Những tranh luận biểu kiến
sự chuyển biến của trường văn học
Đoàn Ánh Dương đồng tác giả với Phùng Ngọc Kiên trong tác phẩm Tự chủ văn
chương và Sứ mệnh tự do vừa được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn
Việt Nam năm 2023. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu bài viết Những tranh luận
biểu kiến sự chuyển biến của trường văn học của Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương
trích từ cuốn sách trên.
GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2023:
Trở lại với thời điểm đầu năm 1936. Có thể nói, sự ra đời và
hoạt động của Hà Nội báo đáng được xem là một chỉ dấu quan trọng
trong quá trình vận động của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Trong một quảng
cáo trên Phong Hóa, tờ Hà Nội báo cho biết họ “rất hoan nghênh
những bài luận thuyết giản dị thiết thực đến dân sinh cùng những đoản thiên,
trường thiên tiểu thuyết văn chương mới mẻ, có tính cách bình dân”[1]. Việc tập trung vào “tính cách bình dân”
là một xu thế xã hội lúc bấy giờ khi mà trên các diễn đàn công khai hợp pháp, Mặt
trận Bình dân Pháp đang vang vọng ảnh hưởng đến Đông Dương, còn trong các hoạt
động bí mật, chủ nghĩa vô sản đã xây dựng được cơ sở trong những người làm báo
viết văn, mà “chiến tuyến hợp nhất” bởi Hải Triều, Phan Văn Hùm cùng các đồng
chí của họ trong cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị
nghệ thuật” xuất phát từ việc phê bình Kép Tư Bền (1935) của Nguyễn
Công Hoan với một số thành viên và cộng tác viên của Hà Nội báo là một
ví dụ. Song “tính cách bình dân” mà Hà Nội báo chủ trương cụ thể thế
nào? Thay lời phi lộ của số ra mắt có trích ý bài viết luận về “nhà văn bình
dân” của Lê Tràng Kiều được in cùng số, cho hay:
Thuyết lý với bình dân, nhất là với bình dân nước ta thì thật
là vô bổ.
Bình dân nước ta, họ đã lao khổ nhiều rồi, họ đã lam lũ nhiều
rồi. Trong những giờ họ nghỉ ngơi, ta đừng bắt tâm trí học bâng khuâng suy nghĩ
gì nữa với những vấn đề khô khan và khúc triết.
Nhà văn của họ, phải như một bà tiên có phép mầu nhiệm đi
vào, lén vào trong đời họ một cách nhẹ nhàng, êm thấm để khuây khỏa họ, để vỗ về
họ, để khêu gợi cái tình cảm của họ, trau dồi cái đức dục của họ, – và nếu khôn
khéo hơn – truyền bá những tư tưởng thiết thực có thể nâng cao về mọi phương diện,
cái địa vị của họ trong xã hội và trong nhân loại.
Nghĩ như vậy, cho nên trong tập ‘Hà Nội báo’ này, chúng tôi
không ưa cái lối lý luận khô khan, cầu kỳ, chúng tôi muốn mượn ‘tiểu thuyết’ để
trao đổi cùng anh em bình dân, một cách xa xôi và kín đáo những tình tứ, những
ý nghĩ rạo rực ở trong tâm linh của chúng tôi.[2]
Lời tuyên bố này dường như gián tiếp hướng tới việc phê phán
quan điểm của Tự Lực văn đoàn, khi có tới 2/10 tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn có
hướng tới (chủ nghĩa/tính cách) bình dân, nhưng không đồng nhất với “bình dân”
theo cách Lê Tràng Kiều muốn hình dung: “một hạng người tầm thường, giản dị, chỉ
thích những điều tầm thường giản dị…”. Thậm chí, ở bài viết về “nhà văn bình
dân”, Lê Tràng Kiều còn lên án mạnh mẽ hơn khi cho rằng ở Việt Nam đang xuất hiện
những nhà văn tự xưng là nhà văn bình dân, nhà văn xã hội nhưng họ “đã lầm khi
họ mang những thuyết to, những tiếng lớn để lòe thiên hạ và để nhồi sọ bình
dân”[3]. Lê Tràng Kiều có chung quan điểm bình
dân là hạng người lao động cùng khổ với nhóm “chiến tuyến hợp nhất” của Hải Triều,
đối thủ chủ trương “nghệ thuật vị sinh hoạt chi chủ đích” đang tranh luận sôi nổi
với họ về đường hướng thích hợp cho sự phát triển của văn học Việt Nam: nghệ
thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Nhưng Lê Tràng Kiều không đánh
giá cao Kép Tư Bền nói riêng cũng như văn chương Nguyễn Công Hoan nói
chung. Trong một bài viết nói về quan điểm “nghệ thuật”, Lê Tràng Kiều cũng
nhân thể mà phê bình Nguyễn Công Hoan – lúc này đang là một đại diện tiêu biểu
của nhà Tân Dân được nhóm “nghệ thuật vị nhân sinh” cổ súy:
Ai có đọc hết những tác phẩm của ông Hoan, sẽ thấy ông không
đáng là một nhà văn xã hội…
Ông Nguyễn Công Hoan, theo chúng tôi, chỉ là một anh kép hát,
nói được vài câu bông lơn có duyên, thế thôi! [4].
Đánh giá rất thấp tài năng của Nguyễn Công Hoan, điều đó có
thể xuất phát từ sự khác biệt trong quan niệm và đường hướng văn chương, khi
vào lúc này, Lê Tràng Kiều cùng với Lưu Trọng Lư và Hoài Thanh đang chuẩn bị
cho sự thành lập văn phái Phương Đông, một văn phái mà ngoài nhà xuất bản
Phương Đông do họ chủ trương, Hà Nội báo cũng hiện diện như diễn đàn
không chính thức của họ (dù ta chưa biết chắc được lý do vì sao và bằng cách
nào mà họ có được sự biệt đãi như vậy từ ông chủ Lê Cường). Song nhìn từ góc độ
cạnh tranh trong kinh doanh, việc Hà Nội báo vừa lựa chọn “tiểu thuyết,
tiểu thuyết, và… tiểu thuyết” như mô hình báo chí kiểu Tiểu Thuyết Thứ Bảy[5] vừa để cho Lê Tràng Kiều đánh giá thấp
tài năng Nguyễn Công Hoan, điều đó dễ khiến người đọc nảy sinh liên tưởng tới
chất lượng văn chương yếu kém của nhóm Tân Dân mà Nguyễn Công Hoan là một dẫn
chiếu. Và giống như Tự Lực văn đoàn, Hà Nội báo chủ trương ủng hộ Thơ
Mới. Khác biệt lớn nhất mà Hà Nội báo ý thức tạo dựng, là xây dựng vị
thế cho tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, bằng việc in riêng ở dạng sách tiểu
thuyết đầu tay Dứt tình[6], và in dài kỳ trên Hà Nội báo các
tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ. Vì thế, có thể nói, tìm cách thâu thái cả hai
tính chất của báo Phong Hóa và Tiểu Thuyết Thứ Bảy, để cạnh
tranh với chính Tự Lực văn đoàn và Tân Dân và tìm hướng đi riêng, nhờ vào tiềm
lực tài chính hùng hậu của ông Lê Cường và khát vọng khẳng định vị thế của các
nhà văn trong bộ biên tập, Hà Nội báo muốn trở thành một thế lực mới
nổi dám thách thức những thế lực đã định hình như Tân Dân và Tự Lực văn đoàn
trên cả phương diện hiệu quả thương mại và tư tưởng chính trị xã hội.
Vừa ra đời và cần có tiếng nói để hiện diện và được khẳng định,
tất nhiên Hà Nội báo sẽ hướng tới việc tìm cách liên đới vào những tờ
báo nổi tiếng lúc bấy giờ như Phong Hóa và Tiểu Thuyết Thứ Bảy,
một thủ thuật làm báo được Phong Hóa khởi xướng trước đó và có được
hiệu quả rõ rệt. Dù phê phán song chính Hà Nội báo cũng sử dụng cách
thức này khi tranh thủ việc Tự Lực văn đoàn trào tiếu Nguyễn Công Hoan để thổi
phồng thành “một vụ án văn”. Đáp lại, Tự Lực văn đoàn không những không đếm xỉa
đến yêu cầu giải trình về vụ “xuân thủ đâm ân” lại còn nhân thể lôi Hà Nội
báo ra mà châm chọc. Trong mắt Tự Lực văn đoàn, “Hà Nội báo ra cốt để
ganh với Tiểu Thuyết Thứ Bảy, song thấy các thứ báo Tết chạy, bèn cũng tấp
tểnh ‘tết’ chơi”. Ai dè, “vì nóng làm tiền”, “ông chủ hiệu thuốc Hồng Khê” “bước
đầu đã ngã ngay: báo ế”[7]. Chê số Tết của Hà Nội báo không
“chân thật” với độc giả, Tự Lực văn đoàn còn hàm ý mỉa mai khi đi tìm mối dây
liên kết giữa “thuốc… lậu và báo chí”, vì không những đã có những ông chủ thuốc
lậu kiêm chủ báo mà nó còn lý giải cho việc “tờ quảng cáo Hà Nội báo lại
vẽ người đàn bà xõa tóc ưỡn ngực lên giời”[8]. Thái độ này của Tự Lực văn đoàn khiến
cho Hà Nội báo vô cùng khó chịu. Vì thế, sau khi quy kết Tự Lực văn
đoàn vu cáo hèn Nguyễn Công Hoan “cắp văn”, thêm một lần nữa, Vũ Trọng Phụng
cho rằng việc Phong Hóa chế giễu số Tết của Hà Nội báo cũng
là một cách “vu cáo”, và “lời vu cáo ấy vẫn là hèn”[9]. Bởi trong nhìn nhận của Vũ Trọng Phụng,
“vẫn biết nghề báo cũng là nghề buôn, nhưng không giống nghề buôn khác, vì con
buôn ở đây chính là những nhà văn, nghĩa là những người phải đặt sự tao nhã lên
trên hết mọi sự”. Theo đó mà, khi có “cà khịa” thì Tự Lực văn đoàn phải xem “có
cái lý chính đáng không” chớ đừng chịu “sai khiến bởi cái lòng đố kỵ của hàng
thịt nguýt hàng cá” mà “từ chỗ đàm luận về văn chương nghĩa lý” bước sang “một
sự cạnh tranh bỉ ổi của những con buôn”[10]. Nhưng sự lên án mạnh mẽ hơn đến từ Lê
Tràng Kiều, khi ông kết hợp phê phán Tự Lực văn đoàn cả ở việc họ mượn tiếng
“khôi hài” để đả kích Nguyễn Công Hoan và lấy xuất thân nghề thuốc lậu để châm
biếm ông chủ báo Lê Cường. Trích lại câu văn mà ông đọc thấy hàm ý chế giễu ở
trong đó – “chúng tôi không trả lời Hà Nội báo, nghĩa là ông Lê Cường, chủ
hiệu thuốc lậu Hồng Khê…” – Lê Tràng Kiều cho rằng “câu này đủ rõ cái thái độ
tiểu nhân và sự lúng túng của báo Phong Hóa, khi bị chúng tôi cật vấn mấy
điều có quan hệ đến văn giới”[11]. Cho rằng “trong sự làm ăn” thì việc lựa
chọn bán thuốc lậu của ông Lê Cường là chính đáng, không có cái gì là “đáng
trách”, nên việc Phong Hóa cố ý để bên cạnh nhau ông chủ báo Lê Cường
và ông chủ thuốc lậu Hồng Khê là một việc khiếm nhã, cho thấy “giọng điệu hèn
nhát” của Tự Lực văn đoàn[12]. Với vụ việc liên quan đến Nguyễn Công
Hoan, Lê Tràng Kiều cho rằng Tự Lực văn đoàn cũng lại tỏ ra “lúng túng” khi
không trả lời câu Hà Nội báo “hỏi vặn về việc ‘vu cho Nguyễn Công
Hoan ăn cắp văn của mình’”. Lê Tràng Kiều yêu cầu Tự Lực văn đoàn phải “thẳng
thắn” trả lời chỉ trích của đồng nghiệp, cố tình không trả lời là một hành vi
“làm loạn giữa làng báo”. Không chấp nhận cách thức Tự Lực văn đoàn dùng tính
chất trào tiếu để phản hồi, Lê Tràng Kiều quyết tâm dồn ép Tự Lực văn đoàn:
Phong Hóa lại còn bảo cái câu nói về Nguyễn Công Hoan chỉ
là một câu khôi hài ở mục ‘Xuân thủ đâm ân’.
À, té ra khôi hài là muốn vu cho ai thì vu sao?
Khôi hài như thế tức là loạn vậy. Chính phủ không trị, chúng
tôi trị.[13]
Vậy là, từ một diễn ngôn trào tiếu của Tự Lực văn đoàn, câu
chuyện đã bị đẩy đi rất xa so với khởi điểm khi Hà Nội báo đưa nó vào
trong loại hình diễn ngôn nghị luận trên tờ báo này. Đáp lại sự đả kích sốt sắng
của Hà Nội báo, tờ Phong Hóa có đáp lại, nhưng vẫn chỉ đặt câu
trả lời trong lĩnh vực khôi hài – một sự khôi hài mà nhờ đó chỉ ra được những
thiếu sót trong chiến lược diễn ngôn mà Hà Nội báo sử dụng. Mỉa mai
khi cho rằng Phong Hóa “bất đắc dĩ” trả lời Hà Nội báo ngay
dưới một tiêu đề cố tình được nhấn mạnh – “Vài trang cười cợt”, Tự Lực văn đoàn
xoáy vào những bất cập trong chủ trương của tờ báo và thái độ của người đứng ra
giữ vai trò chủ bút như Lê Tràng Kiều. Thứ nhất, trong lý luận của Tự Lực văn
đoàn, Hà Nội báo chủ trương là tờ báo bình dân, nhưng ông Lê Tràng Kiều
“lại còn ra giọng trách chúng tôi đã nói đến ông Lê Cường, chủ hiệu thuốc lậu Hồng
Khê: Ông sợ và trách như thế là chính tự ông thú nhận rằng ông cho rằng nghề
bán thuốc lậu là một nghề hèn hạ”[14]. Chỉ với một ví dụ như thế, Tự Lực văn
đoàn khéo léo chỉ ra rằng “bình dân” dường như mới chỉ được nhà văn, nhà báo sử
dụng như một cái mốt ăn theo Mặt trận Bình dân bên Pháp, chứ họ chưa chú trọng
xây dựng cho mình một quan điểm, lập trường, tính chất bình dân theo đúng
nghĩa, chưa thực sự đấu tranh cho quyền lợi của bình dân vốn chiếm đa số độc giả
văn chương và báo chí ở Việt Nam lúc bấy giờ. Thứ hai, quan trọng hơn, Tự Lực
văn đoàn chỉ ra Lê Tràng Kiều không những không giữ được giọng điệu thanh nhã
trong cuộc tranh luận mà còn “thật là thâm ý lắm” khi ngỏ ý “cầu chính phủ” trị Phong
Hóa[15]. Với phân tích do ấy, đặt tiêu đề bài viết
là “ai hèn?”, Tự Lực văn đoàn đã trả lại lời phỉ báng của Hà Nội báo cho Hà
Nội báo.
Sau bài trả lời Hà Nội báo nhắc đến ở trên,
dù Hà Nội báo có tiếp tục đáp lại[16], thậm chí xảy ra cả xô xát ngoài đời thực[17], khiến cho Hà Nội báo tổ chức
liên tiếp trong nhiều số báo sau đó để “kể tội Phong Hóa”[18], Tự Lực văn đoàn không trực tiếp đáp lại
ông “Lê Tràng Kiều (cầu chính phủ trị)” và Hà Nội báo nữa. Tự Lực văn
đoàn không cho biết lý do chính xác của việc không trực tiếp hồi đáp, nhưng chắc
chắn không phải do Tự Lực văn đoàn “lúng túng” như cách nhìn của báo Tràng An
nhân việc đưa tin về “một cuộc khẩu chiến khá kịch liệt giữa đại biểu của Phong
Hóa và Hà Nội báo” trước cửa Hội chợ Huế tối hôm 8/3/1936[19]. Có thể Tự Lực văn đoàn nhận thấy tiếp tục
“cãi vã” với Hà Nội báo cũng không đem lại lợi ích gì thêm cho tờ báo
cũng như cho độc giả, nhất là khi vào lúc này, Nguyễn Công Hoan và nhà Tân Dân
đã lên tiếng, khiến cho Tự Lực văn đoàn chỉ cần tập trung phản hồi ý kiến của họ.
Nhưng như vậy thì lý do gì khiến cho Lê Tràng Kiều và Hà
Nội báo đeo đuổi việc phê phán Phong Hóa? Thứ nhất, có thể như đã nhắc
đến ở trước, việc Hà Nội báo cũng tranh thủ sinh sự với một tờ báo đã
có tín thế như Phong Hóa để tự quảng cáo cho mình, dù Hà Nội báo tự
khẳng định cùng với Tiểu Thuyết Thứ Bảy, cả hai tờ báo này hiện đều bán chạy
hơn Phong Hóa[20]. Thứ hai, có thể việc Tự Lực văn đoàn mỉa
mai dán nhãn “cầu chính phủ trị” cho Lê Tràng Kiều khiến cho Hà Nội
báo và Lê Tràng Kiều – diễn đàn và nhà văn đang cổ súy và đấu tranh cho
bình dân – khiến cho họ uất ức và lo lắng vị thế chính trị của họ trở nên suy
giảm. Đáp lại cách gọi tên “Lê Tràng Kiều (cầu chính phủ trị)” của Tự Lực văn
đoàn, Hà Nội báo phải đăng “bức thư gửi ông Ng. Tường Tam, Chủ nhiệm
báo Phong Hóa”, trong đó phê phán Tự Lực văn đoàn “vung bút truyền đại ra
giữa công chúng rằng ông Lê Tràng Kiều là người của Chính phủ. Thật là quá lắm
bạn ạ! Làm như thế, để cả quốc dân xúm lại mà tẩy chay ông Lê Tràng Kiều chứ
gì?”[21]. Lo lắng và bực tức của Hà Nội
báo và Lê Tràng Kiều là có sở cứ, bởi một lý lịch có tì vết về luân lý và
chính trị chắc chắn không đủ đảm bảo cho vai trò dẫn dắt dư luận của nhà báo,
nhà văn trong tình thế thuộc địa. Thứ ba, điều này cũng có thể xuất phát từ
quan niệm làm báo của Lê Tràng Kiều. Dù có minh định hồi ức “những phút vinh nhục
của nghề làm báo” thuộc về dạng “văn hoạt kê”, nhưng trong “Lời giáo đầu”, Lê
Tràng Kiều cũng cho biết rằng:
Báo có ba nghĩa:
Nghĩa thứ nhất: một con vật hung dữ ở trong rừng xanh chỉ kém
có ông Hùm.
Nghĩa thứ hai: những tờ giấy trắng để cho các văn sĩ ngồi rỗi
đổ mực đen vào.
Nghĩa thứ ba: báo hại…
Chữ báo của tôi gồm đủ có ba nghĩa ấy.
Làm báo theo tôi là phải khiêu chiến với hết mọi người, phải
có cái hung tàn của con vật ở rừng xanh.
Làm báo theo tôi nghĩa là làm như tôi viết bài này…
Làm báo theo tôi, nghĩa là phải báo hại mình và báo hại người…”[22].
Không chỉ đến khi làm Hà Nội báo, Lê Tràng Kiều mới
thích luận chiến. Trước đấy, khi bắt đầu làm báo với Tân Thiếu niên (tục
bản, 1935), rồi chuyển sang làm chủ bút cho Văn học tạp chí (bộ mới) (1935),
và sau đó là Tiến Hóa (tục bản, 1935), Lê Tràng Kiều đã chú ý đến đường
nghị luận.
Song có một lý do khác – dù không trực tiếp hiển lộ – nhưng
có thể giữ một vai trò quan trọng hơn hết: đã có một thế hệ nhà văn mới – dù
cũng xêm xêm độ tuổi sinh học như Tự Lực văn đoàn nhưng độ tuổi trưởng thành
trong trường văn chương thì muộn hơn – muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Tự Lực văn
đoàn, muốn từ chối tiếng cười như một phương tiện để cải cách xã hội trong văn
chương để đặt mình vào trong thời đại tranh đấu mới mà đấu tranh cho quyền lợi
của người dân và dân tộc. Cùng với Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều đã
nhấn mạnh vào điều đó trong một trích đoạn cuốn Văn chương và Hành động in
trên Hà Nội báo, ngay khi tờ báo này ngừng lại việc công kích Tự Lực văn
đoàn:
Làm một người dân Việt Nam ở thời bây giờ, trên vai ta mang nặng
những trách nhiệm không thể từ chối được…
Chúng tôi không muốn dài dòng mô tả sự tủi nhục của dân mình,
cảnh cùng khốn của người mình. Chúng tôi chẳng vui gì nhắc lại đây những điều
đau lòng ấy…
Trước tình thế như vậy, vòng tay đứng nhìn là một tội ác. Nhất
là với những người có học nghĩa là những người đã chịu cái ơn nuôi dạy của xã hội.
Phần đông thanh niên ta vẫn nghĩ thế, nhưng họ chán nản vì họ
nghi ngờ. Cái nguy là ở đó.
Không, ta phải tin ở tương lai, ở những năng lực tự nhiên của
dân tộc. Dân tộc ta không phải không thể có một tương lai rực rỡ, mặc dầu những
giọng pha trò ác hại đương lưu hành trong xã hội ta. Những giọng cười vô duyên
đó có cái nguy khiến người mình tự khinh rẻ nòi giống mình. Giữa lúc chúng ta cần
phải hăng hái phấn khởi, nó có thể làm tiêu ma lòng tự tin của chúng ta.[23]
Tự đặt mình vào trong hàng ngũ những người lao khổ, không dửng
dưng trước sự khốn cùng của họ, văn phái Phương Đông mà Lê Tràng Kiều là một đại
biểu muốn hướng tới bình dân và từ chối cách thức sử dụng tiếng cười như một
phương thức để cải cách xã hội đang được các nhà văn đương thời sử dụng. Song
điều này không chỉ xuất hiện với văn phái Phương Đông, hướng tới bình dân – giờ
đây được hiểu là những người lao khổ – cũng là chủ đích của nhiều nhà văn khác.
Đó không chỉ là những nhà văn thiên hướng vô sản dựng thành “chiến tuyến hợp nhất”
trong cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh mà ở
đó văn phái Phương Đông bị dán nhãn chủ trương nghệ thuật thuần túy mà chính họ
cũng đang tìm cách loại bỏ. Đó còn là rất nhiều nhà văn cộng tác với nhà Tân
Dân và các báo, nhà xuất bản đang nảy nở đa dạng theo sau việc xóa bỏ ty kiểm
duyệt từ đầu năm 1935 và đặc biệt là từ trong không khí tranh đấu xã hội hưởng ứng
Mặt trận Bình dân Pháp. Vậy là dù muốn hay không, chính trị vẫn trở thành một
quyền lực quan trọng cần tính đến trong không gian giới hạn của trường văn học
thuộc địa đang tiến tới tự chủ. Có lúc mục đích chính trị đã đưa các vị thế
khác biệt, thậm chí đối lập, lại gần nhau, như điều vẫn diễn ra trong các trường
văn học tự chủ có giới hạn.
Phổ Thông bán nguyệt san của Tân Dân ra đời tháng 12/1936 thì sang ngay đầu năm 1937, trong mục “Ngày Nay trào phúng”, Nhị Linh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cách làm này, khi giễu cợt “cũng như con rơi là vật phi cầm phi thú, Phổ Thông bán nguyệt san là loại ‘phi thư phi báo’”[25]. “Tuy mỗi cuốn chỉ đăng có một truyện dài hay nhiều truyện ngắn của một tác giả” nhưng nó “phi thư” ở chỗ “nếu là sách thì người xuất bản nó đã không thể dùng được giấy ngoại quốc, đã không gửi cho độc giả và đại lý được bằng cách rẻ tiền”. Và “tuy có cái vỏ ngoài đề hàng chữ ‘Phổ thông bán nguyệt san’” nhưng nó “phi báo” ở chỗ “tự cổ dĩ lai chưa ở nước nào lại có thứ báo hay tạp chí ngộ nghĩ đến như thế: đăng một truyện dài đã đăng báo rồi của một tác giả”. “Vậy nó là cái quỷ gì?” Nhị Linh đặt câu hỏi rồi trả lời:
Nó chỉ là một mưu cao của động Tân Dân, một phép phi kiếm để kiếm lợi.
Nó chỉ là một cách khéo léo
1) Để lừa dối các văn sĩ, vì đăng truyện đăng rồi của họ lên một tờ báo thì hẳn là chỉ cần phải trả họ ít tiền hay không phải trả tiền cũng được.
2) Để lừa dối nha Thương chính vì dùng giấy ngoại quốc theo một thứ thuế nhập cảng riêng của báo chí.
3) Để lừa dối nha Bưu điện vì được gián tem ngoài sách như gián tem ngoài báo.
4) Để lừa dối kỹ nghệ trong nước vì dùng giấy ngoại quốc để in sách.
5) Để lừa dối các nhà xuất bản khác vì đó là một lối cạnh tranh quá sốt sắng.
6) Để tự lừa dối mình nữa, vì tưởng đã phát minh ra được một việc hay, kỳ thực việc ấy sẽ làm tiêu tán tên mình, nhà xuất bản của mình[26].
Sau khi chỉ ra cách làm sai trái của Tân Dân, Nhị Linh khuyên “Tân Dân động nên mau mau thu phép về. Cái phép ‘phi thư phi báo’ ấy nguy hiểm lắm, nhưng chỉ nguy hiểm cho chúa động thôi”[27]. Đáp lại, Tân Dân cũng cho đăng trên Ích Hữu bài “trả lời báo Ngày Nay” khẳng định “các văn sĩ bên Tự Lực văn đoàn (trước trong báo Phong Hóa, bây giờ trong báo Ngày Nay) xưa nay vẫn lấy sự gièm pha và dìm đồng nghiệp làm lợi khí cạnh tranh, đáng lẽ chúng tôi không trả lời, nhưng vì độc giả tin yêu của nhà Tân Dân, chúng tôi phải phân trần vài lời để tránh những sự hiểu lầm có thể gây ra bởi chỗ dụng tâm không tốt của báo ấy”[28]. Trả lời từng vấn đề mà Nhị Linh chỉ ra, Tân Dân cho rằng mình không làm gì sai, và đó là lý do khiến cho Phổ Thông bán nguyệt san vượt qua cả những gièm pha với nhà đoan trước đó để có thể ra đời. Thậm chí, một mặt, mượn lại cách thức Hà Nội báo từng công kích vụ “xuân thủ đâm ân” năm trước, Tân Dân trích đăng trên Ích Hữu hàng loạt các ý kiến công kích Tự Lực văn đoàn của các báo khác, gồm cả các báo đã đóng cửa như Nhật Tân, Loa, Hà Nội báo, và báo mới ra đời như Đông Dương hoạt động, đặc biệt là Tương Lai (bộ mới)[29] – tờ báo có khuynh hướng bình dân của Đinh Khắc Giao với sự góp mặt của Hà Văn Bính, Phùng Bảo Thạch, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng,… – tờ báo cũng như Hà Nội báo khi trước, tranh thủ xen vào để đả phá thậm tệ Tự Lực văn đoàn, xem việc lên án Phổ Thông bán nguyệt san của Ngày Nay là một hình thức chỉ điểm, là việc làm của bọn mật thám[30]. Mặt khác, nhà Tân Dân cũng điều chỉnh đôi chút việc tổ chức nội dung Phổ Thông bán nguyệt san, như thêm một vài bài lẻ vào bên cạnh tác phẩm chính, để quyển sách (như Tân Dân hình dung và mong muốn lúc ban đầu) có hình thức ít nhiều có thể xem như tờ báo.
Đứng trước việc bị nhà Tân Dân và Tương Lai cố tình diễn giải việc đòi hòi cạnh tranh công bình trước luật pháp, “tố cáo đường hoàng trên báo” là chỉ là hình thức “báo Đoan”, là công việc của bọn “điểm chỉ”, Tự Lực văn đoàn “muốn lấy sự im lặng khinh bỉ mà đối với họ”[31]. Tuy vậy, Tương Lai vẫn không dừng lại. Còn Tự Lực văn đoàn, sau vài lần công kích mà không hiệu quả, họ buộc phải đăng “mấy lời cuối cùng với Tương Lai”[32], chỉ rõ Tương Lai “đã vu cáo Ngày Nay một cách đốn mạt” đồng thời khẳng định:
Chúng tôi coi việc làm đó đê hèn lắm. Mà rất có hại cho thanh danh làng báo Việt Nam. Muốn tố cáo thì tố cáo, miễn là dựa vào sự thực. Còn bịa đặt ra để làm hại đến danh giá người khác, đó là vu cáo, mà vu cáo, thì người có lương tâm không bao giờ làm.
Chúng tôi mong Tương Lai đã vì lầm lỡ mà vu cáo chúng tôi. Chúng tôi mong tờ báo ấy hối quá, bỏ cái thói quen của bọn Gringoire, là bọn đã đem sự vu cáo làm xấu hổ cho làng báo Pháp.
Chúng tôi thành thực mong như vậy. Nếu Tương Lai muốn bút chiến với chúng tôi về một vấn đề gì hay về một hành động, một thái độ một lý tưởng nào, chúng tôi cũng sẵn lòng tiếp đáp. Nhược bằng cứ ồ ạt vu cáo, thì bài này là bài trả lời cuối cùng của chúng tôi[33].
Việc Tự Lực văn đoàn chuyển cách đối thoại với Tương Lai từ chuyên trang “Ngày Nay trào phúng” sang chuyên trang thông tin “Từng tuần lễ một” với giọng điệu nghiêm ngắn hơn của hình thức nghị luận dường như là một chỉ dấu cho thấy Tự Lực văn đoàn đang nỗ lực góp vào việc kết đoàn và xây dựng làng báo, làng văn Bắc Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà trong cùng chuyên mục này, Ngày Nay xếp cạnh bài viết gửi tới báo Tương Lai thông tin về “một cuộc hội họp báo giới Bắc Kỳ” “để đi tới một hội nghị các nhà báo và các nhà văn Đông Dương”[34]. Phong trào đấu tranh hưởng ứng Mặt trận Bình dân Pháp ở Việt Nam lúc này đã trở nên sôi động hơn, nó khiến cho quyền lợi cá nhân, nhóm phái hay kinh tế được xem nhẹ hơn quyền lợi cho cộng đồng dân tộc.
Dễ hiểu vì sao trong bối cảnh ấy, bản thân Tự Lực văn đoàn cũng nỗ lực hiện diện trong các hoạt động tranh đấu cho bình dân hiểu theo nghĩa là giai cấp cần lao. Nhưng giữa bình dân trong phong trào dân tộc dân chủ ở Đông Dương từ giữa những năm 1930 với bình dân trước đấy mà Tự Lực văn đoàn hướng tới và tạo lập điển phạm – những trí thức có học và gái mới – tuy chung một ngoại diên nhưng nội hàm đã được diễn giải với nhiều khác biệt. Theo đó, với văn chương lãng mạn và chuẩn mực thẩm mỹ mang tính chất (tiểu) tư sản, Tự Lực văn đoàn bị đẩy xuống chân sóng của một con sóng lớn đang hình thành – con sóng dựng đứng mà người ta chỉ nhìn thấy ngọn sóng bạc đầu mà tạm thời quên đi đóng góp sức lực của những con nước sâu trong lòng biển và ở nơi chân sóng. Trường chính trị thông qua phong trào dân tộc dân chủ ở Đông Dương lúc này đã lấn sâu vào trường văn học, dẫn tới những cách thức nhìn nhận và đánh giá văn chương từ bên ngoài cấu trúc tự chủ mà Tự Lực văn đoàn gây dựng và nỗ lực duy trì. Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu năm 1937, trên báo Ngày Nay, Hoàng Đạo phải lên tiếng biện biệt giữa “bình dân” và “lao động” để tái khẳng định quan điểm “bình dân” của nhóm Tự Lực văn đoàn:
Đã có lần, tôi đã giảng giải bình dân khác lao động.
Tuy vậy, vẫn có người lầm.
Phê bình báo Ngày Nay, báo Đông Dương hoạt động viết:
‘Tuy rằng thỉnh thoảng cái ngòi bút của ông Hoàng Đạo có đếm xỉa đến nỗi khổ của phái bình dân, song cái nội dung rõ rệt của báo Ngày Nay vẫn làm cho độc giả cảm giác thấy cái khuynh hướng về tiểu tư sản của báo ấy. Nhưng cần gì phải phủ lên nó một nước sơn bình dân? Vì trào lưu bình dân và ảnh hưởng của các báo bình dân mà Ngày Nay làm mờ tôn chỉ mình đi chăng? Khuynh hướng về tiểu tư sản cũng là một cách hữu ích cho quốc gia chính đánh chứ sao?’
Thì vẫn là chính đáng. Nhưng, tôi nhắc lại một lần nữa, tiểu tư sản cũng là bình dân.
Bình dân, thật vậy, không phải là để chỉ riêng hạng lao động như báo Đ.D.H.Đ tưởng lầm, như báo Bắc Hà đã tưởng lầm. Một thí dụ: chiến tuyến bình dân Pháp gồm cả tiểu tư sản và lao động.
Ngày Nay, và trước Ngày Nay, trong Phong Hóa, Tự Lực văn đoàn ngay lúc thành lập đã dùng chữ bình dân về nghĩa ấy. Lúc đó, thực chưa hề có một tờ báo mà Đ.D.H.Đ gọi là “báo bình dân” nào!
Vậy Tự Lực văn đoàn lấy “tôn chỉ bình dân” không phải là vì chịu ảnh hưởng của trào lưu bình dân (lao động) hiện thời, mà là vì tư tưởng của Tự Lực văn đoàn từ trước đã thế, bao giờ cũng vậy, không thay đổi[35].
Nhận thức được việc dán nhãn của dư luận báo chí mới nổi, Tự Lực văn đoàn đã quyết định không hùa theo mà ngược lại nỗ lực khẳng định tư tưởng riêng của mình. Có thể điều đó đã làm thành lý do quan trọng dẫn tới việc Tự Lực văn đoàn dần bị gạt về phía trước và bên lề của một cao trào đấu tranh mới được dẫn dắt bởi các trí thức, nhà văn, nhà báo có khuynh hướng vô sản. Cùng thu nhận và trưng dụng những hình ảnh của Mặt trận Bình dân Pháp, nhưng Tự Lực văn đoàn và các nhà văn trưởng thành muộn hơn thể hiện sự quan tâm và thi hành những cam kết khác nhau với đời sống xã hội đang vận động nhanh chóng dưới ảnh hưởng của các phong trào dân tộc dân chủ ở Đông Dương thuộc địa lúc bấy giờ. Với những thành công đã có, càng nỗ lực khẳng định và tài bồi, Tự Lực văn đoàn càng trở nên xa cách với đời sống sôi động xung quanh. Không phải Tự Lực văn đoàn không tích cực tham dự vào đời sống – thậm chí ngược lại, họ còn tham dự sâu sát và mạnh mẽ hơn nhiều so với những năm trước đó mà cuộc vận động thành lập Hội Ánh Sáng là một ví dụ điển hình – nhưng sự khác biệt về mặt ý thức hệ đã khiến cho Tự Lực văn đoàn bị đẩy về phía của thiểu số những người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử – những trí thức (tiểu) tư sản mang khuynh hướng quốc gia chủ nghĩa trước tập hợp đông đảo quần chúng (và trí thức lựa chọn ý thức hệ vô sản) đi theo con đường cách mạng vô sản. Trên hành trình đi tới chung cục ấy, cuộc bút chiến tưởng chừng hết sức tầm phào được khới lên bởi Hà Nội báo, không ngờ lại trở thành một chỉ dấu quan trọng cho thấy bước ngoặt trong tiến trình văn chương của Tự Lực văn đoàn nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
Chú thích:
[1] Quảng cáo về Hà Nội báo (Phong Hóa, số 166 (13/11/1935), tr.5).
Đoàn Ánh Dương
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét