốc rê, mắm, muối, gạo cho ổng. Ổng thích nhất là nhang, dầu hôi, thuốc rê. Thuốc bao ông cũng không thích, chê nhẹ quá hay sao ấy.
Trước chòi nhà ông có mấy cái ụ mối to tướng, cắm đầy chân nhang, nhìn sờ sợ như mấy ngôi mộ. Bên chòi nhà mình tôi cũng thấy ba má cắm nhang đầy vào mấy ụ mối loanh quanh. Ba tôi bảo thắp nhang xin thần rừng thần núi, xin người khuất mặt khuất mày phù hộ cho nương rẫy được mùa, vợ chồng con cái mạnh khỏe bình an.
Chúng tôi vào làm cỏ, hái điều ông đều qua phụ. Làm xong thì về, trả tiền công không lấy, lôi kéo, gọi mãi thì mới chịu ăn cơm. Ăn cơm chỉ thích cá khô, rau luộc, đậu xào, không ăn canh bao giờ. Vườn điều nhà tôi chưa bao giờ mất một hột, kẻ xấu vô vườn đều bị ông đuổi, thấy ông là họ sợ không dám bén mảng tới. Đã vậy ông còn cho nhà tôi rất nhiều thứ: lúc thì nấm mối, nấm mèo, khi thì mướp rẫy, khi thì bí đỏ, khi thì măng le… Đi làm giữa trời nắng chang chang, trong rẫy đầy cỏ gai, muỗi mòng, kiến, ong đủ thứ nhưng ông vẫn cởi trần quanh năm, trên người độc một chiếc quần đùi và đôi dép râu mòn nhẵn đế. Ba tôi cho áo quần nhiều lần, ông lấy về để đó, chẳng chịu mặc bao giờ. Ban đầu thấy ông chúng tôi sợ lắm, lâu dần thành quen, hễ vào rẫy là sang chòi nhà ông chơi. Theo ông đi bắt cá, bẫy chim, bẫy gà rừng. Ông còn có tài bắt rắn và bẫy thỏ.
Như thường lệ, tuần rồi cả nhà tôi lại vào dọn rẫy chuẩn bị cho mùa điều đơm bông. Tôi và thằng út chạy qua chòi nhà ông. Tôi xách chai dầu hôi, bịch thuốc rê, mấy cái hộp quẹt qua cho ổng nhưng thấy chòi vắng tanh. Quần áo vẫn vắt trên dây bên cái sạp, chỗ ngả lưng của ông. Mấy cái nồi méo mó lăn lóc, bếp lửa lạnh ngắt… Hốt hoảng chạy về nói lại cho ba má biết, hôm ấy cả nhà làm việc mà cứ mãi nghĩ về ông, không biết ông đi đâu, ông có bị làm sao không… Trưa má nấu cơm thì ba cha con tôi lại sang chòi nhà ông, đi quanh khu rẫy, ra chỗ trồng bí, trồng mướp, xuống mọi nước tìm cũng không thấy tăm hơi đâu cả.
Ngồi nhai cơm mà nghe nghèn nghẹn sao đó. Chiều ba kêu má bảo đưa chúng tôi về sớm, ba rẽ vô chỗ mấy chú kiểm lâm hỏi thăm về ông. Ba biết mấy chú đó hay ghé chòi nhà ông chơi. Chú Bình trạm trưởng cho ba biết ông Câm bị bệnh, đơn vị đã bố trí đưa đi viện dưới huyện. Chao ôi, nếu mấy chú không đến kịp có khi ông ấy chết còng queo rồi cũng nên. Chú Bình kể, khi mấy chú ghé vào thấy ông nằm rên hừ hừ, mặt mũi xanh như tàu lá. Căn chòi chỉ có bếp lửa âm ỉ khói và đặc biệt mấy ụ mối phía trước vẫn ngan ngát mùi nhang. Mấy chú lôi ông dậy chở đi viện mà ông cứ xua tay không chịu đi. Phải đến lúc, một chú cõng, một chú đi sau đẩy ông mới chịu yên. Cái xe máy tống ba chở ông xuống viện, mấy chú cắt cử nhau chăm sóc. Ông bị sốt rét và đói… khổ thân chưa!
Sáng hôm sau ba cho tôi theo lên viện thăm ông, chú Lâm đang ở đó. Thấy cha con tôi ông cười tươi, vẻ mỏi mệt biến mất. Ông kéo tay ba tôi ra hiệu muốn về. Ba chạy vô phòng bác sĩ trực, họ cho biết ông bị sốt rét và suy nhược cơ thể. Về nhớ bồi dưỡng cho ổng. Mặc áo bệnh viện tý xíu ông lại cởi ra, bác sĩ đến đưa áo ông lại mặc vô, cả phòng bệnh ai cũng cười, nhìn ông như người rừng mới về phố vậy. Bệnh án cũng ghi Ông Câm, không có tuổi vì chẳng ai đoán ra, trong người ông chẳng có giấy tờ gì sất.
Chú Lâm làm thủ tục xong thì chở ông về thẳng Trạm, ý muốn ông ở đó bồi bổ ít hôm đã. Ba nghe vậy cũng yên lòng.
Tuần sau vào đã thấy ông về chòi, đang lụi hụi đan đó và làm trúm bắt lươn. Cái giỏ đựng tôm cá của ông mới đẹp làm sao, phải nói là tinh xảo. Tay ông đan thoăn thoắt sao mà khéo quá. Thấy thằng út cứ mân mê cái giỏ, đeo ướm vào người, ông cười tươi rồi lấy đeo cho nó, ý bảo “cho cháu đấy”. Thằng út không hiểu, đeo đi chơi loanh quanh, đựng cá cua bắt dưới suối về lại cởi ra trả cho ông, ông cứ cầm chạy theo đưa cho nó… Ba má kêu thằng út mang qua trả cho ông, mình lấy làm gì, nhà ngoài thị trấn có cá cua gì đâu mà đựng, thằng út cầm chạy qua, treo lên vách chòi cho ông, thấy ông trừng mắt, tròng trắng long lên dữ dữ là… Ông Câm cầm cái giỏ xuống đeo vào ngực cho thằng út, xoa xoa đầu nó vẻ thân thiện lắm. Thằng út vừa sợ vừa vui cúi đầu cảm ơn ông rồi đeo giỏ chạy về. Cái giỏ, món quà của Ông Câm cho vẫn được thằng út treo trên vách phòng học của nó.
Đám đất gần suối âm ẩm, ba má tôi dọn sạch trỉa bắp, ông Câm cũng qua phụ. Ông chài lỗ nhanh và thẳng hàng. Ba nói cứ trỉa đại đi, đất tốt thế nào cũng có trái, khi đói Ông Câm có cái mà ăn. Bắp nướng, bắp luộc đều ngon, khi bắp già thì làm món bắp hầm.
Hết mùa điều thì cả mấy tháng gia đình tôi không vào rẫy, thỉnh thoảng ba ghé qua cho ông chục ký gạo, chai dầu gió, bịch thuốc rê rồi thôi. Thấy ông đơn độc giữa khu rẫy vắng vẻ mà ái ngại.
Hôm rồi mấy chú kiểm lâm lại ghé qua thăm chừng nên mới biết ông bị rắn cắn lúc tối khi ra thắp nhang cắm chỗ mấy ụ mối trước chòi. Mặc dù đã đắp lá thuốc bí truyền của dân tộc, nhưng thấy chân sưng to, mấy chú lại chở ông đi viện kiểm tra. Cũng may nọc độc không phát tán nhưng chân sưng do nhiễm trùng, từ vết trầy xước bị nước lá thuốc ông đắp ngấm vô. Bác sĩ cho thuốc về nhà điều trị. Mấy chú ấy lại chở ông về trạm, vì chân đau nên ông không thể bỏ về chòi như lần trước. Cầm gói thuốc bác sỹ khoa Ngoại đưa, chú Bình kiểm lâm ngạc nhiên vì bữa nay ông Câm đã có tên. “Bệnh án” ghi Điểu En. Thì ra, sau đợt sốt rét nhập viện lần trước mấy ngày, có cậu thanh niên người Stiêng đếnTrạm, cảm ơn mấy chú đã cưu mang giúp đỡ ông Câm. Theo người thanh niên này thì ông Câm có tên là Điểu En, người ấp Bù Ngo. Cậu thanh niên trình bày: “Mình là Điểu Then, cháu Điểu En. Đã nhiều lần vô gọi Điểu En về ở cùng mà Điểu En không chịu…” Chuyện ông Câm có tên là Điểu En người ấp Bù Ngo cũng chỉ dừng lại ở đấy. Và lý do sao ông già Điểu En cứ thui thủi sống bên mọi nước giữa khu rẫy vắng vẻ cũng chỉ dừng lại ở lời Điểu Then: “Điểu En không chịu…”
Điểu En được đưa về trạm kiểm lâm điều trị “ngoại trú” vết thương nhiễm trùng ở chân kể cũng không có gì đáng nói cho lắm. Không chuyện trò được, khua tay múa chân một hồi mới hiểu nhau khiến ai cũng mệt mỏi chẳng “nói chuyện” nhiều với ông. Ông cứ vẩn vơ ngồi đẽo đẽo gọt gọt mấy cái tượng nhỏ xíu. Chú Bình mang cuốn album cũ của trạm ra cho ông xem, ngồi lần giở từng trang, chỉ từng khuôn mặt quen, có người đã chuyển ngành, có người đã về hưu… ông già nhớ hết và tỏ vẻ rất vui khi thấy hình của họ. Lần xem từng trang từng trang, đến cái ảnh gần cuối thì mắt ông già Điểu En chợt sáng lên. Tấm ảnh cũ rích, chú Bình cũng không biết người trong ảnh là ai… Lạ quá, sao ông già này lại xúc động đến vậy kìa! Mọi người xúm lại, dõi từng cử chỉ, cảm xúc trên gương mặt nhăn nheo có đôi mắt sáng quắc bất thường. Thì ra không phải gương mặt người trong tấm hình mà là phía sau gương mặt đó, trên vách có lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam nửa xanh nửa đỏ, ngôi sao vàng ở giữa. Nâng niu tấm ảnh cũ rích, ông Câm thần mặt ra rồi bật khóc.  Ông ú ớ, khua tay múa chân túa xua mà chú Bình không hiểu gì cả. Chú Bình bần thần nhìn ông già quệt nước mắt mà thương. Ông chống gậy đứng lên đòi về chòi. Cái chân sưng đỏ không có vẻ gì đau đớn cả. Trạm trưởng Bình từ lúc thấy ông già Stiêng vái lạy tấm ảnh cũ thì đã ngờ ngợ, giờ thấy ông một hai đòi về bằng được thì chú phải lấy xe chở ông về chòi. Tới nơi, thấy chú Bình quay xe định về, ông cầm tay kéo chú Bình vô chòi. Ông già nặng nhọc đứng lên sạp ngủ, với tay lấy cái túi ni lông cũ xì úa màu nhét trên mái tranh. Đập đập cho bụi và bồ hóng bay bớt, ông già thận trọng giở gói ra. Qua hai rồi ba lớp ni lông thì lộ ra một tập giấy cũ, đã ố vàng. Trong đó có mấy lá thư đã bóc, mấy con tem chưa dùng, một cuốn nhật ký và lá cờ nửa xanh nửa đỏ, đằng sau lá cờ là sơ đồ mộ chí. Sơ đồ mộ chí có ghi rõ họ tên, quê quán, ngày nhập ngũ, phiên hiệu đơn vị, ngày hy sinh… Bây giờ thì đến lượt ông già Stiêng ú ú ớ ớ lập cập lúng túng trước cảnh trạm trưởng Bình quỳ sụp xuống, nước mắt rơi lã chã. Phải mươi phút sau, ông già mới định thần, tập tễnh kéo tay chú Bình ra đằng trước chòi. Vén mấy dây lá giang lòa xòa ông chỉ cho chú Bình ba ngôi mộ mà thoạt nhìn ai cũng tưởng là ba ụ mối, có cắm đầy chân nhang. Trạm trưởng Bình đổ ập xuống, khóc to: “Cha ơi…”
Đã bao năm má và anh em chú Bình đi tìm cha và đồng đội của cha. Chú Bình xin về Trạm này công tác cũng có ý tiện bề đi tìm cha và đồng đội của người. Vậy mà tìm muốn nát khoảnh rừng quanh đó, ai chỉ ở đâu cũng tới, đào bới mãi mà không thấy. Má chú Bình khấn vái, thầy bà đã nhiều mà vẫn chưa có duyên tìm gặp. Thật không ngờ…
Ông già Điểu En lặng lẽ quay về chòi lấy ra bó nhang dịp trước cha con tôi mua đem vô. Chiếc quẹt ga mới tinh điều chỉnh gas ở nấc dấu cộng làm ngọn lửa xanh lét vụt sáng soi rõ khuôn mặt Điểu En già nua nhăn nheo, khắc khổ đang giãn ra rạng ngời hạnh phúc.
Lần đầu tiên ông Điểu En cười thành tiếng. Những âm thanh a… a… a… a… hòa trong gió, trong nắng từng hồi dài, nó không u u ơ ơ vô hồn vô ảnh như bao năm trước nữa.
CHIẾC CỐC TÌNH YÊU
Tiếng chuông điện thoại báo giờ của anh Khang Trưởng phòng vừa “tính  ton… tính ton. ..” thì cả bọn đã sẵn sàng zọt, lẹ đến độ Chuyên chưa kịp di chuột đến biểu tượng “save” nơi góc màn hình. Ngân Hoa ra đến cửa còn ngoái lại: “Làm giỏi nha cưng, tháng sau sếp tăng lương”. Nóng ruột vì sợ Diên đợi lâu khó chịu như bữa trước, Chuyên mở menu điện thoại chọn mục tin nhắn bấm gửi vẻn vẹn hai từ “chờ chút” rồi quay lại với cái hợp đồng cho sếp. Soát lại chính tả lần cuối, in ra hai bản đưa cho anh Khang, chờ Trưởng phòng đọc xong Chuyên mới vội vàng đi ra cổng.
Diên ngồi trên chiếc xe Honda trước quán hớt tóc gội đầu đối diện với Công ty, tay lăm lăm điện thoại, mặt đỏ bừng không biết vì nắng vì nóng hay vì tức giận.
– Mấy giờ rồi?
Chuyên liếc nhìn điện thoại Diên vừa dí sát mặt, cô lí nhí:
– Cũng có hơi muộn. Em xin lỗi, đang đánh dở cái văn bản…
– Mười hai giờ còn hơi muộn? Thằng đó giữ cô lại chứ gì, tôi thấy mọi người về hết từ lâu rồi…
Chuyên nín thinh mặc Diên lầm bầm: “Lửa gần rơm mà, thằng đó đẹp trai, tài giỏi hơn tôi, cô mê nó là phải”. Càng ngày Diên càng quá đáng, gặp ai cũng ghen, chuyện gì cũng la cũng quát nạt làm Chuyên cảm thấy mỏi mệt thật sự.
Diên của cô hai năm trước đâu rồi? Cậu sinh viên năm cuối cao ráo, hiền như cục đất, luôn đứng nép gốc cây xà cừ trước cổng trường đâu rồi? Chuyên nhớ lắm, nhớ hôm sinh nhật được Diên tặng một bông hồng nhung đỏ thắm làm cô như say như mê trong hạnh phúc. Chuyên nhớ những lần ngất ngây tay trong tay cùng nhau dạo phố. Ngày Lễ tình nhân hai đứa vô Khu du lịch Đại Nam chơi, chụp ảnh lưu niệm rất nhiều. Diên còn nhờ thợ in hình hai người lên hai chiếc cốc sứ xinh xắn. Diên gọi là chiếc cốc tình yêu, mỗi đứa giữ một cái. Đi chơi với nhau bất kỳ đâu, hai đứa đều mang chiếc cốc tình yêu của mình đi. Uống cà phê, nước ngọt Chuyên và Diên cùng sớt qua cốc tình yêu có hình hai đứa mới thưởng thức. Lần nào bên Diên, Chuyên cũng vừa xoay xoay chiếc cốc trong tay vừa tựa đầu vào vai anh đầy vẻ mãn nguyện. Những lần đó, hai đứa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chuyên mơ sau này Diên làm giám đốc, cô làm trợ lý giúp việc cho chồng.… Chuyên ra trường sau Diên một năm nhưng đã có chỗ làm ổn định… Diên tốt nghiệp loại Giỏi mà chạy khắp nơi tìm việc đúng sở trường vẫn chưa đâu nhận, nhằm lúc lại đang có chủ trương tinh giản biên chế, anh đành làm tạm chỗ mấy đứa bạn. Có thể vì thế mà Diên hay cáu bẳn chăng?
Chủ nhật rồi họp lớp, rủ Diên cùng tham gia nhưng anh gắt gỏng: “Quen ai mà đi”, Chuyên buồn lắm. Gặp các bạn cùng lớp thời sinh viên đầy mơ mộng nhiều bạn có đôi, chúng trêu “chưa có mảnh tình lận lưng à” Chuyên chỉ biết cười cười đánh trống lảng. Thực bụng, Chuyên thầm ao ước Diên đi cùng thì vui và hãnh diện biết mấy. Dù gì Diên của cô cũng tốt nghiệp Đại học Kế toán Tài chánh hạng ưu chứ bộ.
Buổi họp lớp vui ơi là vui, sau liên hoan, hát hò là màn chụp ảnh. Lớp trưởng Bảo đã cưới lớp phó Văn thể mỹ nhưng vì cô ấy đang nằm ổ nên cả bọn độc thân vây quanh chụp ảnh rất nhiệt tình. Lớp trưởng Bảo dạn dĩ bá vai bá cổ các nàng luôn miệng: “Chụp đi…. chụp chung đi các bạn, tớ xin phép vợ hồi sáng rồi…”. Tiệc họp mặt chưa tan đã nghe Diên gọi, bảo về ngay có việc gấp, Chuyên đành nói dối các bạn để về trước. Phòng trọ của Diên ngay trạm xe buýt nên xuống xe Chuyên rẽ vào luôn. Vừa thấy Chuyên, Diên đã lớn tiếng: “Tình cũ không rủ cũng đến, đú đởn ôm ấp nhau từ sáng đến giờ chưa đủ à, chờ gọi mới chịu về đó hả?” Máu nóng bốc tận đầu, Chuyên quạt lại: “Bạn bè bao năm mới gặp lại, anh nói gì khó nghe vậy?” Diên giận dỗi chìa chiếc điện thoại dí tận mặt Chuyên rít qua kẽ răng: “Đây này, ôm vai bá cổ, còn đăng lên cho cả làng xem… nhục… nhục hơn con cá nục…”. Mặt Diên đỏ bừng bừng, nồng nặc mùi rượu. Trông Diên cũng giống những lần trước khi giận cô, khi có rượu vào. Thì ra các bạn đăng hình chụp buổi họp lớp đều tag Chuyên vào, Diên xem ảnh rồi ghen. “Tại anh không chịu đi làm chi, bạn Bảo có vợ rồi đó, ghen tầm bậy tầm bạ không hà…”
– Bậy nè… Sau tiếng nè là tiếng “choang”, chiếc cốc tình yêu có hình hai đứa vỡ tan.
Đây cũng là lần thứ tư Chuyên chứng kiến Diên đập đồ. Diên có tật, hễ giận dỗi là đập, khi thì cái chén đang ăn, khi thì bình trà trên bàn, khi thì cái quạt máy mini…Với Chuyên, mấy món đồ Diên đập hư đập bể không có ý nghĩa gì vì đã có lần nghe má kể: “Thằng Diên nóng mà đập đồ thì cũng đỡ, chớ ba bây nóng vừa đập đồ vừa đập má”. Nhưng còn chiếc cốc này… Chiếc cốc tình yêu rất có ý nghĩa với Chuyên. Nhìn hình hai đứa vỡ thành nhiều mảnh mà lòng Chuyên tan nát theo. Chuyên nhắm mắt, miệng lẩm nhẩm vô hồn: “Tan nát hết rồi… tan nát hết rồi…”
– Không thấy cái trò lố bịch của mấy người mà còn lẩm bẩm gì hả?
– Anh là đồ tồi…
– Tồi nè…
Một cái tát như trời giáng, Chuyên thấy chao đảo, đất dưới chân như sụp xuống. Cô như đang rơi tự do xuống mãi xuống mãi mà chưa chạm đáy vực… Chuyên không ngờ Diên lại đánh mình. Nhìn mặt Diên lúc này mới đáng ghét làm sao. Tự dưng sao Diên lại thô lỗ, hách dịch như thế cơ chứ… Lâu nay Diên ngụy trang khéo à? Chuyên cứ thắc mắc mãi mà không tìm ra đáp án. Anh ta coi mình như những đồ vật vô tri kia hay sao? Da này, thịt này cũng biết đau chớ? Diên yêu kiểu gì vậy? Hai hàng nước mắt chảy dài, Chuyên chạy nhanh ra bến xe buýt về phòng trọ không thèm quay đầu nhìn lại xem Diên xử sự thế nào. Trong lòng Chuyên vụn vỡ một cái gì đó lớn hơn rất nhiều. Cô thấy đau, đau lắm, tim như thắt lại, đầu buốt hơn búa bổ. Biết nhau hai năm, chính thức yêu nhau hai năm… chưa bao giờ Chuyên thấy Diên dễ sợ như hôm nay. Hình ảnh Diên hôm nay, Chuyên thấy giống ba cô lúc ông say rượu ngày nào. Khi ba say, ông hay gây sự đánh má con Chuyên, lôi những chuyện từ thuở nảo thuở nào ra chửi. Má đi đâu về trễ là bị mắng: “Tưởng bà theo trai rồi chớ!”. Mà lạ thật, bị ba đánh, ba chửi như thế má vẫn nói tốt về ông. Má nói ba thương má mới ghen, ba bây nói thế chứ ổng tốt lắm… Chao ôi! Thương vợ thương con kiểu đó Chuyên thấy khó thở quá. Má bị stress, bị bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác. Ngay chị em Chuyên cũng sợ ba, không dám gần gũi. Từ ngày ba mất, má con Chuyên mới có được những ngày bình yên thực sự. Càng ngẫm càng thấy Diên giống ba và Chuyên đau đớn nhận ra mình sợ Diên, sợ lịch sử lặp lại và sợ cô sẽ không nhẫn nhịn được như người mẹ hiền tần tảo của mình.
Thời buổi văn minh bây giờ mà Diên còn gia trưởng, phong kiến thế kia thì hỏi bình đẳng giới ở đâu, hỏi xây dựng gia đình văn hóa thế nào? Có lẽ trong xã hội vẫn còn một số ít người như Diên lạc lõng trong lối suy nghĩ và hành xử! Còn Chuyên, cô quyết không thỏa hiệp với quan niệm xưa cũ, lạc hậu đó. Cô biết mình phải làm gì để tự giải phóng bản thân, phải đấu tranh với tư tưởng lỗi thời. Tự mình vun vén, xây dựng cho tương lai hạnh phúc của mình. Không thể mặc nhiên chịu đựng như má của cô mãi được.
Chuyên sờ lên má, cảm nhận năm ngón tay Diên còn in dấu vẫn đang bỏng rát. Cái đau bên ngoài da thịt thì ít, cái đau vì bị coi thường, cái đau vì uất ức thì nhiều. Chuông điện thoại réo vang, tưởng Diên lại xin lỗi dàn hòa như những lần trước Chuyên vội nhấc máy. Diên giảng một thôi một hồi về những thứ không nên làm, không được làm và nếu tái phạm thì đừng trách anh nặng tay… Tiếng của Diên cứ u u bên tai. “Lần này anh sẵn sàng tha thứ…”  Đúng thói trịch thượng cao ngạo! Rồi bất ngờ Diên dịu giọng: “Mai anh qua chở em đi làm nghe!” Chuyên ráo hoảnh: “Không cần. Mình chia tay đi!”
Nói xong Chuyên thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Như có cái gì đó vừa mất mát quá lớn, Chuyên lại bật khóc. Chuyên thấy mình cần dứt khoát, nếu không muốn khổ cả đời như má. May mà chưa cưới xin ràng buộc gì. Tiếng chuông điện thoại lại réo vang. Cái tên “Anh yêu” nhấp nháy, nhấp nháy. Ngực Chuyên đau thắt, tưởng sắp nghẹt thở nhưng cô cố cứng rắn, tháo sim để lên thành giường. Chiếc cốc tình yêu bên cạnh chậu cây phát lộc trên bàn trang điểm như trêu tức Chuyên. Hình ảnh hai đứa tình tứ kề đầu bên nhau, môi cười rạng rỡ làm Chuyên đau xót, cô cầm chiếc cốc xoay xoay rồi bất ngờ thả cho rơi tự do xuống nền nhà. “Choang”, tiếng vỡ khô khốc. Nước mắt Chuyên lại chảy dài, từng giọt rơi xuống, ướt cả các mảnh vỡ của chiếc cốc. Tỉ mẩn nhặt nhạnh từng mảnh vỡ ướt đẫm nước mắt, Chuyên tự hỏi chiếc cốc này còn lành được không?
Để quên Diên và cho khuây khỏa, Chuyên rủ Ngân Hoa đến ở chung. Chuyên lao đầu vào dịch tài liệu, học tiếng Anh và nài nỉ Trưởng phòng Khang đi công tác thay cho một đồng nghiệp nam vợ mới sinh con. Chuyên làm để giết thời gian, để quên đi được mối tình đã nuôi dưỡng hai năm trời chứ có ít ỏi gì đâu. Hai tuần lặng lẽ trôi qua, Chuyên đã tạm yên thì Diên xuất hiện. Diên đến đột ngột như lúc đập tan chiếc cốc sau tiếng quát “bậy nè” bữa nọ. Chuyên hẹn Diên ra quán cà phê Hương Ngọc Lan, nơi lần đầu hai đứa chính thức hò hẹn để dứt khoát một lần. Ngân Hoa ngoắc tay Chuyên: “Cố lên bồ, cứng rắn và mạnh mẽ lên nhé… nhé…”
Đúng như Chuyên nghĩ, Diên xuống nước, xin cô tha thứ như những lần trước. Diên giải thích chỉ vì quá yêu Chuyên, chỉ vì sợ mất cô… Diên thề từ nay sẽ không đánh Chuyên nữa với điều kiện cô cắt hết quan hệ với những người đàn ông vây quanh… Diên nói nhiều, nhiều lắm, nào là đã xin được việc làm rồi, tuy là đảm nhiệm công tác kỹ thuật và an ninh mạng cho một công ty ở Bắc Đồng Phú, có xa một chút nhưng đã có thu nhập ổn định. Một điều lạ, Diên càng nói Chuyên càng nhận ra anh ta hết sức ích kỷ, đòi hỏi cô phải thế này, phải thế kia… Chuyên im lặng ngồi nghe, không tỏ thái độ gì. Chờ phin cà phê chảy hết, khuấy nhẹ cho sữa tan đều, Chuyên mở túi lấy cái cốc vỡ hôm nào đã được cô mua keo về dán lại để lên bàn bên cạnh ly cà phê màu nâu nhạt của Diên. Diên nhìn chiếc cốc chắp vá chằm chằm. Chuyên nhẹ nhàng:
– Chiếc cốc của anh đâu?
Không cần nghe câu trả lời của Diên, Chuyên nhẹ nhàng trút ly cà phê sữa đá của mình vào chiếc cốc chằng chịt vết rạn. Chiếc miệng cười tươi của Diên hôm nào giờ như đang nhếch lên khinh mạn, đáng ghét. Đôi mắt trong veo của Chuyên thì cụp xuống lộ vẻ u buồn … Những vết rạn cắt ngang cắt dọc khuôn mặt hai người rơm rớm nước. Qua các vết nứt, cà phê sữa từ từ chảy tràn ra ướt đẫm chiếc bàn kính, tong tong nhỏ giọt xuống đất. Cà phê sữa chảy thành vệt dài như một vết ố trên nền gạch bông bóng loáng.
20/1/2024
Ngô Thị Ngọc Diệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...