Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Những ghi nhận từ tác phẩm chuyển ngữ của Võ Quốc Việt

Những ghi nhận từ tác phẩm
chuyển ngữ của Võ Quốc Việt

Đến nay ở khu vực phía Nam, Võ Quốc Việt đồng hành cùng các bạn văn trẻ đã xông xáo, dấn thân vào cung trời văn chương trên nhiều làn đường chữ nghĩa. Song, có lẽ, nổi bật hơn cả là địa hạt khảo cứu, phê bình và chuyển ngữ…
1. Võ Quốc Việt sinh ra và lớn lên từ miền quê nghèo Rừng Dầu, đất khó Tân Mỹ (Đức Hòa, Long An). Chàng trai trẻ ấy, mê văn chương cũng như thích thú miệt mài tự học Anh ngữ thời trung học phổ thông. Hiện nay, Võ Quốc Việt vừa học, vừa đọc, vừa viết, vừa phụ gia đình chăm lo ruộng rẫy ở quê nhà. Sức trẻ, với lòng nhiệt thành quyết tâm nuôi chí lập thân bằng con đường chữ nghĩa.
Võ Quốc Việt, gần đây, xuất hiện trên văn đàn với nhiều trang viết bút ký, phê bình, khảo cứu và đồng thời, chuyển ngữ một số công trình có giá trị học thuật, như năm 2023, chàng họ Võ trình làng cùng lúc hai tác phẩm chuyển ngữ (NXB Đà Nẵng, Thư quán Hạnh Phúc phát hành), gồm: Đệ tam cấu thức luận của Peter D. Ouspensky và Tôi là ai? – Chân ngôn tâm truyền của Đạo sư Ramana Maharshi. Peter D. Ouspensky (1878-1947) là nhà triết học, nhà huyền học người Nga. Ramana Maharshi (1879-1950) là đạo sư Ấn Độ, chỉ dạy con đường tâm linh đưa tới giác ngộ giải thoát. Hai đường hướng khác nhau song cùng một kỳ vọng: nhận thức về chính cuộc sống gần gũi đang diễn ra và nỗi khổ niềm đau trong đời người. Không chỉ có giá trị học thuật, hai tác phẩm chuyển ngữ này còn giúp ta có cơ hội chiêm nghiệm về chính những vướng chấp trong tâm hồn mình.
Đệ tam cấu thức luận (ĐTCTL) ra đời năm 1912, dịch sang tiếng Anh năm 1920, là công trình nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp trước tác của Peter D. Ouspensky. Sau đó, tác giả tu chỉnh cho bản dịch tiếng Anh ấn hành lần thứ hai năm 1922. Năm 2023, lần đầu, Đệ tam cấu thức luận được Võ Quốc Việt chuyển ngữ tiếng Việt. Có thể xem như người đương thời với Ouspensky, Ramana Maharshi là vị thầy tâm linh được nhiều người trên thế giới tìm đến để xin lời chỉ dạy của ông về con đường trí tuệ. Tôi là ai (TLA) – tập hợp những lời dạy về truy vấn Tự Ngã của Maharshi cho nhiều người cầu đạo. Trước tác này được Arthur Osborne biên tập cùng sự nhuận sắc của chính đạo sư. Hai tác phẩm chuyển ngữ đều được ấn hành ở Nhà xuất bản Đà Nẵng và thư quán Hạnh Phúc phát hành.
Hai tác phẩm chuyển ngữ của Võ Quốc Việt
2. Nhiều bạn có thể thắc mắc: vì sao ta có thể thiết lập tương quan nào đó giữa Peter D. Ouspensky trong Đệ tam cấu thức luận và Ramana Maharshi trong Tôi là ai? Nếu bạn miệt mài theo bước Ouspensky, bạn sẽ nhận ra đó là một hành trình đi về phương Đông. “Chỉ đến nay, sau Kant, và sau khi chúng ta đã tiến nhập vào lượng ước tư tưởng phương Đông, thì chúng ta mới thấu hiểu rằng sự dịch chuyển vào ngữ thức mới của ý thức không thể thiếu việc mở rộng cảm ứng thời tính” (ĐTCTL, tr.569-570). Trên thực tế, mùa thu năm 1913, Ouspensky đã làm hành trình đến xứ Ấn. Ngược lại, trong Tôi là ai, Maharshi cũng có nhắc đến “đệ tứ chiều kích” – mối quan tâm trọng yếu của Peter D. Ouspensky. Không thể nói hai bậc thầy thông tuệ trong thực tế đã có lần gặp gỡ nhưng có thể nói trong tư tưởng đã có tương phùng!
Điểm đáng chú ý nhất ở Đệ tam cấu thức luận là Ouspensky đã tích hợp toán học, văn học, triết học, sinh vật học, vật lý học, tôn giáo…, để minh định tính phổ quát và khả tín của “đệ tứ chiều kích”. Từ đó, tác giả đi tới luận giải sự hiểu biết về Chúa, về cái đẹp. Vượt qua ranh giới Đông – Tây, ông còn nhìn thấy cuộc gặp gỡ giữa các nền tư tưởng Hy Lạp – La Mã cổ đại, triết lý Vệ Đà, đạo Phật, Lão – Trang, … “Có cái hỗn mang chưa toàn thiện, tồn tại trước cả trời đất. Vạn đại bất hoại, vô hình vô tướng, trơ gan tuế nguyệt, bất dịch bất chuyển, thị hiện cùng khắp mọi nơi, không tổn hại tiêu pha! Tên nó ta không biết. Để chỉ ra ta đành gọi là Đạo. Vạn bất đắc dĩ phải nói tới, ta gọi là vô cực. Vô cực mà thái cực, thái cực mà vô cực vậy” (ĐTCTL, tr.491-492). Ouspensky đã tiếp nhận “hình nhi thượng học” của phương Đông để lập thức về thế giới cũng như lập thức về chính sự lập thức. Đệ tam cấu thức luận là nỗ lực gắn kết toàn cảnh bức tranh tư tưởng thế giới về những gì mà vật lý học hiện đại Tây phương ra sức thực nghiệm. Vì vậy, người chuyển ngữ hẳn phải đụng chạm không ít kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Đặc biệt, sự tra cứu và chú giải cho thấy công sức của người chuyển ngữ không dừng lại hay chỉ gói gọn quyển sách.
Trong khi đó, Tôi là ai cố gắng thị giảng chân lý một cách gãy gọn, rõ ràng và giản dị nhất có thể. Tùy theo thiên tư, hai tác phẩm chuyển ngữ này đáp ứng đặc thù tiếp nhận riêng. Võ Quốc Việt nhiều lần nhấn mạnh rằng Ramana Maharshi không tự nhận mình thuộc bất cứ tôn giáo, hệ phái hay truyền thống triết học nào. Đơn giản, ông là người đã chứng ngộ chân lý và ông chia sẻ lại hiểu biết của mình cho mọi người. Maharshi không yêu cầu người tìm đến thực hiện bất cứ sinh hoạt tôn giáo nào với ông. Dù người cầu đạo là người Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành hay Phật giáo, ông đều khuyên họ nên giữ đức tin riêng của mình. Dù họ thuộc giới tính nào, dân tộc nào, lứa tuổi nào, ông đều ân cần chia sẻ và giải đáp thắc mắc của họ. Điều nhất quán ông khuyên nhủ mọi người, ấy là hãy tự tìm hiểu chính mình, quay vào bên trong Tự Ngã, truy vấn về phía Tự Ngã để thấu hiểu triệt để chính bản thân mình. Maharshi cũng không phủ nhận và không bài trừ bất cứ thực hành tu tập nào. Thiền điểm sáng, thiền âm thanh, thiền âm Om, hay các lễ nghi sùng bái, … đối với ông là những nẻo đường khác nhau. Vấn đề là luôn ý thức sâu sắc mục tiêu tối hậu mà tất cả mọi nẻo đường đều dẫn tới.
Có nhiều vấn đề về phương pháp tu tập được người chuyển ngữ họ Võ rất cẩn trọng làm sáng rõ, gần gũi, khiến cho những vấn đề ấy trở nên dễ dàng và thuận tiện cho mọi người thực hiện. “Có thể có nhiều cách thức khác nhau để kiểm soát hơi thở. Đó có thể là duy trì hơi thở, điều hòa hơi thở theo tiết điệu nhất định, hoặc chỉ đơn giản là quan sát theo dõi hơi thở và ân cần lưu tâm tới nó” (TLA, tr.237). Dù gì, sự cầu tìm chân lý vẫn là cốt lõi nhất quán và duy nhất của hai bậc thầy tư tưởng Đông Tây hồi nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Sự ước vọng của hai tác giả cũng như người chuyển ngữ, ấy là trao gửi chiếc “chìa khóa” tư tưởng giúp mỗi người tự mở ra thế giới nội tại của chính mình.
3. Sự thấu hiểu tự nhân là bước đi tiên quyết để ta nhận diện nỗi khổ niềm đau trong đời ta. Như tiêu đề quyển sách, bắt đầu từ việc cấu thức, Đệ tam cấu thức luận góp phần giúp chúng ta phát hiện ra “thực tướng thế giới”. “Ta biết rằng trong chính trạng thái này, trong sự biến dịch cảm ứng thời tính, thì sự bắt đầu của hình thái ý thức thứ tư sẽ được biểu lộ ra, sự khởi đầu chuyển đổi đến Thần Thức Vũ Trụ” (ĐTCTL, tr.567). Trong đó, nhận thức của ta về thời gian như thời tính của hành động lập thức được Ouspensky nhắc đến kèm theo luận giải sâu sắc; thậm chí có thể xem là vấn đề trọng yếu của toàn bộ trước tác này. Trong tri nhận của ý thức người, “thời tính chính là chiều kích thứ tư của không tính” (ĐTCTL, tr.197). Thời tính của sự lập thức là mấu chốt đưa đến sự phát hiện thực tướng thế giới. Ta thử ngẫm nghĩ về vấn đề: khi một vật có vận tốc chuyển động tăng dần về phía vô cực thì nó dần trở nên bất động. Cơ hồ, Ouspensky hướng ta tìm kiếm chân lý trong thế giới ngoại hiện; ngược lại, đạo sư Maharshi hướng ta tìm chân lý trong thế giới nội tại của mỗi người. Lẽ đó, Đệ tam cấu thức luận gần với những tri thức khoa học, thậm chí gợi ý cho một số khám phá khoa học về sau. Trong khi đó, Tôi là ai giúp ta nhận ra chính thân tâm mình, ta có dịp nhìn lại chính đời mình – một cuộc đời hết sức thiết thân, cận kề và bình dị – mà ta hầu như đã lãng quên. Người chuyển ngữ, ở một số đoạn, cho thấy giọng điệu ngao ngán, thương tâm trước cảnh đời lầm lũi lao mình vào gió bụi. Người trước tác và người chuyển ngữ tưởng như hòa nhập làm một. “Thiên hạ vẫn cứ không hiểu được cái chân lý trần trụi và giản đơn – cái chân lý thuộc về trải nghiệm thường ngày, thường tại và vĩnh cửu. Đó là cái chân lý của Tự Ngã. Có ai mà không biết tới Tự Ngã? Song, thiên hạ thậm chí không thích nghe nói về Tự Ngã, trong khi đó họ háo hức biết được những gì nằm ở thế giới bên kia – thiên đường, địa ngục, luân hồi. Phải chăng vì họ thích chuyện huyễn hoặc chứ không phải chân lý minh xác” (TLA, tr.103). Có phải vì vậy ta thường xuyên bỏ rơi chính mình, ta thiếu hiểu biết về chính thân tâm và cuộc đời mình. Chính điều đó khiến ta quay cuồng trong tao loạn đời sống. Bỏ rơi chính mình, đánh mất chính mình, ấy là nguồn cơn hôn mê ba vạn sáu ngàn ngày trên cõi thế.
Cảm thấu lẽ này, toàn bộ sự biết thấy vốn có của ta sẽ thay đổi. Trong đó quan trọng hơn cả là thay đổi nhận thức về chính mình trong tương quan thực tướng thế giới. Tôi là ai hướng ta đến nền nhân tính mới; cũng như Ouspensky chia sẻ trong Đệ tam cấu thức luận: “Tất cả những kiến giải này loan báo cho ta về khả năng cận kề tiếp chạm Nhân Tính Mới” (ĐTCTL, tr.554). Có lẽ vì vậy, Claude Bragdon cho rằng: Đệ tam cấu thức luận là quyển sách hãi hùng. Vì “nó sẽ tước đoạt những ảo tưởng trìu mến, cắt lìa mặt đất dưới chân ta. Nó kí thác cho hố thẳm. Nó là kẻ hủy diệt vĩ đại, kẻ hủy diệt lòng tự mãn”. Claude Bragdon còn nhấn mạnh: “Đừng kinh sợ cuộc xoay trời đổi đất”. Riêng Ouspensky cho rằng: “Tôi định danh hệ thống thượng cấp luận lý này là Đệ tam cấu thức luận bởi vì đối với chúng ta nó là nguyên tắc lập thức thứ ba – đệ tam khí cụ – của nghĩ tưởng sau nguyên tắc lập thức của Aristotle và Bacon”. Trong toàn bộ tập sách, Ouspensky liên tục thay đổi giọng điệu luận giải tùy thuộc lĩnh vực kiến thức và khuynh hướng tư tưởng gắn liền triết gia cụ thể (Đức Phật, Lão Tử, Trang Tử, Plotinus, Kant, Schopenhauer, Nietzsche…,). Bản dịch của Võ Quốc Việt thể hiện sự linh hoạt trong khi chuyển ngữ giúp cho tác phẩm hài hòa tính khoa học và tính nghệ thuật (như những đoạn luận giải về sáng tạo và cái đẹp). Nhất là những đoạn chuyển ngữ sang hình thức thi ca. “Mắt thịt tròng thà ngông vớ lấy/ Linh tâm đồ hiện linh tâm không/ Vô minh đứng ngó mình chẳng thấy/ Ngọc đòng trổ bóng huyền không”. Có thể nói, Đệ tam Cấu thức luận có giá trị nhất định trong việc nghiên cứu triết học phương Tây cũng như tìm hiểu và thực hành tâm linh nói chung.
4. Một cách nghiêm nhặt, Ouspensky thuyết phục những bậc trí giả hàn lâm; còn Maharshi không thuyết phục ai, chỉ đơn giản ông chia sẻ về chân lý. Thậm chí, những khái niệm lý thuyết còn độc hại nếu bậc trí giả chấp níu vào việc luận lý nội hàm và ngoại diên của những thuật ngữ đó. “Chính những ai thất học lại được cứu rỗi hơn là những kẻ mà bản ngã ngồng ngộng phiêu dật ngút trời mặc dù học vấn đến độ nào đi nữa. Những người thiếu học ấy được cứu thoát khỏi sự kèm kẹp liên hồi của ác tâm mê đắm tự thân; họ được cứu thoát khỏi tệ lậu của hằng hà suy nghĩ và lời nói quay cuồng điên đảo” (TLA, tr.25). Bởi vì bấy giờ, bậc trí giả vẫn như đứa bé con đùa giỡn với các mô hình đồ chơi lắp ghép mà bỏ rơi chính đứa bé đang chơi kia. “Tương tự anh sẽ chẳng có lợi lộc gì để mà bàn luận lý thuyết cả” (TLA, tr.25). Điều quan trọng là thực hành quay trở về với mình, thấu hiểu mình. Chẳng phải vô cớ, Socrates nói: “Hãy tự biết mình!”. Maharshi từng cho rằng các đạo sư xưa nay thị giảng theo một cách khác nhau không phải vì có nhiều chân lý khác nhau mà vì có nhiều người khác nhau trong việc tiếp nhận chân lý. Và những hiền triết Hy Lạp cổ hay những hiền nhân xứ Ấn xưa, thực ra chỉ nói đến cùng một chân lý mà thôi!
Lời dạy của đạo sư Ramana Maharshi tập trung hướng đến chân lý đó: truy vấn “Tôi là ai?”. Cô đọng lời dạy ấy trong chia sẻ ngắn gọn cho người mới bắt đầu tìm chân lý tối thượng thuận tiện tiến nhập, Võ Quốc Việt nhấn mạnh:
“Bhagavan từng nói: “truy vấn Tự Ngã không phải bày ra bất cứ đối tượng nào trước mặt tâm trí mà đơn thuần chỉ là chuyển hướng nó vào chính nó, để truy nguyên cội rễ của nó”. Mục đích trọng yếu của truy vấn Tự Ngã chính là tập trung toàn bộ tâm trí vào nguyên ủy của nó. Theo Bhagavan, nếu không có khổ đau, làm sao khát vọng hạnh lạc trỗi dậy? Nếu khát vọng ấy không trỗi dậy, làm sao truy vấn Tự Ngã có thể phát khởi? Khổ đau là tiền thân của hạnh lạc. Truy vấn Tự Ngã, theo đó, là hoạt động chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Bắt đầu từ chính những vấn nạn của tồn tại để chuyển hóa và nhận diện chân lý hằng hữu”. (TLA, tr.16)
Bước đầu tiên quan trọng cho người muốn vượt thoát nỗi khổ niềm đau đời sống chính là hiểu đúng bản chất của việc sống trên đời. Bấy giờ, hẳn bạn nhận ra chia sẻ của Võ Quốc Việt trước khi đi vào nội dung quyển sách Tôi là ai, ấy là vượt thoát khổ đau không có nghĩa tách mình ra khỏi bể lầm than oan cừu thống khổ mà ở giữa thống khổ lầm than oan cừu vẫn không nao núng. Sống cơ hồ, là để trải rồi qua! Chỉ vậy thôi, và hãy quan sát sự biến đổi của tâm mình trước các trạng huống cuộc đời. Như màn hình chiếu bóng, cảnh trí biến đổi trên màn hình và bản thân màn hình đó, bạn nghĩ xem cái nào có thực, cái nào không có thực!
5. Để chuyển hóa, Võ Quốc Việt nhắc lại lưu ý của đạo sư Maharshi: tìm hiểu lý thuyết có thể trợ giúp rất ít ỏi, thậm chí có hại, quan trọng hơn hết vẫn là sự thực tập! Vì sa đà vào lý thuyết, luận lý tư biện dễ khiến người cầu tìm chân lý rơi vào vướng chấp khái niệm. Khái niệm như khí cụ của tư tưởng, nhưng nó cũng có thể trở thành song sắt cầm tù tư tưởng. Vì nó có thể khiến cho tâm trí ta rơi vào tình thế nhị nguyên. Bấy giờ cõi lòng ta đầy rẫy chia biệt, vực thẳm khôn cùng của khổ lụy đã ở ngay bụng dạ mình, làm sao có thể tìm thấy chốn nào là hạnh lạc an nhiên. Ta nhìn đâu cũng thấy khác ta, trần đời đều khiến ta chướng mắt, thiên hạ trong mắt ta thật sai quấy kỳ quặc. Nhưng “khác ta đâu hẳn là người thù ta!”. Do đó, ta cần quy hồi sự biết thấy thuần túy, lẽ như Husserl gọi là hoàn nguyên/giảm trừ (réduction), lẽ như Trần Đức Thảo gọi là trực quan bản chất, còn người tu Phật hẳn xem như trực chỉ quy nguyên. Từ đó, người dịch nhấn mạnh thêm: “Muốn biết giác ngộ là gì thì hãy giác ngộ đi! Đừng thao thức luận lý đặc điểm trạng thái giác ngộ!” (TLA, tr.17). Không chỉ giúp cho bạn đọc thuận tiện nhận ra yếu chỉ trong lời dạy của đạo sư Maharshi, người dịch còn trình bày một số lầm lạc trong nhận định về vị đạo sư này, giúp cho cách hiểu của người đọc về lời dạy của ông thêm sáng tỏ.
“Bên cạnh vấn đề lý thuyết và thực tu, Bhagavan cũng nhiều lần nhắc nhở rằng ông không thuộc bất kỳ tôn giáo nào; nên ông cũng không đòi hỏi những người tin theo ông phải thực hành bất kỳ sinh hoạt tôn giáo cũng như không bắt buộc/khuyến khích người ta cải đạo (ngược lại ông còn ủng hộ họ giữ lấy đức tín vốn có và đừng quá bận tâm đến vấn đề lễ nghi sùng bái)” (TLA, tr.17).
Maharshi không phê phán, không chỉ trích. Lời dạy của ông đúng hơn chỉ là lời khuyên. Và mọi người xuất phát từ những cách thế nhận thức khác nhau, từ các điều kiện tâm trí khác nhau, lẽ đó, nên xuất phát từ chính mỗi cách thế riêng ấy để tiến bước vào con đường trí tuệ. Điều này không có nghĩa ông coi nhẹ con đường sùng bái. Nhưng rõ ràng, con đường trí tuệ là lối đi trực diện và rốt ráo để con người nhận diện bản chất khổ đau và đoạn trừ khổ đau. Như cách nhấn mạnh và khẳng định thêm lời dạy của Maharshi, Võ Quốc Việt chia sẻ:
“Bởi lẽ, giáo lý của bất kỳ tôn giáo nào cũng dựa trên chân lý, còn chân lý thì không dựa trên bất kỳ tôn giáo nào. Đó chỉ là các ngã đường khác nhau, cách thức khai ngộ tâm linh khác nhau, tùy theo khả năng và khí chất của mỗi người. Sự khác biệt nằm ở năng lực và bản tánh mỗi người chứ không phải ở tôn giáo nào. Vì bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ” (TLA, tr.17).
Nhìn chung, nếu Đệ tam cấu thức luận thiên về tri kiến học thuật với trữ lượng kiến thức liên ngành phong phú đa dạng; thì Tôi là ai lại là những chia sẻ rất đơn giản, gần gũi. Như đạo sư Ramana Maharshi chia sẻ: các lời dạy khác nhau, các nguồn tri kiến khác nhau không có nghĩa có những chân lý khác nhau mà chỉ là những ngõ đường khác nhau tùy theo thiên tư của mỗi người cầu tìm trí tuệ.
6. Tiếp nữa, qua hai tác phẩm chuyển ngữ này, bạn có thể nghĩ đến vấn đề “hình tượng người dịch” trong tác phẩm dịch thuật. Với Đệ tam cấu thức luận, bạn đọc có thể nhận thấy: dường như có hai khía cạnh của hình tượng người dịch đan xen và giao thoa. Đó là hình tượng người dịch trường qui và hình tượng người dịch có ít nhiều tính nghệ sĩ. Dẫu vậy, chính ở những đoạn có phần vượt ra ngoài tính nghiêm nhặt của khái niệm và thuật ngữ thì, Võ Quốc Việt cho thấy sự thấu cảm đến xương tủy với nguyên tác. Những câu thơ trong bản dịch cho thấy khí chất thi ca: “Triêu dương tuế nguyệt còn trơ/ Nào đâu sinh giới vẫn ngờ vực sâu/ Cốt căn của nó thần sầu/ Có đâu nào khác nhiệm mầu phân chia”. Hay như khi Võ Quốc Việt chuyển dịch chuyên luận của Plotinus – một triết gia Hy Lạp cổ – được dẫn lại trong Đệ tam cấu thức luận, thì bút lực của Võ Quốc Việt như đang vẫy vùng trong vòm trời tư tưởng giao hòa Đông Tây.
“Tất cả Bóng hình Chúa Thượng Cường Thiên thẩy đều kính vọng và tươi đẹp, và vẻ đẹp của họ vô hạn bát ngát mười phương. Nhưng liệu còn có gì khác nữa ngoài sự quán chiếu tuệ năng phát tỏa thông qua tượng hình của những đấng thượng thiên cao vợi ấy không? Và liệu có phải bởi vì tuệ năng bồi tụ dần thêm trong chính các vị thần quyền biến vô biên vô lượng hạn mức thần thông đến nỗi khiến bóng hình thần thánh thành ra hữu hình (bởi chính ánh sáng của trí huệ)? Cớ sự này không phải vì hình ảnh chân thân thần thánh đẹp đẽ. Mà bởi do chân thân của các vị thần không phải là cái mà thông qua đó có thể chuyển hóa chính họ thành ra hữu hiện như là thần thánh; mà họ đã thành ra thánh thần bởi do chính trí lực siêu phàm. Vì họ chẳng trì ngự nơi trí huệ thượng thừa, và cũng chẳng tệ hại bần hàn dưới đáy cùng thông tuệ; mà chính ra họ luôn luôn an trú tại ngai rồng thông thái, ngay tại đỉnh chót vót trí huệ an nhiên, kiên định và thuần khiết. Vả lại, họ thấu suốt toàn tri vạn hữu, họ chẳng có những phiền muộn sầu não con người mang tính tiền đề, mà họ có những nỗi niềm riêng mình linh thiêng hết sức, những bận tâm mà chỉ có trí huệ mới nhìn thấy được … Và tất cả vạn hữu trên đời chính là chốn thiên đàng và vườn trần kia cũng là thiên đàng, như biển cả, muôn thú, ngàn cây và nhân loại. Hơn nữa thần thánh ở cõi trời thượng thừa ấy chẳng nghĩ đến bọn linh trưởng đáng thương trong phạm vi các vấn đề quan tâm của họ, cũng như chẳng có bất cứ gì khác đáng kể (vì rằng vạn hữu đã có thần tính/thuộc về thần tính rồi). Và họ trú ngự khỏa tràn không ngừng nghỉ toàn cõi (lạc phước). Đối với đời sống không kẻ hầu người hạ, (như Plato đã nói trong Phaedrus) chân lý chính là đấng sinh thành của thần linh, cũng là dưỡng chất nuôi nấng, là cái nôi ầu ơ ru hời bú mướm tạo thành thể tính căn cơ của chúa thượng tuyệt đối. Các chúa thượng cửu trùng thấu suốt vạn cõi, không phải với cái nhìn của sự khai thiên lập thành đời sống mà là với những gì có bản tính hiện tiền. Và các bậc chúa thượng theo đó tiếp nhận chính mình trong các tha thể. (…) Thế là sự huy hoàng tráng lệ thành ra vô lượng. Vạn hữu vĩ đại cường hãn mênh mông vô bờ, từ buổi đó những tỉ ti bé mọn cũng trở nên to tát vô cùng. Mặt trời cũng theo đó có được hằng hà tinh tú; đến lượt nó, tinh tú hằng hà cũng đã là mặt trời với tất cả sao trời bát ngát … Tuy nhiên, và trong mỗi tinh tú khác biệt chiếm thế thượng phong; đồng thời vẫn có thể nhìn thấy vạn hữu trong mỗi một tinh tú xoay vần”.
Sự chuyển ngữ của Võ Quốc Việt cũng giúp ta nhận ra vì sao một triết gia Hy Lạp cổ lại trở nên nguồn cảm hứng về tư tưởng cho nhiều người tìm hiểu triết học Ấn Độ cổ đại và huyền học phương Đông nói chung. Và, ngoài giá trị nhận thức, nhiều đoạn trong Đệ tam cấu thức luận có giá trị văn học nhất định. Hay như phần phụ lục của quyển Tôi là ai, Võ Quốc Việt đã bổ sung thêm một văn bản khác của Ramana Maharshi – Ngũ tán kệ Arunachala – nhằm mục đích làm rõ thêm lời dạy của vị đạo sư này. “Như mặt trời ban mai chiếu tỏa/ Để nụ tâm liên bung nở rạng ngời”. “Vì vạn hữu như thân tướng ở đời/ Như chẳng còn gì tận hiến, than ôi!”. Quả thực, không chỉ chuyển ngữ, Võ Quốc Việt còn chuyển tải giá trị thi ca của nguyên tác. Giá trị văn chương của bản chuyển ngữ có lẽ chính là vì nỗ lực như vậy. Và, nếu biết rằng Võ Quốc Việt cũng từng sáng tác thơ, hẳn bạn không ngạc nhiên với sự chuyển ngữ này! Trước khi đến với khảo cứu, phê bình, Võ Quốc Việt từng làm một số bài thơ có sắc thái riêng. Đó là:
“Em vẫn còn đang đi trên con đường
đầy rẫy gai trinh nữ móc vào gót chân non con gái,
từng chút máu rỉ vào đất mặn đắng
cảm thấy nỗi đau rõ như lời chia cách, nỗi đau nhọn và sắc như mùa đông
khi trên thân thể em mùa hè còn hiện diện
và giông bão nhiệt đới còn nguyên vẹn cuồng phong
không còn anh đâu nữa, cuộc đời mù sương,
chân trời soạt lỡ trước sức nước đôi mắt
tất cả nước trên đời luồn qua đôi mắt em, làm ướt sũng ước mơ con người
làm người buồn định mệnh, ngồi trên vách đá,
nghiêng mình xuống thung lũng, mắt em khoan vào lõi trái đất bằng nỗi nhớ
em thấy nhớ chính mình và cái chết,
em đã thấy lòng mình thả vào hố thẳm, em thấy anh
đã rất nhiều ngày mộng du để bàn chân đầy những vết gai
con đường em vẫn đi trong lúc nhớ anh và nhớ em
con đường gai mắc cỡ bây giờ mòn ruỗng và xác cỏ héo rũ,
những búi gai khô héo phơi phóng
tấm lòng em còn in trên đóa hoa trinh nữ hồng phớt vẹn nguyên ban mai
linh hồn em còn chôn cất cái chết của trinh nữ
con đường gai giữ hộ em chiếc bóng một mình
khi em đã lấp đầy những khoảng trống lõm vào đôi mắt
khi em nghiêng nhìn xuống vực thẳm của tình yêu”
(Hố thẳm, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang số 82).
Thơ – Có lẽ, đã truyền cảm hứng giúp người chuyển ngữ họ Võ – tuổi đời vừa bước qua ngưỡng ba mươi, có sự cộng hưởng nhất định với thi nhân, tạo điều kiện cho cây bút này chuyển ngữ một số bài thơ của thi hào Rabindranath Tagore. Đó là một số bài thơ trong tập thơ Trăng Non của thi hào xứ Ấn, chẳng hạn:
“Khi mẹ mang cho con đồ chơi đủ sắc màu, này con yêu, thì mẹ hiểu tại sao có cuộc chơi nhiều màu như thế trên mây trời, trong sóng nước và tại sao những bông hoa phô bày nhường ấy màu sắc – ấy là khi mẹ mang cho con những đồ chơi đủ sắc màu, hỡi con yêu.
Khi mẹ hát cho con nhảy múa, thì mẹ thực sự biết tại sao có tiếng nhạc trong lá cành, và tại sao muôn đợt sóng gửi trao điệp khúc âm thanh đến trái tim quả đất đang lắng nghe – ấy là khi mẹ hát cho con nhảy múa.
Khi mẹ trao những món ăn ngọt ngào vào đôi bàn tay háu ăn của con thì mẹ biết tại sao trong búp hoa có nhựa mật, và tại sao trái cây thầm chín mọng nước ngọt đầy – ấy là khi mẹ trao những món ăn ngọt ngào vào đôi bàn tay háu ăn của con.
Khi mẹ thơm má con làm con nhoẻn miệng cười, hỡi con yêu, thì mẹ hiểu chắc rằng niềm vui dâng trào từ bầu trời trong ánh ban mai, và hiểu được niềm hỷ lạc mà làn gió mùa hè thổi mát châu thân – ấy là khi mẹ thơm má con làm con nhoẻn miệng cười”(1)
Trong nhà thơ có hình bóng nhà khảo cứu và trong nhà khảo cứu vẫn có khí chất nhà thơ! Biểu hiện cảm xúc, tư tưởng, minh xác chân phương có hàm lượng khác nhau trong trang viết của Võ Quốc Việt!
7. Là cây viết trẻ, nhưng ngòi viết không trẻ – không trẻ ấy, toát lên chỉ dấu trữ lượng tiềm năng ở Võ Quốc Việt với nhiều địa hạt khác nhau. Và, ở phương diện nào, ngòi viết họ Võ này cũng bộc lộ khí cốt đậm sắc thái riêng. Ngay trong lời giới thiệu sách Tôi là ai của Maharshi, Võ Quốc Việt cũng cho thấy những câu văn nhiều xúc cảm và giàu hình tượng. “Khi tiếp chạm với lời dạy của Chân sư Ramana Maharshi, tôi bỗng cảm thấy cây cầu gãy đổ trong tôi được nối lại. Tôi như con chim được xổ lồng. Tôi gặp lại chính mình từ hằng hà kiếp sống trước sau. Một cảm giác mới đầu cứ ngỡ xa lạ nhưng hóa ra quá ư gần gũi – như đã quen thuộc từ lâu lắm. Sóng biết mình là nước ngàn năm chẳng phải vỗ bờ” (TLA, tr.18). Một số bài khảo cứu (về thơ Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, …) cũng cho thấy tính hình tượng, tính tư tưởng và ngôn từ giàu cảm xúc. Một khía cạnh nữa, hẳn bạn đọc cũng nhận thấy, Võ Quốc Việt có vốn ngôn từ phong phú và cách sử dụng linh hoạt. Đặc biệt trong việc chuyển ngữ các khái niệm mang hàm lượng triết lý cao (Linh Thể Toàn Hảo, Tự Ngã bất sinh hoại, Ngũ tán kệ, Toàn Giác Tính Thần Thánh, huyết lệ tương thông, …). Bên cạnh thuật ngữ tiếng Anh, người chuyển ngữ họ Võ còn cho thấy công sức tâm huyết trong việc tra cứu và minh định thuật ngữ tiếng Phạn: maya (ảo tưởng), Samadhi (nhập định), bhakti (tận hiến), samsara (nợ trần đời), upadesa (chỉ dẫn tâm linh), Jivanmukti (Giác ngộ khi còn tại thế), Videhamukti (giác ngộ sau khi chết), … Nỗ lực của người chuyển ngữ đáng được ghi nhận.
Với Tôi là ai, tác phẩm chuyển ngữ những lời dạy của đạo sư Ấn Độ. Lẽ đó, giọng điệu lặng lẽ thâm trầm. Giữ lấy tinh thần cốt lõi của Ramana Maharshi và người biên tập (ông Arthur Osborne), Võ Quốc Việt hạn chế những thuật ngữ bằng tiếng Phạn, ngõ hòng giúp cho bạn đọc thuận tiện nhất có thể trong việc tiếp nhận lời dạy. Song người dịch vẫn đảm bảo tính minh xác qua bảng kê thuật ngữ liên quan để bạn đọc nào có ý muốn tìm hiểu sâu xa hơn hoặc đọc thêm ở những tài liệu khác có thể thống nhất về mặt khái niệm. Cho nên, có thể ví Đệ tam cấu thức luận như tủ sách nhiều ngăn, nhiều tầng với nhiều phạm vi kiến thức khác nhau, trong khi Tôi là ai như dòng suối mát lành trên đỉnh núi lặng lẽ.
8. Về vấn đề thuật ngữ, người biên tập phiên bản Anh ngữ cũng như trong phiên bản Việt ngữ, người chuyển ngữ đều lưu ý không sử dụng quá nhiều từ tiếng Phạn, tránh bản dịch trở nên nặng nề. Bởi lẽ, Maharshi luôn truyền giảng một cách dung dị và đơn sơ nhất có thể. Tuy nhiên, trong nhiều vấn đề triết lý uyên thâm, quả thực không thể không sử dụng những thuật từ đòi hỏi tính khái quát cao. Tuy nhiên, rất nhiều đoạn trong Tôi là ai, Võ Quốc Việt cẩn trọng bàn thêm một số phương diện, tránh những cách hiểu lầm lạc.
“Về cách hiểu Supreme Being: tức hữu tại tối hậu, thường được dịch hiểu như là Đấng Tối Cao/Thượng Đế. Nhưng đó là theo cách hiểu thông thường. Người chưa khai ngộ thường có xu hướng bám lấy khái niệm này như một vị, một người có quyền hành cai quản và sáng tạo, hủy diệt mọi thứ. Nhưng cách hiểu này khiến người ta dễ sa vào mù quáng có đấng thần thánh nào đó và không hiểu được Supreme Being kỳ thực chỉ là Hữu Tại Tối Hậu hay Tự Ngã. Tự Ngã/Hữu Tại Tối Hậu như bản thể vạn hữu. Vạn hữu không phải nó nhưng chẳng có gì không phải Nó. Ở đây Ramana Maharshi dùng tùy theo sức hiểu của đại chúng để giảng giải thể như có Đấng Tối Thượng nào đó, nhưng ông không quên nhắc rằng Đấng Tối Thượng này đồng nhất với Tự Ngã. Đấng Tối Thượng/Thượng Đế chỉ là cách thế hình dung của con người phàm mị về Tự Ngã toàn mãn vĩnh cửu” (TLA, tr.123-124).
Không chỉ vậy, tác phẩm chuyển dịch hầu như còn bao chứa hoài vọng và suy tư đời sống của người dịch. Ta thấy, Võ Quốc Việt luôn dõi theo bước vận chuyển của đời sống và ấp ủ hy vọng thông qua trang viết có thể sẻ chia ít nhiều phiền lụy trong thân tâm mỗi người.
“Những gì được bàn đến trong quyển sách này không chỉ xoay quanh vấn đề tâm linh mà còn liên quan đến các vấn đề thiết thân của thế giới hôm nay. Và cơ hồ, lời dạy của Chân Sư Maharshi giúp ta nhận ra: để giải quyết một cách triệt để các vấn đề của thế giới đương đại thì phải giải quyết triệt để vấn đề của con người trước đã. Trở về với chính mình, mỗi người phải tự giải quyết triệt để vô minh ngu muội bao trùm đời sống. Để trong khi đang sống, con người không bỏ rơi chính mình, không để mình côi cút lạc loài, mê sảng vô minh!” (TLA, tr.18-19).
Cho thấy, đây là người trẻ có trái tim nhạy cảm không ngừng thổn thức với cuộc sống đang diễn ra! Sự thổn thức đó còn biểu hiện ở nhiều đoạn chú thích ngắn kèm theo lời dạy của Ramana Maharshi. Võ Quốc Việt không chỉ chuyển ngữ. Ở nhiều vấn đề, hẳn bạn nhận ra rằng Võ Quốc Việt như đang đối thoại với đạo sư xứ Ấn.
“Đừng phân biệt có ta với người, có ngã với tha ngã để giúp đỡ hay cứu trợ gì cả. Bởi, giúp mình cũng là cứu người; giúp người cũng là tự cứu mình. Căn bản vốn không có mình với người! Trí huệ thực sự không có phân biệt” (TLA, tr.149). “Bậc đạo sư trong hình tướng con người. Bhagavan cho rằng các vị đạo sư ấy là sự thị hiện ân điển của Thượng Đế, hay sự thị hiện của Tự Ngã qua hình tướng của một con người phàm bằng xương bằng thịt. Cho nên có thể gọi họ là Đạo sư, Tổ sư, Bổn sư, Nhân sư, … Với trường hợp một số sơ tổ của các tôn giáo, họ giác ngộ không phải nhờ một Nhân Sư cụ thể nào, mà họ chứng đắc nhờ ân sủng của chính Tự Ngã, đúng hơn người thầy tâm linh của các vị sơ tổ ấy là Thượng Đế, là Bản Thể Tối Thượng” (TLA, tr.156).
Hành động chuyển ngữ đồng thời cũng là hành động tư tưởng. Có lẽ, thiên hướng này khiến cho trang văn Võ Quốc Việt, dù những bài bút ký đậm chất bình dân hay những thiên khảo luận thiên về học thuật, đều cho thấy ý thức đưa vấn đề trở nên có tính cách triết luận.
9. Hiện nay, số lượng dịch giả trẻ ở Nam Bộ quả là còn rất hạn chế so với một số khu vực khác trên cả nước. Ở dòng sách triết học – tâm linh thì, người dịch trẻ lại càng hiếm hoi. Đây là dòng sách có đặc thù riêng với hàm lượng tri thức khoa học đòi hỏi người dịch phải có nền tảng kiến thức nhất định. Dù chưa đến mức xuất sắc, song với người trẻ, những nỗ lực chuyển ngữ như Đệ tam cấu thức luận và Tôi là ai rất đáng ghi nhận. Và, từ địa hạt khảo cứu sang địa hạt dịch thuật, bạn đọc hẳn có thể nhận ra thiên hướng của cây bút trẻ Võ Quốc Việt. Đó là khả năng khái quát hóa và trừu tượng hóa. Bằng tất cả niềm đam mê văn chương cùng quá trình trau dồi học tập, tinh thần cầu thị; thì hẳn là cây viết của chàng trai họ Võ sẽ cống hiến bạn đọc nhiều trang văn và công trình đầy thú vị tiếp nối.
Tựu trung, cho đến nay ở khu vực phía Nam, Võ Quốc Việt đồng hành cùng các bạn văn trẻ đã xông xáo, dấn thân vào cung trời văn chương trên nhiều làn đường chữ nghĩa. Song, có lẽ, nổi bật hơn cả là địa hạt khảo cứu, phê bình và chuyển ngữ. Võ Quốc Việt, bên cạnh những trang viết đậm đà tình quê hương, nâng niu vẻ đẹp văn hóa của xứ sở, còn thể hiện nội lực tràn sức sống văn chương hồn Việt – không chỉ có khí chất thi ca thiết tha cảm xúc và tác phong khoa học thận trọng; mà còn khía cạnh lặng lẽ u tịch của người ưa chiêm nghiệm. Có thể ghi nhận và tin rằng: Đây là cây viết trẻ đa dạng đa năng, nhiều triển vọng ở vùng đất phía Nam!.
Chú thích:
(1) Võ Quốc Việt (2023). Hạnh anh nhi trong tập thơ “Trăng Non” của Rabindranath Tagore. Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 413 (01.10.2023), tr.21 (16-22).
8/1/2024
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...