Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Lời dẫn vào sách "Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do"

Lời dẫn vào sách "Tự chủ
văn chương và sứ mệnh tự do"

Tác phẩm Tự chủ văn chương và Sứ mệnh tự do của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên (chủ biên) – Đoàn Ánh Dương, do Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn ấn hành đã được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Đây là một công trình nghiên cứu lý luận phê bình xuất sắc ở nước ta trong năm qua. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lời dẫn vào sách do PGS-TS Phùng Ngọc Kiên chấp bút.
GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2023:
Khi Alexis de Tocqueville đi thăm nước Mỹ năm 1831 cùng Gustave de Beaumont, ông đã quan sát kỹ sự vận hành của nền dân trị Mỹ, để từ đó suy ngẫm về Nền dân trị Mỹ. Đây là cái nhìn đồng đại của một quý tộc ở lục địa cũ cổ vũ thể chế dân chủ tại lục địa mới. Đối với một trí thức cựu lục địa, nền văn hóa và chính trị của lục địa mới, non trẻ có nhiều hứa hẹn. Góc nhìn đó thể hiện cả sự tinh tế, sắc sảo lẫn giới hạn thời đại của người quan sát. Trong khảo sát tổng thể, ông có bàn về diện mạo văn chương của một xã hội dân chủ, vừa độc lập và đang trong quá trình kỹ nghệ hóa – tức công nghiệp hóa. Đó vừa là một miêu tả, vừa là một đánh giá dựa trên những phân tích xã hội học, về mối quan hệ giữa nghệ thuật với xã hội và chính trị, về chính bản chất nghệ thuật trong thời kỳ hiện đại, và về sự vận hành của nghệ thuật trong một thể chế dân chủ. Từ đó ông có những “tiên đoán” đối với sự phát triển của văn học Mỹ thời kỳ độc lập. Những bàn luận đó có thể mang lại những gợi ý thú vị cho những suy nghĩ và thảo luận về những chuyển động của một nền văn học nói riêng và một nền văn hóa nói chung trước viễn cảnh mới, không chỉ khác biệt về quy mô mà còn về đặc tính.
Cuốn sách của Tocqueville là một điển hình về những nhận xét mang tính xã hội học của người đương thời từ một nền văn học lớn, trung tâm của châu Âu, dành cho một nền văn học đang phát triển, được coi như nằm bên rìa văn minh thế giới, ngoài châu Âu. Dù giữa hai thế giới đó có chung nền tảng văn hóa, những sự khác biệt của nước Mỹ non trẻ trong con mắt của một vị trí giả cởi mở từ thế giới cũ vẫn có những đặc tính như là phi luật tắc, phi chuẩn mực. Những điều khác biệt này hiện ra có thể không được thuận mắt với một trí giả cựu lục địa nhưng chúng thể hiện việc nền văn học được coi là ngoại vi đang dần rời khỏi quỹ đạo phụ thuộc mang tính thuộc địa về mặt văn hóa của châu Âu lục địa già cỗi. Để từ đó, nền văn học này dần giành được một sự độc lập và tự chủ tương đối của mình. Hơn nữa, những tương tác giữa văn học cựu lục địa với tân lục địa, giữa các nền văn hóa và văn học vượt khỏi khung khổ của châu Âu để hướng đến quan hệ giữa văn học hiện tại và văn học tương lai mang tính toàn cầu phi Âu tâm luận (non-eurocentrisme). Quá trình giải thực dân này hẳn sẽ chuẩn bị cho việc từ chối những quan hệ chuẩn mực theo lối hướng tâm, để hướng tới một thế giới văn chương đa tâm.
Quả thực, nền văn học bên rìa này đã phát triển dựa trên nền sản xuất công nghiệp và thị trường văn hóa đại chúng hoàn toàn mới mẻ nhưng đầy sức mạnh. Sau này tính chất kỹ nghệ và thị trường sẽ mở rộng sang toàn bộ các ngành văn hóa nghệ thuật hiện đại. Những tên tuổi H. Melville, Dos Passos, W. Faulkner, Scott Fitzerald, rồi E. Hemingway,… của đầu thế kỷ 20 đã ghi dấu ấn cho văn học Mỹ khi họ song hành cùng sự phát triển của điện ảnh – ngành nghệ thuật đương đại dựa trên kỹ thuật công nghệ, và đại chúng. Điều này sẽ góp phần đưa nền văn học mới mang tính tiên phong, giúp nó chiếm một vị thế cao trong văn học thế giới thế kỷ 20. Trong văn học thế giới vào đầu thế kỷ trước, ít nhất có thể quan sát được sự hình thành ba trung tâm chứa đựng những giá trị văn chương phổ quát: Paris, London và New York. Pascale Casanova khi phát triển lý thuyết trường văn học (champ littéraire) của Pierre Bourdieu gọi đó là những cực trường lực trong Nền cộng hòa văn chương thế giới. Chúng giống như những kinh tuyến gốc giữ nhịp vận động hiện đại cho trường văn học thế giới [1].
Tác phẩm “Tự chủ văn chương và Sứ mệnh tự do” của Phùng Ngọc Kiên (chủ biên) – Đoàn Ánh Dương được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023
Tất cả những quan sát như thế, ngoại trừ điểm cuối cùng là nền kinh tế kỹ nghệ lớn, đều hiện diện ít nhiều ở Việt Nam trong tình thế thuộc địa trước 1945, nhưng theo những cách hoàn toàn khác bởi những đặc thù văn hóa cũng như mối quan hệ chính trị xã hội với đế chế Pháp. Từ góc nhìn của lý thuyết trường văn học đề cập đến quá trình vận động hướng đến tự chủ của không gian văn học như một trường lực, những đặc điểm này đã làm nảy sinh những câu hỏi: Đã thực sự diễn ra quá trình độc lập và tự chủ văn hóa văn chương tại thuộc địa như Việt Nam? Quá trình tự chủ văn chương này có đi theo mô hình của Pháp, quốc gia phương Tây được coi đã “khai hóa” và mang đến tính hiện đại cho các thuộc địa? Quá trình này có quan hệ ra sao với sự độc lập chính trị vào năm 1945? Những quy tắc của trường văn học tại chính quốc có thể được áp dụng cho các trường văn học tại thuộc địa như Việt Nam? Sự tự chủ văn chương liệu có phải là một quá trình giải thực dân về mặt văn hóa ngay trong điều kiện thuộc địa?
Những câu hỏi này kích thích chúng tôi theo đuổi giả thiết rằng, chính sự tự chủ của quá trình sáng tạo đã đảm bảo tính hiện đại của nền văn chương Việt Nam. Sự tự chủ đó không đến từ một ý chí chủ quan duy nhất, mà dựa trên nhiều yếu tố khách quan chịu tác động từ các nỗ lực chủ quan của những người thực hiện. Sự tự chủ đó tạo nên những khác biệt trong chuyển động của trường văn học thuộc địa so với những gì mà Bourdieu đã thực hiện trong nghiên cứu kinh điển của mình về trường văn học Pháp thế kỷ 19[2]. Đối với trường văn học Việt Nam trước 1945, chúng tôi thấy trước hết cần nhấn mạnh đến ý thức và khả năng kết nối với thế giới bên ngoài thông qua đế chế văn học Pháp để tham gia vào cấu trúc trường văn học thế giới. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra bao gồm các mặt chính trị, giáo dục và sự hình thành của tầng lớp trí thức cũng như vai trò của báo chí. Chuyển động của những làn sóng văn chương luôn theo hướng cách mạng thúc đẩy sự vận động của trường văn học hướng đến sự tự chủ. Quá trình tự chủ này dựa trên sự tích luỹ tư bản văn chương ở những giai đoạn đầu như một điều kiện cần. Những thứ tư bản đó hoặc được “nhập khẩu” từ thế giới vào, hoặc vốn là những giá trị di sản được chuyển đổi tương ứng để trở thành những điều kiện đủ cho thời hiện đại. Thiếu một trong hai điều kiện ấy, ắt hẳn sự tích lũy tư bản văn chương không thể diễn ra.
Từ những giá trị tượng trưng được tích luỹ đó, văn học thuộc địa liên tục dao động theo những chu kỳ, được biểu kiến qua sự hình thành những cực khác nhau trong trường văn học. Góc nhìn phi lịch sử, phi lịch đại có lẽ sẽ xem chúng như là khác biệt hoặc thậm chí đối lập. Song góc nhìn lịch sử cụ thể, vi mô lại cho thấy là các biểu kiến đó có những mối liên hệ tương hỗ nhau, mà thiếu đi chỉ một cực thì sẽ không thể có cực kia. Tân Dân không thể được hình dung đầy đủ nếu thiếu Tự Lực văn đoàn và ngược lại. Chỉ có sự hình thành cực này mới cho phép sinh thành cực kia trong trường văn học đang dần tự chủ. Dù đấy là một sự tự chủ giới hạn. Bởi lẽ các cực trong trường văn học thuộc địa mang tính chất kép, vừa kinh tế – thương mại vừa nghệ thuật. Tự Lực văn đoàn là một nhóm nghệ sĩ được ý thức sâu sắc về sự tự chủ kinh tế, bên cạnh những khao khát mạnh mẽ tự chủ về nghệ thuật. Những cực kép này trong trường văn học thuộc địa giống như các “đỉnh sóng” có pha năng lượng đạt tới mức cực đại. Chúng tự chuyển đổi khi tới ngưỡng những giới hạn của một không gian đầy những hạn chế về chính trị, kinh tế và cả văn hóa của trường thuộc địa. Không gian hạn chế này của trường văn học thuộc địa được hình dung trước hết bởi một loạt những yếu tố phi văn chương là chính trị thực dân, kinh tế thuộc địa, xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Nền chính trị thực dân đầy những sự phân biệt đối xử, đàn áp diễn ra trên cả ba kỳ của lãnh thổ Việt Nam. Nền kinh tế thuộc địa lại yếu ớt và không tự chủ.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục tỏ ra mới mẻ và đầy tính duy lý của khoa học, nhưng lại ít ỏi cả về số lượng người học lẫn người dậy. Đặc biệt nền giáo dục này rất yếu kém về mặt thị trường việc làm. Tựa như Nhà hát lớn Hà Nội là phiên bản mờ nhạt của nhà hát Opera Garnier, nền giáo dục thuộc địa phụ thuộc nặng nề vào nền giáo dục chính quốc tại Pháp, vốn chỉ dành cho một nền kinh tế mạnh, đa dạng và tự chủ, có tầm vóc thế giới. Cuối cùng phải kể đến thứ dung môi cho văn chương hiện đại là báo chí mà người Pháp đã mang đến. Không gian công cộng này bị chi phối nặng nề bởi một loạt những yếu tố xã hội đã nói ở trên khiến cho sự phát triển của chúng rất yếu ớt về quyền lực và hẹp về mức độ ảnh hưởng. Đặc biệt báo chí thuộc địa phải chịu một quá trình kiểm duyệt ngặt nghèo từ phía chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm thiểu số là giới thực dân. Vì vậy báo chí Việt Nam chưa bao giờ đủ sức tạo ra một nền văn chương lớn mạnh. Dù thế, những yếu tố xã hội hiện đại với sự liên thông ra thế giới vẫn đảm bảo cho nó không chỉ “hiện đại hoá” dựa trên giá trị tích lũy từ tài sản tượng trưng thu nhận được từ di sản quá khứ được chuyển đổi, mà còn sáng tạo nên những giá trị mới tương ứng với thời đại. Sự “tha hóa” những giá trị được truyền nhập và những giá trị bản địa đã đặt cơ sở cho sự khác biệt, đặc thù của trường văn học thuộc địa. Sự khác biệt chính là điều kiện căn bản cho tiến trình văn chương tự chủ tại thuộc địa. Bởi thế, mô hình tự chủ của văn chương Pháp mà Bourdieu thực hiện chỉ là một gợi dẫn đầy hứng thú cho những nghiên cứu của chúng tôi về văn chương thuộc địa.
Bởi cuốn sách này nhằm đến cấu trúc động của trường văn học Việt Nam thời thuộc địa dựa trên những tư liệu lưu trữ của một giai đoạn ngắn ngủi, nên có rất nhiều câu hỏi xã hội văn học mà nghiên cứu này còn bỏ ngỏ và chưa thể hoàn tất: các vấn đề xuất thân của các nhà văn, lựa chọn văn chương như nghề nghiệp chính, các vấn đề giới tính và mức độ thành công, phân vùng địa lý xuất thân và địa lý di chuyển, những lựa chọn ban đầu và thành tựu ghi dấu ấn, học vấn và mức độ thành công, đặc điểm người đọc về thành phần, địa lý, giới tính,… Từ đó có thể xuất hiện những hướng nghiên cứu về sự sinh thành nhà văn như một nghề nghiệp thời hiện đại. Đấy là một yếu tố căn cốt để nhận diện rõ thêm sự tồn tại của trường văn học mà chúng tôi hy vọng có thể trở lại trong một ngày gần đây.
Chú thích:
[1] Xem thêm Casanova (1999), “Qu’est-ce que la modernité”, trong La République mondiale des lettres, tr.139-152.
[2] Xem Bourdieu (2018), Quy tắc của nghệ thuật.
5/1/2024
Phùng Ngọc Kiên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...