Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Phạm Thị Duyên

Truyện ngắn của hội viên
mới Phạm Thị Duyên

Phạm Thị Duyên còn có bút danh Mai Hương, Trung Kiên sinh ngày 02.11.1979, quê quán xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay chị đang là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình, Trưởng Chi hội VHNT Dân tộc thiểu số Việt Nam tại Ninh Bình.
Nhà văn Phạm Thị Duyên đã xuất bản: Những viên sỏi phát sáng (tập truyện ngắn, 2007); Xuống cửa là đường (tập truyện ngắn, 2019); Mùa núc nác trổ hoa (tập truyện ngắn, 2020). Chị được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình: Giải B cho tập truyện ngắn Những viên sỏi phát sáng (giai đoạn 2006-2011), Giải B cho tập truyện ngắn Xuống cửa là đường (giai đoạn 2016-2021); Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2019 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn Xuống cửa là đường, và một số giải thưởng khác.
Nhà văn Phạm Thị Duyên được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
NHỮNG VIÊN SỎI PHÁT SÁNG
Phải thừa nhận rằng những chuyện có thể sảy ra trên đời luôn cũ như truyện cổ tích. Và không có gì cũ hơn những câu chuyện rủ rỉ của ông Báo. Tôi muốn kể ngày đó chúng tôi còn rất bé, bé đến nỗi không thể phân định được phương hướng cũng như nhận biết được những gì tốt xấu. Nhưng chúng tôi lại biết ngày xưa quỷ hiện hình đằng đông, bây giờ quỷ hiện vào lòng trẻ con. Trẻ con chúng tôi khôn hơn thời mệ tôi và ông Báo lúc bấy giờ, nên mặt trời chẳng mấy khi bị che khuất và bóng cây nêu cắm trước mộ người mới chết ngắn cũn như cái áo cộc của người già trong làng thôi.
Đấy là mỗi lần ông Báo muốn đi đâu xa lâu ngày hoặc giả cốt giữ chân chúng tôi khỏi lẵng nhẵng bám theo ông ra đìa đắp phai, làm xe cọn, lên rừng bẫy thú thì ông lại buông lời khen ngợi như thế hoặc phải bỏ thì giờ ra mà kể hằng hà sa số những câu chuyện ông đã từng nuốt căng phồng cái bụng của ông cơ. Này nhé, cổ xưa trong làng có những ông thày mo đi lại hiên ngang trên những chiếc lưỡi cày nung đỏ. Lịch sử cái nanh hùm đeo trên cổ thằng Nước là của con hùm cuối cùng ông Bôi bẫy được chỉ bằng con dao rựa đi rừng, lúc ông chết, phải chôn ở giữa làng, rào ba vòng, chín quây, canh giữ đến ngày thứ bốn mươi chín, ngôi mộ vẫn bị cào bới và bị tha mất xác. Lần theo lốt chân ông hùm lên rừng,  chỉ còn sót lại mỗi cái đầu, triệu về kè đá kín bưng nên có sự tích mộ đầu lâu.  Một mùa đông xa thật xa, người dân làng tôi đang sống thanh bình với đại rừng bỗng đâu có hàng chục chiếc quan tài được trở về cất dấu trong hang Sủ. Người con gái đẹp như tiên sa bị bắt làm thần giữ của. Mùa đông năm sau những chiếc quan tài lại theo đường mòn bắt đầu cuộc hành trình về phương Bắc. Trong sân nhà ông lang xóm những đội quân âm binh tập giáo mác loảng xoảng. Những con ma xó đói ăn lục bát đĩa nhà người nghèo. Và chuyện này ông không kể, thằng Nước con ông cũng không đời nào kể.  Chuyện một người bỏ làng ra làm nhà ở chân đồi kẹ, phúc lành của những người sống dành cho những người đã chết.
Bắn gà rừng trên đồng ruộng vốn là niềm yêu thích của tôi, nhưng tôi chỉ có cái nỏ bằng gỗ xoan. Con gà trống trắng ưa đỏm dáng. Tôi giương nỏ, nheo mắt, ngắm, lại xẩy, mũi tên của tôi quá nhẹ, con gà ranh mãnh đã kịp dang đôi cánh nhẹ như cánh chim câu bay vút lên ruộng trên. Nó ưỡn ngực tóc tóc bầy gà mái quanh đó tỏ vẻ xem thường sự chú ý của tôi. Cứ thế, nó bay còn tôi lóp ngóp giữa những thân lúa cao lút, sắc và rặm. Khi tôi tìm được chỗ ngắm thoải mái con gà đã đập cánh biến mất tăm. Loay hoay mãi tôi mới tìm được lối ra khỏi ruộng lúa. Khoảng không gian mở ra trước mắt vô cùng lạ lẫm, cách một con suối nhỏ, bên kia là đìa rừng, hình như là vậy, bởi một lần bố tôi kể chuyện lang Bùi cược đất. Người với thú có sự phân chia rạch ròi lắm, đất của con người chỉ có từ bờ rào gai đổ về thôi, còn bên kia con suối này là của rừng. Thường thì con người chỉ dám vào rừng lấy củi, hái măng khi trời sáng, còn ban đêm khi con người đã đi ngủ thú dữ mới dám mò vào làng bắt lợn vồ chó. Tôi hơi chùn lại, buông nỏ, tìm lối về làng. Nhưng con gà trống trắng lại vươn ức, tóc tóc te, ngang nhiên thả cánh dập dờn mấy hồi trên giang sơn của riêng nó, lập tức có cả một dàn đồng ca phụ hoạ, xôn xao. Tôi dòm quanh. Xa phía dưới chân đồi có người đàn ông đang bắc một cái xe cọn cho nước đổ vào khu đất hoang bên kia rừng, hẳn ông ta  nhiều hơn tuổi bố tôi. Chọn chỗ có xe cọn rốc nước vào ruộng tìm đường lội sang. Cỏ rẽ và mặt bùn rắn. Lội ùm xuống. Thấy động, con gà cảnh giác, nó rướn cao cổ, đuôi hạ thấp xuống mặt đất, tiếng phựt rất mạnh vút qua đầu tôi cắm phập vào ức khi nó vừa kịp cất cánh lên khỏi ngọn lúa. Nó tóc tóc lên mấy tiếng rồi rơi xuống. Hình ảnh đó thật ấn tượng đối với tôi. Lòng tôi cuồng lên rạo rực.
Tôi ngoái lại tìm người hâm mộ. Mũi tên thần kỳ là của một thằng bé đen nhem, cóc cáy không khác nào củ ráy. Nó bảo với tôi: Của mày đấy. Ở đây đầy gà rừng, tao chỉ bắn chơi cho đỡ chán tay thôi. Nó bảo chỉ bắn chơi cho đỡ chán tay thôi a. Cách bắt quen của nó hay đấy. Nỏ của mày xoàng lắm, mày có thích không! Tao cho mày đấy. Nó vừa nói vừa chìa cái nỏ ra trước mặt tôi. Tôi đưa tay đón bắt một cách bình thường, tay tôi hơi chĩu xuống, cái nỏ quả là nặng, dây làm bằng ruột mèo rừng căng phải biết. Đi với tao về nhà, tao còn cái nữa, hai đứa mình lên đồi kia bắn nhiều hơn. Nói rồi nó quay sang chỗ người đàn ông vẫn đang hì hụi đào đất, nó hú mấy tiếng, ông gật gật và cũng hú lên. Bố mày à? ừ. Bố tao biết nhiều thứ lắm, nhà tao ở trên đồi kẹ kia kìa, – Nó khoát tay – Ngôi nhà bé tí, dị dọ như người già ốm yếu kia á. Bố tao bảo rừng lành lắm, rừng cho nhà tao lúa, sắn để ăn, cho củi để đun và còn cho chim thú để đổi lấy quần áo mặc đấy. Rừng chỉ không cho những người ác ở thôi. Và có nghĩa là ông hùm không rình bắt nhà nó a. Nghĩ vậy nhưng tôi chờ nó ở ngoài mảnh vườn lởm chởm đá và bụi sim mua. Đứng đây nhìn rất rõ ngôi làng của tôi. Ngôi làng xanh rì, khum khum, lùm lùm, co cụm như cái thúng úp giữa ruộng lúa nhỏ hẹp. Ruộng lúa cũng lô nhô những thằng bù nhìn rơm canh đuổi chim muông xuống phá phách trông như vệ binh của làng. Không thể trông thấy cổng làng, chỉ có con đường mòn xanh xám cỏ may. Khi mặt trời vừa rơi xuống bên kia đầu núi Sủ là người lớn trẻ nhỏ ý ới gọi nhau về,  lấy rào rấp kín cổng ngõ. Hoá ra ngôi nhà tôi sống vô cùng nhỏ bé, yếu ớt giữa đại ngàn mênh mông, bất tận. Lần đầu tiên tôi đi ra khỏi làng, tôi đứng trước cửa nhà thằng Nước, nhìn về làng và tôi có cảm giác làng của tôi không thể bảo vệ được tôi.
Hễ có điều kiện là tôi lại chốn nhà theo thằng Nước lên rừng bắn gà, ra suối, xuống khe tỉa cá, chúm lươn. Tôi theo nó thôi chứ cũng chẳng làm được trò trống gì. Phải công nhận là nó sát cá, sát chim nhưng còn lâu mới bằng ông Báo – bố của nó. Cứ độ nửa tuần trăng ông lại đem những thứ săn bắt được vào biếu người trong làng. Người làng tôi quý cái tình ấy nhưng họ không mấy khi mời ông qua ngưỡng cửa nhà mình. Họ bảo sở dĩ ông trụ được ở ngoài đìa rừng mà không bị thú dữ lôi đi là nhà ông đang thờ con ma rừng.
Mùa lúa chín những con gà bắt đầu béo nũng nĩnh, chúng bay ngắn hơn, thằng Nước dễ dàng tóm bắt. Nó không thích những thứ gì dễ dãi. Tôi bắt đầu thấy nhàm chán. Tôi năn nỉ rủ nó chui bụi săn cầy, hay xuống rừng măng bắt dúi. Nó bảo chẳng có gì hứng thú cả. Đợi khi nào tao bằng tuổi cây núc nác, chịu được mưa rừng thì bố sẽ cho tao vào đại rừng bẫy thú. Nhưng tao thích bẫy tê tê hơn. Con tê tê nó láu cá lắm. Muốn bắt được nó đừng quen lần theo như tìm lốt chân gấu thì chỉ có tìm sủi bóng trăng. Ngón cái của nó cẩy đất ngược lạ mà. Còn bẫy gấu chó thì phải lên rừng hạt dẻ. Mày biết con gấu chó chưa? Tôi lắc đầu, nó hất hàm, rừng dẻ đằng kia kìa. Nếu mày muốn tao sẽ dẫn mày đi, nhưng mày không được hét lên tức là mày phải có lòng can đảm ấy. Một lần tao tha thẩn ở đó lấy vỏ quặt về cho bố tao ăn trầu, mũi tao gặp phải mùi khắm lặm, hoá ra ở ngay dưới gốc cây sòi  có một con hùm con đang nằm ngủ, bố tao bảo khi nào bọt sùi ra bên ria mép nó to bằng cái vòng tay ôm này là nó tỉnh. Tao hãi quá, tè luôn ra quần. Tôi sợ toát mồ hôi nhưng vẫn háo hức và hi vọng. Nó dắt tôi xuống rừng ma. Những bãi cỏ mồ thấp tè xen kẽ giữa những hòn đá mồ côi. Những hòn đá xám xịt rêu chỉ nhỉnh hơn những cái đầu người lẩn khuất trong bụi cây rậm. Tôi leo lên cây vả nó kéo tôi tìm cây sung mật, tôi đò mồm gặm quả dâu da đất nó dụ tôi bứt quả gắm rừng. Gắm rừng bùi và ngon phải biết. Rừng với tôi là một thứ gì đó u minh dằn dữ và cũng hiền hậu vô cùng. Đôi khi tôi có cảm giác rừng cũng bí hiểm như lòng ông Báo. Tôi chưa được chứng kiến ông cáu giận, nạt nộ ai bao giờ, ông thật hiền lành. Đó là những lúc ông ngồi cạp rổ dưới bóng cây núc nác hoặc nằm gác chân, quại gió bằng cái quạt mo và ngẫu hứng đọc vè, những câu vè không có vần điệu trầm bổng ngọt ngào như lời hát đúm của bà tôi. Tôi cũng nằm trên chõng, chân đạp vách, chân bắc thượng lên cái cửa chống gió. Thằng Nước nằm giữa, nó thích nằm chổng mô, cuốn con sâu thuốc cho ông rồi nó bắc hai cái que tre phách nhịp.
– Đời tôi vất vả cơ hàn, Không cha không mẹ như đàn không dây, Họ hàng nội ngoại đông tây, Anh em chú bác tôi không được nhờ, Mới lên bốn tuổi ấu thơ, Bạ đâu ngủ đấy là nhà của tôi, Thấy tôi biết chăn trâu cắt cỏ, Lang xóm mắt về làm con ở đầu sai, Lại còn đánh đập dã man, Khác nào như thể quân thù mà thôi. Đời tao nào khác kiếp ngựa trâu, phải không hở. Ồ mà chúng mày con nít nghe làm gì?
Tôi thích nghe gọng ông hào sảng khi ông vè đi làm cách mạng. Cái giọng kích thích tôi ghê gớm, ông cười hềnh hệch như chẳng bao giờ biết buồn. Cái chân cà nhắc của ông rung rung.
– Bà ơi nấu nướng chăm con, Để con khỏi khổ như là thân tôi.
– Eeng bịa rồi!
Thằng Nước giãy nảy. Ông mở mắt.
– Ờ, ờ.
Thằng Nước làm ra bộ ngẫm nghĩ một lúc lâu.
– Con cũng muốn có mệ, có mạng.
Ông lại lặng im. Tất cả mọi lớp cơ trên mặt ông trùng xuống, mắt ông đờ đẫn, trôi trôi.
Lần này, ông Báo lại đi xa. Bố thằng Nước vẫn thường đi như thế sau mỗi ngày mùa. Nó không biết bố đi đâu. Nó không khóc đòi theo cũng như không sợ hãi ở một mình. Nó đếm ngày bố nó đi bằng cách bỏ que đóm vào ống nứa hay dắt lên tấm liếp. Bố nó vẫn dặn nó làm như vậy. Nhưng lần này nó bỏ đầy cái ống nứa đó mà ông Báo vẫn chưa về. Nó buồn rầu không thiết lên núi săn bắt như mọi khi. Tôi dẫn nó về làng bắt bạn mới. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên nó đặt chân vào làng. Bọn trẻ con dè dặt đón nó như người làng tôi đón nhận tình cảm của ông Báo. Nó bỗng ne nép và lấm lét đứng nhìn bọn trẻ chúng tôi đùa rỡn trên lưng trâu. Tôi bảo: Mày cùng cưỡi với tao nhé. Nó khinh khỉnh. Trâu nhà mày hiền lắm. Tao thích con trâu trên đồi sắn hơn.  Nói rồi, nó lùi lũi trở về ngôi nhà của nó và ngồi chơ vơ trên tảng đá. Ngóng xa xôi.
Nó chưa bao giờ hỏi bố nó về mạng của nó cũng như vì sao chỉ có hai bố con nó sống cô quạnh ở nơi rừng ma hoang vắng như thế này. Những lúc buồn bực nó đâu biết khóc đòi làm rỗi như tôi. Nó đón nhận sự săn sóc của cha nó hồn nhiên như cây núc nác mọc ở đầu hồi nhà nó. Đôi khi có cảm giác trong ngôi nhà đó chỉ có hai người bạn.
Một tuần trăng lặng lẽ trôi qua, cuối cùng tôi cũng giúp nó dắt que đóm thứ ba mươi mốt vào trong ống thì ông Báo về. Nhưng lần này không chỉ có mình bố nó mà có thêm một người đàn bà nữa. Người đàn bà đó sùm sụp cái khăn mỏ quạ, đeo yếm, thắt dải dây lụa. Bố nó bước vào nhà, người đàn bà đó cũng bẽn lẽn, ngượng ngập bước theo sau. Bước đi không phải của người quen trèo đồi. Nó thắc mắc nhìn bố rồi nhìn người đàn bà một cách khó hiểu. Ông Báo cười hềnh hệch: Tao dẫn mạng về cho mày đấy. Ông quay lại nhấc bị cói trên vai người đàn bà đó đặt xuống chõng tre: Bà nấu cơm cho người đàn ông nhà này ăn thôi. Người đàn bà đó khẽ cười bắt thân với nó khi nó đang nằm gọn trong lòng bố nó. Đêm xuống, bà chong đèn vá lại cho bố nó cái áo rách vai, khâu cho nó đôi quần mới. Gặp tôi, nó khoe. Tôi thì thào: Mạng mày đấy à. Nó tự đắc bảo: Mạng  tao đấy, nhưng không phải mạng đẻ. Đôi mắt nó ánh lên niềm hạnh phúc ưu tư.
Những ngày sau đó có mấy người rẽ rào, lội suối nhà ông Báo, nhưng là người làng. Đàn bà mang rơm, đàn ông lên rừng chặt nứa. Người pha nứa, người nhào bùn, người băm rơm, gắp ranh. Họ cười nói, họ đánh từng gắp ranh qua tay nhau lên lợp lại mái nhà cho nhà thằng Nước. Ngôi nhà được căn thêm một trái bếp phía mặt trời lặn và mở thêm gian buồng phía mặt trời mọc. Ô cửa chống nhìn thẳng ra cây núc nác. Mùa đông năm đó, bầu trời xanh thẳm và gió ràn rạt thổi trên những cánh đồng khô nẻ. Nước trong khe cũng cạn róc. Nhà thằng Nước đào giếng. Gặp ngôi mộ giả có rất nhiều chiêng đồng, chiêng đúc. Thằng nước bảo. Chiêng của nhà Lang đấy. Phải đem về nhà trưởng thôn cất cho. Tôi háo hức mừng thầm. Mùa xuân năm nay mở hội phường sắc bùa to đây, làng sẽ vui lắm a. Nhưng tao không ở nhà đi chúc tết được đâu! Nó bảo nó muốn đi làm một việc như bố nó vẫn thường đi. Tôi chột dạ hỏi: Đi tìm mạng mày à. Nó không trả lời. Mày thi bắn nỏ thay tao nhé! Tôi bỗng thấy lòng bần thần, trống trải vô cùng. Mày không đợi đủ tuổi lớn để vào rừng sâu săn thú. Không đợi con trâu đói ăn lùng vào đồi sắn, húc cặp sừng nhọn hoắt vào mô đất bở rồi khoan thai gặm những củ sắn ứa nhựa một cách ngon lành à? Tao là bạn của mày mà, mày cho tao đi cùng đi. Nó chằm chằm nhìn tôi. Mày muốn đi như tao à, còn phải đợi thêm ba cái tết nữa.
Mùa tu hú, tôi cũng được đi ra khỏi làng, nhưng không phải đi như nó mà là đi học, rồi được tuyển thẳng vào thiếu sinh quân. Một lần tôi gặp Nước đi tải gạo lên Tây Bắc theo đường sông Đà suối Hút rồi nghe tin nó bị thương ở mường Chuồn. Ngày nghỉ phép, tôi trở về làng. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay chóng vánh của quê hương tôi. Người xuôi lên khai hoang lập làng mới, xóm mới. Rừng thưa, quang vắng. Ruộng đã lên cả trên đồi cao. Nương sắn ở xa tít xa. Chính tôi cũng không còn có thể nhận ra nhà mình. Bộ đội về làng, vào rừng tập xe tăng. Thú rừng cũng vì thế mà chốn sâu vào rừng sâu. Đoạn đời chúng tôi đã trải qua bỗng chốc trở nên xa xôi như những câu chuyện cổ. Lòng mênh mang buồn. Mạng vui mừng kể rất nhiều về cái sự đổi mới, chuyện người còn người mất trong thời gian tôi đi xa. Mạng thầm thì bảo: Ông Báo ở làng Xuân Mai à. Ngày xưa, trước ngày thằng Nước đi làm giao liên, nhà ông Báo đào giếng bên cây núc nác nhặt được rất nhiều chiêng. Chuyện đó thì tôi biết. Nhưng còn chuyện vợ ông giấu cái lọ sành, đổ ra chỉ thấy toàn sỏi là sỏi. Mạng nó phàn nàn với mạng tôi, cái lọ đó mà để trong nhà thì đúng là chẳng có được cái lợi lộc gì. Hơn nữa mạng nó vốn là người ưa sạch sẽ, bà đổ tất cả những thứ đó vào chuồng lợn. Bỗng dưng những viên sỏi đó sáng rực cả góc chuồng. Một thứ ánh sáng khủng khiếp và quái đản. Đêm nào mệ thằng Nước cũng nhìn thấy có một người con gái cứ về đòi bà phải trả lại cái lọ đó. Còn ông Báo không nguôi khùng giận, những thứ đã bỏ đi, bị làm uế tạp thì làm sao còn lấy lại được nữa. Mạng thằng Nước mới vỡ lẽ, trong những ngày bà chưa theo về làm vợ của ông, những viên sỏi phát sáng đó đã đón đợi ông như ánh trăng chiếu đường cho người nghèo lang thang. Nó giải toả nỗi buồn bực trong lòng ông. Với ông không có gì đẹp và ấm áp như những viên sỏi đó. Nó đã an ủi ông trong suốt những đêm dài cô quạnh.  Hãi quá, mệ thằng Nước đi gọi thày mo, thày mo làm lễ ba ngày chín đêm mà vẫn không khỏi ốm… Năm đó lũ rừng, mưa rừng, con suối hiền lành trước cửa nhà ông Báo bỗng chốc trở nên hung bạo, nước chảy xiết vùi luôn mạng nhà thằng Nước, cuốn đi.
Đêm nồng nực, chỉ có tiếng trẻ con bi bô học bài, tiếng lúa đập vào con lăn bồm bộp, ông Báo không nhận ra tôi. Lưng ông đã còng và bước đi chậm chạp. Ngôi nhà vách đất của ông lọt thỏm giữa những ngôi nhà ngói mới xây. Chỉ có cây núc nác già cao vóng, bây giờ là mùa núc nác ra hoa, những bông hoa của nó cũng kỳ dị, dầy bịch và giống như những quả chuông nhỏ rớt xuống sân giếng trơn rêu đỏ thâm như màu máu. Trên vòm cao, ở những cái núm thâm thẫm đã lấp ló quả non hình thanh kiếm. Ăn quả núc nác, người làng tôi chữa cho cái lưng đau luôn thẳng. Tôi tiếc cho ông Báo không bao giờ biết mùi vị nhặng đắng của nó. Ông báo ngồi rít thuốc lào sòng sọc. Tôi ngồi thả mình bên chõng. Ông nhìn ra xa. Tôi nhìn lên bầu trời. Trời trong. Sao dày đặc. Sao như vàng tấm sóng sánh trôi trong con suối. Tôi nhìn ông. Chân trời chợp chờn ánh chớp. Trời ngày mai chắc có mưa. Ông vẫn ngồi lặng nhìn vào xa xôi. Cả quãng đời ông tưởng như đã rơi vào quên lãng.
Đó là một thời xa xưa lắm, xưa như những câu chuyện cổ tích. Ông đốn tre trên rừng về qua khe nước. Tay chân sưng vù vì muỗi đốt, vì vắt cắn. Ông vục mặt xuống suối. Một vài giọt nước mát lành rơi lộp độp xuống tấm lưng để trần của ông. Đương dưng sao trời đổ mưa. Mới làm lễ xuống đồng kia mà. Đấy là ông thoáng chột dạ vậy thôi. Rồi tiếng nước ụp xoà. Tiếng con gái cười trong veo như nước suối trong trên đá xanh. Cười vô tư không hề vướng bận lo toan. Tiếng cười rất quen. Ông đưa mắt tìm quanh. Giật thót mình. Thôi đúng rồi, cô Sánh, cô Sánh con ông Lang xóm. Sao ông lại trở về đúng lúc cô ra suối tắm. Bất chợt gợi ông nghĩ đến trận đòn cột trong truồng trâu. Ông mường tượng ra cô Sánh sẽ lấp ló sau khung cửa sổ căm giận nhìn ông. Ý nghĩ làm bước chân ông lùi lại, vấp phải hòn cuội trơn, người ông ngã bệt xuống nước. Khuôn mặt cô Sánh bỗng nghiêm túc, gò má trắng mịn, mát mẻ như sương xuân bỗng ửng hồng như quả dâu da đất vừa độ chín. Đôi môi cô khép lại gọn ghẽ rồi nở ra cùng đôi mắt hạt bí là đà như con chim gọi bạn. Cái váy vặn lên quá nửa bung xoã như gim xuống mặt nước. Bất chợt cô bỏ chạy, phá lên cười. Tiếng cười như gim ông vào, cuốn ông đi.
Từ buổi đó, cô hay đà đưa con mắt hạt bí mỗi khi gặp ông. Mà ông cũng chỉ dám lấm lét liếc trộm vào cửa buồng của cô mỗi khi ông vác củi ngang qua. Hội phường sắc bùa năm đó cô Sánh đi hát đúm, ném còn ở làng bên. Cô đi từ tờ mờ sớm cho đến trăng khuya. Ông cũng phải lên rừng đốn gỗ từ khi con gà chưa đánh thức ông mặt trời. Qua con suối, bỗng dưng lòng ông dở chứng. Nó bắt cái chân ông quay lại. Và ông cứ ngồi ì ở đó cho đến trăng tà. Vu vơ buông câu đúm.
–  Ủn ý đẹp lắm, đẹp nhì. Thắm như bông chuối giữa rừng sớm mai…
Lời chưa rứt, bỗng có tiếng con gái cất lên:
– Eeng gia khoẻ đẹp lắm nhì. Lên rừng cọp sợ, xuống đồng lúa xanh, hoẵng dữ eeng bẻ cặp nanh, lúa xấu lá ổi bẻ cành trừ sâu.
Thì ra là cô Sánh. Tóc cô ướt đẫm sương đêm. Cô đặt cái lọ xuống tảng đá gần mặt nước. Cô giơ tay vẫy vẫy, quả còn rơi khỏi tay. Cô ếm bùa yêu cho ai đấy? Ông vừa rời khỏi phiến đá. Cô phá lên cười rồi bỏ chạy.
Mùa cơm mới, cô không còn kiếm cớ như vô tình đi qua nhà kho nữa. Người con trai bản khác đã về ở rể. Cô thường tiến thẳng đến chỗ ông, nhìn thẳng vào mắt ông, sai bảo ông đi bứt dâu da đất, sim rừng, ổi rừng. Cứ thế một lần, hai lần và ông quen như đó là công việc của ông vẫn thường làm trong nhà lang xóm. Khi con cuốc gọi ran ngoài ruộng, vòng dây xà tích đeo bên hông căng căng kéo cái váy hơi hếch lên là ông lang Bùi cho gả cô Sánh về nhà chồng lấy cả trăm đồng bạc trắng. Thời đó, mỗi khi nhà Lang có cưới gả, cỗ bàn, tất tật mọi người trong bản phải đến cống nạp và làm lụng. Suốt cả tuần trăng ông phải nằm trên rừng chặt sao cho đủ củi làm cỗ. Ông cứ làm hùng hục, quên ngày, quên đêm, không nghĩ ngợi, không muộn phiền. Bản mặt lúc nào cũng bằm bặm, gặp người quen, vui câu chuyện: Đũa mốc đòi gắp thịt công a? Lão lang Bùi đánh mày lệt cẳng mà mày vẫn thương con gái nó à? ông chỉ vu vơ cười.
Mùa thu, hoa dẻ nở trắng đồi, ông cùng đám người ở nhà lang lên rừng săn gấu, lấy mật làm cao. Mải theo con gấu chó, đám người bị lạc xuống đồn điền cà phê. Thấy toán người cu li đang dùng gậy gộc đánh đập quan cai tây. Khuôn mặt họ đằng đằng sát khí. Bị kích động. Trong lòng ông đã thức tỉnh một điều gì đó, cái điều đã làm cho những câm lặng trong lòng ông bỗng biến thành sự uất ức, và bằng hành động là sự đánh trả. Bàn tay ông đã nhuốm máu a? Ông Bàng hoàng sợ hãi. Làn gió đó đã cuốn ông đi, rủ rỉ với ông, khiêu khích sự thù hận trong lòng ông bằng bầu không khí hừng hực rung trời lở đất đang diễn ra ở mọi nơi, mọi chỗ. Chỗ nào ông cũng thấy những con người đầy sự bí mật, những người cu li bảo cho ông biết được ý nghĩa của cuộc sống, nỗi khổ nhục của những bần nông như ông đang phải trải qua. Làn gió đó đã thổi vào làng ông. Những con người sống bên ông họ không vui mừng, hồ hởi như khi được lang xóm thưởng cho một tấm vải mới hay bát cơm không độn ngô sắn. Họ tiếc những cánh đồng của bố mệ, ông bà họ bị xiết nợ. Họ thấy phải có bổn phận là người được uỷ thác, được vận mệnh sui khiến. Và họ nắm chặt hai bàn tay giơ lên, cùng với lời hô vang chắc nịch. Cầm con dao rựa đi rừng, cái liềm gặt lúa, cuốc xẻng và gậy gộc. Họ xông đến nhà chúa đất, lang xóm. Ông cũng lẫn vào họ. Cũng giỡ nhà, phá bếp. Thục vào buồng chia từng đụn thóc móc, thóc chăm. Tủi nhục, gia đình lang xóm bỏ làng đi. Mùa măng, ông đã dựng ngôi nhà nhỏ gần bên con suối thì Sánh về. Trên tay bế một đứa trẻ. Sánh đợi ông ở bên đống củi. Trời nhá nhem tối. Ông không thể nhận ra ún Sánh. Sánh gầy tong teo, xơ xác. Lòng ông cồn lên nỗi buồn khó tả. Tim ông nhói lên rồi thắt quặn.
– Ún quen chơi rồi, ún không biết làm gì để nuôi con.
Vứt trả thằng bé vào tay Sánh, mắt ông tối sầm.
– Không được, đừng bắt tôi phải nuôi nó.
– Ủn xin eeng gia. Nó chưa biết làm điều xấu, nó không có tội, eeng đừng bỏ rơi nó.
Sánh ngồi phịch xuống ngưỡng cửa. Sánh khóc, thằng bé cũng khóc. Sống mũi ông cay xè. Thằng bé có liên quan gì đến ông. Nhưng không biết tại sao nỗi băn khoăn cứ ở mãi trong lòng ông. Ông có nên đẩy Sánh vào nhờ vả người làng hay không? May ra. Chắc chẳng ai muốn rước cái phiền luỵ này? Ông không muốn thấy thằng bé phải sống trong cái cảnh bụng đói cợt rét như ông ngày xưa. Cơn xúc động ấy làm ông bối rối.
– Ủn chỉ biết nhờ eeng. Chỉ có eeng mới đủ lòng thương nuôi nó thành người.
Sánh đặt đứa bé lên đống củi, vội vã bỏ chạy.  Ông cũng tức tốc bế thằng bé đuổi theo. Không thấy Sánh. Ông lưỡng lự quay về. Trời đen kịt. Tiếng bắt cô trói cột rành rẽ, đơn độc ngoài bờ suối vẳng về. Không biết người cà nhắc như ông có nuôi nổi thằng bé không. Ông ẵm nó vào lòng. Nó im thin thít. Con mắt bé tin hin nhắm nghiền mọng nước. Nó lả vì mệt, vì đói, vì khóc nhiều.
Ông chọn cây núc nác làm mạng cho nó. Yểm bùa cho nó bằng chiếc lọ đựng những viên sỏi xuống gốc cây. Từ nay, nó sẽ là người nhà ông rồi. Núc nác là cây kỵ của nhà lang xóm mà. Mỗi mùa cây núc nác trổ hoa là ông lại buộc vào thân cây một cái lạt đánh dấu tuổi cho thằng Nước. Ông phấp phỏng chờ đợi. Nhưng con đường dài lắm, biết Sánh rẽ đường nào?
Đêm loãng dần, mênh mông, những chòm sao cô lẻ nhấp nháy.
Câu chuyện đã qua từ lâu, những ánh đèn bên nhà hàng xóm đã tắt từ lâu. Những chòm sao trên trời cũng tắt, chỉ còn ánh chớp loằng ngoằng báo hiệu ngày mai trời sẽ mưa. Ông Báo vẫn ngồi yên như khúc gỗ, thỉnh thoảng ông lại rít điếu cày sòng sọc. Tôi biết ông đang đợi thằng Nước. Ông nhớ tới ngày nó xin ông cho nó đi bộ đội. Hồi đó nó mới chỉ như con chim non mới ra ràng, rồi con chim non đó sẽ bay xa theo khát vọng của nó. Ông mừng vì nó không phải là giống chim cuốc, chỉ biết lủi sâu trong bụi rậm. Lúc ông nghe tin nó đã bắn chết một thằng tây, bắt sống thằng quan cai ngục, xông pha giải vây cho đại đội an toàn thoát khỏi gọng kìm của địch, được gặp Bác Hồ. Lúc ông lại nghe tin nó đã ra quân và sống một cuộc sống bình thường ở một phương trời nào đó. Nhưng ông không khỏi lo cho nó. Biết đâu đấy trong cuộc đời lại run rủi cho cánh chim bằng ấy bay về với ông. Để ông được trông thấy nó cao lớn, vững chãi. Lúc đó ông sẽ hì hụi đào cái nền lên, dốc hết mọi sức lực trong con người ông để tự tay lôi cái hòm gỗ lên. Cái khoá chôn dưới đất ẩm chắc chắn sẽ gỉ, ông có cố sức cũng không thể dùng kìm bẻ được cái lõi sắt ấy. Ông sẽ bảo nó giúp ông. Bằng sức lực đàn ông của nó, nó sẽ bẻ một cách dễ dàng. Tất nhiên nó sẽ ngạc nhiên và cho rằng ông lẩn thẩn khi nó đưa tay đón nhận những viên sỏi đen sì từ bàn tay già nua run rẩy của ông. Không đợi nó hỏi mà ông sẽ kể cho nó nghe câu chuyện ông đã trải qua và chờ đợi. Bằng trí tuệ của nó. Nó sẽ biết cách thắp cho những viên sỏi đó phát sáng trở lại. Chuyện cổ tích về cha đấy: Trước mặt các con của con, con lại bắt đầu kể chuyện về cha: Thuở xưa trên cõi đời này…
XUỐNG CỬA LÀ ĐƯỜNG
– Anh dậy trước nhá!
Đang ngái ngủ, Liên kéo tay Thanh ôm ngang eo mình.
– Cho anh dậy đi.
Liên mở mắt, ánh trăng hắt qua khe cửa. Cơn buồn ngủ vẫn kéo hai mí mắt sập lại, nhấc cánh tay Thanh vòng xuống lưng, có cảm giác ấm áp và được yêu thương, Liên nũng nịu.
– Không, anh nằm với em.
Nằm im được một lúc, lần này các ngón tay Thanh lại nhúc nhẫy, ngón trỏ luồn vào nách Liên.
– Buồn! Để cho em ngủ đi, em buồn ngủ lắm.
– Vậy anh dậy nhé.
– Không. Anh nằm với em cơ.
– Ghét nhất là vợ sáng dậy cứ hay nhõng nhẽo.
Liên làm ra vẻ giận dỗi, nhấc đầu ra khỏi cánh tay Thanh, xoay lưng rồi ôm lấy chiếc gối. Thanh rối rít lật người Liên lại đặt lên trán, tóc, cổ, tai, môi, mũi, mắt Liên những cái hôn.
– Cho anh dậy đi, cứ nằm trên giường anh không sao nằm được. Anh bảo nghe nào.
Những ngày này, dậy sớm chỉ khổ làm mồi cho muỗi. Liên thở dài đồng ý. Thanh chèn lại chăn cho Liên, nhón chân mèo xuống dưới nhà, mồi than vào bếp, nhặt thái rau thơm rồi loẹt xoẹt mở cửa. Gần nửa năm rồi, giá thực phẩm leo thang theo ngày. Đài báo ra rả suốt ngày các giải pháp khống chế lạm phát, bình ổn thị trường. Hàng bán ế ẩm. Lấy công làm lãi không khéo đong nước đếm hành trông trời mưa nắng, cuối ngày cũng chẳng bù nổi chỗ thịt bánh ôi chua. Không lẽ đóng quán, rồi lấy gì vơ vào mồm giữa tao đoạn củi châu, gạo quế này. Mà chờ vào đồng lương của chồng, trầy trật bao năm trời mới được vào làm ở một sở. Nhớ lúc chồng giơ tờ quyết định có đóng dấu đỏ chót ra trước mặt vợ. Chồng ôm vợ, vợ ôm chồng khóc tủi, khóc mừng vì đã tìm được một cái phao cứu sinh.
– Rót ra! Một chén nữa. Không, hai chén. Đầy chưa?
– Ngọn tràn xuống đất mọc thành cây rồi, bà cố. Tiếc thế. Tiếc đứt phừn phựt. Tiếc con vợ tôi…
– Nào. Cạch. Sao, sợ à? Đàn ông gì mà… Rót nữa ra đây! Ê, em lấy bảy cái chén nữa để chị chơi với cái thằng khóc vợ này. Đếch bằng con đàn bà. Rót nữa ra. Nữa. Đầy chưa?
– Rồi.
– Chấp bốn liền.
Từng chiếc chén bị đập xuống mặt bàn. Nghe rợn người, mà đúng hơn là nó lờm lợm trong cuống họng. Chồng Liên bỏ dở bát phở, cau mày dắt xe đi làm. Còn với Liên bây giờ, bất kể khách sang hèn, hay dở đều đem đến cho Liên miếng cơm.
Chị là khách ruột, lại là người cầm bó đuốc soi tỏ mặt một người sẽ cứu cô thoát khỏi cảnh thất nghiệp tù túng hiện nay, lẽ cố nhiên Liên phải tận tình, phải tạc lòng những món chị ưa thích. Như trong bát phở của người đàn ông đi cùng chị bắt buộc phải có hai lòng đỏ trứng gà chần tới chín. Một cốc và một chai voka loại nhỏ dành cho chị. Người đàn ông có cố tật hễ đặt đít xuống là cắm đầu cắm cổ sốc húp tới cạn đáy bát mới ngẩng mặt lên, thở một tiếng rõ to, rồi nghển cổ rót rượu cho chị. Hiếm khi lão cười. Hứng thú lắm lão chỉ khành khạch được vài tiếng và lớp cơ quanh mồm chẽ ra tý chút. Bản mặt bì bì dâm dục.
Hình như chị đang chọc tức lão, giả lả với thằng khóc vợ còi róc láu cá. Chị cầm cả nắm tóc hất ra sau làm dáng. Mà chị làm dáng với ai còn lại ở trong cái quán này? Với thằng đàn ông khóc vợ, lúc nào cũng ca cẩm vì cái sự mồ côi vợ của mình? Với thằng Mực khướt da bủng mặt thũng đứng đi lẩy bẩy như cua lột? Với lão đàn ông chất nghệ thuê nhà đầu ngõ chữa đồng hồ với bộ tóc buộc túm sau gáy như cái đuôi mèo, đeo cái xích bạc to đến chục cây sang sảng rao giảng những điều nhân hiếu tín nghĩa chính sự chính trường nhưng ăn nợ cả chục bát phở của Liên không chịu trả? Với người đàn bà to béo ụ ị, làm việc ở một công ty cổ phần nào đó chuyên bàn chuyện đánh lô đề cờ bạc. Hay với cậu thanh niên đẹp trai như minh tinh điện ảnh chủ cửa hiệu cầm đồ ngoài mặt phố?
– Mày không chấp nổi chị. Dẹp. Dẹp. Dẹp đi. Chị chấp cả bằng hai mày! Thách không?
Chị dậm chân, giơ tay. Người đàn ông đi cùng chị kéo cái điếu cày, bắn một viên thuốc lào, tiếng rít cụt lủn, rồi hắn khà khói, gờm gờm nhìn chị, tức tối.
– Em bái phục bà chị.
Thằng khóc vợ chắp tay nhũn nhặn, ẻo lả.
– Ăn đi bà trẻ!
Người đàn ông cầm đũa bểu sợi bún dài lõng thõng từ chiếc tô dưới bàn lên ngang mặt chị.
– Uống không?
Chị dốc ngược chén rượu xuống đất, gạt tay lão sang một bên. Lão dằn vào tay chị cái thìa.
– Mẹ mày. Ăn đi!
– A, hắn chửi mình chứ? Chấp luôn!
Chị cứ nhăn nhở dở cười, dở khóc, dở tỉnh, dở say. Lão giằng lấy cái chai đặt xuống gầm bàn. Sốc chị đứng lên, kéo lê ra cửa.
– Về!
– Bố đếch cần.
Chị vùng vằng. Người đàn ông giơ tay, giáng một tiếng “bốp” gọn lỏn như tiếng lốp xe nổ. Chị ôm má vuốt mớ tóc rối ra sau lưng, loạng choạng theo sau hắn, cố nhấn giọng nhỏ nhẹ.
– Chị không say, tính tiền cho chị đi em.
Liên nhận đồng bạc lẻ từ tay chị mà sự bực bội đã chẹn dầy tới cổ, nín nhịn lau đi di lại cái mặt bàn nhầy nhụa nước mỡ. Thằng khóc vợ vơ vội cút rượu, giả lả phân bua với Liên.
– Anh vợ chết, biếu cũng không thèm lấy cái loại đàn bà ngồi rạng đùi, rung chân, ưỡn ngực. Đã lười lại còn ngu. Thằng bồ đã ngu lại còn cục súc, ra ngoài đường liệu hồn với con Hạnh. Thằng này anh còn lạ gì, người yêu cũ, cặp từ hồi thằng chồng thứ ba con Hạnh đi tù…
Lão chất nghệ kẹp đôi đũa quệt ngang mồm, lắc ngược cái lọ tăm, lững thững đá chiếc ghế nhựa ra chiếc bàn cạnh cửa, ngồi vuốt ngược lọn tóc cứng cạu ra sau gáy, nhấp ngụm trà đặc bốc khói, đế vào:
– Ngẫm cổ nhân xưa có câu: Cây rung thì lá rơi, người rung thì phúc bạc. Nam mà rung chân thì cùng cực, nữ mà rung chân thì hèn hạ. Từ nhân tướng học mà nói, cắm mặt, chúi mồm, rung chân, ưỡn ngực là tướng phá tài. Thằng con con Hạnh dính nghiện bị bắt cùng lão xe ôm đầu ngõ lúc đang phát thuốc. Thằng kia đưa lên trại cai. Công an theo dõi lâu rồi, khám tới chỗ hiểm trong người những chục tép đấy.
– Muỗi bám cò con thôi.
– Bán lâu rồi nên mới có đủ tiền xây được nhà cơ mà. Lão này chưa xử. Năm nay lão sáu mốt. Tôi tra sách Tầu, hôm chủ nhật tuần trước lão rơi vào đúng ba cái xung. Lão là tham lấy một ít vốn giắt lưng an dưỡng lúc tuổi già.
– Anh mà đã buôn cái loại này thì phải lớn, không thôi, lao động thuần tuý bằng cái nghề chạy xe ôm có chết ai. Sống cảnh gà trống nuôi con mới khổ. Anh thương vợ anh nên anh phải rèn con anh. Tối qua con bé nhà anh rửa bát không rửa nồi. Anh gọi nó bưng nồi cơm ra, bắt nó ngồi khoanh chân, đặt cái nồi lên đùi. Anh xoáy nghiến một cái cho nó nhớ.
Liên thấy da thịt đau nhói như vừa bị hắn day nồi cơm lên đùi non. Liên ân hận vì bấy lâu nay cô đã thương vay cho cái sự tội nghiệp của hắn. Không ai ăn sung mặc sướng như vợ hắn lại đi thắt cổ tự tử. Đọc ra sự khinh rẻ trong cái nhếch mép của Liên, hắn ngừng nói, cắp cái mũ bảo hiểm, rạng một bước qua cửa, ngồi phịch xuống chiếc yên xe máy của hắn dựng sẵn mé đường.
Nắng xiên vào chỗ Liên ngồi, cô đứng dậy, nhích cái dù xa ngoài mép cửa, vô tình đụng phải xô cà muối của ả Hướn. Vẫn may, chiếc xô không bị xê lắc. Liên chỉ kịp nói lời xin lỗi thì ả đã đạp cái ô của Liên đổ vật xuống đường, phổng cổ tuôn ra cả rổ từ ngữ tục tĩu mà ả có. Liên lặng im tự nhủ việc lỡ tay của cô không đáng để cô bị xúc phạm. Lai lịch không mấy tốt đẹp của ả dọc ngõ phố này ai mà chả tỏ như bàn tay có bao nhiêu ngón. Từng là gái giang hồ, từng đi cải tạo phục hồi nhân phẩm rồi trôi dạt về đây thuê mét vuông mặt ngõ áp sát nhà Liên để bán dưa cà, xổ số. Tiếng là thế chứ ả muốn đong đưa với ai chỉ có ả biết. Cũng may là chồng Liên còn trẻ.
– Mày đừng cậy mày có nhà có cửa ăn hiếp kẻ tứ cố vô thân nhá, nhá! Hôm nay mồng một tao cũng chửi thề cho bánh xe nghiến mày chết dấp mặt xuống đường.
Liên nóng mắt nhìn trừng trừng vào cái bản mặt đỏ tía, cong cớn dưới vành nón định cất lời đôi co, nhưng cô đã kịp kiềm chế bởi dáng vóc một người rất giống Hoàng đang xách chiếc cặp số bước ra từ một chiếc xe con. Liên vội lùi nhanh vào trong quán chờ người đó đi khuất. Con mắt và trí óc của Liên cho thấy người đó không phải Hoàng, nhưng không hiểu sao trống ngực cô đập loạn xạ. Liên không muốn hình ảnh cô thôi thếch, tầm thường trong mắt anh. Trong lòng anh, hoặc chí ít anh đã từng nói cô là một người có tâm thế khác hẳn những người anh đã gặp.
Lúc quán vắng khách, Liên mua mấy tờ báo bán dạo đọc để tìm kiếm thông tin việc làm và để giết thời gian. Thấy các doanh nhân, doanh nghiệp nô nức áp dụng biện pháp kinh doanh lấy ngắn nuôi dài, Liên nghĩ thơ thẩn, họ cũng đành cầm cự vậy chứ biết tính sao. Giản đơn như cái quán bé tí tẹo teo của Liên cũng đến lúc dở trôi, dở chìm. Từ chỗ chỉ bán nửa buổi sáng Liên xoay sang mở cửa thông trưa, thông tối. Lòng dạ Liên đã ngấm sắt ngấm son lời mẹ dặn khi hai vợ chồng xin ra ở riêng “khéo làm thì no, khéo co thì ấm” mà sao vợ chồng Liên tính trước tính sau, tính nát tiền nát của cũng chỉ thấy gió lạnh tứ bề, đói nghèo túc trực. Chẳng gì chứ mấy năm Liên cung cúc nhon nhặt cũng có dôi dư, cộng với mấy năm lương viên chức còm cõi của chồng không tiêu đến gửi tiết kiệm rút về ngót ba cây vàng. Vợ bàn với chồng ra giêng ngày rộng tháng dài sửa sang cơi nới quán xá để Liên bán kèm đồ nhậu. Niềm tin còn nóng rực như lửa than trong lò không có nhẽ lại tắt ngấm tắt ngầm. Khởi đầu là giá thực phẩm, tưởng chỉ nhinh nhỉnh tí ti như cơn gió lành để còn nhắc nhớ cái mốc phân ranh giới năm mới năm cũ, ai ngờ qua rằm, hết tháng giá vẫn tung tăng bất tử. Liên cứ phập phồng già đoán non lo “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”. Trong ba tháng rong chơi đó lại vập vào cảnh trâu bò chết hàng loạt vì đợt rét đậm, rét hại kéo dài khủng khiếp nhất trên toàn miền bắc trong vòng năm mươi năm qua. Liên tiếp các đợt dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm và rồi có lệnh cấm bán hàng ăn chín vì dịch khuẩn tả quay trở lại có nguy cơ bùng phát đại dịch. Người ta không cho bán thì Liên đóng cửa chứ hà cớ gì mà rắc vôi bột lung tung đầy quán nhà Liên. Chưa hết hoang mang, Liên lại giật mình bàng hoàng trước cơn sốt giá vật liệu xây dựng. Mới chiều hôm cầm tờ báo giá, hai vợ chồng hì hụi tính dọc, tính ngang, tính lên, tính xuống, sáng hôm sau cửa hàng đã chìa tờ báo giá mới, mỗi loại vật liệu tăng gấp ba bốn lần, Liên nghe giải thích mà tai lung bung như bị người ta gí còi ô tô thổi bung màng nhĩ. Đồng tiền cầm trong tay cứ mấp máy không yên. Liên không biết nên dùng vào việc gì, mua vàng hay gửi tiết kiệm cho đồng tiền không bị chết kẹt trong thời điểm giá cả bùng phát.
Người đàn bà béo ụ ị làm ở một công ty cổ phần chuyên bàn chuyện lô đề khuyên Liên nên đầu tư vào chứng khoán. Chứng khoán thì Liên có nghe nói nhiều và tận mắt thấy nhiều người được tiền chục, tiền trăm, thậm chí tiền tỉ, xây nhà ba bốn năm tầng, mua xe máy, ô tô chạy mát gáy. Chơi lớn, trúng lớn, bán lớn dư tiền đóng cổ phần, đầu tư bất động sản, thành lập công ty… Nhưng Liên vẫn thấp thỏm hoài nghi, tại sao cổ phiếu niêm yết trên sàn cứ dựng lên, trọc xuống liên kỳ hồi như tần số hình sin gấp gáp trên máy đo nhịp tim của bệnh nhân trong bệnh viện. Những chớp xanh chớp đỏ trên sàn giao dịch chậm hơn không đáng là bao so với bộ đèn nhấp nháy trang trí trên cây quất nhà Liên. Chị béo nói
– Đời không ai giầu ba họ, ai khó ba đời, đầu năm vợ chồng em đen hai vố chứ đâu có rủi tới lần thứ ba, cổ phiếu đang ở mức kịch sàn rồi. Nghe dại chị một lần đi, đảm bảo, dăm bữa nửa tháng kinh tế ổn định giá cổ phiếu sẽ tăng như diều gặp gió, lúc đó không thích chơi, em bán khối người mua!
Nghe chị bày đường chỉ lối mà Liên thấy vận may đang đứng trước cửa ngõ nhà mình.
– Nếu, lỡ gì nữa, ghét nhất em là hay có cái tính do dự.
Thanh cáu thì Liên làm mặt giận:
– Của một đồng, công một nén chứ em sao không lo cho được.
Thanh quả quyết thì Liên nghe. Cuộc chuyển nhượng êm như gió thoảng qua tai. Liên mở tủ, lấy gói tiền cất kỹ giữa mấy tầng chăn bông đưa cho Thanh. Thanh cẩn trọng đếm từng tờ đặt vào tay chị béo mà niềm vui hân hoan như sắp lĩnh giải độc đắc. Mỗi ngày trôi qua bảng báo giá trên sàn giao dịch rặt một màu đỏ lừ. Nghe đài báo dáo dác phanh phui những doanh nghiệp đã không tôn trọng người đầu tư, mập mờ, gian lận và kinh doanh không đúng mục đích. Liên nghe khách hàng vào quán kháo nhau về chị béo chuyên bàn chuyện lô đề chứng khoán đã cao chạy xa bay. Rồi anh khóc vợ đến quán Liên rên rỉ, ỉ ôi không phải chuyện tiếc vợ, dạy con mà là cái thằng công tử điển trai cầm đồ đầu ngõ cho bọn đầu gấu đến ném cứt vào nhà vì chót vay lãi nó ít vốn để hùn hạp làm ăn với mụ béo. Liên có cảm giác như người cô bị chị béo nhấc bổng lên chiếc xe đứt phanh ngay đoạn đường đổ đèo, đành ngồi ôm vô lăng ngẩn ngơ rơi theo cái chỉ số thăm thẳm không biết tới đâu là kịch sàn. Thanh vỗ về an ủi Liên
– Thôi em ạ, mình dại, mình tự nguyện móc túi biếu người ta chứ có ai thò tay giật miếng cơm trong họng mình đâu mà oán thán.
Thì của rơi ruột đứt chứ Liên đâu dám ca thán một lời với ai. Liên ngồi tư lự nhìn dòng người tấp nập ngược xuôi như đàn kiến chạy bão ngoài cửa mà lòng buồn tiu nghỉu không khác gì khuôn mặt những bà mẹ hàng buổi dắt con vào quán ăn.
– He, he, cho con bát phở đi cô! Buồn gì mà như trượt cổ phiếu vậy?
Liên giật mình, Toan cười nhăn nhở. Đón bát phở từ tay Liên nó lại cười, nụ cười cảm ơn, như thế Liên thấy dễ chịu hơn. Đàn bà con gái gì mà chè thuốc đến nỗi vàng xỉn cả bộ răng. Ăn xong, Toan lấy tờ giấy lau miệng, pha ấm trà mới, ngồi vắt chân chữ ngũ nhìn Liên chặt xương bò làm nồi nước dùng mới.
– Có một cửa hàng rộng bốn chục mét vuông, có gác xép, ngõ rộng ngang bằng ngõ nhà cô, không có vỉa hè, xuống cửa là đường, được lợi thế trước cổng chợ, giáp khu công nhân may, gần trường học, so với thời điểm này giá ưu đãi năm chỉ một tháng, hợp đồng sáu tháng, trả trước ba tháng. Giá một bát phở kèm quả trứng vịt lộn gấp rưỡi giá ở đây. Cô chú có ý định thuê không để cháu đến làm hợp đồng giao kèo cho. Còn cái quán này, theo cháu cô cho quách sinh viên thuê mèng cũng được đôi triệu một tháng.
Nhắc vụ cổ phiếu, cổ pheo ruột gan Liên lại rối bời, xa xót. Cô chưa từng đi thuê nhà nhưng có thiếu đâu cám cảnh trớ trêu, bi hài. Bán buôn cũng như người đi câu, lúc chưa vực được vốn gặp người chủ lật lọng đòi lại nhà thì biết kêu ai, pháp luật nào đảm bảo quyền lợi cho Liên. Liên chù chừ bảo.
– Vợ chồng cô nhẩn làm nhẩn ăn thôi.
– Khiếp, cô nói thân phận ghê cơ. Cháu hận mẹ cháu cô ạ. Người ta xảy nhà ra thất nghiệp còn chúng cháu mất nhà ra bụi đời.
Toan ngồi thừ ra, vẻ mặt bất cần đời đến tội nghiệp. Nó châm một điếu thuốc, hút. Tuy có họ có hàng với chồng Liên nhưng cô không bao giờ hỏi chuyện gia đình họ. Bởi Liên nghĩ những người đã chịu cảnh éo le thì không muốn người khác thương hại. Nếu lòng thương không đủ lớn lao thì chỉ gieo giắc thêm lên nỗi bất hạnh của họ mà thôi. Im lặng được một lúc, giọng Toan lại chua chát.
– Thằng Toán nghiện ngập là do mẹ cháu tất. Mẹ cháu có tư cách gì để dạy bảo nó. Chúng cháu đứng đường cả năm nay rồi. Ông bà ngoại cho một mảnh đất, mẹ cháu lấy ba đời chồng, cặp một thằng bồ nữa là bốn, mỗi đời chồng, sắn một mảnh bán ăn tiêu dần. Nhà cầm đồ, nhà kinh doanh vàng bạc, nhà buôn gạo và mới đây là nhà của ông giám đốc một sở nào đó. Mấy cái nhà bốn, năm tầng đều là đất của nhà cháu tất tuột. Lần bán cuối cùng được gần một tỷ sang bên Thăng Thiên mua một căn hộ tập thể ở được vài năm thì bị giải phóng mặt bằng làm đường. Họ phát xê sang khu tái định cư tận Cống Mục cách trung tâm thành phố ba bốn chục cây số, mới đầu nhà thầu nói là xây cho những hộ nghèo giờ thành khu chung cư cao cấp. Giá cao chót vót. Ba bốn trăm triệu của nhà cháu có nằm cũng không dám mơ. Mẹ cháu tiêu pha phung phí đi rồi không biết có còn nổi hai trăm triệu? Cháu mà bắt gặp đèo nhau vào nhà nghỉ để mẹ cháu trả tiền thì cháu đâm chết luôn. Cháu uất lắm cô ạ. Nhưng lúc bình thường nghĩ tới con cháu thì cháu mới để cho yên như thế. Giờ đi đâu mẹ cháu chẳng nói sĩ là được mượn ở mấy gian nhà chung cư không có người mua đó. Họ cho ở dưới gầm cầu thang ấy. Không điện, không nước, đêm nghe chuột rích mà sởn dựng tóc gáy. Mỗi lần vào chơi với cô, trông đất nhà mình mà tiếc ngẩn ngơ cô ạ.
Nó chao chát nói liên hồi như thể tìm được đúng chỗ để xả hận rồi lại châm điếu thuốc mới, rít lèo một hơi đến bỏng cả ngón tay. Nó hong vạt váy rẩy mẩu tàn rơi tọt trong chiếc cổ váy hai dây trễ nải đến tận mỏ ác. Nó ngồi so vai, vươn cái cổ gầy nhẳng như cò đói mò mồi. Thương con bé ở trong tình cảnh khốn đốn, phiêu bạt khiến Liên nhớ lại hôm chị Liễu ăn uống thừa mứa ở quán nhà Liên, lão chất nghệ có túm tóc đuôi mèo phán một câu xanh rờn “tướng do tâm sinh”. Lão ta hỉ hả dạy đời tên khóc vợ. “cứ trông cái điệu bộ con Hạnh chúc đầu, đua mồm đến chỗ bát phở mà húp, tay trái không biết nâng bát phở lên để ăn, lại còn dúi xuống ôm lấy cái ngã ba cho hai đặp đùi rung bần bật chỉ có là loại họa phúc, nghèo khổ cả đời, chớ dại mà bập vào”.
Quá trưa không còn một bóng người đi lại, Liên đóng cửa quán, leo lên gác. Gác xép chỉ đủ trải một cái chiếu, kê một cái tủ tạm và cao vừa khít cái đầu của chồng Liên. Nắng tháng tư, oi ngột, mồ hôi dấp dính thịt da. Liên càng thấy hừng hực trong người. Cô quên hết mọi âu lo thường nhật. Trong tâm trí của Liên cứ lởn vởn cảnh sống vất vưởng của gia đình chị Hạnh. Mọi sự cảm thông bấy lâu nay bỗng tan biến sạch trơn. Và cả cái Toan nữa nó cũng đang rơi theo vết trượt dài của mẹ nó. Hai mặt con, hai đời chồng không hôn thú, không một lần được bước lên xe hoa. Càng trách cứ chị Hạnh bao nhiêu Liên càng xót thương mấy đứa nhỏ con cái Toan bấy nhiêu. Cách sống vô tình hàng ngày hàng giờ phô bày ngược đãi trước mắt con trẻ bao nhiêu thì nỗi tủi hận càng chai sạn, mù mịt đeo đẳng suốt cuộc đời con người bấy nhiêu. Liên nhớ như in hình ảnh hai đứa trẻ một lên bốn, một lên năm con cái Toan được bà ngoại dẫn đi ăn phở. Thằng em vừa ấm ức khóc vừa khuấy vớt những sợi bánh trong bát nước đầy vì bị thằng anh đổ ụp cả bát nước phở ăn thừa vào. Hai đứa hai dòng máu sinh thành, tuổi thơ của chúng không nhà trẻ, không bạn, không cha. Từ lâu Liên muốn nói với chồng nên nhận một đứa bé về ở với mình, nhưng dền dứ mãi. Liên đặt tay lên vai chồng định nói thì Thanh bảo:
– Hay em tạm nghỉ bán hàng, rồi chúng mình sẽ tính sau.
Nghỉ ư? Nỗi lo toan lại trĩu nặng trên gương mặt Liên. Tính theo thời giá bây giờ lương của chồng chưa đủ dăm chục cân gạo, rồi còn biết bao thứ phải chi tiêu, ấy là Liên còn lo xa mấy công ty điện, nước đang đệ tờ trình xin tăng giá. Ngày trước, có chút vốn liếng dắt lưng mẹ cho con gái đi lấy chồng, Liên tính chuyện lo cho chồng có công việc trước rồi gồng vợ theo sau. Thời buổi nay không ai nói chuyện bằng nước lã, mà nước cũng còn phải mua nữa huống gì bàn chuyện xin việc cho Liên. Vợ chồng Liên may mắn hơn nhiều người vì còn có căn nhà rộng đủ mười lăm mét vuông là của hồi môn cha mẹ để lại. Không nhà mặt đường, không có khoảng sân nhỏ trước cửa nhưng cũng không phải ở sâu, ở cao trong ngách, ngạch, ngóc, ngọn. Chờ đợi rỗi dài một năm không xin được việc, Liên đi làm không công ba tháng cho nhà bán phở đầu ngõ, rồi họ chuyển sang bán cà phê vườn. Người đàn bà tốt tính đã truyền lại cái nghề bán phở gia truyền ấy cho Liên với một niềm hy vọng nhỏ nhoi “nhìn tướng biết người”. Liên thở dài ghí yêu vào trán chồng, hài hước bảo:
– Anh đừng vội thấy nước nổi là bèo cũng nổi đâu nghe!
Tít, tít. Liên với tay qua người chồng lấy cái điện thoại, mở tin nhắn “Khi nào em mới chịu gặp anh” “Em chưa biết, rất có thể… mà tuần này em bận mất rồi”. Nếu gặp Hoàng, Liên sẽ nói gì nhỉ. Em chưa sẵn sàng ư? Không! Hay chỉ nói những câu chuyện viển vông, mây nước? Càng không nên. Những vui, những buồn, những mê say, khát vọng anh đã tâm sự hết với Liên nếu không phải ba lần trong tuần thì cũng một lần trong ngày. Lại tin nhắn “Khéo lúc gặp anh em đã quên mặt…” Liên mỉm cười để điện thoại sang một bên không phải vì Liên không có câu trả lời mà vì Thanh đang nắm, nắn ngón tay xương xương có đeo chiếc nhẫn cưới của Liên, bảo:
– Hay anh cho em đi lấy chồng nhé!
Liên hơi chột dạ, nói cứng:
– Em vẫn nhớ như in anh bảo yêu đùa, lấy chơi, sống thử.
– Lấy người khác có tương lai hơn.
– Anh hết yêu em rồi phải không?
Liên dằn dỗi, nước mắt rơm rớm.
– Anh đùa tý thôi mà, ghét vợ quá thế.
Thanh vuốt tóc Liên, đặt một nụ hôn ngọt ngào lên đôi môi đầy đặn của cô.
Đúng là trong Liên có sự xáo động. Sự xao động ấy xuất hiện ngay từ buổi đầu tiên Liên gặp Hoàng. Hồi ấy nghe chị Hạnh giới thiệu. Liên không ảo tưởng nhiều về công việc và lòng tốt còn hiếm hoi như tìm một dòng sông sạch giữa lòng thành phố. Chính sự từng trải đã làm cho Liên thấy cần phải thận trọng hơn. Nhưng chị sốt sắng quá nên Liên cũng theo chị đến cơ quan Hoàng. Buổi gặp đầu tiên đủ để Hoàng biết những vướng mắc của Liên. Rằng Liên tốt nghiệp đại học, đã có chồng và hiện đang ở nhà… Liên cũng nắm được một số thông tin cơ bản về Hoàng. Trước lúc chia tay Hoàng nhấn mạnh thêm một lần nữa “Anh rất có cảm tình với em”. Bằng ấy từ đã làm lòng Liên ấm áp và lấp lánh niềm hy vọng. Đèo Liên về nhà, chị Hạnh bảo “Em tuyệt nhiên không được nói với chồng là anh ấy quý em, nghe chưa! Còn khi đã được đi làm rồi chỉ cần cho chị cái xe máy”. Liên ngập ngừng nói với Thanh:
– Có lẽ em sẽ đến gặp anh Hoàng, hỏi xin việc anh ạ.
Tít tít, Liên mở tin nhắn “Thời gian không phải của em, chỉ đơn giản là anh rất muốn làm một điều tốt cho em, em đến nhé!” Chồng kéo tay Liên bảo:
– Gãi lưng anh với, gãi chỗ này, nhanh lên em, ngứa quá!
Liên cảm thấy chan chán một cái gì đó, và Liên không sao gạt được sự so sánh ra khỏi đầu. Lời mẹ cô phảng phất “Người đàn bà bỏ chồng là người đàn bà thất đức”. Liên tự nhủ. Đúng là Liên chưa bao giờ nghĩ sẽ yêu mến một người đàn ông nào khác ngoài Thanh. Liên nhắn “Có lẽ em sẽ an phận với nghề bán phở”. Tin lại “Mỗi ngày hãy biết tạo cho mình một niềm vui nho nhỏ” Liên không biết mình đã chấp nhận cuộc sống mòn mỏi, đơn điệu, nhàm chán và chìm lấp từ khi nào.
Gom tất cả những đồng bạc lẻ thu lượm trong ngày, cô dự định bán xong bát phở cho cậu sinh viên rồi ra chợ mua hàng. Không hiểu tại sao dạo này Liên thấy lòng mình hướng về ai cũng nhân ái hơn, cũng thấy họ đang phải vật lộn với biết bao nỗi khổ, những nỗi khổ không vay mượn của ai. Những con người ở ngõ phố nhà cô, những người sống quanh cô, những thân phận như những hạt bụi đường cô độc, lăn lóc, va chạm, trộn lẫn, để liên tiếp tạo ra những cơn bão xô đẩy, tung hứng, cộng sinh làm nên số phận cuộc đời họ. Và rồi họ vẫn chỉ là những hạt bụi lăn lóc, nổi trôi giữa phố phường. Nhìn cậu bé gầy gò là Liên lại tưởng tượng ra cảnh nó sống xa nhà, túng thiếu, học hành vất vả. Cô làm cho nó một bát phở thật đầy và thấy vui. Có tiếng chuông điện thoại, cô leo lên gác xép nghe điện, khi quay trở xuống, cậu sinh viên, không phải, thằng nghiện đã không còn ở quán, tảng thịt bò cũng không cánh mà bay, rồi mấy đồng bạc lẻ của cô cũng trốn kỹ ở góc nào? Cô chạy ra cửa, ngó ngược ngó xuôi. Ả Hướn nguýt xéo Liên một cái rõ dài. Chồng Liên gắt gỏng:
– Có mỗi việc trông nhà cũng không nên.
Ấm ức, buồn nản, Liên leo lên gác xép nằm. Nghĩ, vợ chồng tự do yêu nhau, tự do chọn lựa, lấy nhau khi thấy tình cảm đã chín mùi, tưởng là bền chặt thiên thu, nhưng khi về ở với nhau không biết nâng niu chăm chút, hạnh phúc cũng chỉ mong manh như tàn tro của đồng tiền âm phủ bay lơ lửng giữa dòng người. Thở dài, cô cầm xem điện thoại, máy báo có một tin nhắn mới “Em chưa đi đến tận cùng sự thất nghiệp, em chưa biết hết giá trị…” Mắt Liên nhoè đi, tự chất vấn mình. Xét cho cùng Liên không phải loại đàn bà lười nhác mà sao Liên vẫn thấy cuộc sống khó khăn thế. Liên chấp nhận cuộc sống mòn mỏi, đơn điệu, nhàm chán để được cái gì. Cố gắng nén lại mọi cảm xúc, Liên nhấn số máy của Hoàng, gọi “Em đang thất nghiệp, có lẽ em sẽ làm phiền anh…” đầu dây bên kia “Em thông cảm, anh đang chủ trì một cuộc họp quan trọng…”. Cô thấy đất đang sụt lở dưới chân mình.
Liên đăng nhập một trang web tìm việc. Mở email thông tin cá nhân, thấy có ba bốn lời mời làm việc tại công ty… mức lương thoả thuận. Liên cân nhắc rồi gửi hồ sơ đến một công ty truyền thông đa phương tiện. Khi phỏng vấn, người trưởng phòng nhân sự hỏi:
– Chị nghĩ gì khi làm việc ở đây?
Nhớ có lần Hoàng bảo “Ngày xưa anh cũng lạc hậu như em. Lớp trẻ bây giờ làm vài ba chỗ ở các công ty tư nhân, kiếm một chút vốn để ổn định cuộc sống rồi mới xin vào làm nhà nước, lúc đó đã có nhiều kinh nghiệm” Liên trả lời:
– Tôi muốn công ty được phát triển dài lâu!
Mỗi ngày đi làm dắt xe ra khỏi nhà, bước chân xuống đường, Liên lại nhớ có lần Hoàng bảo “Phải tự biết làm giàu cho mình em ạ. Tức là giàu có về tiền của, giàu có về trí tuệ và giàu có về tâm hồn”.
Chị Hạnh báo tin cái Toan lại có bầu với một thằng cha căng chú kiết nào đó. Mỗi buổi đi làm về, Liên vẫn gặp thằng bé chạy dọc ngã tư, rao bán kết quả xổ số “Ai kết quả đây”. Tiếng nó lanh lảnh giữa mịt mù xe cộ, rồi mất hút sau lưng Liên. Từ ngày Liên nghỉ bán hàng, Thanh đem cái giường cưới ngày trước vì chật chội anh đã tháo ra, xếp gọn trên gác xép, lau rửa sạch sẽ, đóng chặt từng kẽ mộng, kê dưới nhà, Liên chỉ lên gác xép khi phơi phóng quần áo và đôi lúc đứng nhìn những giò phong lan đu đưa dưới ánh điện đường. Những lúc ấy Liên lại ước một ngày mai. Một ngày mai chỉ có Liên và Thanh và một đứa trẻ vui đùa cùng thằng bé len lỏi giữa mịt mù xe cộ.
21/1/2024
Phạm Thị Duyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...